Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

21/4/16

Nhằm đồng hành và hỗ trợ bà con nông dân hoạt động trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác cây hồ tiêu tại Đăk Lăk và Gia Lai, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) vừa chính thức triển khai sản phẩm “Cho vay đầu tư, chăm sóc cây hồ tiêu”.

Sản phẩm áp dụng đối với các khách hàng có hoạt động trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác cây hồ tiêu ổn định, liên tục từ 12 tháng trở lên hoặc khách hàng có kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng, khai thác, chăm sóc cây hồ tiêu tối thiểu 24 tháng tính đến thời điểm vay vốn.
Theo đó, các cá nhân và hộ gia đình hoạt động trồng, chăm sóc, khai thác cây hồ tiêu tại Đăk Lăk và Gia Lai có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay của MB để trồng mới, tái canh, chăm sóc vườn cây hồ tiêu hoặc đầu tư tài sản cố định.

Chương trình áp dụng mức cho vay tối đa của sản phẩm lên tới 85% nhu cầu vốn với lãi suất cạnh tranh, thời gian cho vay tối đa lên đến 120 tháng phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của cây hồ tiêu và nhu cầu của khách hàng.

Cụ thể, với hoạt động cho vay trồng mới tái canh, mua mới vườn cây, MB sẽ cho vay 80% nhu cầu vốn trong thời gian 60 tháng.

Với hoạt động cho vay đầu tư TSCĐ, MB cho vay 85% nhu cầu vốn trong thời gian 120 tháng.

Với hoạt động cho vay chăm sóc vườn cây, MB cho vay 80% nhu cầu vốn trong thời gian 12 tháng.

Với sản phẩm “Cho vay đầu tư, chăm sóc cây hồ tiêu”, MB mong muốn mang lại giải pháp tài chính tối ưu đồng hành cùng bà con nông dân ngành hồ tiêu đồng thời góp phần phát triển ngành nông sản mũi nhọn tại địa phương.

Để biết thêm thông tin chi tiết, khách hàng có thể liên hệ Trung tâm dịch vụ khách hàng 24/7: 1900 5454 26  hoặc các phòng giao dịch của MB tại Đăk Lăk và Gia Lai.

A.H
Theo Thời Báo Ngân Hàng
Tin từ Phòng NN-PTNT Châu Đức cho biết, toàn huyện hiện có 5.371ha hồ tiêu, năng suất bình quân ước đạt 18 tạ/ha. Thời gian gần đây, hạt tiêu đen Việt Nam bị một số thị trường nước ngoài cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, làm giá tiêu trong nước giảm mạnh, thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 20 ngàn đồng/kg, dao động ở mức 140 ngàn đồng đến 160 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá bán trên người nông dân trồng tiêu trên địa bàn vẫn có lãi.

Được biết, đã có 3 DN liên kết với nông dân triển khai các dự án sản xuất hồ tiêu sạch trên diện tích gần 500ha. Việc liên kết theo hình thức nông dân sản xuất theo quy trình được DN cấp chứng nhận, bao tiêu sản phẩm, bán giá cao hơn giá thị trường từ 1%-2%.

ĐAN CHÂU
Theo Báo BRVT

Nhiều vườn hồ tiêu ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang trong tình trạng khô hạn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm tiêu hạt và sự phát triển của cây tiêu.
Nhiều vườn hồ tiêu ở Phú Quốc khô hạn nặng. Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Minh Trực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc cho biết: “Hàng chục hécta hồ tiêu trên đảo Phú Quốc đang ra trái bị khô hạn, thiếu nước tưới nghiêm trọng tập trung ở các xã Cửa Dương, Bãi Thơm và Gành Dầu.

Các giếng khơi, khe suối tại những khu vực đó hầu như không còn nước để tưới hồ tiêu và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nếu thời tiết khô hạn, nắng nóng tiếp tục kéo dài thì tổng diện tích hơn 500 ha hồ tiêu trên đảo không những giảm năng suất, chất lượng tiêu hạt vụ mùa này mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của cây tiêu trong mùa vụ tới”.

Tận mắt chứng kiến vườn hồ tiêu hơn 2.000 bụi đang “khát nước” của nông dân Trần Văn Lợi, ấp Khu Tượng, xã Cửa Dương (Phú Quốc) mọi người không khỏi sốt ruột.

