Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

29/8/14

Khối lượng xuất khẩu tiêu 8 tháng lên 126 nghìn tấn với giá trị 790 triệu USD, tăng 23,9% về khối lượng và tăng 38,2% về giá trị so với cùng kỳ 2013

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 8 ước đạt 6 nghìn tấn, với giá trị đạt 56 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 8 tháng lên 126 nghìn tấn với giá trị 790 triệu USD, tăng 23,9% về khối lượng và tăng 38,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đạt 7.280 USD/tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam.

Xuất khẩu tiêu sang thị trường Hòa Kỳ, Singapore, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Ấn Độ - 4 thị trường lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2014 - chiếm 45,73% thị phần – có mức tăng trưởng mạnh.

Thị trường Hoa Kỳ tăng 25,7% về khối lượng và tăng 35,19% về giá trị; Singapore tăng 80,74% về khối lượng và tăng gấp 2,27 lần về giá trị, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tăng 63,24% về khối lượng và tăng 93,63% về giá trị. Thị trường Ấn Độ tăng 85,68% về khối lượng và tăng gấp hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013./.



N.Trí/VOV.VN

21/8/14

Liên tiếp mấy năm gần đây, người dân phía tây huyện Phú Lộc phất lên nhờ cây tiêu.

“Gió mới” từ Đức Cơ

Những ngày đầu tháng 8, khách đến tham quan vườn tiêu của ông Trần Văn Chỉnh, thôn Đồng Xuân, Lộc Điền khá đông. Ông Chỉnh là phục viên quân đội sống gần 30 năm ở Đức Cơ, Gia Lai - người đầu tiên mang cây tiêu về quê trồng thử vào cuối năm 2007, với 200 gốc tiêu, chỉ một thời gian ngắn, cây tiêu phát triển tốt. Năm sau, ông tiếp tục trồng thêm, đến nay vườn tiêu hơn 1 ha trồng hơn 1.000 gốc tiêu. Vườn hiện có khoảng 400 gốc trồng đã cho quả bói từ năm 2012; đến năm 2013 thu được 1,2 tấn. Ông Chỉnh nói, cây tiêu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đồi xã Lộc Điền. Khi tiêu vào độ tuổi thu hoạch năm đầu, doanh thu đã gần đủ vốn đầu tư trước đó. Còn những năm tiếp theo, cây tiêu sẽ cho thu hoạch dài dài. Trung bình mỗi năm, nếu chăm bón đúng kỹ thuật, một gốc tiêu thu hoạch khoảng 5kg. 400 gốc hiện có trong vườn của ông đang vào tuổi thu hoạch sẽ cho khoảng 2 tấn. Với giá như hiện tại, thu khoảng 300 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 60 triệu đồng, số còn lại thì bỏ túi. Trong thời kỳ cây tiêu đã vào tuổi thu hoạch, mỗi năm chi phí đầu tư nhỏ. Phân bón, công chăm sóc chỉ bằng khoảng 20% giá trị doanh thu.
Anh Nguyễn Phước luôn đầu tư, chăm bón cho tiêu
Anh Nguyễn Phước ở thôn Quê Chữ, xã Lộc Điền - một thanh niên được ông Chỉnh truyền nghề đã mạnh dạn tích cóp vốn liếng khai hoang lập trại phát triển mô hình trồng tiêu tại thôn Đồng Xuân với diện tích 1500m2 vào năm 2008. Từ việc cải tạo đất, cây giống, đúc trụ bê tông, dàn che nắng... Thời gian đầu, anh Phước trồng 200 gốc tiêu. Đến nay phát triển lên 500 gốc, trong đó, 400 gốc đã vào tuổi thu hoạch.

Sẽ quy hoạch nhân công

Thôi thúc từ mô hình trồng tiêu thành công từ ông Trần Văn Chỉnh, thời gian gần đây không chỉ người dân Lộc Điền mà các xã lân cận như Lộc Hoà, Lộc An, Lộc Bổn... nhanh chóng chuyển đổi mô hình vườn tạp kém hiệu quả sang trồng tiêu. Tính riêng ở Lộc Điền, hiện có hơn 100 hộ trồng tiêu với diện hơn 30ha. Nhiều hộ trồng bài bản, có quy hoạch thành trang trại vườn đồi từ 3-4 năm nay như hộ ông Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Toán, Huỳnh Hùng... đã cho thu nhập không dưới 100 triệu đồng/ năm còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Ông Nguyễn An Hùng -người dân thôn Đồng Xuân cho biết, trước đây, vùng đồi Lộc Điền hầu hết là vườn tạp trồng mít, trồng chè, xen với keo tràm, nhiều vườn để hoang hóa. Khoảng 4 năm nay, đất đồi Lộc Điền trở nên có giá, người ra người vào mua đất san vườn với mục tiêu cải tạo, chuyển sang trồng tiêu. Nhiều người đến thôn Đồng Xuân nhìn vườn tiêu của các ông Trần Văn Chỉnh, Huỳnh Hùng, hay anh Nguyễn Phước là mê mẫn. “Nông dân trồng lúa, bám vườn ở Lộc Điền mỗi năm thu được 30-40 triệu đồng, nhưng với cây tiêu mỗi năm thu 30-40 triệu đồng là chuyện không hề khó” - ông Hùng nói.

