Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

28/1/16

Ảnh minh họa
Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu (XK) 135.000 tấn hồ tiêu, thu về 1,26 tỷ USD, giảm 13% về lượng nhưng tăng 5% giá trị so với năm 2014. Đây cũng là năm XK hồ tiêu đạt kim ngạch cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam 15 năm giữ vững vị trí số 1 thế giới về XK hồ tiêu. Giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 9.335 USD/tấn, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Hiện hồ tiêu Việt Nam có mặt ở 100 quốc gia, lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Singapore, với gần 36% thị phần. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (gần 36%), Hàn Quốc (gần 33%), Tây Ban Nha (hơn 31%) và Anh (hơn 30%). Dù thống lĩnh thị trường trong nhiều năm liên tục nhưng ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn tồn tại những yếu tố bất ổn, nguy cơ phát triển thiếu bền vững. Thời gian qua, nhiều địa phương bùng nổ về diện tích hồ tiêu, người dân chặt bỏ một số loại cây trồng khác để trồng hồ tiêu, dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch ngành hồ tiêu.

Trong quy hoạch phát triển hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha, sản lượng đạt 140.000 tấn/năm. Nhưng hiện nay, diện tích hồ tiêu hiện đã đạt khoảng 86.000 ha. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng dự báo diện tích hồ tiêu cả nước có khả năng sẽ vượt con số 100.000 ha. Theo các chuyên gia, điều này dẫn đến nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc sản xuất ồ ạt sẽ khiến nguồn cung trên thế giới dư thừa, hồ tiêu Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro trong tiêu thụ.

Nhiều ý kiến cho rằng ngành hồ tiêu muốn duy trì “ngôi vương”, về lâu dài, phải khống chế được diện tích, không để phát triển nóng, bùng nổ như thời gian qua. Bên cạnh đó, cần tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến, chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Muốn làm được điều này, Cục Bảo vệ thực vật phải dứt khoát loại bỏ một số thuốc bảo vệ thực vật có thành phần hóa học mà các nước nhập khẩu hồ tiêu không cho phép, trong đó đặc biệt có những hoạt chất như carbendazim, cypermethrin, metalaxyl. Cần sớm hoàn thiện quy trình GAP cho hồ tiêu, tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân sản xuất sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

P. Thảo
Theo Bình Phước Online

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com