Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

21/2/15

Trong vòng 3 năm trở lại đây, Quảng Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hướng tới phục hồi và phát triển giống tiêu bản địa Tiên Phước và bước đầu có chuyển biến tích cực.

Phục hồi giống tiêu

Trước thực trạng dịch bệnh hoành hành trên những vườn tiêu Tiên Phước và sự khan hiếm nguồn giống gốc sạch bệnh, thời gian qua, đã có nhiều đề tài, mô hình, dự án nghiên cứu nhằm phục hồi và phát triển loài cây bản địa này. Giai đoạn 2012 - 2013, Trạm Bảo vệ thực vật huyện cũng đã tiến hành một số mô hình liên quan tới phục hồi và phát triển giống tiêu bản địa. Ông Lê Kim Hoàn - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Tiên Phước cho hay, mô hình quản lý dịch hại, bảo tồn và phát triển giống tiêu Tiên Phước do trạm triển khai trước đó đã từng bước hướng dẫn người dân tự nhân giống từ tiêu Tiên Phước bằng kỹ thuật giâm hom, thay đổi tập quán nhân giống truyền thống trước đó. Từ mô hình, 30 hộ dân trên địa bàn huyện được hỗ trợ kỹ thuật và cấp giống trồng 20 choái tiêu/hộ với tổng diện tích trồng là 0,5ha... Thông qua đó, bà con được tiếp cận với chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây tiêu, nắm vững kỹ thuật canh tác và được hỗ trợ chế phẩm Tricoderma để ủ phân hữu cơ, lân, vôi, đạm, kali và thuốc bảo vệ thực vật để xử lý đất và bón cho cây tiêu. Nhờ tiếp thu kỹ thuật và thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, một số vườn tiêu cũng dần xanh trở lại trên mảnh đất Tiên Phước. Cũng giai đoạn này, nhiều mô hình về cây tiêu cũng được Trạm Bảo vệ thực vật huyện thực hiện, ví như mô hình phục hồi giống tiêu Tiên Phước tại 3 xã Tiên Lộc, Tiên Mỹ và Tiên Phong triển khai tại những vườn tiêu cũ đang bị thoái hóa giống; hay mô hình bảo tồn và phát triển giống tiêu Tiên Phước cũng được thực hiện tại 3 xã trên. Nhờ áp dụng tổng hợp các biện pháp thâm canh, kỹ thuật trẻ hóa vườn tiêu, kỹ thuật nhân giống giâm hom có tỷ lệ nhân giống cao... nhiều vườn tiêu tại 3 xã nói trên đã dần phát triển tốt, xanh trở lại.

Những vườn tiêu dần trở nên xanh từ sự hỗ trợ của nhiều mô hình/dự án. Ảnh: H.L
Giai đoạn 2012 - 2015, dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất và chế biến tiêu theo hướng bền vững” tại huyện Tiên Phước được Trung tâm Ứng dụng và thông tin KH-CN Quảng Nam thực hiện. Dự án đã xây dựng được mô hình nhân giống, mô hình trồng tiêu theo hướng bền vững, mô hình chế biến tiêu đen thành tiêu sọ, đồng thời đào tạo và tập huấn công nghệ sản xuất, chế biến tiêu cho người dân trong vùng. Thành quả từ dự án là đã khảo sát, chọn hộ, xây dựng hồ sơ thiết kế trồng tại 2 xã Tiên Thọ và Tiên Lộc. Ông Phan Văn Phu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và thông tin KH-CN, chủ nhiệm dự án cho hay, dự án đã hỗ trợ 64 hộ dân tại xã Tiên Lộc trồng 2.140 choái tiêu và hỗ trợ 23 hộ dân tại xã Tiên Thọ trồng 1.870 choái. Thành quả từ dự án còn thể hiện ở việc đã chọn lọc 170 cây mẹ để sản xuất giống, vườn tiêu nhân giống lấy hom cũng được sản xuất từ những cây tiêu mẹ được chọn lọc này nên tỷ lệ sạch bệnh rất cao. “Hiện, nhiều vườn tiêu tại Tiên Thọ được trồng từ năm 2013 cây phát triển tốt, riêng tại Tiên Lộc do mới trồng, khâu cải tạo đất của bà con chưa đạt nên mầm bệnh trong đất còn khá cao, tỷ lệ cây chết nhiều. Chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn bà con cách ly mầm bệnh, sau đó cấp giống để tiếp tục nhân rộng tại những diện tích còn lại” - ông Phu chia sẻ. Ông Hồ Quang Thái - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Lộc chia sẻ, vùng này trước đây cây tiêu được trồng với diện tích rất lớn, song do quá trình trồng lâu năm thiếu chăm sóc kỹ, tiêu bị xuống hết. Từ sự hỗ trợ của dự án KH-CN của Trung tâm Ứng dụng và thông tin KH-CN, bà con đã trồng mới 1.500 choái, tỷ lệ cây sống đạt 70 - 80%. “Từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, Hội Nông dân sẽ tích cực vận động nhân dân trồng phục hồi với quy mô lớn để được hưởng lợi từ cơ chế, chính sách” - ông Thái nói.