Anh Ngô Cao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Điền bóng bẩy: “Cây tiêu cũng như gái đẹp. Nó đỏng đảnh khó tính vô cùng. Nếu không biết kỹ thuật chăm bón khi thay đổi thời tiết, sâu bệnh thâm nhập là dở khóc dở cười. Tuy nhiên, với cách trồng, chăm bón cần mẫn của người dân thì dịch bệnh rất khó xảy ra”. Hiện, ông Chỉnh đang được Hội Nông dân xã Lộc Điền tạo điều kiện tiếp cận dự án Luxembourg xây dựng vườn tiêu thí điểm, tạo địa chỉ tham quan, trao đổi kinh nghiệm trồng tiêu và xây dựng vườn ươm, cung cấp giống tiêu cho bà con. Ngoài ra, ông Chỉnh đang triển khai mô hình trồng tiêu với cây keo; cây tiêu xen với cây chôm chôm cho quả trái mùa; cây tiêu với cây chanh không hạt..

Ông Bạch Văn Khai, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cho biết: Gần đây, nhiều gia đình ở Lộc Điền, Lộc Hoà, Lộc Bổn... tiến hành chuyển đổi, quy hoạch, ứng dụng kỹ thuật mới trong cách trồng tiêu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp đến, Phú Lộc sẽ quy hoạch nhân rộng ở các xã vùng đồi trồng tiêu với diện tích khoảng 150-200ha. Bên cạnh đó Phú Lộc sẽ vận động người trồng tiêu sớm thành lập các chi hội, HTX trồng tiêu có điều kiện chia sẻ trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật tìm đầu ra cho sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.


Minh Văn
Theo ThuaThienHue Online
Tuy đã được khuyến cáo không nên ồ ạt mà nên trồng thử nghiệm giống hồ tiêu ghép với số lượng nhỏ để kiểm tra tính hiệu quả của cây giống này nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế đáng tiếc có thể xảy ra nhưng nhiều hộ dân trồng tiêu ở Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn chuyển sang trồng loại cây này.
Chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh minh họa. (Nguồn: Thế Lập/TTXVN)
Thời gian qua, do giá tiêu liên tục tăng cao nhưng nhiều diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị dịch bệnh làm tiêu chết hàng loạt, khiến người trồng tiêu rất lo lắng.

Nắm bắt được tâm lý của nông dân, hơn một năm trở lại đây, trên địa bàn các huyện có trồng tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu như Châu Đức, Xuyên Mộc nhiều hộ trồng tiêu đã nhập khá nhiều giống tiêu ghép không rõ nguồn gốc để bán và trồng đại trà vì cho rằng, giống tiêu ghép này có khả năng chống chịu bệnh, chịu ngập úng tốt.

Ông Nguyễn Bách Thắng (ở thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) cho biết trước đây, nhà ông trồng giống tiêu Vĩnh Linh nhưng bị chết gần hết do bệnh chết nhanh, chết chậm. Năm vừa rồi, nghe thông tin có giống tiêu ghép có thể hạn chế được các loại dịch bệnh, chịu ngập úng tốt nên ông đã mua giống tiêu ghép về trồng thử. Khi mua giống tiêu ghép này về, thấy cây vẫn phát triển bình thường (hiện vẫn chưa cho quả), nên ông cũng muốn trồng thử thêm một ít nữa. Nếu phát triển tốt ông sẽ nhân rộng diện tích tiêu ghép.

Cũng như ông Thắng, anh Nguyễn Bé (ở xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) cũng vừa mới mua thêm 200 gốc tiêu ghép về trồng. Cách đây một năm, anh Bé có mua trồng thử 30 gốc tiêu ghép (hiện cũng chưa cho quả), thấy cây phát triển tốt và không có hiện tượng mắc bệnh như tiêu thông thường. Dù chưa biết năng suất từ giống tiêu ghép này ra sao song do vườn tiêu gần 1ha của anh Bé đang mắc bệnh nên anh Bé dự định chuyển sang trồng tiêu ghép nếu giống này phát triển tốt.

