Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

28/9/14


 Nguyễn Văn Linh
Tổng hợp từ tài liệu nước ngoài

HIỂU BIẾT VỀ VƯỜN TƯỢC 



Muốn cây trồng tươi tốt và việc canh tác thành công thì điều quan trọng là ta phải bỏ thời gian chăm sóc chúng, điều này giúp ta phát hiện những hiện tượng bất lợi để tìm cách ngăn ngừa hoặc chữa trị trước khi trở thành một vấn nạn nghiêm trọng. Việc phát hiện sớm các hiện tượng bất thường sẽ giúp chúng ta có thể đẩy lui được cơn bộc phát của các nguyên nhân gây hại một cách đơn giản nhất là tiêu diệt chúng.

Cần nhận biết bệnh của cây ngay từ đầu, đừng để cho đến khi khu vườn của bạn hư hỏng nặng và tốt nhất là phải tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển.

HIỂU BIẾT VỀ THỰC VẬT

Nếu không kể đến yêu cầu kỹ thuật thì cây phát triển được phụ thuộc trước tiên vào các yếu tố như không khí, nước, ánh sáng, nhiệt độ và nhiều chất dinh dưỡng để rễ hấp thu từ đất. Độ ẩm và oxy từ không khí rất cần thiết để hạt giống nảy mầm, quá tình nảy mầm và phát triển của cây sẽ ngừng lại khi nhiệt độ rơi vào mức điểm đông. Ánh sáng cũng ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của cây qua việc kích họat các diệp lục tố trên lá để kết hợp với cacbon dioxide từ không khí và nước hấp thu qua rễ tạo thành đường. Lần lượt những đường này sẽ chuyển đổi thành tinh bột hoặc các carbohydrate khác nhằm thiết lập cấu trúc thực vật. Những cacbohydrate này sau đó kết hợp với N và Mg thành lập diệp lục tố, hoặc kết hợp với P, S thành lập những cấu trúc protein phức tạp khác nhau. Calcium có vai trò trong cấu trúc thành tế bào thực vật giống như cấu trúc xương của động vật. Một số chất khoáng có tác dụng như chất xúc tác nhằm hỗ trợ cho việc thành lập các hợp chất và mô thực vật. Mặc dù chỉ cần một lượng nhỏ nhưng chúng có vai trò hết sức quan trọng bởi vì không có mặt chúng thì cây không tăng trưởng được, đó là các nguyên tố dinh dưỡng vi lượng.

Trong bài viết này sẽ có phần đề cập đến triệu chứng thiếu chất khoáng biểu hiện trên cây như thế nào, mô tả vai trò và sự cần thiết các chất khoáng trong đất. Chẩn đoán chính xác triệu chứng thiếu dinh dưỡng chỉ từ những biểu hiện trên cây trồng hết sức khó khăn bởi vì cây có thể thiếu cùng lúc nhiều chất khác nhau. Cải thiện các triệu chứng thiếu dinh dưỡng bằng cách bón đúng chất bị thiếu không phải lúc nào cũng làm được vì đôi khi chính những chất bị thiếu này đã hiện diện trong đất nhưng chúng không có khả năng chuyển hóa sang dạng để cây có thể hấp thu được. Các chất khoáng không tan có thể là do đất quá acid hay quá kiềm thậm chí là thừa chất khoáng nào đó trong đất. Triệu chứng thiếu cũng thường xảy ra trong đất quá ẩm ướt hoặc đất có kết cấu quá chặt vì rễ cây không thể hoạt động tốt trong những điều kiện này.

HIỂU BIẾT VỀ ĐẤT

Hiểu biết về đất cũng quan trọng như hiểu biết về cây trồng. Đây là hai vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau vì nếu đất ở trong điều kiện khắc nghiệt thì rễ cây cũng trong điều kiện bất lợi và không thể hoạt động hiệu quả để vận chuyển chất khoáng. Bạn có thể cải tạo đất trồng có lẫn sét, kể cả đất trồng trong chậu bằng cách thêm nhiều chất hữu cơ.

Than bùn trộn vào đất giúp tăng khả năng giữ nước nhưng phải bảo đảm than bùn đã được xử lý. Phủ trên bề mặt đất trồng một lớp nguyên liệu hữu cơ như mùn, lá mục, hoặc cỏ cắt nhỏ sẽ giúp duy trì độ ẩm cần thiết cho đất. Không cần chôn vùi những nguyên liệu này vì sau đó những mẫu hữu cơ nhỏ hơn sẽ tự chui sâu vào đất, ngoài ra hoat động của trùn đất cũng rất tốt vì chúng sẽ trộn những nguyên liệu này với đất làm cho đất tơi xốp. Lớp phủ này có giá trị như một lớp cách nhiệt nhằm tránh khỏi điều kiện quá nóng, quá lạnh, giảm thiểu thoát hơi, giữ độ ẩm, cải thiện hoàn toàn điều kiện của đất.

Nếu đất canh tác của bạn là đất cát thì điều quan trọng quyết định thành công khi trồng trọt là bón phân đều đặn nhưng với hàm lượng thấp, chia lượng phân được khuyến cáo để bón làm hai hoặc ba lần vì chất dinh dưỡng dễ bị rửa trôi ở đất cát. Đất cát có khả năng khô nhanh chóng sẽ không làm cây bị úng nước nhưng cũng là mối nguy hại cho rễ cây vì những muối tan trong đất sẽ tích tụ trong khoảng thời gian khô hạn kéo dài.

NƯỚC

Nước chiếm phần lớn trong tế bào và mô thực vật và được sử dụng để tạo thành đường. Nước cũng là phương tiện chuyên chở các chất dinh dưỡng từ rễ đến các bộ phận của cây. Triệu chứng thiếu nước biểu hiện khi nước không được cung cấp đầy đủ đến tế bào để vận chuyển các nguyên tố đến nơi cần đươc cung cấp; nước dư thừa sẽ thoát ra ngoài qua những lỗ nhỏ trên lá. Đây là một tiến trình liên tục do đó những cây đang trong giai đoạn tăng trưởng cần lượng nước rất nhiều. Người ta ước đoán một cây lớn trong giai đoạn phát triển có thể sử dụng 360 lít nước mỗi ngày.

PHẢI TƯỚI NƯỚC NHƯ THẾ NÀO?

Mặc dù nước rất cần cho sự sống của cây trồng nhưng nếu quá nhiều nước sẽ gây hại. Như đã đề cập về đất, để rễ cây hoạt động tốt cần có oxy trong khoảng trống giữa những hạt đất, nếu những khoảng trống này đầy nước thì đất sẽ bị ngập úng, khi đó không khí thoát ra ngoài, những khí độc bi ngăn chặn không thoát ra đươc, sau đó rễ cây sẽ bị ngạt, không thể hô hấp và chết. Nấm gây bệnh trên rễ cây cũng thường xuất hiện ở đất ướt, thiếu oxy.

Không ai có thể xác định cây cần lượng nước là bao nhiêu vì điều này còn phụ thuộc vào nhiệt độ, ánh sáng mà cây nhận được, độ ẩm không khí. Vào mùa khô thực vật cần nước nhiều vì nước thoát hơi khỏi đất và lá nhiều hơn, và trong điều kiện nóng ấm thì thực vật tăng trưởng nhanh hơn nên nhu cầu về nước cũng gia tăng. Do đó cần tưới nước khi bề mặt đất khô ráo và lượng nước tưới cần đủ để nuớc ngấm xuống những tầng đất có rễ cây.

ĐỘ ACID CỦA ĐẤT

Độ acid của đất thể hiện qua chỉ số pH. Chỉ số pH bắt đầu từ 1 là độ acid cao nhất đến 14 là độ kiềm cao nhất, độ trung tính sẽ có chỉ số pH là 7.

