Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

11/5/16

Hồ tiêu, Ảnh: T.L
Cho tới thời điểm này, Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) vẫn chưa công bố các số liệu thống kê về diện tích, năng suất và sản lượng hồ tiêu thế giới hai năm gần đây. Tuy nhiên, qua các số liệu thống kê về thương mại mặt hàng này của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) vừa công bố, có căn cứ để suy đoán rằng, nguyên nhân sốt nóng giá hồ tiêu thế giới trong năm 2015 bắt nguồn từ nước ta, và do vậy, việc giá hồ tiêu xuất khẩu trong những tháng qua “rơi tự do” là do “gậy ông đập lưng ông”.

“Già néo đứt dây”?

Việc giá hồ tiêu thế giới trong năm 2015 cao kỷ lục, tới 9.438 đô la Mỹ/tấn bắt nguồn từ tình trạng cung không đủ cầu của thị trường thế giới. Chính chúng ta là tác nhân gây ra tình trạng này.

Các số liệu thống kê có lẽ chưa đầy đủ của ITC và Việt Nam cho thấy, tổng khối lượng hồ tiêu xuất khẩu trên thị trường thế giới trong năm 2015 chỉ đạt gần 391.000 tấn, giảm 14.400 tấn (3,6%) so với năm 2014. Trong khi tổng khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của 39 quốc gia sản xuất mặt hàng này đạt gần 166.000 tấn, tăng gần 26.000 tấn (18,4%) so với năm 2014 thì khối lượng xuất khẩu của nước ta, quốc gia trở thành “vựa” hồ tiêu lớn nhất của thế giới từ năm 2007 trở lại đây, đã giảm gần 23.000 tấn (14,6%).

Những quốc gia không sản xuất hồ tiêu, nhưng lâu nay vẫn thường xuyên chiếm trên dưới 20% tổng khối lượng hồ tiêu xuất khẩu trên thị trường thế giới, có phải là “đồng phạm” hay không? Các số liệu thống kê của ITC cho thấy, trong năm 2015, tổng khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của nhóm các nước này giảm 17.600 tấn (16,0%) so với năm 2014. Do vậy, đã góp phần vào tình trạng cung nhỏ hơn cầu trên thị trường hồ tiêu thế giới.

Vì sao trong năm 2015 lại có tình trạng giảm cung ở những nước này và nước ta?

Theo số liệu thống kê của ITC, trong năm 2014, nhóm các nước này đã tăng đột biến khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của mình thêm 20.700 tấn và nâng thị phần lên kỷ lục 27,2%. Nhiều khả năng các quốc gia chuyên nhập hồ tiêu để xuất kiếm lời này đã “vét” kho hồ tiêu dự trữ để xuất khẩu trong năm 2014, cho nên buộc phải giảm khối lượng xuất khẩu trong năm 2015, cho dù giá vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2015, sản lượng hồ tiêu nước ta đạt kỷ lục với gần 169.000 tấn, tăng hơn 17.000 tấn (11,3%) so với năm 2014. Đối chiếu với khối lượng đã xuất khẩu trong năm 2015, có thể thấy chúng ta đã “găm” 40.000 tấn hồ tiêu lại không xuất khẩu ngay.
Nhiều khả năng Việt Nam sẽ là “thủ phạm chính” đẩy thị trường “gia vị vua” này rơi vào tình trạng bão hòa, giá hồ tiêu xuất khẩu của thế giới sẽ giảm mạnh, có thể dẫn đến kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của ta giảm.

Đến nay, giá trị của 40.000 tấn hồ tiêu này (nếu tính theo giá xuất khẩu bình quân 9.507 đô la Mỹ/tấn trong năm 2015), đã “co lại” mất khoảng 75 triệu đô la Mỹ do giá xuất khẩu đã liên tục giảm trong năm tháng trở lại đây.

Không những vậy, tuy chưa hoàn toàn rõ ràng, nhưng cũng đã có dấu hiệu cho thấy, chúng ta đang bán tháo hồ tiêu ra thị trường thế giới.

Thứ nhất, sau hai tháng đầu năm tiết giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2015, tháng 3 vừa qua khối lượng hồ tiêu xuất khẩu đã tăng đột biến 46,6% và bằng kỷ lục của cùng kỳ năm 2014.

