Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

19/11/16

Hình minh họa
Trong năm nay (2016), hai hoạt chất dùng để diệt nấm, cỏ cho cây trồng là Carbendazim và Paraquat với hơn 300 tên thuốc bảo vệ thực vật liên quan sẽ bị loại khỏi ra khỏi danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam. Đây là thông tin mới nhất từ Cục Bảo vệ thực vật, bà con trồng trọt nên lưu ý để tránh sử dụng các loại thuốc có những hoạt chất nguy hiểm này.

Carbendazim là một hoạt chất dùng để diệt nấm trên nhiều loại nông sản nhưng các thị trường như Hoa Kỳ, châu Âu đều đã cấm do nguy cơ gây ung thư và dị tật thai nhi. Còn thuốc trừ cỏ Paraquat lại gây ảnh hưởng tới môi trường đất, nước. Ngoài 2 hoạt chất này, Cục Bảo vệ thực vật cũng đang tiến hành rà soát toàn bộ danh mục thuốc bảo vệ thực vật với hơn 4.000 tên thương phẩm. Những loại thuốc nào không buôn bán sử dụng trong thời gian qua sẽ bị loại bỏ luôn.


Theo VOV
Hình minh họa
Thuốc trừ bệnh còn gọi là thuốc trừ nấm cây được dùng để phòng trừ nhiều loại vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng và các loại nông sản.

Tuy có tên gọi là thuốc trừ nấm (Fungicide) nhưng nhóm thuốc này chẳng những có hiệu lực phòng trị nấm ký sinh, mà còn có tác dụng phòng trừ vi khuẩn, xạ khuẩn gây hại cho cây và nông sản.

Tác động của thuốc trừ bệnh (thuốc trừ nấm) đến vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng

Dựa theo tác động của thuốc đến vi sinh vật, có thể phân các thuốc trừ nấm thành 2 nhóm:

– Thuốc có tác dụng phòng bệnh: (còn gọi là thuốc có tác dụng bảo vệ cây). Thuốc được phun xịt lên cây hoặc trộn – ngâm  hạt giống, có tác dụng ngăn ngừa vi sinh vật gây bệnh có thể xâm nhập vào bên trong mô thực vật để phát triển rồi gây hại cho cây trồng. Những thuốc này phải được dùng sớm, khi dự báo bệnh có khả năng xuất hiện và gây hại cho thực vật. Nếu dùng chậm thuốc không thể ngăn chặn được bệnh phát triển. Ví dụ: Boóc đô, Đồng oxyclorua, Monceren, Mancozeb, Chlorothalonil, Propineb…

– Thuốc có tác dụng trừ bệnh: Khi phun lên cây, thuốc có khả năng xâm nhập dịch chuyển bên trong mô thực vật và diệt được vi sinh vật gây bệnh đang phát triển ở bên trong mô thực vật. Nhiều loại thuốc trừ nấm thông dụng ở nước ta là những thuốc có tác dụng trị bệnh như  Aliette, Anvil, Kitazin, Validacin, Metalaxyl, Carbendazim…

Khi bệnh vừa chớm phát hiện cần phải tiến hành phun thuốc phòng trừ ngay. Phun muộn thì cho dù có diệt được nấm bệnh ở bên trong mô thực vật, nhưng cây sẽ khó hồi phục và điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, chất lượng nông sản.

Đặc điểm chung của các thuốc trừ bệnh

Cũng như các loại thuốc khác, đa số các thuốc trừ nấm sử dụng trong nông nghiệp đều là các hợp chất hữu cơ tổng hợp, so với thuốc trừ sâu thì thuốc trừ nấm thuộc nhiều nhóm hoá học hơn, phức tạp hơn.

Một số ít thuốc trừ nấm vô cơ còn được dùng hiện nay là các thuốc chứa đồng (Boóc đô, Đồng oxyclorua, Đồng sunfat…) thuốc chứa lưu huỳnh (Micrithiol, Sulox…)

Một số thuốc trừ nấm bệnh là những chất kháng sinh (Validamicin, Kasugamicin…)

Có những thuốc trừ nấm chỉ có tác dụng phòng trị một hoặc vài bệnh nhất định.