Yếu tố acid hay kiềm rất quan trọng vì chỉ trong khoảng trung tính thì các nguyên tố mới dễ tan trong đất để cây hấp thụ, do đó đất quá acid hoặc quá kiềm có thể xảy ra triệu chứng thiếu dinh dưỡng ở cây mặc dù các nguyên tố này vẫn hiện diện trong đất, ví dụ những nguyên tố thiết yếu như K, P, B, Mo mất khả năng hòa tan khi độ acid tăng (pH nhỏ hơn 5.0), tương tự khi đất trở nên kiềm (khoảng > 7.0) thì măng gan (Mn), nhất là sắt (Fe) sẽ không tan. Triệu chứng thiếu sắt thường xảy ra khi đất được bón quá nhiều vôi do vôi làm tăng độ kiềm. Triệu chứng thiếu sắt làm lá vàng nhất là ở nơi tăng trưởng mới.
Tuy nhiên bạn không cần kiểm tra đất thường xuyên, nhiều nhà vườn thành công mà không quan tâm kiểm tra độ pH đất. Mục đích chính của vấn đề là bạn nhận thức được độ acid và kiềm ảnh hưởng đến dinh dưỡng và sức khỏe cây như thế nào, không được để đất quá acid hay quá kiềm, chỉ trừ trường hợp một số cây trồng ưa acid.

Có những cây được xem như là cây chỉ thị độ pH, ví dụ như xà lách, bắp cải, củ cải, hành, cà rốt, đậu… thì thích hợp với đất hơi acid.

Cẩm tú cầu thường được xem là cây chỉ chị độ acid hay kiềm của đất vì màu sắc hoa phụ thuộc vào hàm lượng Al trong đất. Khi hoa có màu hồng thì đất trồng có tính kiềm, hoa xanh thì đất trồng có tính acid. Có thể tăng độ acid trong đất bằng cách bón nhôm sulphate hay sắt sulphate, than bùn cũng có hiệu lực tăng độ acid.

TỔNG QUÁT VỀ BÓN PHÂN

Để khu vườn tốt không nhất thiết phải sử dụng nhiều phân bón. Trong thiên nhiên cây tăng trưởng và phát triển nhờ xác bã thực vật rơi xuống đất bị phân hủy và chuyển đổi từ chất hữu cơ thành muối vô cơ tan, những muối này sẽ đựoc cây hấp thu qua rễ, vòng tuần hoàn này xảy ra liên tục. Người, động vật, chim, côn trùng đều ăn thực vật, những chất được thải ra ngoài cơ thể và xác chết của chúng cũng được phân giải và trở lại đất, quá trình này đã tham gia hoàn tất chu trình sinh thái.

Ngoài việc sử dụng xác bã thực vật và những phế liệu hữu cơ trong gia đình làm phân mùn, sử dụng phân động vật nhất là phân gia cầm và phân cừu rất hiệu quả. Tuy nhiên hàm lượng dinh dưỡng của phân chuồng phụ thuộc vào thức ăn cho động vật và cách xử lý phân vì hiện tượng thất thoát đạm và những chất khoáng khác thường xảy ra qua thời gian mưa nắng.

Phân chuồng có những giá trị và tính năng đặc trưng của nó. Cây trồng được chăm bón bằng phân vô cơ kết hợp với các loại mùn hữu cơ vẫn không thể cho kết qủa ngang bằng với cây được chăm bón bằng phân chuồng dù là với tỷ lệ dinh dưỡng hợp lý tương đương.

Khi sử dụng phân hoá học phải hết sức cẩn thận vì chúng thường gây tai hại nếu sử dụng quá liều lượng cần thiết. Những nhà vườn thiếu kinh nghiệm thường cho rằng những khuyến cáo như một nắm phân cho mỗi mét vuông sẽ không đủ dinh dưỡng cho cây và họ sẽ bón lượng phân lớn hơn hoặc có người cho rằng nếu bón một ít thì sẽ tốt vậy bón gấp hai thì cây trồng cũng sẽ tốt gấp hai, quan niệm này không đúng trong sử dụng phân bón.

Phải xem xét kỹ các hướng dẫn sử dụng của bất kỳ loại phân bón nào, chỉ nên bón phân khi đất ẩm và phải tưới nước sau khi bón vì dung dịch muối sẽ đậm đặc hơn khi đất khô ráo và khi đó sẽ gây nên những vấn đề nghiêm trọng. Người ta thường bón nhiều phân quá mức khi đất không có độ ẩm thích hợp làm cho cây suy sụp suốt mùa khô hoặc sau khi đã bón nhiều tuần.

Cây trồng trong chậu thường dễ bị nguy hại vì phân bởi vì muối tan không thể khuếch tán ra đất chung quanh khi nồng độ dinh dưỡng tăng cao nhất là khi đất trong chậu bị khô.

Mối nguy hại của đất thừa dinh dưỡng từ phân hữu cơ không đáng kể vì nguyên liệu hữu cơ phải qua quá trình phân giải bởi vi sinh vật đất để chuyển đổi muối hữu cơ thành muối vô cơ tan cho cây hấp thu. Do quá trình phân hủy nguyên liệu hữu cơ chậm nên việc giải phóng chất dinh dưỡng đáp ứng cho cây cũng xảy ra chậm, vì thế nguy hại cho rễ ít hơn nhiều so với dùng phân vô cơ.

KHI NÀO THÌ NÊN BÓN PHÂN?

Chỉ cần bón phân khi cây trong giai đoạn tăng trưởng, không bón phân khi cây trong giai đọan tiềm sinh bởi vì khi đó cây không có khả năng sử dụng phân và chính những chất dinh dưỡng không được sử dụng này sẽ tích tụ và gây hại đến cây. Không bón phân khi cây bị thương hay suy yếu, tránh lầm lẫn với triệu chứng thiếu dinh dưỡng. Hầu hết cây tăng trưởng mạnh vào mùa xuân và đây là giai đoạn tốt để bón phân nhưng bất cứ trường hợp nào thì cũng chỉ nên bón phân khi cây có những dấu hiệu phát triển. Không bón phân nhiều hơn khuyến cáo hay chỉ bón một nửa lượng phân trên đất cát khô, lượng phân bón cũng giảm khi bón vào chậu.

Khi bón phân hãy rải phân ngay dưới vòng ngoài tán lá bởi vì đây là nơi tập trung nhiều rễ hút nhất so với vùng gần thân cây. Bón phân khi đất ẩm và tưới nước sau khi bón.

Bón phân lần tiếp theo phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng của cây. Thực hiện bón phân một lần vào mùa xuân sẽ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng đối với những cây nhỏ. Cây ăn trái thường thích hợp với việc bón phân lần hai khi trái đang hình thành. Cây thuộc họ cam quýt bón phân kích thích tăng trưởng vì thế lần bón đầu tiên nên vào đầu xuân, lần bón thứ 2 vào giữa mùa hè, có thể lần bón tiếp theo vào mùa thu. Cây rau và hoa sinh trưởng nhanh từ lần bón thứ hai sau lần bón thứ nhất từ 6 đến 8 tuần.

Các loại phân bón hòa tan trong nước dùng phun lên cây nên bón thường xuyên hơn so với dạng phân bón gốc. Các loại rau, nhất là rau ăn lá nên bón một tuần một lần sẽ không quá mức dinh dưỡng khi tưới đẫm. Tuy nhiên cần lưu ý rằng đa số loại phân bón pha loãng với nước thường chứa lượng N rất cao do N có khuynh hướng kích thích tăng trưởng lá xanh mạnh mẽ, những cây họ đậu và cây hoa nên bón lượng phân ít hơn thông thường cho đến khi chồi hoa hoặc trái non xuất hiện, khi đó phân bón sẽ làm gia tăng kích thước hoa và trái. Lượng phân bón mà cây hấp thu được ảnh hưởng bởi lượng nước mà cây nhân được, tuy nhiên mưa kéo dài sẽ rửa trôi các chất dinh dưỡng khỏi đất, khi đó cần bón phân sớm hơn thường lệ./.


26/9/14

Tuyến trùng là dịch hại phổ biến trên nhiều loại cây lương thực, cây công nghiệp ngắn và dài ngày, rau, hoa… Tuyến trùng có kích thước rất nhỏ, hầu hết có dạng hình giun, một số ít có dạng tròn hay bầu dục. Số loài tuyến trùng ước khoảng 1 triệu loài, trên 28.000 loài được mô tả, trong đó trên 16.000 loài ký sinh.

