Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

29/7/15

Các tỉnh Tây Nguyên, gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng là vùng trọng điểm sản xuất cà phê, hồ tiêu của cả nước - hai sản phẩm chủ lực đã tạo dựng được danh tiếng trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nhà quản lý vẫn chưa xây dựng được thương hiệu chung về cà phê và hồ tiêu Tây Nguyên.

Tại hội thảo “Liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên” được tổ chức mới đây tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia ngành nông nghiệp, thương mại, dịch vụ đều cho rằng các tỉnh Tây Nguyên cần sớm xây dựng thương hiệu chung cho cà phê, hồ tiêu để tăng giá trị gia tăng, đồng thời sử dụng thương hiệu chung này làm công cụ để quản lý diện tích, quy hoạch vùng nguyên liệu và liên kết vùng.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, Tây Nguyên chỉ mới có chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), chứng nhận này cũng chỉ mới cấp cho hạt cà phê chứ không phải cho chung cà phê chế biến.

Việc khai thác giá trị thương mại của chứng nhận chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột này kém hiệu quả vì chỉ mới một phần diện tích, chủ yếu là cà phê Buôn Ma Thuột và một vài huyện của tỉnh Đắk Lắk được cấp quyền sử dụng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, số lượng cơ sở đăng ký sử dụng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý còn quá ít.

Chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) ít có giá trị thương mại quốc tế do nhiều nước không chấp nhận loại nhãn hiệu này. Trong khi đó, trên thực tế, hai sản phẩm cà phê và hồ tiêu Tây Nguyên đã khá nổi tiếng trên thế giới.

Hiện nay, Tây Nguyên có trên 573.400 ha cà phê, chiếm trên 89% diện tích cà phê của cả nước, với sản lượng mỗi năm đạt từ 1,2 đến trên 1,3 triệu tấn cà phê nhân, chiếm trên 90% sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước.

Hồ tiêu có diện tích trên 43.955 ha, chiếm gần 52% diện tích của cả nước, với sản lượng mỗi năm đạt từ 80.000 tấn trở lên, chiếm gần 55% sản lượng tiêu xuất khẩu của cả nước.

Cà phê và hồ tiêu của vùng Tây Nguyên tuy nổi tiếng về chất lượng và năng suất nhưng do mới được xuất khẩu chủ yếu ở dạng hạt thô và chưa có thương hiệu nên giá trị gia tăng còn thấp.

Trong mấy năm qua, các nông hộ sản xuất cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên đã áp dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây cà phê, hồ tiêu nên năng suất đạt khá cao, cà phê đạt bình quân 22,2 tạ nhân/ha, tiêu đạt 21,6 tạ/ha, được xếp vào loại cao nhất thế giới.

Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, các nông hộ sản xuất cà phê ở Tây Nguyên còn đưa các giống cà phê mới vào trồng tái canh hoặc ghép trong quá trình cưa đốn phục hồi làm “trẻ lại” các vườn cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh. Đây là các giống cà phê cho năng suất từ 4-7 tấn cà phê nhân/ha, kháng được bệnh gỉ sắt, nhân to.

Các nông hộ sản xuất cà phê còn chú trọng mở rộng diện tích sản xuất càphê có chứng nhận theo các bộ quy tắc của Utz Certify, 4C, Rainforest Aliance… để góp phần phát triển cà phê bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng tốt hơn cho thị trường cà phê xuất khẩu trên thế giới.

Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên quá nhanh (cà phê tăng bình quân 2,8%/năm, hồ tiêu tăng 18%/năm) đã có những bất cập như không đúng quy hoạch, thiếu giống tốt.

Diện tích cà phê, hồ tiêu ngoài quy hoạch thường ở các địa bàn không phù hợp cho phát triển cà phê, hồ tiêu hoặc từ đất phá rừng đầu nguồn các con sông.

Có một tỷ lệ lớn vườn cây (cà phê, hồ tiêu) già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, cần phải trồng tái canh. Tuy nhiên, các nông hộ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thiếu giống tốt…

Đa phần các nông hộ sản xuất cà phê, hồ tiêu còn thực hành theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo đầy đủ về kỹ thuật, quản trị cơ sở sản xuất, kiến thức thị trường, nên năng lực hạn chế.

