Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

22/6/14

Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là một trong những thủ phủ của hồ tiêu với diện tích trên 7.000 ha, đứng thứ 4 cả nước, sau Bình Phước, Đăk Nông, Đồng Nai. Giá trị kinh tế của loại cây trồng này liên tục tăng cao đã làm giàu cho nhiều nhà vườn và là động lực thúc đẩy diện tích trồng mới liên tục được phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cũng như một số địa phương khác, nhiều vườn tiêu bị các loại dịch hại như tuyến trùng và nấm bệnh gây hại nặng, làm giảm năng suất, cây tiêu bị bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm, dẫn đến nhiều nông dân  phải phá bỏ vườn tiêu.

BR-VT có diện tích trên 7.000 ha tiêu, tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và Đất Đỏ. Niên vụ tiêu năm 2014, do thời tiết thuận lợi nên cây tiêu cho năng suất cao, bình quân đạt khoảng 4-5 tấn/ha. Song song đó, giá hạt tiêu luôn ổn định ở mức cao, khoảng 130 ngàn đồng/kg nên người trồng tiêu có thu nhập từ 300-400 triệu đồng/ha. Theo nhận xét của bà con nông dân, hiện cây tiêu đang giữ vị trí dẫn đầu trong số các cây trồng dài ngày của tỉnh. Chính vì thế, cây tiêu đang được ví là “vàng đen” của ngành nông nghiệp.

Mặc dù cây tiêu mang lại lợi nhuận cao nhưng theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, cây tiêu là loại cây trồng không bền vững nếu người trồng tiêu không đầu tư chăm sóc, bón phân hợp lý. Theo thống kê của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, bình quân mỗi năm, BR-VT có trên 100 ha diện tích trồng tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Đây là loại bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa và bùng phát vào mùa nắng. Nguyên nhân chủ yếu là do các loại dịch hại như tuyến trùng và nấm bệnh gây ra và khi phát bệnh thì không thể chữa trị, chỉ có thể phá bỏ vườn tiêu và trồng lại từ đầu.

Nhằm giúp cho người nông dân có thêm kinh nghiệm trong việc chăm sóc và phục hồi vườn tiêu sau thu hoạch, bón phân hợp lý cho tiêu cả năm, mới đây, tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang vừa tổ chức hội thảo “Giải pháp canh tác hồ tiêu bền vững” với chuyên đề “Phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm” với sự tham gia của trên 250 hộ nông dân của hai tỉnh Đồng Nai và BR-VT. Trong đó, nhiều giải pháp canh tác hồ tiêu bền vững được các chuyên gia, kỹ sư của công ty đưa ra để bà con áp dụng vào sản xuất.

Ông Huỳnh Minh Châu, Phó trưởng phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cho biết: “Để sản xuất an toàn và hiệu quả, chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp. Thứ nhất, nên làm các rãnh thoát nước, hạn chế được bệnh chết nhanh, chết chậm. Thứ hai nên sử dụng phân hữu cơ phối hợp. Thứ ba nên chọn thuốc phòng trừ có tác động chuyên biệt đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm”.

Tại hội thảo “Giải pháp canh tác hồ tiêu bền vững” với chuyên đề “Phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm”, Thạc sỹ Trần Đỗ Hoàng, Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang đã trình bày ứng dụng của các chế phẩm sinh học từ các loài vi sinh vật có ích để kiểm soát nấm bệnh gây hại trên cây tiêu, đặc biệt là thuốc Insuran và Tricoderman. Đây là 2 loại thuốc có hiệu quả trong việc tăng năng suất và phòng bệnh vàng lá, chết nhanh, chết chậm do tuyến trùng và nấm bệnh gây hại trên cây tiêu. Đồng thời, việc bón 2 loại phân này vào thời điểm thích hợp trong năm sẽ giúp cải tạo đất, tăng độ màu mỡ phì nhiêu thúc đẩy cây tiêu luôn xanh tốt, giữ ẩm cho đất và thân thiện với môi trường. Song song đó, để canh tác hồ tiêu bền vững, người trồng tiêu phải chú trọng đến liều lượng nước tưới, cách làm đất cho phù hợp.

Thạc sỹ Trần Đỗ Hoàng, Phó Ban điều hành chương trình Cùng nông dân ra đồng khu vực Tây nguyên và Đông Nam bộ cho biết: “Đối với loại cây này, mầm bệnh trong đất ảnh hưởng đến năng suất của cây vì vậy thông qua chương trình chúng tôi muốn thông tin đến bà con giải pháp canh tác bền vững đặc biệt là các yếu tố sinh học để giúp bà con có kiến thức trồng trong thời gian tới, đảm bảo việc cho năng suất cao và vườn cây bền vững hơn.”

Đến từ xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, không ngại quãng đường xa xôi và thời tiết mưa gió, ngay từ sáng sớm, ông Huỳnh Bốn đã có mặt tại hội thảo với mong muốn sẽ có thêm kiến thức để việc trồng tiêu đạt hiệu quả nhất là phòng trừ các loại bệnh trên cây tiêu. Qua tiếp xúc, chúng tôi được biết, gia đình ông Huỳnh Bốn đã trồng tiêu trên 20 năm với diện tích hơn 2ha.

Ông Huỳnh Bốn, nông dân trồng tiêu ở xã Sông Xoài, huyện Tân Thành cho biết: “Mùa mưa đã đến, bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu rất phổ biến trên nhiều vườn tiêu của bà con, trong khi đó thuốc bảo vệ thực vật chỉ có một phần nhỏ chủ yếu là phòng ngừa chứ không trị được. Đây là điều mà người dân trồng tiêu rất trăn trở.”

