Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

25/6/15

Giá hồ tiêu luôn ở mức cao khiến nhiều nông dân đổ xô mở rộng diện tích và thâm canh quá mức loại nông sản này.

Diện tích hồ tiêu tăng mạnh, vượt quy hoạch quá lớn; dịch bệnh lây lan nhanh, khó kiểm soát; chất lượng sản phẩm hồ tiêu chưa được chú trọng... Đây là những vấn đề được nêu ra tại diễn đàn “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai tổ chức sáng 18/6, tại huyện Chư Sê - vựa tiêu trọng điểm của cả nước.

Diễn đàn đã cung cấp nhiều thông tin đáng lo ngại cho ngành hồ tiêu của Việt Nam. Hiện nay, diện tích hồ tiêu của nước ta đã vượt ngưỡng 85.000ha, vượt quy hoạch hơn 30.000 ha và vẫn có xu hướng tăng nhanh. Trong đó, diện tích hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ chiếm trên 51%  và chiếm trên 91% tổng sản lượng hồ tiêu toàn quốc.
Diễn đàn “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ”
Trong vài năm trở lại đây, do giá hồ tiêu luôn ở mức cao, trên 170.000đồng/kg, có lúc lên mức 200.000đồng/kg, khiến nhiều nông dân đổ xô mở rộng diện tích và thâm canh quá mức loại nông sản này. Hậu quả là tại nhiều nơi, dịch bệnh lây lan nhanh, hồ tiêu chết hàng loạt. Tham dự diễn đàn, nhiều nông dân mong muốn, các nhà khoa học nghiên cứu tìm ra các loại thuốc phòng và trị bệnh hiệu quả cho cây hồ tiêu.

Ông Ksor Rai, ở thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, bày tỏ mong muốn Nhà nước, các nhà khoa học nghiên cứu thuốc chữa được bệnh chết nhanh, chết chậm.

Bên cạnh những vấn đề về tốc độ mở rộng diện tích quá mức, dịch bệnh tràn lan, thì vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm hồ tiêu là thông tin rất đáng chú được nêu ra tại Diễn đàn.
Dịch bệnh làm hồ tiêu chết hàng loạt
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có thông báo, sản phẩm tiêu đen của nước ta đang có xu hướng gia tăng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Còn các nhà nhập khẩu lớn từ Châu Âu và Hoa Kỳ cảnh báo, nếu tình trạng này không được khắc phục, sẽ tạm ngừng thu mua sản phẩm hồ tiêu của nước ta. Nếu điều này xảy ra, không những giá hồ tiêu bị ảnh hưởng mà uy tín hồ tiêu Việt Nam cũng bị sụt giảm. Do đó, điều cần thiết lúc này là nông dân phải thay đổi cách thức tổ chức sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết, nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc trừ sâu, thì khả năng nhiều nước Châu Âu sẽ không mua hạt tiêu của Việt Nam.

Liên tục nhiều năm qua, Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, với giá trị đạt khoảng 1tỷ USD mỗi năm. Trong đó, riêng năm 2014, nước ta đã xuất khẩu hơn 156.000 tấn, chiếm 58% thị phần hồ tiêu thế giới, giá trị thu về đạt trên 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, để phát triển tiêu bền vững, đã đến lúc, các địa phương cần nhìn nhận, kiểm soát tốt hơn việc lạm phát diện tích và tình hình dịch, bệnh hại.

Đối với nông dân, cần chú trọng đến các giải pháp canh tác bền vững, chú trọng vào chất lượng sản phẩm, hạn chế dùng các loại phân và thuốc hóa học, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, vi sinh và dùng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ bệnh hại./.

Công Bắc- Nguyễn Thảo
Theo VOV – miền Trung


Đây là mô hình thí điểm để tính toán hiệu quả kinh tế-xã hội, tiến đến giới thiệu và nhân rộng ra toàn tỉnh nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nguồn nguyên liệu của địa phương. Đồng thời, tạo thu nhập ổn định cho người lao động tại chỗ.
Mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hồ tiêu thuộc đề án Khuyến công Quốc gia năm 2015 tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: T.U
Thực hiện đề án Khuyến công Quốc gia năm 2015, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại thuộc Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hồ tiêu tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông. “Đây là mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hồ tiêu đầu tiên tại tỉnh ta. Trước đây, Trung tâm đã đứng ra xây dựng nhiều mô hình trình diễn các loại sản phẩm khác trên thị trường”- bà Nguyễn Thị Bích Hằng- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại, cho biết.

Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ đứng chân tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông là đơn vị thụ hưởng duy nhất trên địa bàn huyện Chư Prông có nhu cầu vốn đầu tư trong đề án Khuyến công Quốc gia năm 2015 thực hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, dự án đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến hồ tiêu với công suất 3.500 tấn/ năm được xem là dự án phù hợp với chương trình mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn của Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung. Việc xây dựng một nhà máy chế biến hồ tiêu sẽ đáp ứng được thị trường tiêu thụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tăng giá trị sản xuất cho công nghiệp tỉnh nhà.
Hạt tiêu có độ ẩm 12,6 trên 100 gram là đạt so với 13,5% độ ẩm tiêu chuẩn. Ảnh: T.U
Ông Phạm Trung Thành-Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ, phấn khởi cho biết: “Được thành lập năm 2011 với ngành nghề đăng ký kinh doanh là thu mua và xuất khẩu hàng nông sản. Khi chưa có nhà máy, năng suất sản xuất và chế biến của công ty chỉ đạt gần 1.000 tấn/năm do chưa có sự đồng bộ giữa mua và bán. Từ đầu năm đến nay, được sự hỗ trợ trang-thiết bị máy móc và dây chuyền sản xuất, công suất của nhà máy ước đạt 5.000 tấn/năm”. Ông Trung Thành cho biết thêm, để dây chuyền nhà máy đi vào hoạt động đủ công suất, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu vào thị trường khó tính như Mỹ và các nước châu Âu, chúng tôi sử dụng dây chuyền hiện đại do nhà máy chế tạo máy Sinco Hồ Chí Minh sản xuất với công nghệ đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn tiêu thành phẩm ASTA.
Một góc nhà máy chế biến nông sản có công suất đạt 10.000 tấn mỗi năm. Ảnh: T.U
Ngày 23-6, mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hồ tiêu với tổng chi phí đầu tư đạt gần 7 tỷ đồng đã được tiến hành. Trong đó, kinh phí Khuyến công Quốc gia chiếm 350 triệu đồng, cùng vốn tự có của doanh nghiệp là 6,602 tỷ đồng. Thành phần sử dụng trong mô hình chế biến hồ tiêu gồm: tiêu đen 500 gram/lít; tiêu đen có dung trọng từ 520-590 gram/lít; tiêu trắng dung trọng 630 gram/lít áp dụng trên dây chuyền có công suất chế biến từ 3.500-5.000 tấn/năm. Tiêu đổ vào khoang máy trải qua 5 bước hút bụi, sàng phân loại, đánh bóng, chiếu tia cực tím vô trùng. Sau đó, tiêu sẽ đi qua khoang kiểm tra chất lượng đạt tiêu chuẩn châu Âu. Kết thúc quy trình, hạt tiêu thành phẩm cho chất lượng cao với hạt chắc, đều hạt và thơm hơn. Tiêu thành phẩm có độ ẩm 12,6/ 100 gram (độ ẩm tiêu chuẩn không vượt quá 13,5%), đạt yêu cầu xuất khẩu về độ ẩm. Hiệu quả kinh tế của dây chuyền chế biến hồ tiêu công suất cao được các chuyên gia trong ngành nhận định: Sẽ tạo ra doanh thu bình quân cho doanh nghiệp là 250 tỷ đồng/năm; tạo ra một khoản giá trị gia tăng và giá trị lượng hàng hóa cho tỉnh hàng năm là 3.500 tấn tiêu/năm. Từ đó đóng góp một khoản thuế đáng kể cho nguồn thu địa phương; tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 60 lao động địa phương.

Ông Trần Đắc Lực-Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Chư Prông, nói: “Hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương không những giúp kinh tế huyện nhà đi lên mà còn tạo sự hăng say gia tăng sản xuất cho bà con nông dân. Bởi, bà con đã có nơi an tâm thu mua với giá cả ổn định, sẽ không còn tình trạng để hàng trôi nổi, thương lái ép giá. Huyện chúng tôi rất phấn khởi”.

