Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

26/2/14

Trong những ngày này, bà con nông dân ở Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang bước vào mùa thu hoạch rộ hồ tiêu. Điều đáng mừng là sau một thời gian nhiều diện tích tiêu ở các tỉnh bị nhiễm bệnh, tiêu chết hàng loạt…, nay hồ tiêu lại được mùa, được giá.

Tính đến nay, tỉnh Đăk Lăk có khoảng hơn 9.750 ha tiêu, trong đó có gần 5.500 ha tiêu cho thu hoạch, tập trung nhiều nhất ở các huyện Cư Kuin, Ea H’Leo, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ, Krông Păk và nằm rải rác tại một số địa phương khác.

Điều khiến bà con nông dân nơi đây rất phấn khởi là hiện giá tiêu hạt trên thị trường luôn giữ ở mức khá cao, bình quân 140.000 -150.000 đ/kg. Đặc biệt giá tiêu hạt khô loại 1 được thương lái thu mua tại vườn từ 170.000 - 180.000 đ/kg, tăng gần 40.000 đ/kg so với mấy tháng trước.
Nông dân Đăk Lăk thu hoạch hồ tiêu trong tâm lý phấn khởi vì tiêu được mùa,
được giá
Ở Đăk Lăk nơi có diện tích và sản lượng tiêu lớn phải kể đến huyện Cư Kuin khoảng 1.500 ha, với diện tích tiêu kinh doanh 595,3 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ea Bhôk, Ea Ning, Ea Hu, Ea Tiêu… Hiện bà con nông dân tại địa phương đang tiến hành thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2013-2014, với năng suất bình quân đạt gần 3 tấn/ha, dự kiến vụ tiêu này toàn huyện sẽ thu được tổng sản lượng trên 3.000 tấn.

Đang leo chót vót trên chiếc thang sắt để hái tiêu trên ngọn, thấy chúng tôi đến, anh Kiên (thôn 6, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin, Đăk Lăk) vội tụt xuống và đon đả: “Trụ tiêu tôi đang hái năm nay chắc phải được tới 12 kg khô chứ chẳng chơi. Nếu trụ tiêu nào cũng như trụ này thì nông dân chúng tôi chẳng mấy chốc mà giàu các anh ạ.

Nhà tôi có 1ha, trung bình mỗi sào trồng với 110 trụ tiêu, đang cho thu hoạch đều, niên vụ trước do thời tiết không thuận nên sản lượng bình quân mỗi trụ khoảng 6,5 kg tiêu khô thôi. Năm nay với lượng quả như thế này chắc chắn sản lượng sẽ cao hơn với khoảng 7 – 8 kg tiêu khô/trụ. Điều khiến nông dân chúng tôi rất vui mừng đó là giá hồ tiêu đầu vụ đang đạt 140-150.000 đ/kg”.

Cũng đang lúi húi thu hoạch hồ tiêu, bà Lê Thị Hà, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 500 trụ tiêu. Năm nay tiêu được mùa hơn nên mỗi trụ cũng đạt 7- 8 kg khô, nếu thu hoạch hết chắc cũng đạt khoảng 2 tấn tiêu khô. Ở huyện Cư Kuin chúng tôi, bình quân mỗi nhà năm nay thu về khoảng 1 tấn tiêu, còn các xã Ea B’Hôk, Ea Hu, Ea Ning kia mới nhiều, trong đó có nhiều hộ thu về trên 10 tấn, có hộ thu trên 15 tấn tiêu khô”.

Niên vụ tiêu năm nay được mùa, hơn nữa giá tiêu hạt trên thị trường luôn giữ ở mức khá cao, nên nhiều hộ nông dân ở các địa phương như Krông Buk, Krông Păc, Buôn Đôn… cũng bước vào vụ thu hoạch với tâm lý phấn khởi.

Ông Lê Văn Hải, xã Ea Nhôn, huyện Buôn Đôn hiện trồng hơn 800 trụ tiêu và đang cho thu hoạch năm thứ ba, dự tính sản lượng khoảng 2,8 tấn tiêu hạt, tăng 1,2 tấn so với vụ trước. Với giá thị trường hiện nay, vụ tiêu này anh Hải dự kiến thu về khoảng 420 triệu đồng.

Theo tính toán của các hộ nông dân trồng tiêu thì với mức giá này, mỗi ha hồ tiêu nông dân có thể đạt doanh thu từ 300 - 350 triệu đồng, trừ hết chi phí cũng còn lãi trên 50%. Đây là mức lợi nhuận khá lý tưởng. Tuy nhiên, điều này cũng cảnh báo nhiều hệ lụy rất nguy hiểm như: Phá vỡ quy hoạch cây trồng khác, hoặc những người có tiêu trong giai đoạn kinh doanh sẽ chăm sóc vượt mức yêu cầu dinh dưỡng bình thường. Vì vậy dễ dẫn đến việc lạm dụng phân bón hóa học, cây tiêu bị nhiễm sâu bệnh.

Hơn nữa vì lợi nhuận kinh tế người dân lại bất chấp vùng đất, khí hậu có phù hợp hay không, ồ ạt trồng tiêu, không tuân thủ quy trình kỹ thuật, dẫn đến dịch bệnh lan nhanh, tiêu chết hàng loạt. Không chỉ vậy, với giá tiêu như hiện tại, nhiều nông dân đã chặt phá cà phê để trồng tiêu thay thế. Điều này còn là mối đe dọa lớn đối với việc phát triển bền vững loại cây trồng này.

Trước tình trạng giá tiêu lên cao, Hiệp hồi Hồ tiêu Việt Nam và ngành chức năng các địa phương đã nhiều lần cảnh báo người dân không nên ồ ạt trồng tiêu bằng mọi giá, phớt lờ các khuyến cáo.

