Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

29/7/14

Trong thành phần nhiều loại phân bón gốc và bón lá hiện nay, ngoài chất hữu cơ và các chất đa – trung – vi lượng thông thường còn có  thêm axit humic. Bài viết sau đây nhằm giúp bà con hiểu rõ axit humic là chất gì và tác dụng lên cây trồng như thế nào…

Trong tự nhiên xác bã thực vật được vi sinh vật phân hủy tạo thành một hợp chất hữu cơ phức tạp là chất mùn, một nhân tố quan trọng tạo nên dộ phì nhiêu của đất. Trong chất mùn chứa nhiều loại acit hữu cơ như axit humic, axit fulvic, axit fugavic…, gọi chung là axit mùn. Trong số đó axit humic chiếm tỉ lệ nhiều nhất.

Humic là loại axit hữu cơ phức tạp, cấu tạo bởi nhiều thành phần hóa học, có khối lượng phân tử lớn, màu nâu đen, trung bình chứa 50% cacbon, 40% oxy, 5% hydro, 3% nitơ còn lại là lân, lưu huỳnh và các nguyên tố khác. Thành phần chính của axit humic là các vòng cacbon thơm có gắn các nhóm chức hoạt động như các nhóm cacboxyl, quinon, methoxyl…Hoạt tính sinh học của axit humic phụ thuộc vào hàm lượng của các nhóm chức này và khả năng trao đổi ion của chúng.

Axit humic cùng với các axit mùn khác bón vào đất có tác dụng kích thích sự phát triển của hệ rễ để hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn, cây sinh trưởng phát triển mạnh hơn. Nếu được hấp thu trực tiếp qua lá chúng sẽ giúp tăng cường sự quang hợp của cây do kích thích sự hoạt động của các men tham gia trong quá trình quang hợp. Cường độ quang hợp mạnh cây sẽ sinh trưởng nhanh. Ngoài ra axit humic còn làm tăng sức đề kháng của cây với sâu bệnh và các điều kiện bất lợi như nóng, rét, hạn, úng, chua phèn. Với các tác dụng trên, axit humic đang được khai thác sử dụng phổ biến trong các chế phẩm phân bón gốc và bón lá, chất kích thích sinh trưởng cây trồng và thuốc trừ bệnh cây.

Bình thường nếu bón các phân hữu cơ tự nhiên (như phân chuồng, phân xanh…) cũng sẽ tạo thành chất mùn và axit humic, ngoài việc tăng độ phì nhiêu cho đất, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây còn có tác dụng kích thích sự sinh trưởng và tăng sức đề kháng của cây. Tỉ lệ chất hữu cơ được phân hủy tạo thành mùn (gọi là hệ số mùn hóa) trong các loại phân chuồng đã ủ hoai trung bình 30 – 50%, phân xanh 20 – 30%. Than bùn là loại phân hữu cơ tự nhiên chứa một khối lượng khá lớn trong lòng đất, tạo thành các mỏ than bùn.

 Ở nước ta đã phát hiện và thăm dò nhiều mỏ than bùn, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thăm dò 8 mỏ than bùn (ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Long An) với trữ lượng khoảng 500 triệu m3. Than bùn ở các mỏ này có chất lượng tốt, hàm lượng mùn trung bình 40 – 50%, axit humic 20 – 30% và nhiều chất dinh dưỡng khác. Than bùn trở thành nguồn nguyên liệu chủ yếu cung cấp chất hữu cơ và axit humic cho công nghệ sản xuất phân hữu cơ hiện nay.

Axit humic không tan trong nước nên cây không hấp thụ trực tiếp được, phải chuyển thành dạng muối humat tan được trong nước và giảm độ chưa mới sử dụng cho cây trồng. Công việc này gọi là sự hoạt hóa axit humic, có thể dùng các loại muối kiềm như muối natri, muối kali, thường dùng nhất là nước amoniac. Than bùn nghiền nhỏ trộn với 2 -3% nước amoniac rồi ủ khoảng 5 – 6 giờ là phản ứng có thể xảy ra hoàn toàn.

Chất đạm trong nước amoniac gắn với gốc hữu cơ của axit humic tạo thành humat amôn, vừa dễ hòa tan vừa thêm chất đạm và giảm độ chua. Một số bà con ủ than bùn với vôi để bón, như vậy chỉ giảm độ chua và cung cấp thên chất hữu cơ cho đất chứ không có tác dụng hoạt hóa vì tạo thành humat canxi cũng rất khó tan trong nước, cây không sử dụng được.

Cũng có thể dùng vi sinh vật để hoạt hóa than bùn nhưng thời gian hoạt hóa lâu hơn dùng các muối kiềm, có thể phải 2 – 3 tháng.

Than bùn sau khi hoạt hóa có thể dùng làm phân bón ngay hoặc phối trộn thêm với các phân khoáng đa, trung và vi lượng để tạo thánh các loại phân hữu cơ – khoáng, hoặc trộn với vi sinh vật có ích tạo thành phân hữu cơ – vi sinh. Các loại phân hữu cơ được chế biến từ than bùn đã hoạt hóa không những cung cấp chất hữu cơ, vi sinh vật và các chất dinh dưỡng cho đất mà còn sử dụng được tính chất kích thích sinh trưởng vả tăng sức đề kháng cho cây trồng của axit humic.

Các humat trong than bùn đã hoạt hóa cũng được tách chiết để chế thành các phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng và thuốc phòng trừ bệnh cây. Trong các chế phẩm phân bón thường ghi hàm lượng axit humic, cần hiểu rằng đây là humat, tức là muối của axit humic (giống như trường hợp thuốc trừ cỏ 2,4D chính là muối của axit 2,4D). Tùy loại chế phẩm mà hàm lượng axit humic khác nhau. Trong phân hữu cơ vi sinh bón gốc thường chứa từ 2 – 5 %, còn phân bón lá hàm lượng axit humic thường cao hơn, lên tới 15 – 20%.

Axit humic còn được sử dụng trong các thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bệnh cây, giúp tăng cường sức kháng bệnh cho cây như bệnh nghẹt rễ, lở cổ rễ, đốm lá, sương mai cho cây trồng cạn và các bệnh đạo ôn, khô vằn, vàng lá cho lúa.

Với tác dụng thích thích sinh trưởng và tăng sức đề kháng cho cây, lại tương đối dễ khai thác và chế biến với khối lượng lớn từ các mỏ than bùn, axit humic đang trở thành hoạt chất hữu cơ được sử dụng ngày càng phổ biến, góp phần vào quá trình phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Theo: Báo Nông Nghiệp
Cùng với thời gian, người nông dân nên thay đổi và cố gắng áp dụng những kỹ thuật mới nếu như họ muốn thành công. Cho dù là trên một hay 100 mẫu đất, người nông dân phải sẵn sàng để thử nghiệm những kỹ thuật mới…

Ông V. Veeraraghavan, làng Mudaiyur, Thirukazhikundram, Tamil Nadu (Ấn Độ) là một ví dụ tiêu biểu cho cái cách mà một người nông dân chỉ với diện tích từ 2 đến 3 mẫu đất được tổ tiên để lại, ông đã nhanh chóng thành công trong việc phát triển cây dưa hấu, mở rộng diện tích lên 120 mẫu nhờ sản xuất hiệu quả bằng việc sử dụng axit humic.

Sau một khóa học về nông nghiệp, ông Veeraraghavan may mắn được tiếp xúc với ông Raja Intheren – một cố vấn nông nghiệp – người đã chỉ dạy cho ông cách tiếp nhận diện tích đất canh tác thuê lại, trên cơ sở đó trồng một số vụ mùa ngắn hạn để bán sản phẩm với giá tốt.

Sau một số vụ thử nghiệm, ông Veeraraghavan đã bắt đầu sử dụng 120 mẫu đất trên để trồng dưa hấu.

Tại sao ông ấy lại chọn dưa hấu? Ông Veeraraghavan lý giải : Dưa hấu là loại quả trồng ngắn hạn (khoảng 60 ngày) và nếu được làm trong một diện tích lớn thì người nông dân có thể kiếm được lợi nhuận tốt. Không chỉ có loại dưa hấu thông thường (dưa hấu đỏ), người nông dân cũng có thể phát triển đa dạng với các loại dưa hấu vàng, dưa hấu màu da cam.

Để khẳng định tác dụng của axit humic đối với sản lượng dưa hấu, ông Veeraraghavan đã tiến hành thử nghiệm trên chính cánh đồng của mình. Có 100 mẫu đất trồng dưa ông sử dụng hóa chất phân bón thông thường. Còn 20 mẫu dưa hấu còn lại, ông thử nghiệm sử dụng axit humic. Kết quả cho thấy thật đáng ngạc nhiên: Sau khi sử dụng axit humic, sản lượng tăng từ 10 lên đến 12 tấn/mẫu. Điều này giúp ông nhanh chóng quyết định sử dụng axit humic cho toàn bộ diện tích đất trồng dưa hấu của mình.

Hiệu quả sử dụng axit humic so với đối chứng như thế nào? Nếu người nông dân thực hiện canh tác trên 20 mẫu đất cho một vụ thu hoạch thì chi phí mà họ bỏ ra để mua phân bón, thuốc trừ sâu là khoảng 10.000 Rs (Rupee – đơn vị tiền tệ của Ấn Độ, 1USD~46,11 Rs). Nhưng nếu sử dụng axit humic cho cùng diện tích đất canh tác trên, người nông dân sẽ chỉ mất khoảng 1.000 Rs - một chi phí thấp hơn rất nhiều, trong khi năng suất lại tăng.

Hiện nay, giá của một chai axit humic 1 lít là 25Rs, nó được pha loãng trong 2 lít nước và phun cho 1 mẫu. Hoặc cũng có thể được trộn với đất trồng (pha loãng với khoảng 10 đến 20 lít nước). Những tác dụng tốt của axit humic đối với việc tăng sản lượng dưa hấu đang ngày càng phổ biến ở Ấn Độ.


Thái Thị Như Quỳnh
Trường ĐH Nông Lâm HCM

Ký hiệu: Humic
Phương pháp phân tích:

1. Tìm hiểu về Axit Humic

Axit Humic nguồn gốc tự nhiên từ sự phân hủy của thực vật và vi sinh vật. Axit Humic là nền tảng của tất cả các đất đai màu mỡ. Trong nhiều năm, axit humic tích lũy trong đất để giúp đất tăng khả năng giữ chất dinh dưỡng, khả năng giữ nước, là nguồn thức ăn cho các vi sinh vật có lợi cho đất. Đây là cách để giảm thiểu tổn thất chất dinh dưỡng để duy trì độ phì nhiêu của đất và đảm bảo phát triển bền vững của thiên nhiên.