Tuyến trùng gây hại bằng cách dùng kim chích vào mô thực vật để hút chất dinh dưỡng. Tuyến trùng có thể gây hại trên rễ, thân, lá… Tuy nhiên chủ yếu gây hại trên rễ. Tuyến trùng sống và gây hại chủ yếu trong đất.

Trên tiêu, triệu chứng do tuyến trùng thường thấy là cây cằn cỗi, lá vàng vọt, héo, chót lá đen dần rồi rụng, nếu nhổ gốc lên quan sát ta thấy trên rễ có các mụt u sần, rễ cong queo, hệ rễ phát triển kém…
 Nguyên nhân do tuyến trùng chích hút, bơm các độc tố vào rễ, làm rễ bị nghẽn mạch, phù to tạo nên các khối u sần, giảm khả năng hấp thu nước và dưỡng chất khiến cây sinh trưởng và phát triển kém, triệu chứng sẽ năng hơn nếu kết hợp với nấm bệnh, virus, vi khuẩn xâm nhập qua các vết thương trên rễ do tuyến trùng gây ra như nấm Phytophthora, Pythium, Rhizoctonia… gây bệnh chết nhanh, chết chậm, rụng lóng chết dây, tiêu điên.

Thường các triệu chứng do tuyến trùng thường thấy vào đầu mùa khô, khi có nước và chăm sóc, bón phân, bệnh suy giảm.

Trên tiêu có nhiều loại tuyến trùng gây hại, tuy nhiên phổ biến nhất là tuyến trùng Meloidogyne, Pratylenchus, Radopholus, Xiphinema, Circonemoides.

Để hạn chế tuyến trùng cần chú ý áp dụng các biện pháp tổng hợp như đào mương thoát thủy (để hạn chế tuyến trùng lây lan, đồng thời hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm), tăng cường bón vôi, bón phân Calcium - Nitrate (tuyến trùng thích đất hơi chua), bón phân hữu cơ hoai mục (vì trong phân hữu cơ có nhiều vi sinh vật và tuyến trùng đối kháng)… và cuối cùng xử lý bằng thuốc hóa học đặc trị như Saburan 10Gr.

Saburan 10Gr là thuốc xử lý đất, phòng và trị các loại tuyến trùng (rệp sáp gốc, sùng trắng, kiến, mối) hại rễ tiêu, ngoài ra còn bảo vệ rễ, ngăn ngừa các loại nấm hại gây bệnh chết nhanh, chết chậm, tiêu điên, bệnh rụng lóng, chết dây. Saburan 10Gr thuộc nhóm độc III, thời gian cách ly 14 ngày.
Sử dụng:
Cây trồng Liều lượng Cách dùng
Hồ tiêu 30 gram/trụ Xới nhẹ quanh gốc 30 – 50 cm, sâu khoảng 10 cm, xong rải thuốc, lấp đất, tưới nhẹ. Nên xử lý đất vào đầu mùa mưa, nếu mật số tuyến trùng cao, có thể xử lý thêm lần hai vào giữa hay cuối mùa mưa.
Xới nhẹ quanh gốc 30 - 50 cm, sâu khoảng 10 cm, xong rải thuốc, lấp đất, tưới nhẹ. Nên xử lý đất vào đầu mùa mưa, nếu mật số tuyến trùng cao, có thể xử lý thêm lần hai vào giữa hay cuối mùa mưa. Có thể trộn thuốc với phân bón, các loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh khác để rải gốc.

Ths Huỳnh Kim Ngọc
Theo: NNVN

25/9/14

Hội nghị Thường niên Hiệp hội Hồ tiêu Quốc té - IPC lần thứ 42 sẽ được tổ chức tại Khách sạn Sheraton, Q.1, TP.HCM từ ngày 27-30/10/2014. Hội nghị là nơi họp mặt đông đảo đại biểu là các nhà sản xuất, chế biến XNK Hồ tiêu và gia vị của các nước thành viên IPC và đại diện các Hiệp hội gia vị lớn như Hiệp hội Thương mại Gia vị Mỹ (ASTA), Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA), các nhà nhà mua bán XNK Hồ tiêu, gia vị trên toàn thế giới. Nội dung hội nghị rất phong phú, theo chương trình sẽ diễn ra hội nghị chuyên đề về kỹ thuật trồng trọt, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, chế biến bảo quản, tại Hội nghị về XNK các đại biểu sẽ báo cáo về XNK, tiêu thụ, tồn kho, thị trường giá cả, các biện pháp bình ổn thị trường, các qui định về chất lượng VSAT thực phẩm.

Phí tham dự Hội nghị là 100 USD/người hoặc 2.200.000 đồng/người + 1 tấm ảnh scan 3x4. Quý Hội viên nào đăng ký tham dự Hội nghị xin vui lòng đăng ký trước ngày 3/10/2014 (IPC sẽ in thông tin người tham dự trong cuốn danh bạ Hội nghị, hạn chót gởi thông tin ngày 3/10/2014).

Quý Hội viên có thể đóng tiền mặt tại Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam: 135A Pasteur, P.6, Q.3, TP.HCM hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Hiệp hội. Số TK: 007.100.068.8670 tại Vietcombank TP.HCM.

Nếu Quý Hội viên thanh toán chuyển khoản, xin vui lòng Fax ủy nhiệm chi về Văn phòng Hiệp hội.
Mọi thông tin về Hội nghị IPC 42, xin vui lòng liên hệ: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam - 08 38.237.288

Trang web chính thức của Hội nghị IPC 42

24/9/14

13 năm liên tục ở “ngôi hậu” trong “làng xuất khẩu hồ tiêu thế giới”, hạt tiêu Việt Nam đang ở thời kỳ huy hoàng nhất. Quy hoạch phát triển cho ngành này vừa được ban hành cuối tháng 6, nay đã bộc lộ tính thiếu thực tế...
Tiêu xuất khẩu được giá, nông dân phấn khởi tăng diện tích trồng, chuyên gia cảnh báo coi chừng “bội thực” - Ảnh: T.B.D.

Các nhà hoạch định chiến lược hoàn toàn có lý khi khẳng định quy hoạch phát triển phải dựa trên nhu cầu thị trường, khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, hiệu quả và bền vững... Nhưng, dường như các nhà hoạch định lại đang tự mâu thuẫn với chính mình trong mục tiêu phát triển và định hướng quy hoạch.

Giữ kỷ luật hay giả làm ngơ?

Hồ tiêu của Việt Nam là cây trồng có sức cạnh tranh đặc biệt lớn, thị trường thế giới lại rất hút hàng, giá hồ tiêu xuất khẩu đang cao kỷ lục khiến nông dân trồng tiêu lãi to. Cho nên không chỉ nông dân, mà có lẽ ngay cả các cơ quan quản lý địa phương cũng đang làm ngơ trước mệnh lệnh xóa bỏ hơn 20% diện tích hồ tiêu nằm ngoài quy hoạch.

Trước hết, nếu diện tích trồng hồ tiêu năm 2013 tăng theo diện tích cho thu hoạch như đã được công bố thì tổng diện tích đã đạt hơn 62.000ha, tức là tăng khoảng 12.000ha (23,8%) trong vòng bốn năm gần đây. So với quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, diện tích hồ tiêu duy trì và ổn định ở mức 50.000ha, thì con số tăng nói trên phải xử sao đây?

Tại sao diện tích hồ tiêu lại tăng nóng chỉ trong một thời gian ngắn như vậy? Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng do giá hồ tiêu xuất khẩu những năm gần đây đã hai lần tăng đột biến. Nếu như giá hồ tiêu xuất khẩu năm 2006 chỉ đạt 1.632 USD/tấn thì năm 2007 tăng gấp đôi lên 3.269 USD/tấn, nửa đầu năm nay đã là 7.156 USD/tấn. Đây chính là nguồn động lực cực lớn thúc đẩy nông dân dồn sức phát triển cây tiêu.