Cả vườn tiêu héo hắt thiếu sức sống, chuyển sang màu vàng và rụng lá, quả non dưới cái nắng đổ lửa như thiêu đốt. Tiêu đang ra trái xanh, nhưng gia đình ông Lợi buộc phải hái sớm nên hạt không căng, độ cay, nồng thơm kém xa so với thu hoạch khi hạt tiêu già, chín cây và giá bán giảm thấp.

Ông Lợi cho biết: “Nắng hạn, khô nóng và thiếu nước tưới, cây tiêu không còn đủ sức nuôi hạt đến khi chín nên buộc phải hái tiêu xanh để dưỡng cây cho mùa sau. Tôi đào hố lót vải bạt chống thấm, rò rỉ để chứa nước và xách nước tưới từng gốc tiêu sống cầm cự qua mùa khô. Dự báo, khô hạn còn kéo dài một, hai tháng nữa mới có mưa nên tôi đầu tư 35 triệu đồng khoan giếng lấy nước tưới, nhưng khoan hơn một tuần rồi vẫn chưa có nước. Vườn hồ tiêu này, vụ mùa năm 2015, thu hoạch hơn 4 tấn tiêu và bán được giá, thu về hàng trăm triệu đồng, nhưng năm nay thất mùa, giá cả sụt giảm, nên chưa biết thế nào”.

Chống chọi với thời tiết khô hạn và nắng nóng kéo dài bất thường bà Lê Thị Đông, cũng ở ấp Khu Tượng tận dụng nguồn nước ít ỏi ở hai giếng khoan công nghiệp giải cứu vườn tiêu hơn 2.000 bụi của gia đình. Bà Đông cho hay, nắng nóng quá gay gắt, tiêu bị cháy lá, khô héo và không nuôi nổi buồng tiêu cho đến chín nên nhiều nhà vườn phải hái tiêu non, chất lượng hạt giảm thấp.

Cửa Dương là xã có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất huyện đảo Phú Quốc với hơn 295 ha. Do ảnh hưởng của hạn hán, hàng chục nhà vườn ở đây không còn nước tưới cho cây tiêu và đang được chính quyền địa phương vận chuyển nước từ nơi khác đến. Bà con đang phải sử dụng nước hết sức tiết kiệm và trông chờ những cơn mưa vàng giải hạn bởi chở nước từ nơi khác về tưới tiêu chỉ là giải pháp tình thế.

Trước tình hình khô hạn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi đến các vườn hồ tiêu trên đảo, UBND huyện Phú Quốc đã chỉ đạo các địa phương khảo sát, thống kê lại những vườn tiêu đang bị thiếu nước nghiêm trọng, tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó để cứu tiêu.

Ông Nguyễn Minh Trực cho biết, các đơn vị chức năng của huyện phối hợp với xã, thị trấn hướng dẫn nông dân đào hố, lót vải bạt và huy động xe bồn hàng ngày vận chuyển nước từ hồ Dương Đông về cho bà con tưới tiêu.

Cùng với đó, hướng dẫn các nhà vườn mua màng phủ nông nghiệp che phủ mặt đất nhằm hạn chế bốc hơi nước kết hợp tưới lỗ, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước để duy trì độ ẩm cho đất trong phạm vi bộ rễ tiêu phát triển. Phần trên ngọn làm giàn phủ lưới che mát để giảm bớt độ nóng gây hại hồ tiêu.

Về lâu dài, huyện khuyến cáo và hướng dẫn các nhà vườn đầu tư theo mô hình trồng tiêu có phủ lưới, trang bị hệ thống tưới phun tự động. Mô hình này đang được địa phương khuyến khích phát triển do tiết kiệm nước, chi phí, sức lao động, nhất là trong tình hình thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, thiếu nước tưới tiêu như hiện nay.

Lê Huy Hải/TTXVN
Thực hiện chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2016 Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức đoàn “Khảo sát thị trường Mỹ, tham dự Hội nghị thường niên Hiệp hội Thương mại gia vị Mỹ (ASTA 2016)” từ ngày 10-18/4/2016. Trong chương trình công tác, ngày 14 tháng 4 năm 2016 đoàn VPA đã có buổi làm việc với Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York, Hoa Kỳ.


Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi thông tin về thị trường, đối tác và những yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông sản.


Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2015, cả nước xuất khẩu khoảng 130.000 tấn hồ tiêu, đạt giá trị 1,24 tỷ USD, giảm 17% về khối lượng nhưng tăng 2,8% về giá trị so với năm 2014.

Ông Nam cho biết, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam liên tục đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, chiếm 50% sản lượng xuất khẩu toàn cầu.

Bên cạnh thuận lợi về thị trường và giá cả thì cũng không ít khó khăn mà các doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu gặp phải. Đó là việc thị trường hồ tiêu đang chịu sự chi phối khá lớn của người sản xuất, nhiều người dân khi thấy giá tiêu xuống thì trữ hàng, hạn chế bán ra nên lượng tồn kho vẫn còn nhiều, dẫn đến lượng xuất khẩu trong năm 2015 không cao, ảnh hưởng đến chất lượng hồ tiêu.

Bên cạnh đó, ngành hồ tiêu cũng đang phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe hơn của các thị trường thế giới về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Đoàn VPA tại Văn phòng Vietrade tại New York
Theo ông An Thế Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại tại New York, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có sự tăng trưởng tốt trong những năm vừa qua. Năm 2015 kim ngạch thương mại hai nước đạt 45 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2014. Việt Nam đã có vị trí trong Top 15 đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ. Tháng 1/2016, Việt Nam đứng thứ 12/15 đối tác nhập khẩu lớn của Hoa Kỳ, tháng 2/2016 chúng ta vươn lên vị trí 11/15. Có thể còn sớm khi cho rằng đã có những tác động tích cực từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với quan hệ thương mại. Nhưng ít nhiều đây cũng là những tín hiệu tốt, hứa hẹn những bước tiến mới trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Đối với mặt hàng gia vị, hiện nay Việt Nam đứng đầu trong Top 5 nước xuất khẩu nhiều nhất vào Hoa Kỳ, thứ đến là Brazil, Indonesis, Trung Quốc và Ấn Độ. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuât khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam với giá trị đạt hơn 255 triệu USD, tăng 39,4%.

Về khó khăn, ông Dũng chia xẻ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là nỗi ám ảnh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Theo quy định hiện nay của Hoa Kỳ thì nông sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh-an toàn thực phẩm. Nông sản vào thị trường Mỹ cần phải được kiểm tra, giám sát ngay từ khâu nuôi trồng, vùng nuôi trồng đến sản phẩm hoàn chỉnh, tuân thủ quy trình chiếu xạ chống ký sinh trùng, chứng chỉ an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ...

Đại diện công ty Generalexim, bà Nguyễn Thu Hoài, Tổng giám đốc đề nghị VIETRADE NEW YORK giúp tìm kiếm các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ có khả năng trực tiếp đầu tư vào khâu nuôi trồng, đào tạo nông dân về kỹ năng, quy trình sản xuất đảm bảo quy định của Hoa Kỳ về an toàn thực phẩm. Cần có thêm những cơ hội để trao đổi thông tin với các nhà nhập khẩu, qua đó họ có thêm sự tin tưởng đối với sản phẩm nông sản Việt Nam.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đánh giá cao sự chủ động, hỗ trợ tích cực của Vietrade New York đối với hoạt động của đoàn, khẳng định những tác động của hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo lực đẩy mới cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp hội đề nghị Vietrade New York cùng phố hợp tham gia Hội nghị ASTA hàng năm, nghiên cứu cách thức hợp tác xúc tiến thương mại trong thời gian tới giữa VPA và Vietrade New York./.
Theo Vietrade

