Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

30/1/15


Bệnh chết nhanh hồ tiêu thường rất khó phát hiện sớm, chỉ khi cây biểu hiện các triệu chứng điển hình thì nông dân mới phát hiện. Khi đó việc áp dụng các biện pháp phòng trừ hầu như không còn tác dụng.
Kỹ thuật này có thể ứng dụng để theo dõi nguồn bệnh Phytophthora capsici trong đất để dự tính dự báo khả năng và mức độ bệnh sẽ xảy ra nhắm có kế hoạch phòng trừ bệnh.

Tiến hành:

- Đất sử dụng đễ bẫy nấm Phytophthora được thu thập ở vùng quanh gốc cây hồ tiêu ở sâu khoảng từ 1-15cm từ mặt đất.








- Bóp vỡ vụn khoảng 50g đất được rồi cho vào một cốc nhựa (khoảng ½ cốc) sau đó thêm vào 100ml nước cất hoặc nước giếng (khoảng 2/3 gốc) . Nếu nước máy phải để ngoài trời khoảng 1 giờ đồng hồ sau đó mới sử dụng.








Cho vào bề mặt nước một lá tiêu bánh tẻ (lá trưởng thành, không quá già) không có vết bệnh, cốc để trong nhà nhiệt độ khoảng 25-30°C và dưới điều kiện ánh sáng tán xạ. Chú ý lá tiêu phải được giữ nổi trên mặt nước trong suốt thời gian bẫy.
Quan sát vết bệnh phát triển trên lá tiêu sau 2-5 ngày:



(Vết bệnh do lá nhiễm nấm chết nhanh)







Vết bệnh gây ra do Phytophthora có hình tròn, có tia nấm ở ngoài rìa và vành mô bệnh dạng giọt dầu






                             (Lá bị thối không phải do nấm chết nhanh)




Để đánh giá chính xác nguồn bệnh trong vườn nặng hay nhẹ thì mỗi vườn có thể tiến hành bẫy 100-200 cốc (100-200 gốc). Cứ 15 ngày bẫy một lần.
Nếu vườn nhiễm bệnh cần chủ động phòng trừ và xử lý.
                                                                                               


                                                                                                                              hotieuvietnam.vn
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA), đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex đã chia sẻ riêng với NNVN về các kinh nghiệm tái cấu trúc ngành hàng và DN nông sản XK trong năm 2015…

“Chìa khóa” điều tiết lượng bán

Thưa ông, có tới 7 năm liên tiếp ngành hồ tiêu Việt Nam điều khiển thị trường hồ tiêu toàn cầu, còn ngành hàng cà phê khoảng 4 năm nay cũng bắt đầu phá dần quy luật giá bán lên xuống thất thường. Theo ông, lý do quan trọng nhất nằm ở đâu?


Trong lịch sử, có những lúc giá hồ tiêu lên 3.000 USD/tấn, nhưng có khi chỉ còn 600 USD/tấn. Nhưng 7 năm liên tiếp khi VN dẫn dắt thị trường thì giá tiêu chỉ đi lên và đạt tới 9.000 USD/tấn.

Cụ thể, từ năm 2007, khi hồ tiêu VN chiếm 50% thị phần XK trên toàn thế giới, bắt đầu xuất hiện việc người dân VN giữ hàng, mặc dù chưa nhiều nhưng cũng đã khiến giá đi lên. Đến năm thứ 2, nhóm nông dân tham gia vào giữ hàng đã tăng và họ nhận thấy rằng, cứ để hàng lại thì giá cuối vụ bao giờ cũng cao hơn đầu vụ.

Đến năm thứ 3 thì hầu hết nông dân trồng tiêu đã nhận ra cái lợi của việc giữ hàng, điều tiết lượng bán ra.

Cho đến nay là năm thứ 7, việc này đã trở thành cách làm tự nhiên của nông dân VN. Nhiều nông dân đã tiến xa hơn khi họ còn chủ động bỏ tiền mua tin tức giá cả hàng ngày từ các đơn vị uy tín.

Đương nhiên, để làm được điều đó, vai trò dẫn dắt của Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA) là rất quan trọng. Phải biết “kích” nông dân giữ hàng và để họ nhận thấy cái lợi của việc làm này lớn như thế nào.

Còn cà phê, từ niên vụ cà phê 2010-2011, bắt đầu xảy ra sự đột biến về giá khi nhảy vọt lên tới trên 2.500 USD/tấn (cà phê Robusta). Điều kinh ngạc là vu đó VN lại được mùa “khủng khiếp” lên tới 1,7 triệu tấn.

Tất cả bắt đầu từ câu chuyện nông dân trồng cà phê học cách làm của người trồng tiêu, nhen nhóm giữ hàng lại để điều tiết lượng bán. Trong khi đó, các nước NK cứ đinh ninh vụ này giá cà phê VN sẽ rớt thê thảm nên tổ chức bán “khống” cho rất nhiều đối tác của họ.

Không ngờ, cà phê VN bán ra rất chậm, sau 3 tháng chưa tới 300.000 tấn khiến các nhà NK, đầu cơ choáng váng. Thế là thị trường cà phê toàn cầu “bung” luôn, các nhà NK đua nhau tăng giá để mua hàng, giá cà phê Robusta liên tục tăng cao.

Từ thời điểm đó đến nay, VN đã hình thành được giá sàn cà phê có lợi cho người nông dân, khi 4 năm liên tiếp giá luôn đứng ở mức 40 triệu đồng/tấn trở lên.

Năm 2014 cũng là năm XK rất thuận lợi khi sản lượng cà phê VN xuất tới 1,66 triệu tấn, kim ngạch đạt kỷ lục 3,4 tỷ USD.

Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam, vai trò dẫn dắt của DN được đặc biệt quan tâm. Theo ông, khi ngành hàng nông sản VN hình thành được các DN, tập đoàn hùng mạnh sẽ có tác động dẫn dắt thị trường thế nào?


Chính phủ và Bộ NN-PTNT đang rất quan tâm đến việc tái cấu trúc, xây dựng ngành hàng nông sản phát triển nhanh và bền vững, trong đó việc tập trung xây dựng các tập đoàn, DN mạnh để dẫn dắt thị trường là một chiến lược đúng đắn.

Chúng ta hiểu rằng, nếu VN có nhiều DN, tập đoàn lớn thì càng có cơ hội để dẫn dắt thị trường không chỉ trong nước mà trên phạm vi toàn cầu. Bài học này chúng ta đã rất thành công đối với ngành hàng hồ tiêu VN trong mấy năm qua.

Đối với ngành hàng cà phê, hiện có một số DN, tập đoàn đang nắm giữ lượng cà phê XK rất lớn và thể hiện vai trò dẫn dắt, giúp thị trường và giá cả ổn định, có lợi cho nông dân trồng cà phê VN.

Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Intimex, năm 2006 Intimex tiến hành cổ phần hóa, doanh thu XK chỉ mới đạt 100 triệu USD/năm và thuần túy làm thương mại. Nhưng chỉ sau 8 năm thực hiện tái cơ cấu, tổng doanh thu của Intimex đã gấp 15 lần, năm 2014 đạt tới 1,5 tỉ USD (trong đó doanh thu cà phê chiếm 80%).

Hiện Intimex đã trở thành nhà XK cà phê đứng đầu thế giới với 400.000 tấn cà phê/năm (đứng vị trí thứ hai là một công ty của Brazil với lượng XK 200.000 tấn/năm).

Kinh nghiệm của Intimex trong việc tái cơ cấu là tập trung thay đổi chiến lược, đầu tư các nhà máy mới, mua lại các DN để thực hiện tái cấu trúc.

Về XK, Intimex chọn phương án “mua ngay bán ngay” theo dạng không đầu cơ (mua đến đâu fix giá đến đó, hạn chế tối đa bán xa). Khi Intimex xây dựng được hệ thống bạn hàng theo tiêu chuẩn của mình thì nó tạo ra được sự ổn định và uy tín trên thương trường.