Anh Bé cũng cho biết anh chỉ mong giống tiêu này phát triển tốt, còn năng suất chỉ bằng 1 nửa giống tiêu bình thường là "sống" rồi, còn như giống tiêu đang trồng thì cứ trồng xuống là bị chết khiến người dân liên tục bị thất thu.

Vườn ươm của bà Huỳnh Kim Hạnh (ở thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) có hàng chục nghìn bầu ghép đang trong thời kỳ phát triển tốt. Giá một bầu ghép từ 25.000-30.000 đồng/bầu, mỗi năm vườn ươm bà Hạnh cho ghép trên 50.000 bầu tiêu ghép.

Theo ông Nguyễn Bàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Long, huyện Châu Đức, xã có khoảng khoảng 100 hộ trong tổng số 1.000 hộ trồng tiêu đã chuyển sang trồng loại tiêu ghép này trên diện tích tiêu bị chết. Hiện nay hiệu quả của việc sử dụng giống tiêu ghép còn chưa rõ ràng, năng suất và khả năng kháng bệnh cũng chưa được khẳng định.

Tiêu ghép có gốc ghép mà các nhà vườn thường gọi là gốc Amazon là loại cây chịu nước, chống ngập úng tốt... Cách đây bảy năm đã được một vườn ươm tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai dùng để ghép thành công với cây tiêu, đưa vào trồng và cây đã cho trái 2-3 năm trở lại đây.

Thực tế cho thấy, vẫn chưa có cơ sở nào cho rằng giống tiêu ghép sẽ đem lại hiệu quả cao và có thể thay thế các giống tiêu hiện tại. Ngành nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chưa thống kê được số hộ dân và số diện tích trên địa bàn đã chuyển sang trồng loại cây này. Nhưng qua kiểm tra, giống tiêu ghép chưa có kết quả nghiên cứu, đánh giá của các ngành chuyên môn và nhà khoa học, cũng như chưa được tổng kết, đánh giá kết quả qua mô hình trồng thực tế của những hộ dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh.

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đất-Phân bón và Môi trường phía Nam thuộc Viện Thổ nhưỡng nông hóa, cho biết ông rất băn khoăn về khả năng thích ứng giữa nhánh ghép với gốc ghép, khả năng cho năng suất của tiêu ghép này cũng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là khả năng kháng bệnh. Nguyện vọng của người trồng tiêu là có được giống tốt, phát triển, kháng bệnh và cho năng suất tiêu cao. Tuy nhiên cây giống tốt đòi hỏi phải có ý kiến của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý đánh giá về chất lượn. Do vậy, bà con nông dân hãy cân nhắc trong việc lựa chọn giống tiêu ghép này về trồng./.

Hoàng Nhị (TTXVN/Vietnam+)
Lộc Ninh hiện có 3.648 ha tiêu, chiếm khoảng 30% diện tích, gần 40% sản lượng của cả tỉnh. Theo kế hoạch, trong năm 2014, năng suất vườn tiêu ở Lộc Ninh đạt khoảng 32,25 tạ/ha. Để hoàn thành kế hoạch sản lượng 10.929 tấn, Lộc Ninh đang thực hiện ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nhất là trong thời điểm hiện nay - thời kỳ các vườn tiêu đang ra hoa, đậu trái.

Một vườn tiêu ở xã Lộc Phú được chăm sóc tốt vào kỳ ra hoa
Gia đình ông Nguyễn Phú Công ở ấp Thắng Lợi, xã Lộc Phú (Lộc Ninh) có 800 nọc tiêu, trong đó 400 nọc đang cho thu hoạch. Nhờ chăm sóc tốt nên các nọc tiêu đều trĩu bông. Tuy nhiên, điều mà ông Công lo lắng nhất là tình trạng tiêu bị bệnh vàng lá, nấm có nguy cơ phá hoại nếu không kịp thời phòng trừ hữu hiệu. Ông Công cho hay: Thời gian qua tiêu được giá nhưng cây tiêu luôn bị nhiễm bệnh rất khó chữa. Do vậy, ngoài học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn, tôi còn tìm tài liệu nghiên cứu về các bệnh để cứu cây tiêu. Nếu chủ quan với các mầm bệnh thì nguy cơ trắng tay là khó tránh khỏi, bởi cây tiêu khi đã đậu trái chưa hẳn cho vụ mùa bội thu mà còn nhiều yếu tố liên quan khác.