Biến thành cây chủ lực

Thời gian qua, dù giá tiêu trên thị trường luôn biến động, có thời điểm giá 1kg tiêu khô Tiên Phước hơn 500.000 đồng, song ở Tiên Phước, nơi từng là quê hương của cây tiêu, mặt hàng nông sản này lại trở nên khan hiếm và sản lượng suy giảm nghiêm trọng. Nếu những năm 1980 - 2000, cây tiêu là loại cây trồng chủ lực, phát triển mạnh ở 15 xã/thị trấn của Tiên Phước với tổng diện tích hơn 300ha, sản lượng đem lại hằng năm đạt từ 300 - 400 tấn thì hiện tại, diện tích hồ tiêu trong vùng Tiên Phước chỉ còn khoảng chục héc ta với sản lượng chỉ khoảng 15 tấn/năm. Nhận thấy giá trị và vị thế chiến lược của loại cây trồng bản địa này, UBND tỉnh và UBND huyện Tiên Phước đã đầu tư nhiều hơn cho cây tiêu thông qua nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ mới. Theo đó, UBND tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng/năm phục vụ hỗ trợ và phát triển cây tiêu. Bà Nguyễn Thị Sáu - Phó phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước chia sẻ: “Con số 1 tỷ đồng/năm thể hiện sự quan tâm của tỉnh với cây tiêu. Tranh thủ sự hỗ trợ từ dự án phát triển cây tiêu của UBND tỉnh bên cạnh Cơ chế 11, huyện sẽ hướng tới xây dựng vườn ươm giống đạt chuẩn quốc gia, đưa ra cấy mô trồng nhân rộng với diện tích lớn, đầu tư cho khâu đăng ký sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm và khâu quảng bá thương hiệu sản phẩm”. Cũng theo bà Sáu, về phía huyện Tiên Phước, mới đây, HĐND huyện cũng ban hành Nghị quyết 18 về phục hồi và phát triển cây tiêu Tiên Phước. Theo tinh thần nghị quyết, huyện sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng đối với những hộ trồng mới 20 choái và 10 triệu đồng đối với những hộ trồng từ 100 choái trở lên. “Nguồn hỗ trợ nhắm đến những hộ trồng tiêu có quy mô lớn, có dự án với số lượng trồng từ 100 choái trở lên để khuyến khích sản xuất theo hướng hàng hóa” - bà Sáu nói.

Có thể nói, bên cạnh cơ chế, chính sách hỗ trợ nói trên, cùng với việc lồng ghép nhiều mô hình, dự án về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, thời gian qua, nỗ lực phục hồi và phát triển cây tiêu tại Tiên Phước là động thái rất tích cực. Theo số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện, giai đoạn 2012 - 2013, toàn huyện đã xây dựng hơn 20 mô hình phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại. Ở kinh tế vườn, ngoài đầu tư cho nhiều đối tượng cây ăn quả bản địa, Tiên Phước đầu tư mạnh và hướng trọng tâm cho cây tiêu. Giai đoạn 2014 - 2015, huyện đã và đang xây dựng 50 mô hình trên cơ sở lồng ghép nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án, Quyết định số 11 của UBND tỉnh và Nghị quyết 18 của HĐND huyện. Cùng với đó, ngành nông nghiệp huyện cũng xây dựng Dự án phát triển cây tiêu Tiên Phước giai đoạn 2014 - 2018. Trọng tâm của dự án là hướng tới xây dựng vườn ươm giống đạt chuẩn, đưa công nghệ nuôi cấy mô để lập vườn cây đầu dòng đạt chuẩn. Có thể thấy, nỗ lực phục hồi và phát triển cây tiêu Tiên Phước có sự hậu thuẫn, tạo đà rất lớn từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước và đó là động lực của sự phát triển.

HOÀNG LIÊN
Theo Báo Quảng Nam
Hơn 20 năm trước, thôn Tân Bắc (xã Ea Tóh, huyện Krông Năng) là vùng đồi núi heo hút, dân cư thưa thớt, nhưng với nghị lực và ý chí thoát nghèo, người dân nơi đây đã biến đất hoang thành vàng.
 Hiện nay, hơn nửa số hộ gia đình trong thôn có tổng thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm, đặc biệt có nhiều hộ thu cả tiền tỷ.