Ví dụ Kitazin P chỉ có tác dụng trị bệnh đạo ôn (Bệnh cháy lá) hại lúa. Có những loại lại có tác dụng trừ được rất nhiều loại nấm bệnh khác nhau, trên nhiều cây trồng khác nhau, ví dụ: các thuốc trừ nấm Boóc đô, Đồng oxyclorua, Benlat – Copper Sulfate ,…

Sử dụng có hiệu quả thuốc phòng và trừ bệnh

Nên sử dụng thuốc phòng bệnh khi thấy có những điều kiện phù hợp cho nấm bệnh phát triển (thường là sau khi có mưa kéo dài và độ ẩm không khí cao hoặc tại địa phương phát hiện đã nhiễm bệnh).

Khi thấy bệnh vừa chớm xuất hiện, cũng có thể ngắt những lá bị bệnh đem đốt đi và phun thuốc phòng để bệnh không lan sang cây khác. Với những cây có giá trị kinh tế cao, nên phun thuốc phòng bệnh theo định kỳ.

Khi bệnh có dấu hiệu lan rộng thì nên phun thuốc trừ bệnh, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến cán bộ kỹ thuật ở địa phương để chọn loại thuốc trị bệnh hữu hiệu nhất cho loại bệnh cần trừ. Trong một số trường hợp, có các tổ nấm cùng xuất hiện một lúc nên một loại thuốc trừ bệnh có thể không loại bỏ được hết chúng. Để khắc phục có thể phun hỗn hợp hai loại thuốc phòng và trừ một lúc (như Metalaxyl + Mancozeb, Carbendazim + Sulfur…) bằng cách sử dụng các thuốc tổng hợp đã có sẵn ở thị trường hoặc tự mua từng loại riêng rẽ về và pha hỗn hợp trong bình phun. Thuốc trừ bệnh không như trừ sâu và cỏ dại, cần được sử dụng ở giai đoạn sớm vì không thể cứu cây trồng khi đã bị bệnh làm héo, thối,…

Trong các thuốc trừ nấm có một số loại nếu không sử dụng đúng kỹ thuật, thuốc sẽ gây hại cho cây trồng. Thuốc Boóc đô nếu không được pha chế đúng cách, khi phun dễ có khả năng gây cháy lá hoặc làm cho hoa bị hại; thuốc lưu huỳnh dùng vào những ngày bị nắng nóng nhiều có thể trở thành kém an toàn với cây.

Sưu tầm
Hình minh họa
Thuốc trừ sâu được sử dụng để phòng trừ các loại sâu hại cây trồng trên đồng ruộng, nông sản trong kho. Một số ít thuốc trừ sâu cũng có tác dụng phòng trừ  nhện đỏ hại cây.

Tác động của thuốc trừ sâu đến sâu hại


Thuốc trừ sâu có thể tác động đến sâu hại theo nhiều cách khác nhau:

+ Tác động đến đường ruột, còn gọi là tác động vị độc
: Thuốc sâu được phun, rải trên lá, thân cây,… khi sâu ăn thuốc cùng thức ăn (lá cây, vỏ thân cây,…) xâm nhập vào bộ máy tiêu hoá của sâu rồi gây độc cho sâu hại.

+ Tác động tiếp xúc: Khi phun xịt thuốc lên cơ thể côn trùng hoặc côn trùng di chuyển trên thân lá của cây có phun thuốc, thuốc sẽ thấm qua da đi vào bên trong cơ thể rồi gây độc cho sâu hại.

+ Tác động xông hơi: Thuốc ở thể khí (hoặc thuốc ở thể lỏng hay thể rắn nhưng có khả năng bay hơi ở điều kiện thường, chuyển sang thể khí) xâm nhập vào cơ thể côn trùng qua các lỗ  thở (qua đường hô hấp) rồi gây độc hại.

+ Tác động thấm sâu: Sau khi thuốc BVTV được phun lên mặt lá, lên thân cây, thuốc có khả năng xâm nhập vào bên trong mô thực vật và diệt được những sâu hại ẩn náu trong mô cây. (ví dụ: Sâu non của sâu vẽ bùa hại lá cam quýt).

+ Tác động nội hấp (hay lưu dẫn): Thuốc BVTV được phun lên cây hoặc tưới, bón vào gốc; thuốc có khả năng hấp thụ vào bên trong, dịch chuyển đến các bộ phận khác của cây, gây độc cho những loại sâu chích hút nhựa cây.

Những thuốc trừ sâu có tác động thấm sâu hay lưu dẫn sau khi phun lên lá được > 6 giờ nếu có gặp mưa ít bị rửa trôi, do thuốc đã có đủ thời gian xâm nhập  vào bên trong thân, lá.