Intimex còn đi trước một bước, mạnh dạn mua hàng loạt các Công ty XK nông sản làm ăn thua lỗ để thực hiện tái cơ cấu, có những đơn vị khi Intimex mua vào nợ tới 60 tỷ đồng, nhưng sau vài năm đã bắt đầu làm ăn hiệu quả và trả hết nợ.

Khi VN có nhiều DN, tập đoàn hùng mạnh thì vai trò dẫn dắt của họ được thể hiện rõ nhất bằng việc phối hợp với nông dân để giữ hàng, điều tiết lượng hàng bán ra trên thị trường.

Cụ thể, nông dân sẽ được DN cho ký gửi hàng vào kho, bất cứ khi nào muốn bán chỉ cần chốt giá là được DN thanh toán ngay. Ai cũng hiểu, ngân hàng không thích cho nông dân vay vốn, nhưng khi nông dân gửi hàng thì họ sẵn sàng cho vay thông qua DN.

Việc gửi hàng vào kho của các DN lớn, uy tín cũng giúp chất lượng nông sản được đảm bảo; đồng thời sẽ xuất hiện khả năng điều tiết thị trường vì phần lớn lượng hàng đang được nông dân và DN phối hợp bán ra hợp lý, giúp giữ được giá tốt, tạo ra sức mạnh chi phối thị trường thế giới.

Để xây dựng được một ngành hàng phát triển, bao giờ cũng cần sự dẫn dắt, điều tiết của Nhà nước ở tầm vĩ mô. Ông đánh giá thế nào về vai trò của Nhà nước trong quá trình tái cấu trúc của các ngành hàng nông sản?


Mọi người đều thấy rằng, hầu hết các DN XK lớn nhất VN đều có gốc là DN Nhà nước, chứng tỏ vai trò của Nhà nước vẫn rất quan trọng.

Chính phủ thông qua các DN này để điều tiết thị trường một cách hợp lý, đồng thời giúp sự chỉ đạo của Nhà nước, của các Bộ cũng thuận lợi hơn. Vì vậy, đối với các DN đầu tàu, phải bằng cách nào đó “nắm” được họ.

Nắm đây có nhiều hình thức: Một là nắm về cổ phần; hai là nắm về tổ chức; ba là tham gia và các tổ chức hiệp hội. Về các ngành hàng nông sản XK, VN đã có các Ban phát triển cà phê, hồ tiêu, điều… bền vững do Bộ NN-PTNT chỉ đạo, trong đó Bộ đang cố gắng đưa các DN lớn vào nằm trong các ban này để tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Tôi tin rằng, với các định hướng và cách làm đúng đắn trong việc tái cấu trúc nông nghiệp như hiện nay, các ngành hàng nông sản của DN sẽ dần lớn mạnh, đủ sức để “đối đầu” và hợp tác sòng phẳng với các DN, tập đoàn lớn trên toàn cầu.

                                                                                                                                Xin cảm ơn ông!

                                                                                       Theo Đức Cường – Nông Nghiệp Việt Nam

22/1/15

Nọc tiêu là nơi dây tiêu bám để leo lên cao. Do đó đòi hỏi nọc tiêu phải vững chắc và lâu bền. Chúng ta có thể dùng cây đã chết để làm nọc gọi là nọc chết (cây khô) và các cây đang sống gọi là nọc sống cho tiêu leo

Nọc chết: khi dùng nọc chết thì cần phải các gỗ cứng, chịu được mối mọt và mục nát, các cây rừng tốt dùng làm nọc tốt là:

- Làu táu (vitica astrotricha0

- Cà chắc (shorea obtusa)

- Căm xe (xylia dolabrisomics)…

Cây nọc thường cao từ 4 - 4,5 m và chôn sâu trong trong đất khoảng 0,6 - 1 m. Khi trồng tiêu nhớ trồng cách nọc khoảng 40 - 50 cm

Nọc sống: tiêu trồng với cây nọc sống bằng cách cho leo lên các cây còn sống như các các loại cây ăn quả trong vườn như mít, xoài, dừa, … Như vậy, để đảm bảo cho thời gian kinh tế của tiêu được lâu dài, cây nọc sống đòi hỏi phải có các đặc tính sau:

- Cây sống lâu

- Vỏ cây nhám để tiêu dễ bám

- Rễ ăn sâu để cây khỏi ngã

- Cây chịu đựng được việc cắt xén nhiều mà không chết

- Cây thuộc họ đậu càng tốt vì để nó tự bồi dưỡng chất đạm cho đất

Tuy nhiên, khi trồng tiêu với nọc sống thì năng suất và phẩm chất thường thấp hơn so với nọc chết

Những loại cây thường làm nọc sống cho tiêu là:

- Cây anh đào giả (Glyricidia maculata)

- Cây đại bình linh (Leucoena leucocephala (lam)) lấy từ Philippines

- Cây mít (Artocarpus integrifolis)

- Cây xoài (Mangifera indica)

- Cây dừa (Cocos nucifera L)

- Cây vông (Wrightia annamensis)

Khi trồng với nọc sống lưu ý trồng gốc tiêu xa nọc khoảng 60 - 70 cm và khi cho nọc lên cao khoảng 2 - 3 m thì chặt đọt để cây đâm nhiều nhánh và làm tán che cho tiêu. Tuy nhiên phải cắt xén tán thường xuyên để cho tiêu đủ ánh sáng nhất là vào đầu mùa mưa

Gần đây, cây tràm được một số hộ nông dân vùng đất phèn mặn dùng làm nọc cho cây tiêu và tỏ ra khá hiệu quả:

Với diện tích đất phèn mặn lớn, trồng lúa kém hiệu quả nên vài năm gần đây, nhiều nông dân huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã bắt tay vào thử nghiệm mô hình mới: Trồng tiêu dưới tán tràm, giúp bà con thu lợi kép.

Là hộ đi đầu trong phong trào này, ông Dương Thanh Bình ngụ ấp 1, xã Vĩnh Viễn cho biết: “Năm 2009, tôi trồng thử một nọc tiêu bên gốc tràm và thấy tiêu lên rất xanh tốt, cho nhiều quả nên tôi đã nhân lên 70 nọc để trồng thử nghiệm bên gốc tràm. 2 năm sau, kết quả thu được khá ổn, cây phát triển tốt và cho nhiều trái. Cứ thế tôi tiếp tục nhân lên, từ 100 nọc rồi 200, đến nay đã có 1.000 nọc tiêu được trồng dưới tán tràm”.
Vườn tiêu của ông Bình.
Mô hình trồng tiêu dưới tán tràm của nông dân huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đang đem lại hiệu quả kinh tế cho nhà nông. Ông Bình cũng cho biết, trồng tiêu không quá khó vì tiêu chịu được đất phèn và ít sâu bệnh. Chỉ cần lưu ý việc khai thông hệ thống nước tưới cho cây, khoảng cách từ liếp trồng đến mặt nước nên ở khoảng 2-3 tấc để vừa đảm bảo đủ nước cho tiêu, vừa tránh ngập úng. Khoảng cách giữa các nọc tiêu từ 1,5 - 2m/nọc để dây tiêu mọc nhánh nhiều. Do là đất phèn nên trước khi trồng, bà con cần rải vôi bột (50kg/1.000m2), sau 7 ngày trồng thì bón phân chuồng với liều lượng 5 - 7 kg/gốc tiêu. Ông Nê Vũ Em ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, cho biết: “Có thể dùng nhiều loại cây để làm nọc tiêu, nhưng chỉ sau vài năm thì nọc sẽ bị gãy đổ hoặc chết, còn đầu tư trụ xi măng thì rất tốn kém. Trong khi đó, tràm là loại cây lâu năm, có nhiều lớp vỏ, giữ nước tốt, vì thế làm nọc tiêu sẽ không lo bị ảnh hưởng, ngoài ra trồng tiêu dưới tán tràm còn giúp dây tiêu hạn chế được thời tiết bất lợi”.

