Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

16/9/14



     Giá hồ tiêu đạt mức kỉ lục trong thời gian qua (gần cán mức 200.000đồng/ 1kg) khiến người trồng hồ tiêu vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, dịch bệnh trên cây hồ tiêu bùng phát nhanh ở nhiều nơi không những gây ra tâm lý hoang mang cho bà con mà còn gây tổn thất nặng nề về sản lượng thu hoạch ở những vụ mùa tới. Dịch lan nhanh và rộng, từ các tỉnh Đông Nam Bộ đến các tỉnh Tây Nguyên.

Ngày 30.8, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai) cho biết, hiện tại trên 600 héc ta hồ tiêu trên toàn tỉnh bị bệnh chết nhanh. Số diện tích tiêu bị nhiễm bệnh này chủ yếu ở giai đoạn kinh doanh.
Vườn tiêu bị bệnh chết nhanh.


Ông Trần Văn Tưởng (thôn Đăk U, xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) cho biết chỉ trong vòng hơn một tháng vườn tiêu hơn 2.000 nọc đã chết gần hết vì dịch bệnh.
“Bệnh phát tán rất nhanh, cây vàng lá, rụng lá và nhánh chỉ trong vòng mười ngày, nên chỉ hơn một tháng bị dịch 70% số tiêu trong vườn đã chết và đang tiếp tục chết” - ông Tưởng cho hay.

Bà Rịa-Vũng Tàu, một trong những vùng trồng hồ tiêu trọng điểm của cả nước, cũng trong tình trạng tương tự. Dịch hồ tiêu xuất hiện và có dấu hiệu lây lan đặc biệt ở huyện Châu Đức và huyện Tân Thành.
Gia đình anh Lê Phước Trí, ở ấp Cầu Ri, xã Sông Xoài bắt đầu trồng tiêu từ năm 1997. Trên diện tích 8.000 m2, anh Trí trồng gần 600 gốc tiêu sẻ và tiêu Vĩnh Linh. Bên cạnh việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng tiêu, bón phân, anh Trí còn đào rãnh thoát nước cho vườn tiêu vào mùa mưa. Nhờ vậy, cây tiêu của gia đình anh phát triển rất tốt. Năng suất đạt khoảng 6 tạ/1 sào.
Tuy nhiên, cũng với quy trình chăm sóc như vậy nhưng từ năm 2011 đến nay, vườn tiêu của gia đình anh đồng loạt đổ bệnh. Anh Trí đã dùng các loại thuốc đặc trị để phun cho cây tiêu, nhưng cũng vô hiệu. Hiện gia đình anh có hơn 5 sào tiêu bị chết.
Tây Nguyên, tâm điểm dịch hồ tiêu là ở tỉnh Đăk Lăk
Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn 7, xã Ea Hu là một trong những hộ dân trồng nhiều tiêu nhất xã, năm trước vườn tiêu khoảng 800 trụ, cho thu hoạch được hơn 4 tấn hạt, thu lời hàng trăm triệu đồng, khiến cả nhà vui mừng, mong ngóng vụ mùa mới cũng sẽ bội thu. Nhưng mấy tháng gần đây, các trụ tiêu nhà chị cứ lần lượt vàng lá, thối rễ rồi cứ thế chết liên tục, mấy tháng mùa mưa này tiêu nhà chị đã bị chết hơn 100 trụ.

Nguyên Nhân do đâu?
Chẩn đoán hiện tượng này, bà Triệu Hồng Vân, một chuyên gia lâu năm về công nghệ sinh học cho biết: “Hiện nay nhiều vườn tiêu trên cả nước bị bệnh như tiêu điên, chết chậm, chết nhanh. Đặc biệt bệnh chết nhanh rất phổ biến và nguy hiểm, làm cây tiêu chết hàng loạt, gây mất trắng hoặc giảm năng suất trầm trọng. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do nấm phytophthora, loại nấm gây thối rễ và thân gây ra làm cây tiêu chết rất nhanh”. Biểu hiện của vườn cây bị bệnh là lá úa, rụng đồng loạt và cây bị chết hàng loạt không kịp chữa trị. Hiện tượng tiêu chết nhanh thường xảy ra vào mùa mưa do độ ẩm cao.
Cây tiêu bị bệnh có dấu hiệu lá vàng và rụng nhanh.

Ngoài ra, giá tiêu cao khiến nông dân nhiều nơi đổ xô trồng tiêu, tuy nhiên với điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp cũng như kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc còn hạn chế cũng gây ra tình trạng cây tiêu chết hàng loạt.
Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) Hoàng Phước Bính nhận định: “Do mấy năm nay xuất khẩu tiêu được giá, giá tiêu cao gấp 4 -5 lần cà phê nên người dân đổ xô vào trồng bất chấp đất đai không phù hợp, kỹ thuật chưa nắm vững. Năm nay rất nhiều trường hợp vườn tiêu bị dịch bệnh nên khả năng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cả nước. Riêng tại Gia Lai sản lượng hồ tiêu niên vụ này dự báo đạt khoảng 17.000 - 18.000 tấn, giảm khoảng 30% so với niên vụ trước vì dịch bệnh. Ước tính người trồng tiêu mất cả ngàn tỉ đồng”.

       Tuy nhiên còn có rất nhiều nhiều mầm bệnh chưa được tìm thấy, nhiều nguyên nhân chưa được làm rõ, và quá trình hướng dẫn người trồng tiêu cách phòng chống dịch bệnh đang gặp nhiều khó khăn, và vì thế, nông dân lại rơi vào cảnh được mùa thì mất giá mà được giá thì mất mùa.
                                                                                                      
                                                                                                                                    Quang Vinh.

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com