Nguyễn Văn Linh
Tổng hợp từ tài liệu nước ngoài
HIỂU BIẾT VỀ VƯỜN TƯỢC
Muốn cây trồng tươi tốt và việc canh tác thành công thì điều quan trọng là ta phải bỏ thời gian chăm sóc chúng, điều này giúp ta phát hiện những hiện tượng bất lợi để tìm cách ngăn ngừa hoặc chữa trị trước khi trở thành một vấn nạn nghiêm trọng. Việc phát hiện sớm các hiện tượng bất thường sẽ giúp chúng ta có thể đẩy lui được cơn bộc phát của các nguyên nhân gây hại một cách đơn giản nhất là tiêu diệt chúng.
Cần nhận biết bệnh của cây ngay từ đầu, đừng để cho đến khi khu vườn của bạn hư hỏng nặng và tốt nhất là phải tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển.
HIỂU BIẾT VỀ THỰC VẬT
Nếu không kể đến yêu cầu kỹ thuật thì cây phát triển được phụ thuộc trước tiên vào các yếu tố như không khí, nước, ánh sáng, nhiệt độ và nhiều chất dinh dưỡng để rễ hấp thu từ đất. Độ ẩm và oxy từ không khí rất cần thiết để hạt giống nảy mầm, quá tình nảy mầm và phát triển của cây sẽ ngừng lại khi nhiệt độ rơi vào mức điểm đông. Ánh sáng cũng ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của cây qua việc kích họat các diệp lục tố trên lá để kết hợp với cacbon dioxide từ không khí và nước hấp thu qua rễ tạo thành đường. Lần lượt những đường này sẽ chuyển đổi thành tinh bột hoặc các carbohydrate khác nhằm thiết lập cấu trúc thực vật. Những cacbohydrate này sau đó kết hợp với N và Mg thành lập diệp lục tố, hoặc kết hợp với P, S thành lập những cấu trúc protein phức tạp khác nhau. Calcium có vai trò trong cấu trúc thành tế bào thực vật giống như cấu trúc xương của động vật. Một số chất khoáng có tác dụng như chất xúc tác nhằm hỗ trợ cho việc thành lập các hợp chất và mô thực vật. Mặc dù chỉ cần một lượng nhỏ nhưng chúng có vai trò hết sức quan trọng bởi vì không có mặt chúng thì cây không tăng trưởng được, đó là các nguyên tố dinh dưỡng vi lượng.
Trong bài viết này sẽ có phần đề cập đến triệu chứng thiếu chất khoáng biểu hiện trên cây như thế nào, mô tả vai trò và sự cần thiết các chất khoáng trong đất. Chẩn đoán chính xác triệu chứng thiếu dinh dưỡng chỉ từ những biểu hiện trên cây trồng hết sức khó khăn bởi vì cây có thể thiếu cùng lúc nhiều chất khác nhau. Cải thiện các triệu chứng thiếu dinh dưỡng bằng cách bón đúng chất bị thiếu không phải lúc nào cũng làm được vì đôi khi chính những chất bị thiếu này đã hiện diện trong đất nhưng chúng không có khả năng chuyển hóa sang dạng để cây có thể hấp thu được. Các chất khoáng không tan có thể là do đất quá acid hay quá kiềm thậm chí là thừa chất khoáng nào đó trong đất. Triệu chứng thiếu cũng thường xảy ra trong đất quá ẩm ướt hoặc đất có kết cấu quá chặt vì rễ cây không thể hoạt động tốt trong những điều kiện này.
HIỂU BIẾT VỀ ĐẤT
Hiểu biết về đất cũng quan trọng như hiểu biết về cây trồng. Đây là hai vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau vì nếu đất ở trong điều kiện khắc nghiệt thì rễ cây cũng trong điều kiện bất lợi và không thể hoạt động hiệu quả để vận chuyển chất khoáng. Bạn có thể cải tạo đất trồng có lẫn sét, kể cả đất trồng trong chậu bằng cách thêm nhiều chất hữu cơ.