Tham gia hội thảo, bà con nông dân trồng tiêu còn có dịp trao đổi với các nhà chuyên môn về các biện pháp chăm sóc, phục hồi vườn tiêu kém năng suất, đặc biệt là các biện pháp đối phó với những vườn tiêu bị nhiễm nấm, bệnh, sâu hại… Chính những kiến thức này đã giúp bà con nông dân hiểu thêm về các biện pháp canh tác an toàn cho cây tiêu. Ông Nguyễn Thanh Phương, nông dân xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức nhận xét: “Những buổi hội thảo như vậy giúp mang lại kiến thức cho bà con, nhất là phương pháp sử dụng thuốc để giúp vườn cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.”

Có thể nói, qua hội thảo “Giải pháp canh tác hồ tiêu bền vững” do Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang tổ chức với chuyên đề “Phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm”, bà con trồng tiêu sẽ tích lũy thêm nhiều kiến thức hữu ích để áp dụng vào canh tác trồng tiêu một cách hiệu quả và bền vững.
Thy Oanh
Theo brt.vn

20/6/14

Thông tin từ hộ nông dân trồng tiêu các tỉnh: Hai ngày qua, tiêu đen đầu giá ( dung trọng 500gr/lít, thủy phần 14-15 %, tạp chất 1%)  ngày 15,16/6/2014 nông dân bán cho thương lái tại các tỉnh Tây nguyên đạt 155.000 đ/kg và tại các tỉnh  Đông Nam Bộ 156.000 đ/kg, đến ngày 17/6/2014, theo đó tăng vọt lên 159.000 đ/kg và 160.000 đ/kg, ngày 18 lên 162.000-163.000 đ/kg, sang ngày 19 tiếp tục tăng lên 164.000 - 165.000 đ/kg ( BR -VT 167.000 đ/kg). Đây là mức giá tăng nhanh nhất và cao nhất từ đầu vụ  tới nay, tăng trên 40.000 đ/kg so các tháng trong quý I - kỳ thu hoạch tiêu các tỉnh.

Nguyên nhân giá tiêu tăng chủ yếu là do:
(1) Cung không đủ cầu.
(2) Lượng tiêu xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước khoảng 100.000 tấn, đạt mức kỷ lục từ trước tới nay, số còn lại để cung ứng cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm ngày càng hạn hẹp.
(3) Lượng tiêu tồn kho hiện nay hầu hết chỉ có tại hộ nông dân khá giả;

Họ bám sát thông tin về tình hình sản xuất, thương mại cung cầu, thị trường giá cả hồ tiêu trong và ngoài nước đang có lợi cho họ. Mấy năm qua, bà con đã giữ tiêu khi giá thấp, bán khi giá cao - Đây là bài học kinh nghiệm điều tiết giá riêng có của nông dân Việt Nam. (Tháng 9/2013 giá bắt đầu tăng và đến tháng 11,12 đạt 165.000 - 170.000 đ/kg. Mấy  năm qua, giá tiêu thấp trong khi thu hoạch và sau đó tăng dần đến khi giáp hạt. Năm nay, bà con đang hy vọng giá tiêutừ nay sẽ tiếp tục tăng đến cuối năm ?).

Theo VPA





15/6/14

Mỗi năm người dân xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 2 dịp rộn ràng: Vào dịp Tết Nguyên đán và dịp bắt đầu chăm sóc hồ tiêu vụ mới.
Hiệp hội Hồ tiêu Thế giới đánh giá cao kỹ thuật trồng tiêu bền vững của nông dân Châu Đức
*Từ "chuẩn ếch xanh" đến "tiêu hữu cơ"

Toàn tỉnh có 8.000 ha tiêu thì huyện Châu Đức đóng góp gần 6.000 ha, trong đó riêng Quảng Thành đã có tới 790 ha.

CHUẨN ẾCH XANH

Ấp Tân Thành, xã Quảng Thành có 90% số hộ trồng tiêu. Năm nay giá cả các nông sản khác như cà phê, cao su đều sụt giảm, duy nhất chỉ còn hồ tiêu vẫn đứng ở mức cao nên không khí xóm ấp càng hoan hỉ.

Mới sáng sớm mà các quán cà phê ở trung tâm xã đều đã chật khách, lao xao tiếng cười nói. Câu chuyện của họ chủ yếu xung quanh kỹ thuật trồng tiêu sao cho có năng suất cao, không bị nấm bệnh, đạt chuẩn “con ếch”.

Ông Nguyễn Trọng Thảo có 1,5 ha tiêu kinh doanh thu được 7 tấn, ông Nguyễn Văn Hiệp có 1 ha thu 4 tấn, ông Hồ Quang Thủy có 1 ha thu 4 tấn. Giá tiêu hiện nay đang là 158 triệu đồng/tấn nhưng tất cả đều chưa bán vì họ đang đợi đến tháng 8, nếu các vườn của họ được công nhận tiêu chuẩn "con ếch" thì sẽ bán được giá cao hơn mặt bằng chung đến 10 triệu đồng/tấn.

Tiêu chuẩn "con ếch” gọi đầy đủ là “con ếch xanh” của Rainforest Alliance (RA), một tổ chức quốc tế khuyến khích canh tác nông nghiệp bền vững, chống nạn chặt phá rừng, chống sử dụng lao động trẻ em và bảo vệ môi trường. Giấy chứng nhận đạt chuẩn và sản phẩm đạt chuẩn RA được in logo con ếch màu xanh.