+ Tác động gây ngán: Sâu hại mới bắt đầu ăn phải những bộ phận của cây có nhiễm thuốc có tác động gây ngán thì đã ngừng ngay, không ăn. Sau cùng sâu sẽ chết vì đói.

+ Tác động xua đuổi: Thuốc sâu hại phải di dời ra xa các bộ phận có phun xịt thuốc, do vậy không gây hại được cho cây.

Đặc điểm chung của các thuốc trừ sâu

– Đa số những thuốc trừ sâu dùng trong sản xuất nông nghiệp đều là những chất hữu cơ tổng hợp :

Thuốc trừ sâu lân hữu cơ, thuốc trừ sâu Pyrethroid (Cúc trừ sâu tổng hợp), thuốc điều hoà sinh trưởng côn trùng, (như Atabron, Nomolt…), thuốc trừ sâu Cacbamat, và các hợp chất hữu cơ khác (Padan, Trebon, Confidor, Regent,…).

Một số loại thuốc trừ sâu không phải là những hợp chất hoá học do con người tổng hợp ra, chúng là những chế phẩm chứa những vi sinh vật hoặc những độc tố do vi sinh vật tạo ra có tác dụng trừ sâu: Bacterine, Xentari, NPV, Beauverine,…

Ngoài ra có một số thuốc trừ sâu có nguồn gốc thực vật: Fortenone (Rotenone) chế từ rễ cây ruốc cá, thuốc trừ sâu Nimbecidine chế từ hạt cây Neem (xoan ấn độ).

-Thuốc trừ sâu thường tác động đến sâu hại ở giai đoạn sâu non (ấu trùng). Sâu non ở tuổi càng nhỏ càng dễ mẫn cảm với thuốc, dễ bị thuốc gây độc. Trưởng thành của nhiều loại sâu hại cũng dễ bị thuốc gây độc (rầy nâu, bọ xít, bọ cánh cứng,…).

– Thuốc trừ sâu thường ít có hiệu quả đối với giai đoạn nhộng. Đa số các thuốc trừ sâu tổng hợp hữu cơ tác động đến hệ thần kinh côn trùng, có tác động tiếp xúc, vị độc, và cả xông hơi, diệt côn trùng tương đối nhanh: Thuốc trừ sâu lân hữu cơ, Cacbamat, cúc trừ sâu …

Một số thuốc trừ sâu có tác động chủ ngăn cản sự lột da của sâu non và ấu trùng và hiệu lực trừ sâu thể hiện chậm hơn: Atabron, Nomolt, Applaud…

Có loại thuốc trừ sâu lại tác động chủ yếu đến hệ tiêu hoá, phá huỷ vách ruột côn trùng: Thuốc trừ sâu BT.

Thuộc về nhóm thuốc trừ sâu còn có những hợp chất tuy không gây độc trực tiếp cho sâu hại nhưng lại góp phần hạn chế đáng kể tác hại của chúng đến mùa màng, chất dẫn dụ Methyl Eugenol không gây độc trực tiếp cho côn trùng nhưng có tác dụng thu hút nhiều loại ruồi đục trái cây từ xa di chuyển đến nơi có phun thuốc khiến cho số lượng côn trùng bị nhiễm độc tăng cao (bẫy ruồi đục quả Vizubon D), từ đó mà làm tăng hiệu quả của thuốc trừ sâu. Hoặc  việc sử dụng những bẫy Pheromone trên đồng ruộng vào thời điểm côn trùng trưởng thành ra rộ sẽ ngăn cản sự ghép cặp để giao phối của chúng, khiến cho chúng không sinh sôi phát triển được. Sự hiểu biết về cơ chế tác động của thuốc trừ sâu đến sâu hại là cơ sở xây dựng kế hoạch dùng luân phiên thuốc trừ sâu trên các ruộng vườn chuyên canh nhằm ngăn ngừa hoặc khắc phục hiện tượng kháng thuốc của sâu hại.

– Tính độc của thuốc trừ sâu đối với người và động vật có ích thay đổi nhiều tùy theo nhóm thuốc, loại thuốc, dạng thành phần.

Có những thuốc rất ít độc với người và động vật máu nóng: BT, Applaud, Nomolt,… chúng được khuyến khích sử dụng trừ sâu trên rau xanh, trái cây,… có những thuốc có độ độc cấp tính tương đối cao đối với người và động vật máu nóng: Methomyl,… lại có những thuốc có tính độc cao với ong hoặc đối với cá hoặc đối với thiên địch của sâu hại: Thiodan,… Trước khi quyết định chọn mua một loại thuốc trừ sâu, cần đọc kỹ phần giới thiệu trên nhãn thuốc về những nội dung nêu trên để cân nhắc, lựa chọn được loại thuốc thích hợp.