Nhà nhà làm giàu

Đến thôn Tân Bắc vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ sự ấm no, sung túc nơi đây. Hàng loạt căn nhà cao tầng nằm đan xen nhau, những vườn tiêu đang cho quả xanh bạt ngàn, nối nhau chạy tít khắp các con đồi. Trong căn nhà mới khang trang, vợ chồng ông Phan Văn Quý (40 tuổi) đang tất bật dọn dẹp, người lau chùi nhà cửa, người hốt từng bao tiêu đang phơi trên sân để cất vào kho cho gọn gàng. Ông Quý dẫn chúng tôi đi một vòng thăm vườn nhà. Đồ đạc trong nhà từ ti vi, tủ lạnh, xe máy… không thiếu thứ gì. “Nhà tôi giờ thiếu mỗi chiếc ô tô thôi. Nếu làm ăn thuận lợi như mấy năm nay chắc chúng tôi phải mua một chiếc để đi lại cho thuận tiện”, ông Quý phấn khởi. Bí quyết giúp nhà ông Quý “lên đời” chính là nhờ vào trồng tiêu và cà phê. “Nhà tôi có tổng cộng 2 ha đất, trước kia chỉ trồng lúa nhưng thu nhập thấp, cuộc sống thiếu ăn từng bữa. Về sau, thấy cây cà phê, tiêu cho hiệu quả kinh tế, gia đình tôi tiến hành chuyển đổi cây trồng. Trung bình mỗi năm, vườn tiêu, cà phê cho tổng thu nhập khoảng 500 triệu đồng”, ông Quý khoe. Cách nhà ông Quý không xa, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nguyện (46 tuổi) vẫn đang tranh thủ tưới nốt những hàng cà phê còn lại để chuẩn bị dọn nhà đón Tết. Gia đình ông Nguyện có hơn 2 ha cà phê và 1.000 trụ tiêu, mỗi năm cho thu nhập trên 600 triệu đồng. “Nhà khá lên cũng từ cây tiêu, cà phê cả đấy, nhờ có nó mà kinh tế gia đình ổn định, 2 đứa con có điều kiện học đại học. So với thôn này, kinh tế gia đình tôi chỉ xếp hạng trung bình thôi, nhiều hộ có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm”, ông Nguyện chia sẻ. Ở thôn Tân Bắc, Trưởng thôn Hoàng Trọng và Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Văn Chương nằm trong “tốp” làm kinh tế “khiêm tốn” nhất mà trung bình mỗi năm cũng thu từ 200 - 300 triệu đồng/hộ.

Ông Phan Văn Quý thu hoạch tiêu trong vườn.
Theo ông Hoàng Trọng, thôn Tân Bắc được thành lập từ năm 1996, hiện có tổng cộng 96 hộ với 470 nhân khẩu. Toàn thôn chỉ có 3 hộ nghèo, số còn lại có thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên. Trong số đó, một nửa số hộ có thu nhập từ  500 triệu đồng/năm, đặc biệt có 4 hộ thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. “Ở đây, cây cà phê, tiêu là cây chủ đạo. Ngoài ra người dân còn trồng thêm cây ăn trái, nuôi bò, lợn, gà, vịt…”, ông Trọng cho biết.

Làng triệu phú từ...đồi hoang


Bàn tay lao động chăm chỉ của người dân thôn Tân Bắc đã biến mảnh đồi hoang sơ trước kia thành nơi được mệnh danh là “miền đất vàng” như bây giờ. Vẫn in đậm trong tâm trí về thôn Tân Bắc thuở sơ khai, ông Phan Văn Quý ngậm ngùi nhớ lại: “Tôi vào đây từ 20 năm trước. Hồi ấy, vùng đất này là đồi hoang, cây cối um tùm, rậm rạp, nhà cửa chỉ đếm trên đầu ngón tay, không điện, không đường, việc đi lại vô cùng khó khăn. Đến Tân Bắc, chúng tôi mua đất của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, số khác thì tự đi phát rẫy để trồng lúa. Những năm đầu lập nghiệp trên vùng đất mới, do chưa nắm vững thời tiết nên thường xuyên mất mùa, đói kém, phải vào rừng kiếm rau, măng về ăn qua ngày. Về sau, chúng tôi chuyển sang trồng cà phê, sau nữa trồng tiêu, dần dần đời sống khấm khá”. Còn với ông Nguyễn Văn Nguyện, ấn tượng về thời xa xưa luôn in đậm trong tâm trí là muỗi và giá rét. “Hồi mới vào, ở đây toàn rừng rậm nên muỗi nhiều vô kể. Đi ngủ, đi làm đều bị chúng bu khắp người. Rất nhiều người bị sốt xuất huyết, sốt rét phải nhập viện. Cũng vì mới vào không có điều kiện nên nhà cửa chỉ dựng đơn sơ, chủ yếu bằng tranh, nứa. Tối ngủ, gió lùa vào nhà lạnh thấu xương. Những lúc như vậy, vợ chồng, con cái chỉ biết ngồi ôm nhau co ro bên đống lửa”, ông Nguyện cho hay. Hiện ông Nguyện vẫn hay kể cho con cái biết về lịch sử vùng đất để con trẻ  biết quý trọng thành quả mình đang hưởng, đồng thời biết ơn người đi trước đã có công gầy dựng, phát triển thôn Tân Bắc giàu mạnh như bây giờ.

Ông Hoàng Trọng hồ hởi: “Cũng nhờ chăm lo phát triển kinh tế, cuộc sống dần ổn định, khấm khá mà các hộ gia đình trong thôn có điều kiện lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn. Với truyền thống hiếu học, hầu như con em các hộ gia đình nơi đây sau khi tốt nghiệp THPT đều quyết tâm thi vào đại học, cao đẳng hay theo học các trường trung cấp chuyên nghiệp. Nhớ trước kia, người dân ở các nơi đến đây định cư chỉ dùng tay, cuốc xẻng để bắt đất hoang sinh ra vàng. Bây giờ lớp trẻ được đào tạo bài bản ở các trường về, hy vọng các cháu sẽ dùng chính kiến thức đã học để áp dụng thực tiễn, làm giàu trên chính quê hương mình thì thôn Tân Bắc sẽ sung túc và phát triển bền vững hơn”.