6/4/16

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cho biết, do ảnh hưởng của đợt rét từ ngày 22-27/1/2016, phần lớn diện tích các loại cây nông sản tại địa phương bị ảnh hưởng, trong đó nặng nhất là cây hồ tiêu. Cụ thể, hầu hết diện tích hồ tiêu đều bị rụng đốt và rụng lá xanh hành loạt. Một số vườn tiêu ở vùng thấp trũng hay nằm trong đường đi của luồng gió lạnh còn bị rụng thêm chuỗi và khô đọt non. Các hiện tượng trên xuất hiện đúng vào thời điểm cây tiêu đang tập trung chất dinh dưỡng để nuôi hạt nên ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng sản phẩm, ước tính năng suất giảm từ 40-50% so với năm ngoái. Các địa phương trồng hồ tiêu bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các xã: Vĩnh Tú, Vĩnh Kim, Vĩnh Nam, Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa...
Người dân Vĩnh Linh tích cực chăm sóc vườn tiêu sau rét
Hồ tiêu là một trong những loại cây công nghiệp dài ngày mang lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho nông dân huyện Vĩnh Linh. Nhờ năng suất cao, giá cả ổn định nên hàng năm địa phương đã chủ động mở rộng diện tích để tăng thu nhập. Đến nay, toàn huyện có tổng diện tích cây hồ tiêu là 1.240 ha, tăng 100 ha so với năm 2015. Tiêu Vĩnh Linh có đặc điểm là hạt nhỏ, cay, thơm nên được thị trường ưa chuộng, huyện đang tích cực xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu để giúp các hộ gia đình yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế cho hồ tiêu Vĩnh Linh trên thị trường.

Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết gây ảnh hưởng xấu đến năng suất cây tiêu, Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Vĩnh Linh đã tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan chuyên môn, sự hỗ trợ của các dự án để ban hành quy trình chăm sóc, hướng dẫn giúp người dân phục hồi vườn tiêu sau rét. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức cần thiết để người dân chăm sóc vườn tiêu tốt hơn như cách sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh, phân bón sinh học, phân bón qua lá... giúp cây tiêu sớm phục hồi.

Tin & Ảnh: THANH LÊ
Theo Báo Quảng Trị 



 Hiện nay, tỉnh Đăk Lăk đã có 1.494 ha hồ tiêu bị khô hạn, thiếu nước tưới làm giảm năng suất hoặc mất trắng gây thiệt hại lớn cho đồng bào dân tộc.

Diện tích hồ tiêu bị khô hạn, thiếu nước tưới tập trung nhiều nhất là huyện Ea H’Leo, có trên 512 ha. Tiếp đến là các huyện Krông Ana, Cư Kuin, Krông Năng. Đây cũng là năm đầu tiên tỉnh Đăk Lăk có diện tích hồ tiêu bị khô hạn thiếu nước tưới xảy ra trên diện rộng.              

Gia đình anh Nguyễn Văn Lân ở thôn 1, xã Ea H’Leo (huyện Ea H’Leo) đã tự ý phá bỏ 2 ha điều, vườn tạp chuyển sang trồng hồ tiêu và đầu tư xây dựng một giếng đào, một giếng khoan để lấy nước tưới cho vườn tiêu. Qua gần 5 năm, vườn tiêu của anh Lân mỗi năm cho từ 5-7 tấn tiêu hạt khô và sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh Lân lãi từ 400-600 triệu đồng. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hai giếng nhà anh Lân hiện có đã không có nước. Gia đình đã khoan thêm 2 giếng khoan nữa nhưng cũng không có nguồn nước khiến cho vườn tiêu chết khô dần.              

Còn gia đình anh Võ Hùng cũng ở xã Ea H’Leo thấy nhiều gia đình trồng hồ tiêu giàu lên nhanh cũng chuyển 1 ha đất vườn điều sang trồng tiêu. Thế nhưng, vườn tiêu trong thời kỳ kiến thiết cơ bản gặp nắng hạn, thiếu nước tưới cũng đang chết khô dần…              

Theo các gia đình trồng tiêu ở huyện Ea H’Leo, vốn đầu tư trồng hồ tiêu khá lớn, từ 400 triệu đồng trở lên cho 1 ha, gồm cải tạo đất, đào hố, trụ đến tiêu giống, phân bón lót… Việc khô hạn, thiếu nước tưới để vườn tiêu chết khô dẫn đến thiệt hại về kinh tế khá lớn cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.              