Điều này dẫn đến việc áp dụng thực hành sản xuất không phù hợp, lạm dụng hóa chất, thu hoạch không đúng kỹ thuật, sử dụng giống không đảm bảo, chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Việc liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên còn nhiều hạn chế. Hợp tác xã, tổ hợp tác chưa thu hút được sự tham gia của các nông hộ, chưa phát huy được vai trò​ hỗ trợ các thành viên và là đầu mối cho liên kết doanh nghiệp với các nông hộ…

Theo các chuyên gia thị trường, trong các năm tới, cùng với việc sớm xây dựng thương hiệu chung cho cà phê, hồ tiêu vùng Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, liên kết theo chuỗi, thu hút doanh nghiệp, đồng thời ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học công nghệ…, nhằm mục tiêu đưa ngành hàng cà phê, hồ tiêu xuất khẩu tập trung quy mô lớn, hiện đại, có tính cạnh tranh quốc tế cao.

Bên cạnh đó, cần phát triển ngành hàng theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm gắn với quản trị hiện đại, chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên.
Nguồn TTXVN
Tờ báo Daily Mail của Anh vừa có bài viết số ra Ngày hôm nay 28/7/2017 nói về tình hình hồ tiêu thế giới có liên quan tới Việt Nam. VPA xin gửi tới các Hội viên
  • Tiêu dùng hạt tiêu đã tăng tới 60% trong vòng 10 năm qua;
  • Nhu cầu tăng mạnh nhất là ở Trung Đông, tăng tới 200%;        
  • Giá hạt tiêu bán sỉ đã tăng tới 310%;    
  • Lo ngại siêu thị có thể ngay lập tức đẩy giá bán lên cho người mua.
Rắc thêm hạt tiêu làm tăng gia vị cho bữa ăn của bạn có thể khiến chi phí của bạn tăng lên. Chi phí cho việc rắc thêm chút tiêu lên thực phẩm của bạn đã đẩy giá hạt tiêu tăng lên.

Giá bán sỉ hạt tiêu cao liên tục suốt thời gian qua sau khi tăng vọt hơn 300% trong suốt 5 năm qua.

Nhu cầu của các nước Trung Đông tiếp tục tăng mạnh sau khi giá tăng 40% trong thời gian qua.

Cho tới nay, hệ thống các siêu thị đã chấp nhận chi phí bán sỉ tăng nhưng các chuyên gia bán lẻ cho rằng các nhà bán lẻ cần phải chuẩn bị tinh thần giá sẽ cao hơn.

Việt Nam là nhà sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Giá hạt tiêu hiện nay Việt Nam xuất vào Châu Âu là khoảng 7.65 Euros /kg, tăng 40% so với năm trước.

So với 5 năm trước, giá hạt tiêu đã tăng tới gần 310% theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Mintec.Có thể nói nguyên nhân giá hồ tiêu cao là do nhu cầu thị trường.

Từ 1991 đến 2011, nhu cầu của mặt hàng hồ tiêu ở các thị trường mới nổi như Đông Nam Á đã tăng gần 4 lần. Nhu cầu sử dụng hạt tiêu của Trung Quốc đã tăng hơn 200% trong thời gian này.

Tiêu dùng hạt tiêu cũng đã tăng mạnh ở các thị trường truyền thống, tăng khoảng 15% ở Châu Âu; 45% ở Bắc Mỹ khi người tiêu dùng muốn gia tăng hương vị nhiều hơn cho các bữa ăn của họ. Chính điều này đã khiến tiêu dùng gia vị toàn thế giới đã tăng tới 60%, đạt tới 430.000 tấn năm 2011.

Các thị trường mới như Trung Đông là do nhu cầu tiêu thụ cao hơn khi người tiêu dùng muốn tăng thêm gia vị trong những đĩa thức ăn của họ.

Trong khi đó, do vấn đề sản xuất ở Việt Nam, sản lượng đã bị giảm khoảng 13% càng làm tăng áp lực đẩy giá thế giới lên. Các nhà nhập khẩu hiện đang quay sang mua của một số nước khác như Ấn Độ, Sri Lanka và Indonesia.

Jara Zicha, một chuyên gia phân tích thị trường của Mintec, đã nói với Tạp chí Grocer: “ Ngay cả khi sản lượng của các nhà sản xuất nhỏ có cao thì nhu cầu thị trường tăng cao và sản lượng thấp hơn của Việt Nam cũng sẽ giữ giá hồ tiêu thế giới luôn ở mức cao”.

Nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu toàn cầu đã tăng 60% trong thập kỷ qua, theo như nghiên cứu của Mintec.


Đọc thêm nội dung này tại đây
Theo VPA

23/7/15

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) vừa cho biết, tuần qua, giá hồ tiêu trong nước đã “hạ nhiệt” sau nhiều lần tăng. Giá hồ tiêu giảm khoảng 5.000 đồng/kg. Hiện giá tiêu tại các vùng trọng điểm như Gia Lai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Bình Phước khoảng 201-203 nghìn đồng/kg.