2. Tác dụng của Axit Humic


Tất cả các loại đất cát đều có cấu trúc mở (thông hơi) do đó có thể hút, thoát nước dễ dàng. Cấu trúc mở này và đặc tính thấm hút tự do của đất cát cũng cho phép hầu hết các dưỡng chất trong phân bón được dùng có thể dễ dàng xuyên qua mặt đất. Bề mặt của phân tử cát khó có thể giữ nước và dưỡng chất. Kết quả là, các dưỡng chất bị trôi hết vào mạch nước ngầm và cây không thể hấp thụ được. Chất dinh dưỡng bị mất do bị rửa trôi như thế đã gây ra thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng cây và có hại cho môi trường. Đất phì nhiêu luôn có hàm  lượng chất hữu cơ  rất lớn. Lượng chất hữu cơ này làm cho hầu hêt các loại đất có khả năng giữ lại và tạo ra những chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Những chất hữu cơ có giá trị cao cho cây trồng như thế có rất nhiều trong muối Axit Humic gồm nhóm Cacbonxilic và hoá chất phê-no-lic. Chính những phân tử có bề mặt tích điện âm này có khả năng giữ lại tất cả các dưỡng chất  trong phân bón. Muối Axit humic cũng có khả năng giữ nước rất tốt giống như chất hữu cơ.

 
Axit Humic giữ một lượng lớn chất dinh dưỡng từ phân bón vào đất (thành dạng Humate) cho đến khi cây trồng sẵn sàng sử dụng chúng.
Axit humic rất hiệu quả trong việc tạo vòng càng với nhiều chất dinh dưỡng và quan trọng hơn, trong việc giữ nước

Axit humic cũng giúp bẻ gãy mối liên kết giữa các chất dinh dưỡng trong đất, làm cho cây trồng dễ hấp thu hơn.
RCOO-H (Axit humic) + Dinh dưỡng = RCOO-Dinh dưỡng (Humate) + H+

Rễ cây + RCOO-Dinh dưỡng (Humate) = Rễ cây - Dinh dưỡng + RCOOH (Axit humic)

Axit Humic hiện diện trong đất giữ một lượng lớn các vi lượng và các da lượng xung quanh rễ cây để cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho rễ nhanh chóng hấp thu và giúp cây trồng phát triển tối ưu. Axit Humic cũng cải thiện độ ẩm và khả năng giữ nước của đất. Giúp đỡ cho nông dân và người trồng có thể đạt được vụ mùa lớn thông qua việc sử dụng hiệu quả hơn các loại phân bón và duy trì độ phì của đất lâu dài.

3. Nồng độ Axit Humic khi phun lên lá lúa

Phun axit humic lên lá lúa có tác dụng tốt đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa, tăng năng suất lý thuyết và năng suất thực thu so với đối chứng bón phân vô cơ. Nồng độ axit humic thích hợp để phun lên lá là 0,03%, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn (năng suất lúa tăng 12,1-19,4% so với đối chứng bón phân vô cơ). Các thời kỳ phun đều có hiệu quả tương đương nhau, có thể phun thêm vào cả hai thời kỳ đẻ nhánh và làm đòng.

Trung tâm NCPT SP
Theo: Tiến Nông
Để có một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, năng suất cây trồng luôn ổn định không những cho cây trồng cạn (rau cải, hoa, cây ăn trái, bắp, đậu . . .) mà còn cho cây trồng dưới nước (cây lúa . . .)
Về khía cạnh nông học có nhiều giải pháp, nhưng có lẽ thường xuyên hay định kỳ bón phân hữu cơ vào đất để duy trì chất hữu cơ trong đất (Soil Organic Matter, SOM) là một trong những giải pháp cần được quan tâm đầu tiên nhằm duy trì độ phì nhiêu của đất (soil fertility)

Chất hữu cơ trong đất trồng trọt ở Việt Nam nói chung mau bị mất đi do nhiệt độ cao, nắng nhiều, mưa nhiều nhưng phân bổ không đều (khí hậu nhiệt đới, nóng và ẩm).


Do đó, việc bón phân hữu cơ cho cây trồng hằng vụ, hằng năm là cần thiết. Hiện nay, trên thị trường có các loại phân hữu cơ như sau:

1. Phân hữu cơ truyền thống: có nguồn gốc từ động, thực vật như: phân trâu, bò, dê, gà, cút, vịt, phân bắc, phân rác sinh hoạt thành phố, nước giải, bùn cống ở thành phố và các loại phân xanh (cây, cỏ). Các thứ trên được ủ cho hoai mục. Phần lớn phân này trang trại, nông dân tự sản xuất.

2. Phân hữu cơ sinh học: được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ có sự tham gia của vi sinh vật sống có ích hoặc các tác nhân sinh học khác như phân hữu cơ sinh học HA 1-5-1, . . .

3. Phân hữu cơ khóang: được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ, có trộn thêm một hay nhiều dinh dưỡng khoáng (N, P, K . . .) như phân hữu cơ khoáng HA 3-4-3, . . .

4. Phân hữu cơ vi sinh: được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ có chứa một hay nhiều chủng vi sinh vật có ích như phân hữu cơ vi sinh HA 1-1,5, . . . có chứa 1.106 cfu/g vi sinh vật cố định đạm.
Các loại phân (2), (3), (4) có chất hữu cơ nền (chất mang, carrier) phần lớn là đất than bùn (peat) đã được hoạt hóa.

5. Phân bón có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng: là loại phân bón vô cơ hay hữu cơ được bổ sung một lượng nhỏ các vitamin, các enzim, các axit hữu cơ, hoặc các chất hóa học có tác dụng điều hòa sinh trưởng cây trồng như Roots 2, . . .

6. Phân bón lá có chứa axit humic, axit fulvic
Chất hữu cơ trong đất gồm có: (1) vi sinh vật sống, (2) chất thải hữu cơ chưa phân hủy, (3) chất hữu cơ đã phân hủy, (4) chất hữu cơ (humus). Humus gồm: chất humic (humic substances) và chất không là humic (nonhumic substances). Chất humic là thành phần quan trọng nhất của chất hữu cơ trong đất. Bằng cách hoạt hóa chất hữu cơ trong đất, đã ly trích chất humic thành 2 loại: axit humic và axit fulvic, hai loại axit này được áp dụng nhiều trên cây trồng qua ngâm hạt giống, ngâm hom giống, ngâm rễ cây giống, tưới xuống đất hay phun qua lá. Hiện nay, vì lý do kinh tế và tiện lợi nên trên thị trường có nhiều loại phân hữu cơ bón la có chứa 2 loại axit trên như: K-Humate, Risopla II, Bioking-K (HC: 74,1 (axit Fulvic + axit Humic: 70) hay các loại phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ khoáng có chứa axit humic như Risopla V. Hai loại axit này phần lớn được ly trích từ đất than bùn (peat) hay từ than (coal).

Tuy nhiên, cũng đừng quên rằng rễ cây trong đất cũng góp phần quan trọng cho chất hữu cơ trong đất. Ngoài ra, việc che phủ mặt đất bằng rơm rạ, cỏ khô, lá cây khô, cây họ đậu bò che phủ không những giảm sự xói mòn đất, giảm sự rửa trôi. Hậu quả sẽ làm giảm sự mất chất hữu cơ trong đất mà sau một thời gian chúng hoai mục đi sẽ cung cấp chất hữu cơ cho đất. Rất tiếc, vì nhiều lý do khác nhau phần lớn các líp rau cải, hành . . . như ở huyện Châu thành, các líp khóm ở huyện Tân phước, và một số vườn cây ăn trái tỉnh Tiền giang lại không được tủ rơm rạ.

Tóm lại, hai chất chủ yếu của chất hữu cơ trong đất (SOM) là axit humic và axit fulvic. Hai axit này đã được ly trích từ than bùn (peat) hay than (coal) bằng những công nghệ tiên tiến. Hai axit này đã được sử dụng và bán rộng rãi ở Việt Nam như K-humate, Risopla II, Bioking-K . . . bằng cách phun qua lá hay rãi, tưới xuống đất không những cho cây lúa (cây dưới nước) mà cả cho cây trồng cạn. Ap dụng axit humic và axit fulvic cho cây trồng là một trong những phương phápbón phân hữu cơ cho đất.

Hy vọng rằng bằng biện pháp phối hợp giữa kỹ thuật canh tác hợp lý nhằm giảm sự mất chất hữu cơ trong đất và tùy điều kiện cần bón những loại phân hữu cơ kể trên định kỳ để duy trì độ phì nhiêu của đất, giữ vững năng suất cây trồng hầu từng bước có một nền nông nghiệp xanh và bền vững trong điều kiện thâm canh, tăng vụ, khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm.

KS Đỗ văn Chuông
Cty BVTV SG
Vôi là gì ?

Trong tiếng Việt vôi là ôxít canxi CaO hoặc Hidrôxit canxi Ca(OH)2.
Trong nông nghiệp vôi dùng để bón ruộng ở dạng Ca(OH)2  (vôi tôi, vôi hả, vôi bột …).

Tác dụng của vôi

    Cung cấp canxi cho cây trồng : Canxi là 1 trong 4 chất trung lượng cần thiết cho cây trồng. Ngoài vôi bà con có thể dùng canxi nitrat Ca(NO3)2 hoặc lân nung chảy. Không nên dùng bột đá, bột vỏ sò CaCO3 hay thạch cao CaSO4+2H2O như 1 số tài liệu khuyến cáo (những chất này không tan trong nước, thậm chí còn có hại cho cây trồng).

    Chống chua đất : Đất chua là đất có dư lượng axít, độ pH nhỏ hơn 7. Hầu hết đất canh tác nông nghiệp đều chua. Tùy theo loại cây trồng mà độ chua hợp lý sẽ khác nhau (với cà phê hợp lý là độ pH từ 5,5 đến 6,5). Khi độ pH xuống dưới mức hợp lý thì phải chống chua và thứ rẻ nhất để làm việc này là vôi.

Tác hại của vôi

Ngoài 2 tác dụng kể trên, vôi cũng có nhiều tác hại.

    Làm chai đất : Đất chua có nhiều nguyên nhân (chua vì dư thừa axít do bón phân hóa học nhất là các lọai phân sunphát ; chua do các vi sinh vật thải ra ; chua do rẽ cây tiết ra trong quá trình hấp thu dinh dưỡng). Khi bón các lọai phân sunphat quá nhiều sẽ tạo ra dư lượng chất axit sunphuric H2SO4 làm chua đất, sau đó lại dùng vôi để khử chua nên sẽ có phản ứng hóa học sau : Ca(OH)2 +H2SO4 = CaSO4 +2H2O, tức tạo ra “thạch cao “gây ra hiện tượng chai đất và bó rễ cây. Hiện tượng chai đất còn do nhiều nguyên nhân khác nhưng ở đây chỉ nói về vôi.