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Lăk, trong vài năm trở lại đây giá tiêu tăng cao, có lúc tăng đến 200.000 đồng/kg nên đã thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc ồ ạt tự phát mở rộng diện tích cây hồ tiêu. Thậm chí, đồng bào đưa cây hồ tiêu vào trồng ở những vùng đất không thuận lợi, không chủ động nguồn nước, sử dụng giống không rõ nguồn gốc… Qua kiểm tra bước đầu tại các vùng tiêu bị khô hạn cho thấy, phần lớn diện tích hồ tiêu đều trồng ở những những nơi không chủ động được nguồn nước, toàn bộ các vườn tiêu đều sử dụng nước từ giếng đào, giếng khoan…  

Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh Đăk Lăk mới định hình được 6.000 ha cây hồ tiêu ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước tưới thuận lợi nhưng hiện nay, diện tích cây hồ tiêu của tỉnh Đăk Lăk đã tăng lên 21.440 ha. Đây cũng là địa phương có diện tích cây hồ tiêu nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên./.

 Quang Huy/TTXVN

Theo tổng hợp của GS Bùi Chí Bửu và Cộng sự thuộc Viện KHNN Miền Nam 3/2016: Cây hồ tiêu có tên Latinh là Piper nigrum với 2n = 52 nhiễm sắc thể, thuộc dạng tứ bội (tetraploid). Bản chất là cây tự thụ phấn nhưng thực tế có thụ phấn chéo do kiến trúc hoa đực chín muộn hơn hoa cái. Trong SX cây thường được nhân giống vô tính bằng kỹ thuật cắt thân, giâm cành.

Kích cỡ bộ genome hồ tiêu ước khoảng: 6,7 Gbp. Người ta đã công bố có 134 chuỗi trình tự trong cơ sở dữ liệu GeneBank  với “public domain” là 2011 trình tự.

Trung tâm khởi nguyên của hồ tiêu là Western Ghats thuộc miền Nam Ấn Độ, nơi mà mức độ đa dạng di truyền cây hồ tiêu rất lớn trong các giống tiêu trồng. Tính trạng liên quan đến phẩm chất gia vị, đặc biệt là ‘piperine’ (1-piperoylpiperidine, với những alkaloid chủ yếu) được đặc biệt nghiên cứu.

Nghiên cứu tế bào học cho thấy số nhiễm sắc thể căn bản của chi Piper là x = 13, trong khi đó loài Piper nigrum thuộc nhóm tứ bội (tetraploid) (2n = 52). Cơ hội thụ phấn chéo giữa các loài khác nhau có thể xảy ra một khi các loài tiêu ấy bò lên trên cùng một cây trụ. Do thiếu cơ chế chuyển dịch hạt phấn, hiện tượng dòng chảy của gen ngay sau đó khá hạn chế trong các dòng con lai. Áp dụng kỹ thuật NGS (next generation sequencing) có thể giải mã trình tự của bộ genome và bộ transcriptome cây hồ tiêu.

Một nghiên cứu khác về hệ transcriptome của rễ tiêu của Gordo et al. (2012) cho thấy: có sự tương tác giữa mầm bệnh và rễ cây chủ giúp người ta xác định được giống hồ tiêu kháng bệnh thông qua kỹ thuật chọn giống nhờ di truyền phân tử. Công nghệ “RNA-Seq” đã và đang được ứng dụng phổ biến nhằm mô tả hệ thống transcriptome của rễ cây hồ tiêu. Hệ thống transcriptome của rễ cây hồ tiêu được giải trình tự bằng công nghệ NGS SOLiD và được tổng hợp theo phương pháp multiple-k. Sử dụng Blast2Go và orthoMCL để chú thích 10.338 unigenes. Thông qua 4472 protein dự đoán, người ta thấy có khoảng 52% ở dạng tương đồng với hệ thống proteome của cây mô hình Arabidopsis. Hai bộ proteomes trong rễ cây hồ tiêu xác định được 615 proteins. Những protein này liên quan đến các tính trạng của hệ thống rễ. Chỉ thị phân tử SSR cũng được người ta xác định trong nghiên cứu đa dạng di truyền phục vụ yêu câu ứng dụng công nghệ sinh học và sinh thái học. Bộ dữ liệu đồ sộ của 10.338 unigenes trở nên vô cùng quan trọng cho việc chọn giống tiêu nhờ chỉ thị phân tử và nghiên cứu “ecogenomics”.

