Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

30/12/13

Với sản lượng hồ tiêu “khủng”, anh Thắng không những là người đi đầu phong trào xóa đói giảm nghèo mà còn là nhà nông xuất sắc, đạt danh hiệu “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới” do Hiệp hội Hồ tiêu thế giới trao tặng.

“Đệ nhất tiêu”

Người đạt danh hiệu trồng tiêu giỏi nhất thế giới là một nông dân ở Đồng Nai, tên Trần Hữu Thắng, 43 tuổi, Chủ nhiệm Liên hiệp Câu lạc bộ tiêu năng suất cao Phước Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai.
Anh Thắng bên một cây hồ tiêu
Cầm tấm bằng khen trên tay, anh Thắng tâm sự: “Cho tới bây giờ tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng vì tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được giải thưởng cao quý đến như thế. Tôi là một nông dân, suốt ngày gắn bó với ruộng vườn và chỉ biết cố gắng cày cuốc, chăm sóc cây trồng để đạt năng suất cao. Khi biết tôi được nhận giải, rất nhiều bà con trong ấp đã tới nhà chúc mừng”.

Anh Thắng sinh ra tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Năm 1984, anh lặn lội vào Nam kiếm sống. Những ngày đầu đặt chân đến Đồng Nai, anh lang thang tìm việc làm thuê rồi tích góp tiền bạc mở đất trồng cây. Để phát triển kinh tế, anh hùn vốn đầu tư vào trồng ngô và sắn (mì). Nhưng năng suất cao mà lãi thu về không được bao nhiêu. Gần 10 năm gắn bó với ruộng vườn mà không tích góp được gì, anh Thắng quyết định mạo hiểm đầu tư vào trồng tiêu.

Năm đầu tiên, với 3ha diện tích đất trồng tiêu, anh chia thành 3 phần với 3 cách chăm bón khác nhau. Kết thúc 1 năm chăm sóc, diện tích nào đạt hiệu quả cao thì năm tiếp theo anh chọn cách đó. Với sự sáng tạo và tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật, vườn tiêu của anh Thắng luôn xanh tốt.

Năm 2005, Trung tâm khuyến nông huyện Xuân Lộc, Đồng Nai khuyến khích nông dân đưa kỹ thuật mới vào sản xuất. Anh Thắng quyết định sử dụng 20% diện tích đất của mình để thử nghiệm.
Anh Thắng lâng lâng sung sướng bên tấm bằng khen "giỏi nhất thế giới"
Áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nên mỗi vụ thu hoạch, năng suất tiêu bình quân của gia đình anh Thắng luôn đạt từ 7 - 8 tấn/ha. Đặc biệt, vào năm 2010, năng suất tiêu đạt 11 tấn/ha. Tiêu phát triển mạnh, năng suất cao nên mỗi năm gia đình anh Thắng thu về gần 1 tỷ đồng. Từ năm 2006 - 2012, anh Thắng là người trồng tiêu đạt năng suất cao nhất tỉnh Đồng Nai.

Chia sẻ kinh nghiệm

Những ngày này, anh Thắng xuất hiện trên vườn tiêu của mình không chỉ với tư cách là người làm vườn mà còn là người thầy huấn luyện kỹ thuật cho bao nông dân khác. Là người đi lên từ hai bàn tay trắng nên anh Thắng luôn hiểu rõ sự vất vả của nhà nông. Để giúp những người đồng nghiệp, anh luôn tận tâm chia sẻ, hướng dẫn cụ thể.

Khi anh được Hiệp hội Hồ tiêu thế giới trao tặng giải thưởng “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới” cũng là lúc người trồng tiêu trên khắp mọi miền đất nước tìm về để được anh hướng dẫn cách làm giàu.

Anh chia sẻ kinh nghiệm: “Ngoài sự cần cù trong chăm sóc thì người trồng cây còn phải nắm được quy trình, sinh lý của cây. Có như vậy thì mới có thể tìm ra cách chăm bón phù hợp nhất”.

Với những thành quả đạt được trong lao động sản xuất, nhiều năm liền anh Thắng chiếm vị trí đạt sản lượng tiêu cao nhất tỉnh Đồng Nai. Năm 2010, anh được UBND tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen vì sự nghiệp vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2007 - 2010; Năm 2011, UBND tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình phát triển cây trồng vật nuôi chủ lực. Đặc biệt, ngày 18/04/2013, anh Thắng được Hiệp hội Hồ tiêu thế giới phối hợp với Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương Việt Nam trao bằng khen “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới”.

Ông Phan Thanh Xứng, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ, cho biết, anh Thắng là nông dân điển hình phát triển kinh tế. Là nông dân đi đầu trong phong trào áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần xóa đói giảm nghèo. Thành tích “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới” không chỉ làm rạng danh gia đình anh Thắng mà còn là niềm tự hào của cả xã, niềm vinh dự cho cả nước nhà”.
Minh Hậu
Theo: Dân Trí
Hình minh hoạ
Các báo cáo đều cho thấy giá tiêu kỳ hạn có xu hướng ổn định và dễ dàng hơn tuần trước do nhu cầu và áp lực bán yếu vào đầu tuần trước.

Giá tiêu giao ngay được thương nhân mua trực tiếp từ người trồng với giá 500 – 505 Rupi/kg trên cơ sở tiền mặt và tự chuyển hàng đi.

Trên thị trường quốc tế, giá tiêu của tất cả các nguồn gốc được báo cáo vững chắc hơn.

Đồng thời, có báo cáo từ các huyện Pathanamthitta, Kollam và Kottayam của bang Kerala và các vùng của bang Karnataka cho biết nhu cầu tiêu xanh và tiêu non hiện là rất cao.

Trên sàn NMCE tuần trước, hợp đồng tháng Giêng và tháng Hai giảm 579 Rupi và 614 Rupi tương ứng 53.001 Rupi/tạ và 53.111 Rupi/tạ (tương đương 8.553 USD/tấn và 8.571 USD/tấn), vào hôm thứ Bảy. Doanh thu tăng 33 tấn lên 91 tấn trong khi hợp đồng mở tăng 10 tấn lên 22 tấn. ( 1 USD = 61,9695 Rupi )

Trên sàn IPSTA, hợp đồng tháng Giêng và tháng Hai giảm 595 Rupi và 560 Rupi, đóng cửa ở mức 53.000 Rupi/tạ và 52.009 Rupi/tạ (tương đương 8.553 USD/tấn và 8.393 USD/tấn).

Giá giao ngay giảm 700 Rupi xuống 49.900 Rupi/tạ (tương đương 8.052 USD/tấn) cho loại tiêu xô và 51,900 Rupi/tạ (tương đương 8.375 USD/tấn) cho loại tiêu chọn, do các hoạt động rất hạn chế.

Trong bối cảnh toàn cầu, thị trường tuần trước cho thấy một xu hướng hỗn hợp. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), ở Indonesia, Malaysia và Sri Lanka, giá đã tăng thêm, trong khi ở Ấn Độ xu hướng giá đang có sự suy giảm.

Hạt tiêu trắng tại Bangka và hạt tiêu đen ở Sri Lanka được ghi nhận đã gia tăng cao hơn 3 % mỗi loại.

Tại Việt Nam, giá hạt tiêu đen giảm nhẹ, tuy giá trung bình vẫn còn cao hơn 1 % so với tuần trước đó.

Trường hợp của hạt tiêu trắng Việt Nam, giá đã tăng 3 %. Tại Sri Lanka cũng được ghi nhận giá  tăng 3 %.

Trong năm nay, tổng nhập khẩu của Mỹ hiện đang ở mức 59.592 tấn, bao gồm 42.584 tấn tiêu đen, 5.015 tấn tiêu trắng và 11.993 tấn tiêu xay. Về hạt tiêu trắng, từ hai nước Indonesia và Việt Nam chiếm ưu thế với khoảng 93 %.

Nhập khẩu của Mỹ năm nay có thể vượt 70.000 tấn, báo cáo cho biết thêm.
Nguồn: Gia tieu
Giá tiêu đang ở mức cao kỷ lục hơn 170.000 đồng/kg khiến người nông dân rất hồ hởi. Hồ tiêu được xem là điểm sáng của ngành nông nghiệp khi xuất khẩu tăng trưởng tốt và người trồng tiêu có lợi nhuận cao.

 Lợi nhuận thuộc về người trồng tiêu 

Anh Nguyễn Xuân Tuyển có 2ha trồng tiêu ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, cho biết giá tiêu mấy tháng nay liên tục tăng, hiện đã lên mức 170.000 đồng/tấn, cao nhất từ trước đến nay. Với mức giá này, tùy năng suất từng nơi, nông dân đang có lãi từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha. “Năng suất vườn tiêu nhà tôi năm nay ước đạt khoảng 4 tấn. Với giá bán 170.000 đồng/kg hiện nay, sau khi trừ chi phí, tôi sẽ còn lãi hơn 550 triệu đồng”- anh Tuyển vui vẻ tính toán.
Đại diện Công ty Unispice đang hướng dẫn cho bà con cách công ty kiểm tra chất lượng sản phẩm khi thu mua.
Một trong 3 người trồng tiêu ở Việt Nam đạt danh hiệu Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới, anh Trần Hữu Thắng ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, cho biết năng suất vụ tiêu năm nay ở vườn nhà anh có thể đạt 10 - 11 tấn/ha. Với giá bán hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình anh sẽ có lãi hơn 1,5 tỷ đồng/ha.

Bà Đặng Phan Phương Chi- Phó Tổng Giám đốc Công ty Unispice (liên doanh với Ấn Độ) cho biết không chỉ công ty của bà mà các bạn hàng thế giới đều tỏ ra kinh ngạc trước năng suất trồng tiêu cao gấp 3 đến 10 lần thế giới (năng suất trồng tiêu của thế giới tối đa là 1 tấn/ha) và khả năng nắm bắt thông tin thị trường nhanh nhạy của nông dân trồng tiêu Việt Nam.

“Chỉ cần giá thế giới lên xuống trong vòng 10 phút là nông dân Việt Nam biết hết và họ chủ động găm hàng lại hay bán ra, điều tiết giá cả của thị trường trong nước lẫn nước ngoài. Bởi hiện Việt Nam đang chiếm đến 50% lượng tiêu xuất khẩu toàn cầu nên họ hoàn toàn có thể làm được điều này” – bà Chi phân tích.

“Có thể nói đây là ngành hiếm hoi trong nền nông nghiệp nước nhà khi mà thu nhập và lợi nhuận chủ yếu thuộc về người trồng tiêu. Các doanh nghiệp chỉ đóng vai trò là người lưu thông, phân phối hàng hóa, còn giá cả thị trường là do nông dân quyết định” - ông Trần Đức Tụng - Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nhận xét.

Doanh nghiệp "bắt tay" với nông dân 

Mặc dù có lợi thế cạnh tranh vượt trội về sản lượng và số lượng xuất khẩu, nhưng hồ tiêu VN vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như sản xuất thiếu bền vững, chưa kiểm soát được tình hình dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thế giới, 70% xuất khẩu chủ yếu qua trung gian, phần lớn là xuất thô và chưa có thương hiệu…
Cả 2 Công ty An Huy B.T và Unispice đều cho biết họ sẽ có mức thưởng thêm 1.000 đồng/kg cho những sản phẩm tiêu đạt chất lượng. Và theo bà Đặng Phan Phương Chi- Phó Tổng Giám đốc Công ty Unispice, công ty đang nghiên cứu thành lập các phân chi nhánh ở các vùng trồng tiêu trọng điểm để tổ chức thu mua trực tiếp tiêu của bà con vào mùa thu hoạch.
“Nhiều đơn hàng của Việt Nam trong năm nay bị đối tác trả về do bị nhiễm dư lượng hóa chất Carbendazim từ thuốc diệt nấm. Chính vì thế chúng tôi cần truy xuất nguồn gốc từng lô hàng để kịp thời có biện pháp ngăn chặn. Và giải pháp hữu hiệu nhất là phải xuống tận gốc nơi nông dân trồng tiêu để truyền đạt lại những yêu cầu chất lượng sản phẩm mà thế giới đặt ra và đặt hàng, tổ chức thu mua sản phẩm cho bà con” – bà Vương Ngọc Bích- Tổng Giám đốc Công ty An Huy B.T cho biết.