 Vân Anh
Nguồn: baodaklak.vn
Dự kiến sản lượng hạt tiêu Ấn Độ năm nay ​​sẽ cao hơn so với mức trung bình, nhưng không có khả năng “tăng gấp đôi hoặc gấp ba” như ước tính ban đầu, theo Business Line.

Vụ mùa ở Karnataka, một trong hai bang trồng tiêu chính, được ước tính tăng 30 – 35 % so với mức bình thường trong khoảng 35.000-40.000 tấn, theo những nông dân trồng tiêu ở các vùng Sakleshpur và Chikmagaluru cho biết.

“Những dây tiêu mới được trồng ở một số khu vực đã bắt đầu cho thu hoạch. Bên cạnh đó, sản lượng ở các vườn tiêu cũ hiện là rất tốt.  Nhưng, nó không phải là tăng gấp đôi hoặc gấp ba như đã được dự báo trước đó,” Sunil Kumar, một nông dân trồng tiêu ở Sakleshpur, quận Hassan, nói với BusinessLine. Ông cho biết số lượng hạt quá nhiều trên mỗi chuỗi đã khiến cho hạt tiêu rất nhỏ.

Sản lượng của bang Karnataka có thể ở trong khoảng 50.000 tấn theo ước tính hiện nay, nông dân Sunil cho biết. Trong khi một số nông dân trồng tiêu khác trong bang thì cho rằng sẽ trong khoảng 70.000 – 80.000 tấn. Thu hoạch tiêu vụ mới đã được bắt đầu ở vùng Sakleshpur và Chikamagaluru.

Hiện nay, các đại lý đã chào bán hạt tiêu vụ cũ với giá 650 Rupi/kg trên cơ sở tiền mặt và tự chuyển đi. Tại một số khu vực trong bang, hạt tiêu vụ mới đã được chào bán giá 450 Rupi/kg.

Theo Uỷ ban Gia vị, diện tích hồ tiêu ở Karnataka là 21.061 ha với sản lượng 16.000 tấn trong vụ năm 2011/12. Diện tích ở đây đã tăng hơn gấp đôi kể từ đó, người trồng tiêu cho biết. Cây hồ tiêu mới sẽ cho hạt sau khi trồng 3 – 5 năm và cho năng suất tốt kể từ năm thứ 5 trở đi.

Trong vụ năm 2011/12, sản lượng tiêu ở bang Kerala 16.500 tấn so với tổng diện tích 172.182 ha. Nhưng người trồng tiêu cho biết một diện tích lớn đất canh tác hiện chỉ là trên giấy. Số lượng cây tiêu có thể ít hơn vài lần.

“Khoảng 10 năm trước đây nông dân phải mất hai tuần để thu hoạch toàn bộ cây tiêu cho hạt trên 1 ha đất trong khu vực Kumily. Nhưng, bây giờ chỉ mất hai ngày do nhiều cây tiêu đã bị phá hủy bởi bệnh héo chết nhanh,” Punnoose, một người trồng tiêu nói.

Theo Joshua Daniel, một người trồng tiêu lớn trong huyện Pathanamthitta bang Kerala, gần 70 % diện tích đã thu hoạch xong và vụ mùa tốt hơn so với năm ngoái. “Năm ngoái, chúng tôi đã có một vụ thất thu nhưng năm nay là tốt. Mưa thất thường đã làm giảm sản lượng,” ông nói với BusinessLine.

“Vụ năm nay khá hơn so với năm ngoái. Nhưng không phải là một vụ mùa bội thu như đã được nói. Chỉ là một vụ có sản lượng trung bình,” PA Thomas, một nông dân trồng tiêu trong khu vực Upputhara Idukki nói.

Hàng đến từ các huyện phía nam đã khô cạn, Kishor Shamji, một đại lý thu mua và xuất khẩu hạt tiêu, cho biết nguồn cung không phù hợp với sản lượng dự kiến trước đó khiến cho có một cái gì đó không ổn.

Tổng sản lượng của vụ năm 2013/14 đã được ước tính vào khoảng 35.000 tấn, bao gồm cả số tồn kho thấp. Điều này trái với sản lượng bình thường trong khoảng 55.000 – 65.000 tấn vài năm trước đó.

S. Kannan, Chủ tịch Hội đồng Gia vị Ấn Độ, cho biết tổng sản lượng vụ mùa này có thể là trong khoảng 70.000 – 75.000 tấn.

Tiêu thụ nội địa được dự báo ở mức khoảng 45.000 – 48.000 tấn. Hạt tiêu đươc sử dụng hàng ngày thường là với số lượng rất nhỏ, nên việc tăng giá có thể không ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng.

 Anh Văn
Nguồn: Giacaphe.com
Hình minh hoạ
Nhằm giúp bà con nắm rõ nhu cầu phân bón cho cây hồ tiêu, xin giới thiệu bài viết khái quát của TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Trung tâm Nghiên cứu Đất-Phân bón & Môi trường phía Nam, để bà con tham khảo, vận dụng.

Trước tiên cần chú ý vai trò của một số loại phân đối với cây hồ tiêu.

Đạm (N): Giúp tiêu sinh trưởng phát triển tốt, nhiều chồi, ra nhiều hoa, kích thước trái to. Thiếu đạm, lá vàng cây cằn cỗi. Dư đạm, lá nhiều, dễ nhiễm bệnh, ít trái.