Than bùn trộn vào đất giúp tăng khả năng giữ nước nhưng phải bảo đảm than bùn đã được xử lý. Phủ trên bề mặt đất trồng một lớp nguyên liệu hữu cơ như mùn, lá mục, hoặc cỏ cắt nhỏ sẽ giúp duy trì độ ẩm cần thiết cho đất. Không cần chôn vùi những nguyên liệu này vì sau đó những mẫu hữu cơ nhỏ hơn sẽ tự chui sâu vào đất, ngoài ra hoat động của trùn đất cũng rất tốt vì chúng sẽ trộn những nguyên liệu này với đất làm cho đất tơi xốp. Lớp phủ này có giá trị như một lớp cách nhiệt nhằm tránh khỏi điều kiện quá nóng, quá lạnh, giảm thiểu thoát hơi, giữ độ ẩm, cải thiện hoàn toàn điều kiện của đất.
Nếu đất canh tác của bạn là đất cát thì điều quan trọng quyết định thành công khi trồng trọt là bón phân đều đặn nhưng với hàm lượng thấp, chia lượng phân được khuyến cáo để bón làm hai hoặc ba lần vì chất dinh dưỡng dễ bị rửa trôi ở đất cát. Đất cát có khả năng khô nhanh chóng sẽ không làm cây bị úng nước nhưng cũng là mối nguy hại cho rễ cây vì những muối tan trong đất sẽ tích tụ trong khoảng thời gian khô hạn kéo dài.
NƯỚC
Nước chiếm phần lớn trong tế bào và mô thực vật và được sử dụng để tạo thành đường. Nước cũng là phương tiện chuyên chở các chất dinh dưỡng từ rễ đến các bộ phận của cây. Triệu chứng thiếu nước biểu hiện khi nước không được cung cấp đầy đủ đến tế bào để vận chuyển các nguyên tố đến nơi cần đươc cung cấp; nước dư thừa sẽ thoát ra ngoài qua những lỗ nhỏ trên lá. Đây là một tiến trình liên tục do đó những cây đang trong giai đoạn tăng trưởng cần lượng nước rất nhiều. Người ta ước đoán một cây lớn trong giai đoạn phát triển có thể sử dụng 360 lít nước mỗi ngày.
PHẢI TƯỚI NƯỚC NHƯ THẾ NÀO?
Mặc dù nước rất cần cho sự sống của cây trồng nhưng nếu quá nhiều nước sẽ gây hại. Như đã đề cập về đất, để rễ cây hoạt động tốt cần có oxy trong khoảng trống giữa những hạt đất, nếu những khoảng trống này đầy nước thì đất sẽ bị ngập úng, khi đó không khí thoát ra ngoài, những khí độc bi ngăn chặn không thoát ra đươc, sau đó rễ cây sẽ bị ngạt, không thể hô hấp và chết. Nấm gây bệnh trên rễ cây cũng thường xuất hiện ở đất ướt, thiếu oxy.
Không ai có thể xác định cây cần lượng nước là bao nhiêu vì điều này còn phụ thuộc vào nhiệt độ, ánh sáng mà cây nhận được, độ ẩm không khí. Vào mùa khô thực vật cần nước nhiều vì nước thoát hơi khỏi đất và lá nhiều hơn, và trong điều kiện nóng ấm thì thực vật tăng trưởng nhanh hơn nên nhu cầu về nước cũng gia tăng. Do đó cần tưới nước khi bề mặt đất khô ráo và lượng nước tưới cần đủ để nuớc ngấm xuống những tầng đất có rễ cây.
ĐỘ ACID CỦA ĐẤT
Độ acid của đất thể hiện qua chỉ số pH. Chỉ số pH bắt đầu từ 1 là độ acid cao nhất đến 14 là độ kiềm cao nhất, độ trung tính sẽ có chỉ số pH là 7.