Tú Uyên
Theo GLO
Trong khi các loại cây trồng chủ lực như cao su, cà phê, điều… đều cho thu nhập bấp bênh thì cây hồ tiêu vốn được mệnh danh là “cây tỷ phú” lại càng có cơ hội để nổi lên và hấp dẫn nhà nông hơn bao giờ hết. Nhà nhà đua nhau trồng tiêu khiến cho thị trường cây hồ tiêu giống trở nên phức tạp.

“Tay không bắt giặc”

Một vườn ươm tiêu giống tại tổ 9, phường Yên Thế, TP. Pleiku. Ảnh: Lê Hòa
Là chủ một trại cây giống khá lớn ở tổ 9, phường Yên Thế, TP. Pleiku nhưng anh H. chưa từng trải qua bất cứ một lớp đào tạo hay tập huấn nào liên quan đến kỹ thuật ươm cây giống. Xuất thân là thợ cơ khí nhưng do làm ăn không hanh thông, anh cùng vợ chuyển hướng qua sản xuất cây giống. Tất cả số vốn nghề có được nhờ học hỏi qua mấy người đi trước, rồi họ chỉ kinh nghiệm lại cho. Khu vườn ươm nhà anh ươm đủ các loại cây giống, từ hồ tiêu, cà phê, keo, tràm, bời lời…

“Năm nay tôi ươm hơn 1 vạn bầu tiêu. Thời tiết khắc nghiệt quá nên tiêu lên không đẹp lắm. Với lại, hồi đầu vụ ươm nhà nào cũng đổ xô đi lùng mua tiêu lươn khiến giá tiêu lươn bị đẩy lên cao ngất, nhiều nhà vườn còn cắt cả dây tiêu non để bán nên mình đem về ươm chết nhiều”-anh H. cho biết.

Sát bên vườn ươm của hộ ông T. cũng trưng biển quảng cáo trại ươm giống hoành tráng với nhiều loại cây giống phổ biến kèm theo lời cam kết uy tín, chất lượng… nhưng khi hỏi chủ vườn, ông T. thừa nhận chưa qua bất kỳ một khóa đào tạo nào về nghiệp vụ kỹ thuật sản xuất cây giống. Cơ sở của ông thậm chí còn chưa có cả giấy phép đăng ký kinh doanh. “Ở đây bà con chủ yếu làm theo kinh nghiệm, người đi trước bày cho người đi sau, chứ có ai học trường lớp ra đâu. Vậy mà bao năm nay họ vẫn làm, người ta vẫn kéo đến mua. Uy tín là nhờ thế”-ông T. phân trần.

Theo ông T., anh H., để làm cây tiêu giống hay bất cứ loại cây giống nào khác đều không khó. Chỉ cần trộn đất với phân chuồng, thêm ít phân vi sinh rồi đóng bầu và tưới liên tục nhiều lần cho nước thấm đều hết đất trong bầu. Nếu cà phê thì ươm cho nảy mầm rồi nhổ lên, đặt vào bầu. Hồ tiêu thì mua dây lươn về, chọn vùng mắt phù hợp rồi giâm vào bầu đất. “Cái khó của nghề ươm tiêu giống là điều chỉnh độ ẩm phù hợp, chế độ chăm sóc sao cho mầm tiêu phát triển xanh tốt, mập mạp; rễ tiêu ra đều, khỏe. Cái đó cứ quan sát hàng ngày và tự điều chỉnh. Dây tiêu lươn thì về huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông… vùng nào cũng có để cắt”-ông T. nói.

