Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

23/12/15

Thu hoạch hồ tiêu tại Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Sản xuất hồ tiêu xuất khẩu đang là ngành hàng mang lại lợi nhuận cao nhất trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo nếu nông dân ồ ạt chuyển sang trồng tiêu không theo quy hoạch sẽ rất dễ rơi vào cảnh cung vượt cầu khi thị trường thế giới bão hòa, rớt giá.

Chính vì thế ngành sản xuất hồ tiêu Việt Nam cần phải lấy người tiêu dùng làm chuẩn cung-cầu để sản xuất bền vững.

Tránh hiện tượng đầu cơ

Trong 5 năm gần đây, giá hồ tiêu trên thị trường thế giới liên tục tăng, cụ thể như giá xuất khẩu năm 2011 là 5.637 USD/tấn, năm 2014 là 7.847 USD/tấn; 10 tháng năm 2015 ở mức 8.000-9.000 USD/tấn.

Cũng do giá liên tục tăng, từ đầu năm 2015 đến nay, hầu hết các hộ dân trồng tiêu đều giữ hàng sau khi thu hoạch, không bán ngay cho các thương lái và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp diễn cho đến năm 2016 thì giá tiêu có nguy cơ xuống thấp.

Không những vậy, sản lượng tiêu trong năm 2016 thu hoạch được cũng sẽ khó tiêu thụ, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam chia sẻ.

Cho dù các hộ nông dân đã đầu tư nhiều vào ngành sản xuất tiêu, nhưng khâu quan trọng nhất trong sản xuất vẫn còn bị bỏ lỡ, đầu tư chưa tương xứng.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, công tác nghiên cứu giống hồ tiêu hiện nay chưa tương xứng với tình hình phát triển của ngành.

Trung tâm nghiên cứu hồ tiêu mới được thành lập, công tác tuyển chọn, nhập nội, khảo nghiệm giống năng suất cao, chất lượng hạt tốt, chống chịu dịch hại chưa được triển khai có hệ thống.

Công tác quản lý chất lượng giống chưa được quan tâm, chưa có vườn tiêu đầu dòng, chưa hình thành hệ thống sản xuất giống, nông dân tự tuyển chọn, do vậy sự phát triển hồ tiêu Việt Nam thiếu bền vững.

Mặt khác, trên thực tế, hầu hết các hộ nông dân trồng tiêu đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 3 tháng. Vì trong thời điểm này, cây tiêu không phát sinh bệnh. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc thuốc bảo quản hạt tiêu chỉ xảy ra trong quá trình thu mua, tích trữ và lưu kho.

Bởi vậy, nếu các cơ quan quản lý, các đơn vị kiểm định quy định chặt chẽ quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo quản nông sản thì các nông dân, thương lái, doanh nghiệp sẽ không thể đầu cơ lâu dài, "găm" hàng chờ giá như hiện nay.

Đây cũng là một giải pháp tránh rủi ro thất thoát cho nông dân khi cung vượt cầu, giá xuống, ông Hoàng Phước Bính, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai cho biết.

Vì sức khỏe người tiêu dùng


Trên thực tế, khi chính các nhà quản lý phân biệt hình thức, phương pháp sản xuất theo các tiêu chuẩn như GAP, HACCP, GlobalGAP hoặc sản xuất thông thường để phân biệt giá bán ra của các sản phẩm, vô hình chung đưa vào tư duy người sản xuất chạy theo lợi nhuận thay vì sản xuất với mục đích phục vụ người tiêu dùng. Chính vì vậy, các sản phẩm phải hướng đến người tiêu dùng mới có thể phát triển lâu dài.
Phơi hồ tiêu sau khi thu hoạch. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Theo ông Gaspare Colletti, Giám đốc Hiệp hội gia vị Canada, hiện nay tiêu Việt Nam chiếm 50% thị phần thế giới và cũng đã có nhiều mô hình trồng tiêu hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học trong quá trình sản xuất.

Đối với các quốc gia nhập khẩu tiêu, họ có tiêu chuẩn để nhận hàng, nhưng có nhiều nơi sản xuất tiêu vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, do đó không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chính quyền địa phương và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cần phải hướng ý thức người sản xuất làm ra sản phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng, thay vì chạy theo lợi nhuận, tránh phân biệt sản phẩm trồng theo tiêu chuẩn GAP, GlobalGAP, hoặc các tiêu chuẩn khác.

Bên cạnh đó, về phía chính quyền địa phương các khu vực trồng hồ tiêu cần rà soát, đánh giá các điều kiện sinh thái thích nghi với cây hồ tiêu, loại bỏ diện tích ít thích hợp và không thích hợp để phát triển bền vững.

Đến năm 2020, xây dựng vùng hồ tiêu trọng điểm với diện tích 41.500ha tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Đắk Nông, Gia Lai và Đắk Lắk.

Ngoài vùng trọng điểm là 8.500ha, tiến đến hình thành vùng sản xuất hồ tiêu tập trung để đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành hệ thống thu mua, chế biến, tiến tới đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất hồ tiêu an toàn, có thương hiệu, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết.

Hơn nữa, để ngành tiêu Việt Nam có chất lượng tốt, phục vụ người tiêu dùng với tiêu chí đặt sức khỏe lên hàng đầu, nông dân phải tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn, có biện pháp phòng ngừa dịch hại phát sinh trên toàn vùng và có tiếng nói mạnh hơn đối nhà thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tính đến tháng 11/2015, cả nước có 86.000ha sản xuất hồ tiêu, sản lượng niên vụ 2015 đạt 130.000 tấn, giảm 26.000 tấn so với niên vụ trước.

Hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... với giá bán từ 8.000 đến 9.000 USD/tấn, người nông dân có thu nhập ổn định từ trồng tiêu./.

Hồng Nhung
TTXVN/Vietnam+


Cây tiêu Việt Nam kính chúc bà con một mùa Giáng sinh an lành, hạnh phúc và một năm mới 2016 thành đạt !!!

21/12/15

Hình: Lê Quang Thái
Huyện Cẩm Mỹ hiện phát triển được khoảng 4 ngàn hécta hồ tiêu, đứng đầu về diện tích tiêu của tỉnh Đồng Nai. Với định hướng phát triển cây tiêu theo hướng bền vững, nông dân Cẩm Mỹ đang chuyển dịch theo hướng trồng tiêu an toàn, trong đó có hơn 10 hécta tiêu được cấp chứng nhận GlobalGAP. Sản phẩm tiêu sạch được doanh nghiệp về tận nơi bao tiêu cho nông dân với giá cao hơn hẳn mặt bằng chung ngoài thị trường.

Cẩm Mỹ cũng triển khai các dự án cánh đồng lớn liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để sản xuất tiêu an toàn, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá tốt. Chương trình đang thu hút nông dân tham gia vì có nhiều chính sách hỗ trợ cả nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt là sản phẩm sạch luôn được đảm bảo về đầu ra.

Bán giá cao


Ông Nguyễn Văn Quang, nông dân trồng tiêu sạch tại ấp 2, xã Lâm San, chia sẻ: “Theo cách làm truyền thống, nông dân chỉ biết tận thu từ đất, chủ yếu bón phân, sử dụng thuốc hóa học vì ít tốn công mà hiệu quả nhanh. Mười mấy năm trồng tiêu, tôi từng rơi vào cảnh vườn tiêu chết nên dần chuyển hướng sản xuất hữu cơ, ưu tiên sử dụng phân chuồng, thuốc sinh học. Thấy vườn sản xuất sạch, doanh nghiệp lấy mẫu thử nghiệm, đạt chuẩn an toàn nên bao tiêu”. Doanh nghiệp bao tiêu trực tiếp, cân đúng, cân đủ cộng điểm thưởng, 1 kg tiêu sạch cao hơn mặt bằng ngoài thị trường khoảng 16 ngàn đồng. Nhờ đó, vụ tiêu năm ngoái với sản lượng tương đương, ông Quang tăng thêm lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/hécta.