Theo Nguyễn Thăng

23/2/14

Hình minh hoạ
Theo thống kê của IPC, diện tích canh tác tiêu và sản lượng thu hoạch tiêu thế giới suốt từ 2003 đến nay không tăng , diện tích năm 2006 đạt mức cao nhất là 526.000 ha, năm 2014 ước khoảng 473.000 ha. Sản lượng năm cao nhất 2003 là 378.000 tấn. Năm 2013 là 340.000 tấn. Chính vì mất cân đối cung cầu nên giá tiêu cứ tăng liên tục nhiều năm qua, năm sau cao hơn năm trước.

Hội nghị Hồ tiêu Quốc tế tháng 11/2013 thông báo: Sản lượng vụ tiêu toàn thế giới năm 2014 ước chỉ khoảng 334.000 tấn.  Quý I/2014, Ấn Độ đã thu hoạch xong, sản lượng dự báo ban đầu  là 45.000 tấn, nhưng nay nhiều nhà quản lý và nông dân cho biết chỉ 35.000 tấn giảm trên 20.000 tấn so 2013 ; Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết xấu và sâu bệnh !

Giá tiêu tại thị trường Ấn Độ và các nước sản xuất và xuất khẩu chính như  Indonesia, Malaysia...và thị trường tiêu thụ như Mỹ, Châu Âu  từ đầu năm 2014 đến nay vẫn ở mức rất cao ( tiêu đen trên 8.000 USD/tấn, tiêu trắng trên 10.000 USD/tấn)

Từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm là thời ngian thu hoạch tiêu Việt Nam - nước sản xuất tiêu lớn nhất thế giới, chiếm trên 30% sản lượng toàn cầu.  Vào thời giàn này, các nhà nhập khẩu thế giới thường tập trung  vào mua tiêu VN. Họ tìm mọi cách ép giá, quy định nhiều rào cản về chất lượng về dư lượng thuốc trừ sâu... nhằm mua được giá rẻ và gom được nhiều hàng.

Do tác động của các nhà XNK trong và ngòai nước, giá tiêu từ đầu vụ thu hoạch đến nay giảm liên tục, từ 160.000 -170.000 đ/kg hồi tháng 11,12/2013 xuống dần chỉ còn 123.000 - 124.000 đ/kg, thậm chí có lúc có nơi chỉ còn 120.000 đ/kg !.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường, giá cả,  mọi thông tin xuôi chiều, hay trái chiều, bà con nông dân và doanh nghiệp cần bình tĩnh, phân tích, tính toán trong việc mua bán, lưu trữ nguồn hàng, chủ động điều tiết lượng mua bán, xuất khẩu sao cho giá tốt nhất, hiệu quả nhất, hạn chế hoặc không bán tiêu giấy, khi giao hàng giá tăng dẫn đến thua lỗ (Nông dân và doanh nghiệp VN đã có bài học kinh nghiệm về bình ổn thị trường giá cả 7 năm qua, mang lại lợi ích kinh tế khá lớn, Kinh nghiệm này đến nay vẫn còn nguyên giá trị )

Đầu vụ thu hoạch nông dân thường phải bán tiêu để trả nợ và tiêu dùng cho tết cổ truyền. Nay bà con nông dân và DN đồng lòng điều tiết lượng mua bán, XK, không bán ồ ạt với giá thấp, đẩy giá xuống, rơi vào bẫy các nhà nhập khẩu.

Diễn biến thị trường giá cả trong nước và thế giới vụ tiêu năm 2014 đang và rất có thể như năm 2013 . Bà con nông dân cùng doanh nghiệp hãy bình tĩnh, chủ động điều tiết tiến độ mua, bán, XK, bởi một khi VN đã chiếm 50 % thị phần XK tiêu toàn thế giới, thì VN có đủ sức làm được việc này.

Theo VPA
Thời điểm này, nông dân huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu nhưng giá mặt hàng này trên thị trường liên tục sụt giảm, người trồng tiêu ở đây đang đối mặt với tình trạng được mùa, mất giá.
Thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Đảo Ngọc Phú Quốc có hơn 427ha hồ tiêu, trong đó gần 400ha cho thu hoạch. Từ đầu vụ đến nay, nông dân trồng hồ tiêu ở huyện đảo này đã thu hoạch khoảng 40% diện tích, năng suất bình quân đạt 2,6 tấn/ha. Nông dân vui với niềm vui trúng mùa, nhưng điều làm cho họ lo lắng là hồ tiêu đang giảm giá trên thị trường, lợi nhuận thấp.

Nếu như cuối năm 2013, giá hồ tiêu bình quân 170.000 đồng/kg tiêu hạt nhưng từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đến nay, giá liên tục giảm và hiện chỉ còn trên dưới 130.000 đồng/kg, giảm khoảng 40.000 đồng/kg.

Với giá tiêu hạt như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất nhà vườn vẫn có lãi nhưng vấn đề họ lo ngại nhất là hồ tiêu tiếp tục mất giá thời gian tới, trong khi toàn đảo Phú Quốc còn khoảng 60% diện tích chưa thu hoạch, với sản lượng tiêu hạt khá lớn.

Theo tính toán của nhiều nhà vườn, nếu giá tiêu hạt trên thị trường ổn định từ 150.000 đồng/kg trở lên thì nông dân mạnh sẽ dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng tiêu, an tâm sản xuất mà không lo bị thua lỗ.

Năm 2014, huyện đảo Phú Quốc có kế hoạch mở rộng vùng sản xuất chuyên canh hồ tiêu với diện tích ổn định 500ha, sản lượng 950 tấn, tăng 20 tấn so với năm 2013. Huyện có chủ trương phát triển, nhân rộng mô hình tiêu chất lượng Global Gap, vận động doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu, thu mua, chế biến hồ tiêu theo phương thức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân./.

Theo TTXVN
Mới bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, giá hồ tiêu đã tụt dốc từ 170.000 đồng xuống còn khoảng 100.000 đồng/kg.