    Tiêu diệt các vi sinh vật có lợi (lẫn có hại) cho đất : Trong đất có rất nhiều vi sinh vật có lợi cho đất, khi bón vôi sẽ tiêu diệt chúng (các vi sinh vật mắt thường không nhìn thấy nhưng bà con sẽ thấy khi bón vôi như con giun đất chết liền khi gặp vôi).

    Làm mất chất dinh dưỡng :

-Vôi khi gặp các lọai phân bón chứa nitơ (N) sẽ làm mất nitơ , khi gặp lân (P2O5) sẽ biến lân thành quặng phosphat khiến cây không hấp thu được. Hầu hết các lọai phân vô cơ như Urê, SA, NPK, DAP, Lân…đều kỵ vôi .
-Trong phân hữu cơ có nguồn gốc từ phân động vật hay than bùn …chứa 1 chất rất quan trọng là Axit humic (đây là chất cực quý với tất cả các lọai cây trồng ). Axit humic rất rễ tan. Nếu ở dạng humat kali, humat natri, humat amôni thì càng tốt. Nhưng khi trộn với vôi sẽ tạo thành humat canxi là chất không tan trong nước và cây không hấp thu được.
-Vôi còn rất nhiều tác hại khác nhưng đây là Y5Cafe, là diễn đàn của bà con nông dân nên chỉ xin viết những gì đơn giản nhất, phù hợp với kiến thức phổ thông để bà con dễ dàng tiếp nhận.

Dùng vôi sao cho đúng ?

Vôi vừa có tác dụng vừa có tác hại, vậy phải dùng như thế nào? Câu trả lời ngắn gọn là dùng sao cho có lợi nhiều nhất và có hại ít nhất.

    Chỉ dùng vôi khi đất bị chua : Tức là chỉ dùng cho mục đích chống chua. Không nên dùng cho mục đích cung cấp canxi. Nên sử dụng các chất để thay thế vôi như đã viết ở trên.

    Phải bón riêng rẽ : Khi bón vôi bà con không nên trộn với bất kỳ lọai phân gì. Để tránh tác hại nên bón sau thu họach (bón sau đợt bón phân cuối cùng của vụ trước ít nhất 15 ngày và bón trước đợt bón phân của vụ sau ít nhất 15 ngày). Với cà phê thời điểm hiện nay bón vôi là hợp lý và thay vì 15 ngày nên là 30 ngày.

Nguồn: Internet

25/7/14

Đã 8 năm nay, Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới, nhưng khâu chế biến và thương mại phải qua nhiều nước trung gian như Ấn Độ, Singapore… Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC) vừa mới đề nghị chuyển trụ sở từ Indonesia sang nước ta, vì nhận định Việt Nam không chỉ là quốc gia sản xuất tiêu lớn nhất thế giới mà sẽ trở thành trung tâm chế biến, thương mại của toàn ngành hồ tiêu thế giới trong tương lai.

Kỷ lục mới về giá bán

Tuần qua, giá tiêu xác lập kỷ lục mới khi cán mốc 182.000 -190.000 đồng/kg, thực sự gây “choáng” trên thị trường tiêu nội địa Việt Nam.

Từ trước tới nay, chưa có bất kỳ loại nông sản nào đạt được sự tăng giá ngoạn mục như vậy. Năm 2007, nông dân bán tiêu với giá khoảng 30.000 đồng/kg, đến 2008 là 50.000 đồng/kg, năm 2010 lên 80.000 đồng/kg và 2 năm qua dao động ở mức 120.000 đồng/kg. Những tháng đầu năm 2014, có lúc thương lái thu mua tiêu tại vườn với giá 145.000 đồng/kg, nằm ngoài sự kỳ vọng của nông dân. Thế nhưng bất ngờ hơn cả, từ đầu tháng 7/2014, giá tiêu vọt lên chóng mặt, đạt ngưỡng 190.000 đồng/kg và đến ngày 19/7 dao động ở mức 182.000 -185.000 đồng/kg.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nhận định: “Quy luật giá cả lên xuống theo chu kỳ vài năm của hồ tiêu gần như đã bị phá vỡ khi chính nông dân là người tạm trữ và điều tiết bán ra. Khoảng 6 năm nay, hồ tiêu Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường thế giới về giá nên hầu như không có biến động sụt giảm”. Năng suất thu hoạch tiêu đạt bình quân 4 tấn/ha (nhiều hộ trồng tốt đạt tới 7-8 tấn/ha), với giá bán thời điểm này, trừ chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng/ha, người trồng còn lãi ròng khoảng 580 triệu đồng/ha.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2014, sản lượng tiêu cả nước đạt khoảng 130.000 tấn. Trong 6 tháng đầu năm, nước ta đã XK 111.000 tấn tiêu, thu về 790 triệu USD, tăng 36,2% về khối lượng và tăng 47,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, tổng lượng XK năm 2014 đạt khoảng 150.000 tấn (gồm cả tiêu dự trữ từ năm ngoái và tạm nhập tái xuất), ngành hàng tiêu sẽ lần đầu tiên tham gia vào câu lạc bộ nhóm hàng nông sản XK 1 tỷ USD.

Tuy dẫn dắt thị trường thế giới nhưng có một thực tế là giá hồ tiêu Việt Nam vẫn luôn thấp hơn giá tiêu của Ấn Độ, Brazil, Malaysia… Tại thị trường Ấn Độ trong tuần qua, trên thị trường giao ngay, giá tiêu xô đạt 72.000 rupi/tạ (tương đương 12.022 USD/tấn) và 74.500 rupi/tạ (tương đương 12.440 USD/tấn) cho loại đã sơ chế. Như vậy, giá tiêu xô ở Ấn Độ quy đổi ra tiền Việt Nam là 245.000 đồng/kg, cao hơn 65.000 đồng/kg so với giá tiêu tại thị trường Việt Nam.

Giá tiêu đặc chủng MG1 của Ấn Độ XK có giá 12.750 USD/tấn cho hàng giao châu Âu và 13.000 USD/tấn cho hàng đi Mỹ. Trong khi đó, giá tiêu đen XK của Việt Nam hiện đạt bình quân 7.350 USD/tấn, tiêu trắng đang ở mức 9.300 - 9.500 USD/tấn. Lý giải về việc này, ông Nam cho biết, tiêu XK do Ấn Độ, Brazil sản xuất đạt tiêu chuẩn ASTA (khử trùng theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế của Mỹ) nên giá cao hơn, còn Việt Nam vẫn xử lý bằng hơi nước. Thị trường XK ngày càng yêu cầu sản phẩm phải sạch, được canh tác hữu cơ, có chứng chỉ chất lượng. Vì vậy, ngay từ bây giờ, người trồng và chế biến hồ tiêu nước ta cần triển khai các giải pháp phù hợp, sản xuất theo quy trình GAP, nông dân nên chuyển sang hướng trồng tiêu hữu cơ, hạn chế dùng phân, thuốc hóa học.

Cơ hội giành vị thế toàn diện


Trên thế giới có 2 quốc gia được coi là trung tâm chế biến và thương mại tiêu là Singapore và Ấn Độ. Vì giá bán cao nên tiêu Ấn Độ khó cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, mặt khác do sản lượng thấp nên Ấn Độ đang mất dần vị thế trung tâm thương mại tiêu thế giới. Tính đến hết tháng 6, Ấn Độ mới chỉ XK được khoảng 6.000 tấn tiêu, trong khi Việt Nam đã xuất 111.000 tấn. Suốt những năm 1990, Singapore chiếm ưu thế trong giao dịch hồ tiêu với lượng nhập khẩu lớn, lên đến 44.000 tấn/năm, trong đó Indonesia là nguồn cung cấp chính với 50% lượng nhập. Nhưng sau đó thương mại hồ tiêu Singapore đã sụt giảm mạnh, hiện chỉ còn 10.000 tấn/năm, nguyên nhân chủ yếu là do các nhà nhập khẩu đã mua hàng trực tiếp từ các nước sản xuất, nhất là Việt Nam. Những năm trước đây, tiêu Việt Nam thường phải xuất qua các thị trường trung gian là Ấn Độ và Singapore rồi mới đến các nước tiêu dùng. Nhưng hiện nay, thị phần XK hồ tiêu Việt Nam vào châu Âu chiếm 34%, châu Á 36%, châu Mỹ 20% và châu Phi 10%. Những thị trường có mức tăng trưởng nhập khẩu cao về tiêu Việt Nam thời gian gần đây là Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Cô-oét và Indonesia.

Mới đây, ông Kannan, Giám đốc điều hành IPC đã chính thức đề nghị chuyển trụ sở từ Indonesia sang nước ta bởi vị thế và vai trò của hồ tiêu Việt Nam ngày càng có nhiều ảnh hưởng trên thị trường quốc tế. Theo IPC, với sản xuất và thương mại hồ tiêu toàn cầu như hiện nay, có thể dự báo năm 2015 và đến năm 2020, hồ tiêu Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh với các nước cả về năng suất và giá thành, nhất là với Indonesia và Brazil, những quốc gia từng có sản lượng cao nhất thế giới trước khi Việt Nam nổi lên chiếm lĩnh. Ông Kannan nhận định: “Từ chỗ chưa có chỗ đứng và thường bị các nhà đầu cơ chi phối giá cả, đến nay vị thế hồ tiêu Việt Nam ngày càng vững vàng trên thương trường quốc tế. Dù trong hoàn cảnh nào, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất và XK hồ tiêu lớn nhất thế giới”.

Theo ông Nam, dù có bước đi khá căn cơ nhưng hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa thể hoàn toàn thoát ra khỏi thực trạng chung của các ngành hàng nông sản xuất khẩu khác, đó là việc xuất thô vẫn còn chiếm tỷ lệ rất cao. Nếu đầu tư chế biến sâu thì giá trị gia tăng còn lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, VPA đề ra 3 hướng đi mà ngành hồ tiêu cần thực hiện thời gian tới. Đó là, các doanh nghiệp cần có chiến lược và quyết tâm chuyển dần tỷ lệ XK tiêu đen sang XK tiêu trắng vì chênh lệch giá trị giữa 2 loại tiêu này lên tới 70%. Hướng đi thứ hai là cần gia tăng sản xuất tiêu ASTA (theo tiêu chuẩn của Mỹ). Hiện tỷ lệ tiêu ASTA của Việt Nam xuất khẩu sang các nước Âu, Mỹ chỉ chiếm khoảng 15%. Việc cần làm là VPA cũng như bản thân mỗi doanh nghiệp phải tích cực hơn trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường để có thể nâng cao xuất khẩu mặt hàng tiêu ASTA. Hướng thứ ba, khó khăn hơn nhưng VPA cho rằng, không thể không làm là cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tiêu bột. Không ít doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam chế biến tiêu bột rất thành công. Họ còn nhập khẩu cả tiêu đen các nước vào chế biến tại Việt Nam rồi tái xuất để cung cấp cho nhiều siêu thị trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa phê duyệt quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tăng năng suất và giá trị ngành hồ tiêu đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000ha, sản lượng 140.000 tấn và sản phẩm tiêu chất lượng cao đạt 90%.