Hậu quả khôn lường


Cây giống là yếu tố tác động đầu tiên đến sự thành bại của nhà nông trong việc đầu tư. Với cây hồ tiêu, loại cây có thể đem lại nguồn thu bạc tỷ mỗi ha trong một năm nhưng cũng có thể biến người giàu thành con nợ chỉ sau vài đợt đổ bệnh. Vài năm gần đây, do nhu cầu tiêu giống quá cao nên không ít cơ sở sản xuất giống chạy theo lợi nhuận, ươm các dây giống không đảm bảo chất lượng để cung cấp cho nông dân. Trong khi, sự ràng buộc giữa người mua-người bán hầu hết chỉ là những thỏa thuận bằng miệng, nếu xảy ra sự cố cũng rất khó lấy căn cứ xác định để yêu cầu trách nhiệm vì hồ tiêu vốn là loại cây quá nhạy cảm. Lúc ấy, tiền đã giao, “được ăn lỗ chịu”, người nông dân chỉ biết trông chờ vào may rủi…

“Nếu tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con để ươm cây giống cho đảm bảo kỹ thuật và hiệu quả thì tốt quá đi chớ. Bà con tui cũng mong được mở lớp tập huấn để học hỏi thêm, khỏi phải mày mò và không lo bị phạt khi có ngành chức năng đến kiểm tra”-anh H. nói.

“Người “tay mơ” mới trồng tiêu hay bị đánh lừa vì chỉ biết căn cứ theo hình thức bên ngoài của cây tiêu giống, tức là cây mầm lá xanh tốt, ngọn mập mạp, nhìn khỏe khoắn là được. Người tinh ý hơn thì chọn cây có rễ khỏe khoắn, vì với cây tiêu bộ rễ rất quan trọng. Nhưng cả hai thứ này, người ươm tiêu giống đều có thể dùng “chiêu” như thuốc kích thích, phân bón lá mạnh tay để tạo ra”-ông T. cho biết.

Anh Lâm-một người dân ở xã Ia Tô (huyện Ia Grai) chia sẻ rằng, trước đây bạn anh từng mua phải giống tiêu “rởm” từ các xe ô tô chở về trung tâm thị trấn Ia Kha để bán. Tiêu giống nhìn rất xanh tốt, rễ lộ ra xung quanh bầu ươm. Nhìn đẹp mắt, anh bạn này mua về nhưng chưa kịp đem ra vườn trồng, toàn bộ số tiêu giống đã chết sạch. Khi mở các bầu ươm ra thì thấy có hạt bắp lẫn trong đất. Thì ra bắp được chủ nhân bẻ mầm và nhét vào bầu ươm tiêu để bộ rễ phát triển, giả làm rễ tiêu ăn ra. Đến khi phát hiện ra sự thật thì chiếc xe bán cây giống đã không một lần quay trở lại, cả chục triệu đồng tiền giống của gia đình anh này đi tong.

Để phân biệt được giống tiêu Vĩnh Linh, Lộc Ninh hay Phú Quốc cũng là điều không nhiều người làm được, vì dây tiêu giống non rất khó phân biệt, chỉ những người làm tiêu quen mới nhận biết được, người mới thì chỉ nghe theo lời người bán thôi. “Với lại, khi chọn mua tiêu giống cũng… hên xui lắm, nếu nhà vườn ươm kỹ tính, cẩn thận chọn dây lươn trong những vườn tiêu khỏe mạnh, sạch mầm bệnh thì sau này người trồng được nhờ, còn không thì ngược lại”-anh H. cho hay.
Lê Hòa
Theo GLO

17/6/15

1- Đặc điểm chung của cây hồ tiêu

Thời gian các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu như sau: Từ khi gié xuất hiện đến khi hoa nở hoàn toàn khoảng 30 ngày, từ khi hoa nở đến quả chín khoảng 7-10 tháng. Ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ hồ tiêu thường chín vào tháng 1, tháng 2 và có khi kéo dài tới tháng 4, 5 nếu gặp hạn đầu vụ.


2- Nhu cầu dinh dưỡng


Hồ tiêu có nhu cầu phân bón không cao về lượng nhưng lại yêu cầu cao về chất. Phân tích lá hồ tiêu thấy tỷ lệ các khoáng dao động trong khoảng 3,1-3,4% N; 0,16-0,18% P; 3,4-4,3% K; 0,44% MgO; 1,67% CaO và luôn cao hơn so với các cây khác. Cây tiêu cần nhiều đạm và kali nhất sau tới lân, canxi, magiê và các vi lượng khác. Đạm giúp hình thành chồi, phát triển thân lá và quả. Thiếu đạm, cây kém phát triển; thừa đạm, quả ít, sâu bệnh nhiều. Lân giúp rễ tiêu phát triển, thúc đẩy quá trình hình thành mầm hoa. Thiếu lân, cây cằn cỗi, lá vàng. Kali giúp cây quang hợp tốt, giảm rụng quả, tăng sức kháng bệnh của cây, tăng chất lượng hạt. Tiêu cần nhiều kali trong giai đoạn ra quả. Thiếu kali lá xoắn, bìa lá khô.


