Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

11/12/15

Hiện Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu qua 100 thị trường khác nhau và chiếm 50% lượng hồ tiêu thương mại của thế giới nhưng nhiều quốc gia đã tỏ ra lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hồ tiêu của Việt Nam.

Đây là ý kiến một số đại biểu tại hội thảo Quản lý chất lượng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu và các mặt hàng gia vị xuất khẩu do Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) và Cục xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương tổ chức hôm nay ngày 9-12, tại TPHCM.

Theo VPA, trong thời gian qua, đã có một số cảnh báo về hồ tiêu Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chỉ dừng ở dạng cảnh báo nhằm tránh tình trạng gia tăng.

Lo ngại một viễn cảnh khi hồ tiêu Việt Nam bị “cấm xuất khẩu vào một thị trường nào đó” và có thể gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung, đẩy giá hồ tiêu tiếp tục tăng, nên tại hội thảo này, các hiệp hội gia vị của châu Âu, Mỹ, Canada đã đến Việt Nam để giới thiệu về những tiêu chuẩn, quy định về hàm lượng các hoạt chất có trong thuốc bảo vệ thực vật cho người trồng hồ tiêu và doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam.

Theo Hiệp hội gia vị châu Âu (ESA), là hiệp hội đại diện cho các ngành gia vị của các nước châu Âu, những yêu cầu pháp lý khi nhập khẩu vào châu Âu gồm các tiêu chí về dư lượng thuốc trừ sâu, các chất gây ô nhiễm, các chất diệt khuẩn... Và mỗi loại đều có những quy định về hàm lượng được phép dùng cho từng gia vị khác nhau, trong đó có hồ tiêu.

ESA cho biết, trong vòng 12 tháng qua đã có hơn 48.000 kết quả về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được công bố rộng rãi. Doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin từ những nguồn này để biết chuyện gì đang xảy ra để không bị ảnh hưởng trong quá trình xuất khẩu.

ESA ủng hộ những tiêu chuẩn sản xuất sạch như GAP, GMP trong quá trình trồng và chế biến hồ tiêu. Để biết thêm những quy định mới liên quan đến hồ tiêu, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu có thể tìm thấy ở trên trang http://ec.europa.eu.

Bà Cheryl Deem, đại diện Hiệp hội thương mại gia vị Mỹ, cho biết, cũng như các nước khác, phía Mỹ cũng có yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm cho các loại gia vị nhập khẩu và nếu không đáp ứng được sẽ bị tái xuất hoặc sẽ bị tiêu hủy.

Tất cả các loại thuốc bảo vệ thực vật được bày bán và sử dụng trên những cây trồng cho sản phẩm xuất khẩu phải đăng ký với Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA), và một điều mà doanh nghiệp xuất khẩu gia vị như hồ tiêu sang Mỹ phải chú ý là Mỹ không có ngưỡng cho phép mặc định, tức là dư lượng thuốc trừ sâu luôn bằng 0. Để tìm hiểu thông tin liên quan, doanh nghiệp có thể truy cập vào trang www.astaspice.org.

Trong thời gian qua, xu hướng người dân sử dụng các loại thuốc trừ sâu ngày càng nhiều mà nguyên nhân là do bệnh trên cây hồ tiêu xuất hiện ngày một tăng. Theo bà Trần Thị Thu Hà từ trường Đại học Nông Lâm Huế, nguyên nhân là do người trồng hồ tiêu đang phải đối diện với bệnh chết nhanh và bệnh chết chậm trên cây hồ tiêu.

Bà Hà cho biết, hiện diện tích bị hai bệnh này khoảng 9.000 héc ta và nguy cơ bệnh nguy hại trên cây hồ tiêu vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh. Vì thế, nếu sắp tới Việt Nam không có cách nào để phòng bệnh thì thiệt hai trên cây hồ tiêu sẽ rất lớn.

Trước vấn đề này, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết đã có những ý kiến cho rằng ngành hồ tiêu Việt Nam nên hướng đến quy trình sản xuất an toàn, bền vững.

Theo ông Nam, ý tưởng trồng tiêu theo hướng bền vững mới xuất hiện vài năm trở lại đây và hiện chỉ dừng lại ở dạng thí điểm. Trong bối cảnh giá hồ tiêu đang cao như lâu nay, việc sản xuất theo hướng bền vững sẽ làm giảm năng suất của vườn tiêu xuống khoảng 50-70%. Đây là phương án khó thuyết phục nông dân.

Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn cho nhiều nước, vì thế, dù muốn hay không, ngành hồ tiêu cũng phải điều chỉnh lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sao cho đáp ứng được những yêu cầu của quốc gia nhập khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 11 tháng của năm nay, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt 124.000 tấn với giá trị 1,18 tỉ đô la Mỹ, giảm hơn 17% về lượng nhưng lại tăng gần 3% giá trị. Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân trong 10 tháng là 9.521 đô la Mỹ/tấn, tăng gần 25% so với cùng kỳ.

Ngọc Hùng
Theo TBKTSG
Categories:

2 nhận xét:

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com