Hiệp hội Hồ tiêu khuyến cáo nông dân nên trữ hàng bởi hiện nay giá tiêu trên thế giới vẫn ở mức cao, trong khi nhiều nơi đang mất mùa, kể cả Việt Nam.

Nếu những ngày cuối năm 2013, giá tiêu trong nước ở mức 170.000 đồng/kg thì hiện nay khi nông dân bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, giá tiêu đã tụt dốc không phanh, giảm gần 1/3 giá.

Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê tỉnh Gia Lai cho biết, trong khi giá tiêu trên thế giới vẫn đang ổn định, giá tiêu Ấn Độ thậm chí còn tăng 5% thì không có lý do gì khiến cho giá tiêu Việt Nam lại giảm nhanh và mạnh như vậy. Rất có thể do thương nhân nước ngoài ép giá khi nông dân Việt nam đang vào vụ thu hoạch tiêu.

Cũng chính vì lí do này, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cũng đang vận động bà con bán ra ít, cần tiền đến đâu thì bán đến đó, không bán đổ bán tháo, trữ lại để vực giá lên./.

Theo VTV

20/2/14

Sản lượng hạt tiêu Ấn Độ được trình bày tại Đại hội Gia vị thế giới.

Sản lượng hạt tiêu ở Ấn Độ được ước tính là thấp hơn nhiều so với những gì đã được báo cáo ​​tại Hội nghị Thường niên của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) phiên gần đây và theo các dự báo được thực hiện tại Đại hội Gia vị thế giới.

Theo một công ty xuất khẩu đa quốc gia ở Ấn Độ, có cơ sở chế biến tại Việt Nam, sản lượng tiêu trong năm nay của Ấn Độ ước tính chỉ khoảng 35.000 tấn so với 45.000 tấn IPC đã dự kiến ​​tại kỳ họp vào cuối năm ngoái. Tương tự như vậy, sản lượng Việt Nam năm nay ước đạt 135.000 tấn so với dự kiến của IPC khoảng 100.000 tấn.

Trong khi đó, nông dân Ấn Độ và các đại lý thị trường địa phương ở bang Kerala và Karnataka cho rằng do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên sản lượng của Ấn Độ thậm chí dưới 35.000 tấn.

Những dự báo này sẽ được phản ánh trên thị trường trong những ngày tới. Giá tiêu tại Việt Nam đã được báo cáo không thay đổi, mặc dù ngày hôm qua các công ty gặp khó khăn nên phải mua cao hơn 500 ngàn đồng/tấn nhưng ngày hôm nay đã dễ dàng mua hơn.

Giá tại Ấn Độ vẫn cao hơn và tương đối ổn định trong ngày thứ Tư với sự suy giảm nhẹ của hợp đồng giao nhanh. Do khách mua phía bắc Ấn Độ bị cáo buộc chỉ quan tâm đến tiền mặt và thực hiện yêu cầu giao hàng của họ từ các thị trường chính trực tiếp bằng đường sắt đã trốn thuế tràn lan.

Do đó, lượng khách tại các thị trường kỳ hạn đã giảm mạnh. So với khoảng 100 tấn vào thời điểm này của vụ trước, chỉ có 35 tấn tiêu cấp trang trại được giao dịch với giá 500 – 515 Rupi/kg tùy theo chất lượng và vùng trồng.

Trên Sàn NMCE hôm qua 19/2, hợp đồng tháng Ba giảm 40 Rupi, với giá giao dịch cuối cùng (LTP) ở 52.100 Rupi/tạ, trong khi hợp đồng tháng Tư giảm 330 Rupi và kết thúc (LTP) ở 52.570 Rupi/tạ. (tương đương 8.369 USD/tấn và 8.444 USD/tấn) ( 1 USD = 62,2544 Rupi )

Khối lượng giao dịch giảm 3 tấn còn 5 tấn trong khi hợp đồng mở vẫn không thay đổi ở mức 22 tấn. Giá giao ngay vẫn ổn định phù hợp với nhu cầu và nguồn cung ở mức 50.000 Rupi/tạ (tương đương 8.032 USD/tấn) cho loại tiêu xô và 52.000 Rupi/tạ (tương đương 8.353 USD/tấn) cho loại tiêu chọn.

Giá tiêu đặc chủng xuất khẩu của Ấn Độ ở 8.500 USD/tấn (c&f) châu Âu và 8.750 USD/tấn (c&f) Hoa Kỳ.

Nguồn Giacaphe.vn

7/2/14

Với rất nhiều lợi ích so với các phương pháp tưới khác như tưới bằng vòi bơm, tưới nhỏ giọt, hay tưới phun sương bán phần... tưới phun mưa toàn phần với thể hiện nhiều lợi ích như duy trì độ ẩm, tăng khả năm thẩm thấu, tiết kiệm nước, chống phá vỡ kết cấu của đất, tăng cường dinh dưỡng của đất...

1. Tưới phun mưa phủ toàn phần là gì?
 

Tưới phun mưa toàn phần là hệ thống tưới được thiết kế và quản lí trên nguyên tắc nguồn nước tiếp cận mọi diện tích đất trồng giúp nông dân kiểm soát các vấn đề nông học tốt hơn cho hệ thống canh tác. Tưới phun mưa phủ đều mang lại lợi ích cho người trồng trên nhiều cấp độ khác nhau với mục tiêu tối đa hóa hiệu suất đầu tư (số tiền thu về trên một đồng bỏ ra đầu tư). Chìa khóa giúp một hệ thống tưới phun mưa phủ đều thành công là việc lựa chọn và sử dụng những thiết bị tưới được thiết kế và chế tạo với khả năng tưới đều tối đa ở điều kiện sử dụng tối thiểu nguồn nước (phù hợp với khả năng tiếp nhận lưu lượng của mặt đất) và bán kính tưới lớn. Trái ngược với tưới phủ một phần1 (tưới nhỏ giọt, tưới truyền thống bằng vòi bơm, hoặc hệ thống tưới phun sương), tưới phun mưa phủ đều tưới toàn bộ vùng rễ (vì phủ đều toàn bộ mặt đất trong bán kính tưới) cho cây trồng một sự khởi đầu mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển trong suốt thời gian sinh trưởng của cây trồng.