Cũng theo ông Bình, năm 2014 nhà ông thu hoạch được khoảng 130kg tiêu hạt, với giá bán bình quân 200.000 - 220.000 đồng/kg, cho nguồn thu khoảng 30 triệu đồng. “Ước tính năm nay nhà tôi sẽ thu được trên 300kg, với giá 230.000 đồng/kg thì sẽ thu được khoảng 70 triệu đồng. Theo kinh nghiệm của tôi, sau 2 năm trồng tiêu bắt đầu cho thu hoạch, năng suất chỉ khoảng 1,5kg/nọc, nhưng đến năm thứ 5 - 7 thì có thể đạt 3 - 5kg/nọc. Mỗi nọc tiêu có thể cho hạt tới 20 năm. Khi cây tiêu già cỗi, không cho trái nữa thì mình lại có thêm nguồn thu lớn từ cây tràm nhiều năm tuổi”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Thế Anh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ - Vị Thanh cho biết: “Hiện Long Mỹ có khoảng 2,8ha tiêu trồng dưới tán tràm, với 13 hộ trồng. Ngoài nguồn thu khá từ hạt tiêu, bà con còn có thêm thu nhập từ cây tràm sau này. Đây là mô hình rất hay, vừa giúp địa phương phát triển diện tích rừng tràm, lại vừa giúp bà con tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích”.
Nguồn: Thư viện điện tử
Trên dây tiêu chúng ta có thể lấy từ 3 loại nhánh để sản xuất cây con:

1. Từ nhánh ác:

Nhánh ác là nhánh già nhất, đang mang trái, ở đốt lóng không có rễ. Cây con từ nhánh ác cho trái rất sớm, trong vòng một năm kể từ ngày trồng. Cây phát triển chậm, không leo mà mọc thành bụi, nên trồng loại này khỏi cần nọc cho tiêu. Tuy nhiên, tiềm năng năng suất cảu loại này thấp và tuổi thọ cũng không cao (7 - 8 năm) chỉ nên trồng để sử dụng cho gia đình, không nên trồng đại trà cho sản xuất

2. Từ thân chính

Lấy hom từ thân chính để sản xuất cây con rất phổ bíên ở Ấn Độ, Srilanca, Malaixia, Inđônesia và ngay cả ta cũng vậy (như ở Phú Quốc, Hà Tiên). Hom được lấy từ phần ngọn và phần thân của dây tiêu sau khi đã được trồng từ 1-1,5 tuổi

Cây con lấy từ thân chính phát triển nhanh, cho nhiều nhánh ác và nhánh thân; cho trái tương đối sớm hơn, khoảng từ 1,5 - 2 năm sau khi trồng. Tiềm năng năng suất và đời sống cao (20 - 25 năm) thích hợp trồng tiêu để phục vụ xuất khẩu

3. Từ nhánh lươn:

Nhánh lươn là nhánh non trẻ nhất, mọc bò từ gốc ra, dài từ 1 - 3 m. Cây con lấy từ nhánh lươn tuy chậm cho trái (khoảng 3 - 4 năm) sau khi trồng, song tiềm năng năng suất và tuổi thọ là cao nhất trong các loại hom (có thể sống được đến 30 năm), thích hợp cho việc xây dựng các vùng chuyên canh tiêu, hom lấy từ nhánh lươn thì dồi dào và giá rẻ hơn trên thân chính

Lưu ý ngoài phần nhánh lươn mọc ra từ gốc còn có những nhánh lươn mọc ra từ thân. Nếu ta kịp buộc những dây này vào nọc tiêu thì nó sẽ trở thành thân chính, song nếu không buộc kịp thì nó sẽ trở thành dây lươn, vươn dài treo lơ lửng ở giữa thân. Nếu cắt những dây này đem nhân giống thì tốt vì loại dây này có tuổi già hơn dây lươn, mọc ra từ gốc bò trên mặt đất

                                                                                                                  Nguồn: Thư viện điện tử

18/1/15


Năm 2014, lần đầu tiên hạt tiêu gia nhập "câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD" của Việt Nam. Điều hoan hỷ ấy không phải chờ đến cuối năm, mà mới 10 tháng đầu năm, kim ngạch của mặt hàng này đã đạt 1,1 tỷ USD, cả năm đạt 12,05 tỷ USD.
Hạt tiêu đã gia nhập “câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD“ của Việt Nam
Thành công trên được tích tụ qua vài chục năm hạt tiêu Việt Nam góp mặt trên thị trường thế giới, nhất là 3 năm gần đây. So với năm 1986, diện tích trồng hạt tiêu năm 2012 tăng gấp 15,1 lần (từ 3.900 ha lên 58.900 ha), bình quân tăng trên 11%/năm - tốc độ rất cao so với các cây trồng khác. Đã xuất hiện mô hình vườn tiêu liên kết theo quy trình an toàn, thay thế dần kiểu canh tác theo tập quán cũ, chất lượng thấp, hay xảy ra dịch bệnh.

Giữa lúc nhiều loại hàng hóa trên toàn cầu - từ dầu thô, đến quặng sắt và đậu nành - đồng loạt rớt giá, người trồng tiêu của Việt Nam phấn khởi vì được giá, xuất khẩu hạt tiêu thăng hoa. Năm 2012 so với năm 1986, lượng xuất khẩu bình quân tăng 15%/năm, về kim ngạch năm 2012 gấp 77 lần năm 1986. Giá năm 1986 là 3.322,6 USD /tấn, năm 2012 là 6.794,5 USD/tấn.

Hạt tiêu của Việt Nam có mặt ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 23 thị trường đạt trên 1.000 tấn là Hoa Kỳ, Đức, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Hà Lan, Singapore, Ai Cập, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Anh, Nga, Pakistan, Hàn Quốc, Philippines, Ukraine, Ba Lan, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Italy, Nam Phi, Australia, Canada, Thái Lan. Đáng lưu ý, 3 thị trường đạt trên 10.000 tấn là: Hoa Kỳ, CHLB Đức, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất

Tuy vậy, cũng cần cảnh báo về chu kỳ thất thường của thị trường nông sản thế giới mà hạt tiêu không là ngoại lệ. Chu kỳ có hai pha "nóng - lạnh" là: sau một thời gian giá cả tăng nóng, diện tích và sản lượng hạt tiêu tăng mạnh ắt dẫn tới tình trạng cung lớn hơn cầu, từ đó giá bắt đầu giảm và sẽ giảm mạnh cũng trong một thời gian đủ dài. Trong khi đó, thị trường hồ tiêu đã qua hai chu kỳ sốt nóng - lạnh 1985-1993 và 1994-2005, từ năm 2006 đến nay là cơn nóng và biết đâu cơn lạnh sẽ được lặp lại.

Tuy giá hạt tiêu tăng, nhưng Việt Nam chưa tận dụng cơ hội giá tăng. Công nghệ xử lý và chế biến vẫn chưa được quan tâm thích đáng. Việc chế biến xuất khẩu hạt tiêu của nước ta chủ yếu là hồ tiêu đen và hồ tiêu trắng chưa xay. Các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua khoảng 80% tổng khối lượng hồ tiêu qua thương lái, rất khó kiểm soát nguồn gốc, quy trình kỹ thuật trồng tới chất lượng sản phẩm.