KS Nguyễn Văn Đông, Trưởng trạm BVTV huyện cho biết, hiện có 104 hộ trồng 94 ha tiêu tham gia mô hình RA. Tất cả đều phấn khởi và tự tin bởi hầu hết nông dân trồng tiêu đều phải trả giá đắt qua cơn đại dịch xảy ra trên địa bàn từ năm 2002-2004, khiến cho ½ diện tích tiêu phải tiêu hủy.

Theo anh Đông, 5 năm gần đây tỷ lệ cây chết rất thấp, chỉ khoảng 0,5%/năm. Quảng Thành có diện tích tiêu lớn nhất, năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất và người trồng tiêu cũng kỹ tính bậc nhất trong sử dụng phân bón, thuốc BVTV nên việc được cấp chứng nhận RA chỉ còn là thời gian.

Sử dụng nhiều phân hữu cơ và thuốc BVTV hàng hiệu, ít độc hại là biện pháp hàng đầu trong quy trình canh tác của người trồng tiêu Quảng Thành. Ông Nguyễn Trọng Thảo cho biết, chỉ riêng phân hữu cơ mỗi năm ông phải chi đến 70 triệu đồng cho diện tích 1,5 ha mà chưa kể chục m3 xác bã thực vật khác ông tự ủ với nấm Trichoderma.

Ông Nguyễn Chánh Thi (năm 2003 đã thề không bao giờ trồng tiêu nữa) lại còn kỹ hơn khi mỗi năm mua đến 16 m3 phân dê trộn với 5 m3 vỏ cà phê để ủ dùng bón cho 2 ha tiêu.

TIÊU HỮU CƠ
Để đảm bảo cho việc rửa vườn có hiệu quả mà không để lại hậu quả xấu cho đất và môi trường thì không nên sử dụng các hóa chất độc hại đã bị cấm hoặc hạn chế sử dụng mà nên sử dụng Eddy kết hợp với Carbosan.
Không bất ngờ với việc dùng phân bón hữu cơ ở mức cao nhưng khá bất ngờ với việc sử dụng phổ biến Super Humic của người trồng tiêu nơi đây.

Ông Nguyễn Chánh Thi cho biết, ông biết đến loại phân hữu cơ tinh chất này một cách tình cờ khi vào năm 2011, ông sử dụng KNO3 quá liều khiến cho tiêu bị rụng lá. Nghi ngờ mua phải hàng giả, ông ra đại lý Tuấn Oanh kiện và được đại lý này đưa cho mấy bịch Super Humic để phun giải độc và kết quả ngoài mong đợi.

Từ đó, ngoài việc sử dụng phân dê, ông còn kèm theo tưới gốc và phun qua lá Super Humic 2 lần mỗi năm. Ông cho biết sử dụng Super Humic thì tiêu sẽ hồi phục sau thu hoạch nhanh hơn, trổ nhiều cành mới hơn, lá tiêu dày và xanh đậm hơn, ít sâu bệnh hơn nhờ vậy mà năng suất cũng cao hơn nhiều.

Tôi từng biết Super Humic (loại có 70% Acid Humic, nhiều người gọi là phân bồ hóng) là nhân tố chính trong quy trình thâm canh lúa được Bộ NN-PTNT công nhận là TBKT nhưng việc sử dụng có hiệu quả cao trên vườn tiêu sạch như người trồng tiêu Châu Đức thì lần đầu tiên được biết.

Cũng theo kinh nghiệm của ông Thi, ngoài việc đào rãnh để thoát nước mưa tốt, đắp bao chống nước chảy tràn, sử dụng phân hữu cơ là chính thì việc rửa vườn sau mỗi kỳ thu hoạch cũng quan trọng không kém.

Tiêu thu hoạch vào mùa khô nên việc tỉa cành nhánh, vệ sinh vườn, diệt các mầm mống tuyến trùng, rệp sáp, bào tử nấm ở trong đất trên thân cây vào thời điểm này là thuận lợi và hiệu quả nhất.

QUANG NGỌC
Theo nongnghiep.vn

14/6/14

Hình minh hoạ
 Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, diện tích điều ở các tỉnh Tây Nguyên giảm chỉ còn 76.516 ha, với sản lượng mỗi năm đạt từ 60.000 đến gần 62.000 tấn điều nhân, giảm trên 30.000 ha so với năm 2010. Trước đây, tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích điều nhiều nhất Tây Nguyên, với trên 45.000 ha nhưng nay giảm xuống chỉ còn 25.154 ha. Kế đến là tỉnh Gia Lai, Đắk Nông diện tích điều cũng giảm xuống khá nhanh, hiện nay, mỗi tỉnh chỉ còn trên 17.000 ha.

Việc giảm diện tích điều cũng đồng nghĩa làm cho hàng chục nhà máy chế biến điều nhân xuất khẩu của các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt đóng cửa do thiếu nguyên liệu. Ngay tại Đắk Lắk có 9 cơ sở chế biến điều nhân xuất khẩu với tổng công suất thiết kế 36.000 tấn nguyên liệu/năm nhưng nay do thiếu nguyên liệu nên nhiều nhà máy đã đóng cửa hoạt động.