Về cơ cấu sản phẩm, tiêu đen chiếm 70% (trong đó tiêu nghiền bột 15%), tiêu trắng 30% (tiêu nghiền bột khoảng 25%) và kim ngạch XK đạt 1,2-1,3 tỷ USD.

Chu Khôi
Theo Kinh Tế Nông Thôn
Chiều 24-7, tại Hội trường huyện Chư Prông, Ban Vận động thành lập Hiệp hội Hồ tiêu-Nông sản huyện Chư Prông tổ chức Đại hội đại biểu thành lập Hiệp hội Hồ tiêu-Nông sản Chư Prông lần thứ I, nhiệm kỳ 2014-2019. Tham dự có lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Chư Prông, Hiệp hội Hồ tiêu-Nông sản các huyện Chư Sê, Chư Pưh cùng hàng trăm hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện.
Ảnh: Nguyễn Diệp
Thống kê của cơ quan chuyên môn, toàn huyện Chư Prông hiện có 2.406 ha hồ tiêu, trong đó diện tích tiêu đang kinh doanh trên 1.600 ha phân bổ ở 16 xã, thị trấn. Năng suất bình quân 36 tạ/ha, sản lượng hàng năm đạt trên 5.800 tấn. Ngoài ra huyện Chư Prông còn nhiều hàng nông sản khác như cao su 34.084 ha, cà phê 13.300 ha…

Tại Đại hội lần này nông dân đã thông qua điều lệ, phương hướng hoạt động của Hiệp hội từ nay đến năm 2019. Bầu ra Ban Chấp hành của Hiệp hội gồm 28 người. Ông Từ Ngọc Thông-Phó Chủ tịch UBND huyện được bầu vào vị trí Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu-Nông sản Chư Prông.

Hiệp hội Hồ tiêu-Nông sản Chư Prông được thành lập sẽ góp phần giúp người dân ổn định sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ mặt hàng tiêu và nông sản khác theo hướng bền vững. Đây cũng là Hiệp hội Hồ tiêu-Nông sản thứ 3 trên địa bàn tỉnh được thành lập.

Nguyễn Diệp
Theo Gia Lai Online
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, ba năm trở lại đây, cây tiêu có mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các mặt hàng nông sản.

Hình minh hoạ
Ngày 24/7, giá tiêu trên thị trường Chư Sê (Gia Lai) tiếp tục tăng thêm 1.000 đồng so với hôm qua lên 185.000 đồng/kg, tại thị trường Châu Đức (Bà Rịa) đứng giá 190.000 đồng/kg. Còn tại thị trường Đắk Lăk - Đắk Nông là 185.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng, tại thị trường Bình Phước tăng lên 187.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng.

Theo báo cáo của của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuần từ 7 đến 11/7, giá hồ tiêu thu mua tại địa phương, theo xu hướng tăng giá từ đầu năm tới nay, đã tăng 5% so với giá trung bình tuần trước đạt hơn 173.200 đồng/kg. Giá xuất khẩu đồng thời cũng tăng từ 12.500 USD/tấn (C&F Châu Âu) và 12.750 USD/tấn (C&F Mỹ) lên 12.750 USD/tấn (C&F Châu Âu) và 13.000 USD/tấn (C&F Mỹ).

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, ba năm trở lại đây, cây tiêu có mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các mặt hàng nông sản, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, hồ tiêu xuất khẩu đạt 111.000 tấn mang lại 790 triệu đô-la Mỹ, tăng 36,2% về khối lượng và tăng 47,8% về giá trị. Giá tiêu 3 năm gần đây luôn duy trì ở mức 150.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm đạt trên 200.000 đồng/kg.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn đứng đầu về về xuất khẩu hồ tiêu. Dự kiến, năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu 150.000 tấn hồ tiêu các loại, đạt kim ngạch 1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Nguồn: Cục chế biến NLTS và Nghề Muối

24/7/14

Chỉ trong 23 ngày tháng 7/2014 các kỷ lục về giá tiêu trong nước liên tục được thiết lập mới: Hạt tiêu đen đầu giá (dung trọng 500gr/lít, thủy phần 15%, tạp chất 1%) nông dân trồng tiêu tại các tỉnh Tây nguyên bán cho thương lái ngày 1/7đồng loạt chạm mốc 170.000 đ/kg, các tỉnh miền Động 171.000 đ/kg. Đến ngày 18/7 theo đó lên 180.000 – 181.000 đ/kg. Và đến ngày 23/7 tăng vọt lên 189.000 – 190.000 đ/kg.

    
    Tháng:                                  T1      T2      T3       T4       T5      T6       T7
    Tiêu đen (1.000đ/kg) :          149     127    125     138     148    158      190

    Cùng kỳ 2013 :                    121    120    120     118      119    120      120

    2014/2013 Tăng :                 +28      +7     +5     +20     +29    +38     +70.

6 tháng đầu năm 2014 Việt nam đã xuất khẩu:

         Tổng số :                   111.395 tấn. So cùng kỳ năm 2013 tăng 35,16%

         Tổng kim ngạch:        797 triệu USD. So cùng kỳ năm 2013 tăng 47,6%

         Giá bình quân tiêu đen 6.885 USD/tấn, tiêu trắng 9.716 USD/tấn.

         So cùng kỳ năm 2013 giá tiêu đen tăng 11,4%, tiêu trắng tăng 9,6%.

Lượng tiêu hiện nay còn lại trong vụ thu hoạch vụ 2014 khá hạn hẹp, phần lớn trong các hộ khá giả. Tiêu được phơi khô kiệt, quạt sạch sẽ, kê cao gác kỹ… nên dung trọng, tạp chất, thủy phần đạt mức lý tưởng, nên nay bà con bán xoay quanh mức 200.000 đ/kg.  Họ bán nhỏ dọt, thích thì bán, càng góp phần đẩy giá lên cao.


Giá tiêu thị trường thế giới tăng , kéo giá trong nước tăng theo. Tổng quan thị trường hồ tiêu toàn cầu, theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC): Nguyên nhân chính giá tăng là do: Năm nay tổng nguồn cung bao gồm sản lượng thu hoạch cộng với lượng tồn kho giảm, không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng so với năm trước.

Theo VPA

23/7/14

Hồ tiêu được xem là một trong những nông sản chủ lực của một số vùng trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Với giá tiêu đang ở mức cao như hiện nay, cây tiêu vẫn thu hút sự đầu tư không ít thời gian, công sức của không ít hộ nông dân. Tuy nhiên tiêu là loại cây khó tính, chính vì vậy, làm thế nào để chăm sóc và bảo vệ cây trong mùa mưa vẫn luôn là mối quan tâm đặc biệt của hầu hết bà con nông dân.
Ông Vũ Văn Viễn-chăm sóc vườn tiêu.
Đây là 2 trong số nhiều trụ tiêu của gia đình ông Vũ Văn Viễn ở thôn Tứ Kỳ Nam, xã Ia Blá, huyện Chư Sê mắc bệnh rụng lá, thối rễ vừa được cứu sống. Theo ông Viễn thì tháng 3 vừa rồi, chỉ sau vài trận mưa lớn và nắng lên đột ngột vườn tiêu của ông đột nhiên có hiện tượng cây bị đỏ cuống, rụng lá sau đó cây chết hàng loạt.

“Cây tiêu này tưởng đã chết rồi nhưng nhờ sử dụng phân bón Địa Long nên mới cứu được cây. Trong vườn cũng có nhiều trụ bị như thế nhưng sau khi nghe khuyến cáo, tôi đã bón phân kịp thời nên không bị lây lan. Cây tiêu là loại cây trồng chủ lực của gia đình nên chúng tôi rất lo lắng nếu bị sâu bệnh hay bị chết hàng loạt…’.Ông Viễn chia sẻ.

Hiện tại, xã Ia Blá, huyện Chư Sê có khoảng 600ha tiêu đang trong thời kỳ thu hoạch. Cũng không nằm ngoài quy luật, sau những đợt cho ra trái và giúp những mùa vàng bội thu cho bà con nông dân, chuẩn bị bước vào mùa mưa năm nay, nhiều trụ tiêu bị rơi vào tình trạng rụng lá và chết rất nhanh. Thậm chí nhiều trụ tiêu đang xanh tốt cũng bị chết chỉ trong vòng từ 3-5 ngày. Căn bệnh này, nhiều bà con gọi là bệnh tiêu điên.

Trao đổi với Ông Hoàng Phước Bính – Tổng thư ký hiệp hội hồ tiêu Chư Sê về vấn đề nêu trên, ông Bính cho biết thêm: "Chư Sê có diện tích tiêu lớn nhất tỉnh. Mặc dù được giá, được mùa trong nhiều năm nhưng một trong những vấn đề mà bà con nông dân rất quan tâm đó là tiêu bị bệnh, thậm chí bị chết hàng loạt…”.

Qua thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện Chư Sê có khoảng 2.500ha hồ tiêu và diện tích này vẫn đang tiếp tục được gia tăng. Do lợi nhuận của hồ tiêu lớn nên nhiều người đổ xô đi trồng mặc dù chưa nắm đầy đủ kiến thức, kỹ thuật về loại cây khó tính này. Bên cạnh đó, việc khai thác quá lâu trên cùng một diện tích và sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, không đúng quy trình cũng khiến cây kiệt sức và dẫn đến hiện tượng tiêu chết nhanh chóng và chết trên diện rộng.

“Cây tiêu là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân ở đây. Nhưng người nông dân chúng tôi không biết sử dụng phân bón như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất. Chính vì thế, chúng tôi rất mong các nhà khoa học có sự đầu tư nhiều hơn nữa cho các vùng chuyên canh như thế này…” Ông Hà Công Hiền – Xã Ia Blá – Chư Sê đề nghị.

Trước đây, khi trồng tiêu và nhiều loại nông sản khác, bà con nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo kinh nghiệm và sự giới thiệu của người đi trước. Nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản nhất của việc chăm sóc cây đó chính là cần phải kiểm tra độ PH của đất, xem xét việc thiếu và thừa các vi chất chất dinh dưỡng trong đất thì lại ít được nông dân chú trọng. Theo kỹ sư Dương Hùng Đỗ, người trực tiếp cứu nhiều trụ tiêu mắc bệnh ở Chư Sê trong thời gian qua cho rằng; Sở dĩ ông có thể cứu được những trụ tiêu bị chết là ông sử dụng phân bón bổ sung các khoáng chất cho đất, tạo ra tính vật lý của đất khiến đất có kết cấu bền vững, tạo độ tơi xốp. Đây là chất hữu cơ vi sinh tăng chất đề kháng cho đất, lọc phèn, lọc mặn, kích thích bộ rễ phát triển, giúp cây có khả năng hấp thụ tốt chất dinh dưỡng trong đất.