Để tạo điều kiện sớm triển khai các dự án cánh đồng lớn cho cây hồ tiêu, UBND huyện Cẩm Mỹ kiến nghị được hỗ trợ kinh phí xây dựng giao thông nội đồng cho khu vực chuyên canh; hỗ trợ chỉ dẫn địa lý trong xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu xuất khẩu. Tỉnh cần ban hành thủ tục, hồ sơ mẫu cho cánh đồng lớn, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ để doanh nghiệp, nông dân dễ tiếp cận.

Ngoài chương trình nông dân tự ứng dụng quy trình trồng tiêu sạch, địa phương đã hỗ trợ cho một số hộ nông dân làm chứng nhận Global GAP với mục tiêu xây dựng thương hiệu tiêu sạch Cẩm Mỹ. Ông Phạm Xuân Chiên, nông dân có 2,5 hécta tiêu được cấp chứng nhận Global GAP tại ấp 3, xã Lâm San, chia sẻ: “Trước khi địa phương hỗ trợ cấp chứng nhận Global GAP, những năm trước đó tôi đã thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ nên khi chuyển sang làm GAP rất thuận lợi. Chỉ khác là yêu cầu của Global GAP có quy trình chặt chẽ hơn so với nông dân tự làm, nhất là trong việc ghi lại nhật ký sản xuất, giúp quản lý tốt hơn chi phí đầu vào”. Theo ông Chiên, tuy hiện nay tiêu GlobalGAP chỉ được doanh nghiệp thu mua bằng giá tiêu an toàn không có chứng nhận nhưng nhờ sản phẩm có thương hiệu, doanh nghiệp biết tiếng tìm về nhiều hơn và đặt vấn đề bao tiêu chứ không còn cảnh làm tiêu sạch mà không ai biết như trước đó.  

Nông dân trồng tiêu an toàn, chủ yếu là thay đổi tập quán sản xuất, như: ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học; bón phân, dùng thuốc đúng liều lượng... Chi phí sản xuất theo hướng sạch cũng chỉ tăng nhẹ so với cách làm truyền thống nhưng cây tiêu phát triển tốt, hạn chế được dịch bệnh, hạt tiêu đạt chất lượng cao.

Doanh nghiệp lo đầu ra

Ông Trần Văn Tánh, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San, cho biết: “Song song với việc chuyển hướng sản xuất theo hướng an toàn, hợp tác xã cũng chủ động tham gia các hội chợ về hồ tiêu để tìm khách hàng. Nhờ đó, doanh nghiệp tìm về tận nơi bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hiện nhiều doanh nghiệp chế biến hoặc xuất khẩu của Ấn Độ, Đức, Nhật Bản... đã tìm đến hợp tác xã đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm”.

Chính hiệu quả thực tế đã thuyết phục đông đảo nông dân đầu tư theo hướng sản xuất an toàn. Hiện hợp tác xã đang xây dựng dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu. Dự án đã có 140 hộ nông dân với diện tích 112 hécta tại các xã: Lâm San, Sông  Ray và Xuân Đông đăng ký tham gia. Hợp tác xã Lâm San và Công ty xuất nhập khẩu Petrolimex đã ký kết hợp đồng nguyên tắc cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, trong đó có mức thưởng cho tiêu an toàn có chứng nhận; doanh nghiệp phối hợp với chính sách nông nghiệp của tỉnh hỗ trợ xây dựng vùng tiêu nguyên liệu theo chuẩn Rainforest, GlobalGAP.

Huyện Cẩm Mỹ cũng đang triển khai thêm dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tiêu trên địa bàn xã Bảo Bình, Sông Ray do Công ty cổ phần phát triển sinh học (DONA - TECHNO) làm chủ đầu tư. Phía công ty đã làm việc với các hộ dân, tổ chức các buổi hội thảo để giới thiệu về quy trình trồng, chăm sóc cây, phương án thu mua sản phẩm... Đơn vị kết hợp với Công ty Nedspice (Hà Lan, tại tỉnh Bình Dương) bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Theo Báo Đồng Nai
Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu trong 11 tháng năm 2015 đạt 124.000 tấn với kim ngạch khoảng 1,2 tỷ đô la. Số liệu này giảm khoảng 17% về khối lượng nhưng tăng khoảng 2,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Điều này chứng tỏ năm 2015 là năm được giá của hồ tiêu Việt Nam, với giá xuất khẩu bình quân tính trong 11 tháng là 9.528 USD/tấn, tăng hơn 20% so với năm 2014.

VPA vừa đưa ra dự báo tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu trong nước cả năm 2015 ước đạt 130.000 tấn với kim ngạch ước đạt 1,24 tỷ đô la (so với năm 2014 là 156.000 tấn và 1,21 tỷ đô la).

Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam liên tục chiếm lĩnh thị trường khi là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% sản lượng xuất khẩu hồ tiêu trên toàn cầu. Thị phần còn lại phần lớn thuộc về Ấn Độ, Indonesia và Brazil. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đến hơn 100 thị trường khác nhau. Vì vậy, có thể nói, hồ tiêu Việt Nam đang giữ vai trò chi phối ngành hàng này trên thế giới. Điều này lý giải tại sao tuy sản lượng xuất khẩu giảm trong năm nay, nhưng do biết cách điều tiết thị trường phù hợp trong những thời điểm khác nhau đối với cung-cầu thị trường thế giới trong năm nên giá hồ tiêu Việt Nam vẫn luôn được giữ ổn định ở mức trung bình 180.000-200.000 đồng/kg từ năm 2007.

Dù từ đầu tháng 12 đến nay, giá hồ tiêu trong nước liên tục dao động theo chiều đi xuống, với tuần đầu tiên trong tháng giá trung bình 172.000 đồng/kg, tuần thứ hai giá tăng lên trung bình 175.500 đồng/kg và hiện vẫn chưa thực sự phục hồi, nhưng theo các chuyên gia dự đoán, tình hình này sẽ không diễn ra lâu. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, hồ tiêu Việt Nam gần như rất hiếm khi giảm giá vì nhu cầu của thị trường thế giới vẫn liên tục tăng cao. Và cũng theo thông tin từ báo cáo ngành tiêu, giá xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam và Ấn Độ hiện ở mức cao nhất thế giới.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam dự báo tình hình cung cầu hồ tiêu thế giới năm 2016 vẫn không thay đổi lớn so với năm 2015 khi tổng cầu vẫn lớn hơn lượng cung. Theo đó, tổng lượng xuất khẩu kỳ vọng có thể bằng hoặc cao hơn năm 2015.

Ấn Độ: Sản lượng hồ tiêu 2016 sẽ giảm mạnh


Thu hoạch hạt tiêu vụ 2015/16 bắt đầu từ tháng 12 năm nay ước tính chỉ đạt trong khoảng 45.000-50.000 tấn (theo giới thương nhân) và dự báo khoảng 53.000 tấn (theo Ban Gia vị Ấn Độ). Như vậy, sản lượng tiêu vụ 2015/16 sẽ giảm mạnh so với vụ 2014/15 đạt 70.000 tấn.

Nguyên nhân chủ yếu của sản lượng thất thu của niên vụ mới là do thời tiết thất thường, lượng mưa ít ỏi trong thời gian qua tại các vùng sản xuất tiêu chính. Các nhà phân tích cho biết lượng mưa trung bình trong mùa mưa năm nay thấp hơn 14% so với năm 2014, thậm chí ở vùng Kerala còn thấp hơn đến 24%.

Giới chuyên gia phân tích, tuy nằm trong top 3 quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng sản lượng hồ tiêu Ấn Độ vẫn khá thấp và gần như không bắt kịp nhu cầu ngày càng tăng của thị trường toàn cầu do những thay đổi thất thường của thời tiết nước này trong những năm qua.




Mai Vũ – Thiên Trần
Theo Kinh tế và Dự báo

16/12/15


Ảnh minh họa (từ internet)
Tôi là nhà cơ khí, nhưng khởi đầu bằng trồng tiêu, tôi cũng từng mất thăng bằng khi khí hậu và môi trường thay đổi. Tuy nhiên những hiện tượng vật lí tác động đến sinh lí cây trồng là rất rõ nét . Hy vọng những nghiên cứu dưới đây giúp bà con nông dân kiểm soát được những loại cây trồng chung quanh mình nói chung và cây hồ tiêu nói riêng.

