Một người dân ở Đak Lak đang tưới cho vườn cà phê. Ảnh chụp vào tháng 8-2015, lúc Tây Nguyên đã vào mùa mưa Ảnh: Thái Hằng |
Giá hồ tiêu đã tăng trở lại
Những ngày này, để hỗ trợ người dân trồng tiêu, UBND huyện Lộc Ninh, Bình Phước phải thông qua Công ty cao su Lộc Ninh dùng 20 xe bồn để vận chuyển nước hỗ trợ người dân sinh hoạt và tưới hồ tiêu.
Tuy nhiên, về căn bản, đây chỉ là giải pháp tình thế trong thời gian này, vì về lâu dài, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, chắc chắn nguồn nước sẽ không có đủ để tưới tiêu mà chỉ đủ cho sinh hoạt.
Tình trạng ở Đồng Nai cũng không khá hơn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Nai, nếu Bình Phước cần đến xe bồn của công ty cao su để vận chuyển nước cho sinh hoạt và nước tưới cho hồ tiêu, thì Đồng Nai cũng đang ở trong tình huống tương tự.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt vào năm 2014, tổng diện tích trồng hồ tiêu cả nước là gần 85.600 héc ta, trong đó, các tỉnh phía Nam chiếm gần 82.000 héc ta. Diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất vẫn là các tỉnh Tây Nguyên với gần 44.000 héc ta, tiếp đến các tỉnh Đông Nam bộ với gần 34.300 héc ta. Đây là hai khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán.
Giá hồ tiêu trên thị trường liên tục giảm trong thời gian qua sau khi có thông tin Việt Nam đã mở rộng diện tích lên gần 100.000 héc ta (số liệu công bố cuối năm 2015 của Cục Trồng trọt). Tuy nhiên, những đợt nắng hạn kéo dài đã làm cho một số diện tích hồ tiêu bị chết.
Phía Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết hiệp hội đã nhận được thông tin về diện tích hồ tiêu ở nhiều tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên và ở Phú Quốc (Kiên Giang) bị ảnh hưởng do hạn hán. Tuy nhiên, số liệu chính xác phải cần thêm thời gian do lúc này chưa phải là đỉnh điểm của mùa khô.
Do thông tin hạn hán nên từ giữa tháng 3, giá hồ tiêu sau khi giảm xuống còn 130.000 đồng/kg đã bắt đầu tăng trở lại.
Ngày 30-3, giá hồ tiêu trên thị trường dao động từ 147.000 -151.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng/kg với với hai tuần trước. Bộ NN&PTNT trong báo cáo hàng tháng đã dự báo rằng, do hạn hán nên giá hồ tiêu có dấu hiệu hồi phục.
Giá cà phê chưa dự đoán được
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, đến cuối tháng 3 này, Tây Nguyên có 167.000 héc ta cây trồng bị hạn hán, thiếu nước tưới, trong đó có 14.600 héc ta lúa, và gần 153.000 héc ta cà phê. Và nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, diện tích bị thiệt hại sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), cho biết hiện nhiều hồ nước tại các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn khoảng 30-35% lượng nước và trong thời gian tới, nguồn nước tưới cho cà phê sẽ thiếu trầm trọng.
“Nếu không có đủ nguồn nước tưới, năng suất cà phê giảm là điều chắc chắn và thiệt hại sẽ rất lớn nếu thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên không có mưa”, ông Hải nói với TBKTSG Online qua điện thoại khi đang trên đường đi kiểm tra tình hình ở Gia Lai.
Theo một báo cáo của Bộ NN&PTNT về vấn đề hạn hán, hiện nhiều hồ chứa nước ở Tây Nguyên đang trong tình trạng “người dân có thể đi bộ ngang qua” do hết nước. Cụ thể, Đak Lak có khoảng 250 hồ nước sẽ trơ đáy vào đầu tháng 4, Gia Lai các hồ chỉ còn lượng nước 10-15%. So với các tỉnh lân cận, Kon Tum vẫn còn trữ nước trong hồ nhiều nhất khi mực nước trong các hồ ở tỉnh này còn 30-50% dung tích thiết kế.
Tuy nhiên, đối với cà phê, dù nắng hạn đang khiến cho một phần tư diện tích trồng cà phê thiếu nước và dự báo của Vicofa ít nhất làm giảm 20% sản lượng, nhưng giá cà phê trong thời gian tới giá có tăng lên hay không vẫn là một câu hỏi khó trả lời. Theo ông Nam Hải, những năm qua, giá cà phê trên thị trường không phản ánh yếu tố cung cầu mà phụ thuộc vào các quỹ đầu cơ hàng hóa của các tập đoàn lớn.
Ngày 30-3, giá cà phê tại Tây Nguyên dao động từ 32.700 -33.200 đồng/kg, tăng 100 đồng so với ngày hôm trước.
NGỌC HÙNG
Theo TBKTSG Online
0 comments:
Đăng nhận xét