Ông Dương Hùng Đỗ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản và xây dựng Miền Nam khuyến cáo: “ Để cây tiêu phát triển tốt thì cần phải tìm hiểu kỹ đặc tính của đất cũng như cây trồng. Ví dụ đất đang trồng tiêu thiếu Phốt pho, sắt, Magiê thì nên bổ sung chất ấy cho đất. Có như vậy, cây tiêu mới có thể phát triển tốt, hài hòa và ít sâu bệnh. Trong khi đó nhiều bà con nông dân lại trồng theo kinh nghiệm chứ ít có điều kiện tìm hiểu và để ý điều kinh sinh trưởng của cây theo đúng phương pháp khoa học. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cây tiêu chết nhanh, chết nhiều…”.

Đầu tư theo quy mô và và có chiều sâu là điều đáng làm đối với các mặt hàng nông sản, nhất là nông sản chất lượng cao như hồ tiêu. Nhưng làm thế nào để chăm sóc và bảo vệ cây trồng trước sâu bệnh, trước những biến đổi thất thường của thời tiết là điều mà các hộ nông dân cũng như các ngành chức năng cần đặc biệt quan tâm./.
Thu Thuỷ - Minh Trí
Theo Đài Phát Thanh Truyền Hình Gia Lai

20/7/14


Lũy tiến từ 1/1 đến hết ngày 30/6/2014, Việt Nam đã xuất khẩu được 111.395 tấn Hồ tiêu các loại, bao gồm 100.820 tấn tiêu đen và 10.575 tấn tiêu trắng. Tổng giá trị xuất khẩu đạt 797 triệu USD, tiêu đen đạt 694 triệu USD, tiêu trắng đạt 103 triệu USD. So cùng kỳ 6 tháng 2013, lượng xuất khẩu tăng 35,16% tương đương 28.977 tấn, riêng tiêu đen tăng 42,19% tương đương 29.914 tấn, tiêu trắng giảm 937 tấn.

Về kim ngạch xuất khẩu đánh dấu mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ khi kim ngạch xuất khẩu tăng 47,55% tương đương 257 triệu USD.

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 6 tháng đạt 6.885 USD/tấn, tiêu trắng đạt 9.716 USD/tấn, mức tăng tương ứng lần lượt là 707 USD đối với tiêu đen và 851 USD đối với tiêu trắng so cùng kỳ 2013.

 Theo VPA
Ngày 25-6, hồ tiêu Lộc Ninh - nông sản đầu tiên của Bình Phước - tự hào được công bố nhãn hiệu tập thể. Chiếm 40% tổng diện tích và 50% sản lượng hồ tiêu cả tỉnh, những người trồng tiêu giỏi ở Lộc Ninh đã có công làm nên thương hiệu hạt tiêu sạch, thơm, chắc và phát triển bền vững.

GIAN NAN ĐẾN VỚI THƯƠNG HIỆU

Giữa tháng 6, kết thúc mùa thu hoạch tiêu ở Lộc Ninh với niềm vui giá cao, chúng tôi đến thăm vườn tiêu của các hộ được dán nhãn hiệu đầu tiên ở Lộc Ninh.
Nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh
Hơn 10km từ trung tâm xã Lộc Quang chạy qua những con đường đất đỏ, chúng tôi thấy nông dân tấp nập chuẩn bị mùa trồng mới và bón phân chăm sóc cây tiêu. Nằm men theo hồ thủy điện Srok Phu Miêng thuộc ấp Việt Quang với địa hình thoai thoải, vườn tiêu hàng ngàn trụ có độ tuổi 2-15 năm của anh em ông Đỗ Bá Hà (52 tuổi) hiện ra trước mắt chúng tôi với các giống Vĩnh Linh, tiêu Trung.

Quê ở Hưng Yên, năm 1998 anh em ông Hà, ông Tính đến Lộc Ninh tìm đất trồng tiêu. Lúc này, khu vực ven lòng hồ thủy điện Srok Phu Miêng hoang vắng được hai ông chọn định cư với đủ các tiêu chí về thổ nhưỡng và đặc biệt là có nguồn nước rất phù hợp để trồng tiêu. Năm 2001, giá tiêu bắt đầu giảm và chạm đáy chỉ còn 15-17 ngàn đồng/kg (năm 2003-2004). Tiếc ngơ ngẩn vườn tiêu đẹp đang trong thời điểm cho năng suất cao, anh em ông Hà thống nhất lấy công làm lãi, đi làm thuê để trang trải cuộc sống và giữ vườn tiêu chờ thời. Trời không phụ lòng người, từ năm 2010 đến nay giá tiêu tăng cao. Tháng 7-2014, tiêu có giá 200 ngàn đồng/kg so giá bình quân trước đây là 120 ngàn đồng do cầu vượt cung. Những hộ trồng tiêu như ông Hà, ông Tính ở Lộc Ninh đã thu vào tiền tỷ...

Đến nay, gia đình ông Hà có khoảng 15 ngàn trụ tiêu. Vườn tiêu đẹp không có nọc dặm do chết. Kinh nghiệm trồng và chăm sóc vườn tiêu bền vững của anh em ông Hà: Trồng chủ yếu bằng stump dây, trụ gỗ xen nọc sống bằng cây keo lá nhỏ để giữ trụ tiêu vững và làm đất dịu mát. Bón chủ yếu phân heo, gà; khi phun thuốc bảo vệ thực vật không vứt chai lọ trong vườn tiêu... Đây cũng là phương thức trồng, chăm sóc của những người trồng tiêu giỏi ở Lộc Ninh.

Năm 2010, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) bình chọn vinh danh 10 người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam, trong đó Bình Phước có 6 người đều ở Lộc Ninh. Hiệp hội Hồ tiêu thế giới vinh danh 2 “vua trồng tiêu” ở Việt Nam, trong đó có ông Nguyễn Bá Thịnh ở ấp 4, xã Lộc An (Lộc Ninh). Kỹ sư Lê Thanh Bình, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Lộc Ninh, người cả cuộc đời gắn bó với cây tiêu cho rằng: Nếu theo tiêu chí được vinh danh “người trồng tiêu giỏi” do Cục Trồng trọt đưa ra thì ở Lộc Ninh phải có đến hàng trăm người.

Bà Đinh Thị Mỹ Hạnh, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho biết: Có thương hiệu là mong ước chính đáng của người trồng tiêu Lộc Ninh hàng chục năm qua. Ngày 25-3-2014, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 221701 cho nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh; 14 hộ nông dân trồng tiêu đầu tiên ở Lộc Ninh được dán nhãn hiệu sản phẩm. Hội nông dân sẽ vận động mở rộng thu hút người trồng tiêu giỏi dán nhãn hiệu và tiến tới thành lập Hiệp hội Hồ tiêu Lộc Ninh để xây dựng, bảo vệ thương hiệu.

QUẢNG BÁ VÀ MỞ CỬA ĐÓN DOANH NGHIỆP

Khoảng năm 1947 ở Lộc Ninh, hồ tiêu được trồng trên một số khu vực giáp biên giới với Campuchia và phát triển diện tích lớn những năm 1980-2000. Hiện Lộc Ninh có gần 3.800 ha hồ tiêu, trong đó gần 3.300 ha đang cho sản phẩm, năng suất bình quân đạt 3-3,5 tấn/ha. Lộc Ninh chiếm 40% tổng diện tích, 50% sản lượng hồ tiêu cả tỉnh (khoảng 11 ngàn tấn). Bình Phước là tỉnh được quy hoạch vùng trồng tiêu trọng điểm lớn nhất cả nước (10.000 ha).
Các sản phẩm hồ tiêu Lộc Ninh: Tiêu đen (chiếm 70% sản lượng xuất khẩu cả nước), tiêu trắng, tiêu xanh; tinh dầu tiêu, muối tiêu và bột tiêu. 3 giống tiêu chính: Ấn Độ, Vĩnh Linh và giống chủ lực là tiêu Trung (tiêu Lộc Ninh).
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã khẳng định tại lễ công bố thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh ngày 25-6: Nhiều thập kỷ Lộc Ninh đã nổi tiếng hồ tiêu chắc, đẹp, sạch với dung lượng bình quân trên 500g (tiêu đầu giá dung lượng 450g). Người trồng tiêu Lộc Ninh có nhiều kinh nghiệm thâm canh nên giữ được diện tích và năng suất hồ tiêu bền vững. Trong 6 vùng quy hoạch trồng tiêu trọng điểm sau Chư Sê (tỉnh Gia Lai), Lộc Ninh đã xây dựng được thương hiệu hồ tiêu, góp phần thực hiện chiến lược phát triển ngành hồ tiêu bền vững. Tuy nhiên, có thương hiệu chỉ là bước khởi đầu, phát huy hiệu quả thương hiệu là chặng đường dài. Thời gian tới chính quyền phải tích cực cùng nông dân và VPA tham gia hội nghị chuyên ngành hồ tiêu, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đưa sản phẩm giới thiệu ra thị trường thế giới. Người trồng tiêu đoàn kết, giúp nhau kinh nghiệm sản xuất và giữ gìn danh hiệu sản phẩm theo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, chống gian lận thương mại...

Lộc Ninh là huyện trồng tiêu có tiếng nhưng trên địa bàn chưa có doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Các đại lý thu mua chủ yếu bán cho các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2014, Lộc Ninh có Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam đặt trạm thu mua. Để nâng cao giá trị thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh phải có chính sách thu hút doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu vào đầu tư, tạo mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Bích Lệ, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết: Sản phẩm hồ tiêu làm ra phải đạt chất lượng, tiêu chuẩn là vấn đề then chốt để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, người trồng tiêu phải hạn chế thấp nhất thuốc bảo vệ thực vật. Huyện Lộc Ninh sẽ rà soát, quy hoạch vùng trồng tiêu thích hợp cho giai đoạn 2015-2020 và định hướng 2030; đồng thời tăng cường công tác khuyến nông; thu hút doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu vào đầu tư... Nhanh chóng thành lập các hiệp hội ngành nghề để thống nhất kiểm soát, quản lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao tính pháp lý bảo hộ độc quyền sở hữu công nghiệp.

Phương Hà
Theo Bình Phước Online

19/7/14

Tiêu đen
Ngày 18-7, ông Lê Sỹ Quý, Phó phòng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, giá tiêu trên thị trường Chư Sê (Gia Lai), Đắk Lắk - Đắk Nông tăng lên 182.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng so với phiên hôm trước. Trong khi đó, giá tiêu ở tỉnh Bình Phước cũng tăng lên xấp xỉ 185.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của ngành hồ tiêu Việt Nam, tạo nguồn lãi rất lớn cho nông dân.