Đã có kinh nghiệm trồng tiêu hơn 20 năm, mỗi năm cho thu 1,8 tấn, nhưng ông Nguyễn Văn Vinh ấp Tân Lợi, xã Lộc Phú không khỏi lo lắng cho 1.200 nọc tiêu của gia đình. Ông Vinh cho biết, vườn tiêu của gia đình được trồng bằng trụ sống để tránh mối mọt cho cây, vừa kéo dài được thời gian khai thác. Tuy nhiên, những năm gần đây bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng tiêu của gia đình.

Vườn tiêu nhà ông Vinh đang trong thời kỳ ra hoa. Điều ông quan tâm là làm sao giữ được bông để đậu trái. Ông Vinh nói, lo nhất là bệnh thối rễ vàng lá. Bệnh này dễ lây lan và chưa có thuốc đặc trị. Chúng tôi chỉ xử lý theo kinh nghiệm là chính. Bởi khi bệnh bùng phát thì người trồng tiêu mất trắng. Còn khi ra bông, gặp thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh phát triển thì tỷ lệ đậu trái thấp kèm theo là những thiệt hại cho người trồng tiêu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 7-2014, lượng hạt tiêu xuất khẩu cả nước ước đạt 9.000 tấn, với giá trị đạt 74 triệu USD, đưa khối lượng hạt tiêu xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm lên 119 ngàn tấn với giá trị 862 triệu USD, tăng 28,6% về khối lượng và tăng 41,8% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2014 đạt 7.156 USD/tấn, tăng 8,95% so cùng kỳ năm 2013.
Giá tiêu đang cao nên nhiều nhà vườn ở xã Lộc Phú giàu lên nhanh chóng. Lộc Phú cũng là xã có diện tích hồ tiêu lớn (565 ha), chiếm hơn 16% tổng diện tích cây tiêu của huyện Lộc Ninh. Hiện đang trong thời kỳ tiêu ra hoa đậu trái, để vườn tiêu đạt năng suất, chất lượng cao, người trồng tiêu rất mong được phổ biến thêm kinh nghiệm trồng tiêu bền vững.

Kỹ sư Nguyễn Đức Phương, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, cho biết: “Để cây tiêu ra bông đầu mùa mưa và đậu trái cao người trồng cần quan tâm đến kỹ thuật chăm sóc. Cụ thể, sau khi thu hoạch được 80% sản lượng, người trồng tiêu nên bón phân để cây có đủ dinh dưỡng nuôi thân và tăng sức đề kháng. Vì sau thời gian nuôi trái cây bị suy yếu nghiêm trọng. Sau khi thu hoạch xong, người trồng tiêu nên tẩy rửa vườn để diệt bệnh thán thư, đề y, tảo đỏ, một số lá già, lá bệnh. Tẩy rửa vườn tiêu đã được cán bộ kỹ thuật ở các Trạm khuyến nông hướng dẫn cụ thể. Điều này rất quan trọng bởi các loại mầm bệnh sẽ bị xử lý tận gốc, không có điều kiện phát sinh”.

Được biết, giá hạt tiêu trên thị trường (tại chợ) đang ở mức 230 ngàn đồng/kg đã “hút” nhiều hộ dân đổ xô trồng tiêu. Việc mở rộng diện tích cây tiêu tự phát, không theo quy hoạch sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khi thị trường bão hòa, nguy cơ bùng phát các loại bệnh trên cây tiêu. Các hộ đã canh tác lâu năm nên đầu tư chăm sóc tiêu theo hướng bền vững, không chạy theo thị trường để ép tiêu ra bông đậu trái bằng chất kích thích làm suy kiệt cây tiêu sau khi thu hoạch. Các khuyến cáo với người trồng và chăm sóc tiêu nên sử dụng phân chuồng đã ủ hoai, hạn chế bón phân hóa học. Đặc biệt là tránh để tiêu ngập úng và tưới đủ nước trong mùa khô.            

Lương Nghi
Nguồn: Binh Phuoc Online

18/8/14

Hồ tiêu là một trong những loại cây công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân sản xuất tiêu Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng. Với giá tiêu được ổn định trong những năm qua và hiện tại (180.000 đồng/kg) là điều kiện khuyến khích nông dân sản xuất tiêu đầu tư phát triển. Tuy nhiên, với sự phát triển diện tích tiêu một cách ồ ạt, vượt mức quá nhiều so với kế hoạch cho thấy nông dân đã “phớt lờ” các điều kiện, nhu cầu cần thiết nhất đối với sản xuất cây hồ tiêu, đó là mối quan hệ giữa cây trồng - môi trường - dịch hại.