Lĩnh vực đề cập là lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là đề cập đến quy trình trồng - chăm sóc - bảo vệ cây hồ tiêu trước khí hậu thay đổi.

Tình trạng cây trồng hiện nay

Theo chu kỳ thoái hóa của cây tiêu nên từ 20-22 năm sẽ biến động về giá, giá tăng cao khiến cây tiêu tự phát trên diện rộng.

Tiêu là loại cây bán chùm gửi, thích nghi với khí hậu nhiệt đới. Sinh lí nhạy cảm, không hợp với nhiệt độ dao động lớn trong ngày, nên cây hồ tiêu chỉ tồn tại ở miền Trung và miền Đông Nam bộ Việt Nam cũng như một số nước có khí hậu tương ứng như Ấn độ, Indonesia v.v…

Từ khi khí hậu thay đổi và tiêu trồng nhiều trên diện rộng đã xảy ra các hiện tượng như sau:

_ Chết hàng loạt ngoài kiểm soát.
_ Trồng trên địa hình, địa lí không phù hợp.
_ Khô hạn, nắng nóng, mưa nhiều, xói mòn, dịch bệnh.
_ Không xác định được tính năng, đặc điểm, sinh lí cây tiêu. v.v….

Hiện các nguyên nhân gây tiêu chết hàng loạt được xác định như sau:

1. Theo lẽ tự nhiên, khi trồng, ta thường làm bồn để giữ nước khi tưới, với địa hình trung du, đồi dốc nên nước chỗ cao sẽ dồn về chỗ thấp và chu kì thiên nhiên, cứ 10 năm sẽ có một năm mưa nhiều. Một trong mười năm ấy, sau bón phân hóa học gặp đợt mưa lớn, nhiều thì toàn bộ lượng phân ấy sẽ dồn vào gốc tiêu, khiến cây tiêu bị ngộ độc phân bón và sau đó sẽ chết hàng loạt. Đây là hiện tượng hy hữu nhưng tất yếu sẽ xảy ra do địa lí và chu kì của thiên nhiên tạo ra.

2. Chết do úng
Đào dưới gốc tiêu chết ở độ sâu 35-50cm ta thấy có một lớp đất dẻo như đất sét, mặc dù trước đó không hề có và đất trồng tiêu là đất trên đồi hoặc không phải là đất sét. Hiện tượng này được xác định như sau:
Theo tự nhiên, mọi vật đều bị kéo xuống do lực trọng trường. Bình thường, để có lượng nước mưa từ 100-200mm phải mưa lớn trong nhiều giờ. Nhưng với máy bơm lớn, chỉ trong 30 giây đã có lượng nước từ 100-200mm trong bồn tiêu. Việc làm này là hiện tượng bất thường so với thiên thiên. Một khối lượng và trọng lượng lớn của nước đã nén lên mặt đất, đồng thời chúng đã bị kéo xuống. Nước là vật chất loãng, dễ dàng hóa hơi bay lên cũng như di chuyển len lỏi xuống lòng đất. Với lượng nước tưới từ 100-200mm, khi di chuyển, nước sẽ kéo theo những vật chất nhỏ li ti của hữu cơ, vô cơ xuống lòng đất, và lắng đọng ở độ sâu từ 35-50cm một lớp phù sa dẻo như đất sét và đây là lớp đất chống thấm. Hiện tượng này chỉ hình thành sau khi trồng tiêu từ 5-6 năm. Theo chu kì thiên nhiên, cứ 10 năm sẽ có năm mưa nhiều, năm ấy sẽ xóa sổ những vườn tiêu trước sự chống chọi của tất cả các loại thuốc. Đây là nguyên nhân chết do tưới nhiều nước với khối lượng lớn, đột ngột, không hài hòa với thiên nhiên.

Hiện tượng này là do con người vô ý tạo ra nhưng rất khó phát hiện vì chúng chỉ hình thành ngầm dưới lòng đất sau 5-6 năm.

3. Tiêu chết do làm sai bản năng và sinh lí của chúng:
Quan sát dây tiêu sẽ thấy dây leo luôn ở vị thế thẳng đứng. Điều này cho thấy chúng không chấp nhận những thứ đeo bám. Lá tiêu phủ từ trên xuống dưới, che kín gốc, lá xếp như mái ngói, như tổ ong, lá trên che lá dưới, khi mưa, nước mưa theo lớp lá đưa nước ra biên, với lượng mưa trung bình từ 50-70mm, gốc và thân cây tiêu không hề ướt. Điều này cho thấy chúng không chịu ẩm độ cao trong thân, trong gốc. Lá tiêu phủ sát đất là để chắn không cho các vật chất bị nước mưa văng bám vào thân. Lớp lá dầy như lông là để che, tức không cho nắng, nhiệt mặt trời rọi vào trong thân. Nếu tưới vào thân cây lúc thời tiết mới chuyển sang mùa khô sẽ giúp nấm hoặc mầm nấm phát triển chờ thời tiết thuận lợi sẽ bộc phát. Nếu cắt lá gốc sẽ tạo điều kiện cho nước mưa làm văng hữu cơ hoặc phân hóa học trực tiếp bám vào thân gốc tiêu.

4. Tiêu chết do đứt rễ, quan sát những cây tiêu chết trong vườn đặc điểm như sau:
Tiêu hay chết theo dọc bờ mương. Mương là nơi chứa, dẫn và thoát nước nên ẩm sẽ độ cao, mương thường được đào vét cũng như chứa nhiều lá khô mục chưa phân hủy. Khi vét mương, rễ tiêu thường bị đứt. Dây tiêu hay rễ tiêu khi bị cắt hoặc bị đứt sẽ chảy nhựa từ 8-15 ngày, tùy theo thời tiết, ẩm độ cao hay thấp. Điều này cho thấy tuyệt đối không được làm đứt rễ tiêu nhất là rễ lớn, khi rễ đứt nhiều, do chậm cầm máu nên cây tiêu mất năng lượng suy kiệt, cộng môi trường ẩm cao của mương cũng như nấm của các loại hữu cơ chưa phân hủy dưới mương khiến rễ tiêu dễ nhiễm bệnh rồi thối rữa.

5. Tiêu chết do lượng nước phân bố không đồng đều
Quan sát những cây tiêu thường chết bên cạnh lối mòn trong vườn tiêu hiện tượng như sau: Khi mưa, lượng nước phân bố đều nhưng gặp những vùng đất cứng nên nước chậm thấm qua, thế là nước dồn đến các nơi khác. Như vậy trên nền lối mòn, nước sẽ dồn về các gốc tiêu gần đó làm ẩm độ nơi đó cao hơn nơi khác trong khi cùng một lượng mưa. Nếu gặp mưa nhiều thì tiêu quanh lối mòn sẽ úng.

6. Tiêu chết do nấm
Quan sát những cây tiêu chết thường là những nọc tiêu bị nghiêng hoặc những cây nọc tiêu có nhiều chãng, nhánh. Khi cây bị nghiêng, theo tự nhiên chúng sẽ đẻ nhánh để cân bằng trọng lực. Khi có nhánh thì sẽ có một mặt bằng 0 độ trên nhánh so với không gian của mặt đất. Khi mưa, mặt bằng này sẽ đọng nước do lõm của kẹt nhánh, đồng thời cành khô lá rụng thường kẹt lại nơi này. Như vậy đây sẽ là môi trường thích nghi cho các loại nấm phát triển trong mùa mưa khi ẩm độ phù hợp. (tại sao nấm mối không mọc ở mùa xuân?)

7. Tiêu chết do ngộ độc thuốc
Mùa thu, cây tiêu không bị tác động rõ rệt như cây sò đo, cao su v.v nhưng cũng có ảnh hưởng, thu về các lá già trong thân vàng nhiều, báo hiệu cây đã sang mùa. Đây là hiện tượng sinh lí tự nhiên, không sao cả. Vì không để ý nên nhiều vườn ngỡ bệnh, đem vô số các loại thuốc, xịt, đổ xuống gốc nhiều khiến tiêu bị ngộ độc thuốc. Như vậy sự lo lắng quá mức đã vô tình góp sức phá hoại cây tiêu và môi trường.