Hơn nữa, để trồng 1 ha tiêu, chi phí trên dưới 600 triệu đồng, khoảng 3 năm mới thu hoạch. Vì thế, nhiều người ví cây tiêu là "cây của nhà giàu", nếu gom hết vốn liếng để trồng, khi cây bị bệnh, không kịp xử lý thì rủi ro sẽ lớn. Mặc dù vậy, một số nơi diện tích hồ tiêu vẫn tăng nhanh, nhiều nơi bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng phá bỏ các cây điều, cà phê và cả cao su, ồ ạt chuyển sang trồng tiêu.
Theo Xã Luận
Vị thế hồ tiêu Việt Nam đã được khẳng định bằng việc giữ vững kỷ lục sản xuất và xuất khẩu số một thế giới suốt 14 năm liền. Nếu như năm 2001, xuất khẩu hồ tiêu mới chỉ trên 50.000 tấn, đạt khoảng 90 triệu USD thì đến năm 2014 đạt trên 134.000 tấn, trị giá 1 tỷ USD. Từ năm 2008, tốc độ tăng hàng năm đạt 15% - 20%/năm, vượt xa nhiều nước vốn có truyền thống sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu lâu đời. Từ năng suất dưới 1 tấn/ha, đến nay năng suất hồ tiêu Việt Nam đạt bình quân từ 2,3 – 2,5 tấn/ha, số diện tích đạt năng suất 5-6 tấn/ha tăng hàng năm, là ngành hàng có hiệu quả cao nhất trong số 5 loại cây công nghiệp lâu năm của Việt Nam. Tuy diện tích chỉ chiếm 2,5% trong tổng số 2 triệu ha trồng cây công nghiệp lâu năm nhưng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 7.000 USD/ha, gấp 2,6 lần cà phê, 6 lần cây chè, 3,8 lần cây điều, gấp 4 lần cây cao su. Thị phần nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam vào châu Âu hiện chiếm 34%, châu Á 36%, châu Mỹ 20% và châu Phi 10%.

Ông Lê Quốc Doanh- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện hồ tiêu Việt Nam có mặt ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu tiêu số 1 thế giới trong 4 năm nay. Năm 2013, xuất khẩu đạt 132.000 tấn, đạt 900 triệu USD; riêng 9 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, cả năm dự kiến đạt 1,5 tỷ USD.

Tham gia vào chuỗi giá trị hồ tiêu Việt Nam có hàng trăm doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Riêng doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu hiện khoảng 200 doanh nghiệp, trong đó 15 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu, chiếm 70% sản lượng xuất cả nước. Đặc biệt có 5 doanh nghiệp FDI chiếm gần 30% thị phần xuất khẩu. Họ cũng là những doanh nghiệp đi tiên phong xây dựng mô hình liên kết chuỗi hiệu quả như: trực tiếp cùng nông dân tổ chức canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, IPCGap…sản xuất theo hướng hữu cơ để có sản phẩm an toàn, chất lượng, đầu tư công nghệ chế biến tiên tiến, xâm nhập trực tiếp vào thị trường cao cấp. Theo ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, chính những doanh nghiệp này đã kích thích doanh nghiệp khác trong nước cùng tham gia tạo phong trào gia tăng giá trị cho hồ tiêu Việt Nam.

Các doanh nghiệp tăng mạnh chế biến sâu, giảm dần xuất khẩu thô, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường, cho giá cả gia tăng cao hơn. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, hàng chục nhà máy chế biến tiêu công nghệ hiện đại, công suất 60-70 ngàn tấn/năm, trong đó có 14 nhà máy chế biến hồ tiêu đạt tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA…

Ngoài những lợi thế trên, người trồng tiêu Việt Nam cũng có nhiều ưu điểm phù hợp đối với loại cây trồng này, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, đặc tính nổi bật của nông dân trồng hồ tiêu Việt Nam rất cần cù, chịu khó dù trình độ học vấn đa phần không cao nhưng thông minh, sáng tạo, không ngừng học hỏi. Ví dụ, họ sáng chế ra cách sử dụng trụ sống thay xi măng, bón phân kết hợp tưới, tự chế tạo máy làm tiêu trắng…nên chi phí sản xuất giảm, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả canh tác, thu hái…

Nông dân còn có kiến thức, kinh nghiệm tốt về cung cầu thị trường, nên sử dụng hồ tiêu như một loại tiền tệ, lưu trữ để đưa ra thị trường khi có giá tốt nhất. Từ 2006 tới nay, nông dân trồng hồ tiêu Việt Nam là người luôn chủ động quyết định giá, khiến thị trường không bị lũng đoạn, góp phần cùng doanh nghiệp điều tiết giá của thế giới.

Quốc Định
Theo Báo Đại Đoàn Kết









Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT-BVTV), BR-VT được coi là “thủ phủ” của cây tiêu với tổng diện tích trồng hơn 8.000ha, đứng thứ 4 cả nước. Việc canh tác cây tiêu theo hướng an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường cũng đã phát triển và trở thành xu hướng mới của người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh.
 
Ông Nguyễn Hồng Quang (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) kiểm tra vườn tiêu mới trồng được 6 tháng theo hướng tiêu sạch
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, cây tiêu rất thích nghi với vùng đất BR-VT, hơn nữa, với giá liên tục tăng cao trong những năm qua, cây tiêu đã trở thành cây trồng hiệu quả của ngành nông nghiệp và làm giàu cho nhiều hộ trồng tiêu. Mô hình trồng tiêu sạch cũng đã hình thành nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch và bền vững. Người trồng tiêu đã ý thức rằng, yêu cầu của thị trường, của người tiêu dùng ngày càng khắt khe với vấn đề an toàn thực phẩm.

Bà Trần Thị Yến, Phó Chi cục TT-BVTV cho biết, trong những năm gần đây, ngành hồ tiêu của tỉnh đã chủ động sản xuất theo hướng hữu cơ. Theo đó, trong 4 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai cùng lúc 4 chương trình về sản xuất cây tiêu bền vững, chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ, xây dựng thương hiệu và Hội Hồ tiêu của tỉnh được thành lập. Cụ thể, Hội Nông dân huyện Châu Đức (địa phương có diện tích tiêu lớn nhất tỉnh với hơn 5.357ha, trong đó diện tích tiêu cho thu hoạch hơn 5.000ha) đang phối hợp với Hội Hồ tiêu tỉnh xây dựng mô hình trình diễn sản xuất tiêu sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại 4 xã: Bàu Chinh, Sơn Bình, Láng Lớn và Quảng Thành. Theo Hội Hồ tiêu tỉnh, đây là một trong những bước chuẩn bị tiếp đón Hiệp hội Hồ tiêu Thế giới đến khảo sát, đánh giá về tình hình sản xuất và chất lượng sản phẩm hồ tiêu. Tại các điểm trình diễn, cán bộ kỹ thuật của mô hình đã hướng dẫn người trồng tiêu sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc BVTV từ dược liệu… hiệu quả, an toàn cho người sản xuất và người sử dụng theo tiêu chuẩn VietGap. Cùng với xây dựng mô hình trình diễn, Hội Nông dân huyện và Hội Hồ tiêu tuyên truyền, vận động thành lập các tổ kiểm soát để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, bảo quản.

Dẫn chúng tôi thăm vườn tiêu đang chuẩn bị vào vụ mới, anh Trần Văn Thắng, một nhà vườn tại huyện Châu Đức cho biết: Vườn tiêu này có diện tích hơn 1 ha trồng từ năm 1996 bằng giống tiêu Vĩnh Linh, năng suất vụ trước đạt gần 2 tấn, giá bán 130.000 đồng/kg. Vụ tiêu 2013-2014 đạt gần 4 tấn và giá lên đến 190.000 đồng/kg, lợi nhuận cao gấp 3 lần so với năm trước. Ước tính vụ tiêu 2014-2015 đạt 4,5 tấn, nếu mức giá như hiện nay gia đình anh sẽ lãi ròng 300 triệu đồng. Lý giải về cây tiêu cho thu nhập cao, anh Thắng cho biết, ngoài giá hạt tiêu cao, cây tiêu không bị chết bệnh và nhờ được chăm sóc đúng quy trình nên cây tiêu sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao, sản phẩm an toàn cho người sử dụng.