Nắm bắt nhu cầu đó, ngày 26.11, VPA đã tổ chức cho 2 Công ty Unispice và An Huy B.T xuống gặp hơn 120 nông dân trồng tiêu của xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lữ, tỉnh Đồng Nai để 2 bên kết nối với nhau.

Ông Trần Hữu Thắng- Chủ nhiệm Liên hiệp CLB trồng tiêu năng suất cao (gồm 6 CLB với 240 hộ trồng tiêu tham gia trên diện tích 280ha), cho biết đây cũng là mục tiêu và hướng phát triển mà nông dân trồng tiêu xã Xuân Thọ muốn hướng tới. “Từ lâu chúng tôi đã muốn mời doanh nghiệp xuống để cùng bàn bạc, tổ chức mua tận gốc, bán tận ngọn, bỏ qua các tầng nấc trung gian để tăng giá bán cho bà con. Sau đó là tiến tới thỏa thuận, ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định, bền vững” – ông Thắng lý giải.

Ông Thắng khẳng định tiêu của các thành viên của Liên hiệp CLB nói chung và xã Xuân Thọ nói riêng không có sử dụng thuốc Carbendazim để trừ nấm. Bởi từ mấy năm nay, bà con đã hướng tới sản xuất sạch, bớt phân vô cơ, tăng cường bón phân hữu cơ và sử dụng thuốc vi sinh để diệt trừ sâu bệnh.

Theo: Ngọc Minh
Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong 6 tỉnh trồng tiêu trọng điểm, là tỉnh đầu tiên thành lập Hội, xây dựng Thương hiệu và đăng ký Nguồn gốc xuất xứ hồ tiêu trong phạm vi toàn tỉnh.
Đoàn khách Hiệp hội hồ tiêu Quốc tế (IPC) tham quan vườn hồ tiêu Bà Rịa – Vũng Tàu

Hơn hai năm qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiên trì thực hiện đồng thời việc Thành lập Hội, xây dựng Thương hiệu và đăng ký Nguồn gốc xuất xứ “Hồ tiêu Bà Rịa – Vũng Tàu”. Đến nay các chương trình, dự án đang vào giai đoạn hoàn tất về tổ chức và các văn bản pháp lý.

Được sự chỉ đạo, hỗ trợ của lãnh đạo Tỉnh, sở Nông nghiệp & PTNT cùng các sở, phòng, ban chuyên môn đã phối hợp đồng bộ thực hiện dự án ; trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, công ty Sở hữu trí tuệ Invenco (Hà Nội) là đơn vị tư vấn và các nhà quản lý kinh doanh, các  nhà khoa học nông nghiệp đến từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam,  viện KHNN Miền Nam đã tham gia hội thảo, phản biện đóng góp. 
Đoàn khách Hiệp hội Hồ tiêu Indonesia tham quan vườn hồ tiêu

Trong bối cảnh hội nhập thương mại quốc tế, yêu cầu việc xây dựng và sở hữu thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê và sắp tới có thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ Hồ tiêu Bà Rịa – Vũng Tàu, cùng các tỉnh trồng tiêu trọng điểm, hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam phải có thương hiệu quốc gia cùng với các nhãn hiệu, địa danh để truy xuất nguồn gốc xuất xứ là hết sức cấp thiết.

Nguồn: Theo VPA

Những năm 90 của thế kỷ 20, cây tiêu trên đất Đức Linh bị dịch bệnh chết hàng loạt, cộng với giá tiêu giảm sút, nhiều nhà vườn đã bỏ cây tiêu chuyển sang trồng cây cao su, ca cao, cà phê… Mới đây, nhiều nông dân đã quay lại trồng tiêu giống mới cũng như áp dụng các bước phòng trừ bệnh tiêu và đã đạt hiệu quả kinh tế cao. Năm 2013, toàn huyện Đức Linh trồng 67 ha tiêu, nâng tổng diện tích cây tiêu toàn huyện lên gần 1.000 ha.
Ông Đỗ Dương đang chăm sóc vườn tiêu của mình

Chúng tôi đến xã Đức Hạnh, một trong những địa phương của huyện Đức Linh có nhiều diện tích hồ tiêu trong những năm gần đây. Những người nông dân trồng tiêu trong xã không giấu được niềm vui khi giá tiêu liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Hiện giá tiêu hạt đang ở mức 170.000 đồng/kg, tăng khoảng 50.000 đồng/kg so năm ngoái, nên người nông dân trồng tiêu có lãi lớn.  Đến thăm vườn tiêu của ông Đỗ Dương - ở thôn 4 xã Đức Hạnh, ông cho biết: Trước đây, tôi trồng cà phê nhưng hiệu quả kinh tế thấp nên tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng tiêu. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật đã được tập huấn và học hỏi thêm kinh nghiệm trồng tiêu qua sách báo, nên vườn tiêu của tôi luôn cho năng suất cao. Cứ 1 ha tiêu cho năng suất bình quân 5 tấn tiêu hạt. Cũng theo ông Dương, trước khi trồng tiêu ông đã thuê người làm đất. Với cách trồng mới, không trồng tiêu với trụ gạch mà trồng trên thân cây sống, vừa tiết kiệm chi phí, diện tích, cây tiêu được che bóng mát và cho năng suất cao. Ông Dương lưu ý, trồng tiêu không được để tiêu ngập úng, tiêu sẽ chết nhanh. Cần phải theo dõi thường xuyên và luôn phòng ngừa bệnh cho cây tiêu. Với giá tiêu hiện nay, có trong tay 3,5 ha tiêu, trong đó có 2 ha đã thu hoạch, sau khi trừ chi phí mỗi năm ông thu lãi khoảng 350 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn thu nhập thêm vài chục triệu đồng từ nguồn bán dây tiêu giống.

Ông Đàm Văn Lượm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hạnh cho biết: Tổng diện tích cây tiêu toàn xã hiện nay khoảng 150 ha với hơn 200 hộ trồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Từ đó, đời sống của người dân trong xã được cải thiện đáng kể, đặc biệt nhiều hộ dân từ hoàn cảnh khó khăn nhưng mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng tiêu, nay đã đã vươn lên làm giàu. Nhận thấy cây tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân không ngại đóng góp hơn 5 tỷ đồng để đưa mạng lưới điện quốc gia vào khu sản xuất tiêu để đảm bảo hệ thống tưới tiêu. Để cây tiêu phát triển bền vững, Trung tâm Khuyến nông huyện đang hỗ trợ kỹ thuật để người dân áp dụng mô hình mới, đó là trồng tiêu giống ghép kháng bệnh chết nhanh, chống ngập úng với phần gốc là tiêu rừng Amazon - Nam Mỹ ghép với phần thân là giống tiêu Ấn Độ. Đồng thời, sẽ hướng dẫn bà con sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trên cây tiêu. Thời gian tới, xã Đức Hạnh sẽ quy hoạch vùng tiêu và thành lập tổ hợp tác sản xuất tiêu thụ tiêu, phát triển cây tiêu theo hướng hàng hóa xuất khẩu.

Thanh Thủy

29/12/13

- Vừa hết mùa mưa, nắng lên là tiêu đã bắt đầu đổ vàng, rụng lá rồi chết. Nhiều hộ đang khấm khá bỗng thành tay trắng, ôm thêm đống nợ khổng lồ. “Xót lắm chú ơi” -ông Bùi Văn Khánh, thôn 5, xã Ia Pal (Chư Sê, Gia Lai) than thở dẫn chúng tôi thăm vườn tiêu nhà ông. Bắt đầu trồng tiêu từ năm 2.000, gia đình ông Khánh có hơn 2.000 trụ, nhưng hiện đã chết gần hết, chỉ còn mấy trăm trụ. Oái ăm ở chỗ là chỉ một thời gian nữa thôi là tiêu cho thu hoạch, tiền đầu tư cả năm cũng bị mất, nợ tiền đầu tư phân bón, thuốc ở đại lý là không thể tránh khỏi. Cùng chung cảnh ngộ với ông Khánh, ở thôn 5 của ông có 128 hộ thì hộ nào cũng có tiêu chết vài chục trụ, nhiều thì vài trăm trụ.
Bà Trần Thị Lan (Ia Hrú, Chư Pưh) bên đống dây tiêu chết trong vườn.
Theo thống kê của Trưởng thôn 5, xã Ia Pal Vũ Văn Quyến, cả thôn có khoảng 50ha tiêu (99.000 trụ), cuối tháng 11 vừa rồi đã có hơn 10.000 trụ tiêu chết, bây giờ đã lên đến hơn 12.000 trụ và tiêu vẫn đang tiếp tục bị chết.

Điều đáng nói ở đây là việc nhiều hộ dân trồng tiêu thì mờ mắt trước lợi nhuận của cây hồ tiêu mang lại (hiện giá vào khoảng 175.000 đồng/kg) đã vay tiền ngân hàng để đầu tư trồng, giờ tiêu chết không biết lấy gì để trả nợ. Như thôn 5, xã Ia Pan thì hầu như 100% số hộ vay tiền ngân hàng. Hộ vay ít thì tầm 40-50 triệu đồng như anh Bùi Văn Thinh, anh Nguyễn Ngọc Ngân, nhiều thì phải kể đến anh Nguyễn Văn Phương vay 200 triệu đồng để đầu tư trồng tiêu. Anh Phương đầu tư trồng 3 vườn, gần 4.000 trụ thì đã chết trắng 1 vườn khoảng 600 trụ.
Bình quân tiền đầu tư 1ha hồ tiêu từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 700 triệu đồng thì số tiền thiệt hại của người dân trồng tiêu ở Gia Lai vào khoảng 500 tỷ đồng.
Khó khăn phải nói đến hộ anh Bùi Văn Thinh, hai vợ chồng trẻ, con còn nhỏ, tích cóp vay ngân hàng 50 triệu đồng để trồng thì nay chẳng còn trụ nào. Bao nhiêu tiền tích cóp mấy năm qua đổ vào đầu tư phút chốc tan biến, trở thành trắng tay. Cũng đang lo vì khoản nợ 70 triệu đồng vay của ngân hàng, bà Trần Thị Lan than: “Tiêu chết thiệt thì thiệt rồi, chúng tôi mong ngân hàng thư thả cho chúng tôi để có điều kiện trả nợ dần”.