Doanh thu từ hồ tiêu cao hơn bất kỳ loại cây công nghiệp lâu năm nào khác, mỗi hecta hồ tiêu đạt hơn 14.200 USD, cao gấp 5,2 lần so với cà phê, 5,6 lần so với cao su và 8 lần so với chè và điều. Rõ ràng với doanh thu như vậy, chắc chắn “phán quyết” giảm mạnh diện tích đang lãi “khủng” hiện nay để chuyển sang các loại cây cho doanh thu thấp hơn là điều quá khó để nông dân chấp nhận, nếu không muốn nói là không thể.

Giá có thể tăng mãi được không?

Giá hồ tiêu tăng nóng như vậy có phải nhờ ngành hồ tiêu nước ta đã điều tiết được giá thế giới, trong đó công đầu thuộc về nông dân, như nhiều ý kiến đã khẳng định? Các số liệu thống kê hoàn toàn đủ để cho phép khẳng định rằng đây chỉ là điều kiện đủ, khi điều kiện cần đã xuất hiện.

Trước hết, theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), diện tích hồ tiêu thế giới năm 2012 đã giảm xuống 540.000ha (từ 640.000ha năm 2006), tức là đã giảm tới 15,7%. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2012 chỉ đạt 461.000 tấn, vẫn giảm 5.000 tấn so với kỷ lục 466.000 tấn trước đó sáu năm, do năng suất trong cùng kỳ tăng khá.

Theo ước tính của IPC, sản lượng hồ tiêu thế giới năm nay lại giảm do mất mùa và gần như sẽ trở lại như mức đã đạt được năm 2006. Như vậy, sản lượng hồ tiêu thế giới bảy năm gần đây hầu như “giậm chân tại chỗ”. Nghĩa là nguồn cung khan hiếm làm giá liên tục sốt nóng.

Trong điều kiện cán cân cung - cầu nghiêng về phía các quốc gia xuất khẩu như vậy, với tỉ trọng thị phần xấp xỉ 39% trong những năm gần đây, việc nông dân trồng hồ tiêu nước ta không ồ ạt bán ra ở những thời điểm nhất định, họ đã tận dụng được cơ hội mà thị trường mang lại.

Bởi lẽ, nếu như diện tích và sản lượng hồ tiêu thế giới tăng mạnh như những năm trước đây, giá hồ tiêu liên tục đứng ở mức thấp thì cho dù điều tiết được lượng xuất khẩu, chắc chắn họ cũng không có phép mầu nào để đẩy giá xuất khẩu nhúc nhích.

Theo quy luật thị trường hàng hóa thế giới, sau một thời gian tăng nóng đủ dài, giá cả sẽ thúc đẩy sản xuất tăng mạnh, dẫn tới tình trạng cung lớn hơn cầu, giá cả sẽ giảm mạnh cũng trong một thời gian đủ dài, một chu kỳ gồm hai pha nóng, lạnh tương tự sẽ được lặp lại. Điều đó đã được chứng minh trong ba thập kỷ gần đây. Thị trường hồ tiêu đã trải qua hai chu kỳ sốt nóng - lạnh 1985-1993 và 1994-2005, từ năm 2006 đến nay là giai đoạn sốt nóng.

Trong khi đó, với tổng sản lượng ổn định ở mức 140.000 tấn theo quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2-1,3 tỉ USD, giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta ít nhất phải đạt khoảng 8.600-9.300 USD/tấn, tức là sẽ tăng khoảng 30-40% so với năm 2013.

Cho dù mục tiêu này còn được hỗ trợ bởi việc nâng cao chất lượng và tái cơ cấu, nhưng sau pha sốt nóng đã bước sang năm thứ tám hiện nay, không ai dám đoán chắc giá hồ tiêu thế giới sẽ còn liên tục tăng mạnh như hiện nay. Và nếu giá tiếp tục tăng nóng như vậy, chắc chắn nông dân nước ta sẽ còn dồn sức hơn nữa để phát triển hồ tiêu, cho nên mục tiêu giảm diện tích sẽ càng xa vời hơn nữa.

Hướng đi nào?

Như đã nói ở trên, cho dù giá hồ tiêu năm nay đã bước sang năm thứ tám sốt nóng, mà theo quy luật sau “nóng” sẽ là “lạnh”. Nhưng cũng lại có những dự đoán rằng nhiều khả năng chu kỳ “nóng” còn kéo dài khoảng ba bốn năm nữa và sẽ đạt kỷ lục về thời gian sốt nóng kể từ thập niên 1960 trở lại đây.

Lý do chủ yếu để suy đoán như vậy là do châu Á chiếm gần 90% diện tích và 84% sản lượng hồ tiêu thế giới đang đối mặt với nguy cơ El Nino, cho nên rất khó để khôi phục nhanh diện tích trong ngắn hạn.

Trong đó, như các số liệu thống kê của FAO cho thấy, trong khi diện tích hồ tiêu của “người khổng lồ” Ấn Độ đạt kỷ lục hơn 260.000ha năm 2006, chiếm 40,7% tổng diện tích thế giới, nhưng năm 2012 vẫn ở sát mức đáy 185.000ha.

Bên cạnh đó, một “đại gia” khác về diện tích hồ tiêu là Indonesia với gần 179.000ha (năm 2012) cũng chỉ có năng suất khiêm tốn ở mức 58% năng suất bình quân của thế giới, cho nên khả năng nhanh chóng phục hồi diện tích bị giảm rất lớn cũng không hề dễ dàng.

Trong điều kiện như vậy, với ưu thế vượt trội gấp 2,34 lần năng suất bình quân của thế giới và gấp 4 lần của Indonesia, thậm chí gấp 6,9 lần của Ấn Độ..., rõ ràng sức cạnh tranh của hồ tiêu nước ta là đặc biệt lớn.

Thực tế đó có lẽ cho phép khẳng định rằng việc nông dân nước ta tăng rất mạnh diện tích hồ tiêu kể từ cuối thập niên 1990, thậm chí tăng ồ ạt ngay cả trong những năm sốt lạnh giá hồ tiêu thế giới đầu thế kỷ này và giành luôn “ngôi hậu” trong “làng xuất khẩu hồ tiêu thế giới” để hưởng lợi giá hồ tiêu thế giới sốt nóng từ năm 2006 đến nay là lựa chọn đúng.

Trong bối cảnh như vậy, ép nông dân giảm mạnh diện tích là một việc khó. Chấp nhận diện tích hiện có, hay thậm chí tăng thêm, làm tăng vọt năng suất lên gấp rưỡi như mục tiêu đã đề ra cần phải dựa trên cơ sở tính toán và năng lực dự báo thị trường giỏi của đội ngũ chuyên môn có nghiệp vụ vững vàng.

Giảm diện tích và sản lượng trong lúc sốt nóng giá cả thế giới vẫn còn ở phía trước là một quyết định không dễ dàng. Nhưng rõ ràng, trong tư thế dẫn đầu hiện nay, một nỗ lực cần làm tốt bên cạnh năng suất và tái cơ cấu mặt hàng là việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho “tiêu Việt Nam”, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Vỡ quy hoạch

Giá hồ tiêu thực tế tại vườn ở Gia Lai dao động ở mức 190.000-200.000 đồng/kg đang tiếp tục kéo dài cơn sốt hồ tiêu nơi có diện tích trồng tiêu lớn nhất nước này. Theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2020 diện tích hồ tiêu trên toàn tỉnh ở mức 6.000ha nhưng chỉ mới đến giữa năm nay đã vượt lên 10.000ha.

Chia sẻ về thực trạng này, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Lê Văn Lịnh nói: “Còn năm năm nữa mới tới thời điểm chốt của quy hoạch hồ tiêu toàn tỉnh nhưng đến giờ đã có tới gần 10.000ha hồ tiêu rồi. Chúng tôi cố gắng khống chế, khuyến cáo người dân nhưng không thể kiểm soát được”.