Sưu tầm

13/11/16

Hạt tiêu Kampot đã được Bộ Thương mại Campuchia cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý từ tháng 4-2010, hình thành thương hiệu tập thể cho người trồng tiêu tại Kampot. Đến nay, Liên minh châu Âu cũng đã công nhận thương hiệu tiêu này.

Mặc dù là cái nôi của ngành sản xuất hồ tiêu Campuchia, nhưng tỉnh Kampot chỉ chiếm một diện tích trồng tiêu khá khiêm tốn, khoảng 125 ha (tương đương 3% tổng diện tích trồng tiêu Campuchia  năm 2014). Tuy nhiên, hạt tiêu được trồng ở đây khá nổi tiếng nhờ chất lượng vượt trội với hương vị cay nồng đặc trưng, khác hẳn hồ tiêu tại các vùng khác do có một quy trình canh tác rất đặc thù của địa phương từ lâu đời, sử dụng hoàn toàn các loại phân xanh, phân hữu cơ, thậm chí các loại thuốc bảo vệ sâu bệnh cũng mang tính truyền thống trên cơ sở đặc tính đất đai, giống và nguồn nước nơi đây.

Việc hình thành thương hiệu tiêu Kampot đã tác động tích cực đến nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng này, làm tăng giá trị sản phẩm, đem lại lợi ích rất lớn cho người trồng tiêu. Cụ thể: năm 2015, giá hạt tiêu đen là 15 USD/kg, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2009; giá tiêu đỏ là 25 USD/kg, tăng gấp 3,1 lần; giá bình quân tiêu trắng là 26 USD/kg, tăng gấp 2,6 lần. Qua đó cho thấy lợi ích rất lớn của việc hình thành thương hiệu quốc tế song song với việc đảm bảo ổn định về chất lượng trong quá trình sản xuất hồ tiêu mà vùng Kampot đã làm được.

Đây là bài học kinh nghiệm rất thiết thực cho ngành hàng hồ tiêu Việt Nam.

H.Châu 
Nguồn: VPA

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện giá tiêu khoảng 120.000 đến 130.000 đồng/kg. Cây tiêu vẫn là cây trồng cho lợi nhuận cao nhất so với nhiều loại cây trồng khác.

Tính đến nay, diện tích hồ tiêu đạt gần 110.000 ha, tăng gấp hơn 2 lần so quy hoạch đến năm 2020, trong đó vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ chiếm hơn 93%.

Các tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu. Năng suất bình quân hồ tiêu hơn 2,6 tấn/ha, riêng vùng Tây Nguyên bình quân cao nhất gần 3,1 tấn/ha. Năm 2016, dự kiến xuất khẩu hồ tiêu đạt 150.000 tấn, kim ngạch hơn 1,2 tỷ USD, tăng 13 % so với cùng kỳ năm 2015.

Với sự phát triển nhanh chóng về diện tích và sản lượng, ngành hồ tiêu Việt Nam cũng đối diện nhiều nguy cơ như sản xuất luôn bấp bênh, chi phí đầu tư cao, sự thâm canh quá mức, thiếu kiến thức về canh tác bền vững, sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, giống tiêu chưa được nghiên cứu chọn lọc có hệ thống, dễ nhiễm sâu bệnh, dễ tồn dư hoá chất trên sản phẩm tiêu hạt...

Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu đứng hàng đầu thế giới, chiếm 50% sản lượng xuất khẩu của thế giới. Hiện hồ tiêu Việt Nam đã có mặt ở 95 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nguyễn Thắng
Theo VOH

4/11/16

 Trước việc diện tích hồ tiêu trên địa bàn cả nước tăng mạnh, diễn đàn về “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững Khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên” diễn ra ngày 31/10 tại tỉnh Bình Phước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đã đưa ra thông tin về hoạch định cho nông dân vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên là vùng chủ lực trồng hồ tiêu cả nước nhận diện các vấn đề, phòng tránh những rủi ro cho người trồng hồ tiêu khi hội nhập.

Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đang tiến hành rà soát, đánh giá các điều kiện sinh thái thích nghi với cây hồ tiêu; loại bỏ diện tích ít thích hợp và không thích hợp để phát triển ổn định và bền vững. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ diện tích hồ tiêu sản xuất theo hướng an toàn; trong đó, ưu tiên các mô hình sản xuất sạch có chứng nhận.

Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tuyển chọn giống tốt, áp dụng các biện pháp canh tác tiến bộ như tưới tiết kiệm, bón phân qua lá, kiểm soát dịch hại. Thời gian tới, sẽ ưu tiên tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, đưa kỹ thuật canh tác theo hướng GAP; đảm bảo sản phẩm an toàn, để nâng cao vị thế trong việc tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam.

Diện tích hồ tiêu cả nước hiện đang tăng nhanh, vượt trên 51.000 ha so với quy hoạch. Tính đến năm 2016, diện tích hồ tiêu cả nước đạt trên 110 nghìn ha; trong đó vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ chiếm trên 93% của cả nước. S ản lượng ước đạt trên 176.000 tấn; trong đó, Tây nguyên và Đông Nam bộ chiếm 95%. Các tỉnh đạt sản lượng lớn là Gia Lai, Đắk Lắk và gần đây là Bình Phước…

Các nhà hoạch định cho rằng, việc “ồ ạt” trồng hồ tiêu trên cả nước đang vượt xa kế hoạch quy hoạch phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy và việc trồng hồ tiêu của nhà nông dễ phát sinh rủi ro.

Theo Chủ tịch Hội Hồ tiêu Việt Nam Nguyễn Mai Oanh, dự báo năm 2016 sản lượng hồ tiêu xuất khẩu vượt 150.000 tấn; trong đó, 9 tháng năm 2016 đã xuất khẩu đạt 132 nghìn tấn, với giá trị kim ngạch trên 1,2 tỷ USD, tăng trên 32% so với năm 2015.

Bà Oanh cho rằng, sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đạt chất lượng khá tốt, đáp ứng được thị trường khó tính. Nhưng để duy trì phát triển bền vững, các doanh nghiệp và nhà nông phải xây dựng vùng nguyên liệu bằng liên kết; tổ chức sản xuất hồ tiêu theo chuỗi giá trị, xây dựng được nguồn gốc xuất xứ hồ tiêu để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm có uy tín.

Bà Oanh cho biết thêm, nhà nông là người quyết định tất cả cho sản phẩm, bởi trong quá trình sản xuất người nông dân có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, cần nâng cao nhận thức về canh tác hồ tiêu theo đúng quy trình; mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hồ tiêu sạch mới đảm bảo tính bền vững cho thương hiệu.

Theo Cục Trồng trọt đánh giá, đến nay diện tích hồ tiêu vượt trên 50.000 ha và đang phá vỡ quy hoạch là do giá một số loại cây trồng xuống thấp, không ổn định, trong khi giá hồ tiêu tăng cao liên tục nhiều năm qua, sản phẩm hồ tiêu dễ tiêu thụ nên nông dân chuyển dịch sang trồng hồ tiêu.

Trước việc gia tăng diện tích cây hồ tiêu, nhưng hiện nay nhiều địa phương, nhất là bà con nông dân vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên là "thủ phủ" hồ tiêu cả nước vẫn chưa làm chủ được nguồn giống tốt cho năng suất cao, đặc biệt sản phẩm chưa mang tính đồng đều. Mặt khác, giống tiêu chưa được nghiên cứu chọn lọc có hệ thống; dễ nhiễm sâu bệnh; kỹ thuật canh tác còn nhiều tồn tại về thiết kế vườn, bón phân, chăm sóc, chống úng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chưa có giải pháp đồng bộ phòng trừ dịch bệnh…/.

 Mard theo TTXVN








Tháng 4-2016, Ủy ban châu Âu đã đệ trình lên Tổ chức Thương mại thế giới bản dự thảo sửa đổi quy định trong các phụ lục 2 và phụ lục 3 - Quy định (EC) số 396/2005 tăng mức quy định về mức dư lượng tối đa cho phép (MRLs) đối với một số hóa chất như acrinathrin, bifenthrin, carbetamide, cinidon-ethyl, fenpropimorph, triflusulfuron và metalaxyl, chất thường dùng trị nấm bệnh trên hồ tiêu với mức quy định mới MRLs là 0,01ppm.