Tính đến ngày 21.11 theo báo cáo của Sở NNPTNT Gia Lai, tiêu chết nhiều thuộc về các huyện Chư Pưh 54,3ha, Chư Prông 94ha, Chư Sê 74ha, Đức Cơ 30ha… nhưng con số trên đã trở nên quá lạc hậu khi tiêu chết đồng loạt mới đây. Theo kết quả thống kê mới nhất của Phòng NNPTNT huyện Chư Pưh thì toàn huyện đã có 87ha tiêu bị chết. Chỉ tính riêng 4 huyện trên thì con số lên đến hàng trăm ha, nếu tính cả tỉnh Gia Lai thì con số lớn hơn rất nhiều. Hiện Sở đang tiến hành kiểm tra, thống kê kết quả tiêu chết trên địa bàn. Bình quân tiền đầu tư 1ha hồ tiêu từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 700 triệu đồng thì số tiền thiệt hại của người dân trồng tiêu ở Gia Lai vào khoảng 500 tỷ đồng.
Quốc Dinh
Theo Dân Việt

Giá tiêu hiện ở mức khoảng 130.000-150.000 đồng/kg, tùy loại. Theo dự báo, giá tiêu có thể tăng thêm, bởi nhu cầu thế giới tăng, trong khi sản lượng tiêu ở các nước như Indonesia, Ấn Độ… đều giảm. Thế nhưng, niềm vui của người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh không được trọn vẹn bởi điệp khúc “được giá- mất mùa”.
Một vườn tiêu ở xã Tân Giao (huyện Châu Đức) chết trắng vì kỹ thuật trồng và chăm sóc không đúng
Nhìn đợt tiêu chín bói đầu vụ mà gia đình vừa hái xong, anh Nguyễn Hải ở Tân Long, huyện Châu Đức cho biết: Tiêu vừa hái xuống đã có người đến đặt hàng với mức giá 130.000 đồng/kg. Nếu như tiêu giữ ở mức giá này thì vườn tiêu gần 1ha của gia đình anh trong vụ tiêu này đã thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình anh vẫn chưa bán mà đang cất chờ giá cao hơn. Cũng theo anh Hải và các hộ trồng tiêu ở huyện Châu Đức, nếu vườn tiêu không bị chết vì bệnh, úng nước và chăm sóc tốt thì vụ tiêu 2013-2014 sẽ thu được lợi nhuận rất cao, nhưng đa số người trồng tiêu đang gặp cảnh được giá lại mất mùa.

Nhận định về giá hạt tiêu, Chi cục Phát triển nông thôn BR-VT cho biết, trong các loại cây nông sản thì tiêu có giá trị cao nhất, giá luôn ở mức cao. Toàn tỉnh hiện có hơn 7.500ha tiêu và đây là mặt hàng nông sản có lượng xuất khẩu khá lớn (khoảng 7.000 tấn/năm). Thế nhưng, những năm gần dây sản lượng tiêu thu hoạch của người nông dân đang giảm dần bởi các yếu tố về thời tiết và dịch bệnh.

Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Đức, Châu Đức là địa phương có diện tích trồng tiêu lớn nhất tỉnh với khoảng 5.000ha, tập trung tại các xã Kim Long, Bình Ba, Bình Trung, Tân Giao… Những năm gần đây, việc trồng tiêu của người nông dân gặp khó khăn. Đặc biệt là vào mùa mưa khi độ ẩm đất cao và đọng nước đã làm cây tiêu chết nhanh vì bị nhiễm nấm ở rễ hoặc chết vì úng nước. Khi tiêu nhiễm nấm chết rất nhanh. Những cây không chết thì năng suất giảm. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp đã cùng bà con nông dân khảo sát, nghiên cứu các giải pháp khắc phục nhưng vẫn không khả quan. Nhiều vườn tiêu vẫn tiếp tục bị vàng lá và giảm năng suất. Theo ghi nhận của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Đức, tình hình dịch bệnh trên cây tiêu năm nay xuất hiện sớm hơn những năm trước. Từ tháng 7 và tháng 8 -2013 đã xuất hiện những đợt mưa lớn và dồn dập nên kéo theo dịch bệnh của cây tiêu xuất hiện sớm làm 30ha tiêu chết. Diện tích đang cho thu hoạch thì năng suất giảm 40%.
Một trụ tiêu cao 6m của chị Võ Thị Thúy bị chết do nhiễm bệnh.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn BR-VT, việc trồng tiêu trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là tự phát. Những vườn tiêu được trồng khoa học, có sự tư vấn của cơ quan chuyên môn còn rất ít. Ngoài ra, việc chọn lọc và cải tạo giống ít được quan tâm, người trồng tiêu vẫn chọn giống theo kinh nghiệm dẫn đến năng suất thấp và dễ nhiễm bệnh.

Vừa qua, nhằm giúp bà con khống chế dịch bệnh trên cây tiêu, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Đức đã phối hợp với Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn tổ chức hội thảo phòng bệnh cho cây tiêu. Theo các kỹ sư của Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn, hiện tượng tiêu chết, mất mùa có nhiều yếu tố, trong đó mưa nhiều là yếu tố bất lợi nhất. Mặt khác, việc trồng tiêu đang diễn ra tự phát mà không tuân theo các kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật phù hợp cũng dễ dẫn đến tiêu chết và giảm năng suất. Để hạn chế tiêu chết vì dịch bệnh, các chủ vườn phải tuân thủ theo khuyến cáo của các nhà khoa học trong chăm sóc cũng như phòng trừ dịch bệnh, nếu không tình trạng tiêu chết sẽ không khắc phục được.

Bài, ảnh: Quang Nguyễn


Để xúc tiến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hồ tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở NN&PTNT tỉnh vừa có quyết định thành lập Ban vận động thành lập Hội Hồ tiêu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, gồm 7 thành viên.
Hình minh hoạ

Trước mắt, Ban vận động phối hợp cùng chính quyền và Hội Nông dân  của 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc - địa bàn trọng điểm sản xuất hồ tiêu của tỉnh, vận động những nông dân trồng tiêu có diện tích từ 0,5ha trở lên, có sản lượng hồ tiêu tối thiểu 2 tấn/năm; các doanh nghiệp, công ty, cơ sở chế biến, tiêu thụ hồ tiêu trên địa bàn tham gia vào Hội Hồ tiêu tỉnh.

Được biết, Bà Rịa – Vũng Tàu là 1 trong 6 địa phương trồng tiêu trọng điểm của cả nước với diện tích trồng hồ tiêu khoảng 7.500ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và Tân Thành. Thời gian qua, tỉnh đang từng bước vận động thành lập Hội Hồ tiêu và xây dựng thương hiệu, đăng ký nguồn gốc xuất xứ “Hồ tiêu Bà Rịa – Vũng Tàu”.


Lam Giang
Theo baobariavungtau.com.vn

Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Tuy nhiên, để giữ vững được vị trí này, hướng đi tất yếu là sản xuất hồ tiêu theo GAP cho những vùng trồng tiêu trọng điểm.

Ảnh: VGP/Lê Anh
Mặt khác cần tích cực và kiên trì giải quyết một loạt các mối quan hệ từ sản xuất, chế biến đến thương mại nhằm phát triển bền vững về quy mô, năng suất, chất lượng hồ tiêu.

Đó là ý kiến thống nhất của nhiều đại biểu khi tham gia Hội nghị phát triển Hồ tiêu bền vững năm 2013 do  Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức, ngày 18/10, tại TPHCM.

Trong 9 tháng đầu năm 2013, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu đạt 748 triệu USD, tăng 17,3% so với cũng kỳ năm 2012, tuy nhiên mức tăng này chủ yếu là do lượng xuất khẩu tăng mạnh, bù đắp phần giảm do giá.

Theo đánh giá của các đại biểu, sản lượng hồ tiêu trong cả nước, hằng năm dành cho xuất khẩu tới 95%, hiện nay mặc dù giá trị xuất khẩu tăng cao, nhưng về lâu dài, vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn.

Theo quy hoạch phát triển ngành Hồ tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn  đến năm 2030 thì sản xuất ổn định ở mức 50.000 ha, sản lượng xuất khẩu đến năm 2020 là 140.000 tấn hạt tiêu. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, cây hồ tiêu được trồng trên 21 tỉnh, tập trung chủ yếu ở ba vùng: Đông Nam Bộ 26.810 ha, Tây Nguyên 22.860 ha và Duyên hải Miền Trung 6.410 ha, đã vượt quá diện tích quy hoạch

Do phát triển nhanh vượt quy hoạch nên việc tuân thủ các quy trình sản xuất hồ tiêu chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, qua đó sẽ tác động đến thị trường tiêu thụ về lâu dài.

TS. Đỗ Trung Bình, Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam, cho rằng cần áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, khuyến cáo nông dân hạn chế mở rộng diện tích nơi điều kiện tự nhiên không phù hợp để giảm thiểu khả năng sâu bệnh, chuyển từ phát triển về số lượng sang chất lượng, chọn giống tốt, sạch bệnh, năng suất cao, sản xuất theo quy trình GAP xu hướng bền vững hữu cơ.

Một số mô hình sản xuất hồ  tiêu theo GAP như ở Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã đáp ứng tốt nhu cầu về chất lượng hạt tiêu đen xuất khẩu, không sâu mọt, nấm mốc và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng quy định. Những mô hình này cần được nhanh chóng nhân rộng.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý, sớm đưa vào thực hiện từ sản xuất đến xuất khẩu tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ thương mại và hội nhập quốc tế.



Lê Anh
Theo chinhphu.vn


18/12/13

Phần 4: Tiêu già cỗi

Lúc này cây chỉ tập trung hoàn toàn vào sinh thực. Cây không phát lươn gốc. cũng không phát đọt non. Lá tiêu thường quăn lại, teo nhỏ như tiêu điên. Có cho chuỗi năng suất cũng rất thấp. Lúc này bà con nên tính tới đường thay thế vườn tiêu già cỗi.

Dấu hiệu cho ta biết tiêu cỗi ban đầu là 2 năm trúng 1 năm thất. Sau đó tăng dần lên 1 năm trúng 1 năm không có trái. Cuối cùng là cây trái rất ít, chuỗi ngắn ngủn, có khi không cho trái nữa.Với những cây tiêu này nó rất ít bị bệnh. Do mạch dẫn của nó chai lì như mạch gỗ, không có con gì muốn gặm. Chính bản thân ta cũng không muốn chăm sóc nó, ít chăm bón. Thế mà cây không hề bị chết nhanh gì cả?

Đa phần nguyên nhân cây chết là do tự bản thân ta. Vì quá chạy theo năng suất bón nhiều phân vô cơ, hóa học, lại lo bệnh này nọ… xịt vô số loại thuốc cho nó. Làm tổn hại đất, tổn hại cây. Đất pH quá thấp không còn phù hợp, cây kém phát triển.

Hồ tiêu là cây công nghiệp dài ngày, nếu cây nào không có năng suất thì nên thay thế. Tiêu già cỗi, tiêu kém năng suất đều không có kinh tế. Đau đớn nhất chính là mình trồng trúng giống kém chất lượng.

Vì thế khi bắt đầu trồng tiêu bà con nên lựa chọn giống cẩn thận. Hiểu rõ đặc tính giống đó, thì chăm sóc hồ tiêu mới trãi nghiệm được cảm giác tiêu chết già là thế nào.

Tôi mong bà con mình trồng hồ tiêu thế này: Chỉ có mình cho phép thì nó mới được chết, nó chưa được phép của mình, thì nó không được chết. Tôi chỉ cho nó chết già, hoặc tôi không ưng ý nó là cho nó đi ngay từ ban đầu. Quan sát cây để phán đoán nên trị hay nên bỏ, sẽ giúp vườn sạch bệnh mà đỡ tốn kém.
Khi thay thế vườn tiêu đã canh tác già cỗi, quan trọng nhất vẫn là khâu xử lý đất. Việc trồng mới trên đất tái canh là rất khó khăn.
Hình minh hoạ
Tôi thường xử lý đất tái canh như sau: Tháo bỏ cây tiêu già cỗi xuống. Trụ chết thì đốt ngay tại chỗ, còn trụ sống kéo ra xa 1 chút, khoảng 0,5 m tránh cháy trụ.Việc đốt như thế giúp khử trùng nấm bệnh, ngoài ra lượng tro nó trả lại cho đất rất giàu Kali. Bao nhiêu năm lấy dinh dưỡng của đất, thì thân xác ấy giờ đây trả lại cho đất mẹ. Trở về với cát bụi, để chuẩn bị cho một cây mới sức sống mãnh liệt hơn.

Tiếp theo ta cần đào hố phơi ải. Đào như thế nào để qua tầng đất cỗi. Vùng đất đó bao nhiêu năm không được cày xới. Do nó chịu sức hút của lực hấp dẫn, các phần tử đất nhỏ sẽ lặn xuống khoảng 20-50 cm kết dính lại. Đất cứng như đất thép Củ Chi.