Ông Lịnh cũng nói hiện nay tỉnh Gia Lai chưa có một nhà máy chế biến hồ tiêu tập trung nào, đầu ra cho sản phẩm lẫn các công tác hỗ trợ khuyến nông đi kèm (bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh, tìm kiếm thị trường...) chưa thật sự mạnh nên việc hồ tiêu vỡ quy hoạch đang tạo ra những nguy cơ trước mắt: được mùa rớt giá, mất mùa được giá.

Gia Lai có vùng chuyên canh hồ tiêu nổi tiếng, đã tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu hồ tiêu Chư Sê. Ở địa phương này, cây tiêu đã giúp nông dân đổi đời, nhiều hộ gia đình thu nhập tiền tỉ từ các vườn hồ tiêu. Ông Hồ Phước Bính - đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (huyện Chư Sê) - cho biết hiện diện tích hồ tiêu của riêng Chư Sê đã lên tới gần 2.500ha.

Theo tính toán của người dân ở đây, trung bình 1ha tiêu thụ được từ 700-800 triệu đồng, trừ chi phí nắm chắc trong tay 400-500 triệu đồng. Hấp lực này khiến rất nhiều hộ nông dân tại các huyện Chư Sê, Chư Prông, Đắk Đoa, Đức Cơ... của tỉnh Gia Lai đã chặt bỏ các vườn cây khác chuyển qua trồng hồ tiêu.

Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ dân nếm trái đắng từ việc chuyển qua trồng loại cây này. Ông Lê Đình Hân, nông dân ở thôn 5, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, cho biết trước đây trồng 900 trụ tiêu, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Đến năm 2009, gia đình tăng thêm gần 1,5ha trồng hồ tiêu. Nhưng rồi “quả đắng” hồ tiêu bắt đầu ập đến. “Gần 900 trụ tiêu của tôi đã bị nhiễm bệnh chết, bao nhiêu tiền của, công sức ra đi” - ông Hân nói.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Gia Lai cho thấy năm 2012 và 2013 toàn tỉnh có gần 500ha tiêu bị chết do nhiễm bệnh nấm, chỉ riêng năm 2014 diện tích tiêu chết đã lên trên 600ha và đang có xu hướng tăng.

THÁI BÁ DŨNG
NGUYỄN ĐÌNH BÍCH
Theo Tuoitre Online

23/9/14

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu hồ tiêu được trên 136.000 tấn, đạt giá trị 1,022 tỷ USD.
Dự báo đến hết năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ đạt 1,2 tỷ USD.
Đây là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt giá trị trên 1 tỷ USD, qua đó đưa hồ tiêu lọt vào nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.

Mặc dù mới trải qua 9 tháng nhưng lượng xuất khẩu đã cao hơn gần 3.500 tấn và đạt giá trị xuất khẩu cao hơn 100 triệu USD so với cả năm ngoái. Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu 132.637 tấn hạt tiêu, đạt giá trị 888,985 triệu USD. Theo các chuyên gia trong hiệp hội hồ tiêu, dự báo đến hết năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sẽ đạt 1,2 tỷ USD.

Hiện nay, Việt Nam chiếm khoảng 50% khối lượng tiêu xuất khẩu trên thế giới và chiếm khoảng 30% sản lượng tiêu trên toàn thế giới. Hoa Kỳ, các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Hà Lan và Ấn Độ là những quốc gia nhập khẩu tiêu lớn nhất từ Việt Nam. Tại thị trường EU, hồ tiêu chủ yếu được nhập vào Hà Lan và Đức sau đó được phân phối tiếp sang các thị trường khác. Việt Nam đã vượt xa Brazil, Indonesia, Ấn Độ để giữ vững vị trí là nhà cung cấp số 1 tại thị trường này.

Năm 2014 được đánh giá là năm tăng trưởng kỷ lục của hồ tiêu về giá và lượng. Hiện tại, giá hạt tiêu đen ở các vùng trồng tiêu trọng điểm vào khoảng gần 200.000 đồng/kg (giá cao nhất trong năm 2013 là 160.000 đồng/kg). Còn giá tiêu đen xuất khẩu đang ở mức trên 8.000 USD/tấn, tiêu trắng gần 10.000 USD/tấn.

Hoàng Sang
Theo DĐDN
Xuất khẩu tiêu những tháng đầu năm nay đã vượt 1 tỷ USD. Trước lợi nhuận cây tiêu mang lại, nhiều hộ nông dân đã không ngần ngại bón phân, phun thuốc vô tội vạ. Việc lạm dụng này đã biến cây tiêu từ chỗ không bệnh trở thành bệnh.
Cây tiêu bị bệnh chết nhanh, gốc cây đã bị thối, mặc dù phía trên lá một số vẫn còn xanh
Rùng mình phân, thuốc "đổ" gốc tiêu

Trong đó bệnh chết nhanh, chết chậm sẽ làm cả vườn tiêu tan nát. Hai năm gần đây, do tiêu được giá nên nhiều hộ nông dân ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ đổ xô trồng tiêu, 1 ha trồng khoảng 1.800-2.000 nọc tiêu, sau 3 năm thu hoạch 2-3 kg tiêu khô/nọc, tức năng suất đạt chừng 4 tấn/ha, với giá bán vào giữa tháng 9/2014 là 200 ngàn đồng/kg, thu nhập thấp nhất là 400 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, người trồng tiêu cầm chắc 200-300 triệu đồng. Chính vì lợi nhuận hấp dẫn nên người nông dân không ngại đầu tư phân bón, thuốc BVTV miễn sao cho cây tiêu nhìn xanh tốt, phát triển "rực" là được.

"Hoa mắt" với phân, thuốc

Chúng tôi về xã Long Bình, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, nơi có một số diện tích tiêu già đang có dấu hiệu bệnh chết nhanh, chết chậm để tìm hiểu.
Ông Cao Văn Hải ở thôn 4, trồng 200 nọc tiêu từ năm 2009 hiện đang ở thời kỳ tựa trái, ngày 16/9 phát hiện có một số nọc tiêu bị vàng lá, ông chạy ra đại lý V, ở thôn 1 "cầu cứu". Tại đây, đại lý cử nhân viên đến tận vườn kiểm tra, sau đó kết luận dấu hiệu của bệnh chết nhanh, nếu không xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ lây lan gây chết cả vườn tiêu. Lập tức, đại lý kê "toa thuốc" như sau: Agri-fos 400 thể tích 1 lít (170 ngàn/chai) phối hợp Jiamamo 720 WP gói 100 gr hoạt chất Macozeb trị nấm bệnh (giá 40 ngàn/bịch = 100gr), pha nước tưới "đổ" gốc tiêu với liều lượng 5 lít nước + thuốc/gốc.

"Toa thuốc" trị bệnh chết nhanh do đại lý V kê gồm Agri-fos 400 phối hợp Jiamamo với chi phí sử dụng "trọn gói" lên đến 2,6 triệu đồng
 Điều đáng nói là, muốn tiêu hết bệnh, ông Hải phải mua 4 chai Agrifos và 16 bịch thuốc Jiamamo, và "đổ" đến 2 lần, tức chi phí trọn gói lên hơn 2,6 triệu đồng. "Chung quanh có một số vườn tiêu bị bệnh vàng lá, sau đó chết rụi cả vườn, tui lo lắm. Ra đại lý họ chỉ sao làm vậy, tốn kém bao nhiêu cũng chịu. Từ đầu mùa mưa đến nay, tui "tưới" 4 lần rồi, lần này là thứ 5" - ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, vào tháng 7 vừa rồi, vườn tiêu của ông cũng có dấu hiệu vàng lá, được đại lý V chẩn đoán do "tuyến trùng", sau đó kê toa gồm Chitosan Super (360 ngàn đồng/lít) kết hợp với Iprocyman 72 WP gói 450 gr (140 ngàn đồng/gói) với số tiền mua thuốc khá lớn.

Chưa hết, khi "bệnh tiêu" ổn định, đại lý tiếp tục kê đơn với một loại phân bón lá có tên Protifert LMW 480 ml giá 160 ngàn/chai nhằm "kích thích ra rễ".