Yếu tố acid hay kiềm rất quan trọng vì chỉ trong khoảng trung tính thì các nguyên tố mới dễ tan trong đất để cây hấp thụ, do đó đất quá acid hoặc quá kiềm có thể xảy ra triệu chứng thiếu dinh dưỡng ở cây mặc dù các nguyên tố này vẫn hiện diện trong đất, ví dụ những nguyên tố thiết yếu như K, P, B, Mo mất khả năng hòa tan khi độ acid tăng (pH nhỏ hơn 5.0), tương tự khi đất trở nên kiềm (khoảng > 7.0) thì măng gan (Mn), nhất là sắt (Fe) sẽ không tan. Triệu chứng thiếu sắt thường xảy ra khi đất được bón quá nhiều vôi do vôi làm tăng độ kiềm. Triệu chứng thiếu sắt làm lá vàng nhất là ở nơi tăng trưởng mới.
Tuy nhiên bạn không cần kiểm tra đất thường xuyên, nhiều nhà vườn thành công mà không quan tâm kiểm tra độ pH đất. Mục đích chính của vấn đề là bạn nhận thức được độ acid và kiềm ảnh hưởng đến dinh dưỡng và sức khỏe cây như thế nào, không được để đất quá acid hay quá kiềm, chỉ trừ trường hợp một số cây trồng ưa acid.
Có những cây được xem như là cây chỉ thị độ pH, ví dụ như xà lách, bắp cải, củ cải, hành, cà rốt, đậu… thì thích hợp với đất hơi acid.
Cẩm tú cầu thường được xem là cây chỉ chị độ acid hay kiềm của đất vì màu sắc hoa phụ thuộc vào hàm lượng Al trong đất. Khi hoa có màu hồng thì đất trồng có tính kiềm, hoa xanh thì đất trồng có tính acid. Có thể tăng độ acid trong đất bằng cách bón nhôm sulphate hay sắt sulphate, than bùn cũng có hiệu lực tăng độ acid.
TỔNG QUÁT VỀ BÓN PHÂN
Để khu vườn tốt không nhất thiết phải sử dụng nhiều phân bón. Trong thiên nhiên cây tăng trưởng và phát triển nhờ xác bã thực vật rơi xuống đất bị phân hủy và chuyển đổi từ chất hữu cơ thành muối vô cơ tan, những muối này sẽ đựoc cây hấp thu qua rễ, vòng tuần hoàn này xảy ra liên tục. Người, động vật, chim, côn trùng đều ăn thực vật, những chất được thải ra ngoài cơ thể và xác chết của chúng cũng được phân giải và trở lại đất, quá trình này đã tham gia hoàn tất chu trình sinh thái.
Ngoài việc sử dụng xác bã thực vật và những phế liệu hữu cơ trong gia đình làm phân mùn, sử dụng phân động vật nhất là phân gia cầm và phân cừu rất hiệu quả. Tuy nhiên hàm lượng dinh dưỡng của phân chuồng phụ thuộc vào thức ăn cho động vật và cách xử lý phân vì hiện tượng thất thoát đạm và những chất khoáng khác thường xảy ra qua thời gian mưa nắng.
Phân chuồng có những giá trị và tính năng đặc trưng của nó. Cây trồng được chăm bón bằng phân vô cơ kết hợp với các loại mùn hữu cơ vẫn không thể cho kết qủa ngang bằng với cây được chăm bón bằng phân chuồng dù là với tỷ lệ dinh dưỡng hợp lý tương đương.
Khi sử dụng phân hoá học phải hết sức cẩn thận vì chúng thường gây tai hại nếu sử dụng quá liều lượng cần thiết. Những nhà vườn thiếu kinh nghiệm thường cho rằng những khuyến cáo như một nắm phân cho mỗi mét vuông sẽ không đủ dinh dưỡng cho cây và họ sẽ bón lượng phân lớn hơn hoặc có người cho rằng nếu bón một ít thì sẽ tốt vậy bón gấp hai thì cây trồng cũng sẽ tốt gấp hai, quan niệm này không đúng trong sử dụng phân bón.
