Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

23/9/16

Thu hoạch hồ tiêu ở xã Ia Hrú, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Sỹ Huynh/TTXVN)
Hiện nay, giá tiêu đen giảm xuống chỉ còn 150.000 đồng/kg, nhưng vẫn ở mức cao so với các loại nông sản chủ lực khác ở Tây Nguyên trong mùa mưa này.

Do đó, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, tiếp tục ồ ạt mở rộng hàng nghìn hécta cây hồ tiêu không theo quy hoạch. Thậm chí, nhiều địa phương ở vùng Tây Nguyên không kiểm soát được việc trồng hồ tiêu tự phát của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong 5 năm trở lại đây, đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đã tự ý mở rộng hàng chục nghìn hécta cây hồ tiêu, nhất là các tỉnh như Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông. Đồng bào đã chủ động chuyển đổi đất vườn tạp, vườn càphê, điều, cao su kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây hồ tiêu.

Theo quy hoạch của tỉnh Đắk Lắk, đến năm 2020, cả tỉnh sẽ có 15.000ha cây hồ tiêu. Thế nhưng, tới thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đã có trên 25.500ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch lên tới 11.642ha; những diện tích còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Đây cũng là một trong những địa phương có diện tích cây hồ tiêu lớn nhất cả nước.

Thực tế, việc phát triển cây hồ tiêu ở Tây Nguyên đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc, nhất là nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhiều nông hộ trồng tiêu ở các xã thuộc huyện Cư Kuin, Ea H’Leo, Cư M’gar (Đắk Lắk), Đắk Lấp, Đắk Min, Cư Jut (Đắk Nông), Chư Sê, Chư Pứh (Gia Lai)... mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí còn thu lãi từ 500 triệu đến cả hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc đua nhau trồng tiêu bất chấp khuyến cáo của các địa phương, các ngành chức năng đã kéo theo nhiều hệ lụy gây thiệt hại lớn cho đồng bào các dân tộc. Nghiêm trọng nhất là đồng bào tự ý đưa cây tiêu vào trồng ở những vùng đất không thích hợp, đất dễ bị ngập úng, không cải tạo đất, chưa xử lý mầm bệnh, sử dụng giống tiêu không rõ ràng nguồn gốc; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi dẫn đến dịch bệnh trên cây tiêu phát triển mạnh, nhất là các loại nấm bệnh chết nhanh, chết chậm làm nhiều vườn tiêu chết hàng loạt...

Mới đây, tại xã vùng sâu Ea Riêng, huyện M’Đắk (Đắk Lắk) nhiều vườn tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh cho thu hoạch của các nông hộ ở các thôn 10, thôn 11, thôn 18... bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm và bị chết hàng loạt; hộ thấp nhất bị thiệt hại 100 trụ, hộ nhiều nhất là gần 400 trụ tiêu. Thế nhưng, các vườn tiêu mới chết xong, đồng bào vẫn không xử lý đất mà tiếp tục trồng lại tiêu, khó tránh khỏi nguy cơ cây hồ tiêu chết hàng loạt.

Hồ tiêu là loại cây công nghiệp dài ngày, vốn đầu tư lớn, chu kỳ kinh doanh kéo dài hàng chục năm. Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các tỉnh Tây Nguyên cần tiến hành quy hoạch cụ thể lại các vùng chuyên canh cây tiêu, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, cung ứng giống tiêu; đồng thời, các ngành chức năng cần có hướng dẫn cho đông đảo đồng bào các dân tộc quy trình kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, thu hoạch, chế biến... đối với cây hồ tiêu, góp phần phát triển cây hồ tiêu bền vững trên địa bàn.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 53.500ha cây hồ tiêu; trong đó, tập trung nhiều nhất là Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng./.

QUANG HUY
Theo TTXVN/Vietnam+
Tính đến hết tháng 8, Việt Nam xuất khẩu được 136.973 tấn Hồ tiêu các loại (vượt tổng lượng xuất khẩu cả năm 2015: 133.569 tấn), bao gồm 121.807 tấn tiêu đen và 15.166 tấn tiêu trắng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ 113,62 triệu USD, tiêu đen đạt 941,63 triệu USD, tiêu trắng đạt 171,99 triệu USD. So với cùng kỳ 2015, lượng xuất khẩu tăng 32.098 tấn tương đương 30,61%, giá trị tăng 12,83%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 8 tháng đạt 7.731 USD/tấn, tiêu trắng đạt 11.340 USD/tấn, so với cùng kỳ 2015, giá xuất khẩu tiêu đen giảm 1.201 USD, tiêu trắng giảm 1.452 USD.

Theo VPA

5/9/16

19 năm gắn bó với cây tiêu, ông Nguyễn Thế Tài (ở khu vực đèo Nhông, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ) khẳng định, cây tiêu thích hợp với vùng đất núi khô cằn, sỏi đá trên đỉnh đèo Nhông, giá trị mang lại cao hơn so với các loại cây trồng khác tại đây.
Ông Tài chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: XUÂN LỘC
Ông Tài cho biết, từ 300 trụ tiêu, nhiều năm qua, ông đã thu hoạch trên dưới 1 tấn tiêu/năm, thu về 200 - 300 triệu đồng. Riêng năm 2016, từ 100 gốc tiêu 20 tuổi đạt sản lượng 5 tạ hạt, bán với giá bình quân 230 ngàn đồng/kg, ông Tài thu hơn 115 triệu đồng; 300 gốc tiêu chưa tròn 2 tuổi cũng đã bắt đầu cho trái bói đầu mùa.

“Tui ở thị trấn Phù Mỹ, đến đèo Nhông lập nghiệp từ năm 1993; năm 1996 bắt đầu trồng tiêu trên chân đất sỏi đá này. Mới đầu, nhiều người hàng xóm cũng bàn ra, vì họ cho rằng, tiêu không thể sống và cho hạt được trên đỉnh đèo đầy nắng gió và khô khốc quanh năm này. Nhưng qua những gì tìm hiểu trong sách vở và học hỏi ở những người thân trồng tiêu ở Tây Nguyên, tui tin tưởng và quyết tâm làm”- ông Tài chia sẻ.

Gặp nhiều khó khăn nhưng ông Tài vẫn cố gắng đầu tư chăm sóc vườn tiêu ổn định ở mức 300 gốc. Ông đào giếng khai nguồn nước tưới; thường xuyên theo dõi, xử lý khi dây tiêu xảy ra sâu bệnh.

Ông Tài đúc kết: Trồng tiêu khó, nhất là trồng trên loại đất cằn cỗi, bạc màu như ở đây, nhưng điều đó không có nghĩa là không trồng được. Điều kiện đầu tiên là phải có nước giữ ẩm trong từng gốc tiêu; thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây để kịp thời phát hiện sâu bệnh và xử lý ngay. Đồng thời, phải tích cực bón phân cân đối ở từng thời điểm phù hợp, nhất là khi tiêu chuẩn bị tượng hạt, để tiêu rụng ít, hạt lớn, chắc, cho năng suất cao.

Ông Tài khẳng định, trồng tiêu đầu tư nhiều ở thời điểm lập vườn, mua giống, làm trụ; còn mấy năm sau, cứ đến chu kỳ đầu tư chăm sóc, không tốn kém bao nhiêu, thu nhập năm sau thường nhiều hơn năm trước.

XUÂN LỘC
Theo Báo Bình Định
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com