3- Bón phân cho hồ tiêu

Ở nước ta, hồ tiêu được trồng chủ yếu trên đất đỏ bazan, đất vàng đỏ trên granit và đất xám do vậy cần bón cho tiêu nhiều kali và đạm, lân thấp hơn, bón đủ trung, vi lượng. Tùy từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển, cây tiêu cần các loại phân bón với tỷ lệ khác nhau.


+ Bón phân cho hồ tiêu kiến thiết cơ bản:


Bón lót: 10-15kg phân hữu cơ hoai mục và 1 kg phân hữu cơ vi sinh Nasa-Smart cho mỗi hố trước khi trồng. Tưới thúc: Khi hồ tiêu ra rễ mạnh, hòa tan 30-50gam phân NPK-20-20-15+TE Năm Sao hạt tím trong 20 lít nước, tưới 2-3 lần, cách nhau 10-15 ngày/lần nhằm giúp hồ tiêu ra rễ mạnh, phát cành khỏe. Bón thúc: hàng năm bón phân bón NPK 20-20-15+TE Năm Sao hạt tím với lượng: 0,5-0,7 kg/nọc cho năm thứ nhất; 0,7-1 kg/nọc cho năm thứ 2. Lượng phân này chia làm 4-5 lần bón vào đầu, giữa, cuối mùa mưa và 1 lần vào mùa khô. Cuối năm thứ hai cần bón bổ sung 0,5 – 1kg phân hữu cơ vi sinh Nasa-Smart/nọc để hồ tiêu phát triển mạnh, nhanh có hoa.


+ Bón phân cho hồ tiêu kinh doanh:


Hồ tiêu kinh doanh cần bón 3-4 đợt/năm. Bón phân đợt 1 sau khi thu hoạch, đợt 2 trước ra hoa, đợt 3 sau đậu trái và đợt 4 bón nuôi trái. Lượng phân hữu cơ cần bón 5-10kg/nọc, bón ngay sau khi thu hoạch. Khi bón cần xẻ rãnh nông giữa 2 nọc tiêu rồi rải phân hoặc vét bồn rồi rải phân vào mép ngoài bồn và xới nhẹ đất để vùi lấp phân. Các đợt bón sau có thể chọc lỗ để bỏ phân hoặc rải phân vào mép bồn rồi xới nhẹ để vùi lấp phân.


Để hồ tiêu có năng suất cao, chất lượng tốt cần sử dụng phân bón Năm Sao 20-8-16+TE chuyên dùng cho hồ tiêu có chứa đầy đủ và cân đối dinh dưỡng đa, trung và vi lượng. Bón phân 20-8-16+TE Năm Sao chuyên dùng cho hồ tiêu theo qui trình sau: Sau thu hoạch: bón 1-2kg NasaSmart và 0,5-0,6 kg 20-8-16+TE Năm Sao/nọc. Trước ra hoa rộ: bón 0,3-0,4 kg 20-8-16+TE Năm Sao/nọc. Sau đậu quả: bón 0,3-0,4 kg 20-8-16+TE Năm Sao/nọc. Nuôi quả: 0,4-0,5 kg 20-8-16+TE Năm Sao/nọc.


Ngoài phân bón gốc, việc bổ sung phân bón lá rất cần thiết để hồ tiêu đậu nhiều trái, năng suất cao. Phân bón lá có hàm lượng đạm cao như 30-10-10+TE hoặc hoạt chất tăng trưởng gốc axit amin như Protifert vào thời kỳ sau thu hoạch, tỉa cành nhằm kích hoạt chồi mới phát mạnh, cành vươn tốt, nhanh có hoa. Phun phân bón lá có hàm lượng lân cao như 6-30-30+TE và chế phẩm có hàm lượng Bor cao vào thời kỳ hồ tiêu ra nụ để kích thích phân hóa mầm hoa và giúp hoa nở tốt, đậu nhiều trái. Phun phân bón lá có hàm lượng kali cao và canxi cao như 10-5-45+TE vào thời kỳ sau đậu trái và dưỡng trái nhằm giúp trái lớn nhanh, to hạt, chống rụng trái và đạt năng suất cao và chất lượng tốt.