VPA cho hay, quý II/2015 vừa rồi, hồ tiêu Việt Nam có lợi thế xuất khẩu do nguồn cung từ các nước giảm. Từ quý III trở đi, các nhà nhâp khẩu có thể mua tiêu của Indonesia và Malaysia. Theo VPA, lợi thế xuất khẩu hồ tiêu quý II vừa qua không như mong muốn, vì tiêu Việt Nam chủ yếu bán thô, vướng quy định khắt khe về kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, đặc biệt là EU.

Hiện trong nước xuất hiện tình trạng “găm hàng” hồ tiêu trong dân và đại lý, giá tiêu nội địa cao gây khó và chưa hấp dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo: Nam Khánh
 tienphong.vn 

6/7/15

Ngày 12/06/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 5898/QĐ-BCT về việc phê duyệt và công bố danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2014. Mặt hàng Hồ tiêu có 21 doanh nghiệp được vinh danh.

Chương trình Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín do Bộ Công Thương thực hiện từ năm 2004 đến nay đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ quan hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước. Đây là một trong các hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tác nước ngoài tìm hiểu và xúc tiến giao thương với doanh nghiệp Việt Nam. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm ghi nhận đóng góp tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với đối tác nước ngoài trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam và giới thiệu, quảng bá các doanh nghiệp xuất khẩu

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai thực hiện một số hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2013 theo quy định tại Quyết định số 7013/QĐ-BCT ngày 07 tháng 10 năm 2013. Bộ Công Thương hy vọng các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy thành tích trong thời gian tới để khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và thế giới.

Danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín mặt hàng Hồ tiêu năm 2014:

1. Công ty Cổ phần Phúc Sinh
2. Công ty Cổ phần Sản xuất Dịch vụ Xuất nhập khẩu Hà Nội
3. Công ty Cổ Phần XNK Petrolimex
4. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp I
5. Công ty Cổ phần Cà Phê Petec
6. Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận
7. Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex
8. Công ty Cổ phần TM Dịch Vụ XNK Trân Châu
9. Công ty TNHH Ottogi Việt Nam
10. Công ty TNHH Gia vị Liên Hiệp
11. Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà
12. Công ty TNHH KSS Việt Nam
13. Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Xuất nhập khẩu Phúc Lợi
14. Công ty TNHH Một TV Xuất nhập khẩu 2-9 Đăklăk
15. Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Trà và Cà phê Đông Dương
16. Công ty Cổ phần Intimex Bình Dương
17. Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Nhật Quang
18. Chi nhánh Tổng Công ty Thương mại Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh
19. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội
20. Công ty Cổ Phần ĐTK
21. Công ty Cổ phần Hanfimex Việt Nam

Ngoài ra, tại các mặt hàng khác, các doanh nghiệp thuộc VPA cũng được xét chọn doanh nghiệp xuất khẩu tuy tín, bao gồm:

* Cà phê nhân:
1. Công ty Cổ Phần ĐTK
2. Công ty Cổ phần Cà phê PETEC
3. Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận
4. Công ty Cổ phần Intimex Bình Dương
5. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Cà phê Intimex Nha Trang
6. Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Sản xuất Gia Công và Bao bì
7. Công ty CP Phúc Sinh
8. Công ty CP Tập đoàn Intimex
9. Công ty TNHH Một Thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đăklăk
10. Công ty TNHH Vĩnh Hiệp
11. Tổng Công ty Cà Phê Việt Nam - Công ty TNHH MTV
12. Tổng Công ty Tín Nghĩa

* Cao su:
1. Công ty Cổ Phần Xuất nhập khẩu Petrolimex
2. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp I

* Gạo:
1. Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu và Hợp tác Đầu tư VILEXIM
2. Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex

* Hạt điều:
1. Công ty Cổ phần SX DV Xuất nhập khẩu Hà Nội
2. Công ty CP Hanfimex Việt Nam
3. Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex

* Rau quả:
1. Công ty CP Thương mại dịch vụ XNk Trân Châu
2. Công ty CP Xuất nhập khẩu Cà phê Intimex Nha Trang
3. Công ty TNHH Một Thành viên Thực phẩm và Đầu tư FOCOCEV
4. Công ty Cổ phần Hanfimex Việt Nam
5. Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà

3/7/15

Năm 2014 Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt kim ngạch 1,2 tỉ USD. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ việc trồng tiêu mang lại cao nên nông dân ở các địa phương tự phát mở rộng diện tích ồ ạt, trong khi kỹ năng trồng và chăm sóc không đúng quy trình dẫn đến cây tiêu bị sâu bệnh, năng suất, giá bán thấp...

Xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới


Đến nay, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất, hiện chiếm 57% lượng hồ tiêu giao dịch thị trường thế giới. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2014 hồ tiêu lần đầu lọt vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD với kim ngạch 1,2 tỉ USD. Hồ tiêu Việt Nam đã xuất khẩu đi 97 quốc gia và vùng lãnh thổ nên không bị phụ thuộc thị trường, ngay với Trung Quốc (chiếm 20% thị phần). Thị phần nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam châu Âu hiện chiếm 34%, châu Á 36%, châu Mỹ 20% và châu Phi là 10%.

Từ năm 2007 đến nay, giá hồ tiêu nông dân bán luôn ở mức cao và theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước, hiện nay ở mức cao kỷ lục 200.000 đồng/kg. Năm 2014, sản lượng hồ tiêu cả nước đạt 152.000 tấn, trong đó các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ chiếm 95% sản lượng tiêu của cả nước.

4 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp xuất khẩu 57.000 tấn, thấp hơn 23% so với cùng kỳ, nhưng giá trị lại tăng 21%, với kim ngạch đạt 521 triệu USD. Giá hồ tiêu đen xuất khẩu bình quân đạt trên 8.700USD/tấn, tăng hơn 2.200USD/tấn (34,7%), tiêu trắng đạt 12.500USD/tấn cũng tăng 34,7% so cùng kỳ năm 2014. Đây cũng là mức giá kỷ lục từ trước đến nay với hồ tiêu Việt Nam.

Năng suất hồ tiêu Việt Nam đã đạt bình quân 2,3-2,5 tấn/ha, số diện tích đạt năng suất 8-10 tấn/ha tăng hàng năm và được xem là ngành hàng có hiệu quả cao nhất trong số 5 loại cây công nghiệp lâu năm của Việt Nam.

Với việc có thể giữ trong kho 2 năm vẫn không ảnh hưởng đến chất lượng, người trồng tiêu Việt Nam đã chủ động trữ hàng, buộc người mua muốn có hàng phải tăng giá và khi giá lên thì không hạ nên lợi nhuận phần lớn vào túi người trồng còn doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu hưởng phí dịch vụ xuất khẩu (công mua hàng, đóng gói, nâng chất lượng…). Điều này lý giải vì sao, đầu năm nay, khi vào vụ thu hoạch giá hồ tiêu thường giảm, nhưng thực tế chỉ thời gian tết giá có hơi sụt, còn từ tháng 3 đến nay luôn ở mức 200.000 đồng/kg.

Các doanh nghiệp trong ngành đã tập trung đẩy mạnh chế biến sâu, giảm dần xuất khẩu thô, đa dạng hoá sản phẩm theo nhu cầu thị trường, cho giá trị gia tăng cao hơn như sản phẩm tiêu trắng, tiêu bột, tiêu đỏ phục vụ thị trường cao cấp. Hiện đã có 18 doanh nghiệp hồ tiêu đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tiêu công nghệ hiện đại, công suất 60.000-70.000 MT/năm, trong đó có 14 nhà máy chế biến hồ tiêu đạt tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ…

Dù vụ thu hoạch tiêu năm 2015 cơ bản hoàn tất nhưng chưa có con số chính thức về năng suất, sản lượng; lượng tiêu lớn chủ yếu đang nằm trong dân và các đại lý. Theo nhận định của VPA và Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, sản lượng hồ tiêu Việt Nam 2015 ổn định dù thời tiết bất lợi và dịch bệnh khá nặng ở các vùng chuyên canh nhưng được bù lại từ nguồn hạt tiêu thu hoạch vụ đầu của diện tích trồng tự phát những năm 2010-2011.

Sản xuất tự phát vượt quy hoạch

Do thu nhập từ hồ tiêu hiện nay cao nhất trong tất cả các loại cây trồng nên nông dân tự ý mở rộng diện tích. Theo khảo sát của các chuyên gia, diện tích hồ tiêu trồng mới trong 2 năm 2013 và 2014 lên đến 10.000 ha/năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có thêm 1.882 ha trồng mới, Bình Phước có thêm 1.533 ha. Ước tính trong những tháng đầu năm 2015, diện tích hồ tiêu Việt Nam đã tăng gần gấp đôi so với quy hoạch, và vẫn còn tiếp tục tăng lên.