8. Tiêu chết do nước ngầm
Quan sát những vườn tiêu chết hàng loạt trên địa hình tưởng chừng lí tưởng, nhưng tiêu chết như sau:
Ở những quả đồi rộng hoặc những sườn dốc dài gần tiếp giáp với chân đồi, có độ nghiêng từ 7-15 độ có những chổ nước xì lên trên mặt đất lúc mưa nhiều hoặc trong mùa mưa. Qua nhiều năm, các hữu cơ, vô cơ nhỏ, trầm lắng bên dưới mặt đất ở độ sâu từ 50-70cm do lực trọng tường kéo xuống và nước là tác nhân xúc tác. Các vật chất nhỏ trầm lắng dầy đặc sẽ làm cho nước chậm thấm qua. Chính vì thế, khi mưa nhiều nước sẽ dâng lên khiến đất ở trên đồi bị nổi nước, có những nơi thành ruộng gò. Như vậy trước khi nước xì ra trên đồi là hiện tượng nước lưu chuyển ngầm dưới lòng đất, trong đáy vườn tiêu và dưới gốc tiêu. Với dạng đất như vậy sẽ khó phát hiện trong mùa khô.

9. Tiêu chết do các loài động vật tập trung cắn phá
Sau Tết và giáp mùa mưa là rất khô, thậm chí sau một đêm, sương không còn đọng trên ngọn cỏ. Tất cả các loài sinh vật gần như không nước uống. Các loài như kiến, rệp, rệp sáp v.v…đều tập trung vào gốc tiêu để uống nước hoặc giữ ẩm da. Khi nguồn nước tưới cạn kiệt, chúng không còn cách gì khác ngoài đục khoét rễ, thân cây tiêu để hút nhựa. Sang mưa, những lỗ thủng trên thân rễ cây tiêu là một cái hồ nhỏ tạo môi trường cho một cuộc chiến với các loại thuốc hóa học bắt đầu.

10. Vông chết do khí hậu thay đổi
Khí hậu đã thay đổi. Nắng - nhiệt độ cao khiến lớp biểu bì (da) cây vông không giữ được độ ẩm trong thân cây nữa cộng sự đeo bám hút nước của cây tiêu nên vông chết là điều tất yếu. Khi chết thì tế bào sẽ dẫn tới hoại tử. Bệnh khí hậu thay đổi thì không cứu được. Các nhà bảo vệ thực vật khuyến cáo dùng thuốc trị vông chết là không thỏa đáng, chỉ làm thiệt hại cho nông dân và môi trường.

Để khắc phục và ứng phó các tình trạng nêu trên, phương pháp bao gồm các bước như sau:

Mô tả chi tiết giải pháp

Bước một: chọn địa lí, địa hình phù hợp
Cụ thể là chọn từng vị trí thật phù hợp để tránh các bất lợi như, đất cao, đất có độ nghiêng lớn, đất quá thấp, đất lòng chão, đất cạn đáy (độ dầy hữu cơ ít) đất sét. Đất cao sẽ tốn kém như: bơm công suất lớn, bơm chuyên dụng, kèm theo là giếng sâu hoặc ao nước xa, dây ống dẫn nước dài. Đất có độ dốc lớn khó chăm sóc, khó di chuyển, luôn bị xói mòn. Đất lòng chão sẽ bị nước tập trung khi mưa nhiều gây úng. Đất cạn hữu cơ cây trồng sẽ mau cằn cỗi. Đất sét thường không có hữu cơ và là đất không thấm sẽ ứ nước trong mùa mưa. Nếu trồng tiêu ở dạng đất như vậy tiêu sẽ chết, nếu cố tạo cho có thể trồng được thì dù thu hoạch sản lượng có cao nhưng tính hiệu quả sẽ thấp vì chi phí nhiều.

Chú ý: đất trên sườn đồi có độ nghiêng từ 7-15 độ, có độ dốc dài từ 150- 200 mét, nơi này thường xảy ra hiện tượng như sau:

Khi mưa, một lượng nước di chuyển trên mặt đất, một số thấm rồi lưu chuyển dưới mặt đất. Với độ dài trên, lưu lượng sẽ tăng lên về phía bên dưới. Khi di chuyển, nước mang theo những vật chất nhỏ về tập trung ở một điểm, điềm ấy thường hình thành trên hay dưới mặt đất ở lượng mưa trung bình trong năm. Qua nhiều năm, các vật chất nhỏ trầm tích xuống bên dưới mặt đất ở độ sâu từ 50-70cm sẽ tạo ra một lớp khó thấm. Chính vì vậy khi mưa nhiều nước sẽ xì ra, mặc dù ở lưng đồi. Muốn trồng trên dạng đất này phải đào những con mương sâu, cắt ngang triền đồi để cắt nước ngầm lưu chuyển (cần xác định đất trước một năm).
Không trồng tiêu trên đất đồng bằng vì đồng bằng nước không lưu chuyển hoặc lưu chuyển chậm. Theo chu kì, cứ 10 năm sẽ có một năm mưa nhiều, chu kì này sẽ xóa sổ vườn tiêu nếu chọn địa lí không phù hợp.

Bước hai: chọn giống

Theo tự nhiên, nếu không thích nghi sẽ không tồn tại. Như vậy thiên nhiên đã mở sẵn cho ta một con đường. Nên chọn những giống tiêu năng xuất, ổn định và giống tiêu này đã tồn tại lâu dài tại địa phương.

Những bài học rất thời gian, tốn kém đã cảnh báo như cây trầm gió trồng ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Cây có gió nhưng không có trầm, cũng như một số giống tiêu cho là của Malaysia, Indonesia cho năng xuất cao nhưng sau cùng vẫn không tồn tại ở Việt Nam.

Sau khi xác định giống phù hợp sẽ nhân giống như sau để có thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu: Từ đỉnh ngọn tiêu già, cắt bỏ 1-1,5 mét vào đầu mùa mưa và có chế độ chăm sóc ưu tiên. Một năm sau dây non mọc trở lại, cắt dây non này trồng là phù hợp.

Bước ba: Chọn lọc

Để cho cây tiêu leo nên chọn loại cây như sau:
 Anh đào là loại cây dễ trồng, dễ sống, tỷ lệ chết ít nếu trồng vào đầu tháng hai hoặc tháng ba âm lịch. Khoảng cách cây từ 2,2 mét cho đến 2,5 mét một nọc, ưu điểm là cây chỉ lớn nhanh lúc còn nhỏ, khi cây có đường kính khoảng 15cm cây sẽ lớn chậm nên lượng hữu cơ chi phối cho nuôi cây là ít. Cây anh đào rất cứng, phù hợp chịu lực, dễ tỉa cành, cây anh đào chỉ cần chặt ngang là trồng được, miễn cây đừng nhỏ và non quá, nếu trồng cây to và cao thì hố trồng sâu 60-70cm (nén gốc vừa chặt) nếu trồng cây nhỏ thì lỗ trồng sâu 50cm, lấp gốc 20cm và lấp dần theo thời gian, tránh lấp sâu một lần cây khó lên. Sau này cây lớn chỉ để cao không quá 4 mét. Nọc tiêu cao khó chăm sóc và bên dưới không có trái vì bị rợp, cây trồng phải thẳng đứng 90 độ, chỉ để một cây duy nhất. Đây là đặc điểm rất cần thiết để tránh bệnh cho tiêu. Khi cây xuống, đứng thì khó cho những gì đeo bám, lá khô dễ dàng tuột, rơi khi dông gió, lá khô không vướng lại trên kẹt nhánh sẽ không có môi trường cho nấm bệnh phát triển. Phía đỉnh nọc anh đào, chọn một nhánh mọc theo phương ngang để chừa lại, mục đích để khi tiêu phủ nọc, cành nhánh cây anh đào sẽ mọc trên nhánh này, như vậy đỉnh nọc sẽ không bị che ánh sáng, giúp tiêu quang hợp tốt, đồng thời dễ làm chồi vì không bị vướng dây tiêu.