TS. Nguyễn Hoàng

7/6/15

Có thể thấy, trong khi các mặt hàng nông sản khác khốn đốn vì điệp khúc “được mùa, mất giá” thì hồ tiêu đang trở thành một hiện tượng cá biệt khi liên tục trong gần 10 năm luôn tăng giá ở mức cao, mặc dù diện tích, sản lượng năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hồ tiêu có sự sụt giảm đáng kể về lượng, theo Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam ước thực hiện 74.000 tấn, trị giá 679 triệu USD, so cùng kỳ giảm tới 21,9% về lượng, nhưng tăng 2,4 % về giá trị (do giá xuất khẩu tăng), riêng Đắk Lắk, xuất khẩu được 2.200 tấn, giảm 29,82%. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nguyên nhân là do từ năm 2014 đến nay, châu Âu và nhiều nước khác bắt đầu thực thi các hàng rào kỹ thuật, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, họ kiểm tra gắt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu.

Hiện tại, hồ tiêu xuất khẩu bị trả lại nhiều, chủ yếu là tiêu thô, chiếm 85% lượng xuất khẩu do chất lượng không bảo đảm, trong khi giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn Malaysia, Indonesia từ 600 – 1.500 USD/tấn cũng do chất lượng thấp. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho sản xuất hồ tiêu bền vững tại Việt Nam. Theo nhận định của ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực – Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) tại Hội thảo khoa học “Phát triển cây tiêu và ứng dụng choái tiêu sống núc nác trong trồng tiêu” diễn ra ở Đắk Lắk vào hồi tháng 4-2015, diện tích hồ tiêu đang tăng quá nhanh, giá tiêu thì vẫn ở mức cao nên người dân chưa chú ý đến vấn đề sản xuất sạch hoặc kết nối với doanh nghiệp để sản xuất bền vững, nếu kéo dài tình trạng này thì chắc chắn xuất khẩu hồ tiêu sẽ gặp khó ở những thị trường khó tính.

Chính vì vậy, ngay từ bây giờ cần phải đẩy mạnh công tác khuyến nông để tập huấn, đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hồ tiêu, đặc biệt ở những vùng mới trồng, đồng thời tổ chức liên kết sản xuất, kết nối doanh nghiệp với nông dân phát triển hồ tiêu bền vững theo tiêu chuẩn GAP hoặc hồ tiêu có chứng nhận như đã thực hiện trên cà phê…, nếu không thì rất khó giữ được thành quả như hiện nay khi mà sản xuất hồ tiêu còn mang nhiều yếu tố thiếu bền vững.

Theo tintaynguyen.com
Chất hữu cơ trong đất được coi là một tiêu chí để đánh giá độ phì nhiêu của đất. Cho nên đất nào có hàm lượng chất hữu cơ cao hơn thì đất đó sẽ được đánh giá tốt hơn.

Ví dụ, 2 loại đất có nguồn gốc phát sinh gần giống nhau nhưng kết quả phân tích cho thấy 1 loại đất có hàm lượng chất hữu cơ là 1,05% và 1 loại đất có hàm lượng chất hữu cơ là 5,3%, thì chưa cần xem các tiêu chí nông hóa hay vật lý khác, có thể nghĩ ngay là loại đất có hàm lượng chất hữu cơ 5,3% sẽ có độ phì nhiêu tốt hơn.

Tại sao lại nói như vậy? Vì đất có hàm lượng chất hữu cơ cao trước hết sẽ có tính chất vật lý tốt hơn, đất được trở nên tơi, xốp, hạt đất không bị rời rạc hay quá kết chặt.

Nếu là loại đất trồng màu, thì đất chứa nhiều không khí, vi sinh vật hoạt động mạnh, các loại giun đất cũng hoạt động mạnh làm đất càng thêm tơi xốp hơn.