Để hướng đến việc canh tác cây tiêu theo hướng bền vững, đáp ứng được yêu cầu của thị trường về an toàn thực phẩm, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp và cơ quan liên quan khuyến cáo bà con nông dân canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Theo đó, Chi cục TT-BVTV đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người trồng tiêu với chuyên đề “Canh tác cây tiêu bền vững theo hướng hữu cơ sinh học” nhằm thay đổi việc canh tác thường bón phân hóa học sang sử dụng phân hữu cơ kết hợp với các chế phẩm sinh học. Với những động thái này, ngành nông nghiệp BR-VT đang hướng đến mục tiêu: Sản phẩm hạt tiêu phải an toàn cho người sử dụng, được canh tác hữu cơ, có chứng chỉ chất lượng để vươn ra các thị trường tiềm năng.
 
 Theo Báo Bà rịa - Vũng tàu
Tiêu đen được hái khi chùm có vài trái chín, lý tưởng nhất vẫn là trái chín hết nhưng như vậy sẽ gây hao hụt lúc thu hoạch vì trái bị rụng, chim,dơi phá hoại.
Sau khi hái các gié được chất thành đống, ủ trong 5 giờ, sau đó đem ra phơi 3-4 ngày, tiêu héo mặt và hạt trở thành màu đen , sau đó đem đạp hay chà để lấy hạt, tiếp tục đem phơi lại cho thật khô ( độ ẩm còn 11-12 %) , sàng lọc , phân loại kỹ trước khi vô bao.

(Gié hồ tiêu chín)
Tiêu đen thương phẩm có trọng lượng sau khi chế biến còn lại khoảng 1/3 tiêu xanh : 100 kg tiêu tươi còn khoảng 30-35 kg tiêu đen.

1. Tiêu trắng hay tiêu sọ
Theo phương pháp dân gian, tiêu đen được ngâm trong nước khoảng 10-15 ngày, vỏ sẽ bị mềm, nứt tét ra, vớt lên bỏ vào thúng ngâm trong nước lấy chân đạp cho tróc vỏ hết, rửa sạch , đem phơi khô khoảng 12 giờ, tiêu khô. Trung bình 100 kg tiêu đen cho 70 kg tiêu sọ, 100 kg tiêu chín cho 28 kg tiêu sọ.
Tại đảo Bangka, người ta làm như sau: những trái tiêu chín được cho vào túi và nén thật chặt. Túi được may miệng kín , và thả trong bể có thể thay đổi nước được, hoặc ngâm tại dòng nước chảy chậm để tiêu có màu sắc đẹp. Khi phần trung bì mếm ra , ta có thể tách dễ dàng ( khoảng 6-10 ngày ngâm). Sau đó người ta vớt các túi ra khỏi nước, trút tiêu hết và rửa sạch, các hạt lép và tạp chất được bỏ đi. Hạt tiêu sau đó được phơi nắng từ 2-3 ngày . Khi hạt tiêu bắt đầu khô dần thì màu sắc cũng bắt đầu chuyển từ xám sang trắng, độ ẩm còn 10-15% trọng lượng còn 21-26% là được.
Tại Ấn Độ, hầu như toàn bộ chế biến ra tiêu đen, nhưng một sốt ít xuất khẩu thì chế biến ra tiêu trắng.Để chế biến ra tiêu trắng, người ta ngâm tiêu đen trong nước 2-3 ngày, rồi chà giữa hai tấm thảm làm bằng sợi dừa để loại vỏ ngoài của tiêu.
Tại Campuchia và tại các vùng trọng điểm trồng tiêu nước ta, tiêu trắng được chế biến từ tiêu đen. Trước hết qua sàng lọc chọn lấy những trái lớn, cho vào các bao bố, sau đó ngâm những bao tiêu này trong nước lợ 10-15 ngày. Phần ngoài của ngoại vỏ bì phồng lên, mục nát và tét ra khỏi hạt, khi thấy vỏ đã nẫu thì vớt ra bỏ vào thúng, ngâm trong nứơc, lấy chân đạp cho hết vỏ, đãi và rửa sạch. Sau đó lấy đi phơi, quạt sạch và đóng gói.Trọng lượng mất đi khoảng 30%, tức 100 kg tiêu đen còn lại 70 kg tiếu trắng.


2. Tiêu đỏ
Những hạt tiêu thật chín được đem phơi khô, khi khô hạt tiêu có màu đen nhưng vẫn ửng đỏ. Tiêu này rất nặng và thơm ngon. Loại tiêu này thường không bán ra thị trường, chỉ được chế biến làm quà biếu hoặc tiêu thụ cá nhân.
Thu hoạch khi quả tiêu trên cây hầu hết đã chín đỏ => Máy tách quả => rửa nước sạch => xấy đạt 13- 14 % độ thủy phần => phơi nắng đạt 11- 12% độ thủy phần => đóng bao Polime hút chân không => tiêu thụ hoặc cất trữ.
Tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Chư Sê (Gia Lai) đã chế biến tiêu đỏ, nhưng số lượng chưa nhiều, chỉ tiêu dùng trong nước với giá khá cao gấp 3 - 4 lần giá tiêu đen khô.
Tiêu đỏ phơi khô trước khi đóng gói


3. Tiêu xanh
Tiêu xanh không thu hoạch khi gần chín, mà thu hoạch khi tiêu còn xanh, trước khi tiêu chín khoảng 2-3 tháng. Sau khi lấy hột, rửa sạch, tiêu được nhồi với thịt cá để nấu.
Tiêu xanh còn được ngâm dấm làm dưa tiêu ăn rất lâu.


4. Tiêu chim
Trái tiêu khi chín có vị ngọt, chim đến ăn, ngoại quả bì của hat tiêu được bộ máy tiêu hóa của chim tiêu hóa, còn hạt tiêu thì đươc thải ra. Ở những nơi chimthường tụ tập, ta có thể nhặt được nhiều những hạt tiêu này. Sau đó hạt tiêu được đem rửa sạch, phơi khô. Loại tiêu này cũng thuộc hạng tốt, tương đương với tiêu đỏ.

                                                                                                                                         hotieuvietnam

12/1/15

Thực hiện chương trình hoạt động hang năm của Hiệp hội, trong hai ngày 23, 24/12/2014, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức chuyến tham quan khảo đợt 1 một số vùng trồng tiêu trọng điểm vụ 2015 tại tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu.

Tham gia đoàn khảo sát có 13 người đến từ các đơn vị Hội viên gồm: VPĐD Catz International, Cty KSS Việt Nam, Cty CP tập đoàn Intimex, Cty CP Cà phê Petec, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê , Văn phòng đại diện Eurosa Corporation, Công ty CP Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc - Chi nhánh Gia Lai và Văn phòng Hiệp hội.

Mục đích khảo sát: Dự báo sản lượng thu hoạch vụ tiêu 2015 so với vụ 2014 , qua đó góp phần giúp doanh nghiệp và bà con nông dân có kế hoạch định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, điều tiết tiến độ xuất khẩu cho phù hợp với thị trường trong năm 2015 đạt kết quả cao.

Phương pháp khảo sát: Để bảo đảm tính khách quan, ngoài việc thăm vườn tiêu và phỏng vấn trực tiếp các chủ vườn, đoàn còn trao đổi và ghi nhận ý kiến đánh giá về kết quả sản xuất của một số cán bộ chuyên ngành ở địa phương

Địa điểm khảo sát: Chọn vùng, chọn hộ trồng tiêu trồng tiêu đại diện, chọn những vườn tiêu đã khảo sát năm trước (để đối chiếu so sánh).