Cuối năm 2013, diện tích trồng hồ tiêu của Dak Lak lên đến 11.082 ha (niên giám thống kê 2013) tăng 5.549 ha so với 2010, chiếm khoảng 18% tổng diện tích tiêu Việt Nam; sản lượng đạt hơn 19.400 tấn. Đầu năm 2014 diện tích tiêu kiến thiết cơ bản của Dak Lak lên đến 4.904 ha chiếm gần 45% tổng diện tích tiêu của địa bàn, điều đó cho thấy trong những năm gần đây diện tích tiêu phát triển rất nhanh bằng các hình thức (xen canh, tái canh, trồng mới…), vượt quá quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Dak Lak giữ ổn định 5.000 ha đến năm 2020 (Quyết định số 1442/QĐ-BNN-TT, ngày 27-6- 2014 về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030).

Việc phát triển ồ ạt cây tiêu hiện nay khó tránh khỏi những “rủi ro” về sâu bệnh và thị trường giá cả có thể xảy ra trong thời gian tới, do yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao về chất lượng sản phẩm cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu của Việt Nam chưa đủ sức để bình ổn giá cả thị trường. Vì thế, người trồng tiêu cần quan tâm nhiều hơn đến quy trình sản xuất hiệu quả nhưng thân thiện với môi trường và xã hội.
Vườn tiêu của một hộ gia đình ở thôn Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar. Ảnh: V.C
Để sản xuất cây hồ tiêu đạt năng suất, chất lượng và bền vững người trồng tiêu phải biết phối hợp những biện pháp tổng hợp: biện pháp canh tác (chọn giống tiêu, chọn vùng đất, làm đất, chọn trụ, thời vụ trồng, mật độ trồng, kỹ thuật che bóng, quy trình bón phân, tưới, tiêu, chăm sóc…); biện pháp sinh học (dùng thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh; sử dụng các vi sinh vật có lợi trên vườn; sử dụng côn trùng có ích để tiêu diệt sâu hại…); biện pháp hóa học (sử dụng nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng nồng độ) và một số biện pháp khác… Hiện nay nông dân thường trồng xen tiêu trong vườn cà phê và cây ăn quả, do vậy cần bố trí trồng xen hợp lý để các loại cây trồng trong vườn đáp ứng đủ điều kiện ánh sáng và dinh dưỡng, không nên trồng xen quá dày sẽ giảm năng suất và vườn cây không bền vững. Để nông dân nắm bắt được mối quan hệ cần thiết trong sản xuất hồ tiêu, cần lắm sự quan tâm của các “nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện bảo vệ “cân bằng sinh thái” cây tiêu, đồng nghĩa với việc phát triển bền vững cây hồ tiêu trong tương lai.

Thực hiện vấn đề này, trước hết Nhà nước nên tăng cường hỗ trợ kinh phí cho công tác nghiên cứu về cây tiêu, đào tạo chuyên môn, quản lý tốt hơn việc quy hoạch vùng sản xuất phù hợp; quản lý thị trường vật tư cho cây trồng, quan tâm hơn về hỗ trợ vay vốn đầu tư ban đầu cho nông dân phát triển sản xuất tiêu… Đối với lãnh đạo địa phương, cần sâu sát, quản lý kế hoạch trong quy hoạch sản xuất cây tiêu trên địa bàn hằng năm, thường xuyên kiểm tra và nắm bắt tình hình sản xuất hồ tiêu của nông dân, có khuyến cáo, đề xuất, phối hợp với các nhà khoa học và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất hồ tiêu cho nông dân như các biện pháp canh tác, quản lý dịch hại cũng như nhận diện được các loại giống tiêu tốt, chưa tốt trên thị trường. Nhà khoa học cần nghiên cứu tìm ra các chủng vi sinh vật “đối kháng”, tổng hợp để sản xuất những chế phẩm sinh học để phòng trừ tốt cho cây tiêu, nhất là phòng trừ các loại nấm gây bệnh vàng lá chết chậm và chết nhanh; nghiên cứu cho ra đời những giống tiêu có khả năng kháng sâu, bệnh tốt hơn. Các nhà doanh nghiệp tăng cường liên kết chặt chẽ hơn nữa đối với thị trường xuất khẩu tiêu, tạo sức mạnh góp phần quyết định việc bình ổn giá tiêu thế giới, tạo đầu ra bền vững cho tiêu, giúp nông dân yên tâm phát triển sản xuất. Nông dân là người sản xuất, chịu ảnh hưởng trực tiếp về kinh tế gia đình và xã hội, cần nâng cao trách nhiệm trong việc sản xuất tiêu, mạnh dạn đề xuất những khó khăn trong sản xuất cây tiêu với chính quyền địa phương để được sự chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp tác động hợp lý, phải thường xuyên tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng trong sản xuất thực tế của mình, mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Hồ Thị Cẩm Lai
Theo Daklak Online

