Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

29/12/13

Giá tiêu hiện ở mức khoảng 130.000-150.000 đồng/kg, tùy loại. Theo dự báo, giá tiêu có thể tăng thêm, bởi nhu cầu thế giới tăng, trong khi sản lượng tiêu ở các nước như Indonesia, Ấn Độ… đều giảm. Thế nhưng, niềm vui của người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh không được trọn vẹn bởi điệp khúc “được giá- mất mùa”.
Một vườn tiêu ở xã Tân Giao (huyện Châu Đức) chết trắng vì kỹ thuật trồng và chăm sóc không đúng
Nhìn đợt tiêu chín bói đầu vụ mà gia đình vừa hái xong, anh Nguyễn Hải ở Tân Long, huyện Châu Đức cho biết: Tiêu vừa hái xuống đã có người đến đặt hàng với mức giá 130.000 đồng/kg. Nếu như tiêu giữ ở mức giá này thì vườn tiêu gần 1ha của gia đình anh trong vụ tiêu này đã thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình anh vẫn chưa bán mà đang cất chờ giá cao hơn. Cũng theo anh Hải và các hộ trồng tiêu ở huyện Châu Đức, nếu vườn tiêu không bị chết vì bệnh, úng nước và chăm sóc tốt thì vụ tiêu 2013-2014 sẽ thu được lợi nhuận rất cao, nhưng đa số người trồng tiêu đang gặp cảnh được giá lại mất mùa.

Nhận định về giá hạt tiêu, Chi cục Phát triển nông thôn BR-VT cho biết, trong các loại cây nông sản thì tiêu có giá trị cao nhất, giá luôn ở mức cao. Toàn tỉnh hiện có hơn 7.500ha tiêu và đây là mặt hàng nông sản có lượng xuất khẩu khá lớn (khoảng 7.000 tấn/năm). Thế nhưng, những năm gần dây sản lượng tiêu thu hoạch của người nông dân đang giảm dần bởi các yếu tố về thời tiết và dịch bệnh.

Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Đức, Châu Đức là địa phương có diện tích trồng tiêu lớn nhất tỉnh với khoảng 5.000ha, tập trung tại các xã Kim Long, Bình Ba, Bình Trung, Tân Giao… Những năm gần đây, việc trồng tiêu của người nông dân gặp khó khăn. Đặc biệt là vào mùa mưa khi độ ẩm đất cao và đọng nước đã làm cây tiêu chết nhanh vì bị nhiễm nấm ở rễ hoặc chết vì úng nước. Khi tiêu nhiễm nấm chết rất nhanh. Những cây không chết thì năng suất giảm. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp đã cùng bà con nông dân khảo sát, nghiên cứu các giải pháp khắc phục nhưng vẫn không khả quan. Nhiều vườn tiêu vẫn tiếp tục bị vàng lá và giảm năng suất. Theo ghi nhận của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Đức, tình hình dịch bệnh trên cây tiêu năm nay xuất hiện sớm hơn những năm trước. Từ tháng 7 và tháng 8 -2013 đã xuất hiện những đợt mưa lớn và dồn dập nên kéo theo dịch bệnh của cây tiêu xuất hiện sớm làm 30ha tiêu chết. Diện tích đang cho thu hoạch thì năng suất giảm 40%.
Một trụ tiêu cao 6m của chị Võ Thị Thúy bị chết do nhiễm bệnh.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn BR-VT, việc trồng tiêu trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là tự phát. Những vườn tiêu được trồng khoa học, có sự tư vấn của cơ quan chuyên môn còn rất ít. Ngoài ra, việc chọn lọc và cải tạo giống ít được quan tâm, người trồng tiêu vẫn chọn giống theo kinh nghiệm dẫn đến năng suất thấp và dễ nhiễm bệnh.

Vừa qua, nhằm giúp bà con khống chế dịch bệnh trên cây tiêu, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Đức đã phối hợp với Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn tổ chức hội thảo phòng bệnh cho cây tiêu. Theo các kỹ sư của Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn, hiện tượng tiêu chết, mất mùa có nhiều yếu tố, trong đó mưa nhiều là yếu tố bất lợi nhất. Mặt khác, việc trồng tiêu đang diễn ra tự phát mà không tuân theo các kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật phù hợp cũng dễ dẫn đến tiêu chết và giảm năng suất. Để hạn chế tiêu chết vì dịch bệnh, các chủ vườn phải tuân thủ theo khuyến cáo của các nhà khoa học trong chăm sóc cũng như phòng trừ dịch bệnh, nếu không tình trạng tiêu chết sẽ không khắc phục được.

Bài, ảnh: Quang Nguyễn


0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com