Hình: Lê Quang Thái |
Cẩm Mỹ cũng triển khai các dự án cánh đồng lớn liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để sản xuất tiêu an toàn, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá tốt. Chương trình đang thu hút nông dân tham gia vì có nhiều chính sách hỗ trợ cả nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt là sản phẩm sạch luôn được đảm bảo về đầu ra.
Bán giá cao
Ông Nguyễn Văn Quang, nông dân trồng tiêu sạch tại ấp 2, xã Lâm San, chia sẻ: “Theo cách làm truyền thống, nông dân chỉ biết tận thu từ đất, chủ yếu bón phân, sử dụng thuốc hóa học vì ít tốn công mà hiệu quả nhanh. Mười mấy năm trồng tiêu, tôi từng rơi vào cảnh vườn tiêu chết nên dần chuyển hướng sản xuất hữu cơ, ưu tiên sử dụng phân chuồng, thuốc sinh học. Thấy vườn sản xuất sạch, doanh nghiệp lấy mẫu thử nghiệm, đạt chuẩn an toàn nên bao tiêu”. Doanh nghiệp bao tiêu trực tiếp, cân đúng, cân đủ cộng điểm thưởng, 1 kg tiêu sạch cao hơn mặt bằng ngoài thị trường khoảng 16 ngàn đồng. Nhờ đó, vụ tiêu năm ngoái với sản lượng tương đương, ông Quang tăng thêm lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/hécta.
Để tạo điều kiện sớm triển khai các dự án cánh đồng lớn cho cây hồ tiêu, UBND huyện Cẩm Mỹ kiến nghị được hỗ trợ kinh phí xây dựng giao thông nội đồng cho khu vực chuyên canh; hỗ trợ chỉ dẫn địa lý trong xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu xuất khẩu. Tỉnh cần ban hành thủ tục, hồ sơ mẫu cho cánh đồng lớn, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ để doanh nghiệp, nông dân dễ tiếp cận.
Ngoài chương trình nông dân tự ứng dụng quy trình trồng tiêu sạch, địa phương đã hỗ trợ cho một số hộ nông dân làm chứng nhận Global GAP với mục tiêu xây dựng thương hiệu tiêu sạch Cẩm Mỹ. Ông Phạm Xuân Chiên, nông dân có 2,5 hécta tiêu được cấp chứng nhận Global GAP tại ấp 3, xã Lâm San, chia sẻ: “Trước khi địa phương hỗ trợ cấp chứng nhận Global GAP, những năm trước đó tôi đã thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ nên khi chuyển sang làm GAP rất thuận lợi. Chỉ khác là yêu cầu của Global GAP có quy trình chặt chẽ hơn so với nông dân tự làm, nhất là trong việc ghi lại nhật ký sản xuất, giúp quản lý tốt hơn chi phí đầu vào”. Theo ông Chiên, tuy hiện nay tiêu GlobalGAP chỉ được doanh nghiệp thu mua bằng giá tiêu an toàn không có chứng nhận nhưng nhờ sản phẩm có thương hiệu, doanh nghiệp biết tiếng tìm về nhiều hơn và đặt vấn đề bao tiêu chứ không còn cảnh làm tiêu sạch mà không ai biết như trước đó.
Nông dân trồng tiêu an toàn, chủ yếu là thay đổi tập quán sản xuất, như: ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học; bón phân, dùng thuốc đúng liều lượng... Chi phí sản xuất theo hướng sạch cũng chỉ tăng nhẹ so với cách làm truyền thống nhưng cây tiêu phát triển tốt, hạn chế được dịch bệnh, hạt tiêu đạt chất lượng cao.
Doanh nghiệp lo đầu ra
Ông Trần Văn Tánh, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San, cho biết: “Song song với việc chuyển hướng sản xuất theo hướng an toàn, hợp tác xã cũng chủ động tham gia các hội chợ về hồ tiêu để tìm khách hàng. Nhờ đó, doanh nghiệp tìm về tận nơi bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hiện nhiều doanh nghiệp chế biến hoặc xuất khẩu của Ấn Độ, Đức, Nhật Bản... đã tìm đến hợp tác xã đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm”.
Chính hiệu quả thực tế đã thuyết phục đông đảo nông dân đầu tư theo hướng sản xuất an toàn. Hiện hợp tác xã đang xây dựng dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu. Dự án đã có 140 hộ nông dân với diện tích 112 hécta tại các xã: Lâm San, Sông Ray và Xuân Đông đăng ký tham gia. Hợp tác xã Lâm San và Công ty xuất nhập khẩu Petrolimex đã ký kết hợp đồng nguyên tắc cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, trong đó có mức thưởng cho tiêu an toàn có chứng nhận; doanh nghiệp phối hợp với chính sách nông nghiệp của tỉnh hỗ trợ xây dựng vùng tiêu nguyên liệu theo chuẩn Rainforest, GlobalGAP.
Huyện Cẩm Mỹ cũng đang triển khai thêm dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tiêu trên địa bàn xã Bảo Bình, Sông Ray do Công ty cổ phần phát triển sinh học (DONA - TECHNO) làm chủ đầu tư. Phía công ty đã làm việc với các hộ dân, tổ chức các buổi hội thảo để giới thiệu về quy trình trồng, chăm sóc cây, phương án thu mua sản phẩm... Đơn vị kết hợp với Công ty Nedspice (Hà Lan, tại tỉnh Bình Dương) bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Theo Báo Đồng Nai
0 comments:
Đăng nhận xét