Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

27/9/15

Nhiều doanh nghiệp phản ánh hồ tiêu xuất khẩu bị đối tác trả lại hàng, chủ yếu là tiêu thô chiếm 85%, nguyên nhân là chất lượng hạt tiêu không đảm bảo. Đặc biệt kể từ đầu năm nay, thị trường châu Âu bắt đầu siết chặt các quy định về chất lượng hồ tiêu nhập khẩu.
Vì vậy, việc tăng cường đầu tư chất lượng hạt tiêu được cả Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) và nông dân trồng tiêu đề ra để đường đi của hạt tiêu dễ dàng hơn.

Thiếu kiểm định chặt chẽ

Hiện nay, không phải lô hàng hạt tiêu nào cũng được kiểm định chặt chẽ về chất lượng trước khi xuất khẩu. Sở dĩ có hiện tượng này là vì Việt Nam đang thiếu cơ quan kiểm định và trung tâm kiểm định tiêu sau thu hoạch của nông dân.

Hợp tác xã hồ tiêu Lâm San, Cẩm Mỹ – Đồng Nai, cho biết mặc dù hợp tác xã hướng dẫn nông dân phương pháp sản xuất tiêu sạch, an toàn, nhưng vẫn còn nhiều nông dân canh tác theo thói quen cũ. Vì vậy, khi thương lái thu mua hạt tiêu từ các nông hộ, họ không phân chia rạch ròi tiêu nguyên liệu của từng nông hộ. Đến khi sản phẩm đưa vào kiểm định thì cả khối lượng lớn hạt tiêu bị ảnh hưởng về chất lượng, trong khi chỉ có vài hộ thậm chí 1 hộ trồng không đạt chất lượng. Vì vậy, khi thiếu sự kiểm định riêng lẻ và chặt chẽ đã gây ảnh hưởng lớn đến hạt tiêu của nhiều người.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu bị trả hàng do không đạt chất lượng theo yêu cầu ATVSTP, chủ yếu là từ các thị trường “khó tính” như châu Âu và Nhật Bản. Nguyên nhân chính là do trong quá trình lưu trữ, nhiều người đã sử dụng chất carbendazim để bảo quản, thậm chí còn trộn tiêu bẩn với tiêu sạch để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Không những vậy, tuy Việt Nam đã có phòng kiểm định chất lượng tiêu nguyên liệu, nhưng không thể kiểm định toàn bộ những chỉ tiêu mà nhà nhập khẩu yêu cầu. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, các thiết bị kiểm tra dư lượng hóa chất trong hạt tiêu ở Việt Nam còn rất đơn giản, chỉ có thể kiểm tra 200 chỉ tiêu hóa chất. Trong khi đó, thiết bị kiểm tra của thế giới có thể kiểm tra 543 chỉ tiêu hóa chất trong tiêu nguyên liệu. Do đó, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường khó tính phải gửi mẫu xuất khẩu ra nước ngoài trước 2 tuần với chi phí kiểm định rất cao.

Để xuất khẩu được hồ tiêu sang các thị trường khó tính, Công ty CP XNK Petrolimex (Pitco) phải thuê chuyên gia nước ngoài về kiểm tra 80 chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật mà các đơn vị kiểm định hàng đầu trong nước không thể kiểm định được. Tuy nhiên, việc này tốn khá nhiều chi phí của công ty.

Cần kiểm định riêng lẻ từng sản phẩm

Trước vấn đề này, để hạt tiêu Việt Nam đạt chất lượng cao và xuất khẩu dễ dàng hơn, đặc biệt là tạo niềm tin vững chắc ở những thị trường “khó tính”, thì phải giải quyết từ gốc mới đến ngọn, chất lượng phải đảm bảo từ số lượng nhỏ, đơn lẻ mới đến số lượng lớn, từ nhiều nguồn.

Chính vì vậy, ông Đỗ Hà Nam đề xuất, nhà nước và doanh nghiệp cần phải đầu tư những trung tâm kiểm định chất lượng đúng với tiêu chí mà nhà nhập khẩu đề ra. So với chi phí gửi mẫu ra nước ngoài, thì việc đầu tư một trung tâm kiểm định chất lượng theo yêu cầu của thị trường “khó tính” tuy cao, nhưng có thể phục vụ tốt cho cùng lúc nhiều doanh nghiệp, đồng thời có thể rút ngắn thời gian kiểm định để chốt hàng xuất khẩu.

Không những vậy, ở mỗi vùng nguyên liệu đều cần một trung tâm kiểm định này. Có như vậy mới giải quyết rạch ròi nguyên liệu của từng cá thể sản xuất tiêu trước khi trộn lẫn với nhau, tránh mất thời gian và tiền bạc sau này. Hơn nữa, tuy đầu tư hệ thống kiểm định chất lượng cao tốn kém, nhưng khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân tham gia, hàng hóa tốt có giá cao thì thời gian hoàn vốn sẽ ngắn lại – Giám đốc HTX Lâm San chia sẻ thêm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng trang bị cho các trung tâm kiểm định chất lượng và Cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm – Thủy sản sẽ chỉ đạo thực hiện. Các doanh nghiệp có thể gửi mẫu đến các trung tâm này để kiểm định hàng hóa trước khi xuất khẩu.