Ở vườn tiêu kinh doanh, đây chính là nguyên nhân làm tiêu bị úng nước chết mà ta không hề hay biết. Nhìn mưa xong thấy đất ráo nước, nhưng thực chất nước bị ứ lại ở tầng này. Với cây tiêu chỉ cần 24- 48 giờ úng nước là rễ có thể bị thối, lúc này nấm Fusarium, Phytopthora… tha hồ mà xâm nhập theo vết thương. Thời gian ủ bệnh 1-2 tháng sau đó phát bệnh ra lá cho ta thấy. Lúc này có chữa trị bằng nhiều cách cũng không hiệu quả, mọi thứ giờ đây đã là quá muộn.

Do đó hệ thống rút nước tốt là yếu tố rất quan trọng trong canh tác hồ tiêu. Có nhiều nhà vườn không đào hệ thống rút nước nhưng vẫn không hề bệnh tật, vì họ biết bảo vệ vi sinh vật có lợi làm đất thông thoáng.
Nếu hàng năm, bà con đào qua tầng khó rút nước này, dùng nhiều phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma để đất tơi xốp, thì vườn sẽ rất ít bệnh tật. Kỹ thuật này rất hữu ích.

Cây hồ tiêu là cây công nghiệp cần độ mùn hữu cơ rất dày. Khi đào hố phơi ải bà con xịt các loại thuốc gốc đồng để khử trùng đất. Sau 1 tháng kiểm tra độ pH bón vôi và phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma. Nhờ Trichoderma xử lý phần rễ còn lại nằm trong đất.




















Phương pháp này áp dụng cho cây tiêu bị chết cũng rất hiệu quả.Với cây trụ sống hố trồng cách xa trụ ra 1 chút, khi trồng cho lên trụ giả, sau đó đôn vào. Lúc này tiêu chiết trồng cho những trụ sống to là rất hiệu nghiệm. Giống như ta hóa phép cho đất đang cỗi trở nên màu mỡ lại, cây tiêu già thành cây tiêu tơ.

Tôi rất ít khi trồng lại tiêu lươn trên nền đất cũ, hoặc tiêu ác trồng trực tiếp. Mà thường sử dụng tiêu chiết hoặc tiêu trồng qua mùa khô cho ra ác, sau đó chỉ việc lấy đi đôn. Do nền đất cũ tiêu con rất khó phát triển. Trụ sống quá to, bỏ thì thương mà vương phải biết cách. Nếu tiêu già cỗi mà còn phát lươn được, bà con không vội nhổ bỏ mà hãy kéo lươn đó lên trụ giả xa ra 1 chút. Sau đó lấp đất lấy bộ rễ, vắt ngược lại cây.

Nếu là giống tốt, áp dụng kỹ thuật bấm đọt cho nó ra lại. Còn giống không tốt, có thể tiến hành ghép. Dựa vào sự hỗ sinh của cây tiêu để áp dụng kỹ thuật khôi phục vườn tiêu già cỗi rất hiệu nghiệm.

Kiến thức của tôi chỉ là hạt cát giữa đại dương mênh mông. Nhiều hạt cát của cộng đồng sẽ trở thành những bãi cát thơ mộng. Cho dù đại dương có mênh mông bao nhiêu, thì bờ biển cũng dài bấy nhiêu. Chẳng phải vũ trụ bao la kia cũng hình thành từ những phần tử nhỏ bé đấy sao?

Chúc bà con thành công!

Tác giả: Nguyễn Minh Vịnh
Theo giatieu.com
Phần 3: Tiêu kinh doanh

Ở giai đoạn này cây tiêu rất dể nhiễm đủ thứ bệnh. Hầu như bệnh nào cũng có. Bệnh nào cũng biểu hiện ra thấy rõ. Để tôi nói hết về nó là cả một đề tài luận văn. Vì thế tôi chỉ chia sẻ những bệnh nguy hiểm nan y. Do nhiều như thế nên tôi chia ra các loại bệnh như sau: Các loại bệnh do nấm, bệnh do côn trùng chích hút cắn lá, bệnh về gốc rễ, dinh dưỡng và phân bón.

Bệnh do nấm

Ai trồng tiêu mà không sợ bệnh chết nhanh, chết chậm. Nói là chết nhanh chứ biểu hiện cũng rõ ràng cho ta nhận biết. Cách nhận biết như sau: Đầu tiên phải kiểm tra vùng đất canh tác của mình. Thấy có dấu hiệu nhơn nhớt và thúi đất sau một đợt mưa dầm. Vùng đất quá rợp, trũng thấp, đây là điều kiện cho nấm thủy sinh phát triển mạnh. Có bao giờ bà con dùng Trichoderma, hay gọt nấm rơm, nấm mối xong rửa tay chưa? Vùng đất nhơn nhớt đó nó cũng tựa tựa thế. Đây là đặc tính của nấm. Nếu không kịp khơi mương rãnh làm hố rút nước, thì vùng đó thế nào cũng bị đi vài bụi.


Bà con cũng có thể kiểm tra rằng vùng đất đó có nấm Phytopthora hay không bằng cách như sau: Lấy một ít đất vùng đó pha hòa với nước. Để lắng cặn, sau đó rót vào 1 ly nhựa sạch. Sau đó cắt 1 chiếc lá tiêu thành hình tròn gần bằng miệng ly. Để lên trên mặt nước. Nếu có nấm này thì lá tiêu sẽ bị nấm tấn công như thán thư. Bà con có thể thử với 1 ly nước sạch và 1 ly nước vùng tiêu bị chết rũ lá. Ngoài ra cánh một số loại hoa như hoa hồng cũng kiểm tra được. Nấm này nó sẽ làm mất màu hoa rất nhanh. Trồng tiêu nên dùng lá tiêu sẽ hay hơn. Khi nào quen thì việc kiểm tra đất của nhà mình là chuyện quá đơn giản. Nhanh chóng tiện lợi mà còn được uống nước mía nữa. Tôi thường uống nước mía sau đó tận dụng ly nhựa kiểm tra Phytopthora trong đất.
   
Biểu hiện thứ 2 là đọt lươn sẽ không phát, cùi đọt, rụng đốt. Khi thấy dấu hiệu này bà con nên lưu ý. Không phải tự nhiên cây bị thế đâu. Phạm rễ do phân bón, thối rễ ngập úng, sau đó nấm sẽ xâm nhập vào vết thương.

Bà con có bao giờ thấy mạch gỗ dẫn dinh dưỡng của cây hồ tiêu chưa? Tôi thì tò mò hay nghịch tìm hiểu. Tôi nhận thấy nó là những tấm lá mỏng như lá dừa, xếp chồng lên nhau xoay tròn thành hình trụ. Chia thành khoảng 10 búi như tép bưởi. Vì thế nấm xâm nhập vào làm tổn thương 1 phần là cây tiêu chết ngay. Nó không giống với mạch gỗ của cây. Đặc tính nó là dây leo thân thảo. Do đó bà con cần phải cho nấm có lợi phát triển trước, lúc nào cũng có lính canh có lợi lưu dẫn trong gốc rễ, thân cành lá… nó như là vácxin phòng ngừa vậy.

Ngoài ra bà con thấy với bệnh này nhiều khi vùng rễ vẫn khỏe mạnh. Nhưng phần tiếp giáp giữa mặt đất và cây tiêu. Phần cổ rễ tiêu hay bị thúi. Đó là do sự thẩm thấu, nguyên nhân độ ẩm vườn quá cao. Nấm thủy sinh phát triển thường thẩm thấu từ ngoài biểu bì, sau đó lưu dẫn vào trong thân. Gặp đặc tính mạch dẫn của cây tiêu như tôi mô tả bên trên. Cây tiêu ủ bệnh từ 1 tới 2 tháng sau đó sẽ chết mà ta không hề hay biết. Lúc biểu hiện thành bệnh, có chữa đủ thứ thuốc cũng đã quá muộn màng. Để ngăn ngừa loại này bà con cần quét boócdo cho gốc hoặc các loại thuốc gốc đồng như đồng đỏ… Lúc nào cũng có nấm đối kháng bảo vệ. Nước có tràn mang theo nấm hại xâm nhập vào vùng nhạy cảm này cũng đã được bảo vệ.


Nhưng ta có thể phán đoán được tình trạng sức khỏe của cây tiêu nhờ vào đặc tính lá. Cây tiêu khỏe mạnh nhìn giàn lá rất mướt mát. Cây hồ tiêu nó không biết nói dối. Cây bị tổn thương rễ vài hôm sau màu lá sẽ khác liền.Với bệnh này nhiều người rất chủ quan. Nước tràn từ cây này sang cây khác sẽ lây lan ngay lập tức. Đất khó rút nước hoặc rút nước chậm gặp nước tràn coi như xong phim. Để phòng ngừa bà con cần tạo mương rãnh thoát nước tốt. Xem dự báo thời tiết. Trước và sau đợt mưa dầm xịt phòng ngừa. Trichoderma kết hợp phân bón lá định kỳ chính là biện pháp nhanh gọn nhẹ và rẻ tiền nhất. Một công đôi ba việc. Nếu xịt Trichoderma một mình sẽ không hiệu quả. Sử dụng biện pháp sinh học luôn đi kèm với nguồn nuôi mới đạt hiệu quả.

Hiện nay đã có giống tiêu ghép thủy sinh gốc trầu Nam Mỹ, hoặc trầu không (trầu ta) hoặc những giống tiêu như tiêu trâu… Cách ghép cũng rất đơn giản. Vùng đất nào quá trũng thấp, không có khả năng rút nước. Nhưng vẫn có ý định trồng tiêu thì nên xem xét trường hợp này. Khi ghép lưu ý nên chọn giống dể làm bông. Loại nào mà chịu úng tốt thì dĩ nhiên nó chịu hạn sẽ kém. Do đó sẽ không hãm nước làm bông được. (xem thêm bài kỹ thuật làm bông)

Khi ghép thì nên ghép ác. Hoặc áp dụng kỹ thuật bấm đọt tránh trường hợp tiêu ở truồng. Đã là tiêu ghép mà đôn thì ghép làm gì? Ngay vết ghép ở giai đoạn tiêu kinh doanh cần phải bảo vệ quét gốc như trên tôi chia sẻ. Bệnh này là bệnh nan y nếu phát hiện sớm như mô tả bên trên thì không phải là không thể chữa khỏi như mọi người nghĩ. Chỉ có điều bà con ta không biết được khi cây rũ lá tức là nó đã chết. Cách chữa tốt nhất ở giai đoạn này là cho nó làm bạn với lửa.Với thuốc hóa học áp dụng vào lúc dịch bùng phát. Sinh học không thể ngăn chặn được. Khi bà con dùng nó sẽ tiêu diệt tất cả các loại nấm, vi sinh vật. Cần lưu ý bổ sung lại nấm đối kháng và vi sinh vật có lợi phát triển trước.

Ở đây tôi ít đề cập tới thuốc hóa học, không phải là thuốc hóa học không thể chữa khỏi. Mà tôi muốn mọi người thay đổi tư duy canh tác. Lúc nào phòng bệnh cũng hơn chữa bệnh. Canh tác bền vững vẫn hơn là chữa cháy, canh tác theo phong trào.

Bà con có thể tham khảo thêm một vài nhóm hoạt chất, biết cách hấp thụ, tác động của thuốc phòng trừ nấm, để sử dụng một cách hiệu quả: hoạt chất Copper Hydroxide (thuốc gốc đồng), hoạt chất Fosetyl Aluminium, hoạt chất Metalaxyl, hoạt chất Phosphorous acid, hoạt chất Mancozeb… Đấy là một số hoạt chất thường gặp. Trên các bao bì của sản phẩm sẽ có ghi rất cụ thể chi tiết. Bà con vào Wikipedia tìm hiểu thêm. Rất bổ ích đấy.