Thách thức lớn nhất trong di truyền và chọn giống là tạo ra giống tiêu kháng được hai đối tượng gây bệnh hại chính: Phytophtora capsici và Fusarium solani f. sp. piperis. Tiếp cận phương pháp hiện đại là NGS (next-generation sequencing), người ta đang đứng trước cơ hội mới để vượt qua thách thức này. Gordo và ctv. (2012) đã sử dụng công nghệ RNA-seq để phân tích bộ transcriptome của rễ cây hồ tiêu. Có khoảng 71 triệu “reads” được tạo ra và 22.363 phân tử transcript được tổng hợp de novo từ mô rễ trong đó có 257 chỉ thị SSR được xem như bộ cơ sở dữ liệu đầu tiên giúp nhà chọn giống thực hiện chiến lược chọn giống nhờ chỉ thị phân tử.

Loài tiêu hoang dại Piper colubrinum Link, thuộc họ Piperaceae là nguồn cho gen kháng với Phytophthora capsici, gây bệnh chết nhanh; kháng tuyến trùng Meloidogyne incognita và Radopholus similes. Tuy nhiên, kết quả lai giữa P. nigrum và P. colubrinum chưa thành công. Nguyên tắc chủ đạo: cây tiêu phản ứng lại sự tấn công của những vi sinh vật gây hại ấy thông qua sự kích hoạt số lượng lớn các gen mã hóa những protein khác nhau, chủ yếu là những chitinases. Chitinase sẽ phân giải lớp chitin, một dạng polymer thuộc nhóm N-acetyl-glucosamine có trong thành tế bào của vi nấm và trong lớp sừng của côn trùng.

Thành tựu của genomics và transcriptomics đã mở ra nhiều triển vọng cho nghiên cứu di truyền cây hồ tiêu trong tương lai./.
Theo VPA
Những năm gần đây, do giá cao nên nông dân tỉnh Phú Yên phá bỏ diện tích sắn, bắp để trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, việc người dân đổ xô trồng tiêu tự phát, không chỉ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi không am hiểu kỹ thuật chăm sóc nên cây tiêu bị nhiễm bệnh, giá cả phụ thuộc vào thương lái.

Vườn tiêu rộng 4.000 m2 của anh Hồ Hoàn Toàn ở thôn Mỹ Bình, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa trồng cách đây 8 năm và đã cho thu hoạch. Riêng năm 2015, giá tiêu được thương lái mua trên dưới 200.000 đồng/kg khô, anh Toàn lãi 170 triệu đồng. Chính vì vậy, anh Toàn đã ươm giống để trồng thêm 2.500 m2 nữa nhưng mới đây lại xuất hiện nhiều gốc có hiện trượng nhiễm bệnh. Lo lắng trước việc vườn tiêu đang có tình trạng chết hàng loạt, anh Toàn cho biết: “Đây là vùng đất phù hợp trồng loại cây này. Nếu cây phát triển ổn định sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để trồng được loại cây này đòi hỏi phải có kỹ thuật và cách chăm bón cẩn thận. Tôi rất lo lắng trước tình trạng vườn tiêu đang đồng loạt nhiễm bệnh”.

Tương tự, vườn tiêu rộng 3.750 m2 trồng gần hai tuổi của anh Nguyễn Công Loan cũng ở thôn Mỹ Bình sinh trưởng tốt nhờ chăm sóc kỹ và áp dụng quy trình tưới khép kín với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu đồng. Cách đây hai năm, diện tích đất này anh Loan trồng sắn, bắp, đậu các loại, nhưng hiệu quả kinh tế thấp, nên quyết định chuyển sang trồng tiêu. “Thấy người ta đổ xô trồng tiêu, mình có đất nên cũng đầu tư trồng 600 gốc. Tuy tiêu chưa đến kỳ thu bói, nhưng thấy phát triển khá tốt. Nếu tiêu bị nhiễm bệnh thì tự học hỏi, tìm tòi trên mạng Internet để chữa trị, chứ chưa được dự tập huấn lần nào. Giá tiêu từ 150.000 đồng đến 170.000 đồng/kg khô là có lãi, nếu xuống 100.000 đến 120.000 đồng thì cầm cự do đầu tư ban đầu quá lớn”, anh Loan nói.

Xã Sơn Thành Đông có gần 300 hecta tiêu, nhưng đến nay chỉ có hai vùng trồng tiêu được quy hoạch ở thôn Mỹ Bình và Thành An với diện tích 19,5 hecta. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông cho biết: “Những năm tới, địa phương tiếp tục quy hoạch vùng khác đủ điều kiện về thổ nhưỡng và nước tưới để nhân dân trồng tiêu phát triển kinh tế hộ”.