Công nghệ Rotator® (tưới quay 360 độ) của Nelson đã chứng minh khả năng ứng dụng vượt trội cho một hệ thống tưới phun mưa phủ đều hiệu quả. Toàn bộ dòng sản phẩm tưới quay Rotator® của Nelson được thiết kế đặc biệt nhằm đạt khả năng tưới đồng đều cao trong điều kiện ứng dụng thực tế. Khi được thiết kế với một khoảng cách thích hợp2 và hệ thống cấp nước tốt, hệ thống tưới phủ đều mang lại khả năng tưới đồng đều vượt trội so với tưới bán phần. Trên cánh đồng, hệ thống tưới phủ đều toàn phần đang dần thay thế tưới một phần trong những năm gần đây. Công nghệ Rotator® giúp tiết kiệm nước và nâng cao khả năng tưới đồng đều cho giải pháp tưới phủ toàn bộ. Những thực tế này chứng minh rằng, tưới phủ đều luôn là lựa chọn tốt nhất.

2. Rất nhiều lợi ích của Tưới phun mưa phủ đều.

Tưới phủ đều bằng công nghệ Rotator® mang lại nhiều lợi ích cho người trồng mà không có ở tưới một phần, nhỏ giọt, tưới bằng vòi tưới hay tưới phun sương chẳng hạn như:

Giảm khô héo của cây trong giai đoạn thu hoạch và mùa nóng.

Khả năng tạo và duy trì  độ ẩm cho một cây khỏe mạnh.

Nâng cao khả năng thẩm thấu của đất, giảm tạo vũng.

Chống sự phá vỡ kết cấu đất.

Kiểm soát mội trường: làm mát và ngăn bụi.

Nâng cao hiệu quả ứng dụng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh.

Kiểm soát độ mặn.

Tăng dinh dưỡng tổng thể.

3. Tưới bán phần với độ phủ ngắn

Cây con có thể phát triển mạnh trong hệ thống tưới một phần, một phần là do cây con yêu cầu chế độ chăm sóc kỹ càng, tưới thường xuyên hơn với một lượng nước ít hơn so với phương pháp tưới ngập hay tưới toàn phần. Hệ thống tưới một phần có thể đáp ứng đủ nhu cầu nước cho cây con. Những tia nước phun ra quanh gốc cây, dễ dàng giúp những nhánh rễ tiếp nhận. Khi này, đất cũng được chuẩn bị kỹ càng trước khi xuống giống, cấu trúc đất còn tốt với sự tơi xốp cao. Chất dinh dưỡng từ nguồn phân bón ban đầu đến thẳng bộ rễ. Ở giai đoạn đầu, nguồn dinh dưỡng có sẵn thường được cấp đầy đủ cho cây non.

Khi cây lớn lên, rất nhiều vấn đề bắt đầu bộc lộ. Bộ rễ phát triển rộng, vươn ra xa khỏi phạm vi tưới của hệ thống bán phần nhờ có lượng mưa tự nhiên.

Mặc dù ở khu vực được tưới, mật độ rễ cây phát triển dày đặc, tuy nhiên vẫn không đủ đáp ứng yêu cầu của cây trồng lúc này. Đến mùa khô nóng, hệ thống tưới một phần sẽ phải hoạt động thường xuyên hơn, hiện tượng rửa trôi dinh dưỡng, khoáng chất bắt đầu diễn ra. Để đáp ứng lượng nước yêu cầu, hệ thống tưới nhỏ giọt có thể phải hoạt động 25 – 50% tổng lượng thời gian mỗi ngày (lên tới 12 giờ mỗi ngày). Chất lượng đất trong phạm vi tưới bắt đầu xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực như hiện tượng yếm khí do thường xuyên bị ngập nước. Hiện tượng này sẽ làm rễ cây không thể phát triển do úng. Hiện tượng này kéo dài, sẽ làm số lượng rễ cây giảm, dẫn đến giảm cung cấp nước và chất khoáng cho cây, lâu ngày sẽ làm cho cây yếu đi, giảm năng suất và chất lượng.

4. Lợi ích của lớp cây phủ bề mặt (Cover crops)


Trong môi trường tự nhiên, nơi cây trồng sinh trưởng, việc tạo và duy trì lớp phủ mặt đất không thể thực hiện nếu thiếu sự kết hợp của nguồn nước. Tưới nhỏ giọt, tưới phun cầm tay, tưới phun sương phạm vi nhỏ không thể cung cấp nguồn nước theo yêu cầu để tạo một lớp che phủ tốt. Trong khi đó, tưới phun mưa phủ toàn phần có thể thực hiện rất tốt trong việc tạo một lớp phủ tốt.

Rất nhiều lợi ích từ việc có một lớp phủ trong quan hệ với sự phát triển của cây trồng, có thể được liệt kê như dưới đây:

· Lớp phủ, làm tăng cường khả năng thẩm thấu của đất

· Giảm bụi, từ đó giảm sự tấn công của côn trùng

· Tạo môi trường sống cho côn trùng có lợi

· Giúp chống xói mòn đất do gió và dòng chảy

· Lớp phủ thuộc cây họ đậu giúp cải thiện lượng Nito, tăng lượng đạm trong đất

· Một số cây có thể được trồng để làm phân xanh cung cấp chất dinh dưỡng cho cây

· Lớp phủ là biện pháp để kiểm soát một số cỏ dại độc hại, cỏ gai.

