Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

13/1/16

Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học (Dona - Techno) tại thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai chương trình liên kết với nông dân làm tiêu sạch. Hiện chương trình đã thu hút được 53 hộ nông dân tại các tỉnh, như Đồng Nai, Đắk Nông, Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu... với diện tích khoảng 60 ha.

Tham gia chương trình, nông dân được Dona - Techno cho mua gối đầu thuốc phòng trừ dịch bệnh; hỗ trợ về thuốc và quy trình kỹ thuật trị bệnh chết chậm trên cây tiêu. Dona - Techno cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tiêu sạch với nông dân với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Hiện doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng mô hình liên kết với nông dân để nhân rộng diện tích trồng tiêu sạch trên nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Ông Trần Văn Tánh, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) cho hay, từ thực tế sản xuất, một số nông dân nhận thấy tác hại của việc lạm dụng phân bón hóa học, các loại thuốc trừ sâu, bệnh độc hại nên dần chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ, ưu tiên sử dụng phân chuồng, thuốc sinh học. Thời gian đầu, sản phẩm sạch vẫn bán cho thương lái với giá hàng thường nên đa số nông dân vẫn giữ tập quán sản xuất cũ. Chỉ khi có doanh nghiệp về lấy mẫu thử nghiệm, vườn tiêu nào đạt chuẩn an toàn sẽ được ký hợp đồng bao tiêu với giá cao. Từ đó đã thuyết phục đông đảo nông dân đầu tư theo hướng sản xuất an toàn.

Huyện Cẩm Mỹ đang triển khai các dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hạt tiêu an toàn, thu hút nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia đầu tư. Trong đó, có cả các doanh nghiệp chế biến hoặc xuất khẩu nông sản của Ấn Độ, Đức, Nhật Bản... đã tìm đến hợp tác xã đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm cho thị trường xuất khẩu.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, Đồng Nai có diện tích trồng hồ tiêu khá lớn (12.120 ha); trong đó diện tích thu hoạch 8.383 ha, với sản lượng khoảng 18.000 tấn.

 Sản xuất hồ tiêu tại tỉnh Đồng Nai khá thuận lợi cả về điều kiện tự nhiên và giá bán khá cao. Giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân là gần 9.700 USD/tấn (khoảng trên 200 triệu đồng/tấn). Giá hạt tiêu đen tại Đồng Nai đang dao động từ 190 đến 194 nghìn đồng/kg. Theo các thương lái, chất lượng tiêu ở Đồng Nai tốt hơn nhiều tỉnh khác vì hạt lớn, đồng đều nên nhiều doanh nghiệp chọn mua tiêu của Đồng Nai về để làm tiêu sọ xuất khẩu. Hiện nay, thị trường Nhật Bản đang nhắm đến hồ tiêu Đồng Nai. Đó là thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không tồn dư hóa chất và vi sinh vật hại.

Bà Võ Thị Hồng Thúy, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, sản xuất hồ tiêu hữu cơ đem lại nhiều lợ ích cho nông dân, đây cũng là một hệ thống kỹ thuật khai thác hợp lý nhất tài nguyên thiên nhiên, kết hợp kinh nghiệm truyền thống với các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng hồ tiêu, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái nhằm phát triển hiệu quả và bền vững ngành hàng hồ tiêu. Vì vậy, với một tỉnh có diện tích hồ tiêu đứng thứ 2 của Việt Nam, cần có các giải pháp kịp thời để phát triển hồ tiêu theo hướng nông nghiệp hữu cơ bền vững về quy mô, sản lượng và chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Theo bà Thúy, trước thực trạng khả năng xuất khẩu hồ tiêu còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu, để tạo thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hồ tiêu của địa phương, nông dân nên tham gia tích cực vào các mô hình kinh tế tập thể sẽ tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn và có chất lượng đồng đều, đủ điều kiện để thực hiện ký kết các hợp đồng lớn với doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, việc áp dụng sản xuất hồ tiêu hữu cơ bền vững đang là đòi hỏi thực sự và cấp bách của người trồng ở Đồng Nai./.

Theo TTXVN
Categories:

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com