Giá trị xuất khẩu hạt tiêu 7 tháng qua đạt 888 triệu USD, còn mức tăng trưởng đạt cao nhất nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, tới 46,1%

Lợi nhuận trồng tiêu khoảng 60% doanh thu

Trong số các nhóm hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch tăng cao trong 7 tháng qua, hạt tiêu đang dẫn đầu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dù giá trị thu về từ xuất khẩu hạt tiêu không nhiều như các mặt hàng khác, chỉ đạt 888 triệu USD, nhưng mức tăng trưởng đạt cao nhất trong nhóm, tới 46,1%.

Thu hoạch tiêu
Mức tăng này, nếu so với nội ngành nông nghiệp, xuất khẩu hạt tiêu thực sự đang là một điểm sáng. Bởi trong 7 tháng qua, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đều giảm cả lượng và giá trị, trong đó tiêu biểu như: Gạo, sắn và các sản phẩm của sắn, cao su...

Trong báo cáo tiềm năng xuất khẩu mới được Bộ Công Thương công bố, hồ tiêu được đánh giá là có tiềm năng xuất khẩu cao. Việt Nam là nước xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới. Tiêu Việt Nam cũng được sản xuất chủ yếu phục vụ cho mục đích xuất khẩu, tới 95% tổng sản lượng sản xuất.

Số liệu thống kê năm 2012 cho thấy, mặc dù sản lượng tiêu xuất khẩu giảm 4,2% nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng 10,4% so với năm trước, đạt kim ngạch 687,2 triệu USD. Sang năm 2013, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đứng đầu thế giới, với lượng 133.000 tấn (tăng gần 15% so với 2012), kim ngạch gần 901 triệu USD (tăng hơn 13% so với 2012). Hai thị trường lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam là Hoa Kỳ và Đức, chiếm gần 30%.

Đặc biệt, cây tiêu là một trong các loại nông sản có tỷ suất lợi nhuận cao nhất ở nước ta, mức lợi nhuận khoảng 60% trên tổng doanh thu.

Chủ yếu xuất khẩu thô nên giá thấp

Hiện, diện tích trồng tiêu của nước ta đang tăng mạnh dưới tác động của giá tiêu đang trên đà tăng trong những năm gần đây. Nhu cầu thế giới cũng tăng 3-5%/năm. Thống kê cho thấy, diện tích trồng tiêu cả nước đang khoảng 600.000 ha, tập trung chủ yếu ở Đông Nam bộ (hơn 50% diện tích), Tây Nguyên (31% diện tích cả nước). Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tư vấn Trưởng Đánh giá tiềm năng xuất khẩu (thuộc Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống hỗ trợ thương mại địa phương”), công nghệ xử lý và chế biến tiêu Việt Nam vẫn chưa được quan tâm thích đáng.

Cụ thể, hoạt động chế biến dành cho xuất khẩu hồ tiêu của nước ta chủ yếu xoay quanh hai thành phần chính là hồ tiêu đen và hồ tiêu trắng chưa xay. Thêm vào đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hầu hết thu mua hồ tiêu từ các thương lái, tỷ lệ này chiếm khoảng 80% tổng khối lượng hồ tiêu được đưa vào giao dịch, gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp trong khâu kiểm soát chất lượng hồ tiêu về nguồn gốc, quy trình kỹ thuật trồng tiêu và chủng loại tiêu.

Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu thế giới ổn định, thậm chí vẫn tăng lên trong những năm tới, do đó, giá hồ tiêu được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng

Để phát triển tiềm năng của ngành, bà Hằng khuyến nghị, cần phải đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào khâu chế biến hồ tiêu để nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng tiêu xuất khẩu.

Đồng thời, Chính phủ cần ưu tiên cho việc nghiên cứu phát triển giống mới, các phương pháp trị bệnh cho tiêu, biện pháp nâng cao chất lượng... bằng cách thành lập Viện nghiên cứu Hồ tiêu Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống hỗ trợ thương mại địa phương” có kiến nghị, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cần hướng dẫn xây dựng và đăng ký thương hiệu. Bộ Công Thương xây dựng thương hiệu cho tiêu Việt Nam. Việc xây dựng thương hiệu cần chú trọng vào các điểm như: gắn liền các địa danh và điểm du lịch vào thương hiệu, chẳng hạn: Tiêu Chư Sê, Tiêu Phú Quốc, Tiêu Tiên Phước...