Thứ hai, theo các số liệu thống kê chưa đầy đủ của ITC, trong khi giá hồ tiêu hạt bình quân trên thị trường thế giới chỉ giảm nhẹ từ 8.450 đô la Mỹ/tấn vào tháng 10 năm ngoái xuống còn 8.360 đô la Mỹ/tấn trong tháng 3 vừa qua, tức là chỉ giảm 91 đô la Mỹ/tấn (0,6%) thì giá hồ tiêu bình quân của nước ta đã “rơi tự do” tới 2.379 đô la Mỹ/tấn (25,9%).

Nếu như từ tháng 11-2015 trở về trước, với việc găm hàng lại, làm cho thị trường hồ tiêu thế giới khan hàng, chúng ta là “đầu tàu” kéo giá hồ tiêu thế giới lên, thì nay, chúng ta đang là “đầu tàu” kéo giá hồ tiêu thế giới xuống.

Với việc có tới hơn 40.000 tấn hồ tiêu tồn kho vào đầu năm nay, bằng 10% tổng khối lượng hồ tiêu buôn bán trên thị trường thế giới cả năm vừa qua, giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta có nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục giảm trong ngắn hạn.

Kịch bản nào trong những năm tới ?

Với việc diện tích hồ tiêu nước ta đã liên tục tăng mạnh từ năm 2012 đến nay (năm 2013 tăng tới 9.000 héc ta và đã bắt đầu cho thu hoạch), thì từ nay cho đến năm 2019, bình quân mỗi năm Việt Nam sẽ cung cấp thêm cho thị trường thế giới khoảng 22.000 tấn.

Cũng không thể không kể đến khả năng diện tích và sản lượng của 39 nước sản xuất hồ tiêu khác cũng đã tăng do tác động của cơn sốt nóng giá thế giới kéo dài từ năm 2011 đến nay, mà việc các nước này đã tăng gần 26.000 tấn hồ tiêu xuất khẩu trong năm 2015 mới chỉ là bước khởi động đầu tiên.

Trong điều kiện nguồn cung trên thị trường hồ tiêu thế giới không còn “giậm chân tại chỗ”, thậm chí giảm như trong giai đoạn 2007-2012, mà ngược lại tăng mạnh như vậy, chắc chắn giá hồ tiêu xuất khẩu sẽ còn giảm trong trung hạn.

Thực tế cho thấy quá trình giảm giá hồ tiêu thế giới luôn diễn ra liên tiếp trong nhiều năm và mức giảm cũng rất lớn, thậm chí chỉ còn hơn một phần ba so với mức giá đỉnh ở thời điểm sốt nóng liền kề trước đó.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, rất có thể hiện tại và một vài năm tới vẫn còn là những năm của “nửa vòng xoáy trồng”, còn những năm cuối thập kỷ này và đầu thập kỷ tới sẽ là “nửa vòng xoáy chặt” của hồ tiêu của thế giới.

Hiện vẫn còn rất sớm để nói đến chuyện “nửa vòng xoáy chặt” hồ tiêu sẽ diễn ra ở những quốc gia nào trên thế giới, nhưng theo quy luật cạnh tranh, với năng suất cao gấp 2,2-3,8 lần so với năng suất bình quân của phần còn lại trên toàn thế giới, rõ ràng cây hồ tiêu Việt Nam vẫn có thể trụ vững.

Hai quốc gia hiện vẫn còn chiếm hơn 70% diện tích hồ tiêu thế giới là Indonesia và Ấn Độ chỉ có năng suất bằng một phần tư và một phần năm của nước ta, cho nên có nhiều khả năng đó sẽ tiếp tục là các quốc gia đi tiên phong trong việc xóa bỏ diện tích trồng loại cây này.

Do vậy, thay vì chiếm hơn 40% như hiện nay, chắc chắn thị phần của Việt Nam trên thị trường hồ tiêu thế giới sẽ tăng, thậm chí có thể tăng mạnh và vượt qua ngưỡng 50% ngay trong một vài năm tới.

Nói tóm lại, với việc tăng “sốc” diện tích hồ tiêu trong mấy năm gần đây và sẽ tăng “sốc” khối lượng hồ tiêu trong mấy năm tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ là “thủ phạm chính” đẩy thị trường “gia vị vua” thế giới rơi vào tình trạng bão hòa, giá hồ tiêu xuất khẩu của thế giới giảm mạnh, có thể dẫn đến kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của ta giảm, cho dù ta có tăng mạnh khối lượng xuất khẩu.

Cho dù “gậy ông đập lưng ông” như vậy, nhưng cây hồ tiêu Việt Nam vẫn có thể trụ vững. Có điều, siêu lợi nhuận như trước đây không còn.

Nguyễn Đình Bích
Theo TBKTSG
Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa ban hành kế hoạch hành động nhằm gấp rút tăng cường kiểm soát và cải thiện chất lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam.