Đến nay, tổng diện tích hồ tiêu cả nước đạt gần 86.000ha, trong đó vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên hơn 78.000ha (chiếm 91,39%).

Theo chủ trương của VPA, đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì và ổn định ở mức 50.000ha, trong đó chủ lực tập trung ở khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên chiếm đến 81% (41.500ha). Diện tích hồ tiêu cho sản phẩm 47.000ha, năng suất đạt bình quân 30 tạ/ha với tổng sản lượng đạt 140.000 tấn. Trong đó, sản phẩm tiêu chất lượng cao đạt 90% với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1,2-1,3 tỷ USD.

Phát triển chưa bền vững

Do phát triển tự phát nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất nóng. Dù chưa có báo cáo chính thức nhưng thông tin về việc hồ tiêu Việt Nam bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại một số nước nhập khẩu đặt ra vấn đề cho ngành hồ tiêu trong thời gian tới. Ngoài ra, nhiều quy định về dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu của các nước nhập khẩu đã bắt đầu có hiệu lực. Từ năm 2014 và nhất là năm 2015, châu Âu đã siết chặt vấn đề VSATTP, kiểm tra gắt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên lượng xuất năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015 sang thị trường này bị giảm, riêng thị trường Đức giảm trên 50%.

Giá tiêu Việt Nam hiện thấp hơn Malaysia, Indonesia từ 600 - 1.500 USD/tấn do chất lượng thấp.

Do lợi nhuận từ việc trồng tiêu mang lại cao nên nông dân ở các địa phương tự phát mở rộng diện tích ồ ạt, trong khi đó kỹ năng trồng và chăm sóc không đúng quy trình nên trong thời gian gần đây một số diện tích trồng tiêu bị sâu bệnh cho năng suất thấp, thậm chí ở một số nơi có nhiều diện tích bị mất trắng do bệnh gây hại.

Giá cao, lợi nhuận lớn không chỉ làm gia tăng diện tích vượt quá quy hoạch mà còn xuất hiện tâm lý chạy theo năng suất, dẫn đến việc khai thác tài nguyên (đất, nước…) thiếu khoa học, lạm dụng phân bón, khiến sâu bệnh có chiều hướng lan rộng, cây tiêu mất sức đề kháng, mau suy kiệt.

Theo điều tra của Viện KHKT nông nghiệp miền Nam, có 8 loại dịch bệnh trên hồ tiêu là bệnh thối rễ, xoăn lá, đốm lá đen, đốm lá trắng, đốm rong, rệp bông, nhưng nguy hiểm nhất là bệnh chết nhanh do nấm Phythopthora và bệnh chết chậm do nấm Fusarium, từng xóa sổ nhiều vùng tiêu ở các tỉnh trọng điểm Tây Nguyên, Đông Nam bộ… Nấm bệnh nhiều buộc bà con gia tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, đầu ra hiện quá thuận lợi nên nông dân không quan tâm đến việc kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp. Theo Chủ tịch VPA Đỗ Hà Nam, chủ trương của Nhà nước luôn kêu gọi liên kết sản xuất lớn, gắn kết nông dân và doanh nghiệp nhưng riêng ngành hồ tiêu thì nông dân không thích doanh nghiệp đến tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác.

Thời gian tới, ngành hồ tiêu chủ trương không tăng diện tích mà tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, giá trị và chú trọng vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi. Đồng thời, chú trọng trồng tiêu hữu cơ với giá bán gấp 2,6 lần như Malaysia để đa dạng thêm phân khúc thị trường. Bên cạnh đó, đầu tư thêm nhiều cơ sở chế biến sâu, đa dạng sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao sức mạnh, đáp ứng nhiều thị trường sử dụng gia vị không sử dụng hoá chất…

Trần Hưng
Nguồn: Hội Nông Dân VN
Năm 2015, sản lượng hồ tiêu ước đạt khoảng 126.000 tấn, giá trị xuất khẩu (XK) khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện tại, tiêu chưa xay của Việt Nam chiếm đến 83% các mặt hàng hồ tiêu, cho nên giá trị đem lại chưa cao.

95% sản lượng để XK


Việt Nam được coi là quốc gia sản xuất và XK hồ tiêu hàng đầu thế giới cả về quy mô, chất lượng và nhiều tiềm năng trong tương lai. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT): năm 2015, diện tích hồ tiêu của cả nước khoảng 70.000 ha. Khu vực có thế mạnh về trồng tiêu là các tỉnh Đông Nam bộ (chiếm hơn 50% diện tích), Tây Nguyên (chiếm 31% diện tích) và tiếp đến là các tỉnh miền Trung. Năng suất hồ tiêu bình quân đạt 2,16 tấn tiêu khô/ha, được xếp vào loại cao nhất thế giới.

Báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI)- cho thấy: 95% sản lượng sản xuất hồ tiêu của Việt Nam được dùng để XK. Đặc biệt, hồ tiêu Việt Nam chiếm 40% sản lượng và hơn 50% thị phần XK hồ tiêu trên thế giới với hơn 120.000 tấn hạt tiêu. Kim ngạch XK tiêu của Việt Nam trong năm 2014 đạt mức kỷ lục là 1 tỷ USD.

Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong 5 tháng của năm 2015, hồ tiêu Việt Nam đã XK 72.000 tấn, đạt kim ngạch 657 triệu USD. Như vậy trong 7 tháng tiếp theo ngành chỉ cần XK 40.000 tấn là đã đạt 120.000 tấn với kim ngạch trên 1 tỷ USD, hoàn thành mục tiêu XK cả năm.

Hiện cả nước có hơn 200 doanh nghiệp (DN) tham gia XK trực tiếp mặt hàng hồ tiêu, trong đó khoảng 30% là DN FDI. Các thị trường XK chính hiện nay của Việt Nam là Mỹ, Đức, Ả rập Xê út, Hà Lan, Singapore, Ấn Độ, Ai Cập, Tây Ban Nha, Pakistan. “Trung bình hàng năm, thị phần XK tiêu Việt Nam vào châu Á là 36%, châu Âu chiếm 34%, châu Mỹ 20%, châu Phi 10%”- đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết.

Tập trung chú trọng chế biến

XK hồ tiêu của Việt Nam bao gồm chủ yếu hai thành phần là hồ tiêu đen và hồ tiêu trắng chưa xay. Các sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đang được sản xuất và XK chủ yếu là các hạt tiêu thuộc chi Piper đen và trắng (mã số hàng hóa 0904), khô chưa xay (mã 090411) hoặc đã nghiền (mã 090412). Theo thống kê của Trademap (một hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật về tình hình thương mại của Trung tâm Thương mại Quốc tế), kim ngạch XK hồ tiêu chưa xay của Việt Nam tăng 23%/năm, tiêu chưa xay của Việt Nam chiếm 83%, còn tiêu đã xay của Việt Nam chiếm 17% tổng kim ngạch XK của mặt hàng hồ tiêu.

Do đó, Bộ NN&PTNT đang có chủ trương đầu tư cải tạo nâng cấp các nhà máy chế biến hồ tiêu hiện tại, trong đó có 14 nhà máy chế biến tiên tiến chất lượng cao, đồng thời mở rộng công suất và đầu tư mới các nhà máy chế biến tiêu trắng, nâng tỷ lệ sản phẩm tiêu trắng lên 30% vào năm 2020, tỷ lệ tiêu nghiền bột lên 25% năm 2020.

Các DN trong ngành hồ tiêu cũng cho rằng, hồ tiêu Việt Nam thường bị ép giá, mức giá XK thấp so với các nước khác do chất lượng hồ tiêu chưa đều bởi công nghệ chế biến lạc hậu. Vì vậy, trước nhu cầu các sản phẩm hồ tiêu trắng, tiêu xay trên thế giới ngày càng cao, đây chính là cơ hội để ngành đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm. Để làm được điều này, phải có vốn đầu tư rất lớn, nên rất cần nhà nước hỗ trợ.

Ấn Độ là nước có kim ngạch nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam lớn nhất. Năm 2014, nhập khẩu hạt tiêu Việt Nam của Ấn Độ tăng mạnh, đạt khoảng 8.000 tấn, chiếm trên 90% tổng lượng hạt tiêu nhập khẩu vào nước này.
Quỳnh Nga - Lan Anh
Theo Báo Công Thương
Việc chất lượng hồ tiêu xuất khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng do việc mở rộng quá nhanh diện tích đã được Hiệp hội hồ tiêu (VPA) cảnh báo nhiều năm qua.

Tình trạng này đang đến mức báo động khi số lô hàng hồ tiêu xuất khẩu bị từ chối, trả về đang có xu hướng tăng lên. Theo VPA nếu không có giải pháp ngăn chặn, đây sẽ là thảm họa với ngành hồ tiêu.