· Là công cụ hiệu quả giúp cây phát triển sau mỗi đợt mưa

· Có thể làm mát môi trường sống, giúp tăng cường quang hợp, cải thiện màu sắc cho trái, lá.

Hệ thông tưới phun mưa của Hãng Nelson - USA
 5. Giảm khô héo trong mùa thu hoạch

Tưới phủ toàn bộ tạo ẩm trên diện rộng, giúp hạn chế sự khô héo của cây trồng vào mùa thu hoạch khi việc tưới có thể bị gián đoạn.

6. Hạn chế các vấn đề liên quan tới khả năng thẩm thấu

Với hệ thống tưới bán phần, hiện tượng đất bị nén chặt, vấn đề muối - khoáng, giảm chất hữu cơ trong đất có thể nhanh chóng xuất hiện do vấn đề thẩm thấu gây nên. Với áp lực lớn, cùng lượng nước lớn tiếp cận bề mặt một cách tức thời của phương pháp tưới vòi phun có thể phá vỡ kết cấu đất. Hiện tượng tạo vũng sẽ làm tăng tổn thất nước do bay hơi, đồng thời làm thay đổi kết cấu đất, tạo nên hiện tượng yếm khí, đồng thời rửa trôi nguồn dinh dưỡng có sẵn và tạo môi trường cho sâu bệnh phát triển. Khả năng thẩm thấu của đất thường ở trong khoảng 2.5mm/giờ. Tưới vòi phun (tưới dí) thường cung cấp tới 8mm/giờ, tưới nhỏ giọt, hoặc phun sương bán kính nhỏ cung cấp từ 4 – 6.5mm/giờ. Tưới phủ toàn phần với công nghệ rotator® có thể dễ dàng vừa cung cấp đủ lượng nước yêu cầu, trong khi vẫn đảm bảo khả năng hấp thụ của đất (từ 1 – 3.8mm/giờ).
Thị trường tiêu đen toàn cầu dường như sẽ căng thẳng về nguồn cung trong thời gian tới, với việc nguồn cung từ Việt Nam, nhà sản xuất lớn nhất thế giới vẫn chưa vào vụ thu hoạch chính như mong đợi.

Các nhà thu mua của Châu Âu và Mỹ vẫn chưa chủ động mua vào mà trông đợi giá sẽ giảm. Việt Nam sẽ vào kỳ nghỉ 2 tuần của dịp Tết nguyên đán từ ngày 26 tháng này cũng làm cho thị trường trở nên thụ động hơn. Hồ tiêu Việt Nam hiện tại đang chào giá loại ASTA là 7.700 USD một tấn, loại 550 g/l là 7.200 USD và 500 g/l là 6.900 USD. Đây là các mức thấp nhất trên toàn cầu, tuy nhiên nhu cầu mua vào vẫn chưa mạnh. Các nhà nhập khẩu của Châu Âu và Mỹ đang đợi giá giảm xuống mức khoảng 7.500 USD một tấn cho loại cao nhất trước khi đặt mua số lượng lớn.

Ấn Độ hiện đang có mức giá cao nhất thế giới. Loại tiêu chuẩn cao nhất có giá là 8.625 USD một tấn, Indonesia chào giá là 8.350 USD và đối với Brazil là 8.100 USD. Trong tháng 4 cho đến tháng 9 năm 2013, Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 10.200 tấn và cả năm có thể sẽ đạt 16.000 – 17.000 tấn. Một vài nhà xuất khẩu cho biết Ấn Độ có thể sẽ nhập khẩu ròng trong năm nay, do giá tiêu của Việt Nam rất hấp dẫn cho các nhà chế biến giá trị gia tăng và thậm chí là để xuất khẩu lại. Nhập khẩu của Ấn Độ trong năm nay có thể là vào khoảng 15.000 – 18.000 tấn.

Với việc nguồn cung từ các nước khác thấp trong thời gian hiện tại, thị trường toàn cầu phải phụ thuộc vào Việt Nam. Sản lượng của Việt Nam có thể đạt 125.000 – 140.000 tấn cho vụ thu hoạch năm nay. Thu hoạch của Indonesia, nhà xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới, sẽ bắt đầu vào tháng 6. Tại Ấn Độ, sản lượng được dự báo sẽ giảm khoảng 30 – 40 %. Các nhà xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ cho biết nguồn cung hiện tại từ phía nam quận Kerala, nơi thường thu hoạch đầu tiên trong năm, nay vẫn chưa bắt đầu. Thông thường, vụ thu hoạch của khu vực này là vào tháng 12. Vụ thu hoạch mới từ Idukki và Wayanad được kỳ vọng là tham gia thị trường trong tuần cuối của tháng này. Báo cáo từ các quận này cũng nhận định sản lượng sẽ thấp hơn khoảng 40%. Các đại lý nội địa và nhà xuất khẩu đang dồn hy vọng vào Karnataka, nơi sẽ bắt đầu thu hoạch vào tháng tới.

Vì thế Ấn Độ có lẽ sẽ nhập ròng trong năm nay, do nhu cầu nội địa là khoảng 25.000 tấn, thu hoạch có lẽ sẽ không vượt quá số này, thậm chí là sẽ thấp hơn.

Một nhà xuất khẩu cho biết giá có thể vượt 600 Rs/Kg, nhưng lo ngại việc mua bán sẽ ế ẩm. Khoảng chừng 7.000 tấn đang đợi quyết định cuối cùng của việc kiểm tra dầu khoáng. Đây là mối quan tâm lớn đối với nguồn cung trong thời gian hiện tại.