Lân (P): Giúp bộ rễ phát triển tốt, hút được nhiều chất dinh dưỡng, chịu hạn tốt. Thiếu lân, cây cằn cỗi ít đậu trái. Lân cần trong giai đoạn cây con và đầu thời kỳ ra hoa.

Kali (K): Giúp cây cứng, chống chịu sâu bệnh và thời tiết bất thường, tăng phẩm chất hạt. Thiếu K, cây khó hấp thu đạm, rụng hoa. Cây tiêu rất cần kali trong giai đoạn cây non, hạt vào chắc và chín.
Vôi (Ca): Rất cần cho cây tiêu sử dụng, Ca vừa là nguyên tố dinh dưỡng trung lượng, vừa là nguyên tố phòng, chống bệnh. Hai năm bón thêm 0,5-1kg vôi cho 1 cây. Với trụ xây phải bón nhiều hơn.

Magiê (Mg): Cây rất cần vi lượng Mg, do đó phải bổ sung thêm bằng cách tưới Sunfat Mg (MgS04) 1% (1-2 lít/ gốc) hoặc phun phân vi lượng qua lá.

Định kỳ 2-3 tháng phun phân bón lá cho cây tiêu 1 lần.

Phân hữu cơ: Trong phân có đầy đủ khoáng đa, trung, vi lượng cần thiết cho cây sử dụng, nếu không có phân hữu cơ, cần phải bổ sung phân vi lượng. Có thể thay thế phân hữu cơ truyền thống (các loại phân chuồng) bằng phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ sinh học với lượng 2 tấn/ha/năm.

Từ đó phân bổ sử dụng dạng loại và liều lượng phân bón (kg/ha/năm) theo mật độ trồng cây tiêu phổ biến là 2.000 cây/1ha, như sau:

1. Bón phân cho tiêu con: (áp dụng cho tiêu giai đoạn còn nhỏ từ 1 đến 4 năm tuổi – xem biểu đồ).

bon phan tieu con

Có thể pha phân với nước tưới 1-2 tháng/1 lần.

2. Bón phân cho tiêu kinh doanh: với liều lượng 400kg urê+ 300kg lân + 250 kali, chia làm 4 lần bón:

-Lần 1: Sau khi thu hoạch (tháng 4) bón toàn bộ phân hữu cơ + 1/3N + 1/4 P + 1/4K (130 kg urê + 100 kg lân + 60kg kali).

-Lần 2: Đầu mùa mưa (tháng 6) bón: 1/3N + 1/4P + 1/4 K (130kg urê + 100kg lân + 60kg kali).

-Lần 3: Giữa mùa mưa (tháng 8) bón: 1/3N + 1/4P + 1/4 K (140kg urê + 100kg lân + 60kg kali).

-Lần 4: Cuối mùa mưa (tháng 10) bón: 1/4P + 1/4K (100kg lân + 70 kg kali).

Kỹ thuật bón: Chú ý, xới cạn 5-10cm quanh gốc tiêu, cách gốc 40-60cm, bón phân xong thì lấp đất ngay.

Tùy đất đai và tình hình sinh trưởng có thể bổ sung thêm cho cây hồ tiêu các loại chế phẩm sinh học và phân bón lá. (Chất kích thích sinh trưởng, các loại vitamin, aminoacid, phân NPK +TE theo các tỷ lệ phù hợp cho từng giai đoạn).
Theo giatieu.com

16/2/15

Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bước vào đầu vụ thu hoạch hồ tiêu. Theo nhiều hộ trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh, vụ hồ tiêu năm nay nhiều vườn tiêu lâm vào cảnh mất mùa, giảm từ 50-70% sản lượng, tuy nhiên giá cả lại đang tăng cao.

Gia đình ông Phạm Văn Ánh, xãxã Quảng Thành, huyện Châu Đức, sản lượng hồ tiêu giảm đến 60% so với năm ngoái. Tuy nhiên, theo ông Ánh, giá tiêu hiện nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Nếu như đầu vụ tiêu năm ngoái có giá 130.000 đồng/kg, đến đầu vụ tiêu này nông dân bán được giá từ 170.000-175.000 đồng/kg.

Hình minh hoạ

Theo khảo sát, hầu hết các vườn tiêu trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng tiêu ra trái không nhiều, giảm năng suất. Theo nhiều hộ trồng tiêu, năm nay tiêu ra hoa không đều, một cành tiêu chỉ lác đác vài chùm hoa, có trụ không ra hoa mà chỉ ra lá non hàng loạt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có khả năng do cây tiêu ra hoa đúng vào đợt mưa nhiều, khiến cây tiêu thừa một lượng nước, cây xanh tốt và ra nhiều lá non.

Theo kinh nghiệm của người trồng tiêu, năm nào cây tiêu ra nhiều lá non thì năm đó chắc chắn thất thu mùa tiêu, vì cây đã ra lá non khả năng ra hoa rất ít.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay diện tích tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu là 9.047 ha, vượt qui hoạch đến năm 2020 khoảng 700 ha. Năm nay, do thời tiết nên nhiều hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh giảm từ 30-70% sản lượng so với vụ tiêu năm 2013.