Theo FBNC
 Do giá hồ tiêu đạt mức kỷ lục 200.000 đồng/kg, người dân Tây Nguyên đang ồ ạt chặt bỏ caosu, càphê để trồng hồ tiêu bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp và địa phương.
Nông dân Đắc Lắc đang tất bật dựng trụ để trồng hồ tiêu. Ảnh: Đ.T.K
“Cây tiêu là số 1…”

Chỉ những dây tiêu mới trồng leo trên gốc caosu, ông Nguyễn Hành - xã Ea Pô, Cư Jút, Đắc Nông - cay cú nói: “5 năm trước, tôi đầu tư 300 triệu đồng để trồng 2ha caosu, đến ngày khai thác, mủ caosu rớt giá, tiền bán không đủ thuê nhân công. Tôi đành rong hết cành, dùng thân cây caosu làm trụ, đầu tư thêm 300 triệu nữa để trồng tiêu”. Tuy chán nản tận cùng, nhưng trong mắt lão nông kỳ cựu vẫn ánh lên niềm hy vọng: “Nếu không gặp bất trắc, chỉ 3 năm nữa thôi, mỗi năm tôi sẽ thu bạc tỉ từ vườn tiêu này, lúc đó nhà lầu, xe hơi là chuyện nhỏ. Cây tiêu bây giờ là số 1 đó chú…”.

 Không riêng ông Hành, hàng trăm nông dân khắp các xã phía tây huyện Cư Jút cũng ồ ạt rong cành, biến caosu thành trụ trồng tiêu. Đây là vùng caosu mới nổi, nghĩa là người dân đã dốc hết vốn liếng, nhưng chưa hề được biết cảm giác “mở mắt ra là có vài triệu” như thời hoàng kim của cây caosu. Nhiều nông dân ở huyện Krông Năng (Đắc Lắc) lại chặt phá càphê, dựng trụ trồng hồ tiêu. Ông Lê Văn Hùng (xã Ea Hồ) đang tất bật dựng trụ bêtông trên 1ha càphê mới chặt, chuẩn bị thả dây tiêu cho kịp những cơn mưa đầu mùa. “Trên 1ha đất, càphê hay tiêu đều cho sản lượng khoảng 2,5 tấn, trong khi giá tiêu cao gấp 4 - 5 lần thì để càphê làm gì nữa” - ông Hùng giải thích.

Còn tại xã Thuận Hà (huyện Đắc Song, tỉnh Đắc Nông), người dân lại trồng tiêu theo kiểu “đánh nhanh rút gọn” trên đất… phá rừng. Dọc hai bên quốc lộ 14C, những cánh rừng vừa bị chặt trụi để lấy “đất mới”, cây rừng được xẻ làm trụ thả tiêu. Bà Hà Thị Bích cho biết: “Tiêu trồng lâu kiểu gì cũng dịch bệnh, giá tiêu cũng chưa biết thế nào. Chi bằng đầu tư ít, tranh thủ thu hoạch đôi ba năm, có rủi ro cũng đỡ thiệt hại”. Trong khi đó, các hộ làm tiêu giống, những người đúc trụ tiêu cũng đang tất bật, làm không hết việc… Sức nóng từ cây hồ tiêu đang không ngừng tăng nhiệt.

Tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh

Ông Trịnh Tiến Bộ - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NNPTNT Đắc Lắc - cho biết: “Theo quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh chỉ có 15.000ha hồ tiêu, nhưng hiện nay diện tích đã lên khoảng 17.000ha rồi”. Còn TS Trần Vinh - Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên - cho rằng, giá tiêu giữ mức 180.000 - 200.000 đồng/kg từ năm 2007 đến nay đã kích thích người dân trồng ồ ạt. Diện tích biến động mạnh, rất khó nắm bắt, chỉ ước lượng toàn vùng Tây Nguyên đang có khoảng 60.000ha. Cũng theo TS Vinh, đáng lo ngại là nhiều diện tích trồng trên đất không phù hợp, khiến vốn đầu tư tăng cao nhưng hiệu quả thấp, lại tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Hiện Việt Nam chưa có vườn giống chuẩn, giống tiêu chỉ được tuyển lựa qua quá trình canh tác nên có hàng chục loại giống, lai tạp. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu, khó kiểm soát dịch. “Nguy hiểm là sau vài năm, cây tiêu mới đổ bệnh, lây lan nhanh và chết hàng loạt, đặc biệt do bệnh tuyến trùng hại rễ” - ông Vinh nói.