Những năm trước đây, các tỉnh Tây Nguyên phát triển cây điều một cách ồ ạt, không theo quy hoạch. Thậm chí, có một số huyện vùng sâu vùng xa như Ea Súp (Đắk Lắk), Đắk R’Lấp (Đắk Nông), Krông Pa, Krông Chro, Ia Grai (Gia Lai) còn cho đây là một trong những cây xoá đói giảm nghèo nhanh cho đồng bào dân tộc thiểu số nên càng tạo điều kiện cho đồng bào đầu tư phát triển, phá rừng tự nhiên chuyển sang trồng điều. Ngay tại huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk), đồng bào các dân tộc cũng như đơn vị bộ đội làm kinh tế đứng chân trên địa bàn phá hàng chục nghìn héc ta ha rừng tự nhiên chuyển sang phát triển 15.862 ha điều. Huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) từ năm 2001 đã đầu tư trên 29 tỷ đồng vào dự án quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu điều với diện tích 10.000 ha, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến điều trên địa bàn… Tuy nhiên, do chạy theo phong trào nên nhiều địa phương bố trí cây điều không thích hợp với từng vùng đất, trồng bằng các giống thực sinh đã bị thoái hoá, lại chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh không đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất thấp, chỉ 3 đến 9 tạ/ha, trong khi đó giá cả xuống thấp, bấp bênh nên đồng bào chặt đồng loạt chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.

Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, phần lớn diện tích điều sau khi chặt phá, đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đều chuyển sang trồng lại cao su, tiêu và các loại cây trồng khác có gía trị kinh tế cao hơn. Chỉ riêng tại huyện Ea Súp, sau khi chặt phá điều chuyển sang trồng lại rừng kinh tế, chủ yếu là cây keo làm nguyên liệu giấy cho các nhà máy sản xuất giấy.

Do vậy, các tỉnh Tây Nguyên cần sớm quy hoạch cụ thể lại diện tích cây điều trên từng địa bàn, khảo sát, đánh giá lại diện tích cây điều hiện có, đồng thời, có cơ chế, chính sách giúp đồng bào các dân tộc tạo thay bằng các giống điều mới, điều ghép, chú trọng hướng dẫn đồng bào áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất như chăm sóc, bón phân, tỉa cành, tạo hình… để đạt năng suất, sản lượng điều cao. Bên cạnh đó, cần có chính sách cho các đơn vị, hộ gia đình đồng bào các dân tộc trồng điều vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư cải tạo vườn cây nhằm tạo điều kiện cho người trồng điều thu được lợi nhuận cao hơn, góp phần hạn chế việc “trồng - chặt, chặt - trồng” như lâu nay gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân./.

Theo TTXVN

13/6/14

Nhằm giúp bà con dễ hình dung một cách tổng thể, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam sưu tầm trang danh mục và phân loại thuốc BVTV để cộng đồng nông dân trồng  trồng và chăm sóc cây tiêu tham khảo thuận lợi hơn.

A. Danh mục thuốc BVTV thường dùng cho cây tiêu



B. Phân loại, nhận dạng thuốc BVTV


Nguồn: VPA

12/6/14

Hiện giá xuất khẩu điều nhân gần tương đương với hồ tiêu, cao gấp 3 lần so với cà phê nhưng lợi nhuận người dân trồng điều chỉ bằng 20% so với người trồng cà phê, 7% với hồ tiêu, vì thế, mỗi năm có 15.000 héc ta bị người dân chặt bỏ để trồng cây khác.
Nguyên liệu điều thô bị thiếu vì người dân chuyển trồng điều sang trồng cây khác có lợi hơn, nên các nhà máy thiếu nguyên liệu để chế biến. Ảnh : T.L

Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh có hơn 45.000 héc ta trồng điều với năng suất trung bình là 1,1 tấn/héc ta, giá bán 17.000 -30.000 đồng/kg.

"Diện tích trồng điều của tỉnh chiếm 16% diện tích đất nông nghiệp, 22% diện tích cây công nghiệp, nhưng hiệu quả kinh tế thấp, trong khi, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh là trên 90 triệu đồng/héc ta. Đây là khó khăn cho người trồng điều", ông Chánh nói.

Theo ông Phan Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT) Đồng Nai, thống kê của sở cho thấy, lợi nhuận từ cây điều sau mỗi vụ chỉ ở mức 6,3 triệu đồng/héc ta, bằng 20% so với cà phê và 7% so với hồ tiêu. Tính ra, thu nhập từ cây điều thấp nhất so với các loại cây trồng khác ở Đồng Nai.

Ông Đạo cho rằng, về lâu dài rất khó duy trì diện tích trồng điều ổn định ở mức 45.000 héc ta như hiện nay vì người dân sẽ chặt bỏ để trồng cây khác mang lại lợi nhuận cao hơn. "Chuyện người dân chuyển từ điều sang cây trồng khác, cơ quan quản lý không làm gì được. Vì thế, để giữ vững diện tích điều hiện nay thì phải có cơ chế tốt cùng với đó giá bán điều thô phải cao”, ông Đạo nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết do Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào xây dựng được thương hiệu điều, thiếu đầu tư chế biến sâu nên giá điều thô không cao. "Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều chỉ có thể mua điều thô của người dân ở mức giá bình quân 20.000 - 22.000 đồng/kg. Giá này có thể bình ổn trong nhiều năm tới chứ không tăng lên được", ông Thanh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN – PTNT, năm 2005 diện tích trồng điều cả nước là hơn 433.000 héc ta, nhưng đến năm 2013 còn hơn 313.000 héc ta, giảm 120.000 héc ta. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 15.000 héc ta trồng điều bị chặt bỏ, chuyển sang trồng cây trồng khác có giá trị cao hơn.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT), để duy trì được diện tích ở mức trên 300.000 héc ta điều trong những năm tới thì việc đầu tiên là phải nâng cao được năng suất cây điều, qua đó, giúp người trồng điều tăng thu nhập. Để làm được điều này, bắt buộc phải có giống tốt. Hiện năng suất điều trung bình cả nước là 0,94 tấn/héc ta. Mục tiêu, trong những năm tới, năng suất điều trung bình ở mức 1,7 tấn/héc ta.