Không những thế, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cần tăng cường cung cấp thông tin về giá cả, thị trường để các doanh nghiệp và người trồng tiêu nắm được diễn biến thị trường. Về phía doanh nghiệp, cần liên kết với các hộ nông dân, đầu tư và giám sát trực tiếp hệ thống trồng và chăm sóc tiêu nhằm kiểm soát được nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng cao.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia còn cảnh báo, người dân cần hạn chế mở rộng diện tích trồng tiêu tràn lan, tránh tình trạng khi giá tăng thì ồ ạt trồng, khi rớt giá lại chặt phá khiến nguồn hàng xuất khẩu không ổn định. Thay vào đó, một khuyến nghị được nêu ra rằng, cần tập trung đầu tư cải tạo diện tích tiêu đã già cỗi, đầu tư vào giống, kỹ thuật trồng, chế biến đạt chuẩn quốc tế để gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu.../.


Xuân Thân
Theo:  VOV
(VINANET) - Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu đen lớn nhất thế giới, với khối lượng bán chiếm khoảng một nửa tổng mậu dịch toàn cầu. Việt Nam cũng mua hạt tiêu từ Campuchia, Indonesia và Brazil để tái xuất khẩu. Khối lượng nhập khẩu năm 2014 dự kiến đạt 20.000 tấn. Dự trữ từ năm 2013 ước còn 5.000 tấn. 

Hạt tiêu trắng chiếm gần 15% tổng xuất khẩu của Việt Nam. 

Vụ thu hoạch bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 6. 

Ba tỉnh miền Nam và 3 tỉnh khác ở Tây Nguyên sản xuất tổng cộng 97,8% tổng sản lượng cả nước.
Hoa Kỳ, Singapore và Ấn Độ là những khách hàng chính trong 4 tháng đầu năm 2014. 

Dưới đây là bảng số liệu thống kê và dự báo về lúa gạo Việt Nam (Nguồn: Tổng cục Thống kê, các Bộ, các thương gia). 

Khối lượng xuất khẩu và sản lượng tính theo tấn, diện tích tính theo hécta
HẠT TIÊU ĐEN
2014
2013
2012
 Diện tích trồng
 63.300
62.000
58.900
 Sản lượng
125.000-130.000
 123.500
 112.700
 Xuất khẩu
145.000-150.000
 132.900
 117.000
2014
2013
XUẤT KHẨU
KHỐI LƯỢNG
TRỊ GIÁ
XUẤT KHẨU
KHỐI LƯỢNG
 Tháng 1- 5
95.500
 669 triệu USD
69.100
453 triệu USD

T.Hải
Nguồn: Vinanet/Reuters
Nông dân trồng tiêu ở Đông Nam bộ cho hay, giá tiêu hiện đạt mức kỷ lục trong lịch sử ngành hồ tiêu Việt Nam.

Theo đó giá tiêu trong vùng đã vượt qua mức 20.000 đồng/kg.

Theo các nông dân trồng tiêu ở Đông Nam bộ, giá tiêu trong mấy ngày qua đã vượt mức 200.000 đồng/kg.

'Trong vòng 20 năm qua, chưa có năm nào giá tiêu lại cao như năm nay, hiện ở mức 203.000 - 205.000 đồng/kg tiêu đen.

Năm ngoái cao nhất cũng chỉ có 180.000 đồng/kg', ông Lê Đình Thường, nông dân trồng tiêu ở Xuân Lộc, Đồng Nai cho biết.


Hồ tiêu đạt mức giá kỷ lục
Với mức giá này, nếu lấy bình quân năng suất 4 tấn/ha, sau khi trừ chi phí nông dân thu lãi khoảng 670 triệu đồng/ha.

Lý giải nguyên nhân tăng giá, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho biết, do nhu cầu về hồ tiêu của thế giới tăng trong khi nguồn cung hạn chế.

Từ đầu năm đến nay, hồ tiêu là mặt hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong đó sản lượng xuất khẩu khoảng 120.000 tấn, trị giá 862 triệu USD, tăng 30% về lượng và 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

'Với tốc độ tăng kỷ lục này, ngành hồ tiêu sẽ dễ dàng vượt ngưỡng 1 tỷ USD trong năm nay với sản lượng xuất khẩu đạt 125.000 - 130.000 tấn', Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam nhận định.