Trong 5 nội dung của kế hoạch hành động sẽ tập trung triển khai trong năm 2016, đáng chú ý có việc phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các văn bản pháp luật quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có tính đến mức MRL (dư lượng tối đa cho phép) của nước nhập khẩu; tổ chức đào tạo tập huấn cho người sử dụng thuốc BVTV và nâng cấp phòng thí nghiệm tại Việt Nam theo chuẩn  quốc tế.

Trước mắt, Cục BVTV sẽ làm việc với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam để cùng xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá việc sử dụng thuốc BVTV trên hồ tiêu ở các khâu trên đồng ruộng và sau thu hoạch, bảo quản, phân phối để có hướng quản lý phù hợp.

Ðây là kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT thực hiện cam kết với ngành Hồ tiêu Việt Nam và với các nhà nhập khẩu hồ tiêu quốc tế tại cuộc họp cuối năm 2015.

K.T
Theo Báo lao động Đồng nai

6/5/16

Hội nghị thường niên lần thứ 5/2016 vừa diễn ra tại Kalimanta (Indonesia), Ủy ban Nghiên cứu - Phát triển của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) đã thống nhất một số nội dung liên quan tới sản xuất hồ tiêu trong thời gian tới. Dự hội nghị có đại diện Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và Việt Nam (vắng Brazil).

IPC thống nhất về quy trình kỹ thuật hồ tiêu của mỗi quốc gia (giống, hom giống, phân bón, trụ tiêu sống). Quy trình kỹ thuật được thống nhất cho thấy các nước sản xuất hồ tiêu cần phải thay đổi trong quản lý chất lượng trong sản xuất. Các nước cũng đã trình bày xu thế canh tác hồ tiêu trong thời gian tới, cụ thể: Indonesia nhấn mạnh đến kỹ thuật canh tác bón phân cho tiêu. Malaysia nhấn mạnh đến giống tiêu lai mới phục vụ chế biến tiêu trắng. Sri Lanka nhấn mạnh đến kỹ thuật sản xuất hom tiêu giống khỏe. Việt Nam và Ấn Độ nhấn mạnh đến các biện pháp quản lý sâu bệnh hại bằng “biocontrol” (đấu tranh sinh học thông qua các chế phẩm được phân lập từ nấm, vi khuẩn đối kháng với sâu bệnh).

Năm 1990, Việt Nam chỉ đóng góp 4% sản lượng tiêu thế giới nhưng đến năm 2000 là 14%, năm 2003 là 25%. Năm 2015, Việt Nam đóng góp 32% sản lượng hồ tiêu thế giới. Tiếp đó là Ấn Độ 18%, Indonesia 16%, Malaysia 7%, Sri Lanka 6% và phần còn lại là sản lượng của các nước trên thế giới 12%. IPC dự báo Việt Nam tiếp tục tăng 34% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu trong 8 năm tới.

Câu hỏi đặt ra là khi nào nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu thế giới sẽ bão hòa vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Bởi xu thế tiêu dùng hạt tiêu mới trên thế giới là sử dụng tiêu hữu cơ. Ngoài ra, làm thế nào nông dân có thể ký hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất tiêu hữu cơ vẫn là câu hỏi khó trả lời.

Mô hình xen canh hiệu quả cũng được thảo luận, đó là hồ tiêu xen canh với dừa tại Sri Lanka, Indonesia; hồ tiêu xen canh với cau tại Ấn Độ và hồ tiêu xen canh với cà phê tại Việt Nam.


P.Hà (Nguồn từ VPA)
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) xác định cây tiêu là một trong nhiều thế mạnh kinh tế chủ lực, giúp cư dân trên đảo làm giàu chính đáng, tạo ra sản phẩm nông sản đặc trưng phục vụ khách du lịch. Với điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng và là loài cây trồng truyền thống nổi tiếng hơn một thế kỷ qua, Phú Quốc tập trung đầu tư phát triển cây tiêu hướng đến đạt chuẩn GlobalGAP...