“Vấn đề bây giờ là tạo ra những bộ giống điều tốt, bộ không hạn chế đầu tư về tài chính cho các trung tâm nghiên cứu, cũng như hỗ trợ tài chính để các trung tâm khuyến nông xây dựng được mô hình điều bền vững, qua đó, tăng được năng suất cây điều lên”, ông Doanh nói.

Ngày 12-6 tại Đồng Nai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT) đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phát triển sản xuất điều, ra mắt ban chỉ đạo phát triển điều bền vững. Lần này, hội nghị có sự tham dự của nông dân trồng điều, Cục trồng trọt, Sở NN – PTNT các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ cùng tham gia để bàn giải pháp phát triển điều bền vững. Mục tiêu, xây dựng vùng trọng điểm 200.000 héc ta tại  4 tỉnh là Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận. Tái canh 60.000 héc ta điều già cỗi, nhiều sâu bệnh ở các tỉnh ở duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ cũng như tạo ra bộ giống điều có năng suất cao để thay thế những diện tích này.

Ngọc Hùng
Theo TBKTSG Online

11/6/14

Không chờ đến khi EU lên tiếng, trong những năm gần đây, ngành hồ tiêu VN cũng đã chủ động chuyển mạnh sang SX theo hướng hữu cơ, ATTP.

Cách đây chưa lâu, cơ quan chức năng EU có những cáo buộc hồ tiêu VN có dư lượng thuốc trừ sâu và kêu gọi các nhà NK không mua tiêu của ta nữa. Tuy nhiên, khi không NK tiêu của VN thì cũng không dễ để mua tiêu có chất lượng tương tự ở những nước trồng tiêu khác.

Cuối cùng, các nhà nhập khẩu EU lại sớm phải quay lại thị trường VN. Các cơ quan chức năng EU vì thế cũng đã dịu giọng hẳn lại, khi họ không còn kêu gọi các nhà nhập khẩu từ bỏ tiêu VN nữa, thay vào đó là khuyến cáo ta đẩy mạnh SX tiêu theo hướng ATTP.
Một vườn tiêu được trồng theo hướng bền vững ở xã Xuân Thọ, Xuân Lộc, Đồng Nai
Không chờ đến khi EU lên tiếng, trong những năm gần đây, ngành hồ tiêu VN cũng đã chủ động chuyển mạnh sang SX theo hướng hữu cơ, ATTP. Bởi ngành hồ tiêu đã nhận thức được rằng yêu cầu đảm bảo ATTP của nhà nhập khẩu, của người tiêu dùng ở các thị trường quan trọng ngày càng khắt khe đối với sản phẩm hồ tiêu.

Họ yêu cầu sản phẩm tiêu phải sạch, được canh tác hữu cơ, có chứng chỉ chất lượng. Đặc biệt thị trường EU đang đòi hỏi chất lượng tiêu ngày càng cao, không dư lượng thuốc trừ sâu, các tiêu chí đảm bảo ATTP ngày càng khắt khe. Điều này cũng đang có dấu hiệu lan sang thị trường Mỹ và các thị trường khác.

Vì thế, theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), kể cả sau này, khi nguồn cung hạt tiêu trên thế giới có thể tăng cao tới mức ngang với nhu cầu và các nhà nhập khẩu sẽ ưu tiên cho việc mua những sản phẩm tiêu đạt các tiêu chí ATTP, được SX bền vững, thì nếu tiêu VN đáp ứng được những yêu cầu ấy, đầu ra sẽ vẫn tiếp tục rộng mở.

Trong mấy năm qua, VPA đã luôn khuyến cáo bà con nông dân canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ, hạn chế dùng phân, thuốc hóa học... Kết hợp kinh nghiệm của nông dân SX tiêu theo quy trình GAP - IPC, VPA đã biên soạn và phát hành tài liệu “SX hồ tiêu bền vững”, tổ chức hội thảo, tập huấn phổ biến kiến thức, nhân rộng điển hình, khuyến cáo thực hiện quy trình kỹ thuật SX, chế biến, bảo quản, phòng trừ bệnh cho cây tiêu...

    Nỗ lực SX tiêu theo hướng ATTP ở nhiều địa phương đã đem tới những kết quả tích cực. Theo ông Đỗ Hà Nam, vừa qua các Cty nước ngoài đến huyện Xuân Lộc lấy 8 mẫu tiêu đem kiểm tra thì cả 8 mẫu đều không có dư lượng thuốc BVTV.

    Thông tin từ ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) còn ấn tượng hơn khi khách hàng nước ngoài kiểm tra 20 mẫu tiêu ở Chư Sê, tất cả đều không có dư lượng thuốc BVTV.

Nhờ vậy, đến nay các vùng trồng tiêu đã có nhiều vườn phát triển bền vững cho năng suất cao. Việc canh tác hồ tiêu đang trở thành phong trào chuyển từ tự phát sang áp dụng TBKT theo hướng hữu cơ, bền vững. Hàng trăm hộ đã được cấp chứng chỉ SX theo quy trình GAP. Nhiều vùng đạt trên 5 tấn/ha, thu nhập trên 650 triệu đ/ha/năm, trong đó lợi nhuận trên 450 triệu đ/ha/năm.