Đất có khả năng giữ ẩm tốt hơn nên tránh được hạn tốt hơn. Chất hữu cơ lại có khả năng đệm tốt nên giữ cho độ pH của đất ít thay đổi, có khả năng giữ các chất khoáng do ta bón vào tốt hơn để rồi cung cấp dần dần lại cho rễ cây tốt hơn.

Chính vì vậy các nhà khoa học khuyên cần phải bón phân hữu cơ cho đất hay ít ra là bón trả lại một phần chất hữu cơ do cây đã lấy đi mỗi vụ.

Trong sản xuất, có nhiều loại phân hữu cơ, tạm thời phân ra các nhóm sau:

–Nhóm phân hữu cơ truyền thống, bao gồm các loại phân gia súc, gia cầm như chất thải của trâu, bò, lợn, gà, vịt, dê, cừu. Các loại chất thải này nếu sử dụng nguyên chất thì có hàm lượng dinh dưỡng khá cao. Ví dụ, trong phân bò tươi có chứa chất đạm khoảng 0,341%, phân trâu có chứa 0,306% còn trong phân lợn có 0,669% chất N.

Nhưng trong phân chuồng, do cần có lượng phân nhiều nên thường cho thêm chất độn như rơm, rác, lá cây, cỏ… Hàm lượng dinh dưỡng trong phân chuồng có nhiều hay ít tùy theo lượng chất độn được cho thêm vào, nhưng chắc chắn là ít hơn phân nguyên chất rất nhiều.

Ngoài các chủng loại phân nói trên ta còn có phân bùn ao, phân bùn của nhà máy đường, phân xanh, phân rác các loại khác.

–Nhóm phân hữu cơ chế biến công nghiệp, bao gồm:

Phân hữu cơ: Có hàm lượng hữu cơ khoảng 20%, chứa chất đạm từ 2% trở lên, tỷ lệ C/N khoảng 12 (chất hữu cơ so với chất đạm).

Phân hữu cơ khoáng: Có hàm lượng hữu cơ phải chiếm từ 15% trở lên và tổng số N+P+K phải được 8% trở lên (8 – 18%).

Phân hữu cơ sinh học: Hàm lượng các axit Humic, Fulvic hay Humin hoặc tổng các axit amin, vitamin hay hợp chất sinh học khác phải đạt từ 5% trở lên.

Phân hữu cơ vi sinh: Chất hữu cơ trên 15%, có ít nhất 1 vi sinh vật hữu ích có mật số bào từ ít nhất là 1,5 x 106/gr hoặc ml.

Phân bón khoáng hữu cơ: Có chất hữu cơ chiếm từ 5 – 15%, chất khoáng khoảng 18% trở lên.

Phân vi sinh vật: Trong phân chứa ít nhất 1 chủng vi sinh hữu ích, có số bào tử sống tối thiểu 1,5 x 108.

Bón phân hữu cơ các loại cho cây trồng nói chung là rất tốt. Nhưng muốn biết phân hữu cơ có đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây trồng không trước hết ta cần biết rằng, cây nào cũng cần có ít nhất là 16 chất dinh dưỡng thiết yếu, đó là N,P,K Ca, Mg, S, Si và các chất vi lượng.

Các chất này đều có mặt trong các loại phân hữu cơ. Nhưng hàm lượng rất khác nhau.

Trong lúc đó, để có 3 tấn tiêu đen khô, cây lấy đi từ đất và từ các loại phân bón vào khoảng 400 kg N, 220 kg P và 350 kg K. Như vậy ta cần phải biết các loại phân đó có chứa bao nhiêu chất khoáng và hàm lượng bao nhiêu mới tính đủ, tính đúng cho cây.

Vì vậy nếu chỉ bón cho cây bằng phân hữu cơ các loại thì ta cần cung cấp đủ số lượng để có đủ các chất khoáng thiết yếu thì sẽ vẫn có năng suất cao. Và càng bón phân hữu cơ lâu dài thì làm cho tính chất của đất sẽ tốt hơn, chứ không phải nghèo đi.

Sưu tầm từ Internet
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com