Bệnh vàng lá chết chậm
 




Bệnh rụng lóng chết chậm do nấm Fusarium gây ra. Tôi có mô tả ở phần tiêu tơ. Tuy nhiên ở giai đoạn kinh doanh, biểu hiện bệnh sẽ rõ rệt hơn, quan sát ta có thể nhận diện ra ngay, không bị nhầm lẫn với các loại vàng lá do tuyến trùng hay rệp sáp. Cây sẽ rụng đốt, thối gốc, phần thân dây sẽ nám đen, đôi lúc có xì mủ, lá vàng rụng quan sát sẽ thấy có chấm đen li ti như rỉ sắt. Khi cây đã rụng lóng sẽ rất khó phục hồi. Mặc dù cây sẽ không chết ngay lập tức.

Nó thường xuất hiện đồng thời với bệnh rụng lóng tháo khớp do nấm Rhizoctonia solani gây ra. Trong đó có một vài dòng vi khuẩn Pseudomonas gây hại cũng làm cây rụng lóng tháo khớp. Đọc tới phần này chắc không ít bạn trẻ thắc mắc. Tôi xin giải thích luôn là Pseudomonas có rất nhiều dòng. Chỉ có một số ít được ứng dụng cho nông nghiệp. Quan sát bệnh rụng lóng tháo khớp cũng rất dễ nhận diện. Đó là ngay các mắt tay ác, các khớp tay sẽ bị thâm đen. Còn lóng thì vẫn hơi xanh đôi lúc vàng vàng.

Các bệnh nấm lá dể nhận biết như: Thán thư, địa y, nấm hồng, rỉ sắt, đốm lá, nấm mạng nhện, nấm mắt cua,… Các loại nấm lá nói chung rất dễ nhận biết và cũng không phải nan y. Các loại thuốc đang bán ngoài thị trường phòng và trị rất hữu hiệu. Vì thế tôi sẽ không đề cập ở đây. Chỉ lưu ý với bà con là nên phòng bệnh lúc bệnh chớm xuất hiện. Chứ để nặng nó sẽ lây lan, trị bệnh rất tốn kém. Khi ngừa chỉ cần một lần nhưng khi trị bệnh bà con nên làm 2 lần cách nhau 15 ngày, nếu nặng có thể là 3 hoặc 4 lần cho tới khi khỏi hẳn. Xịt đúng nồng độ. Chỉ cần phun sương ướt đều 2 mặt lá. Muốn hiệu quả trong mùa mưa thì nên kết hợp chất bám dính sinh học. Chứ xịt nước chảy ròng ròng là không đúng qui cách. Đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi phun thuốc quá liều. Bà con cần lưu ý.

Khi phòng trừ nấm, bà con hạn chế phối trộn thuốc. Chỉ phối trộn với những gì nhà sản xuất cho phép. Do nó rất dễ phản ứng hóa học. Mặt khác các hoạt chất tôi mô tả bên trên mỗi thứ có 1 công dụng khác nhau. Khi phối trộn cây bị tác động nhiều thứ một lúc sẽ bị sốc thuốc dẫn đến rụng lá.

Một đặc điểm nữa mà bà con không để ý, đó là trong nhiều sản phẩm có hoạt chất giống nhau. Khi phối trộn 2 đến 3 loại cùng một lúc nồng độ dung dịch sẽ tăng lên gấp bội. Như thế rất nguy hiểm. Để hạn chế vấn đề này, bà con có thể luân phiên bằng 2 loại khác nhau. Thời gian cách ly chính là thời gian có thể sử dụng thuốc khác. Có ghi rất rõ trên bao bì của nhà sản xuất.

Bệnh do côn trùng chích hút lá

Đây cũng là một loại bệnh rất đau đầu và gây tranh cãi. Ở đây cái khó không phải là cách phân biệt bệnh, nhận diện bệnh. Quan sát lá phồng rộp, côn trùng chích rụng bông, trứng rầy nhỏ li ti bóp rôm rốp, lá bị chích mất sắc tố, hay co nhúm lại, bọ cánh cứng ăn lá non, rầy nâu, sâu cuộn lá non, trứng rầy bám đọt non, rệp sáp lá, bọ trĩ, rệp muội, nhện đỏ, rầy nâu, bọ xít lưới chích rụng bông… Thấy ai mà không biết là do côn trùng sâu hại phá. Nhìn chung các loại côn trùng này đều trị như nhau. Điều gây tranh cãi ở đây là phương pháp điều trị hay phòng ngừa một cách hiệu quả. Việc đấu tranh gay gắt bảo vệ luận điểm của mình ở đây là dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học hay hóa học.

Bà con cần lưu ý một vài đặc điểm của loại bệnh này, tôi xin chia sẻ như sau: Dịch bệnh bùng phát vào giai đoạn cây nuôi lá non và hình thành hoa. Khi dùng thuốc BVTV dù là sinh học hay hóa học thì phải lưu ý thời tiết. Thời tiết mưa dầm xịt sẽ không hiệu quả. Nắng gắt làm cháy lá. Dùng thuốc quá liều rụng lá…Việc kết hợp thuốc phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Tốt nhất là kiểm tra hoạt chất mình sử dụng bằng từ điển cách khoa toàn thư mở online. Vòng đời của những loại sâu hại chích hút hoa và lá non rất ngắn. Chỉ khoảng 21 ngày. Do đó khi sử dụng nên dùng loại hiệu quả lâu dài. Dùng loại làm ung cả trứng, ức chế trứng không nở được càng tốt. Nó rất mau kháng thuốc, do đó nếu sử dụng thuốc BVTV hóa học thì phải dùng luân phiên. Để hiệu quả lâu dài nên ưu tiên dùng biện pháp sinh học. Nếu không có thì ưu tiên 2 là dùng loại hữu cơ, thân thiện với môi trường. Ta diệt nó một cách khoa học như thế sẽ không ảnh hưởng tới môi trường và ngay chính bản thân ta.

Nhà tôi thì vẫn trồng lạc dại, giữ cỏ, trồng vạn thọ thu hút thiên địch… thêm trong mô hình. Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi dịch bùng phát vào thời điểm nhạy cảm. Bà mẹ tự nhiên rất vĩ đại. Nếu ta lạm dụng thuốc, khi kháng thuốc nó đẻ còn nhiều hơn gấp bội. Tôi đã có chia sẻ trong bài viết người trồng tiêu nghĩ về hành tinh xanh. 


Các bệnh về gốc rễ

Ở sâu trong lòng đất bà con ta không thể biết được dưới đó đang có cái gì. Thứ gì đang diễn ra, tình trạng bộ rễ như thế nào?…

Các bệnh về gốc rễ toàn là bệnh làm đau đầu rất nhiều người trong đó có tôi. Bao đêm trăn trở cũng chỉ vì nó. Nào là tuyến trùng, rầy trắng, sùng, mối, nấm, úng nước, thối rễ, phạm rễ phân bón, dư axít, thừa – thiếu dinh dưỡng, dùng thuốc quá liều… Rất nhiều thứ mà mắt thường không thể thấy được. Chỉ cần bị một trong thứ tôi vừa liệt kê trên là cây tiêu có dấu hiệu liền. Bao nhiêu câu hỏi làm sao và bằng cách nào? Như tôi đã nói ở phần trên. Ta càng đơn giản hóa vấn đề phức tạp chừng nào thì càng tốt chừng ấy. Mọi thứ đều bắt đầu từ cơ bản nhất. Ở đây tôi muốn nói đến đó chính là phân chuồng hoai mục ủ nấm đối kháng. Phân sinh học, hữu cơ vi sinh. Đó chính là chìa khóa của mọi vấn đề. Nghe rất đơn giản nhưng áp dụng đúng sẽ cho ta một kết quả ngoài mong đợi.

Ta sử dụng nấm đối kháng và vi sinh vật có lợi như lính canh, (mắt thường không thấy được) chống lại những vị khách có hại không mời mà tới.

Cho các dòng nấm đối kháng nấm bệnh, vi sinh vật có lợi sử dụng lượng xác bã hữu cơ làm thức ăn, nơi ở. Sau đó chúng sẽ bảo vệ phòng chống nấm bệnh tấn công vào những vùng nhạy cảm.

Sau quá trình phân hủy, phân giải hữu cơ sẽ tạo thành phân Amino sinh học. Những hợp chất mà cây trồng dễ hấp thu.



Ngoài ra khi vi sinh vật hoạt động sẽ tạo độ phì nhiêu cho đất. Có lần tôi trồng lạc dại vào lúc trời mưa. Vì còn một ít nên ráng trồng luôn cho xong. Vô tình cuốc trúng hang trùn đất. Tôi thấy nước rút xuống hang mà như mình đào trúng mạch nước ngầm vậy. Một hố rút nước mini cục bộ không thể hoàn hảo hơn. Tất cả chỉ nhờ sử dụng phân chuồng hoai mục ủ nấm đối kháng.

Nhiều người cũng sử dụng nhưng lại không hiệu quả. Là do bà con chưa hiểu được hết công dụng. Khi ủ phân cần đọc kỹ các dòng mình dùng để ủ có công dụng gì?

Có dòng ngừa tuyến trùng, có dòng ngừa rầy trắng, có dòng ngừa nấm, có dòng chỉ phân giải hữu cơ giải độc cho đất, lại có dòng phân giải lân chậm tan và cố định đạm cho đất…

Đa phần trong một gói Trichoderma sẽ có tích hợp nhiều dòng. Nhưng cũng có loại chuyên dùng cho một thứ gì đó. Vì thế cần lưu ý. Cứ định ninh rằng mình đã ngừa bệnh bằng sinh học rồi là chắc ăn. Nó chỉ hạn chế bệnh, giảm bệnh rất nhiều nhưng không phải hoàn toàn. Vì thế đừng vội trách oan là dùng không hiệu quả.


Chỉ cần bị một trong số các bệnh tôi liệt kê phần tôi mô tả bên trên, cây cũng có thể nhiễm bệnh.

Khi đã bùng phát bệnh ở mức đại trà, vì là đối kháng cho nên anh không bảo vệ được, thì tôi sẽ chiếm đóng. Lúc này các tác động hóa học rất cần thiết. (Ưu tiên gốc hữu cơ, thân thiện môi trường). Sau đó ta phải bổ sung lại nấm đối kháng, vi sinh vật có lợi, để tiếp tục bảo vệ cho cây trồng của mình.

Việc chẩn đoán đúng bệnh rất quan trọng. Các loại thuốc có rất nhiều trên thị trường. Loại nào cũng có công dụng riêng, ta dùng đúng thời điểm, đúng bệnh sẽ phát huy hiệu quả cao nhất của thuốc. Về đề tài nhạy cảm này có lẽ bà con nên tìm hiểu thêm nhiều. Chỉ có một điều lưu ý là nên dùng đúng nồng độ chỉ dẫn của nhà sản xuất. Phối trộn thuốc nên thận trọng. Đây là con dao 2 lưỡi, người biết dùng thì không sao, nhưng đa phần bà con ta là nông dân thuần túy. Cho nên đó cũng là lý do diễn đàn luôn hướng bà con đi theo sinh học.

Dinh dưỡng và phân bón


Cây hồ tiêu rất cần cân đối dinh dưỡng

Khi ủ phân chuồng hoai mục, nhiệt độ trong đống phân sẽ tăng lên rất cao. Lúc này vi sinh vật có hại trong phân sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng ở nhiệt độ đó thì nấm có lợi, hay vi sinh vật có lợi cũng thất thoát không ít. Quá trình ủ hoàn tất phân chuồng, xác bã hữu cơ trở thành phân hữu cơ vi sinh. Ta bón cho cây muốn đạt hiệu quả cao cần phải bổ sung thêm nấm đối kháng lên phân vi sinh, ta bón cho cây lúc này tác dụng ngừa bệnh mới phát huy mức cao nhất.