Theo nongnghiep.vn

16/8/14

Thông tin từ Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, giá hạt tiêu đen xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2014 bình quân đạt gần 7.600 USD/tấn, tăng trên 6% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh hoạ
Trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu được 4.500 tấn hạt tiêu đen với tổng giá trị 34,2 triệu USD. Riêng tháng 7-2014, toàn tỉnh xuất khẩu được 900 tấn, tăng khoảng 2 lần về lượng và 2,2 lần về giá trị. Giá hạt tiêu xuất khẩu tăng kéo theo giá hạt tiêu trong tỉnh tăng lên đến gần 190 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Các thị trường xuất khẩu hạt tiêu đen lớn của Đồng Nai là Hoa Kỳ (20 triệu USD), Thái Lan (2 triệu USD), Anh (2 triệu USD), Thụy Điển (1 triệu USD),…


Hương Giang
Nguồn:  Báo Đồng Nai

15/8/14

 Hiện tiêu VN đã có mặt tại hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ; giữ vị trí quan trọng trên thị trường tiêu thế giới.

Theo báo Công thương, từ tháng 1 - 7/2014, hạt tiêu vẫn đang duy trì 'phong độ' tăng trưởng ổn định cả về giá và lượng với kim ngạch xuất khẩu tăng 46,1% và giá xuất khẩu cũng tăng 10,6%.

Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu đã đạt 119.000 tấn, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2013, thu về 862 triệu USD.

4 thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Singapore, các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Ấn Độ.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định, đến cuối năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tiêu sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ USD với lượng xuất khẩu khoảng 125.000 - 130.000 tấn.


Trong khi nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu bị rớt giá thì giá tiêu lại chạm ngưỡng cao nhất từ trước đến nay.

VPA cho hay, những ngày cuối cùng của tháng 7/2014, giá tiêu trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ đã lên mức 187.000 - 188.000/kg, thậm chí có nơi lên tới 200.000 đồng/kg.

Mức giá này cao hơn từ 42.000 - 55.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm và cao hơn khoảng 65.000 - 80.000 đồng/kg so với 1 - 2 năm trước.

Giá tiêu trong nước tăng cao do giá thế giới tăng mạnh.

Tuy nhiên, các nhà tư vấn khuyến cáo: Công nghệ xử lý và chế biến hồ tiêu vẫn chưa được quan tâm nhiều, chủ yếu vẫn là tiêu đen và tiêu trắng chưa xay.

Vì thế, để phát triển tiềm năng của mặt hàng tiêu cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến để nâng cao giá trị tiêu xuất khẩu.

13/8/14

Thông tin từ các hộ trồng hồ tiêu tại huyện Châu Đức cho biết, hiện giá tiêu đã tăng mức kỷ lục, đạt 190-200 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, với mức này người dân trồng có lãi 50-70%.

Chăm sóc cây tiêu tại xã Xà Bang (huyện Châu Đức).

Nguyên nhân khiến cho giá hạt tiêu tăng cao trong thời gian gần đây là do hạt tiêu Việt Nam đã xuất khẩu vào hầu hết các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Singapore, Ấn Độ hoặc những thị trường có mức tăng trưởng nhập khẩu cao gần đây như Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Pháp...

Mới đây, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tăng năng suất và giá trị ngành hồ tiêu đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết để phát triển hồ tiêu theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, hiệu quả và bền vững. Mục tiêu của quy hoạch là phấn đấu đến năm 2020, tầm nhìn 2030 diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000ha, năng suất đạt 30 tạ/ha, sản lượng đạt 140.000 tấn và sản phẩm tiêu chất lượng cao đạt 90%.

Riêng tại BR-VT là vùng trồng hồ tiêu trọng điểm của cả nước với diện tích được quy hoạch là 7.000ha.


Tin, ảnh: LAM GIANG
Nguồn: Báo BRVT

12/8/14

Tháng 7, hồ tiêu tiếp tục đạt mức tăng về sản lượng, giá trị xuất khẩu cao nhất so với mặt hàng nông sản khác.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết:

Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 7 ước đạt 9.000 tấn, với giá trị đạt 74 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu từ tháng 1 - 7/2014 tăng gần 29% về khối lượng, tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Đây là tháng thứ 7 liên tiếp, hồ tiêu đạt mức tăng về sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu cao nhất so với các mặt hàng nông sản khác.

Ảnh minh họa
Trao đổi với VTV, ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng VPA cho biết, niềm vui lớn nhất trong 7 tháng qua là giá tiêu luôn ở mức cao, nông dân có nhiều lợi nhuận.

Theo VPA, với tốc độ tăng trưởng ổn định trong thời gian qua, dự kiến năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sẽ cán mức kỷ lục 1 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử phát triển của ngành hồ tiêu Việt Nam.

Hồ tiêu Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị trí xuất khẩu số 1 thế giới.

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com