Theo các nhà xuất khẩu, Việt Nam sẽ kiểm soát thị trường toàn cầu cho đến giữa năm khi chỉ có họ có thể cung cấp số lượng lớn như hiện tại. Thị trường kỳ vọng sẽ có sự giảm giá sau kỳ nghỉ Tết do thu hoạch sẽ bắt đầu mạnh sau Tết. Các nhà thu mua của Châu Âu và Mỹ đang đợi nguồn cung tăng lên do họ kỳ vọng giá tiêu sẽ giảm xuống khoảng 7.500 USD /tấn cho loại tốt nhất. Các nhà xuất khẩu Việt Nam hiện nay đang ở trong một tình trạng khó khăn do trước đó họ đã ký hợp đồng cho các lô hàng giao tháng một với mức giá thấp. Bây giờ họ phải mua với giá cao hơn để đáp ứng các hợp đồng. Điều này cũng làm cho thị trường tăng hơn trong hiện tại.
 
Theo Business - Standard

6/2/14

Chuyên gia quốc tế cùng ông Huỳnh Thành Vinh khảo sát vườn tiêu của ông Trần Hữu Thắng, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc
Phương pháp tưới tiết kiệm mà tỉnh Đồng Nai đã và đang áp dụng gần mười năm qua là một trong những "cách giải" hiệu quả cho bài toán tăng năng suất, chất lượng cây trồng, giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm nước tưới, hạn chế sâu bệnh. Hiện có hơn 5.000 ha cây trồng ở Đồng Nai áp dụng mô hình tưới tiết kiệm kết hợp với bón phân qua đường ống, góp phần tăng 30% năng suất cây trồng trở lên, rất cần được nhân rộng cho nông dân cả nước...

Từ mô hình điểm...

Nằm ở vùng đất khô cằn thuộc huyện miền núi Xuân Lộc, xã Xuân Thọ có những trang trại tiêu, chôm chôm, sầu riêng, cà-phê và nhiều loại cây trồng khác. Mặc dù ở thời điểm này là mùa khô gay gắt ở vùng Đông Nam Bộ nhưng ở đây vẫn một mầu xanh mơn mởn đến mát mắt. Điều làm nên khác biệt của những trang trại này là được trang bị hệ thống tưới tiết kiệm "made in Đồng Nai" -địa phương đầu tiên áp dụng và nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm ra đại trà cho nông dân trên địa bàn tỉnh.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn tiêu xanh trĩu quả, mỗi gốc tiêu có đường kính hơn 1 m, cao 4 m đến 5 m, ông Trần Hữu Thắng, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ kể: "Trong ba năm liền (từ năm 2011 đến 2013), năm nào tôi cũng thấy mấy anh khuyến nông dẫn mấy người nước ngoài đến thăm vườn tiêu của tôi, họ không nói gì chỉ hỏi về năng suất, cách áp dụng kỹ thuật chăm sóc. Lúc đó tôi nghĩ họ đến để tham quan giống như nhiều đoàn khác, nhưng không ngờ, giữa năm 2013, tôi nhận được giấy mời của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới đi nhận danh hiệu người trồng tiêu giỏi nhất thế giới, lúc ấy tôi mới biết là họ đến khảo sát vườn tiêu của tôi".

Bây giờ, ông Thắng đã thành tỷ phú với thu nhập hằng năm khoảng một tỷ đồng. Nói về "bí quyết" để trở thành người trồng tiêu giỏi nhất thế giới, ông Thắng tươi cười cho rằng, đó là do mình mạnh dạn áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp với bón phân qua đường ống.

Cách đây chín năm, khi Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai có chương trình hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để làm mô hình điểm nhân rộng, nhiều nông dân từ chối, cho rằng tưới tràn với số lượng nước lớn theo phương pháp truyền thống cây trồng cũng chết vào mùa khô đừng nói là tưới tiết kiệm. Ông Thắng mạnh dạn cùng cán bộ Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn tiêu khoảng một ha của mình. Chỉ một năm sau, năng suất tiêu của ông tăng từ ba tấn lên sáu tấn một ha, năm tiếp theo năng suất tăng lên tám tấn một ha. Từ đó đến nay, năng suất tiêu của ông Thắng luôn giữ ổn định từ tám đến mười tấn một ha, thậm chí có năm vượt hơn 10 tấn một ha. Ông Thắng cho biết: "Nước tưới và bón phân là yếu tố quan trọng nhất đối với cây tiêu. Và không hẳn càng nhiều nước, nhiều phân bón thì cây tiêu càng cho năng suất cao, mà vấn đề là điều tiết nước, phân bón sao cho phù hợp với nhu cầu của cây trong từng giai đoạn phát triển. Thiếu nước, thiếu phân hay thừa nước, thừa phân đều bất lợi cho sự sinh trưởng phát triển của cây trồng. Hệ thống tưới này giúp mình điều chỉnh được lượng phân bón và nước tưới cho cây dễ dàng hấp thụ".

ông Thắng cho biết thêm: "Trước đây chưa lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, cần rất nhiều công lao động để tưới nước, bón phân, giờ đây, chỉ có một mình tôi chăm sóc cho cả vườn này. Hơn nữa, nó còn hạn chế đến mức thấp nhất sâu bệnh gây hại, các vườn tiêu ở khu vực này trước đây thường hay bị bệnh "chết nhanh, chết chậm" - một loại bệnh đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, nhưng khi áp dụng tưới tiết kiệm, bệnh này gần như đã được ngăn chặn".