Tuy nhiên khi tìm hiểu, chúng tôi bất ngờ được biết Chitosan Super của Cty CP Jia Non Biotech VN (KCN Đức Hòa, Long An) mặc dù đích thị "phân bón chuyên dụng" nhưng trên bao bì lại ghi: "Trị bệnh vàng lá thối rễ do tuyến trùng gây hại"; còn sản phẩm Protifert của Cty CP Tân Hiệp Thành (860/68 XVNT, F25, Q Bình Thạnh, TP.HCM), dù SX gia công trong nước nhưng trên bao bì cũng nổ: "Sản xuất tại Ý, made in Italia" (nguyên văn).

Chúng tôi tiếp tục đến vườn tiêu của bà Trần Thị Tỉnh trồng 600 nọc từ năm 2010 ở thôn 1 nằm gần bên vườn cao su của Nông trường 3, Cty Cao su Phú Riềng đang có phân nửa diện tích bị vàng lá, một số rễ cây nhổ lên đã thối, nhiều dây tiêu héo úa vàng bắt đầu chết khô. Theo người làm công của bà Tỉnh, mặc dù bà này đã bỏ ra gần 20 triệu đồng tiền thuốc nhưng tiêu vẫn chết dần do bệnh chết nhanh lây lan.

 "Địa phương hiện có khoảng 400 ha tiêu bị bệnh trong tổng số hơn 9.000 ha. Năm nay diện tích tiêu bị bệnh có xu hướng tăng hơn năm ngoái. Trong đó, bệnh chết nhanh sau 2 tuần chết nọc do nấm tấn công bộ rễ, làm héo nhanh toàn bộ cây tiêu; còn chết chậm do nhiều loại nấm tấn công, cây có biểu hiện vàng lá, sinh trưởng kém, nó không chết ngay nhưng làm năng suất giảm" (ông Nguyễn Công Tú, Phó Chi cục BVTV tỉnh Đồng Nai). 

"Vì tiêu được giá nên bà con nông dân có tâm lý rất sợ bệnh chết nhanh, chết chậm, chỉ cần cây có dấu hiệu vàng lá, rụng lá là bắt đầu chạy đôn chạy đáo tìm đại lý hỏi mua thuốc đặc trị. Các đại lý không chỉ bán thuốc mà kiêm luôn nhiệm vụ "bác sĩ cây trồng".

Do lợi nhuận nên không ít đại lý vẽ vời, tiêu không bệnh cũng "ra toa" trị bệnh, thay vì sử dụng 1 loại thì bán tới 2, 3 loại "kết hợp", trong đó vừa thuốc vừa phân bón lá không biết đâu mà lần. Lạm dụng vào thuốc, phân bón lá nên nhiều vườn tiêu có thể từ chỗ không bệnh mà chuyển sang bị bệnh" - ông Trần Văn Quý, chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình bức xúc nói.

Lạm dụng càng thêm bệnh

Theo tìm hiểu, không chỉ thuốc BVTV mà người trồng tiêu ở đây còn lạm dụng phân bón lá và cả phân vô cơ, trong đó xuất hiện trên thị trường một số loại phân bón dạng sinh học, chế phẩm vi sinh nhưng lại được các Cty ghi quảng cáo trên bao bì là "phòng trừ, ngừa, chống được các nấm gây hại trên tiêu" như phân hữu cơ sinh học Wokozim hạt bón vào gốc (kích thích và dinh dưỡng sinh học), Agri-Fosfo 400, Viphos-K 450, Agri-Fose 400, Nagri-Fos 440...
Ngày 16/9/2014, vườn cây tiêu nhà ông Cao Văn Hải ở thôn 4, xã Long Bình, huyện Bù Gia Mập có dấu hiệu vàng lá, đại lý chẩn đoán dấu hiệu của bệnh chết nhanh (!?)
Điều đó khiến nhiều nông dân ngộ nhận phân bón giống như thuốc BVTV, dẫn đến phòng trị không hiệu quả, đến khi quá nặng khiến vườn tiêu bị bệnh chết nhanh hàng loạt.

"Tiêu vàng lá do nhiều nguyên nhân, trong đó hai nguyên nhân phổ biến là độ pH đất thấp ngăn cản tiêu hấp thụ trung vi lượng, và nguyên nhân khác là do tuyến trùng cắn phá rễ làm cây không hút được dinh dưỡng. Hai trường hợp này cần phải đo và điều chỉnh độ pH đất về mức 5,5-6,5 và dùng các loại thuốc đặc trị tuyến trùng cho tiêu. Vì vậy, không hẳn cứ thấy cây tiêu vàng lá là qui kết ngay dấu hiệu của bệnh chết nhanh, chết chậm để sau đó nghe lời đại lý mua thuốc, phân bón đổ gốc tùy tiện. Trong đó, "đổ" nhiều thuốc trong đất tuy diệt được nấm bệnh nhưng cả những loại nấm đối kháng có lợi cho cây tiêu cũng chết theo". (TS Đinh Thanh Sang, Trưởng phòng NCKH&HT Quốc tế, Trường Trung cấp Nông lâm Bình Dương).

Tại xã Lộc Hiệp, nơi đang có 515 ha tiêu, theo ông Lê Văn Hiệp, chủ tịch HND, hai năm qua, người dân xóa bỏ dần diện tích cà phê, điều, cao su kém năng suất để phát triển cây tiêu. Tuy nhiên, do hầu hết trồng tự phát, thiếu kinh nghiệm kỹ thuật nên bệnh vàng lá, chết nhanh ở cây tiêu đến nay vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Hơn thế nữa, một số nhà vườn chỉ biết làm sao cho tiêu xanh, tốt để nhanh thu hoạch, vì vậy họ tập trung bón phân NPK liều cao, thiếu cân đối dẫn đến thừa đạm (N) làm cây yếu, dễ nhiễm bệnh.
Điển hình là hộ ông Nguyễn Xiểng ở thôn 3, đang trồng 1,5 ha cao su được 2 năm tuổi, đầu năm 2014 ông phá để trồng 1.700 nọc tiêu. Tháng 8 vừa qua, tiêu chết gần 60% vì bệnh chết nhanh. Ông Xiểng than thở: “Một dây tiêu giống Vĩnh Linh mua 30 ngàn, mất 1.000 dây vị chi 30 triệu tiền giống, chưa kể tiền phân tro, thuốc BVTV bỏ ra bón, đổ gốc cũng lên tới vài chục triệu đồng, nhưng dây tiêu vẫn héo vàng rồi chết".

Mặc dù ông Xiểng đã tìm nhiều loại thuốc phòng ngừa, hỏi thăm nhiều cách chữa bệnh cho tiêu nhưng kết quả vẫn số không.

Ông Lê Thúc Long (Trưởng phòng BVTV, Chi cục BVTV tỉnh Bình Phước) cho biết, đến cuối năm 2013, diện tích cây tiêu là 10,5 ngàn ha (tính tròn), năm 2014 "nhảy" lên trên 11,6 ngàn ha, tức trồng mới đạt trên 1.000 ha.

Theo đó, tiêu nhiễm bệnh chết nhanh cũng tăng 1,1% và bệnh chết chậm tăng 6,1% so cùng kỳ năm ngoái. Đứng đầu là huyện Bình Long với trên 800 ha; thứ hai là Bù Gia Mập 90 ha. Nguyên nhân chính do phần lớn trồng tiêu tự phát, không theo quy hoạch, trồng trên vùng đất bị ngập úng dẫn đến bệnh tấn công và gây hại.

Đặc biệt, trong mùa mưa, ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại nấm bệnh gây hại, đặc biệt là nấm Phytopthora và Fusarium gây bệnh chết nhanh và chết chậm.

"Thời gian qua, cùng với việc mở rộng diện tích và đầu tư thâm canh tăng năng suất, diện tích tiêu nhiễm sâu bệnh ngày càng tăng, do đó số lượng thuốc BVTV, phân bón lá có xu hướng tăng lên. Trong đó, người dân sử dụng thuốc để phòng trừ bệnh chết nhanh và chết chậm chưa hợp lý" - ông Long nhận định.