Trong khi đó, vùng trồng tiêu lớn thứ hai của tỉnh là huyện miền núi Sông Hinh cũng đang xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm trong khi khoảng 2 tháng nữa là vào mùa thu hoạch. Như vườn tiêu 5 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Lộc ở thôn Bình Sơn, xã Sông Hinh đang bị khô ngọn, úa lá. Ông Lộc cho biết, cuối năm 2015 trong vườn tiêu lác đác xuất hiện tiêu nhiễm bệnh. Ông đã không ngại khó khăn lặn lội sang tận hai tỉnh kề bên là Đắc Lắc, Gia Lai để học hỏi kinh nghiệm và mua thuốc về chữa trị. Tuy nhiên, đến nay lần lượt những gốc tiêu nhiễm bệnh khô cành, rụng lá. Ông Trần Văn Thế, cán bộ phòng NN&PTNT Huyện tăng cường về xã Sông Hinh cho biết: “Hiện toàn xã có khoảng 30 hecta tiêu nhưng 25% trong số đó đã bị chết vì bệnh chết nhanh, chết chậm”…

Theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã phân bổ cho tỉnh Phú Yên diện tích trồng tiêu đến năm 2020 là 400 hecta nhưng trên thực tế đến cuối năm 2015 diện tích đã lên đến 800 hecta, trong đó hơn một nửa diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng 1.200 tấn.

Đồng thời trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, tỉnh Phú Yên chủ trương mở rộng diện tích cây tiêu lên khoảng 1.000 hecta, chủ yếu tập trung ở hai xã Sơn Thành Tây và Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) với diện tích 750 hecta. Diện tích còn lại thuộc huyện miền núi Sông Hinh và một ít ở huyện miền núi Sơn Hòa.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó phòng Nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT Phú Yên cho biết: “Trên cơ sở gần 800 hecta hiện nay có sẵn, ngành nông nghiệp sẽ rà soát lại và sẽ bổ sung từ 200 hecta đến 300 hecta”.

Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, việc mở rộng diện tích trồng tiêu là đúng định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy vậy, do hiện nay việc trồng tiêu mang tính tự phát nên để giúp nông dân trồng tiêu hiệu quả, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là tập huấn, hướng dẫn nông dân trồng tiêu theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sử dụng phân hữu cơ, không lạm dụng phân hóa học và thuốc BVTV trong phòng trừ dịch bệnh hại tiêu vốn là những điểm yếu trong canh tác của nông dân hiện nay…

Ông Nguyễn Đức Thắng cho biết thêm: “Ngành nông nghiệp Phú Yên tập trung quản lý ngay từ khâu giống, đặc biệt là các cơ sở phải có các điều kiện sản xuất, kinh doanh về giống thì mới được phép hoạt động. Sau đó là xây dựng các mô hình tiên tiến như sản xuất theo quy trình VietGap, áp dụng biện pháp bón phân, tưới nước tiết kiệm để giảm chi phí; hạn chế tối đa việc xới đất làm tổn thương bộ rễ gây ra bệnh chết nhanh, chết chậm”.
Nguồn Agroviet.gov.vn/XTTM
Một người dân ở Đak Lak đang tưới cho vườn cà phê. Ảnh chụp vào tháng 8-2015, lúc Tây Nguyên đã vào mùa mưa Ảnh: Thái Hằng
Hạn hán không chỉ khiến các loại cây lương thực ngắn ngày như lúa, hoa màu ở các tỉnh ĐBSCL giảm sản lượng, mà còn khiến cho nông dân trồng cà phê, hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ mất ăn mất ngủ vì khả năng giảm năng suất rất cao.

Giá hồ tiêu đã tăng trở lại


Những ngày này, để hỗ trợ người dân trồng tiêu, UBND huyện Lộc Ninh, Bình Phước phải thông qua Công ty cao su Lộc Ninh dùng 20 xe bồn để vận chuyển nước hỗ trợ người dân sinh hoạt và tưới hồ tiêu.