Tạo hoặc chừa nhánh mọc theo phương ngang, rất dễ làm chồi và tạo ánh sáng cho đỉnh nọc: Nọc cây lòng mức thì không thể chặt ngang trồng mà chỉ gieo cây con trồng trước một năm chờ cây lớn, hoặc bứng cây rừng, khoảng cách và cách làm như cây anh đào nhưng tốn công nhiều hơn vì cây lòng mức khó tỉa chồi.

Chuối trồng để bảo vệ tiêu và có thu nhập: Tuyệt đối không trồng những loại cây thân xốp, lớn nhanh như cây vông. Lớn nhanh nên cấu trúc của tế bào thưa, xen giữa độ thưa là nước, cây càng lớn thì lượng nước nuôi cây càng nhiều. Do khô hạn và khí hậu nóng lên, lớp da không còn đủ giữ ẩm cho cây nên nước trong thân bị bốc hơi, dẫn đến cây chết hàng loạt. Khi cây chết chúng sẽ xảy ra hiện tượng hoại tử, trong quá trình phân hủy sẽ có nhiều loại nấm mọc lên trên thân cây hay chỗ cây vông thối rữa. Những cây vông nhỏ hơn sẽ chết sau, nếu gặp mưa chúng sẽ phục hồi nhưng mang theo mầm bệnh và sẽ tái phát trong mùa khô năm sau, cứ như vậy, vườn tiêu cây vông sẽ xóa sổ theo thời gian.

Bước bốn: Cách trồng
Đất được làm xốp toàn bộ diện tích với độ sâu từ 35-40cm (chỉ một lần) tạo các bờ giữ nước để tưới có cao độ 10cm. Khoảng từ 50-70 mét đào một con mương để cắt nước ngầm lưu chuyển dưới mặt đất, mương có độ sâu từ 50-70cm.

Để giãm chi phí và mau đem lại kinh tế cách trồng như sau: (nên chuẩn bị trước một năm): Vào đầu mùa mưa, trong tháng 3 âm lịch, thời gian này khí hậu khô nóng, có mưa đầu mùa, đất ẩm, thích hợp cho ươm dây tiêu. Chọn dây có độ tuổi từ 1 năm đến 18 tháng, cắt lấy 5 mắc (nếu dây mắc nhặc thì có thể cắt dài hơn) làm đất tơi xốp, vun lên thành líp, cao khỏi mặt đất 20cm, che mát, nên chừa nhiều lá, lá nhiều sẽ giúp chồi tiêu và rễ phát triển mạnh, lấp dây tiêu xuống đất từ 3-4 mắt, ngày tưới 3-4 lần, tưới ít, chống rụng lá. Sau 20-30 ngày thì đem trồng, trồng cạn, cho mắt thứ ba tiếp giáp với mặt đất (trồng cạn dễ lên) nén đất chung quanh gốc vừa chặt.

Cây tiêu cần râm mát lúc còn nhỏ, nên khi trồng phải che mát, để giảm chi phí cho che mát, cách làm như sau: Đem chuối con trồng về hướng Tây, gần sát nọc tiêu để thân cây chuối che nắng chiều, trồng cạn để dễ phá chuối, nên trồng chuối trước một thời gian, chờ chuối bén hãy trồng tiêu, khi trồng, bẻ lá chuối gập xuống để che nắng, lá chuối rộng, do trồng gần nên lá chuối dễ che nắng cho tiêu. Sau một năm, khi cây tiêu đã lớn, đồng thời cũng là lúc thu hoạch và phá bỏ cây chuối cho tiêu lớn (chuối không cho đẻ con, chỉ một cây duy nhất)

Bước năm: cách chăm sóc, bón phân, phòng sâu rầy, nấm bệnh ứng phó với khí hậu nóng lên v.v…. 
Tiêu cũng như các loại cây trồng khác, vẫn sử dụng các loại phân bón thông thường và tuân theo khuyến cáo của nhà sản xuất .

Để ứng phó với khí hậu nóng lên, mất nước, trên nền mặt đất lúc nào cũng được phủ lên một lớp cỏ, lớp cỏ này đóng vai trò rất quan trọng như, cách nhiệt, chống sói mòn, giữ ẩm, tạo môi trường sống cho vi sinh vật phát triển, tự tái tạo hữu cơ, tự phân hủy và trao đổi các chất hữu cơ, các tích độc tố của cành nhánh cây tiêu thải ra, ngoài ra trong thảm cỏ có loại cỏ sống theo quang kỳ, sau chu kỳ sống, chết đi chúng để lại thân rễ thối rỗng trong lòng đất, làm đất tự xốp ngoài ra chúng còn phân bố lượng nước. Cao độ của cỏ giữ trong vườn tiêu trung bình từ 10-20cm. Không nuôi các loại cỏ thân ngầm như cỏ ống, cỏ tranh v.v…

Để cỏ dầy trong mùa khô
Sau 4-5 năm, đất sẽ phì nhiêu trở lại nên không cần thiết dùng phân hữu cơ nữa, giảm được chi phí lao động cũng như ô nhiễm môi trường.


Thân chuối thối rữa tạo môi trường cho vi sinh

Bón phân
Một năm bón ba lần, đầu mùa mưa, giữa mùa mưa và cuối mùa mưa, lượng phân bón nên theo chỉ dẫn nhà sản xuất. Phân cứ rãi bừa, đều trên cỏ, sau đó dùng thuốc diệt cỏ xịt với liều lượng thấp hơn chỉ định, cụ thể. Thông thường liều lượng theo hướng dẫn là từ 70-80 cc cho bình xịt 8 lít. Như vậy xịt chỉ pha với 25-30cc, không xịt kĩ. Mục đích là để khi bị tác động của thuốc với liều nhẹ, cỏ chỉ bị thương tái, vàng chứ không chết, trong quá trình cỏ bị thương không hấp thụ được phân bón thì cũng là thời gian tiêu hấp thụ được phân bón mạnh vì có cỏ giữ độ ẩm .

Mỗi năm xịt cỏ cho chết chỉ một lần vào giáp đầu mùa mưa nhưng không xịt kĩ, mục đích khi mưa xuống còn gốc rễ chúng sẽ nhanh phục hồi để giữ ẩm cho mặt đất, lỡ gặp hạn trở lại, lớp cỏ khô bờm xờm sẽ cách nhiệt, tránh bốc hơi phân hóa học.

Mỗi năm làm xốp khắp mặt đất một lần (kể cả bờ bồn) vào đầu mùa mưa, dùng bồ cào cuốc với độ sâu 10cm, chỉ bẩy đất chứ không giật, kéo, tránh đứt rễ. Vào đầu mùa mưa, đất vẫn khô nên nước dự trữ trong cây ít. Tỷ lệ rễ đứt do răng cào là không đáng kể nên cây sẽ dễ lành và ít bị chảy nhựa.

Để tránh biến động sinh lí cho cây tiêu, tán cây anh đào hay lòng mức được tỉa quang làm hai đợt trong một một kì, đợt một tỉa 50%, nữa tháng sau tỉa 30% còn lại.

Mùa mưa đến sớm hay trễ không quan trọng, cứ giữ mát cho vườn lúc đầu mưa, vì đầu mùa thường mưa ít và khí hậu rất nóng cũng như thời gian ban ngày dài. Chờ tiêu nhú bông non ra độ 3cm thì tỉa tàng đợt một, nữa tháng sau tỉa tàng đợt hai, sau đó lượng ánh nắng giữ 50% trong vườn lúc mùa mưa, sang mùa khô, giữ ánh nắng từ 70-80% trong vườn tiêu là cần thiết.

Toàn bộ tán cây chặt xuống được băm vụn, phân tán đều để làm hữu cơ cho đất, làm lương thực cho mối, trùng v.v tạo môi trường sống cho vi sinh vật phát triển. Không được diệt mối, mối không ảnh hưởng cây tiêu vì mối thường chỉ ăn cây đã khô, nhờ mối ăn mà xác cây khô mau phân hủy, chuyển hóa.