Trước sự việc này, sau khi tập hợp thông tin từ nhiều cơ quan, ngày 12-9-2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức gửi thư cho Tổ chức Thương mại thế giới, trước hạn quy định là 16-9-2016 với những lý do đề nghị không áp dụng quy định mới: Không có căn cứ khoa học phản bác khi chính ý kiến của Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) thì với mức MRLs của metalaxyl hiện tại 0,1ppm, chưa phát hiện bất cứ rủi ro nào về an toàn thực phẩm liên quan tới người tiêu dùng. Cà chua (mã 0231010) và hành tây (mã 0220040) là 2 sản phẩm được dùng hằng ngày nhiều hơn hạt tiêu rất nhiều mà mức MRLs cho các sản phẩm này lại từ 0,2 lên 0,3ppm thì việc điều chỉnh MRLs của hạt tiêu từ 0,1ppm xuống 0,01 ppm rõ ràng là không thỏa đáng.

Thư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cảnh báo nếu áp dụng dự thảo mới sẽ ảnh hưởng lớn đến thương mại hai phía khi số liệu từ Ủy ban châu Âu cho thấy Việt Nam chiếm tới 60% tổng lượng hạt tiêu EU cần nhập, nếu hạ mức MRLs thì chỉ còn khoảng 1-2% lượng hồ tiêu có thể vào EU.

Với những ý kiến xác đáng đã nêu, hy vọng việc xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam vào thị trường châu Âu thời gian tới không bị ảnh hưởng.

Metalaxyl là hoạt chất trừ nấm thuộc nhóm Alanine, đặc biệt hiệu quả với nhóm nấm Oomycetes mà hai đại diện điển hình của nó làPhytophthora và Pythium gây nên các bệnh nghiêm trọng trên cây trồng. Metalaxyl được đăng ký lần đầu tiên để phòng trừ dịch hại tại Mỹ năm 1979, hiện nay tại Mỹ đã có 81 sản phẩm hoạt chất Metalaxyl đã được đăng ký sử dụng.

Thông tư 21/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng ở Việt Nam, hiện có 38 công ty đăng ký 59 loại thuốc thương phẩm hoạt chất Metalaxyl để phòng trừ bệnh hại trên nhiều loại cây trồng. Trong đó có 18 thuốc thương phẩm đơn chất Metalaxyl (Alfamil 25WP, 35WP; Binhtaxyl 25 EC; Lâmbac 35 SD; Mataxyl  25WP; Rampart 35SD…), 41 thuốc thương phẩm của 13 dạng hỗn hợp giữa Metalaxyl với các hoạt chất khác như Carbendazim + Metalaxyl  (Co-mexyl 600SC); Copper Oxychloride + Metalaxyl (Viroxyl 58 WP); Mancozeb + Metalaxyl (Mancolaxyl  72WP, Ridomil Gold   68WG, Mekomilgold 680WG)...

Theo T.L/Chuyennhanong.vn
Đó là khuyến cáo của chuyên gia hồ tiêu Nguyễn Phước Bính, Phó chủ tịch Hội hồ tiêu Chư Sê  khi trả lời câu hỏi của một nông dân Bình Phước về giá tiêu giảm từ tháng 9-2016 và vẫn đang tiếp tục giảm. Theo ông Bính, giá hồ tiêu sẽ tiếp tục giảm, nhưng bà con nông dân không nên bỏ rơi loại cây này.

Ông Bính cho biết ông vừa dự hội nghị dự báo thị trường hồ tiêu những năm tới của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC). Ông Bính cho rằng cũng như các nông sản khác, thị trường hồ tiêu theo chu kỳ tăng - giảm. Giá tiêu bắt đầu tăng trở lại từ năm 2010, đạt đỉnh điểm vào năm 2015 và 2-3 năm tới giá sẽ giảm. Ông Bính khuyến cáo dù giá có giảm xuống ngưỡng 50.000 đồng/kg thì nông dân vẫn phải đầu tư chăm sóc cây tiêu theo hướng bền vững, hữu cơ hóa vườn tiêu, sản xuất tiêu sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là chất cấm mà thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản đã cảnh báo trong gần 3 năm qua.

Ông Bính cũng khuyến cáo bà con nên sử dụng phân bò hoai (bò ăn cỏ) bón cho hồ tiêu, đặc biệt không nên sử dụng phân gà công nghiệp, phân heo. Nguyên nhân do phân gà 80% là trấu, heo ăn cám công nghiệp, phân đều có chứa asen làm nảy sinh mầm bệnh trong đất, trong khi cây tiêu rất nhạy cảm với các loại nấm bệnh.

Giá tiêu bắt đầu giảm từ tháng 9-2016. Ngày 1-11-2016, giá tiêu ở Bình Phước 128.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với trước đó 1 ngày; giảm khoảng 50.000 đồng/kg so với tháng 5-2016.

P.Thảo
Theo BP Online
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com