1. Tại Đồng Nai:
- Khảo sát 5 hộ tại ấp 3 và ấp 6, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ. Diện tích khảo sát 13,6 ha, phần lớn là vườn tiêu trẻ. Vụ 2014 thu 31 tấn, năm 2015 ước thu 28 tấn,  giảm 9,3%;

- Khảo sát 2 hộ tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, với diện tích 5,8 ha. Vườn tiêu đã kinh doanh khai thác 7 năm. Năm 2014 thu 14,5 tấn, năm 2015 ước thu 6,5 tấn, giảm 55,2%.
Diện tích trồng Hồ tiêu liên tục tăng tại Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu
Vườn tiêu trẻ, xung mãn đang cho thu hoạch
2. Tại  Bà Rịa Vũng Tàu:
- Khảo sát 3 hộ tại ấp Phú Thọ, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, với diện tích 2,5 ha. Năm 2014 thu hoạch 5 tấn, năm 2015 ước đạt 7,5 tấn, tăng 50%. Sản lượng tăng là do tăng diện tích kinh doanh.

- Khảo sát 1 hộ tại thôn Xuân Thọ, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức trên vườn tiêu xen cà phê,  diện tích tiêu ước khoảng 0,7 ha. Năm 2014 thu hoạch 3 tấn tiêu, năm 2015 ước thu 1,5 tấn,  giảm 50%.
Vườn tiêu già có năng suất kém hơn so với vụ 2014
Đánh giá chung:

- Theo Bà Nguyễn Thị Điệp kỹ sư nông nghiệp - chuyên viên phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ, Ông Nguyễn Văn Đông - Trưởng trạm  BVTV huyện Châu Đức, Ông Đoàn Minh Toàn - Trưởng trạm BVTV huyện Xuyên Mộc, Ông Trần Hữu Thắng – chủ nhiện liên Câu lạc bộ nông dân sản xuất tiêu năng suất cao của xã Xuân Thọ huyện Xuân Lộc, Ông Lê Văn Vịnh - Chủ nhiệm HTX sản xuất nông nghiệp Xuân Thọ, Xuân Sơn huyện Châu Đức (tham gia Đoàn) cho biết: Sản lượng Hồ tiêu giảm ở các nơi chủ yếu do điều kiện thời tiết bất lợi, đăc biệt trong tháng 7 và 8/2014 mưa to kéo dài trên diện rộng vào đúng thời điểm tiêu ra hoa kết trái vốn là thời điểm quyết định năng suất nhất.

- Qua các ý kiến thống nhất trong đoàn, kết hợp ý kiến phản ánh của bà con nông dân và cán bộ quản lý chuyên ngành của địa phương, thống kê sơ bộ ban đầu về sản lượng tiêu vụ 2015 nơi đoàn đến như sau:

+ Sản lượng tiêu 2015 ở xã Lâm San huyện Cẩm Mỹ tương đương năm 2014 
+ Sản lượng tiêu 2015 ở xã Xuân Thọ huyện Xuân Lộc giảm 30-40% so 2014 
+ Sản lượng tiêu 2015 ở xã Hòa Hiệp huyện Xuyên Mộc  giảm 20-25% so 2014 
+ Sản lượng tiêu 2015 ở xã Xuân Sơn huyện Châu Đức giảm 25-30% so  2014
Đoàn doanh nghiệp khảo sát vườn tiêu tại Bà Rịa Vũng Tàu
Để dự báo sản lượng tiêu vụ 2015 sát thực hơn, VPA sẽ tổ chức tham quan khảo sát tiếp các tỉnh trồng tiêu trọng điểm tại các tỉnh Bình Phước, Đắc Nông, Đắc Lắc và Gia Lai, dự kiến vào đầu tháng 2/2015 (chi tiết thông báo sau trên Web của VPA). Đề nghị các Hội Viên tích cực hợp tác tham gia đông đảo.
Theo VPA

(Bệnh chết nhanh hồ tiêu)

Trong thời gian vừa qua tình trạng dịch hại trên cây hồ tiêu đang diễn ra rất phức tạp trên địa bàn các tỉnh tây nguyên. Nó đã gây ra thiệt hại rất lớn về kinh tế cho các hộ nông dân. Ở đây ta có thể nhìn nhận lại rằng người nông dân trồng cây hồ tiêu như đang “đánh bạc” vì thế cho nên có những nhà sẽ giàu lên rất là nhanh nhờ khoảng kinh tế khá cao từ cây hồ tiêu, nhưng bên cạnh đó cũng không ít người nông dân đã mất hết gì nó.


Khi lợi ích kinh tế từ cây hồ tiêu đem lại khá cao cho nên chúng ta chạy theo phong trào nhà nhà trồng cây hồ tiêu. Những diện tích cây cà phê dần dần được thay thế thành những hàng tiêu xanh mướt nhưng có ai biết được rằng kinh doanh mặt hàng nào đem ta lợi nhuận cao thì rủi ro cũng cao theo không? Có ai biết được rằng những hàng tiêu xanh mướt được bao lâu không? Đó là những câu hỏi mà chúng ta cần phải phân tích và tích toán thật cẩn thận trước khi quyết định đầu tư cây hồ tiêu.

Cây tiêu là loại cây trồng rất khó chịu, nếu bà con chúng ta muốn đầu tư nó hãy nắm thật vững những hiểu biết cơ bản về đặc tính của loại cây này cũng như những căn bệnh đầy rủi ro trên loài cây này để tránh tình trạng mất hết không còn gì.
Nếu chạy theo lợi nhuận trồng tiêu theo phong trào mà không nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thì đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng lây lan dịch hại trên cây hồ tiêu như hiện nay.

Đối với dịch hại trên cây hồ tiêu nổi trội nhất là căn bệnh nan y “chết nhanh” do loại nấm có tên khoa học là phytophtora gây ra. Nó thường phát triển vào mùa mưa, đặc biệt là giai đoạn giữa cho đến khi hết mùa mưa và biểu hiện nhiều nhất là sau những cơn mưa có những ngày nắng là tiêu chết hàng loạt và căn bệnh này hiện nay chúng ta đã không có thuốc chữa khi phát hiện nó.

Sở dĩ ta gọi nó là chết nhanh nhưng thực sự nó đã chết lâu hơn rồi. Khi cây biểu hiện bệnh là toàn bộ hệ thống rể ngầm của nó đã bị thối hoàn toàn cho nên chúng ta không chữa trị được. Nhưng hiện tượng tại sao tiêu vẫn còn xanh khi cây tiêu đã bị thối hệ thống rể từ lâu? Tại vì trên cây tiêu nó còn hệ thống rể phụ trên thân gửi cho nên nó có thể đảm nhận hút một phần nước nào đó tronng lúc trời mưa, sương hay là lúc ta tưới nước nên cây tiêu vẫn xanh bình thường nhưng khi gặp nắng quá trình thoát hơi nước quá nhiều mà cây không lấy lại được phần nước bù vào cho nên cây trồng bị héo đi và ta gọi là chết nhanh.

Đối với loại bệnh này chúng ta chỉ có biện pháp phòng ngừa định kì hằng năm đặc biệt vào mùa mua bằng cách đổ thuốc diệt nấm và diệt tuyến trùng cùng với đó bổ sung hệ vi sinh vật có lợi cho đất trồng cũng như dinh dưỡng để cây trồng nâng cao khả năng đề kháng tự kháng lại bệnh. Khả năng đề kháng của cây trồng nó quyết định đến sự tồn tại của chúng sau đợt dịch bệnh.

Chúng ta thấy có những trường hợp trong cùng một trụ tiêu thì có dây bị bệnh có dây không bị bệnh, hay trong một đám tiêu có những vườn chết theo từng khu mà có vườn chết lẻ tẻ mỗi nơi một trụ? Đó là liên quan đến sự đề kháng của cây trồng, cũng như đề kháng trên con người chúng ta.