Để đầu tư một trung tâm kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế cần khoảng 2 triệu USD. Tuy nhiên, không phải chỉ đầu tư là xong mà cần phải xây dựng được uy tín cho các trung tâm. Các doanh nghiệp nhập khẩu thường không tin tưởng vào các đơn vị kiểm định trong nước và luôn chỉ định được kiểm định nước ngoài. Vì vậy, nếu xây dựng trung tâm kiểm định trong nước thì cần phải tạo dựng được uy tín với các doanh nghiệp nước ngoài, tức hàng hóa sau khi được kiểm định ở đây thì được xuất khẩu suôn sẻ. Nếu không thì trung tâm kiểm định có đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng sẽ bị bỏ không, gây lãng phí. Đây chính là vướng mắc lớn cần được doanh nghiệp và nông dân ngành tiêu ủng hộ để ngành tiêu phát triển bền vững hơn nữa – bà Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPA nhấn mạnh.

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho rằng, hồ tiêu là mặt hàng có mức giá xuất khẩu tăng tốt nhất trong năm nay nên việc chú trọng xây dựng các trung tâm kiểm định chất lượng hạt tiêu xuất khẩu chính là nâng cao uy tín và thương hiệu hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế để ngành hồ tiêu phát triển bền vững.

Theo: Agroviet.gov.vn

23/9/15

Năm nay, giá hạt tiêu giữ ở mức khá ổn định từ 200.000-210.000 đồng/kg nên nhiều khả năng niên vụ năm nay, người trồng tiêu thắng lớn.

 Đánh giá của các hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho thấy, năm nay thời tiết khá thuận lợi nên hầu hết các vườn trồng hồ tiêu phát triển khá tốt. Một số loại sâu bệnh gây hại không đáng kể nên các diện tích trồng tiêu trong huyện cho tỷ lệ đậu trái cao, năng suất ước tăng gần gấp đôi so với năm trước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, Đồng Nai là một trong ba địa phương có diện tích tiêu lớn nhất cả nước với trên 8.000ha. Các huyện có diện tích trồng tiêu tăng nhanh là Xuân Lộc, Long Khánh, Cẩm Mỹ, Thống Nhất… Trong số đó, huyện Xuân Lộc dẫn đầu với gần 3.000ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Xuân Thọ, Xuân Trường, Suối Cao.

Những năm gần đây, giá hạt tiêu ở mức cao, nhiều hộ nông dân chuyển diện tích không thích hợp của cây trồng khác sang trồng tiêu. Đặc biệt, bà con nông dân có kinh nghiệm trong đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để kéo dài thời gian thu hoạch. Với cách làm này, nhiều nông dân trồng tiêu tại huyện Xuân Lộc giàu lên, một số người trở thành triệu phú.

Với diện tích 2.000ha đang cho thu hoạch, mỗi năm Xuân Lộc cung cấp ra thị trường sản lượng khoảng 6.000 tấn tiêu đen. Năm nay, giá hạt tiêu giữ ở mức khá ổn định từ 200.000-210.000 đồng/kg. Nhiều khả năng niên vụ năm nay, người trồng tiêu thắng lớn.

Để nâng cao giá trị hồ tiêu Xuân Lộc, mới đây Phòng Quản lý sở hữu trí tuệ (thuộc Sở Khoa học Công nghệ) vừa trao giấy chứng nhận nhãn hiệu “Hồ tiêu Xuân Lộc” cho Hợp tác xã hồ tiêu Xuân Thọ.

Theo đánh giá của các Hiệp hội tiêu trong nước và quốc tế, hạt tiêu tại vùng đất Xuân Lộc có chất lượng tốt, sọ tiêu to, chắc, vị cay nồng rất đặc trưng. Song do chưa có thương hiệu nên hạt tiêu của Xuân Lộc luôn chịu giá bán ngang với hạt tiêu các vùng khác. Việc cấp nhãn hiệu “Hồ tiêu Xuân Lộc” không chỉ giúp hạt tiêu của Xuân Lộc có chỗ đứng trên thị trường nội địa, mà còn mở cơ hội tiến xa ra thị trường quốc tế./.

Theo TTXVN

22/9/15

CaytieuVN xin giới thiệu bài viết phân tích các thuật ngữ phổ biến thường được in trên bao bì phân bón hóa học. Bà con nông dân không nên mua các loại phân ghi hàm lượng dinh dưỡng không rõ ràng, nhập nhèm, tỷ lệ % yếu tố dinh dưỡng quá thấp nhằm tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.
 Ngày nay phân vô cơ sử dụng cho cây trồng chiếm trên 95% tổng lượng dinh dưỡng. Việc xuất hiện nhiều chủng loại từ phân đơn, phân hỗn hợp, phân đa dinh dưỡng, phân trung lượng, phân vi lượng trên thị trường và việc ghi bằng thuật ngữ khoa học trên các vỏ bao sản phẩm thường “đánh đố” nông dân.