 Việc trồng lạc dại, hay cây họ đậu phủ xanh đất, ngoài mục đích là chống rửa trôi xói mòn đất, giữ ẩm cho đất, cố định đạm cho đất. Trong gốc bà con phải cắt tỉa cho thật thông thoáng. Lượng cỏ đó bà con có thể tận dụng chăn nuôi gia súc, cắt ủ phân xanh. Cách ủ cũng vô cùng đơn giản. Sẽ có nhiều người phủ nhận tác dụng của việc giữ cỏ, trồng lạc… Nhưng với những người biết sử dụng nguồn phân xanh này như tôi chẳng hạn. Thì đây là một nguyên liệu cực kỳ quý. Trong số đó có lục bình, bèo dâu, rong biển, các cây họ đậu…

Tại sao tiêu tơ hay tiêu con nếu chăm đạt rất ít bệnh tật nhưng vào giai đoạn tiêu kinh doanh nó nhiễm đủ thứ bệnh? Có bao giờ bà con tự hỏi câu hỏi như thế không? Câu trả lời chỉ đơn giản là do ta sợ nó nhiễm bệnh. Nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hay bón phân không đúng cách làm ảnh hưởng tới cây trồng. Cây bị nhiễm bệnh thường do ta chăm sóc bón phân vô cơ không đúng cách, làm tổn thương rễ. Lúc này nấm bệnh, hay sâu hại bắt đầu theo vết thương xâm nhập, tấn công làm cây mình chết dần chết mòn. Tới một lúc nào đó bùng phát mà ta không hề hay biết. Đặc biệt vào thời điểm mưa dầm. Lúc đó có chữa đủ thứ thuốc cũng là quá muộn.

Khi xử lý thuốc hay nấm bệnh, thuốc BVTV, phân bón vô cơ hằng năm lượng thuốc đó đa phần là gốc axit. Chắc chắn sẽ làm chua đất, đất pH quá thấp cây sẽ mất đề kháng. Cây vàng mà cứ ngỡ là tuyến trùng, rầy trắng, nấm chết chậm… đổ đủ thứ thuốc. Càng đổ càng chết. Vì thế thường xuyên đo độ pH bón phân cân đối là việc vô cùng cần thiết.

Với đạm vô cơ. Nếu dư cây sẽ đề kháng rất yếu. Làm cây hay bị một số bệnh như: Thán thư, nấm lá, cháy lá, phồng rộp đặc biệt nấm Phytopthora phát triển rất mạnh nếu cây dư đạm. Do đó chính là nguồn nuôi của nó. Thiếu đạm cây sẽ thiếu sắc tố mất diệp lục, cây không phát triển được cành nhánh không phát lá và chuỗi tiêu ngắn ngủn…

Dư lân cây sẽ phát tay dài ngoằng nhưng rất yếu ớt. Ngài ra cây sẽ váng lá do thiếu kẽm và một số vi lượng khác. Thiếu lân cây sẽ không hấp thu được đạm.

Dư Kali cây sẽ cùi đọt, cành tay giòn, lá bị nhăn nheo như bị tiêu điên vậy. Cây sẽ thiếu Mg và làm dư axit. Cây sẽ vàng lá nếu ta không kịp thời hạ phèn cho đất. Thiếu Kali cây mất đề  kháng dể bị nấm bệnh tấn công…

Trung và vi lượng cũng rất quan trọng. Nó sẽ góp phần tạo đề kháng cho cây. Mỗi chất có một chức năng khác nhau. Để diễn tả về nó có lẽ một lời không nói hết. Bà con nên tìm hiểu thêm về nó. Đây chỉ là kiến thức phổ thông rất dể tìm.

Người ta vẫn thường đề cập tới việc bón phân cân đối. Nhưng đọc phần tôi viết nghe có mâu thuẫn lắm không? Làm thế nào để có thể bón đúng như cây đòi hỏi được? Đó chính là mấu chốt của vấn đề. Là sự khác biệt giữa canh tác hữu cơ, vi sinh và vô cơ, hóa học. Với phân hữu cơ hay sinh học. Cây ăn không hết sẽ để dành khi nào cần ăn tiếp, do nó tác động chậm nhưng lâu dài. Còn phân hóa học thúc ép cây phải ăn ngay, còn có thể làm tổn thương rễ non nữa.

Mỗi lần bón phân là một lần ngừa bệnh. Như thế sẽ tốt hơn nhiều so với mỗi lần bón phân là một lần lo lắng. Tôi nói đơn giản thế chắc bà con biết phải làm thế nào đúng không?

Bà con tự sản xuất được phân sinh học từ trùn quế, hay cá. Ủ được phân xanh từ lạc dại ta tự trồng. Chỉ kết hợp vô cơ khi thực sự cần thiết, hoặc thay thế luôn bằng phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao. Thì vườn cây của mình sẽ rất đẹp. Khỏi phải bận tâm nhiều bệnh về phân bón, dinh dưỡng. Giảm chi phí đầu vào, lại tăng chất lượng nông sản. Để hàng Việt Nam luôn là hàng chất lượng cao, hướng tới thị trường khó tính hơn. (hết phần 3) .

Tác giả: Nguyễn Minh Vịnh

16/12/13

Vốn xuất thân từ học nghề công nghiệp nhưng vì hoàn cảnh phải trở về quê làm nông nghiệp, bạn Nguyễn Minh Vịnh ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai với niềm đam mê tìm tòi, học hỏi đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm từ vườn tiêu của gia đình. Bạn gửi đến cộng đồng mạng những chia sẻ về kỹ thuật làm bông cho tiêu ngỏ hầu mong bà con khắp nơi có nhiều vụ mùa tiêu bội thu.

Hình minh hoạ
Con đường đi tới thành công luôn phải vượt qua nhiều chông gai thử thách. Trải nghiệm của bản thân đúc kết được thì rất quí, nhưng có khi phải trả giá rất đắt mới có được. Đặc biệt với cây hồ tiêu càng không được phép sai lầm. Kinh nghiệm ngoài bản thân tự rút ra được còn có thể tích lũy từ những người đi trước truyền lại, hoặc những chia sẻ như trên cộng đồng giatieu.com. Người trồng hồ tiêu thường hay mở lòng. Thông qua chia sẻ, những kinh nghiệm mới được đúc kết và lưu giữ cũng như có thêm những kinh nghiệm khác từ cộng đồng. Điều quan trọng là rút ra được gì từ những bài học kinh nghiệm đó để áp dụng cho mô hình của mình một cách hợp lý và chính xác nhất.

Những điều chia sẻ trên nhằm mở đầu cho một kỹ thuật rất khó trong nghề trồng tiêu, đó là kỹ thuật làm bông. Chắc hẳn người trồng tiêu đều biết, ngoài quản lý sâu bệnh dịch hại thì hiện tượng tiêu mất mùa, năm trúng năm thất, cũng làm cho nhiều bà con dở khóc dở cười. Nhà nông thường chủ quan, phó mặc cho trời. Đi đâu cũng nghe khuyến nông nói về quản lý, phòng trừ dịch hại. Trong các cuộc hội thảo về hồ tiêu hay quảng bá sản phẩm BVTV thì cũng đa phần nói về phòng trừ dịch hại, ít nghe nói về kỹ thuật làm bông. Phần là người ta giấu nghề không muốn chỉ, phần là không dám chia sẻ. Người ta nói làm ơn mắc oán là rất đúng trong trường hợp này. Chỉ cần sai một ly là đi ngàn dặm. Nói là làm bông nhưng phải kết hợp nhiều yếu tố. Từ cách quản lý dịch hại, hãm nước, bón phân, chăm sóc,… Mục đích cuối cùng của những việc trên là cây cho năng suất cao, ổn định, bền vững. Trong đó kỹ thuật làm bông chính là chìa khóa.

Để cho hồ tiêu năm nào cũng được mùa. Bà con cần phải tìm hiểu một chút kiến thức về sinh lý thực vật. Khi đã nắm bắt được các giai đoạn sinh trưởng của cây và thổ nhưỡng, khí hậu của vùng mình thì sẽ dễ dàng trong việc chăm sóc tiêu hơn. Điều này đòi hỏi phải có một chút kinh nghiệm, hiểu biết nhất định nào đó. Bao gồm các yếu tố như khí hậu, thời tiết, chất đất, mưa, nắng,… Ông bà ta khi xưa đã biết dựa vào các yếu tố “thiên thời, địa lợi” để đánh trận thì ngày nay ta cũng vận dụng các yếu tố đó làm kinh tế.

Tôi sẽ giới thiệu qui trình làm bông của nhà mình để bà con tham khảo. Cái khó chính là làm cho cây tiêu ra hoa tập trung, năng suất cao ổn định.

Để cho cây hồ tiêu cho năng suất cao ổn định yêu cầu cây hồ tiêu phải mạnh khỏe ít bệnh tật. Hạn chế hồ tiêu suy bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý trong cả năm. Cây có khỏe mạnh thì mới cho năng suất cao ổn định được.

Cây hồ tiêu có một đặc điểm khá thú vị là mỗi mắt tay của nó đều có thể cho bông nếu ta biết đánh thức nó dậy. Những mắt trên tay hồ tiêu luôn chứa 1 mầm. Nó như nàng công chúa ngủ trong rừng đang đợi chờ hoàng tử đến thức dậy. Việc phân hóa mầm hoa hợp lý cây sẽ luôn cho năng suất cao. Để làm điều đó cũng không phải là vấn đề quá khó khăn.

1. Các việc cần làm khi hãm nước


Sau khi thu hoạch bà con nên rửa cây bằng thuốc gốc đồng để tiêu diệt mầm bệnh, diệt nấm có hại trên lá như thán thư địa y, và cho lá già lá bệnh tật rụng đi.

Làm sạch chồi, cắt bỏ tiêu lươn và những tay nằm sát mặt đất.

Gom những lá già lá bệnh tật rụng đem đi đốt.

Mục đích của những việc làm trên là ngăn ngừa bệnh tật và tạo điều kiện cho hồ tiêu phân hóa mầm hoa.

Nhưng điều cốt lõi của việc phân hóa mầm hoa chính là hãm nước. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khi cây gặp điều kiện khô hạn trong vòng 15 ngày thì Acid Absisic tăng lên, Acid Cytokinin và Acid Giberilic giảm xuống là điều kiện tốt kích thích sự phân hóa mầm hoa để phát triển hình thành hoa. Làm chuyển quá trình sinh trưởng dinh dưỡng sang quá trình sinh thực (ra hoa kết trái). Trong thời gian này chúng ta hãm nước không tưới. Nhưng quá trình hãm nước yêu cầu phải dài hơn, vì chắc chắn ẩm độ trong đất vẫn còn khi ta chăm sóc, tưới cây chống suy khi thu hoạch, cây vẫn chưa đủ khô để phân hóa mầm hoa. Tôi thường hãm nước từ 30 đến 45 ngày tùy vào tiêu sung hay không. Khi chuyển từ sinh trưởng sang sinh thực yêu cầu cây phải sung thì mới cho năng suất cao. Nếu hồ tiêu sung mà không phân hóa mầm hoa được thì việc chuyển hóa sẽ không thành công, cây có thể cho ra bông 2 đợt. Như tình trạng năm nay nhiều bà con đang gặp phải, cây chỉ lá và lá là điều dể hiểu. Sau đó nó sẽ ra đợt bông thứ 2 lác đác rất khó chịu.

Cho nên sau khi thu hoạch bạn cần phân ra làm 3 loại tiêu: tiêu sung, tiêu bình thường không sung không suy và tiêu suy.

Đối với hồ tiêu suy, thường là những giống chín sớm như Ấn Độ, bà con chỉ cần tưới theo cho tới đợt thúc phân, thì thúc cùng lúc với tiêu đã hãm nước cây sẽ ra bông. Không cần phải lo lắng. Khi cây suy thì Acid Absisic đã có nhiều trong cây và cây lúc nào cũng sẵn sàng cho ra bông. Nhưng nếu ta không cân đối phân bón thì sang năm cây lại bị mất mùa. Vì cây lại phải tập trung cho quá trình tạo dinh dưỡng.