Bên ngoài chung quanh vườn tiêu trồng một hàng chuối để che nắng, nắng chiều, hoặc trồng thêm mía, thơm vì các cây này thân và nách lá chứa nhiều nước, nên phân tán các loại cây này để mùa khô các loại côn trùng không tập trung vào vườn tiêu đề uống nước. Trong vườn tiêu cũng trồng chuối lác đác nhưng là chuối có thân ốm như chuối cao, chuối bơm để dễ đốn hạ trong vườn. Chuối đóng vai trò rất quan trọng như sau:
Sáu tháng mùa khô là rất khô, nhất là sau tết nguyên đán. Khí hậu nóng hơn nên sương đêm không còn đọng hạt trên lá trong khi nhu cầu về nước để sống còn cho tất cả sinh vật là bức thiết. Thiếu nước uống, các loài kiến sẽ đục vào thân cây tiêu để uống nhựa cây và cư trú trong đó vì thân tiêu rỗng. Sang mùa mưa, các lỗ rỗng bị đục khoét sẽ chứa nước, sinh bệnh từ đó.

Rệp sáp thân mềm, ẩm như chàng hiu, ốc sên v. v đều phải sống trong môi trường ẩm để chống khô da, sang mùa khô, dù không muốn chúng cũng phải đục bám vào rễ, thân cây tiêu để sinh tồn vì không còn môi trường nào khác, nhất là rệp sáp, từ đó gốc rễ tiêu sẽ là trung tâm cư trú cũng như bệnh tật, khi rệp sáp tăng cao tiêu sẽ chết dần.

Chuối là loại cây có vòng đời ngắn, dao động từ 12- 19 tháng, thân giữ nhiều nước, lá tán rộng, hứng nước mưa, cản gió, khi mưa, nước theo rảnh lá chảy vào thân, xuống gốc và đọng lại nơi nách lá, nách lá chuối như cái hồ nhỏ, là môi trường sống, sinh sản cho nhiều động vật tạo hữu cơ cho vườn cây. Khi mưa, lá rộng cản gió tác động thân cây chuối thành lực đòn bẩy, bẩy đất, khi chết, rễ chuối để lại vô số lỗ rỗng xốp dưới lòng đất cùng nhiều hữu cơ thối mục. Với môi trường thích nghi, rệp sáp, kiến v.v…gốc chuối sẽ là khách sạn sang, miễn phí của chúng qua mùa khô.

Với chu kì thiên nhiên, trong 10 năm sẽ có một năm hạn nặng, khi hạn nặng hết nước tưới, dùng sắt nhọn đâm vào củ hủ cây chuối cho chuối chết. Trong quá trình phân hủy, gốc và thân cây chuối cung cấp một ít nước cho tiêu vượt hạn (năm ấy tuy thất thu nhưng vẫn còn giữ được vườn tiêu) chuối trồng trong vườn tiêu chỉ để một cây duy nhất, sau thu hoạch mới để lại một cây con. Sang mùa mưa, khi cần ánh sáng cho tiêu,chặt ngang cây chuối, chừa lại khoảng 80cm để chống rợp cho tiêu.

Chăm sóc
Sau khi trồng từ 12-18 tháng sẽ cắt ngang dây tiêu để chúng đâm chồi (không cắt vào giữa mùa mưa cây sẽ chảy nhựa nhiều, dễ nhiễm bệnh) khi chồi non lên, chọn từ 5-7 chồi tốt để cột vào nọc, vậy là đủ, còn các chồi khác cho tỏa ra ngoài, sau thời gian làm trái do không dược bám chúng sẽ tự chết. Cành, nhánh cây tiêu cứ để phủ sát đất, chỉ cắt tỉa ít để thuận tiện dọn lá gốc khi cần.

Tưới
Tiêu không nên tưới nhiều, lượng nước tưới một lần chỉ cần tương đương với lượng mưa khoảng 50-70mm, sáu đến bảy ngày tưới một lần, tưới ngoài tán tiêu, tưới luôn cỏ, khắp mặt đất trong vườn. Sau tết âm lịch mới tưới vào thân dây tiêu vì lúc ấy thời tiết khô. Khi tưới, dùng vòi nước xịt vào các kẹt nhánh cho cành lá khô văng ra, thỉnh thoảng dùng vòi nước xịt đẩy lá khô trong gốc ra ngoài cho cỏ phân hủy. Một năm nên cào lá khô đọng dưới gốc tiêu ra ngoài hai lần vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Hạn chế đi lại trong vườn trong mùa mưa nhất là khi mưa nhiều.

Khi môi trường tương tác, dung hòa tiêu sẽ không có hoặc rất ít sâu bệnh. Không có môi trường cho nấm mọc thì sẽ không có nấm bệnh. Không mất nước uống thì kiến, rệp sáp sẽ không đục khoét cây tiêu gây ra bệnh.

Qua phần mô tả trên ta thấy rõ tính vận động và ứng dụng như: chọn địa hình phù hợp. trồng chuối để chia sẻ nguồn nước cho sinh vật. Giữ cỏ khắp mặt đất để giữ ẩm, cách nhiệt, chống xói mòn, phân bố đều lượng nước, tự tái tạo hữu cơ, xúc tác phân hủy tích độc tố của bả, xác tiêu, dung hòa môi trường.

Mô tả phương án ưu tiên thực hiện giải pháp.

Bước một:
chọn một triền đất tại xã An Phú. Bình Long. BP, có diện tích 5500m2 , đất cát pha đất đỏ, có độ dày hữu cơ trung bình là 40cm, cao độ với nước ngầm thấp nhất trong mùa mưa là 0,7cm, cao nhất trong mùa khô là 9 mét. Được làm xốp toàn bộ với độ sâu 35cm và hình thành hình thể để năm sau trồng tiêu.

Bước hai: đào ba con mương phía ngoài, bao chung quanh vườn tiêu để chặn nước ngầm đồng thời trồng anh đào, trồng chuối trước một năm tạo bóng râm cho năm sau thuận tiện trồng tiêu, giảm chi phí. Song song cắt ngang 50 nọc tiêu già để năm sau lấy giống trồng.

Kết quả đạt được.

Sau khi áp dụng phương pháp. Đã 24 năm qua vườn tiêu vẫn xanh tốt, cho thu hoạch trên dưới 2kg một nọc. Tiêu không bệnh nên không sử dụng thuốc hóa học ô nhiễm, độc hại, chi phí thấp nên đã đã duy trì được vườn tiêu qua những năm giá thấp trước sức cạnh tranh của các nước trồng tiêu trong khu vực. Tỷ lệ chết không đáng kể, 8-9/1000. Vườn đã trải qua những năm nắng hạn gay gắt như năm 1998 và chịu mưa nhiều qua năm 2000 cùng khí hậu thay đổi thất thường là nhờ vào phương pháp trên.

Nếu giải pháp trên được nhân rộng hoặc hoạch định vĩ mô như diện tích cao su, thì chỉ cần một tỉnh trồng tiêu, sản lượng chúng ta sẽ dễ dàng đè bẹp các nước cạnh ranh trong khu vực.

Tóm tắt giải pháp.

Giải pháp là một phương pháp trồng tiêu ứng phó với khí hậu thay đổi bao gồm: chọn địa lí, địa hình, giống, nọc, giữ ẩm, phân bố lượng nước, tái tạo hữu cơ, xúc tác, phân hủy tích độc tố của xác tiêu, dung hòa môi trường, điều tiết ánh sáng, nhiệt, trồng chuối giữ nguồn nước cho sinh vật uống qua mùa khô.
…………………………
Bà con và các bạn thân mến.
Trên đây là cả một quá trình nghiên cứu lâu dài.
Tiêu là loại đặc sản, có lợi thế về giá do xuất khẩu vì không phải nơi nào cũng trồng được, nhưng phù hợp với địa lí nước ta, phù hợp với lao động giản đơn, lao động phụ. Với diện tích nhỏ nhưng nguồn thu không nhỏ. Chỉ cần 1-2000m2 ở quê nhà chúng ta không phải sống cảnh nhà trọ, cơm chợ, áo đường, nhọc nhằn trăn trở. Với nguồn thu từ diện tích trên ta có thể ở nhà xum vầy, nuôi dạy con cái, xây dựng xóm làng.
Tôi có vườn tiều 2000 nọc, trồng từ 1987 đã và đang tồn tại với giải pháp trên. Mỗi năm chúng cho nguồn thu không nhỏ, góp phần đáng kể cho nghiên cứu khoa học.