Đỗ Quyên
Theo Báo NNVN

21/9/14



Với diện tích khoảng 11.000 ha trong tổng số 50.000 ha hồ tiêu cả nước, Bình Phước đã trở thành thủ phủ của loại cây này. Những năm gần đây, hồ tiêu mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, việc giữ và tăng diện tích hồ tiêu trong tỉnh gặp nhiều thách thức, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm.
Đào rảnh rút nước cục bộ cho vườn hồ tiêu
Khi trong vườn tiêu xuất hiện tuyến trùng, thâm nhập vào rễ của cây, gây hại, tạo ra vết thương cho bộ rễ. Đây là cơ hội cho các loại nấm tấn công như: phytopthora sp., fusarium sp., pythium sp.,… dần dần làm cho rễ bị thối. Cây sẽ chậm sinh trưởng, lá nhạt màu hoặc chuyển sang vàng, rụng từ gốc đến ngọn, các đốt cũng rụng dần và chết hoàn toàn.

Tuyến trùng gây u bướu, sát thương làm cho bộ rễ bị tổn thương. Tác hại làm cho rễ phát triển yếu, khó hút được dinh dưỡng, chất khoáng và nước. Mặt khác, khi bộ rễ bị tổn thương sẽ dễ bị nấm tấn công và gây hại làm cho cây suy kiệt từ từ, ngừng sinh trưởng và chết.

Biện pháp phòng trị: Để phát triển vườn tiêu theo hướng bền vững, hạn chế tác hại do tuyến trùng và bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm gây ra, cần áp dụng biện pháp phòng trị tổng hợp mới mang lại hiệu quả cao.

Chọn giống: Trồng mới hồ tiêu cần chọn giống không bị nhiễm bệnh và các giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Bình Phước như giống tiêu Vĩnh LinhẤn Độ, tiêu sẻ,… Thực hiện tốt công tác BVTV, không lấy giống tiêu từ vườn bị tuyến trùng, xử lý giống trước khi trồng bằng thuốc Ridomil Gold 68WG phòng bị nhiễm nấm với nồng độ 0,1% (10g/lít nước) trong 20 phút.

Thực hiện tốt các biện pháp canh tác: Chọn đất thoát nước tốt, đất có mực nước ngầm sâu trên 1m, đất có hàm lượng sét thấp (đất cát pha, đất thịt nhẹ…); làm đất kỹ, dọn sạch tàn dư thực vật. Rải khoảng 500kg/ha vôi bột khi làm đất, xử lý thuốc Tervigo 020SC với nồng độ 3-5ml pha trong 3-5 lít nước tưới/hố phòng tuyến trùng trước khi trồng.

Thường xuyên cắt tỉa những cành vô hiệu, cành lươn, cành sát mặt đất để tạo độ thông thoáng cho vườn cây. Vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom tàn dư cây bệnh đi tiêu hủy để tránh lây lan, trồng cây họ đậu giữa hàng tiêu, không trồng xen cây họ cà, bí đỏ. Thiết kế rãnh thoát nước trong các hàng tiêu, xung quanh vườn tiêu, phá bỏ các bờ ngăn nhằm giúp thoát nước trong mùa mưa, tránh để ứ đọng nước trong bồn. Bón phân đầy đủ, cân đối, tăng cường phân hữu cơ hoai mục trộn với chế phẩm sinh học Trichoderma, không bón urê quá nhiều. Điều tiết vườn tiêu đảm bảo độ ẩm thích hợp, trồng cây che bóng hợp lý giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh.

Dùng thuốc BVTV để phòng trị: Khi phát hiện vườn tiêu bị tuyến trùng, bệnh chết nhanh, chết chậm cần phải phòng trị sớm, kịp thời. Có thể sử dụng kết hợp một số loại thuốc như Tervigo 020SC, Ridomil Gold 68WG, Agri-fos 400,… để hạn chế thiệt hại như giảm năng suất, chất lượng và chết vườn cây.

Hiện nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã biết đến các loại thuốc Tervigo 020SC kết hợp với Ridomil Gold 68WG để trị tuyến trùng và nấm gây bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu khá hiệu quả… Khi được hỏi về kinh nghiệm trị tuyến trùng, bệnh chết nhanh, chết chậm các hộ cho biết đều sử dụng các loại thuốc trên tưới vào gốc tiêu với nồng độ 200ml Tervigo + 200g Ridomil Gold để phòng và 200ml Tervigo + 400g Ridomil Gold để trị, pha trong 200 lít nước tưới vào từ gốc ra đến hình chiếu tán, mỗi gốc tưới 3-5 lít dung dịch thuốc, mỗi năm xử lý 3 lần vào đầu, giữa và cuối mùa mưa để phòng bệnh. Tỷ lệ cây chết giảm rõ rệt, cây nhanh phục hồi, rễ ra trắng, đọt bung nhiều, bộ rễ tiêu hoạt động mạnh, hút dinh dưỡng tốt, cành lá phát triển xanh tốt.


                                                                                                             KS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung

                                                                                               Sở Nông nghiệp & PTNT Bình Phước

20/9/14

Nếu như năm ngoái, nhiều hộ dân ở xã Ea Hu (huyện Cư Kuin) vô cùng phấn khởi vì mùa tiêu trúng đậm thì năm nay, họ lại thấp thỏm lo âu vì hàng loạt vườn tiêu chết dần, chết mòn…

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn 7, xã Ea Hu là một trong những hộ dân trồng nhiều tiêu nhất xã, năm trước vườn tiêu khoảng 800 trụ, cho thu hoạch được hơn 4 tấn hạt, thu lời hàng trăm triệu đồng, khiến cả nhà vui mừng, mong ngóng vụ mùa mới cũng sẽ bội thu. Nhưng mấy tháng gần đây, các trụ tiêu nhà chị cứ lần lượt vàng lá, thối rễ rồi cứ thế chết liên tục, mấy tháng mùa mưa này tiêu nhà chị đã bị chết hơn 100 trụ. Cách khu vườn chị Thanh không xa, gia đình ông Hoàng Đức Đá ở thôn 7 cũng đang lao đao vì vườn tiêu - nguồn kinh tế duy nhất của gia đình đang tan nát dần. Mấy ngày gần đây, ông Đá không còn dám ra thăm vườn vì quá sốc. Hơn 3 sào tiêu mà gia đình chăm chút, mong mỏi giờ chỉ còn lơ thơ vài trụ, dù gia đình đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức để cứu chữa vườn tiêu nhưng đành bất lực nhìn cây chết khô từng ngày.
Vườn tiêu gia đình ông Hoàng Đức Đá trở nên trống hoác vì tiêu chết hàng loạt.
Cũng như 2 gia đình trên, hơn 600 trụ tiêu của ông Cao Chánh Quyền đang ra quả non cũng bị vàng lá rồi chết dần chết mòn. Ông Chánh than thở: “Hiện tượng tiêu chết đã xảy ra từ năm ngoái, nhưng không ồ ạt nghiêm trọng như năm nay. Mấy tháng gần đây, gia đình tôi đã phải hạ xuống hơn 100 trụ tiêu bị chết yểu, chưa kể còn rất nhiều trụ đang ra quả non cũng có hiện tượng vàng lá và héo úa dần, khiến ước mong của gia đình giờ tan thành mây khói…”. Mặc dù gia đình ông Quyền đã tìm nhiều loại thuốc phòng ngừa, hỏi thăm cách chữa bệnh cho tiêu, thậm chí nhờ các kỹ sư nông nghiệp tư vấn,  nhưng tình trạng tiêu chết hàng loạt vẫn không được cải thiện.

Trên đây chỉ là ba trong số hàng trăm hộ dân thuộc xã Ea Hu đang từng ngày phải đối mặt với vườn tiêu bị lụi tàn dần mà chưa thể tìm được nguyên nhân. Theo quan sát, đa phần trụ tiêu bị chết do thối rễ, dây tiêu héo dần rồi úa vàng, sau đó rụng lá ồ ạt, dấu hiệu bị bệnh cho đến khi tiêu chết hoàn toàn chỉ diễn ra trong vòng 7 – 10 ngày. Trong vườn chỉ cần một trụ tiêu bị bệnh thì nguy cơ lan sang các trụ xung quanh là rất lớn, tiêu ở độ tuổi nào cũng có thể mắc phải bệnh này.