Đối với hồ tiêu sung ta phải chú ý từ khi thu hoạch. Nhất là tưới nước khi thu hoạch để chống suy cây cần phải có một kinh nghiệm nhất định nào đó. Phải biết cách phân biệt cây tiêu sung hay ít sung để điều chỉnh lượng nước tưới cho cây hợp lý trong quá trình thu hoạch. Với hồ tiêu sung và hồ tiêu bình thường thì việc hãm nước 30-45 ngày là yêu cầu rất quan trọng. Mặc dù hồ tiêu rất tốt, sung nhưng nếu không hãm nước tạo điều kiện phân hóa mầm hoa thì cây sẽ rất ít bông.

Việc đốt lá già, lá bệnh tật cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo điều kiện để phân hóa mầm hoa. Lượng tro mà ta đốt trả lại cho đất chính là Kali giúp cây trồng cứng cáp hơn, tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngày càng bất lợi của môi trường.


Sau khi hãm nước xong nên tưới lại ướt đẫm như mưa 2 đợt trong tuần cho cây hồi phục. Không chỉ tưới trong gốc mà phải tưới cả ngoài tán cây, vì rễ của hồ tiêu kiếm ăn rất xa. Xịt phân bón lá kích thích ra hoa và lá non tập trung trước rồi mới bón phân. Việc làm này giúp cho cây hồi phục sức khỏe sau một thời gian ta ép cây. Nếu bón phân ngay lần tưới đầu tiên thì cây không hấp thu được, có thể còn làm tổn thương bộ rễ và lãng phí phân bón. Phân bón lá giúp cây trồng hấp thu dễ dàng hơn. Trong công nghiệp gọi là năng suất làm việc còn trong nông nghiệp gọi là hiệu suất hấp thu dinh dưỡng của cây trồng. Bà con ta thường ít khi lưu tâm đến vấn đề này.

Vấn đề lớn trong quá trình phân hóa mầm hoa mà bà con hay gặp, đó chính là gặp mưa sớm. Như kết quả của cơn bão số 1 năm nay bà con biết rồi đấy. Việc hãm nước trở nên rất khó khăn trong điều kiện như vậy, thậm chí có thể nói là không thể. Nhưng ta vẫn khắc phục được bằng cách xịt thuốc phân hóa mầm hoa, hoặc có thể thay thế bằng thuốc gốc đồng, lúc này lá cây sẽ rụng đi khoảng 15-30 %. Sau khoảng 1-2 tuần ta xịt lại phân bón lá kích thích ra hoa và lá non tập trung y như là đã hãm nước. Và thực hiện bước kế tiếp y như đã phân hóa mầm hoa xong vậy. Bà con lưu ý chỉ nên áp dụng cho hồ tiêu sung vì tác động này là khá mạnh. Cách làm này có thể cho hồ tiêu ra bông như ý. Nhưng dù gì thì thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm bông. Nếu chúng ta biết cách khắc phục thời tiết thì cũng không còn là vấn đề lớn. Nên xem dự báo thời tiết để ta còn có thể tính toán cho cây ra bông hợp lý.

Việc phân hóa mầm hoa chỉ là một bắt đầu nhỏ cho hành trình dài trong kỹ thuật làm bông của cây hồ tiêu.

2. Bón phân trong quá trình làm bông


Bón phân cân đối đúng liều lượng để cây cho năng suất cao là cả một chủ đề.

Nước là cốt lõi trong việc phân hóa mầm hoa thì phân chính là chìa khóa để đánh thức những mầm hoa đang ngủ yên đó. Trong quá trình tiêu làm bông nếu không cung cấp đủ chất dinh dưỡng thì cây sẽ tiếp tục ra lá. Vào giai đoạn này cây cần lượng phân rất lớn, bao gồm tất cả các yếu tố đa, trung, vi lượng và xác bã hữu cơ.

Bà con có thói quen là tưới và xịt phân bón lá, bón phân (phân lân) luôn sau khi hãm nước. Cây nhú mắt cua ra lá non bà con bỏ phân NPK 16-16-8+TE một lần với hàm lượng rất lớn, sau đó xịt phân bón lá thế là xong, gần như hầu hết bà con đều làm vậy. Lúc này bộ rễ chưa hấp thu được nên rất lãng phí. Trước đây tôi cũng hay làm vậy. Nhưng hiệu quả hấp thu phân bón của cây không cao.

Tôi xin chia sẻ với bà con kỹ thuật bón phân của nhà mình sau nhiều năm làm thấy hiệu quả cao như sau:

Chia phân ra nhiều lần mà bón. Tuy rất cực, nhưng bà con phải chịu khó trong giai đoạn này. Sai một ly đi một dặm là đây. Trên thị trường có rất nhiều chủng loại phân bón. Nên chọn loại có thương hiệu uy tín được nhiều người sử dụng thấy có hiệu quả.

Sau khi tưới ướt dẫm như mưa cho cây hồi phục sức khỏe. Bên trên tán lá tôi xịt phân bón lá thì bên dưới 1 tuần sau đó tôi sẽ dùng phân hữu cơ Amino (dạng phân nước đổ gốc) cho cây hồi phục rễ có kết hợp thuốc trị tuyến trùng, rệp sáp (dùng các chế phẩm Metharizum,… sinh học rất hiệu quả), nhà tôi hay sử dụng loại nấm này. Lưu ý đọc kỹ hướng dẫn và xem kỹ thành phần của phân Amino có kết hợp được với thuốc trị tuyến trùng, rệp sáp bạn đang dùng không.

Tuần tiếp theo tôi xịt phân bón lá có kết hợp thuốc ngăn ngừa rầy nâu, bọ trĩ, bọ cánh cứng cắn chích hút hoa và lá non. Các chế phẩm sinh học anh tieuphong giới thiệu rất hiệu quả (xem ở đây). Bà con cũng cần lưu ý cách kết hợp. Có nhiều chế phẩm đã pha sẵn cho ta, mà ta không biết còn pha thêm không đúng cách, sẽ làm cây bị tổn thương, rụng lá, có khi chết luôn cây. Rất nguy hiểm.

Tuần tiếp theo nữa, khi cây đã nhú mắt cua và lá non tôi dùng phân hữu cơ sinh học NPK+TE chuyên dùng cho hồ tiêu. Lần này là lần làm bông chính, cây cần rất nhiều dinh dưỡng bao gồm các yếu tố đa, trung, vi lượng. Nhớ bón ngoài tán lá cây tránh không được phạm rễ. Nên bón vào sáng sớm hoặc chiều mát thì hiệu quả hấp thu sẽ cao hơn. Chỉ cần dùng tay rải đều một lớp mỏng vừa phải bên ngoài tán lá, cây to tán to thì bón nhiều, cây nhỏ tán nhỏ bón ít. Thường thì bón cách gốc từ 40-60cm tùy cây. Khá đơn giản phải không nào. Đừng quá quan tâm lượng phân bón mấy lạng mấy lạng như bao bì thường ghi. Và cũng không e ngại chuyện bón nhiều lần tốn công.

Hình minh hoạ
Cuối cùng sau đó 2 tuần bạn bỏ phân chuồng, phân hữu cơ hoai mục có ủ chung với nấm Trichoderma, bổ sung lượng xác bã hữu cơ cho cây trồng chống suy cây. Lần bón phân này rất quan trọng, bảo đảm dinh dưỡng cân đối, chống suy cây trong năm cho hồ tiêu. Lần này bà con có thể bỏ thêm vôi cho đất. Ngoài ra bà con mua phân hữu cơ vi sinh khoáng đậm đặc bỏ cho hồ tiêu. Nếu tìm không thấy thì mình có thể mua khoáng bỏ cho hồ tiêu và tự ủ phân vi sinh như anh Phan Phát đã hướng dẫn.

Bà con lưu ý một vài điểm nhỏ nhưng rất quan trọng trong kỹ thuật làm bông như sau:

Khi bông đang nở, tuyệt đối không được xịt phân bón lá. Như vậy sẽ làm cho bông trổ bị  thưa, bồ cào. Mặc dù có nhiều sản phẩm phân bón lá có ghi rõ là có thể xịt lúc trổ bông. Bà con làm như phần trên tôi hướng dẫn thì cây đã đầy đủ bao dinh dưỡng và cả yếu tố phòng dịch bệnh sâu hại tấn công rồi.

Trái với suy nghĩ của nhiều người là thời tiết khô ráo nắng nóng thì cây sẽ đậu bông tốt hơn. Đó là suy nghĩ sai lầm. Khi tiêu đang trổ bông cần làm cho độ ẩm không khí của vườn tăng lên bằng cách tưới gốc hoặc có thể dùng máy xịt vào không khí xung quanh cây tiêu. Tuyệt đối không xịt lên bông nhé. Vì đa phần hoa hồ tiêu là hoa lưỡng tính, chỉ có một số ít là hoa đơn tính. Hoa đơn tính nó sẽ tự rụng. Những giống tiêu có hoa đơn tính nhiều là do di truyền từ tổ tiên và một số cây tiêu hạt lại tổ… Khả năng đậu hạt của loại này rất thấp. Khi độ ẩm trong không khí tăng cao thì các đầu nhụy của hoa lưỡng tính cương lên dễ bám dính các hạt phấn, làm tăng khả năng thụ phấn. Vì vậy khi tiêu đang trổ bông 3 ngày bà con nên xịt hoặc tưới nước một lần.

Thời gian trổ bông của hồ tiêu kéo dài từ 10-20 ngày. Đó chính là lý do tại sao những cây hồ tiêu trổ bông muộn như tiêu Sẻ, Sẻ Mỡ hay tiêu trổ đợt 2 thì hạt sẽ to và đều hạt hơn. Những giống trổ sớm như Ấn Độ thì hay bị bồ cào. Bà con nào trồng tiêu Ấn Độ đọc được những chia sẻ này sẽ biết cách làm cho tiêu năng suất và ít bị bồ cào hơn. Với giống tiêu Ấn Độ bà con phải nâng nhu cầu xác bả hữu cơ tăng lên 150% so với bình thường thì năng suất sẽ rất cao và ổn định mà không phải quan tâm nhiều tới việc phân hóa mầm hoa, vì nó rất nhiều hoa. Làm bông là cuộc chiến trường kỳ cho tới khi cây vào hạt. Nếu thiếu dinh dưỡng thì cây sẽ bị rụng trái non, thối trái non.

Xịt bón lá theo từng thời kỳ phát triển của hồ tiêu như sau: Khi đang nuôi hoa và lá non, xịt phân bón lá có hàm lượng N cao sau đó giảm dần. Khi vào hạt, nên kiếm loại phân bón lá nào có hàm lượng N ít, chủ yếu là P và K +TE để tránh không cho tiêu ra lá non. Đặc tính của cây hồ tiêu là khi đã ra lá non thì dù ít hay nhiều sẽ ra hoa. Mà những hoa ra trái vụ đó sẽ làm giảm năng suất cho vụ tiếp theo, thậm chí sẽ có một mùa mất trắng.

Khi chuẩn bị thu hoạch, nên bón phân Amino đổ gốc để to hạt chắc trái chống suy cây. Vì giai đoạn này bộ rễ đã hoạt động yếu, chỉ có phân dạng Amino thì cây trồng mới dễ hấp thu. Cây không suy thì mới cho năng suất cao và ổn định được. Rất quan trọng đấy.

Sau đó bà con bắt đầu lại chu trình chăm sóc. Năm trúng năm thất chỉ là cách nói của những ai chưa hiểu rõ đặc tính cây hồ tiêu thôi.