Việc người dân áp dụng qui trình kỹ thuật chăm sóc cộng với kinh nghiệm trồng cây tiêu như bón phân, phun thuốc, tưới nước, cắt nước… ảnh hưởng rất lớn tới năng suất, sản lượng hồ tiêu trong năm. Năng suất tiêu giảm sẽ khiến nhiều hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh giảm nguồn thu đáng kể, mặc dù giá cả có tăng cao ở vụ tiêu năm nay.
Hoàng Nhị
Theo Tuoitre Online
Các thành tựu của khoa học ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao sản lượng, cải thiện thói quen canh tác và thu nhập cho nông dân đồng thời là giải pháp hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

Trong năm qua, Viện Nghiên cứu Chính sách lương thực quốc tế (Food Policy Research Institute) đưa ra ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp giúp hạn chế tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu đến năm 2050. Trong đó  có tính đến việc thay đổi khí hậu, giải pháp bảo vệ thực vật (BVTV), cải tiến công nghệ sinh học (CNSH). Một nghiên cứu của Úc cho thấy việc sử dụng neonicotinoids (một hoạt chất để xử lý hạt giống) sẽ có thể giúp hạn chế những nguy cơ rủi ro đối với môi trường từ việc phun thuốc trừ sâu.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ nông nghiệp (The Council for Agricultural Science and Technology) có bản phân tích về các sản phẩm BVTV đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ ngành sản xuất lương thực trên toàn cầu ở cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển. Phân tích Ogura, một công nghệ lai hạt cải dầu được sáng chế và phát triển bởi Viện Nghiên cứu quốc gia Pháp, đã tạo ra nguồn lợi kinh tế hiệu quả.

Nghiên cứu của ĐH Exeter cho thấy những lo ngại ngày càng lớn trên toàn cầu đối với các loại sâu hại. Những nước sản xuất cây trồng có thể phải đối mặt với tình trạng bị bão hòa với các loại sâu hại vào giữa thế kỷ này nếu như hiện trạng này vẫn có xu hướng tiếp diễn. Kết luận của một nghiên cứu cho rằng thuốc BVTV là nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm quần thể ong mật đã bị đặt nhiều nghi vấn.( Xem thêm: phan bon mien nam)

Ứng dụng cây trồng CNSH trên toàn cầu đang phát triển. Năm 2013, thế giới đã có hơn 18 triệu nông dân đang canh tác cây trồng CNSH hơn 175 triệu ha đất nông nghiệp. Phân tích tổng quan quy mô lớn cho thấy canh tác cây trồng CNSH giúp nông dân thu được sản lượng cây trồng tốt hơn. Việc ứng dụng CNSH giúp tăng sản lượng cây trồng lên khoảng 22% và tăng thu nhập cho người nông dân khoảng 68%.

Nếu như người ta biết đến cây tiêu là loại cây công nghiệp được trồng chủ yếu trên đất bazan màu mỡ ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thì giờ đây loại cây này đã được trồng thí nghiệm trên đất phèn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long...

13/2/15

 Ngày 11/2, tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã diễn ra hội thảo Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững và đón nhận chứng nhận chuỗi cung ứng tiêu bền vững (Rainforest Alliance) do Công ty Olam (Ấn Độ), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Quốc, Trưởng phòng Phát triển nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, diện tích cây hồ tiêu của Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay là 9.047 ha, năng suất đạt gần 2 tấn/ha (theo quy hoạch đến năm 2020 là 8.300 ha, với năng suất 2,3 tấn/ha). Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nên ổn định diện tích hồ tiêu, không nên mở rộng diện tích trồng tiêu ngoài vùng quy hoạch.

Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây hồ tiêu phát triển như: thoát nước tốt, tầng canh tác dày, mực nước ngầm sâu, đặc biệt là độ phì nhiêu tự nhiên, xốp. Hơn nữa, 97,2% diện tích cây hồ tiêu được trồng trên đất bazan, khí hậu, thời tiết rất thích hợp với sự phát triển của cây hồ tiêu.

Để phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững, ông Quốc đưa ra các giải pháp, đó là: tiếp tục triển khai xây dựng và quảng bá thương hiệu hồ tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu; tăng cường công tác hoạt động khuyến nông, tập huấn cho nông dân trồng tiêu, đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn thâm canh cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sinh học bền vững, tạo ra sản phẩm hồ tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, thường xuyên mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước thay đổi tập quán canh tác cho phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn. Song song đó, tiếp tục kêu gọi và triển khai các chương trình, dự án để hỗ trợ hướng dẫn nông dân trồng tiêu theo tiêu chuẩn chứng nhận đáp ứng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, phát huy tốt vai trò, chức năng Hội Hồ tiêu của tỉnh nhằm làm cầu nối tin cậy của người nông dân trồng tiêu, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho các hội viên thông qua việc phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo và vận động chính sách.