Chất lượng tiêu Phú Quốc từng bước được nâng cao.
Nhiều giải pháp để cây tiêu phát triển

Do khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, hồ tiêu Phú Quốc nổi tiếng về chất lượng, được du khách trong và ngoài nước biết. Hai nhóm đất đỏ và đất pha cát thích hợp với cây tiêu có tổng diện tích khoảng 43.600ha, phân bố ở các xã Hòn Thơm, Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, An Thới và thị trấn Dương Đông. Nhờ đó, huyện đảo này phát triển mạnh nghề trồng tiêu. Hiện diện tích trồng tiêu ở Phú Quốc  khoảng 385ha, tập trung phần lớn ở 2 xã Cửa Dương và Cửa Cạn, năng suất bình quân 2 - 3 tấn/ha, sản lượng tiêu hạt gần 1.000 tấn/năm. Tùy vào thời điểm, giá tiêu trên thị trường dao động từ 140.000 - 180.000 đồng/kg. Từ nay đến năm 2015, Phú Quốc có kế hoạch mở rộng diện tích trồng tiêu lên 500ha, rồi 1.000 ha (năm 2020), phấn đấu năng suất đạt từ 3 tấn/ha trở lên.

Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Phú Quốc. Điều này không những khẳng định giá trị truyền thống, chất lượng hồ tiêu của “đảo ngọc”, mà còn là điều kiện thuận lợi để đưa thương hiệu đặc sản hồ tiêu Phú Quốc ra thị trường thế giới. Canh tác cây tiêu hướng đến GlobalGAP, huyện Phú Quốc xây dựng quy trình trồng tiêu hiệu quả, bền vững, chất lượng và thân thiện với môi trường; chuyển giao cho nông dân ứng dụng vào vườn tiêu. Hoạt động khuyến nông được đầu tư; nhất là hướng dẫn kỹ thuật trồng tiêu cho nông dân theo quy trình giảm thiểu các mối nguy hại liên quan đến việc sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe người sản xuất và cộng đồng. Cụ thể là giúp nông dân nắm rõ nguyên nhân khiến dịch bệnh (vàng lá chết nhanh, vàng lá chết chậm, rệp sáp hại rễ...) thường xuyên gây hại, đe dọa sự tồn tại của cây tiêu và biện pháp phòng bệnh, sử dụng thuốc đặc trị an toàn, hiệu quả. Ngoài ra còn có hàng loạt giải pháp khác:

Cải tạo, duy trì chất lượng đất canh tác theo hướng bền vững, nâng cao độ phì của đất, bảo vệ môi trường thông qua việc hạn chế sử dụng phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, các biện pháp sinh học, quản lý dịch hại trong bảo vệ cây tiêu; hướng dẫn nông dân kỹ thuật bón phân, sử dụng loại phân bón hợp lý, cân đối đảm bảo cho cây tiêu được cung cấp đầy đủ, kịp thời những yếu tố dinh dưỡng thiết yếu để sinh trưởng, phát triển tốt; sử dụng giống tiêu mới có năng suất, chất lượng cao kết hợp áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và xây dựng mô hình sản xuất tiêu đạt chuẩn GlobalGAP...

Phù hợp quy hoạch chung của “đảo ngọc”

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng khẳng định: Xây dựng vùng trồng tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại Phú Quốc rất phù hợp với quy hoạch xây dựng hòn “đảo ngọc” này trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của huyện Phú Quốc. Huyện quy hoạch vùng trồng tiêu hợp lý gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn trồng tiêu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Những vườn tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ trở thành điểm tham quan, thư giãn hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước khi đến đảo. Việc xây dựng vùng trồng tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cũng sẽ giúp cây tiêu Phú Quốc trở thành thương hiệu nổi tiếng, có khả năng cạnh tranh với giá cả cao hơn, là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất dược phẩm.

Đặc sản hồ tiêu Phú Quốc đang phát triển mạnh theo định hướng bền vững gắn với dịch vụ và du lịch, tạo cho “đảo ngọc” này thêm một nguồn lợi kinh tế lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phú Quốc đang nỗ lực phát huy tối đa lợi thế của nhãn hiệu “Hồ tiêu Phú Quốc”, đưa sản phẩm vươn ra thị trường khu vực và thế giới để vừa nâng cao giá trị kinh tế, phát triển của hồ tiêu, vừa giới thiệu, quảng bá du lịch Phú Quốc trong thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.

GIA BẢO
Theo laodong.com.vn
Theo thống kê của tỉnh Bình Phước, đã có 27.000ha nông nghiệp bị ảnh hưởng, 3.000ha hồ tiêu mất trắng hoàn toàn do hạn hán. Đặc biệt, toàn tỉnh còn có gần 10.000ha hồ tiêu cũng đang trong diện nguy hiểm nếu trời tiếp tục không mưa.

Những người trồng tiêu ở Bình Phước đang không biết phải xoay sở thế nào để đối phó với trận hạn lịch sử trầm trọng nhất từ trước đến nay.



Theo VTV
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com