... đến cách chuyển giao cho nông dân

Hệ thống tưới tiết kiệm có nhiều ưu điểm nổi trội này gắn liền với nhiều năm trăn trở, tìm tòi của thạc sĩ Huỳnh Thành Vinh, hiện là Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, trước đây là Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai - người đầu tiên thiết kế hệ thống tưới tiết kiệm tại địa phương. Là một kỹ sư nông nghiệp với hơn 20 năm lăn lộn cùng với nông dân, ông thấu hiểu những khó khăn của nhà nông khi cây trồng thường bị khô hạn vào mùa khô dẫn đến sâu bệnh, năng suất, chất lượng đạt rất thấp. Từ những chuyến công tác đi học hỏi kinh nghiệm nước ngoài và tham khảo trên in-tơ-nét, ông cùng các cán bộ kỹ thuật trung tâm thiết kế mô hình tưới tiết kiệm kết hợp với bón phân qua đường ống. Từ kết quả vườn tiêu của ông Thắng, giờ đây nhiều nhà vườn trồng tiêu ở Đồng Nai triển khai áp dụng, năng suất trung bình của những vườn tiêu này đạt từ năm đến bảy tấn một ha, cao hơn gấp đôi so với các vườn tiêu chưa áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm (từ 2,5 đến ba tấn một ha).

Anh Thân Công Cường, ấp Hưng Thịnh, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất kiểm tra hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn tiêu của mình.
Không chỉ áp dụng đối với cây tiêu, hiện hệ thống tưới tiết kiệm còn được nhiều nông dân ở Đồng Nai và các tỉnh ở Đông Nam Bộ, miền Tây đến học hỏi kinh nghiệm, áp dụng cho các loại cây trồng khác. Ông Phan Văn Phụng, Tổ trưởng Tổ hợp tác cây chôm chôm xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết: "Tổ hợp tác có 33 thành viên với tổng diện tích 30 ha, được hỗ trợ 30% chi phí, toàn bộ diện tích trồng chôm chôm của tổ hợp tác đều lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm". Từ khi có hệ thống tưới tiết kiệm, năng suất chôm chôm được đẩy lên từ 18 tấn lên 25 tấn một ha, chôm chôm loại một chiếm đến 90%. Đặc biệt, với hệ thống này, các thành viên tổ hợp tác dễ dàng xử lý ra hoa trái vụ do chủ động được nước tưới nên giá bán cao hơn so với giá chôm chôm chính vụ hơn 10 nghìn đồng/kg, qua đó, trừ hết chi phí, mỗi ha đem về cho các thành viên tổ hợp tác 150 triệu đồng một năm.

Trong tình hình khó khăn về chi phí, nhân công cũng như thiếu hụt nước tưới trong mùa khô, thì đây là giải pháp công nghệ giúp mang hiệu quả cao, thông qua các ưu điểm nổi trội: phù hợp với mọi địa hình, tiết kiệm 80% công lao động, 40% đến 50% nước tưới, 1/3 lượng phân bón so với cách tưới, bón phân theo kiểu truyền thống, đặc biệt năng suất, chất lượng cây trồng tăng cao. Theo đồng chí Huỳnh Thành Vinh, hiệu quả lớn nhất của hệ thống tưới tiết kiệm là hạn chế phát sinh dịch hại cây trồng, bởi phương pháp này phân bố lượng nước đồng đều cho tất cả các điểm mà không làm xói mòn hoặc nén chặt đất trồng trọt, đồng thời do bón phân cùng với nước tưới nên làm giảm lượng phân thất thoát, vừa không làm tổn thương bộ rễ của cây trồng theo kiểu cuốc lỗ làm bồn tưới nước, bón phân như truyền thống. Đây là yếu tố quan trọng tránh được những vi khuẩn nấm có hại xâm nhập từ những bộ rễ bị tổn thương gây bệnh cho cây.

Tuy hiệu quả kinh tế mang lại từ hệ thống tưới tiết kiệm đã rõ, góp phần mang lại thu nhập ổn định và cải thiện đời sống cho nông dân nhưng việc nhân rộng đại trà không dễ. Nguyên nhân là do kinh phí lắp đặt tương đối cao, khoảng 30 triệu đồng một ha, nên nông dân ngần ngại chưa mạnh dạn đầu tư. Ngoài ra, do sản xuất manh mún, cùng một diện tích nông nghiệp có nhiều loại cây trồng khác nhau và nông dân hiện nay còn mang nặng tư duy sản xuất nhỏ lẻ nên chưa mặn mà áp dụng. Để tháo gỡ những khó khăn này, Đồng Nai ban hành Quyết định về Chương trình Phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, kèm theo các khoản hỗ trợ cho nông dân với mục đích đến năm 2015 phát triển mới thêm gần 2.000 ha cây trồng chủ lực, hướng đến xây dựng các vùng chuyên canh, sản xuất rộng lớn theo hướng GAP.Theo đó, các cây trồng như: cà-phê, tiêu, xoài, sầu riêng và một số cây trồng khác được xác định là cây trồng chủ lực. Khi nông dân tham gia trồng mới, tỉnh Đồng Nai hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống chất lượng cao, 30% kinh phí đầu tư cho ba gói: lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong vòng 5 năm.

Cây ăn quả của Việt Nam có khoảng một triệu ha, nhưng diện tích áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn rất khiêm tốn, năng suất nông sản vừa thấp, chất lượng lại không đồng đều. Bởi vậy, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, tăng năng suất sản lượng cây trồng là con đường tất yếu của sản xuất nông nghiệp nước ta trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.


Bài và ảnh: Cao Tân
Theo Báo Điện tử Nhân Dân

Sau khi được phơi khô, hồ tiêu sẽ được phân loại đóng gói rồi cung cấp ra thị trường.
Từ trước những năm 1990, Cam Lộ đã nổi tiếng với sản vật hồ tiêu vùng Cùa. Cũng không hiểu vì lý do gì mà hồ tiêu ở đây lại đặc biệt hơn so với những vùng khác. Hồ tiêu vùng Cùa trái không chỉ đều đẹp, mà hàm lượng tinh dầu cao, hạt chắc, hương vị nồng cay, thơm ngon không nơi nào trên đất nước Việt Nam sánh được.