Điều đáng mừng là đến thời điểm này, việc phát triển tiêu theo hướng bền vững, ATTP cũng đã được chính quyền nhiều địa phương quan tâm, thúc đẩy thực sự. Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, trong gần 3 năm qua, đã triển khai cùng một lúc 4 chương trình về SX hồ tiêu bền vững, chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ, xây dựng thương hiệu và thành lập Hiệp hội Hồ tiêu của tỉnh.

Ở phạm vi cấp xã, nhiều xã nằm trong các cũng trồng tiêu trọng điểm cũng đã chủ động đẩy mạnh phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững. Theo ông Lê Đình Thường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ (Xuân Lộc, Đồng Nai), 10 hộ nông dân ở xã này đang được tập huấn để SX tiêu VietGAP trên diện tích 4 ha. Xã cũng tích cực tuyên truyền nông dân giảm tối đa thuốc trừ sâu, phân hóa học, sử dụng phân chuồng.

Ngoài ra, hầu hết các vườn tiêu ở đây đều đã thực hiện rải lưới trên toàn bộ nền đất vườn, để khi thu hoạch, tiêu có rơi xuống thì cũng không chạm vào đất, qua đó giữ cho hạt tiêu được sạch hơn. Nông dân cũng đã đẩy mạnh sấy tiêu mà không phơi như trước đây nữa, với tỷ lệ sấy đạt khoảng 30%.

Đặc biệt, nhiều DN cũng tích cực bắt tay vào xây dựng vùng nguyên liệu tiêu sạch. Cty KSS đã xây dựng riêng trang trại SX tiêu hữu cơ ở Bình Phước. Trang trại này không sử dụng phân, thuốc hóa học, nhờ đó đã SX ra sản phẩm tiêu đạt các tiêu chuẩn ATTP để XK sang Nhật Bản. Trong vụ tiêu 2014, Cty Nedspice đã cùng với với DN Nhiệt Sinh Thái liên kết với hàng trăm hộ trồng tiêu ở Bình Phước tạo ra vùng nguyên liệu bền vững.
Theo nongnghiep.vn
Vừa qua, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4603/QĐ-BCT về việc phê duyệt và công bố danh sách chính thức “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2013. Mặt hàng Hồ tiêu có 19 doanh nghiệp được vinh danh trong đó có 18 doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam.

Chương trình Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín do Bộ Công Thương thực hiện từ năm 2004 đến nay đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ quan hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước. Đây là một trong các hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tác nước ngoài tìm hiểu và xúc tiến giao thương với doanh nghiệp Việt Nam. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm ghi nhận đóng góp tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với đối tác nước ngoài trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam và giới thiệu, quảng bá các doanh nghiệp xuất khẩu

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai thực hiện một số hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2013 theo quy định tại Quyết định số 7013/QĐ-BCT ngày 07 tháng 10 năm 2013. Bộ Công Thương hy vọng các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy thành tích trong thời gian tới để khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và thế giới.

Danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín mặt hàng Hồ tiêu năm 2013:

1. Công ty Cổ phần Phúc Sinh
2. Công ty Cổ phần Sản xuất Dịch vụ Xuất nhập khẩu Hà Nội
3. Công ty Cổ Phần XNK Petrolimex
4. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp I
5. Công ty CP Cà Phê Petec
6. Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận
7. Công ty CP Tập đoàn Intimex
8. Công ty CP TM Dịch Vụ XNK Trân Châu
9. Công ty CP Vật liệu Xây dựng Thái Hà
10. Công ty TNHH Gia vị Liên Hiệp
11. Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà
12. Công ty TNHH KSS Việt Nam
13. Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Xuất nhập khẩu Phúc Lợi
14. Công ty TNHH Một TV Xuất nhập khẩu 2-9 Đăklăk
15. Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Trà và Cà phê Đông Dương
16. Công ty TNHH Sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu Việt Cà Phê
17. Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Nhật Quang
18. Chi nhánh Tổng Công ty Thương mại Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh
19. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội
Theo VPA

8/6/14

 Tham quan nhà ông Đoàn Văn Lập, thôn 3, xã Xuân Phú, Huyện Ea kar chúng tôi không tránh khỏi sự  thích thú khi nhìn thấy vườn hồ tiêu xanh mướt, thẳng tắp và trĩu quả. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lập cho biết: Ngoài việc sử dụng khí Biogas để làm  nguồn thắp sáng, nấu ăn, ông đã tận dụng nước thải biogas để tưới cho vườn tiêu rất hiệu quả. Năm năm trở lại đây, vườn hồ tiêu nhà ông không cần phải sử dụng phân bón nhưng vẫn tươi tốt. Với quy mô chuồng nuôi là 20 con heo thịt, hầm với thể tích 15 khối với 02 bể lắng nước thải, ông có thể sử dụng tưới luân phiên cho 1 ha tiêu. Trong 5 năm sử dụng, ông nhận thấy chỉ số phát triển cành lá của vườn tiêu tốt hơn:  lá xanh , bền, dày hơn, tình hình sâu bệnh giảm hơn hẳn, tỷ lệ rụng quả ít, năng suất ước tính tăng hơn 15% so với những năm trước đây.