Cũng theo ông Lê Sỹ Quý, giá tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên tăng cao do lượng tiêu tồn trong dân không nhiều. Theo dự báo của ngành hồ tiêu, năm 2014 sản lượng tiêu cả nước đạt khoảng 125.000 - 130.000 tấn. Tổng lượng xuất khẩu khoảng 150.000 tấn (gồm cả tiêu dự trữ), kim ngạch sẽ cán mốc 1 tỷ USD. Nếu đúng như dự báo này thì đây sẽ là năm kỷ lục của ngành hồ tiêu, với kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.

Đức Trung
Theo SGGP Online

18/7/14

Mức giá hồ tiêu đầu năm 2014 tưởng được coi là kỷ lục với 145 ngàn/kg, nhưng đến tháng 7 còn lên tới 190 ngàn/kg. Giá tiêu càng hấp dẫn, nhiều nhà vườn càng chạy đua trồng tiêu.

Chăm sóc vườn tiêu non
Chúng tôi đến tỉnh Bình Phước, nơi được mệnh danh "Vương quốc hồ tiêu".

Ông Nguyễn Bá Thịnh (ấp 4, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh), người được Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) chứng nhận nông dân duy nhất của Việt Nam trồng tiêu xuất sắc năm 2013 làm phép tính, đầu tư trồng tiêu sau 3 năm mất 400-500 ngàn đồng/nọc, 1 ha trồng bình quân 1.600 nọc, chi phí khoảng 700-800 triệu/ha. Nếu mưa thuận gió hòa, ở vùng Bình Phước, tiêu 3 năm sau trồng 1 nọc cho 2 kg, năng suất khoảng 3 tấn/ha.

Chỉ cần lấy giá đầu vụ 145 ngàn/kg, đã thu trên 400 triệu/ha ngay năm đầu. Tiếp tục chăm sóc tốt, gặp giá cả thuận lợi, chỉ sau 2 năm không chỉ thu hồi vốn mà còn có lãi, bởi năng suất tiêu càng về sau càng tăng. Từ năm thứ 3 trở đi, bình quân thu lợi nhuận 300 triệu/ha/năm.

"Lợi nhuận hấp dẫn thế nhưng trồng tiêu không dễ chút nào, ngược lại không biết kỹ thuật coi như cháy nhà, kiểu như trời mưa dầm từ ngày thứ ba trở đi mà vội đem phân ra bón là thất bại, trồng nó cứ như chăm sóc con mọn, lỡ mà chết nhanh, chết chậm là mất ngủ, bởi chỉ trong thời gian ngắn tiêu luôn", ông Thịnh nói.

Biết là vậy, nhưng trước sức hút hấp dẫn của thị trường hồ tiêu mà các nhà vườn của huyện Lộc Ninh đang đua nhau trồng. Theo bà Đinh Thị Mỹ Hạnh (Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện), diện tích trồng tiêu năm 2013 là 3.800 ha, trong tháng 6, 7/2014 diện tích trồng mới tăng lên 199 ha, tập trung nhiều nhất ở các xã Lộc An, Lộc Hiệp, Lộc Quang, Lộc Thạnh... Đây là con số thống kê, chứ nếu làm công tác điều tra thực địa, chắc chắn sẽ không dừng ở đó.
Một vườn tiêu trồng mới đầu tháng 7/2014, chung quanh là nọc giả (gỗ vườn tạp) ở Bình Phước
Chúng tôi về xã Lộc Hiệp, nơi đang có diệnt ích trồng tiêu là 515 ha. Theo ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch HND xã, hiện bà con đã xuống giống trồng mới thêm 42 ha. Đất trồng tiêu chủ yếu trên nền đất cũ là điều, cao su già cỗi. Trong đó có 15 ha cao su già.

"Do vốn trồng tiêu ban đầu khá lớn nên phần nhiều các nhà vườn phải vay ngân hàng. Chúng tôi chỉ có khả năng giải quyết mỗi hộ trồng tiêu số tiền 4,3 triệu nằm trong chương trình hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nhưng với điều kiện phải có ấp xét duyệt", ông Hiệp nói.

Ông Dương Xuân Kim, ấp 2, xã Lộc Hiệp cho biết, hiện nay các cây gỗ rừng như gió bầu, cóc rừng, căm xe dùng làm nọc sống rất hiếm, giá đắt khoảng 220 ngàn/nọc (cao từ 3,8- 4 m) nên hầu hết dùng nọc giả (cây gỗ vườn tạp) mua khoảng 65 ngàn/nọc, sau 2 năm nọc giả bị mục thì thay bằng nọc sống bằng cách ươm bầu các cây keo, muồng đen, lòng mứt.

Khi bầu được 30-40 cm thì rạch bầu nọc thật trồng bên cạnh nọc giả. Cứ một nọc tiêu trồng 2 dây, 1 dây giá 25 ngàn đồng, vị chi tiền giống 50 ngàn, sử dụng chủ yếu là giống tiêu Vĩnh Linh. "Tui trồng tiêu đã 10 năm nên có chút ít kinh nghiệm, những hộ nào trồng mới cần tư vấn giúp đỡ, tui đều sẵn sàng", ông Kim khoe.

 "Có hộ nào trồng tiêu mới bị thất bại không?", tôi hỏi. "Trồng mới sau vài tháng thì chưa, nhưng sau 1 năm có nhiều. Như hộ thầy Xuân bên cạnh trồng 6 sào (6.000 m2) gồm 700 nọc từ tháng 7/2013 đến tháng 6/2014 thì "đi" sạch vì bệnh chết nhanh do con ve sầu", ông Kim trả lời.

Gặp thầy giáo Lê Xuân ở kế bên, ông thừa nhận: “Năm trước tôi phá cà phê già chuyển sang trồng tiêu. Cũng nhờ bác Kim tư vấn kỹ thuật. Nhưng người tính không bằng trời tính, vừa rồi cây tiêu phát bệnh, chữa không nổi, đến nay chết hết.

 Coi như mất tiền giống 35 triệu (50 ngàn x 700 nọc) cộng thêm phân tro, công lao động cũng từng ấy. Từ ngày 10/7, tôi cũng bắt đầu trồng lại, lần này chọn giống và xử lý đất kỹ hơn trước. Hy vọng ông trời không phụ lòng người”, thầy Xuân nói.

"Cũng may thời gian qua, vùng tiêu ở đây không xảy ra dịch bệnh ở diện rộng, chỉ lắt nhắt nhỏ lẻ. Tuy nhiên, có thể nói việc trồng tiêu ở địa phương đang chạy theo thị trường nên phía Hội Nông dân chỉ khuyến cáo các chi hội nên vận động nông dân trồng tiêu ở vùng đất thích hợp, nằm trong qui hoạch của nhà nước, đặc biệt là phải nắm chắc qui trình kỹ thuật thì mới xuống giống.

Năm nay, nhờ giá giống tiêu ổn định, mua bán dễ dàng, đất của nông dân, họ trồng cây gì quyền của họ, mình không có quyền can thiệp", Chủ tịch HND xã Lê Văn Hiệp chia sẻ thêm.

Rời Lộc Hiệp, chúng tôi đến xã Lộc An, nơi được coi là vùng trồng tiêu lớn nhất huyện với 883 ha. Năm nay, chỉ chưa đầy 2 tháng mà ở đây đã trồng khá nhanh với 82 ha. Theo tìm hiểu chúng tôi, đa số vườn tiêu mới ở Lộc An được trồng trên đất cà phê, cao su, điều bằng nọc giả, bên cạnh ươm bầu cây keo lai non nhỏ để thay thế khi nọc giả mục.

Theo anh Điểu Thương, cán bộ nông nghiệp xã Lộc An, 3-4 năm về trước khi phá vườn điều, nông dân chọn trồng 3 cây là cà phê, cao su và tiêu. "Bây giờ người ta trồng tiêu hết. Điều đáng nói là trong các cuộc hội thảo, chúng tôi vẫn thường xuyên khuyến cáo nông dân cần cảnh giác với bệnh thán thư, bệnh chết nhanh, chết chậm, nhất là tái canh trồng tiêu trên nền đất cũ. Vì có tâm lý sợ rầy mang dịch bệnh nên nhiều nông dân sử dụng thuốc diệt rầy vô tội vạ, nhất là vùng tiêu non".

"Tôi có dịp đi khảo sát, biết có nhiều nông dân ở Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk phá bỏ cà phê, điều, cao su già cỗi, có trường hợp chưa đến tuổi thanh lý để trồng tiêu. Điều này sẽ dẫn đến phá vỡ cơ cấu cây trồng trong khu vực cũng như phá vỡ quy hoạch của ngành. Mặt khác, người nông dân trồng tự phát nên ngành nông nghiệp khó kiểm soát về dịch bệnh cũng như diện tích. Hơn thế, đua nhau trồng nếu xảy ra dịch bệnh rất dễ lây lan, lúc đó thiệt hại không thể tính được. Nên nhớ hồ tiêu là "cây nhà giàu", không chỉ đất đai phải thích hợp mà nguồn nước tưới thiếu hoặc đất trồng thoát nước kém cũng cho năng suất thấp. Vì thế, nông dân cần tính toán thật kỹ, tham khảo ý kiến các nhà khoa học, Trung tâm khuyến nông trước khi quyết định đầu tư mới hay chuyển đổi các loại cây trồng khác sang hồ tiêu". - (TS Đinh Thanh Sang, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học & Hợp tác Quốc tế, Trường Trung cấp Nông Lâm tỉnh Bình Dương).
ĐỖ QUYÊN
Theo nongnghiep.vn

16/7/14

Nhiều nhà nhập khẩu gia vị lớn tại Đức, Hà Lan vừa gửi cảnh báo đến các doanh nghiệp Việt Nam về quy định siết chặt chất lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam.

Hồ tiêu thường xảy ra dịch bệnh nên nông dân sử dụng khá nhiều thuốc bảo vệ thực vật
Theo đó, thị trường châu Âu phát hiện trong hồ tiêu Việt Nam có dư lượng carbendazim khá phổ biến. Do đó, bắt đầu từ năm 2015, châu Âu sẽ đưa hoạt chất carbendazim vào danh mục cấm nhập. Carbendazim là một chuyển hóa chất của benomyl, được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc diệt nấm, rỉ sắt… Các loại thuốc có chứa carbendazim: Acovil 50 SC, Vicarben 50WP, 50SC, Benzimidine 50 SC, Baberim 500 FL, Arin 25SC, 50SC, 50WP, Appencarb super 50FL, 75WG, Agrodazim 50 SL, 500SC…

Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu khuyến cáo nông dân hạn chế tối đa, hoặc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất carbendazim vì nếu tình trạng hồ tiêu nhiễm hoạt chất carbendazim còn kéo dài, thì hồ tiêu nước ta sẽ bị ép giá mạnh so với tiêu Ấn Độ, Indonesia và Brazil từ năm 2015.