Phải xem xét kỹ các hướng dẫn sử dụng của bất kỳ loại phân bón nào, chỉ nên bón phân khi đất ẩm và phải tưới nước sau khi bón vì dung dịch muối sẽ đậm đặc hơn khi đất khô ráo và khi đó sẽ gây nên những vấn đề nghiêm trọng. Người ta thường bón nhiều phân quá mức khi đất không có độ ẩm thích hợp làm cho cây suy sụp suốt mùa khô hoặc sau khi đã bón nhiều tuần.
Cây trồng trong chậu thường dễ bị nguy hại vì phân bởi vì muối tan không thể khuếch tán ra đất chung quanh khi nồng độ dinh dưỡng tăng cao nhất là khi đất trong chậu bị khô.
Mối nguy hại của đất thừa dinh dưỡng từ phân hữu cơ không đáng kể vì nguyên liệu hữu cơ phải qua quá trình phân giải bởi vi sinh vật đất để chuyển đổi muối hữu cơ thành muối vô cơ tan cho cây hấp thu. Do quá trình phân hủy nguyên liệu hữu cơ chậm nên việc giải phóng chất dinh dưỡng đáp ứng cho cây cũng xảy ra chậm, vì thế nguy hại cho rễ ít hơn nhiều so với dùng phân vô cơ.
KHI NÀO THÌ NÊN BÓN PHÂN?
Chỉ cần bón phân khi cây trong giai đoạn tăng trưởng, không bón phân khi cây trong giai đọan tiềm sinh bởi vì khi đó cây không có khả năng sử dụng phân và chính những chất dinh dưỡng không được sử dụng này sẽ tích tụ và gây hại đến cây. Không bón phân khi cây bị thương hay suy yếu, tránh lầm lẫn với triệu chứng thiếu dinh dưỡng. Hầu hết cây tăng trưởng mạnh vào mùa xuân và đây là giai đoạn tốt để bón phân nhưng bất cứ trường hợp nào thì cũng chỉ nên bón phân khi cây có những dấu hiệu phát triển. Không bón phân nhiều hơn khuyến cáo hay chỉ bón một nửa lượng phân trên đất cát khô, lượng phân bón cũng giảm khi bón vào chậu.
Khi bón phân hãy rải phân ngay dưới vòng ngoài tán lá bởi vì đây là nơi tập trung nhiều rễ hút nhất so với vùng gần thân cây. Bón phân khi đất ẩm và tưới nước sau khi bón.
Bón phân lần tiếp theo phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng của cây. Thực hiện bón phân một lần vào mùa xuân sẽ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng đối với những cây nhỏ. Cây ăn trái thường thích hợp với việc bón phân lần hai khi trái đang hình thành. Cây thuộc họ cam quýt bón phân kích thích tăng trưởng vì thế lần bón đầu tiên nên vào đầu xuân, lần bón thứ 2 vào giữa mùa hè, có thể lần bón tiếp theo vào mùa thu. Cây rau và hoa sinh trưởng nhanh từ lần bón thứ hai sau lần bón thứ nhất từ 6 đến 8 tuần.
Các loại phân bón hòa tan trong nước dùng phun lên cây nên bón thường xuyên hơn so với dạng phân bón gốc. Các loại rau, nhất là rau ăn lá nên bón một tuần một lần sẽ không quá mức dinh dưỡng khi tưới đẫm. Tuy nhiên cần lưu ý rằng đa số loại phân bón pha loãng với nước thường chứa lượng N rất cao do N có khuynh hướng kích thích tăng trưởng lá xanh mạnh mẽ, những cây họ đậu và cây hoa nên bón lượng phân ít hơn thông thường cho đến khi chồi hoa hoặc trái non xuất hiện, khi đó phân bón sẽ làm gia tăng kích thước hoa và trái. Lượng phân bón mà cây hấp thu được ảnh hưởng bởi lượng nước mà cây nhân được, tuy nhiên mưa kéo dài sẽ rửa trôi các chất dinh dưỡng khỏi đất, khi đó cần bón phân sớm hơn thường lệ./.
0 comments:
Đăng nhận xét