 Theo cảm quan chúng tôi nhận thấy  gié quả nhiều, hột to, chắc, màu sắc quả tươi sáng. Mới đầu, các hộ dân trong vùng nghe đến việc sử dụng nước thải biogas để tưới cho vườn tiêu thì rất e ngại, lo sợ vườn tiêu sẽ bị chết, sau khi ông Lập mạnh dạn đi đầu trong việc thử nghiệm sử dụng nước thải biogas để tưới cho vườn hồ tiêu, thấy hiệu quả rõ rệt thể hiện ngay trên chính mảnh vườn của ông, các hộ dân trong vùng đã bắt đầu áp dụng thành công và cho đến nay mô hình đã được phổ biến nhân rộng. Ông Lập cho biết, sau khi áp dụng mô hình này, gia đình ông và các hộ dân trong vùng không phải tốn kém chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhất là sản phẩm thu được là sản phẩm sạch, cũng có thể xem là sản phẩm hữu cơ rất phù hợp với xu hướng sản xuất theo hướng GAP hiện nay.

Theo dự án khí sinh học với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện Chăn nuôi và Đại học nông nghiệp I, việc sử dụng hầm biogas để làm chất đốt, còn có lượng nước xả chứa 93% nước, 7% chất khô trong đó 4,5% là hợp chất hữu cơ và 2,5% là các chất vô cơ. Thành phần chính của nước xả bao gồm những chất hữu cơ ở thể rắn, các chất dinh dưỡng dễ hòa tan (có đặc tính phân bón và cải tạo đất), các nguyên tố vi lượng (Cu, Zn, Fe, Mn...), những tế bào mới hình thành trong quá trình phân giải. Hàm lượng các chất dinh dưỡng N, P, K trong nước xả: có từ 0,37-0,80 g/l  N; 0,099-0,31 g/l  P2O5; 0,32- 0,56 g/l  K2O. Cũng theo tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo khí sinh học Trung Quốc thì trong 1m3 nước xả có khoảng 0,16-1,05 kg N tương đương với 0,35-2,3 kg đạm urê. So với phân chuồng thì nước xả có hàm lượng đạm tương đương. Như vậy, khi rửa chuồng có một lượng nước thừa ra đến hầm thứ hai (lắng) và tràn ra ngoài; nước này đã được lắng, còn rất ít mùi hôi hay không còn hôi thối.

Như vậy việc sử dụng nước thải từ hầm khí sinh học (biogas) là một dạng phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng vừa cho tăng năng suất, vừa giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, vừa nâng cao chất lượng nông sản mà còn bảo vệ môi trường sống chung cho cộng đồng, góp phần thực hiện tiêu chí về vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới của xã.

Tin, ảnh: Hoàng Liên
Theo TT Khuyến Nông Daklak
Tại huyện Vĩnh Linh, một số diện tích cây hồ tiêu đã bị chết do thời tiết nắng nóng kéo dài.

Hiện tượng cây hồ tiêu bị héo và chết dần bắt đầu xuất hiện khoảng hơn 1 tháng trở lại đây. Bà con nông dân cho biết do thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước không đủ cung cấp cho việc tưới tiêu. Hầu như gia đình nào cũng có cây hồ tiêu bị héo lá dẫn đến chết khô. Đa phần cây hồ tiêu bị chết do nắng nóng tập trung chủ yếu ở các địa phương khó khăn về nguồn nước, như: Vĩnh Nam, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thạch...

Điều đáng nói là những diện tích bị chết khô tập trung vào những cây đang ở thời kỳ cho thu hoạch, còn lại là những diện tích trồng mới đang ở trong thời kỳ phát triển. Để hạn chế thiệt hại, nhiều hộ gia đình đã khoan thêm giếng, mua sắm máy bơm để phục vụ cho việc tưới tiêu. Thời gian tới, nắng nóng tiếp tục kéo dài thì diện tích cây hồ tiêu bị chết tăng lên là điều không thể tránh khỏi.

Hiện nay, tổng diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn huyện là 1.028ha,  trong đó có 857 ha đang cho thu hoạch. Trong những năm qua, hồ tiêu là một trong những loại cây công nghiệp lâu năm mang lại thu nhập cao và ổn định cho bà con nông dân. 2 cơn bão số 10 và số 11 trong năm 2013 cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài trong thời gian qua đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và sản lượng của cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.

Nguyên Đồng
Theo trang TTĐT Vĩnh Linh - Quảng Trị
Hồ tiêu là ngoại lệ thú vị so với những mặt hàng nông sản xuất khẩu khác khi giá luôn ở mức cao suốt 8 năm, đặc biệt là 3 năm gần đây. Hồ tiêu Việt Nam chiếm 30% sản lượng và hơn 50% thị phần giao dịch toàn cầu, điều quan trọng hơn là vai trò và vị trí ngành hồ tiêu Việt Nam từng bước được nâng cao khi các nước bắt đầu lấy giá bán của Việt Nam để tham khảo. Mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu thế giới - IPC đề nghị chuyển trụ sở từ Indonesia, quốc gia có lượng hồ tiêu nhiều nhất trước đây, sang Việt Nam.

Chạm ngưỡng 1 tỷ USD

5 tháng đầu năm 2014, hồ tiêu vẫn là mặt hàng xuất khẩu có sự phát triển rất mạnh khi tăng 33,6% về lượng và 42,3% về giá trị với 92.000 tấn hồ tiêu xuất khẩu, kim ngạch đạt 645 triệu USD. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), với tiến độ này, cuối năm nay, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ USD với lượng xuất khoảng 125.000 - 130.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm 2013 gần 900 triệu USD. Như vậy, ngành hàng “bé” như hạt tiêu có cơ hội tham gia vào câu lạc bộ nhóm hàng nông sản xuất khẩu 1 tỷ USD mà 10 năm trước ít ai nghĩ tới. Nhưng giờ đây, hồ tiêu Việt Nam đã chiếm tỷ trọng áp đảo với 30% lượng xuất khẩu và trên 50% thị phần giao dịch thế giới. Vì vậy, VPA tự tin cho rằng, nếu các doanh nghiệp và nông dân đồng lòng thêm một bước nữa thì mặt hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ đủ sức điều tiết giá cả thị trường thế giới. Bởi trong xuất khẩu, đây không phải là mặt hàng nông thủy sản duy nhất có sản lượng và giao dịch chiếm áp đảo, nhưng hồ tiêu lại là ngành hàng đầu tiên mà Việt Nam từng bước xác lập được vai trò và tầm ảnh hưởng trên thị trường giao dịch quốc tế.
 