Thị trường hồ tiêu thế giới cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng sụp đổ do cung vượt cầu có thể xảy ra trong một vài năm tới. Theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu VN, theo quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, cả nước mới có 50.000ha hồ tiêu nhưng hiện nay đã là 80.000ha. Với đà tăng diện tích như hiện nay, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi - khoảng trên 200.000 tấn/năm - trong một vài năm tới. Khi nguồn cung trên thế giới dư thừa, ngành hồ tiêu VN sẽ chết trước do tỉ lệ tiêu chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế trong tổng sản lượng rất thấp. Do vậy Hiệp hội Hồ tiêu VN khuyến cáo phải lập tức ổn định diện tích, đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng để hạn chế thấp nhất rủi ro.
ĐẶNG TRUNG KIÊN
Theo loadong.com.vn

Theo Bộ Công Thương ước thực hiên XK tháng 6/2015 đạt 19.000 tấn tiêu các loại, trị giá 183 trịêu USD, so với tháng 5 tăng 1,7 % về lượng và 4,9 % về trị giá, so cùng kỳ 2014 tăng 20,9 % về lượng và 44,9 % về trị giá.

Lũy tiến 6 tháng đầu năm 2015 XK 93.000 tấn, trị giá 864 triệu USD, so cùng kỳ 2014 tuy giảm 15,8 % về lượng nhưng tăng 9,6 % về trị giá do giá XK đạt mức rất cao  ( bình quân 6 tháng 2015 đạt:  9.290 USD/tấn so với 7.173 USD/tấn năm 2014, tăng 2.117 USD/tấn.)

Theo Bộ Công Thương
Nhu cầu với hạt tiêu giao ngay vẫn gia tăng trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt đã đẩy giá tiêu xuất khẩu Ấn Độ tăng cao, theo nguồn tin thị trường cho biết trên Business Line.

Giá hạt tiêu tăng nóng do có sự tăng mua của nhà xuất khẩu. Nhưng nguồn cung hạt tiêu có dung trọng cao bị thắt chặt và điều đó đã đẩy giá tiêu trong mấy ngày qua gia tăng liên tiếp.

Các công ty xuất khẩu đã yêu cầu các nhà cung ứng của mình gia tăng tìm kiếm nguồn hàng trong khi các hoạt động hầu như đều hạn chế. Các đại lý thị trường sơ cấp của tất cả các quận huyện trồng tiêu ở bang Kerala đã cung cấp cho nhà xuất khẩu hạt tiêu dung trọng 550 Gr/l với giá 650 Rupi/kg, trong khi tiêu ở Dãy núi cao được thương lái chào với giá 655 Rupi/kg.

Hôm qua, thứ Năm ngày 02/6, chỉ có 9 tấn tiêu được giao dịch. Mặc dù giá tiêu giao ngay vẫn ổn định ở mức 63.500 Rupi/tạ (tương đương 10.008 USD/tấn) cho loại tiêu xô và 66.500 Rupi/tạ (tương đương 10.481 USD/tấn) cho loại tiêu đã sơ chế.

Các Hợp đồng Kỳ hạn đang hoạt động trên Sàn Hiệp hội Gia vị IPSTA trước đó đã tăng 500 Rupi. Hợp đồng tháng Bảy lên mức 67.505 Rupi/tạ (tương đương 10.639 USD/tấn), hợp đồng tháng Tám lên mức 68.006 Rupi/tạ (tương đương 10.718 USD/tấn) và hợp đồng tháng Chín lên mức 68.505 Rupi/tạ (tương đương 10.797 USD/tấn).

Giá tiêu đặc chủng Ấn Độ xuất khẩu đang ở 10.950 USD/tấn (c&f) cho hàng giao châu Âu và 11.200 USD/tấn cho hàng giao tại Mỹ, tăng thêm 250 USD/tấn so với tuần trước.

Trên thị trường quốc tế, Việt Nam được báo cáo đang bán hàng chậm lại. Trong khi khách mua Mỹ đang ở chế độ chờ và theo dõi dự đoán doanh số bán hàng vụ mùa mới từ Indonesia sau những ngày lễ Ramadan sắp tới.

* Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp & PTNT Việt Nam, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 6/2015 ước đạt 16 nghìn tấn, với giá trị đạt 157 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 6 tháng đầu năm 2015 lên 90 nghìn tấn với giá trị 838 triệu USD, giảm 18,2 % về khối lượng nhưng tăng 6,1 % về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2015 đạt 9.223 USD/tấn, tăng 31,87 % so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu tiêu sang thị trường Hoa Kỳ, Singapore và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – 3 thị trường lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2015 chiếm 40,41 % thị phần.
 *Tỷ giá : 1 USD = 63,4506 Rupi
Nguồn Anh Văn (Giacaphe.vn)
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com