Tuy nhiên, về căn bản, đây chỉ là giải pháp tình thế trong thời gian này, vì về lâu dài, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, chắc chắn nguồn nước sẽ không có đủ để tưới tiêu mà chỉ đủ cho sinh hoạt.

Tình trạng ở Đồng Nai cũng không khá hơn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Nai, nếu Bình Phước cần đến xe bồn của công ty cao su để vận chuyển nước cho sinh hoạt và nước tưới cho hồ tiêu, thì Đồng Nai cũng đang ở trong tình huống tương tự.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt vào năm 2014, tổng diện tích trồng hồ tiêu cả nước là gần 85.600 héc ta, trong đó, các tỉnh phía Nam chiếm gần 82.000 héc ta. Diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất vẫn là các tỉnh Tây Nguyên với gần 44.000 héc ta, tiếp đến các tỉnh Đông Nam bộ với gần 34.300 héc ta. Đây là hai khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán.

Giá hồ tiêu trên thị trường liên tục giảm trong thời gian qua sau khi có thông tin Việt Nam đã mở rộng diện tích lên gần 100.000 héc ta (số liệu công bố cuối năm 2015 của Cục Trồng trọt). Tuy nhiên, những đợt nắng hạn kéo dài đã làm cho một số diện tích hồ tiêu bị chết.

Phía Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết hiệp hội đã nhận được thông tin về diện tích hồ tiêu ở nhiều tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên và ở Phú Quốc (Kiên Giang) bị ảnh hưởng do hạn hán. Tuy nhiên, số liệu chính xác phải cần thêm thời gian do lúc này chưa phải là đỉnh điểm của mùa khô.

Do thông tin hạn hán nên từ giữa tháng 3, giá hồ tiêu sau khi giảm xuống còn 130.000 đồng/kg đã bắt đầu tăng trở lại.

Ngày 30-3, giá hồ tiêu trên thị trường dao động từ 147.000 -151.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng/kg với với hai tuần trước. Bộ NN&PTNT trong báo cáo hàng tháng đã dự báo rằng, do hạn hán nên giá hồ tiêu có dấu hiệu hồi phục.

Giá cà phê chưa dự đoán được

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, đến cuối tháng 3 này, Tây Nguyên có 167.000 héc ta cây trồng bị hạn hán, thiếu nước tưới, trong đó có 14.600 héc ta lúa, và gần 153.000 héc ta cà phê. Và nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, diện tích bị thiệt hại sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), cho biết hiện nhiều hồ nước tại các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn khoảng 30-35% lượng nước và trong thời gian tới, nguồn nước tưới cho cà phê sẽ thiếu trầm trọng.

“Nếu không có đủ nguồn nước tưới, năng suất cà phê giảm là điều chắc chắn và thiệt hại sẽ rất lớn nếu thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên không có mưa”, ông Hải nói với TBKTSG Online qua điện thoại khi đang trên đường đi kiểm tra tình hình ở Gia Lai.

Theo một báo cáo của Bộ NN&PTNT về vấn đề hạn hán, hiện nhiều hồ chứa nước ở Tây Nguyên đang trong tình trạng “người dân có thể đi bộ ngang qua” do hết nước. Cụ thể, Đak Lak có khoảng 250 hồ nước sẽ trơ đáy vào đầu tháng 4, Gia Lai các hồ chỉ còn lượng nước 10-15%. So với các tỉnh lân cận, Kon Tum vẫn còn trữ nước trong hồ nhiều nhất khi mực nước trong các hồ ở tỉnh này còn 30-50% dung tích thiết kế.

Tuy nhiên, đối với cà phê, dù nắng hạn đang khiến cho một phần tư diện tích trồng cà phê thiếu nước và dự báo của Vicofa ít nhất làm giảm 20% sản lượng, nhưng giá cà phê trong thời gian tới giá có tăng lên hay không vẫn là một câu hỏi khó trả lời. Theo ông Nam Hải, những năm qua, giá cà phê trên thị trường không phản ánh yếu tố cung cầu mà phụ thuộc vào các quỹ đầu cơ hàng hóa của các tập đoàn lớn.

Ngày 30-3, giá cà phê tại Tây Nguyên dao động từ 32.700 -33.200 đồng/kg, tăng 100 đồng so với ngày hôm trước.
NGỌC HÙNG
Theo TBKTSG Online

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com