Bài viết phản ảnh quan điểm cuả tác giả không phải là của caytieuvn

Nguồn: Zing Blog

11/12/15

Hiện Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu qua 100 thị trường khác nhau và chiếm 50% lượng hồ tiêu thương mại của thế giới nhưng nhiều quốc gia đã tỏ ra lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hồ tiêu của Việt Nam.

Đây là ý kiến một số đại biểu tại hội thảo Quản lý chất lượng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu và các mặt hàng gia vị xuất khẩu do Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) và Cục xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương tổ chức hôm nay ngày 9-12, tại TPHCM.

Theo VPA, trong thời gian qua, đã có một số cảnh báo về hồ tiêu Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chỉ dừng ở dạng cảnh báo nhằm tránh tình trạng gia tăng.

Lo ngại một viễn cảnh khi hồ tiêu Việt Nam bị “cấm xuất khẩu vào một thị trường nào đó” và có thể gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung, đẩy giá hồ tiêu tiếp tục tăng, nên tại hội thảo này, các hiệp hội gia vị của châu Âu, Mỹ, Canada đã đến Việt Nam để giới thiệu về những tiêu chuẩn, quy định về hàm lượng các hoạt chất có trong thuốc bảo vệ thực vật cho người trồng hồ tiêu và doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam.

Theo Hiệp hội gia vị châu Âu (ESA), là hiệp hội đại diện cho các ngành gia vị của các nước châu Âu, những yêu cầu pháp lý khi nhập khẩu vào châu Âu gồm các tiêu chí về dư lượng thuốc trừ sâu, các chất gây ô nhiễm, các chất diệt khuẩn... Và mỗi loại đều có những quy định về hàm lượng được phép dùng cho từng gia vị khác nhau, trong đó có hồ tiêu.

ESA cho biết, trong vòng 12 tháng qua đã có hơn 48.000 kết quả về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được công bố rộng rãi. Doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin từ những nguồn này để biết chuyện gì đang xảy ra để không bị ảnh hưởng trong quá trình xuất khẩu.

ESA ủng hộ những tiêu chuẩn sản xuất sạch như GAP, GMP trong quá trình trồng và chế biến hồ tiêu. Để biết thêm những quy định mới liên quan đến hồ tiêu, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu có thể tìm thấy ở trên trang http://ec.europa.eu.

Bà Cheryl Deem, đại diện Hiệp hội thương mại gia vị Mỹ, cho biết, cũng như các nước khác, phía Mỹ cũng có yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm cho các loại gia vị nhập khẩu và nếu không đáp ứng được sẽ bị tái xuất hoặc sẽ bị tiêu hủy.

Tất cả các loại thuốc bảo vệ thực vật được bày bán và sử dụng trên những cây trồng cho sản phẩm xuất khẩu phải đăng ký với Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA), và một điều mà doanh nghiệp xuất khẩu gia vị như hồ tiêu sang Mỹ phải chú ý là Mỹ không có ngưỡng cho phép mặc định, tức là dư lượng thuốc trừ sâu luôn bằng 0. Để tìm hiểu thông tin liên quan, doanh nghiệp có thể truy cập vào trang www.astaspice.org.

Trong thời gian qua, xu hướng người dân sử dụng các loại thuốc trừ sâu ngày càng nhiều mà nguyên nhân là do bệnh trên cây hồ tiêu xuất hiện ngày một tăng. Theo bà Trần Thị Thu Hà từ trường Đại học Nông Lâm Huế, nguyên nhân là do người trồng hồ tiêu đang phải đối diện với bệnh chết nhanh và bệnh chết chậm trên cây hồ tiêu.

Bà Hà cho biết, hiện diện tích bị hai bệnh này khoảng 9.000 héc ta và nguy cơ bệnh nguy hại trên cây hồ tiêu vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh. Vì thế, nếu sắp tới Việt Nam không có cách nào để phòng bệnh thì thiệt hai trên cây hồ tiêu sẽ rất lớn.

Trước vấn đề này, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết đã có những ý kiến cho rằng ngành hồ tiêu Việt Nam nên hướng đến quy trình sản xuất an toàn, bền vững.

Theo ông Nam, ý tưởng trồng tiêu theo hướng bền vững mới xuất hiện vài năm trở lại đây và hiện chỉ dừng lại ở dạng thí điểm. Trong bối cảnh giá hồ tiêu đang cao như lâu nay, việc sản xuất theo hướng bền vững sẽ làm giảm năng suất của vườn tiêu xuống khoảng 50-70%. Đây là phương án khó thuyết phục nông dân.

Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn cho nhiều nước, vì thế, dù muốn hay không, ngành hồ tiêu cũng phải điều chỉnh lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sao cho đáp ứng được những yêu cầu của quốc gia nhập khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 11 tháng của năm nay, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt 124.000 tấn với giá trị 1,18 tỉ đô la Mỹ, giảm hơn 17% về lượng nhưng lại tăng gần 3% giá trị. Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân trong 10 tháng là 9.521 đô la Mỹ/tấn, tăng gần 25% so với cùng kỳ.

Ngọc Hùng
Theo TBKTSG

10/12/15

Một trong những điểm sáng trong xuất khẩu nông sản từ đầu năm đến nay là xuất khẩu hồ tiêu. Trong bối cảnh bức tranh xuất khẩu nông sản nói chung khá ảm đạm và có bước lùi thì trong 11 tháng năm 2015, cả nước xuất khẩu 124 nghìn tấn hồ tiêu, trị giá gần 1,2 tỷ USD, tăng 2,8% về giá trị so năm 2014, đây rõ ràng là một bước tiến đáng ghi nhận. Đặc biệt, hồ tiêu đã trở thành “hiện tượng” khi điệp khúc “được mùa, mất giá” đã không diễn ra.

Tuy nhiên, đằng sau sự tăng trưởng khá ngoạn mục này, không phải không có những mối lo tiềm ẩn. Có ý kiến cho rằng, giá hồ tiêu cao trong thời gian dài là động lực làm bùng nổ diện tích trồng mới, tạo áp lực lên các cây trồng công nghiệp khác như cà-phê, nhất là cao-su khi giá xuống quá thấp. Đã xuất hiện tình trạng trồng hồ tiêu xen trong vườn cà-phê, điều, thậm chí đã manh nha hiện tượng người dân chặt bỏ một số loại cây trồng khác để trồng hồ tiêu, dẫn đến tình trạng vỡ quy hoạch sản xuất hồ tiêu ở nhiều địa phương. Trên thực tế, diện tích trồng hồ tiêu đang tăng “nóng” từng năm: năm 2014 diện tích hồ tiêu tăng 17 nghìn ha so với năm 2013, đạt hơn 85 nghìn ha; năm 2015 mặc dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng dự báo diện tích hồ tiêu cả nước đã vượt con số 100 nghìn ha.

Mặt khác, giá cao, lợi nhuận lớn không chỉ làm gia tăng diện tích vượt quá quy hoạch mà còn xuất hiện tâm lý chạy theo năng suất, dẫn đến việc khai thác tài nguyên quá đà, lạm dụng phân bón, khiến sâu bệnh có chiều hướng lan rộng, cây tiêu mất sức đề kháng, mau suy kiệt. Theo điều tra của cơ quan chuyên môn, hiện có tới tám loại dịch bệnh trên hồ tiêu (thối rễ, xoăn lá, đốm lá đen, đốm lá trắng, đốm rong, rệp bông...), nhưng nguy hiểm nhất là bệnh chết nhanh do nấm Phythopthora và bệnh chết chậm do nấm Fusarium, từng xóa sổ nhiều vùng tiêu ở các tỉnh trọng điểm Tây Nguyên, Đông Nam Bộ… Sâu bệnh nhiều buộc người nông dân phải gia tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), dẫn đến một hệ lụy khá tai hại khác: nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tình trạng dư lượng thuốc BVTV trong hồ tiêu của Việt Nam thời gian qua được các nhà nhập khẩu cảnh báo liên tục. Nếu không có những giải pháp trong thời gian tới thì rất có thể hồ tiêu Việt Nam sẽ khó thâm nhập vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ,...