Trong quá trình chăm sóc, bà con hãy quan sát lá tiêu. Cây nhiễm bệnh gì, hay cần nhu cầu dinh dưỡng gì thì đều biểu hiện qua lá. Thiếu phân thì lá sẽ nhỏ lại. Thiếu vi lượng thì lá non nhỏ lại có màu trắng. Hay những biểu hiện bệnh thán thư, địa y, chết nhanh, chết chậm… thì lá cây sẽ biểu hiện đầu tiên. Bà con có kinh nghiệm thì sẽ kịp thời phòng bệnh hay bổ sung nhu cầu dinh dưỡng cho cây một cách hợp lý nhất.

Bà con ai cũng biết là hồ tiêu là cây trồng rất mẫn cảm với bệnh dịch. Chăn nuôi gia cầm 1-2 ngàn con/lứa thì tổn thất, suy yếu 10-20 con là điều không thể tránh khỏi. Trồng hồ tiêu cũng vậy. Cây nào yếu mà chết là chuyện bình thường. Bà con phòng ngừa bệnh tật, ngăn chặn ổ dịch sau đó xử lý đất trồng mới lại. 

Với những điều tâm huyết chia sẻ trên đây, tôi mong là bà con sẽ luôn được mùa. Tất cả chúng ta sẽ thành công với cây hồ tiêu.

Chúc bà con sức khỏe!

Nguyễn Minh Vịnh
Theo giatieu.com

14/12/13

Tinh dầu hạt tiêu có tác dụng điều trị cảm cúm, giảm xung huyết da, lưu thông máu, dễ tiêu, tốt cho người hay phải chịu đựng áp lực về tinh thần

Tinh dầu hạt tiêu là một trong những loại tinh dầu phổ biến nhất trong việc trị liệu các vấn đề về cảm cúm khi trời lạnh. Nhỏ một giọt tinh dầu hạt tiêu với dầu massage rồi xoa lên ngực và bàn chân giúp làm ấm cơ thể và kích thích hệ thống miễn dịch, nhờ vào tính chất giảm đau và sự làm ấm lên của tinh dầu tiêu.

Ngửi tinh dầu tiêu sẽ giúp giảm triệu chứng buồn nôn. Một vài nghiên cứu cho thấy ngửi dầu hạt tiêu còn giúp những người muốn bỏ thuốc lá có thể dễ dàng hơn.

Hạt tiêu còn chữa được các bệnh do viêm nhiễm gây nên. Giúp lưu thông máu và tăng độ ấm cho cơ thể, tốt cho những ai bị bệnh kinh niên về viêm nhiễm hoặc cứng cơ thể do lạnh.

Thêm vào một chút kem dưỡng hoặc dầu nền hay dầu massage rồi bôi lên bụng sẽ giúp giảm chứng táo bón, đầy hơi, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt và hiệu quả hơn. Dùng với độ pha loãng 1 % (5-6 giọt tinh dầu hạt tiêu với 15g dầu dẫn).

Tác dụng nổi bật

- Khử trùng, chống viêm nhiễm. Giảm đau, chống nôn, long đờm, hạ sốt. Giảm xung huyết da ; lưu thông máu ; giữ ấm cho cơ thể. Dễ tiêu ; kích thích và làm tăng chức năng hoạt động của dạ dày. Trấn tĩnh; giảm sự sợ hãi, bồn chồn lo lắng.  Tốt cho người hay phải chịu đựng áp lực về tinh thần ; giúp lấy lại năng lượng cho những người hay uể oải mệt mỏi. Giảm sự ốm yếu, chán nản, buồn rầu.

Gợi ý công thức pha chế


Để giúp làm giảm đau cơ và cứng cơ : 4 giọt tinh dầu hạt tiêu ; 4 giọt tinh dầu khuynh diệp ; 2 giọt tinh dầu gỗ hồng mộc ; 4 giọt tinh dầu oải hương ; Pha chế thêm 30 gram jojoba. Xoa lên chỗ đau một vài lần trong ngày.

Cách bảo quản

  • Tránh không để ở những nơi nóng, có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, bụi bặm,… vì có thể làm bay hơi hoặc mất tác dụng của tinh dầu.
  • Không để bị ngấm nước hay các sản phẩm khác rơi lẫn vào.
  • Luôn đóng chặt nắp các lọ tinh dầu khi không sử dụng.
Chú ý khi sử dụng tinh dầu tiêu
  • Không ăn, uống hay để tinh dầu rớt vào mắt và vùng nhạy cảm
  • Không bôi tinh dầu vào các vết thương hở
  • Không dùng cho phụ nữ mang thai
  • Không dùng với người tính khí không ổn định
  • Trẻ em dưới 6 tuổi, người bệnh kinh niên dùng phải có sự chỉ định của bác sĩ
  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng kèm theo (nếu có)
Sưu tầm từ Internet
Ở Bình Định, diện tích trồng hồ tiêu chủ yếu tập trung tại huyện Hoài Ân với diện tích khoảng 250 ha. Tuy nhiên, hầu hết SX theo hình thức quảng canh, do đó chưa phát huy hết tiềm năng. “CLB người thích trồng tiêu” ra đời đã tạo điều kiện để các hộ SX chuyên nghiệp, đưa tiêu trở thành cây trồng chủ lực.

Theo ông Phạm Văn Chức, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Ân, trong những năm qua giá tiêu luôn ổn định ở mức cao từ 120.000 - 140.000 đ/kg nên cây hồ tiêu trở thành lựa chọn số một trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân huyện này.

Qua quá trình SX hồ tiêu cho thấy hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đất đai, khí hậu ở Hoài Ân. Do đó, trong mấy năm qua, loại cây trồng này phát triển mạnh, đã có mặt tại các xã Ân Thạnh, Ân Hữu, Ân Đức, Ân Nghĩa, Ân Tường Đông.

“Đặc biệt, hạt tiêu được trồng ở Hoài Ân to, cay và hương vị đặc biệt. Nhiều thương lái ở Gia Lai về tận đây thu mua. Tiêu Hoài Ân luôn có giá cao hơn các loại tiêu trồng ở nơi khác từ 15.000 - 20.000 đ/kg”, ông Chức nói.
Đầu tư trụ bê tông trồng tiêu

12/12/13

 Mời 80 nông dân trồng tiêu của xã Xuân Thọ (Xuân Lộc, Đồng Nai) đến họp bàn về cách mua bán trực tiếp giữa nhà máy - nông dân nhưng đã có tới gần 150 bà con đến dự.

Công ty TNHH Gia vị liên hiệp (Unispice) ở TP.HCM cho biết sẽ tiến hành mua bán trực tiếp với người dân ngay trong vụ tiêu năm 2014 để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Đại diện Công ty Unispice, VPA và người dân trồng tiêu thảo luận về phương án mua bán trực tiếp giữa công ty và nông dân - Ảnh: T.M.
Tại buổi làm việc, do người dân không muốn bán số lượng lớn ngay một lúc, đặc biệt thích nhận tiền tươi thay vì chuyển khoản, công ty đã quyết định đặt một trạm thu mua ngay tại địa phương để cân mua tiêu cho nông dân và thanh toán bằng tiền mặt. Vào mỗi buổi sáng, căn cứ vào giá tiêu giao dịch trên thị trường thế giới và giá nội địa, công ty sẽ niêm yết giá tại nơi thu mua hoặc nhắn tin điện thoại cho người dân giá mua trong ngày.

Phần 2: TIÊU TƠ

Tiêu tơ bà con thường xuyên gặp những biểu hiện sau: Vàng lá, rụng đọt, đọt non kém phát triển, lá non mất sắc tố, lá tiêu non quăn, tiêu bị đốm lá, cháy mép lá, lá non đốm trắng li ti sau đó lá sẽ quăn, thối rễ tơ… Thời kỳ sau khi đôn phần dây chôn dưới đất ở giai đoạn nhạy cảm này rất dể bị tổn thương. Không hẳn quá nhiều mắt rễ dưới đất là tốt. Càng nhiều mắt rễ càng dể bị sâu hại tấn công. Chỉ cần sâu hại tấn công 1 phần trong số mắt rễ đó là cây biểu hiện lên lá ngay. Khi đôn cây nứt rễ rất nhiều. Nếu không bảo vệ kịp thời, để cây bị sâu hại hay nấm tấn công…, cây sẽ phát triển rất kém. Bộ rễ không bị tổn thương hầu như cây sẽ không bị bệnh. Điều này tôi đề cập nhiều lần vì tầm quan trọng của nó.

Ngoài ra khi cắt dây hom để trồng, lúc này cây sẽ bị rối loạn dinh dưỡng, rối loạn sinh lý dẫn đến không nứt chồi được. Hoặc nứt chồi tiêu sẽ bị quăn lá. Bệnh này gọi là tiêu điên. Với bệnh này bà con cần lưu ý một số điểm nhỏ khi cắt hom sẽ không bị tiêu điên. Đó là nên cắt dây hom còn màu xanh.  Để dây chuyển sang màu nâu đen, tức là dây già, thì cây sẽ phát đọt rất chậm.

Trước và sau khi cắt không nên bón phân vô cơ. Không cắt vào thời điểm trời mưa, hoặc nắng gắt. Thời điểm cắt tốt nhất là vào sáng sớm. Để tiêu không bị điên, khi cắt dây hom cần lựa từ cây phải khỏe mạnh, đầy đủ dưỡng chất, cần khử trùng dụng cụ cắt cẩn thận. Bổ sung phân chuồng hoai mục và phân vi sinh trước đó 20 ngày.

30/11/13


Phần 1 : Tiêu con 
   
Người ta đi cấy lấy công 
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề…
                           (Ca dao Việt Nam) 
Ông bà ta khi xưa đã đúc kết kinh nghiệm bằng ca dao tục ngữ. Không phải tự nhiên mà có những bài ca dao lao động như thế. Đó chính là tinh hoa, tinh túy nhất của thực tế. Với những lão nông việc quan sát hồ tiêu chỉ là vấn đề bình thường, cũng như một thói quen. Vui thú điền viên là thế. Những lúc thăm vườn như vậy, lại chính là bác sỹ chẩn đoán tình trạng sức khỏe của vườn nhà mình. Tưởng chừng như đơn giản, nhưng đó là một quá trình dài mà không phải ai mới bắt đầu trồng hồ tiêu cũng được trải nghiệm. 


28/11/13

 Nguồn: IPC

'Black Pepper: Pests & Diseases ' was developed as a part of the consultancy project under FAO's TCP/RAS/3105 programme "Smallholder Livelihood Enhancement and Income Generation via Improvement of Pepper Production, Processing, Value-added and Marketing Systems and Enterprise Diversification". It is an electronic compilation that provides authentic information about various pests and diseases of black pepper and their management. The DVD can be easily browsed and navigation is simple and user-friendly. Several pictures on symptoms are incorporated along with simple description for easy understanding and identification of various biotic stresses to black pepper in various pepper growing countries. The addition of a video presentation and a number of color photographs enhances the use of this electronic compendium for disease diagnosis. Finally, additional links to other useful sites are also provided, including a Glossary.

12/11/13

Ông Bùi Xuân Khôi, Giám đốc Trung tâm cây ăn quả Đông Nam Bộ khuyến nghị tỉnh Đồng Nai cần xây dựng chứng chỉ Global Gap cho cây tiêu để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường thế giới.

Theo ông Khôi, với những điều kiện về phát triển nông nghiệp ở Đồng Nai thì để xây dựng thương hiệu là không khó, bởi Đồng Nai cũng đã hình thành được một số vùng chuyên canh sản xuất tập trung.

Điển hình như với cây tiêu ở huyện Xuân Lộc, mặc dù diện tích chỉ khoảng 1.400 ha, nhưng hiệu quả khá cao, hiện nông dân vẫn đang mở rộng diện tích. Song cũng cần phải tránh rủi ro về sâu bệnh, giải quyết tốt khâu sau thu hoạch và chuỗi cung ứng.

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com