Hiện tại giá hồ tiêu Việt Nam đang ở mức cao, nhiều người đang đổ xô trồng tiêu mà không chú ý đến việc bảo đảm an toàn sinh học sản phẩm. Do đó giá tiêu Việt Nam vẫn thấp hơn Ấn Độ đến 65.000 đồng/kg

Tin, ảnh: Quang Thuần
Theo Thanh Nien Online

15/7/14

Thuốc bảo vệ thực vật giả (BVTV) đang tiềm ẩn mối nguy hại lớn mà người nông dân hiện chưa biết kêu ai, kiện ai trong khi những vườn tiêu của họ lẫn đang chết dần mỗi ngày.

Nguyên nhân là do một số đại lý thuốc BVTV ở những địa phương này đã cố tình không bán đúng thuốc cho người trồng tiêu. Trong phóng sự dưới đây, các Phóng viên Truyền hình (PV) đã tìm hiểu những đại lý bán thuốc trên đã lừa bán thuốc không rõ nguồn gốc cho người trồng tiêu theo cách như thế nào, mặc dù hầu hết những loại thuốc này đều đắt hơn các loại thuốc trị bệnh cho cây tiêu thông thường.

Tràn lan thuốc không được phép lưu hành

Các PV theo chân một nông dân sắp mất trắng vườn tiêu do bị thối rễ, hỏi mua thuốc chữa bệnh loại tốt nhất cho vườn tiêu nhà mình. Chủ cửa hàng cho nhân viên mang ra một loại thuốc không hề được bày bán trên kệ hàng và quảng cáo đây là loại thuốc mới đặc trị bệnh chết nhanh trên cây tiêu, với giá 290.000 đồng một chai. Trong khi nhiều loại thuốc tốt trên thị trường cũng chỉ bán khoảng 170.000 đồng.

Tuy nhiên, khi tra cứu trong danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành, PV được biết không hề thấy tên loại thuốc này. Không ai biết, thành phần thật trong chai thuốc này là gì. Người bán hàng không nói, người nông dân không biết và thế là họ mua về sử dụng.

Theo ghi nhận của PV tại một đại lý lớn khác tại tỉnh Đăk Nông, những người trồng tiêu trong vùng đến đây cũng được chủ cửa hàng giới thiệu loại thuốc tốt nhất trên thị trường hiện nay để phòng bệnh chết nhanh, chết chậm cho cây tiêu. Giá bán 1 chai thuốc như vậy là 210.000 đồng – giá cao hơn hẳn các loại thuốc nhập khẩu thuộc loại tốt trên thị trường đang bán tới 40.000-50.000 đồng.

Tuy nhiên, khi PV đi xác minh chai thuốc được quảng cáo là tốt nhất thị trường này cũng cho ra kết quả: Thuốc không có trong danh mục. Không được phép lưu hành.

Mặt khác, trong vai người chào bán một loại thuốc trôi nổi, khi PV đặt vấn đề sẽ chi hoa hồng cao cho người bán hàng, nếu hướng dẫn khách hàng mua sản phẩm của mình. Đề nghị này đã ngay lập tức nhận được sự đồng ý.

Thuốc rởm được “thổi giá” gấp đôi thuốc thật

Một tình huống khác về giá bán thuốc mà PV đã ghi nhận được là cùng một loại được quảng cáo kháng bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu có cửa hàng bán với giá 175.000 đồng, trong khi một đại lý khác thú thật chai thuốc đó chỉ cần bán giá hơn một nửa cũng có lãi. Tuy nhiên, khi tra cứu trong danh mục thuốc được phép lưu hành, loại thuốc đó cũng không hề có.

Một đại lý nhiều năm kinh nghiệm cho biết, một năm trở lại đây, thuốc giả, thuốc nhái dùng cho cây tiêu đã bắt đầu chiếm lĩnh thị trường. Lý do các đại lý tập trung bán thuốc không rõ nguồn gốc, không được phép lưu hành, thậm chí biết là thuốc rởm vẫn bán là do bán một chai thuốc loại này có lợi nhuận cao từ 50.000-70.000 đồng. Trong khi bán thuốc thật thường chỉ lãi khoảng 2.000-5.000 đồng/một chai. Và để người nông dânkhông nghi ngờ, nhiều chai thuốc rởm được bán giá đắt hơn, thậm chí gấp đôi các chai thuốc thật.

14/7/14

Giá hồ tiêu đang thực sự gây choáng trên thị trường khi mấy ngày qua đã đạt trên 190 triệu đ/tấn (loại 1), cao nhất từ trước tới nay.
Anh Thắng bên vườn tiêu cho năng suất cao tại Xuân Lộc, Đồng Nai
Chúng tôi tìm đến vườn tiêu của anh Lê Văn Cương, hội viên Hội Nông dân xã Long Hưng, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước. Đập vào mắt chúng tôi là những trụ tiêu xanh um, xếp hàng thẳng tắp đang sản xuất theo quy trình VietGap.

Anh Cương cho biết, quê anh ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) vào đây xây dựng kinh tế mới. Hồi mới vào gia đình anh trồng ngô, sắn, cà phê… nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, cuộc sống rất khó khăn.

Từ khi chuyển qua trồng tiêu, thu nhập được cải thiện rõ rệt, đời sống kinh tế dần tăng cao. Hiện anh đang sở hữu vườn tiêu rộng 1 ha, năng suất đạt từ 4 – 5 tấn/ha/năm.

Theo anh Cương, do thời tiết năm nay thất thường, sản lượng hồ tiêu giảm, đồng thời lượng tiêu còn tồn trong các hộ dân không nhiều, trong khi nhu cầu thị trường vẫn cao khiến thương lái đổ xô đi mua làm giá tiêu nóng lên từng ngày.

“Với giá tiêu đầu năm đạt 140 triệu đ/tấn, còn thời điểm khan hiếm hiện tại lên tới 190 triệu đ/tấn, người nông dân có lãi rất cao. Như tôi sau khi trừ chi phí cũng thu lãi khoảng 500 triệu đồng”. Anh Cương cũng cho biết, nhằm nâng cao chất lượng và năng suất, vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Bù Gia Mập đã chọn vườn tiêu của anh làm mô hình điểm. Các kỹ sư chuyên ngành trực tiếp về đây hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, thu hái cho bà con trong vùng.

Tương tự, anh Vũ Quang Bách, hộ trồng tiêu lớn tại ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cho biết: Gia đình anh trồng được 3 ha tiêu, trong đó có 1,5 ha đang thời kỳ kinh doanh. Nhờ thường xuyên đi học các lớp tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu, đặc biệt là áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp năng suất nhiều năm qua đạt từ 3 - 5 tấn/ha/năm.

“Đặc biệt, khoảng 3 năm nay giá tiêu rất ổn định và có xu hướng tăng dần. Nếu như đầu năm nay giá ở mức 140 triệu đ/tấn thì mấy ngày đầu tháng 7 này giá đã lên tới trên 190 triệu đ/tấn rồi. Gia đình tôi trồng tiêu năm 1997 tới bây giờ mới thấy tiêu có giá cao ngất ngưởng như vậy!” – anh Bách hồ hởi nói.

Anh Trần Hữu Thắng, người Việt Nam được công nhận “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới” (năng suất đạt 11 tấn/ha/năm) là chủ nhiệm Liên hiệp CLB tiêu năng suất cao Phước Lộc (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết: Nhằm nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm tiêu của người dân, năm 2010, UBND huyện Xuân Lộc ra quyết định thành lập Liên hiệp CLB tiêu năng suất cao Phước Lộc.

Đến với CLB, các hội viên thường xuyên được tập huấn, trao đổi học hỏi áp dụng KHKT, nắm bắt thông tin, giá cả… Đặc biệt, Liên hiệp CLB giúp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, xúc tiến XK tiêu cho các nước trên thế giới.

Anh Thắng cho hay, giá tiêu cao như vậy nguyên nhân chính là hạt tiêu Việt Nam đã XK được nhiều vào hầu hết các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Singapore, Ấn Độ… hay những thị trường có mức tăng trưởng NK cao gần đây như Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Cô-oét, Indonesia. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu năm nay cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về sâu bệnh hại cây và các chi phí sản xuất gia tăng.

Thị trường XK ngày càng yêu cầu cao về VSATTP như sản phẩm sạch, canh tác hữu cơ, có chứng chỉ chất lượng. Vì vậy, ngay từ bây giờ người trồng và chế biến hồ tiêu cần triển khai các giải pháp phù hợp, sản xuất theo quy trình GAP, nông dân nên chuyển sang hướng trồng tiêu hữu cơ, hạn chế dùng phân, thuốc hóa học.

Theo dự báo của ngành hồ tiêu, năm 2014 sản lượng tiêu cả nước đạt khoảng 125.000 - 130.000 tấn. Tổng lượng XK khoảng 150.000 tấn (gồm cả tiêu dự trữ), kim ngạch sẽ cán mốc 1 tỉ USD. Nếu đúng như dự báo này thì đây sẽ là năm kỷ lục của ngành hồ tiêu với kim ngạch XK cao nhất từ trước đến nay.

 Theo VĂN HIẾU
nongnghiep.vn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hình minh hoạ
Theo đó, đưa diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50 nghìn ha, năng suất 3 tấn/ha, sản lượng 140 nghìn tấn và sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao đạt 90%, kim ngạch xuất khẩu 1,2-1,3 tỷ USD. Hiện thị trường xuất khẩu hồ tiêu chủ yếu của nước ta gồm Hoa Kỳ, Xin-ga-po, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Ấn Độ.
Theo nhandan.com.vn

13/7/14

Từ ngày 27-30/10/2014, tại Khách sạn Sheraton (88 Đồng Khởi - Q.1 - TP.HCM) sẽ diễn ra Hội nghị Thường niên của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC). Đây là Hội nghị IPC lần thứ 42 do IPC phối hợp cùng với Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức.

Hội nghị IPC 42 sẽ là nơi họp mặt đông đảo đại biểu là các nhà sản xuất, chế biến XNK Hồ tiêu và gia vị của các nước thành viên IPC và đại diện các hiệp hội gia vị lớn như Hiệp hội Thương mại Gia vị Mỹ (ASTA), Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA), các nhà nhà mua bán XNK Hồ tiêu, gia vị trên toàn thế giới. Nội dung hội nghị rất phong phú, theo chương trình sẽ diễn ra hội nghị chuyên đề về kỹ thuật trồng trọt, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, chế biến bảo quản, tại Hội nghị về XNK các đại biểu sẽ báo cáo về XNK, tiêu thụ, tồn kho, thị trường giá cả, các biện pháp bình ổn thị trường, các qui định về chất lượng VSAT thực phẩm.

Trang web chính thức của Hội nghị IPC 42: www.ipcnet.org/session42vn/

Link đăng ký tham gia Hội nghị: www.ipcnet.org/session42vn/index.php


Hội nghị có kế hoạch tổ chức triển lãm sản phẩm Hồ tiêu và các loại gia vị từ các nước sản xuất, XNK Hồ tiêu và gia vị trên thế giới. Gian hàng có hạn và sẽ được phân bổ dựa trên cơ sở thứ tự DN đăng ký trước. Những DN quan tâm thuê gian hàng triển lãm cần nhanh chóng nộp đơn đăng ký và lệ phí liên quan cho IPC.