Theo số liệu của Hội Nông dân xã Ea Hu, toàn xã hiện có khoảng 160 ha tiêu đang được nông dân đầu tư chăm sóc, trong đó có khoảng 100 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt 30 tạ/ha, sản lượng 300 tấn trong niên vụ 2013 – 2014. Mấy năm gần đây người dân đang xóa bỏ dần diện tích cà phê, điều kém năng suất để phát triển hồ tiêu. Đáng tiếc là bệnh vàng lá, chết nhanh ở cây tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu vì chưa tìm được nguyên nhân. Hội Nông dân xã chỉ biết khuyến cáo người dân không trồng tiêu ở những vùng đất thấp, dễ bị ngập úng trong mùa mưa nhằm tránh một phần thiệt hại do sâu bệnh.

Quỳnh Anh
Nguồn: Daklak Online
Hình minh hoạ
Những ngày qua, nhiều hộ nông dân ở xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) như “khóc ròng” vì hàng trăm trụ tiêu của gia đình bắt đầu đậu hạt đã bị chết hàng loạt. Theo lời của nhà nông tại địa phương, có tình trạng trên vì họ đã sử dụng các loại phân bón lá và bón gốc do một công ty vật tư nông nghiệp ở TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cung cấp. Công ty này đã về xã Ia Nan tổ chức hội thảo, giới thiệu sử dụng phân bón nhãn hiệu TL và No 1. Có hộ đã mua khoảng 30 - 40 triệu đồng phân để bón, sau đó vườn tiêu chết hết, hộ ít thì mất trăm triệu, người nhiều thì cả tỷ đồng, vì giá hồ tiêu hiện nay đã đạt “đỉnh”, ở mức gần 190.000 đồng/kg.

Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang phổ biến tình trạng một số cơ sở sản xuất và phân phối sản phẩm vật tư nông nghiệp vì lợi ích cá nhân đã len lỏi về các làng xã ở vùng sâu vùng xa, nơi bà con nông dân thiếu kiến thức để bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hướng dẫn sử dụng thuốc, phân bón sai chức năng, quy trình… làm thiệt hại cho nông dân và gây khó khăn cho nhà quản lý.
 

ĐỨC TRUNG
Theo SGGP Online

16/9/14



     Giá hồ tiêu đạt mức kỉ lục trong thời gian qua (gần cán mức 200.000đồng/ 1kg) khiến người trồng hồ tiêu vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, dịch bệnh trên cây hồ tiêu bùng phát nhanh ở nhiều nơi không những gây ra tâm lý hoang mang cho bà con mà còn gây tổn thất nặng nề về sản lượng thu hoạch ở những vụ mùa tới. Dịch lan nhanh và rộng, từ các tỉnh Đông Nam Bộ đến các tỉnh Tây Nguyên.

Ngày 30.8, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai) cho biết, hiện tại trên 600 héc ta hồ tiêu trên toàn tỉnh bị bệnh chết nhanh. Số diện tích tiêu bị nhiễm bệnh này chủ yếu ở giai đoạn kinh doanh.
Vườn tiêu bị bệnh chết nhanh.


Ông Trần Văn Tưởng (thôn Đăk U, xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) cho biết chỉ trong vòng hơn một tháng vườn tiêu hơn 2.000 nọc đã chết gần hết vì dịch bệnh.
“Bệnh phát tán rất nhanh, cây vàng lá, rụng lá và nhánh chỉ trong vòng mười ngày, nên chỉ hơn một tháng bị dịch 70% số tiêu trong vườn đã chết và đang tiếp tục chết” - ông Tưởng cho hay.

Bà Rịa-Vũng Tàu, một trong những vùng trồng hồ tiêu trọng điểm của cả nước, cũng trong tình trạng tương tự. Dịch hồ tiêu xuất hiện và có dấu hiệu lây lan đặc biệt ở huyện Châu Đức và huyện Tân Thành.
Gia đình anh Lê Phước Trí, ở ấp Cầu Ri, xã Sông Xoài bắt đầu trồng tiêu từ năm 1997. Trên diện tích 8.000 m2, anh Trí trồng gần 600 gốc tiêu sẻ và tiêu Vĩnh Linh. Bên cạnh việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng tiêu, bón phân, anh Trí còn đào rãnh thoát nước cho vườn tiêu vào mùa mưa. Nhờ vậy, cây tiêu của gia đình anh phát triển rất tốt. Năng suất đạt khoảng 6 tạ/1 sào.
Tuy nhiên, cũng với quy trình chăm sóc như vậy nhưng từ năm 2011 đến nay, vườn tiêu của gia đình anh đồng loạt đổ bệnh. Anh Trí đã dùng các loại thuốc đặc trị để phun cho cây tiêu, nhưng cũng vô hiệu. Hiện gia đình anh có hơn 5 sào tiêu bị chết.
Tây Nguyên, tâm điểm dịch hồ tiêu là ở tỉnh Đăk Lăk
Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn 7, xã Ea Hu là một trong những hộ dân trồng nhiều tiêu nhất xã, năm trước vườn tiêu khoảng 800 trụ, cho thu hoạch được hơn 4 tấn hạt, thu lời hàng trăm triệu đồng, khiến cả nhà vui mừng, mong ngóng vụ mùa mới cũng sẽ bội thu. Nhưng mấy tháng gần đây, các trụ tiêu nhà chị cứ lần lượt vàng lá, thối rễ rồi cứ thế chết liên tục, mấy tháng mùa mưa này tiêu nhà chị đã bị chết hơn 100 trụ.

Nguyên Nhân do đâu?
Chẩn đoán hiện tượng này, bà Triệu Hồng Vân, một chuyên gia lâu năm về công nghệ sinh học cho biết: “Hiện nay nhiều vườn tiêu trên cả nước bị bệnh như tiêu điên, chết chậm, chết nhanh. Đặc biệt bệnh chết nhanh rất phổ biến và nguy hiểm, làm cây tiêu chết hàng loạt, gây mất trắng hoặc giảm năng suất trầm trọng. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do nấm phytophthora, loại nấm gây thối rễ và thân gây ra làm cây tiêu chết rất nhanh”. Biểu hiện của vườn cây bị bệnh là lá úa, rụng đồng loạt và cây bị chết hàng loạt không kịp chữa trị. Hiện tượng tiêu chết nhanh thường xảy ra vào mùa mưa do độ ẩm cao.
Cây tiêu bị bệnh có dấu hiệu lá vàng và rụng nhanh.

Ngoài ra, giá tiêu cao khiến nông dân nhiều nơi đổ xô trồng tiêu, tuy nhiên với điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp cũng như kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc còn hạn chế cũng gây ra tình trạng cây tiêu chết hàng loạt.
Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) Hoàng Phước Bính nhận định: “Do mấy năm nay xuất khẩu tiêu được giá, giá tiêu cao gấp 4 -5 lần cà phê nên người dân đổ xô vào trồng bất chấp đất đai không phù hợp, kỹ thuật chưa nắm vững. Năm nay rất nhiều trường hợp vườn tiêu bị dịch bệnh nên khả năng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cả nước. Riêng tại Gia Lai sản lượng hồ tiêu niên vụ này dự báo đạt khoảng 17.000 - 18.000 tấn, giảm khoảng 30% so với niên vụ trước vì dịch bệnh. Ước tính người trồng tiêu mất cả ngàn tỉ đồng”.

       Tuy nhiên còn có rất nhiều nhiều mầm bệnh chưa được tìm thấy, nhiều nguyên nhân chưa được làm rõ, và quá trình hướng dẫn người trồng tiêu cách phòng chống dịch bệnh đang gặp nhiều khó khăn, và vì thế, nông dân lại rơi vào cảnh được mùa thì mất giá mà được giá thì mất mùa.
                                                                                                      
                                                                                                                                    Quang Vinh.

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com