Huyện Cam Lộ có trên 3.000 ha đất đỏ ba dan ở ba xã Cam Chính, Cam Nghĩa (vùng Cùa) và Cam Thành. Đây là loại đất thích hợp để phát triển cây công nghiệp dài ngày. Vì thế sau ngày quê hương giải phóng, vùng đất đỏ ba dan này đã được quy hoạch, xây dựng thành vùng trọng điểm trồng cây hồ tiêu của huyện Cam Lộ. Diện tích có lúc trên 900 ha cây hồ tiêu, trong đó chủ yếu thuộc sở hữu của nông trường Tân Lâm.

Cây hồ tiêu đã góp phần quan trọng đem lại cuộc sống ổn định cho hàng ngàn người dân trên địa bàn. Thế nhưng, giai đoạn từ 2005 – 2010, nhiều diện tích hồ tiêu đã già cỗi, hết chu kỳ khai thác, giá tiêu sút giảm nên người dân không quan tâm đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp canh tác không đồng bộ làm sâu bệnh gây hại nặng. Nhiều diện tích hồ tiêu bị bệnh dẫn đến chết hàng loạt. Từ hơn 900 ha những năm 90 chỉ còn lại chưa đầy 300ha vào năm 2010.

Nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương và ban ngành chức năng về cơ chế đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, bao tiêu sản phẩm... thì diện tích hồ tiêu chắc chắn sẽ tiếp tục giảm, danh tiếng hồ tiêu vùng Cùa sẽ không còn được nhắc tới trong tương lai gần. Vì vậy, nhiều chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trồng cây hồ tiêu đã được huyện Cam Lộ đứng ra tổ chức. Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ra Nghị quyết chuyên đề với nội dung khôi phục và trồng mới 500 ha hồ tiêu trong giai đoạn 2011 – 2015. Thông qua việc triển khai đề án này người trồng hồ tiêu sẽ áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, hạn chế dịch bệnh, có điều kiện đầu tư thâm canh cây tiêu theo hướng bền vững, hiệu quả.

Từ đó ban chỉ đạo cây công nghiệp huyện đã thực hiện lồng ghép nhiều chương trình dự án để đẩy mạnh phát triển, khôi phục lại các vườn tiêu. Nông dân được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật ươm giống, xử lý hố trồng, cải tạo vườn. Cách sử dụng các vật tư, phân bón, chất kích thích sinh trưởng trên vườn tiêu trồng mới cũng như vườn cho quả thu hút rất nhiều nông dân tham gia. Đặc biêt, các chế phẩm sinh học an toàn cũng được cung cấp và giới thiệu đến người dân. Nhiều vườn tiêu đã được hỗ trợ kinh phí đầu tư trồng mới với cây giống sạch, do có tham gia tập huấn và áp dụng khoa học kỹ thuật cả trong khâu trồng nên tỉ lệ sống ở các vườn tiêu trồng mới đạt 95%, đối với các vườn tiêu đang cho quả năng suất đạt 1,5 tấn/ha.

Hương vị tiêu Cùa vốn may mắn khi chính quyền mong muốn phục hồi lại, thì nay lại càng thuận lợi hơn bởi sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ của một doanh nghiệp vốn tâm huyết với nông nghiệp tỉnh nhà là Cty TNHHMTV thương mại Quảng Trị. Công ty này đã lắp đặt dây chuyền chế biến hạt tiêu theo công nghệ hiện đại tại khu công nghiệp nam Đông Hà, sẵn sàng mở hướng chế biến, tiêu thụ ổn định cho hồ tiêu vùng Cùa.

Từ đó, giá cả mặt hàng hồ tiêu dần ổn định, việc chăm sóc, trồng cây hồ tiêu phát triển theo hướng hiện đại đã tạo thêm niềm tin và động lực để những người trồng tiêu trên địa bàn Cam Lộ chuyên tâm đầu tư vào cây trồng truyền thống của mình. Từ hiệu quả mà cây hồ tiêu đem lại, nhận thức của người dân đã chuyển hướng và tự chủ hơn trong việc đầu tư phát triển mô hình trồng cây hồ tiêu.

Sau nhiều năm gắn bó với cây hồ tiêu, từ thời kỳ “thịnh vượng” của những năm 90 – khi diện tích lên đến gần 1000 ha thì hồ tiêu vùng Cùa đã có một thương hiệu “bằng miệng” nhất định. Nhưng phải cho đến nay, khi các cấp chính quyền thực sự quan tâm đến việc phát triển lại vườn hồ tiêu, nông dân tha thiết với cây trồng số 1 ở vùng đất ba dan này - thì thương hiệu hồ tiêu vùng Cùa mới được “đóng gói” để hương vị cay nồng này vào siêu thị, đến được tay người tiêu dùng khắp cả nước.

“Tiêu Cùa - sản phẩm được chế biến bằng công nghệ hiện đại từ giống hồ tiêu sạch, tự nhiên, trồng trên vùng đất đỏ ba zan (vùng Cùa, Cam Lộ, Quảng Trị) chứa những vi lượng đặc biệt không nơi nào có được. Phương thức canh tác độc đáo trên nền khí hậu khắc nghiệt đã tạo nên hương vị cay thơm độc nhất vô nhị” – đó là lời giới thiệu giản dị về hồ tiêu vùng Cùa. Nơi có loại sản vật cay nồng đặc biệt và được người dùng ưa thích.


Cam Lộ là huyện thuộc vùng trung du của tỉnh Quảng Trị, trung tâm huyện cách thành phố Đông Hà 15km về phía Tây. Cam Lộ có vị trí địa lý thuận lợi, các trục đường quan trọng như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh làm cầu nối giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn. Huyện có tiềm năng về phát triển nông- lâm nghiệp, thương mại, du lịch và tiểu thủ công nghiệp chế biến, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng,… Thời gian qua, kinh tế của huyện đã có nhiều khởi sắc, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ ngày một tăng, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội phát triển.

Theo Báo Lao Động Online
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com