Ông Ritutapan Neog, Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty Olam cho biết, Olam bắt đầu dự án Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 104 hộ, trong đó có 98 hộ được chứng nhận tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức. Olam cam kết hỗ trợ nông dân sản xuất sản phẩm hồ tiêu theo tiêu chuẩn bền vững an toàn. Theo các hộ trồng tiêu theo dự án Xây dựng chuỗi cung ứng tiêu bền vững tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau gần 2 năm tham gia dự án nông dân đang chuyển dần qua công tác theo định hướng hữu cơ vi sinh, hạn chế việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, ý thức bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng và vận động mọi người cùng tham gia. Quan trọng hơn nữa là sản phẩm hồ tiêu đã và đang được nâng cao về chất lượng và năng suất.

Chứng nhận Rainforest Alliance
Cũng trong dịp này, đại diện Công ty Olam đã trao chứng nhận Rainforest Alliance (một trong những chứng nhận về cung ứng tiêu bền vững với các tiêu chí đảm bảo được các nguyên tắc về quản lý môi trường và xã hội, bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn nguồn nước, đối xử công bằng và có điều kiện làm việc tốt cho người lao động, quản lý về đất đai, rác thải, mùa vụ…) cho 98 hộ trồng hồ tiêu trên diện tích 100 ha tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án Xây dựng chuỗi cung ứng tiêu bền vững tại Bà Rịa - Vũng Tàu được thực hiện từ tháng 6/2013 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Olam, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) xây dựng dự án trong hai năm 2013-2014. Dự án nhằm hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất tiêu bền vững thông qua việc hình thành các tổ nhóm nông hộ sản xuất tiêu, tập huấn về sản xuất tiêu bền vững cho các hộ nông dân tham gia dựa án và gắn với kênh tiêu thụ chứng nhận. Dự án này đã liên kết với kênh tiêu thụ chứng nhận là Công ty Olam thu mua sản phẩm hồ tiêu đạt chứng nhận để chế biến xuất khẩu./.

Theo TTXVN

10/2/15


1. Những điều cần biết về rệp sáp- Rệp sáp (tên khoa học là Pseudococcus sp) có hình bầu dục dài khoảng 4 mm, ngang 2-3 mm, thân có phủ lớp sáp trắng, quanh mình có các tia sáp dài trắng xốp.
- Vòng đời của rệp ngắn 30-45 ngày, nhưng trong một năm có nhiều lứa rệp phát triển liên tiếp xen kẽ nhau nên khi thấy phát hiện có cả rệp trưởng thành lẫn rệp non...
- Rệp càng lớn càng ít di chuyển, di chuyển từ nơi này sang nơi khác chủ yếu nhờ kiến cộng sinh.
(Rệp sáp hại chùm quả)
- Rệp cái đẻ trứng thành bọc có hàng trăm trứng, bên ngoài có lớp sáp trắng bao phủ. Rệp non mới nở màu hồng, trên mình chưa có sáp, chân khá phát triển di chuyển tìm nơi sinh sống cố định.
- Khi rệp phá hại lâu ngày ở rễ, chúng cộng sinh với nấm Bornetina sp. ở trong đất tạo thành những vùng u lớn bề mặt xù xì màu trắng xám bao quanh các đoạn rễ, bên trong là một đám rệp đủ các lứa tuổi đang bám chặt vào mặt rễ đã bong tróc hết vỏ để chích hút.
- Vào cuối mùa mưa chuyển sang mùa khô, rệp sáp phát triển tăng dần mật số, là loài sâu hại nguy hiểm cho cây tiêu.

2. Triệu chứng và cách nhận biết
- Trên hồ tiêu rệp gây hại ở 2 khu vực là trên cây và dưới gốc. Tuy nhiên rệp gốc là nguy hiểm vì khó phát hiện và gây thiệt hại nặng hơn cả. Trường hợp khi cây vàng lá thì rệp đã đóng “măng xông” rất khó phòng trừ.
- Trên cây: Ban đầu rệp mới xuất hiện ở nách cành và rễ bám trụ, cây chưa có biểu hiện vàng lá. Khi mật độ cao rệp bám trắng trên thân, cành, lá hoặc chùm quả làm cho cây sinh trưởng kém, lá vàng thậm chí rụng quả.
(Rệp sáp hại gốc rễ)