Ví dụ trong những đợt dịch cảm cúm thì trong gia đình có người bị và có người không? Người nào dề kháng yếu thì sẽ bị bệnh trước. Hay ta có thể làm tăng sức đề kháng để chống lại bệnh bằng cách uống C chẳng hạn gì thế cây trồng cũng vậy.

Đặc biệt không được làm tổn thương bộ rể cây hồ tiêu. Sau mỗi lần ta phòng bệnh thì hệ vi sinh vật có lợi cũng chết theo gì thế cho nên chúng ta cần thiết phải bổ sung vào đất trồng chúng ta một lượng vi sinh vật có lợi để ức chế sự sinh trưởng của vi sinh vật gây hại.

Ở đây theo nguyên tắc đa dạng sinh học thì ta không có thể tiêu diệt hoàn toàn một loại vi sinh vật nào mà chúng ta cần hạn chế chúng ở một giới hạn cân bằng để không phát triển thành dịch. Đối loại bệnh này ta phải thực hiện biện pháp phòng bệnh đồng loạt trên diện rộng.


(Họp mặt nhóm - chia sẻ kinh nghiệm)

Trong một thời gian đi công tác rất nhiều thôn, buôn của tỉnh Đaklak tôi có tham khảo ý kiến của bà con thông qua các cuộc hội thảo. Cũng có rất nhiều bà con thực hiện phòng bệnh trên cây trồng rất tốt nhưng một mình chưa đủ cho nên tôi hỏi một số bà con rằng “có bao giờ chúng ta rủ các vườn bên cạnh đồng loạt thực hiện phòng bệnh chưa?” tất cả đều trả lời rằng “nhà ai nấy phòng, rảnh đâu phòng đấy”, hay “có những nhà bên cạnh vườn họ chết nhiều quá họ chán nản họ bỏ không phòng hay xử lý luôn tôi sợ lây sang vườn tôi nên tôi phòng”.

Bà con thấy như vậy thì tình trạng dịch hại có lây lan trên diện rộng không? Cho nên chúng ta phải thực hiện phòng bệnh đồng loạt. vườn nào có bệnh xảy ra thực hiện xử lý cây bệnh và phòng các cây khác để hạn chế sự lây lan diện rộng.Hay một số bà con chúng ta sử dụng một số loại thuốc nằm trong doanh mục cấm đã rất lâu điều này lại ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề nữa.

Khi bà con chúng ta sử dụng một số loại thuốc cấm trong đó có nokap tuy rằng bà con chúng ta thấy hiệu quả của nó cao, thời gian kéo dài, nhưng nó ảnh hưởng đến chúng ta rất nhiều vấn đề mà bà con chúng ta chưa để ý. Thứ nhất là vấn đề về đa dạng sinh học, khi sử dụng loại thuốc này nó tiêu diệt tất cả các loài sinh vật luôn, cái thứ hai là môi trường loại thuốc này cực độc và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.

Thứ ba là vấn đề sức khỏe cho người sử dụng và những người xung quanh. Khi tôi đi thăm vườn cho một số bà con tôi có ngửi thấy một mùi lạ tôi hỏi thì ra bà con đang dùng nokap. Quả thật làm tôi đau đầu và rất khó chịu. Tôi có hỏi một số bà con đã sự dụng thuốc đó bác không cảm giác khó chịu khi sử dụng nó à? Bác trả lời mệt lắm nhưng nghe người ta bày tôi làm theo. Nhưng hậu quả gấy ra rất lớn cho môi trường và sức khỏe, ảnh hưởng đến không khí, nguồn nước mà thời gian lại kéo dài.

Điều đáng nói nữa nó sẽ là nguyên nhân gây mất giá tiêu ảnh hưởng đến kinh tế nếu không ngăn chạn kiệp thời. Vì tiêu chúng ta là để xuất khẩu chứ không phải là để tiêu dùng trong nước cho nên nếu mà hàm lượng các chất độc bị cấm có tồn dư trong hồ tiêu Việt Nam thì liệu ta xuất khẩu được hay không? rồi giá tiêu sẽ về mức nào? Chẳng hay một con sâu đã làm rầu nồi canh. Cho nên rất mong cơ quan chức năng xem xét vấn đề này! Nếu không cây hồ tiêu lại hạ giá và mất thương hiệu hồ tiêu Việt Nam.

Điều đáng nói trong trời gian qua các gia đình đang ồ ạc phá bỏ cà phê chạy theo hồ tiêu, ta đánh giá sự rủi ro như thế nào? Nếu cây hồ tiêu mà bị chết hay giá giảm mạnh liệu rằng bà con chúng ta lấy gì để làm nguồn thu nhập, cây hồ tiêu nếu bị dịch chết nhanh quá trình cải tạo đất trồn lại diễn ra thời gian rất lâu mới mạng lại hiệu quả tốt cho việc trồng mới bà con hãy suy nghĩ để tạo cho chúng ta sự chắc chắn khi quyết định.

Hiện nay, chúng ta đang ồ ạt ươm tiêu để cho một mùa vụ mới sang năm. Có ai đánh giá được rằng đây là nguyên nhân gây ra dịch hại trên cây hồ tiêu, là nguồn lây bệnh ban đầu và là sự thất bại đầu tiên mà bà con chúng ta chưa nhận ra. Chọn giống là một khâu rất quan trọng mà hình như bà con chúng ta, những cơ sở sản xuất giống được bà con tin tưởng đã bỏ qua khâu này.

Không biết giống được mua từ đâu? Tôi thấy những chiếc xe máy chở những bó tiêu lươn, tiêu ác xanh mướt được bứt từ khắp nơi mang và các cơ sở sản xuất giống cân ký và thanh toán tiền. Liệu rằng những mầm xanh này có mang trong mình nguồn gây bệnh để đợi một ngày cùng nhau bộc phát không? Bà con chúng ta có theo dõi được tình trạng vườn trước và sau khi chúng ta chọn giống không? hay các cơ sở sản xuất mua giống vầ có hỏi thông tin giống từ đâu, tình trạng vườn như thế nào, giống cây mẹ ra sao không? Và sau đó vườn tiêu mẹ còn sống hay đã chết? Hàng loạt các câu hỏi như vậy chúng ta cần chú ý không thì hậu quả khôn lường.

Nếu hồ tiêu chết ngay từ ban đầu chúng ta ít thiệt hại hơn khi tiêu đã phủ trụ và cho trái bói. Điều đặc biệt dòng tiêu chết nhanh thường diễn ra vào giai đoạn tiêu kinh tế cho nên gây thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng. Tiếp theo vấn đề xử lý giống ít được bà con quan tâm ngay từ giai đoạn ban đầu. “Mua giống về ươm cây nào sống thì trồng chết thì xen cây khác vô trong bầu đó” thật sự là những câu nói đầy chân thật của bà con chúng ta, nhưng bà con đâu biết được rằng mầm bệnh đang ẩn nấp trong huy vọng một vườn tiêu xanh mướt mang cho ta ngồn thu nhập cao. Vì vậy bà con chúng ta cần lựa chọn giống thật kĩ, sử lý giống trước khi trồng, theo dõi vườn giống chúng ta trong một thời gian dài để đưa ra quyết định cuối cùng sớm nhất.

Chúc bà con sức khỏe và thành công.


                                                                                                                                     Kỹ sư: V.V.T

6/1/15

Chelate là những hợp chất đặc biệt đối với các dưỡng chất. Sẽ là rất lý thú để tìm hiểu xem những chelate tạo thuận lợi như thế nào cho việc hấp thu các dưỡng chất mà nếu như không thì những dưỡng chất ấy sẽ rất khó tiêu đối với cây trồng.