Theo VPA

12/7/14

Hình minh hoạ
Đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì và ổn định ở mức 50 ngàn ha, diện tích cho sản phẩm 47 ngàn ha, năng suất đạt 30 tạ/ha, sản lượng đạt 140 ngàn tấn, sản phẩm tiêu chất lượng cao đạt 90%. Về cơ cấu sản phẩm, tiêu đen chiếm 70%, tiêu trắng 30%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2-1,3 tỷ USD.

Đó là những mục tiêu chính của Quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát ký phê duyệt tại Quyết định số 1442/QĐ-BNN-TT ngày 27/6/2014.

Theo định hướng Quy hoạch, căn cứ mục tiêu về diện tích hồ tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, phải tiến hành rà soát, đánh giá các điều kiện sinh thái thích nghi với cây hồ tiêu, loại bỏ diện tích ít thích hợp và không thích hợp để phát triển ổn định và bền vững.

Đến năm 2020, vùng trồng hồ tiêu trọng điểm chiếm diện tích 41.500 ha, tương ứng 83% tổng diện tích hồ tiêu cả nước, gồm các địa phương: Bình Phước: 10 ngàn ha; Đồng Nai: 7 ngàn ha; Bà Rịa-Vũng Tàu: 7 ngàn ha; Đắk Nông: 7 ngàn ha; Gia Lai: 5.500 ha, Đắk Lắk: 5 ngàn ha.

Ngoài vùng trồng hồ tiêu trọng điểm, diện tích 8.500 ha tương ứng 17% diện tích hồ tiêu cả nước, phân phối tại các địa phương như sau: Quảng Trị: 2.200 ha, Bình Thuận: 1.900 ha, Quảng Binh: 1 ngàn ha, Kiên Giang: 500 ha, Phú Yên: 400 ha, Tây Ninh: 400 ha, Bình Dương: 400 ha, Nghệ An: 300 ha, Quảng Nam: 300 ha, Bình Định: 300 ha, Thừa Thiên – Huế: 250 ha, Lâm Đồng: 200 ha, Quảng Ngãi: 100 ha, Kon Tum: 100 ha, TP.Hồ Chí Minh: 50 ha, TP.Đà Nẵng: 30 ha, Khánh Hòa: 30 ha, Hà Tĩnh: 20 ha, An Giang: 20 ha.

Về chế biến hồ tiêu, đầu tư cải tạo nâng cấp các nhà máy chế biến hiện có, sử dụng hiệu quả thiết bị công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm; nâng tỷ lệ tiêu chất lượng cao lên khoảng 90%, tỷ lệ tiêu trắng lên 30% và tỷ lệ tiêu nghiền bột lên 25% vào năm 2020.

Cũng theo Quyết định, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ định hướng quy hoạch ngành hồ tiêu toàn quốc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển hồ tiêu tại địa phương; tổ chức thực hiện phương án quy hoạch được duyệt. Đối với diện tích hồ tiêu già cỗi, thoái hóa cần có kế hoạch trồng tái canh. Hồ tiêu trồng ở những nơi điều kiện sinh thái không thích hợp, hồ tiêu bị nhiễm các bệnh khó phòng trị và không nằm trong vùng quy hoạch được duyệt, cần khuyến khích chuyển sang trồng cây khác theo quy hoạch địa phương./.

8/7/14

Hạt tiêu là nhóm hàng xuất khẩu đứng thứ 5 trong nhóm số các nhóm hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam (đứng sau thủy sản, gỗ, cà phê, gạo), nhưng xuất khẩu hạt tiêu là nhóm hàng tăng trưởng mạnh nhất trong 5 tháng đầu năm, tăng tới 36,8% về lượng và tăng 45,44% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 94.499 tấn, tương đương 662,76 triệu USD); riêng tháng 5 xuất khẩu hạt tiêu lại sụt giảm 22,6% về lượng và giảm 17,5% về kim ngạch so với tháng trước đó.


Dự kiến, xuất khẩu hạt tiêu tháng 6 ước đạt 16 nghìn tấn, giá trị đạt 127 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 6 tháng đầu năm lên 111 nghìn tấn với giá trị 790triệu USD, tăng 36,2% về khối lượng và tăng 47,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng chú ý là trong tháng 4 xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường lớn lại sụt giảm mạnh về kim ngạch so với tháng trước đó như: xuất sang Hoa Kỳ giảm 20,85%, sang Singapore giảm 48,21%, sang Ấn Độ giảm 45,75%, Hà Lan giảm 25,94%. Tuy nhiên, kim ngạch lại tăng mạnh ở các thị trường nhỏ như: Thổ Nhĩ Kỳ(+656%), Australia (+131,8%), Bỉ (+353,9%), Nhật Bản (+135%).
Tính chung cả 5 tháng đầu năm, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu về kim ngạch với 130,76 triệu USD, chiếm 19,73%; Singapore đứng vị trí thứ 2 với 84,4 triệu USD, chiếm 12,73%; U.A.E 50,19 triệu USD, chiếm 7,57%; Ấn Độ 43,51 triệu USD, chiếm 6,57%; Hà Lan 41,46 triệu USD, chiếm 6,26%. Nhìn chung, xuất khẩu hạt tiêu vẫn tăng trưởng dương về kim ngạch ở hầu khắp các thị trường; trong đó tăng mạnh ở các thị trường như: Singapore (+205,06%), Ấn Độ (+134,9%), Pakistan (+232,55%), Malaysia (+123,93%), Cô Oét (+91,69%), Pháp (+97,23%). Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Đức sụt giảm mạnh tới 56,79% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 21,57 triệu USD.
Số liệu Hải quan về xuất khẩu hạt tiêu 5 tháng đầu năm 2014. ĐVT: USD
Thị trường
T5/2014
5T/2014
T5/2014 so với T4/2014(%)
T5/2014 so với T5/2013(%)
5T/2014 so với cùng kỳ(%)
Tổng kim ngạch
      152.182.634
      662.758.229
-17,46
+47,50
+45,44
Hoa Kỳ
        29.553.761
      130.761.572
-20,85
+16,33
+30,39
Singapore
        16.087.933
        84.396.953
-48,21
+124,28
+205,06
Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất
        17.738.588
        50.193.220
+28,71
+219,25
+70,45
Ấn Độ
          8.560.829
        43.512.729
-45,75
+299,32
+134,90
Hà Lan
          9.575.282
        41.457.758
-25,94
+96,62
+64,60
Pakistan
          7.526.321
        26.701.379
-11,97
+200,60
+232,55
Ai Cập
          6.656.675
        23.572.090
+8,18
+119,47
+27,70
Đức
          4.867.114
        21.565.661
-0,79
-51,92
-56,79
Tây Ban Nha
          3.381.692
        19.902.507
-42,86
-1,55
+43,35
Nga
          4.256.986
        15.832.796
-13,84
+50,15
+24,16
Hàn Quốc
          2.773.678
        13.278.213
+19,00
+24,02
+37,85
Anh
          3.153.354
        10.904.307
+102,56
+20,53
-16,57
Thái Lan
          2.422.265
        10.395.270
+73,86
+35,92
+79,12
Pháp
          2.020.869
          9.229.909
-22,26
+46,53
+97,23
Malaysia
          1.448.665
          8.419.689
-40,97
+47,91
+123,93
Philippines
          1.479.700
          8.070.714
-34,36
-15,08
+22,61
Nhật Bản
          1.877.027
          7.679.932
+135,24
+16,16
+9,53
Ba Lan
          1.927.036
          7.332.103
-23,15
+1,12
-11,73
Italia
          1.504.653
          6.809.616
+58,96
-11,01
+9,29
Thổ Nhĩ Kỳ
          2.751.578
          5.737.440
+656,29
+101,70
+60,24
Ucraina
          1.271.550
          5.725.229
-44,21
-39,40
+0,27
Canada
          1.357.890
          5.661.735
+31,96
+4,32
+22,96
Nam Phi
          1.775.018
          5.233.305
+49,88
+23,68
-19,65
Australia
          1.614.209
          4.837.975
+131,76
+68,52
+10,45
Bỉ
             918.940
          2.162.491
+353,89
+425,33
+33,12
Cô Oét
             136.400
          1.417.071
-25,96
+9,86
+91,69
Bộ trưởng Bộ NNPTNT vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tăng năng suất và giá trị ngành hồ tiêu đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết để phát triển hồ tiêu theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, hiệu quả và bền vững.
Mục tiêu của quy hoạch là phấn đấu đến năm 2020, tầm nhìn 2030 diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha, năng suất đạt 30 tạ/ha, sản lượng đạt 140.000 tấn và sản phẩm tiêu chất lượng cao đạt 90%.
Về cơ cấu sản phẩm: Tiêu đen 70% (trong đó tiêu nghiền bột 15%), tiêu trắng 30% (tiêu nghiền bột khoảng 25%) và kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2-1,3 tỷ USD.
Theo quy hoạch, các sở NNPTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ định hướng quy hoạch ngành hồ tiêu trên toàn quốc tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển hồ tiêu tại địa phương; tổ chức thực hiện phương án quy hoạch được duyệt.
Đối với diện tích hồ tiêu già cỗi, thoái hóa cần có kế hoạch trồng tái canh. Hồ tiêu trồng ở những nơi điều kiện sinh thái không thích hợp, hồ tiêu bị nhiễm các bệnh khó phòng trị và không nằm trong vùng quy hoạch được duyệt, cần khuyến khích chuyển sang trồng cây khác theo quy hoạch của địa phương.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác khuyến nông để nâng cao trình độ cho người trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến hồ tiêu; ưu tiên chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo chứng chỉ chất lượng VietGAP, Global GAP…
Cùng với đó, các địa phương tập trung khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển các phương thức nông dân liên kết sản xuất hồ tiêu như tổ hợp tác, hợp tác xã, “vườn tiêu mẫu lớn;” phát triển mạng lưới đại lý thu mua nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tập trung phát triển các đầu mối xuất khẩu lớn, hạn chế dần các đầu mối xuất khẩu nhỏ lẻ, từng bước hình thành lên các doanh nghiệp mạnh trong chế biến, xuất khẩu hồ tiêu.
Mặt các, các địa phương có kế hoạch thu hút các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao theo quy hoạch được duyệt.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh thêm về việc tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu hồ tiêu Việt Nam. Trong đó, cần khai thác tốt các thị trường truyền thống; mở rộng thị trường có nhiều tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản; các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi… từng bước thâm nhập thị trường là các nhà phân phối gia vị, các nhà chế biến thực phẩm tại các nước tiêu thụ.
  Theo Thủy Chung - VINANET.
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com