Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

21/8/14

Liên tiếp mấy năm gần đây, người dân phía tây huyện Phú Lộc phất lên nhờ cây tiêu.

“Gió mới” từ Đức Cơ

Những ngày đầu tháng 8, khách đến tham quan vườn tiêu của ông Trần Văn Chỉnh, thôn Đồng Xuân, Lộc Điền khá đông. Ông Chỉnh là phục viên quân đội sống gần 30 năm ở Đức Cơ, Gia Lai - người đầu tiên mang cây tiêu về quê trồng thử vào cuối năm 2007, với 200 gốc tiêu, chỉ một thời gian ngắn, cây tiêu phát triển tốt. Năm sau, ông tiếp tục trồng thêm, đến nay vườn tiêu hơn 1 ha trồng hơn 1.000 gốc tiêu. Vườn hiện có khoảng 400 gốc trồng đã cho quả bói từ năm 2012; đến năm 2013 thu được 1,2 tấn. Ông Chỉnh nói, cây tiêu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đồi xã Lộc Điền. Khi tiêu vào độ tuổi thu hoạch năm đầu, doanh thu đã gần đủ vốn đầu tư trước đó. Còn những năm tiếp theo, cây tiêu sẽ cho thu hoạch dài dài. Trung bình mỗi năm, nếu chăm bón đúng kỹ thuật, một gốc tiêu thu hoạch khoảng 5kg. 400 gốc hiện có trong vườn của ông đang vào tuổi thu hoạch sẽ cho khoảng 2 tấn. Với giá như hiện tại, thu khoảng 300 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 60 triệu đồng, số còn lại thì bỏ túi. Trong thời kỳ cây tiêu đã vào tuổi thu hoạch, mỗi năm chi phí đầu tư nhỏ. Phân bón, công chăm sóc chỉ bằng khoảng 20% giá trị doanh thu.
Anh Nguyễn Phước luôn đầu tư, chăm bón cho tiêu
Anh Nguyễn Phước ở thôn Quê Chữ, xã Lộc Điền - một thanh niên được ông Chỉnh truyền nghề đã mạnh dạn tích cóp vốn liếng khai hoang lập trại phát triển mô hình trồng tiêu tại thôn Đồng Xuân với diện tích 1500m2 vào năm 2008. Từ việc cải tạo đất, cây giống, đúc trụ bê tông, dàn che nắng... Thời gian đầu, anh Phước trồng 200 gốc tiêu. Đến nay phát triển lên 500 gốc, trong đó, 400 gốc đã vào tuổi thu hoạch.

Sẽ quy hoạch nhân công

Thôi thúc từ mô hình trồng tiêu thành công từ ông Trần Văn Chỉnh, thời gian gần đây không chỉ người dân Lộc Điền mà các xã lân cận như Lộc Hoà, Lộc An, Lộc Bổn... nhanh chóng chuyển đổi mô hình vườn tạp kém hiệu quả sang trồng tiêu. Tính riêng ở Lộc Điền, hiện có hơn 100 hộ trồng tiêu với diện hơn 30ha. Nhiều hộ trồng bài bản, có quy hoạch thành trang trại vườn đồi từ 3-4 năm nay như hộ ông Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Toán, Huỳnh Hùng... đã cho thu nhập không dưới 100 triệu đồng/ năm còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Ông Nguyễn An Hùng -người dân thôn Đồng Xuân cho biết, trước đây, vùng đồi Lộc Điền hầu hết là vườn tạp trồng mít, trồng chè, xen với keo tràm, nhiều vườn để hoang hóa. Khoảng 4 năm nay, đất đồi Lộc Điền trở nên có giá, người ra người vào mua đất san vườn với mục tiêu cải tạo, chuyển sang trồng tiêu. Nhiều người đến thôn Đồng Xuân nhìn vườn tiêu của các ông Trần Văn Chỉnh, Huỳnh Hùng, hay anh Nguyễn Phước là mê mẫn. “Nông dân trồng lúa, bám vườn ở Lộc Điền mỗi năm thu được 30-40 triệu đồng, nhưng với cây tiêu mỗi năm thu 30-40 triệu đồng là chuyện không hề khó” - ông Hùng nói.

Anh Ngô Cao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Điền bóng bẩy: “Cây tiêu cũng như gái đẹp. Nó đỏng đảnh khó tính vô cùng. Nếu không biết kỹ thuật chăm bón khi thay đổi thời tiết, sâu bệnh thâm nhập là dở khóc dở cười. Tuy nhiên, với cách trồng, chăm bón cần mẫn của người dân thì dịch bệnh rất khó xảy ra”. Hiện, ông Chỉnh đang được Hội Nông dân xã Lộc Điền tạo điều kiện tiếp cận dự án Luxembourg xây dựng vườn tiêu thí điểm, tạo địa chỉ tham quan, trao đổi kinh nghiệm trồng tiêu và xây dựng vườn ươm, cung cấp giống tiêu cho bà con. Ngoài ra, ông Chỉnh đang triển khai mô hình trồng tiêu với cây keo; cây tiêu xen với cây chôm chôm cho quả trái mùa; cây tiêu với cây chanh không hạt..

Ông Bạch Văn Khai, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cho biết: Gần đây, nhiều gia đình ở Lộc Điền, Lộc Hoà, Lộc Bổn... tiến hành chuyển đổi, quy hoạch, ứng dụng kỹ thuật mới trong cách trồng tiêu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp đến, Phú Lộc sẽ quy hoạch nhân rộng ở các xã vùng đồi trồng tiêu với diện tích khoảng 150-200ha. Bên cạnh đó Phú Lộc sẽ vận động người trồng tiêu sớm thành lập các chi hội, HTX trồng tiêu có điều kiện chia sẻ trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật tìm đầu ra cho sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.


Minh Văn
Theo ThuaThienHue Online
Categories: ,

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com