Chelates là những hợp chất làm tăng thêm số lượng các dưỡng chất dễ tiêu cho cây trồng, đặc biệt là các chất vi lượng. Khi thiếu chelate trong dung dịch dinh dưỡng, cây trồng có thể sẽ bị thiếu các chất vi lượng then chốt, gây ức chế sinh trưởng trong những điều kiện bất thuận. Vì vậy người trồng trọt phải đảm bảo chắc chắn rằng những hợp chất này có trong dưỡng chất mà họ dùng để canh tác thủy canh.

Chữ “chelate” bắt nguồn từ chữ “chele” của Hy Lạp nghĩa là móng vuốt, một sự kết hợp mang tính thích ứng cao hơn bởi vì chelate hóa là một quá trình giống như sự nắm chặt và giữ lấy cái gì đó bằng móng vuốt. Vì vậy sẽ là rất lý thú để tìm hiểu xem những chelate tạo thuận lợi như thế nào cho việc hấp thu các dưỡng chất mà nếu như không thì những dưỡng chất ấy sẽ rất khó tiêu đối với cây trồng. rất nhiều nguyên tố vi lượng tích điện dương dạng ion trong dung dịch, trong khi những lỗ hoặc những đường mở trên rễ và lá cây tích điện âm. Những nguyên tố này vì vậy mà không thể vào được bên trong cây bởi sự dính chặt của điện tích âm và điện tích dương; với việc thêm một chelate, những nguyên tố dạng ion sẽ được bao bọc và điện tích dương biến thành điện tích âm hoặc đẳng điện, sẽ cho phép nguyên tố đó đi qua lỗ này vào trong cây trồng một cách dễ ràng.

Những chế phẩm chelate tổng hợp 

Hầu hết các loại phân bón thương mại đều bao gồm một hoặc nhiều chế phẩm chelate và các loại phân chất lượng cao đều hợp thành từ vài ba chế phẩm chelate như vậy. Chế phẩm chelate trong phân bón được xem như dấu hiệu bên cạnh những nguyên tố vi lượng mà chúng làm tăng tính dễ tiêu đối với cây trồng.

Nếu như dấu hiệu trên bao bì ghi chữ EDTA bên cạnh một số nguyên tố vi lượng, thì phân ấy có chứa Ethylenediaminetetraacetate, một chế phẩm chelate thông dụng nhất được sử dụng. Những loại phân cao cấp hơn còn có chứa DTPA, Diethylene triamine pentaacetate. Những loại phân chứa Ethylene diamine dihydroxy phenyl acetic acid, viết tắt là EDDHA là những loại phân có chất lượng cao nhất.

Những chelate thường có vài ba điểm để tác động vào, chúng bắt giữ những nguyên tố vi lượng. EDTA có 4 điểm kết nối, trong khi DTPA có 5 điểm, nhưng số lượng cao những điểm kết nối có thể không phải lúc nào cũng là tối ưu. Trong một số trường hợp, 4 điểm kết nối có thể giữ nguyên tố này quá chặt, trong khi ở những trạng thái khác những điểm kết nối ấy lại giữ không đủ chặt.

Khi cần nguyên tố đã được chelate hóa, cây trồng tháo gỡ nguyên tố đó, ví dụ như sắt, từ chelate, còn bản thân chelate thì không bị hấp thụ mà được đẩy trở lại dung dịch.

Hiệu lực của các nguyên tố được chelate hóa cũng lệ thuộc vào điều kiện pH môi trường dung dịch. EDTA có hiệu lực tốt nhất ở môi trường trung tính hoặc hơi chua trong khi DTPA có hiệu lực tốt nhất ở môi trường có pH cao. DTPA đắt hơn và ít tan hơn so với EDTA và thường thấy ở những loại phân có chất lượng cao hơn.

Những tác nhân chelate tổng hợp hiệu quả nhất là Etylene diamine dihydroxy phenyl aceticacid (EDDHA). Chúng chỉ được tìm thấy ở những công thức phân chọn lọc bởi giá cao tương ứng của nó. Nó đã và đang được khuyến cáo áp dụng cho những cây trồng có yêu cầu cao hơn, thậm trí cả trong những điều kiện đối kháng khi mà nguồn những ion đã được chelate hóa bởi EDDHA.

Trong những thí nghiệm trồng hoa cúc ở điều kiện hoàn toàn háo khí, một phần cây bị bệnh rễ do nấm pythium, chỉ có 4% số cây được cung cấp EDDHA vàng lá, trong khi 35% số cây được cung cấp DTPA bị vàng lá và 18% số cây được cung cấp HEDTA bị vàng lá. Mặt khác người ta thấy rằng những cây được cung cấp EDDHA huy động được lượng kẽm gấp 2 lần so với những cây được cung cấp HEDTA và DTPA.

Những chế phẩm chelate sinh học 

Ngoài những chế phẩm chelate tổng hợp ra, có những hợp chất, chúng xuất hiện một cách tự nhiên giống như acid fulvic với vai trò như những chế phẩm chelate tự nhiên. Cây trồng sinh trưởng một cách tự nhiên dựa vào acid fulvic và những chế phẩm chelate khác tìm thấy ngoài tự nhiên để có thể hấp thụ các nguyên tố vi lượng. Fulvic acid là kết quả của sự phân hủy chất hữu cơ thành mùn. Mùn đó được tác động bởi vi sinh tạo thành acid humic (C187H186O89N9S1). Acid humic ấy được chế biến tiếp tục bởi vi sinh để tạo thành acid fulvic (C135H182O95N5S2).

Giống như các chế phẩm chelate tổng hợp, acid fulvic hình thành 4 điểm kết nối với các nguyên tố mà nó chelate hóa, nhưng khác với những chế phẩm tổng hợp, nó có thể được hấp thụ vào bên trong cây trồng. Điều đó làm tăng thêm tính di động của dinh dưỡng trong cây. Những dưỡng chất được chelate hóa bởi fulvic acid có thể dịch chuyển tự do hơn chúng ngăn cản một số điều kiện (trạng thái) như sự thiếu canxi do bị cố định, chúng thường xảy ra đối với những dưỡng chất có tính di động thấp.

- Acid fulvic có thể hiệu quả nhất khi môi trường sinh trưởng ở vùng rễ cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng tối ưu. Khác với các chế phẩm chelate tổng hợp, acid fulvic duy trì hiệu lực của nó ở những điều kiện như độ pH cao hoặc thấp. Trong những điều kiện đối nghịch như vậy, những cây trồng được cung cấp acid fulvic được ghi nhận là không có biểu hiện xốc hoặc thiếu hụt, vv…so với những cây trồng được cung cấp những chế phẩm chelate tổng hợp. Acid fulvic còn tăng cường cải thiện tính lưu động của các dưỡng chất khác nhau trong mô thực vật. Điều này không giới hạn đối với các loại phân khoáng nhưng cũng giúp cải thiện khả năng vận chuyển của các dịch cây khác.

- Các aminoacid thì hình thành những phạm trù khác của các chế phẩm chelate sinh học. Aminoacid có thể chức năng giống như những chế phẩm chelate nhờ vào sự tích điện dương và âm của chúng; sự tích điện ấy có thể tác động như cực bắc và cực nam của một nam châm. Khi chelate hóa aminoacid hình thành 5 điểm kết nối với các nguyên tố khoáng.

Kết luận: 

Vì các chế phẩm chelate tăng khả năng hấp thu nhiều loại dưỡng chất sống còn đối với sự sinh trưởng khỏe mạnh của cây trồng, nên nhà nông cần tìm kiếm những dưỡng chất đáp ứng một dãy các hợp chất chelate. Điều này đảm bảo chắc chắn tính dễ tiêu của dinh dưỡng ở nhiều điều kiện khác nhau bao gồm cả những điều kiện trên hoặc dưới ngưỡng tối ưu.
Theo Cục trồng trọt
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com