Không quá hứng khởi với con số tăng trưởng nóng của ngành hồ tiêu, đồng thời nhìn thấu được những nguy cơ đang manh nha này, trong nhiều hội nghị, hội thảo mới đây của ngành, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo và kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn với nhiều giải pháp căn cơ từ quản lý giống, thuốc BVTV… tới việc tăng cường hơn nữa hoạt động khuyến nông, phổ biến quy trình kỹ thuật canh tác bền vững, nhất là vùng trồng hồ tiêu mới, chưa có kinh nghiệm về canh tác, thu hoạch, bảo quản. Ngoài giải pháp mang tính tình thế này, về lâu dài ngành nông nghiệp cần có chiến lược tổng thể phát triển hồ tiêu theo quy hoạch diện tích từng địa phương, từng vùng và có chính sách hỗ trợ, biện pháp đẩy mạnh phát triển vườn tiêu, sản phẩm từ hồ tiêu theo các quy chuẩn khoa học quốc gia và quốc tế về sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Có như vậy, xuất khẩu hồ tiêu mới bền vững và duy trì được đà tăng trưởng cao đã đạt trong những năm qua...


Tâm Thời
www.nhandan.com.vn

6/12/15

Nghiên cứu mới đây các nhà khoa học cho biết, nấm cộng sinh sống ở rễ thực vật có tác động lớn tới carbon khí quyển.
Các vi nấm sống trong rễ cây đóng một vai trò quan trọng trong quá trình lưu giữ và giải phóng carbon từ đất vào khi quyển, theo nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Texas tại Austin, các đồng nghiệp tại trường đại học Boston và viện nghiên cứu Smithsonian Tropical Research Institute cho hay. Vai trò của những nấm này hiện chưa được tính toán đánh giá trong các mô hình khí hậu toàn cầu.

Một số loại nấm ký sinh có thể dẫn tới 70% carbon được lưu giữ thêm trong đất.

“Các trao đổi carbon tự nhiên giữa đất và khí quyển là rất lớn và đóng một vai trò đặc biệt trong việc điều chỉnh nồng độ carbon dioxit trong khí quyển, và tiếp đó là tới khí hậu của Trái Đất”, Colin Averill, tác giả chính của nghiên cứu và là sinh viên tốt nghiệp tại trường Cao đẳng Khoa học tự nhiên tại đại học Texas Austin cho biết. “Phân tính này thiết lập một cách rõ ràng rằng các loại nấm cộng sinh khác nhau định cư ở rễ thực vật gây ảnh hưởng kiểm soát lớn đối với chu trình carbon toàn cầu, mà chưa được đánh giá cao một cách đầy đủ hoặc chứng minh cho đến ngày nay”.

“Nghiên cứu này không chỉ liên quan đến các mô hình và dự đoán nồng độ khí nhà kính trong khí quyển, mà còn thách thức các nền tảng cốt lõi trong sinh hóa địa chất hiện đại, mà trong đó khí hậu thể hiện vai trò kiểm soát chính đối với các bể chứa carbon đất”, Adrien Finzi, đồng nghiên cứu và giáo sư sinh học tại Đại học Boston cho biết.

Phát hiện mới về vai trò của nấm cộng sinh rễ cây với carbon trong khí quyển


Averill, Finzi và Benjamin Turner, một nhà khoa học tại viện nghiên cứu Smithsonian Tropical Research Institute đã trình bày nghiên cứu của họ trong tuần này trên tạp chí Nature.

Đất chứa nhiều carbon hơn cả khí quyển và cây cối cộng lại, vì vậy việc dự báo về khí hậu tương lai phụ thuộc vào một sự hiểu biết về các chu trình carbon giữa đất và không khí.

Thực vật chuyển carbon từ khí quyển trong quá trình quang hợp thành dạng khí carbonic. Cuối cùng, khi cây chết, rụng lá, hoặc các cành gãy… đều bổ sung thêm carbon vào đất. Carbon vẫn bị giữ trong đất cho đến khi tàn tích thực vật bị phân hủy bởi những vi sinh vật đất ăn các xác thực vật và những mảnh vụn hữu cơ khác. Điều này giải phóng carbon trở lại khí quyển.

Một trong các giới hạn đó là cả thực vật và các vi sinh vật đất đều cùng chia sẻ nitơ có sẵn, một chất dinh dưỡng cần thiết cho tất cả các dạng sống. Phần lớn các thực vật có một mối quan hệ cộng sinh với nấm rễ (mycorrhizal fungi), điều này giúp chúng hấp thụ nitơ và các chất dinh dưỡng từ đất và làm nitơ này là có thể sử dụng được cho cây trồng. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy các loài cây và các nấm cộng sinh ở rễ của chúng cạnh tranh với các vi sinh vật đất về nguồn nitơ có sẵn trong đất và rằng cuộc cạnh tranh này làm giảm sự phân hủy trong đất.

Có hai loại nấm cộng sinh chính, loại nấm ecto and ericoid mycorrhizal (EEM) và arbuscular mycorrhizal (AM). Nấm EEM sản xuất các enzyme phân hủy nitơ, điều này cho phép chúng hút nhiều nitơ từ đất hơn so với nấm AM.

Nghiên cứu dữ liệu trên toàn cầu, Averill và các đồng nghiệp của ông phát hiện thấy nơi mà những thực vật là đối tác với nấm EEM, đất chứa nhiều hơn tới 70% carbon/đơn vị ntiơ so với những vị trí mà nấm AM là đối tác.

Nấm EEM cho phép các thực vật cạnh tranh với các vi sinh vật về nguồn nitơ có sẵn, dẫn tới giảm tổng lượng phân hủy và lượng carbon giải phóng trở lại khí quyển thấp hơn.

Nghiên cứu này đang cho thấy, những cái cây và phần mục là thực sự kết nối với những nấm rễ này, và bạn không thể đưa ra các dự đoán chính xác về chu trình carbon tương lai mà thiếu suy tính xem hai nhóm nấm này tác động qua lại như thế nào. Chúng ta cần phải suy nghĩ về những hệ thống này một cách tổng thể.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự khác biệt trong lưu trữ carbon này là độc lập và có tác động lớn hơn so với các nhân tố khác, gồm tổng sinh khối thực vật, nhiệt độ và lượng mưa.
Theo Khoahoc.TV

3/12/15

 Hội nghị thường niên lần thứ 43 do Hiệp hội hồ tiêu quốc tế (IPC) phối hợp với Chính phủ Ấn Độ tổ chức đã diễn ra từ ngày 22-26/11/2015 tại Mysore, bang Karnataka của Ấn Độ.
Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị. (Ảnh: Huy Bình-Đăng Chính/Vietnam+)
Tham dự hội nghị có hơn 250 đại biểu đến từ các nước trồng, chế biến và xuất khẩu càphê hàng đầu thế giới và các nước thành viên IPC, đại diện các hiệp hội gia vị lớn như Hiệp hội Thương mại gia vị Mỹ (ASTA), Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA) và các nhà mua bán xuất nhập khẩu hồ tiêu, gia vị trên toàn thế giới.

Phái đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam dẫn đầu cùng cán bộ các vụ, cục trong bộ, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và 14 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam đã tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã trao đổi rất nhiều chuyên đề về kỹ thuật trồng trọt, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, chế biến bảo quản, xuất nhập khẩu, tình hình tiêu thụ, tình trạng tồn kho, thị trường giá cả, các biện pháp bình ổn thị trường, các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm…

Hồ tiêu của Việt Nam đã xuất khẩu đến 97 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Mỹ, Singapore, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Ấn Độ là những nước nhập khẩu nhiều nhất.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Công Thương Ấn Độ, Ban gia vị, thăm các sàn giao dịch hàng hóa tại thành phố Mumbai và thăm một số trang trại sản xuất hồ tiêu tại Mysore thuộc bang Karnataka.

Tại buổi làm việc với đại diện Bộ Công Thương và Ban gia vị Ấn Độ, hai bên đã trao đổi về cơ hội hợp tác, tăng cường trao đổi thương mại trong lĩnh vực gia vị, đặc biệt là hồ tiêu, phía Chính phủ Ấn Độ cũng bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam thành lập sàn giao dịch hồ tiêu tại Việt Nam./.

Theo Vietnam+
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com