Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

10/12/15

Một trong những điểm sáng trong xuất khẩu nông sản từ đầu năm đến nay là xuất khẩu hồ tiêu. Trong bối cảnh bức tranh xuất khẩu nông sản nói chung khá ảm đạm và có bước lùi thì trong 11 tháng năm 2015, cả nước xuất khẩu 124 nghìn tấn hồ tiêu, trị giá gần 1,2 tỷ USD, tăng 2,8% về giá trị so năm 2014, đây rõ ràng là một bước tiến đáng ghi nhận. Đặc biệt, hồ tiêu đã trở thành “hiện tượng” khi điệp khúc “được mùa, mất giá” đã không diễn ra.

Tuy nhiên, đằng sau sự tăng trưởng khá ngoạn mục này, không phải không có những mối lo tiềm ẩn. Có ý kiến cho rằng, giá hồ tiêu cao trong thời gian dài là động lực làm bùng nổ diện tích trồng mới, tạo áp lực lên các cây trồng công nghiệp khác như cà-phê, nhất là cao-su khi giá xuống quá thấp. Đã xuất hiện tình trạng trồng hồ tiêu xen trong vườn cà-phê, điều, thậm chí đã manh nha hiện tượng người dân chặt bỏ một số loại cây trồng khác để trồng hồ tiêu, dẫn đến tình trạng vỡ quy hoạch sản xuất hồ tiêu ở nhiều địa phương. Trên thực tế, diện tích trồng hồ tiêu đang tăng “nóng” từng năm: năm 2014 diện tích hồ tiêu tăng 17 nghìn ha so với năm 2013, đạt hơn 85 nghìn ha; năm 2015 mặc dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng dự báo diện tích hồ tiêu cả nước đã vượt con số 100 nghìn ha.

Mặt khác, giá cao, lợi nhuận lớn không chỉ làm gia tăng diện tích vượt quá quy hoạch mà còn xuất hiện tâm lý chạy theo năng suất, dẫn đến việc khai thác tài nguyên quá đà, lạm dụng phân bón, khiến sâu bệnh có chiều hướng lan rộng, cây tiêu mất sức đề kháng, mau suy kiệt. Theo điều tra của cơ quan chuyên môn, hiện có tới tám loại dịch bệnh trên hồ tiêu (thối rễ, xoăn lá, đốm lá đen, đốm lá trắng, đốm rong, rệp bông...), nhưng nguy hiểm nhất là bệnh chết nhanh do nấm Phythopthora và bệnh chết chậm do nấm Fusarium, từng xóa sổ nhiều vùng tiêu ở các tỉnh trọng điểm Tây Nguyên, Đông Nam Bộ… Sâu bệnh nhiều buộc người nông dân phải gia tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), dẫn đến một hệ lụy khá tai hại khác: nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tình trạng dư lượng thuốc BVTV trong hồ tiêu của Việt Nam thời gian qua được các nhà nhập khẩu cảnh báo liên tục. Nếu không có những giải pháp trong thời gian tới thì rất có thể hồ tiêu Việt Nam sẽ khó thâm nhập vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ,...

Không quá hứng khởi với con số tăng trưởng nóng của ngành hồ tiêu, đồng thời nhìn thấu được những nguy cơ đang manh nha này, trong nhiều hội nghị, hội thảo mới đây của ngành, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo và kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn với nhiều giải pháp căn cơ từ quản lý giống, thuốc BVTV… tới việc tăng cường hơn nữa hoạt động khuyến nông, phổ biến quy trình kỹ thuật canh tác bền vững, nhất là vùng trồng hồ tiêu mới, chưa có kinh nghiệm về canh tác, thu hoạch, bảo quản. Ngoài giải pháp mang tính tình thế này, về lâu dài ngành nông nghiệp cần có chiến lược tổng thể phát triển hồ tiêu theo quy hoạch diện tích từng địa phương, từng vùng và có chính sách hỗ trợ, biện pháp đẩy mạnh phát triển vườn tiêu, sản phẩm từ hồ tiêu theo các quy chuẩn khoa học quốc gia và quốc tế về sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Có như vậy, xuất khẩu hồ tiêu mới bền vững và duy trì được đà tăng trưởng cao đã đạt trong những năm qua...


Tâm Thời
www.nhandan.com.vn
Categories:

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com