Chăm sóc vườn tiêu.

Có thể nói, giai đoạn 2011 - 2014 là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam. Theo IPC, với sản xuất và thương mại hồ tiêu toàn cầu như hiện nay, có thể dự báo năm 2015 và đến năm 2020, hồ tiêu Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh với các nước cả về năng suất và giá thành, nhất là với Indonesia và Brazil, những quốc gia từng có sản lượng cao nhất thế giới trước khi Việt Nam nổi lên chiếm lĩnh. Giám đốc điều hành IPC, ông Kannan, cho rằng, dù trong hoàn cảnh nào, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Điều đáng nói, 3 - 4 năm qua, tác động của suy thoái kinh tế tài chính thế giới khiến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản bị sa sút, không ít DN thua lỗ, nhưng ngành hàng hồ tiêu vẫn tăng trưởng mạnh, nhiều kỷ lục về lượng xuất, giá trị kim ngạch và giá bán liên tiếp xác lập qua từng năm.

Khẳng định vai trò


Từ việc chưa có chỗ đứng và thường bị các nhà đầu cơ chi phối giá cả, đến nay vị thế hồ tiêu Việt Nam ngày càng vững vàng trên thương trường quốc tế. Cộng đồng hồ tiêu thế giới nhìn Việt Nam với con mắt tôn trọng, lắng nghe và cùng chia sẻ. Suốt những năm 1990, Singapore chiếm ưu thế trong giao dịch hồ tiêu với lượng nhập khẩu lớn, lên đến 44.000 tấn/năm, trong đó Indonesia là nguồn cung cấp chính với 50% lượng nhập của Singapore. Nhưng sau đó thương mại hồ tiêu Singapore đã sụt giảm mạnh, xuống còn 10.000 tấn năm 2010. Theo VPA, mức giảm này chủ yếu là do nhà nhập khẩu đã mua hàng trực tiếp từ các nước sản xuất, nhất là Việt Nam. Hiện nay, thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vào châu Âu chiếm 34%, châu Á 36%, châu Mỹ 20% và châu Phi 10%. Thời gian gần đây Singapore đã có sự thay đổi trong thương mại, nên lượng hồ tiêu nhập vào Singapore tăng trở lại, đạt 20.200 tấn năm 2013, nhưng nguồn cung chủ yếu đã chuyển qua Việt Nam, khi lượng hồ tiêu cung cấp cho Singapore chiếm đến 60%, Indonesia chỉ còn 28%.

Những nước hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trước đây như Brazil, Indonesia đã và đang liên kết trong việc xuất nhập khẩu với Việt Nam lên đến hàng chục ngàn tấn/năm. Giám đốc điều hành IPC, ông Kannan, cũng chính thức đề nghị chuyển trụ sở từ Indonesia sang Việt Nam bởi vị thế và vai trò của hồ tiêu Việt Nam ngày càng có nhiều ảnh hưởng trên thị trường quốc tế. Sắp tới đây, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị quốc tế về hồ tiêu do IPC phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức tại TPHCM. Điều đáng nói, chất lượng, chủng loại mặt hàng hồ tiêu ngày càng phong phú. Từ chỗ chủ yếu xuất khẩu tiêu đen, nay đã xuất khẩu thêm tiêu trắng, tiêu bột, tiêu gia vị thực phẩm tới bàn ăn người tiêu dùng các nước ở châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ… làm gia tăng giá trị sản phẩm, thu nhập và lợi nhuận ngày càng cao.

5 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản trên 12 tỷ USD
Theo Bộ NN-PTNT, các mặt hàng nông sản xuất khẩu 5 tháng qua tăng trưởng khá là cà phê, nhân điều và hồ tiêu. Trong đó, xuất khẩu 966.000 tấn cà phê với gần 2 tỷ USD kim ngạch, tăng 36,7% về khối lượng và 29% về giá trị so cùng kỳ năm 2013; hạt điều đạt 98.000 tấn với 618 triệu USD, tăng tương ứng 10,8% và 11,5% so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu hồ tiêu, 5 tháng hơn 92.000 tấn với 645 triệu USD kim ngạch, tăng 33,6% về lượng và tăng 42,3% về giá trị. Các mặt hàng thủy sản cũng có bước tăng trưởng khá khi đạt 2,8 tỷ USD, tăng 25%; tương tự, các mặt hàng gỗ chế biến đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, những mặt hàng nông sản chủ lực khác gặp khó khăn như: Lượng gạo xuất khẩu 5 tháng giảm 10,2% và 7,3% về giá trị so với cùng kỳ khi chỉ đạt 2,65 triệu tấn và 1,19 tỷ USD kim ngạch. Mặt hàng cao su xuất khẩu giảm 20,2% về lượng và 39,2% về giá trị với 239.000 tấn và 473 triệu USD kim ngạch. Khoai mì (sắn) và trà (chè) cũng suy giảm về lượng và giá xuất.

Như vậy, 5 tháng qua, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm và thủy sản đạt hơn 12 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo Công Phiên - Báo SGGP
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com