- Dưới gốc: Cây bị nhiễm rệp thường có những biểu hiện cây còi cọc, sinh trưởng phát triển kém, vàng lá ở 1/3 trụ dưới gốc. Cây bị nặng vàng cả cây rất giống bệnh chết chậm. Đầu mùa nắng nếu xới nhẹ 5-10cm ở sát gốc sẽ phát hiện thấy rệp sáp bám trắng ở phần gốc, nhưng càng về sau rệp càng di chuyển xuống sâu hơn vì bề mặt đất bị khô.
- Kinh nghiệm nông dân thì như những cây bị rệp sáp gốc thường lá non sẻ bị 1 vài chấm đen nhỏ tầm 2-3mm, ngọn ngừng phát triển. Khi kiểm tra thì trong vườn xuất hiện nhiều kiến phần sát gốc.
- Rệp hại xuất hiện cuối mùa mưa và nặng nhất từ tháng 12 kéo dài đến khoảng tháng 5 năm sau. Rệp sáp phát sinh phát triển và gây hại mạnh là khi thời tiết có nhiệt độ cao, ẩm độ thấp.
3. Cách thức gây hại của rệp sáp
- Rệp dùng vòi chích hút nhựa cây làm cho cây còi cọc dẫn đến vàng lá, rụng lá, quả, đốt, làm cho cây còi cọc, suy nhược, bị hại nặng có thể làm vườn cây lụi tàn và chết.
- Trên cây: Rệp sống tập trung thành từng đám bám chặt vào các ngọn non, cuống lá, gié bông, chùm trái, kẽ cành hoặc mặt dưới lá, chích hút nhựa làm lá và quả héo khô, rụng non. Sau thời gian rệp phát sinh thường có nấm bồ hóng đen phát triển trên chất thải do rệp tiết ra làm đen vỏ quả, mặt lá gây trở ngại khả năng quang hợp của cây.
(Rệp sáp hại gốc rễ)
- Dưới gốc: Rệp sáp bám vào hút dịch ở gốc thân, cổ rễ. Các loài tuyến trùng, nấm bệnh cũng theo các vết thương xâm nhập gây tác hại trầm trọng hơn. Khi rễ bị hại nặng cây rất cằn cỗi, lá vàng rồi héo dần và chết do bộ rễ bị phá hủy không còn khả năng hút nước và chất dinh dưỡng nuôi cây.
4. Biện pháp phòng trừ
- Do triệu chứng rệp sáp gây hại rất giống với hiện tượng vàng sinh lý do thiếu nước hay còi cọc do thiếu phân nên cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện xử lý.
- Trừ đối tượng môi giới là kiến bằng thuốc hóa học.
- Trừ rệp sáp gốc rễ: Thời điểm trừ rệp thích hợp nhất vào tháng 11 và đợt 2 là sau khi thu hoạch xong. Khi rệp mới xuất hiện cần phun trừ cục bộ để tránh lây lan.
- Dưới gốc: Trước khi xử lý thuốc cần phải tưới nước để đất đủ ẩm, thuốc sẽ thấm sâu xuống tầng rễ dưới 30 – 35cm, mới trừ được triệt để rệp sáp.
- Trên cây: Phun thật kỹ vào mặt dưới của lá, toàn bộ thân cành và chùm quả.
- Không sử dụng phân chuồng, vỏ chấu cà phê chưa hoai mục vì chứa rất nhiều trứng rệp sẽ lây lan sang tiêu.
- Sử dụng các loại thuốc hóa học có hoạt chất Naled, Chlorpyriphos Ethyl, Dimethoate, Diazinon, Carbofuran, Fenobucarb ...

                                                                                                                       Nguyễn Lương Thình

7/2/15


Giá tiêu đã tăng mạnh vào những ngày đầu tháng Hai do sức mua tốt trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt. Nông dân trồng tiêu giữ hàng lại và kỳ vọng mức giá cao hơn trong khi nhu cầu đang ở cao điểm từ mùa đông cho tới tháng Ba.


Thương buôn mua trực tiếp từ ngưỡng cửa của những người trồng và từ các đại lý thị trường địa phương ở huyện Idukki trên cơ sở tiền mặt và tự vận chuyển đã ít thấy xuất hiện tại thị trường kỳ hạn.

Hôm thứ Ba, ngày 3/2, chỉ có 15 tấn tiêu chuyển đến và đã được giao dịch ở mức 600 – 610 Rupi/kg. Trong khi đó, các nhà máy chế biến đang phải chạy quanh tìm kiếm hàng để trang trải các hợp đồng.

Nhu cầu tiêu thụ hàng tháng của thị trường nội địa Ấn Độ trong khoảng 4.000 – 5.000 tấn nên ngành công nghiệp tiêu xay thường tập trung hoạt động trong thời gian này để tránh thua lỗ, nguồn tin thị trường cho biết trên Business Line.

Trái với dự đoán của giới thương nhân, nguồn cung thị trường đã trở nên thắt chặt đẩy giá lên cao.

Trên Sàn Hiệp hội Gia vị IPSTA, cả ba hợp đồng hoạt động vẫn không thay đổi. Cụ thể, hợp đồng tháng Hai, tháng Ba và tháng Tư lần lượt ở 65.337 Rupi/tạ, 59.237 Rupi/tạ và 55.136 Rupi/tạ (tương đương 10.582 USD/tấn, 9.594 USD/tấn và 8.930 USD/tấn).

Giá tiêu giao ngay vẫn ổn định ở mức 62.000 Rupi/tạ (tương đương 10.042 USD/tấn) cho loại tiêu xô và ở mức 65.000 Rupi/tạ (tương đương 10.528 USD/tấn) cho loại đã sơ chế.

Giá tiêu Ấn Độ xuất khẩu tăng nhẹ lên mức 10.800 USD/tấn (c&f) cho lô hàng giao nhanh.

*Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp & PTNT, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 1/2015 ước đạt 9 nghìn tấn, với giá trị đạt 49 triệu USD, giảm 11,6% về khối lượng và giảm 28,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá tiêu xuất khẩu bình quân năm 2014 ước đạt 7.744 USD/tấn, tăng 11,5 % so với năm 2013. Hoa Kỳ, Singapore, Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Ấn Độ và Hà Lan là 5 thị trường lớn nhất của Việt Nam năm 2014, chiếm gần 50 % tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này.

*(Tỷ giá 1 USD = 61,7416 Rupi)

                                                                                                                Nguồn Anh Văn (Giacaphe.vn)
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com