Bởi vậy, hiểu biết các thuật ngữ sẽ giúp ích cho việc lựa chọn sử dụng hiệu quả các loại phân bón.

Phân hóa học, phân khoáng gọi chung là phân vô cơ là những hợp chất ở dạng hóa học chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.

Các loại phân hóa học thường dùng là phân đạm, phân supe lân, phân kali, phân hỗn hợp, phân trung lượng, vi lượng. Phân khoáng là các loại phân như lân nung chảy, vôi và một số loại phân không chế biến theo công nghệ hóa học.

Phân đạm (phân bón chứa đạm)

Là tên chung gọi các loại phân đơn cung cấp chất đạm được ký hiệu là N. Các loại phân thường dùng :

Urê: Công thức hóa học [CO(NH2)2] chứa 44 – 48% N nguyên chất là loại phân có tỷ lệ N cao nhất được dùng phổ biến hiện nay. Trên các bao bì thường ghi tỷ lệ % N trung bình là 46% đạm nguyên chất.

Đạm sunphat: Công thức hóa học [(NH4)2SO4] còn gọi là phân SA chứa 20 – 21% N và 23% S (S là ký hiệu chất lưu huỳnh).

Phân lân (phân chứa lân được ký hiệu là P)

Phân lân có 2 loại là phân lân tự nhiên như Apatit, Phosphorit và phân lân chế tạo công nghiệp (supe lân, lân nung chảy).

Hàm lượng lân nguyên chất (lân dễ tiêu cây trồng hấp thu dễ dàng) được tính dưới dạng P2O5 và được ghi trên bao bì là tỷ lệ % P2O5. Các dạng phân lân tự nhiên như Apatit, Phosphorit hàm lượng lân dễ tiêu rất ít nên thường ít được sử dụng.

Phân supe lân (công thức hóa học Ca(H2PO4) H2O được SX theo công nghệ axít, hàm lượng lân dễ tiêu P2O5 từ 15 – 17% và 11 -12% S, phân ở dạng bột màu xám mùi chua dễ hút ẩm, phân có phản ứng chua nên khi bón cần phối hợp với bón vôi.

Phân lân nung chảy còn gọi là phosphatcanximagie (FMP), ở nước ta phân được SX đầu tiên ở nhà máy lân Văn Điển (nên cũng gọi là lân Văn Điển).

Phân dễ tan trong axít yếu, tan tốt trong dịch chua do rễ cây tiết ra, sử dụng tốt trên tất cả các loại đất đặc biệt trên đất chua phèn, đất gò đồi thì hiệu quả lân nung chảy Văn Điển rất cao.

Phân kali (phân chứa kali)

Được ký hiệu là K, hàm lượng kali nguyên chất trong phân được tính dưới dạng K2O và ghi trên vỏ bao bì tỷ lệ % K2O.

Các loại phân kali thông dụng trên thị trường hiện nay là: Kaliclorua (KCl) còn gọi là Muriate of potash, viết tắt trên bao bì là MOP chứa 50 – 62% K2O dạng bột màu hồng như muối ớt có loại màu trắng như muối dễ hút ẩm, dễ vón cục; là loại phân sinh lý chua bón liên tục nhiều vụ cần bón thêm vôi hoặc phân nung chảy.

Phân kali sunfat (K2SO4) còn gọi là sunfat of potash, viết tắt trên bao bì là SOP chứa 45 – 50% K2O và 18% S dạng tinh thể mịn màu trắng ít hút ẩm, ít vón cục, là loại phân sinh lý chua dùng liên tục nhiều vụ sẽ làm tăng độ chua cho đất.

Phân bón trung lượng

Canxi (vôi) công thức hóa học là (CaO) viết tắt là (Ca) thường được ghi trên bao bì tỷ lệ % CaO hoặc Ca+2.

Canxi có nhiều trong vôi tôi, vỏ ốc, vỏ sò, san hô, phân lân nung chảy chứa 28-30% CaO. Canxi là chất dinh dưỡng của cây, đồng thời cải tạo đất khử độ chua, tăng sức kháng bệnh cho cây trồng.

Magie công thức hóa học là (MgO) viết tắt là (Mg) thường được ghi trên bao bì tỷ lệ % MgO hoặc Mg.

Magie được SX công nghiệp có nhiều trong phân lân nung chảy Văn Điển từ 15 – 18%. Magie là chất dinh dưỡng quan trọng trong việc hình thành diệp lục, quang hợp tổng hợp chất dinh dưỡng trong cây.

Silic công thức hóa học (SiO2) viết tắt là (Si) thường được ghi tỷ lệ % SiO2 trên bao bì, silic trong phân lân nung chảy Văn Điển chiếm 24-32%, silic có vai trò đặc biệt quan trọng đối với một số loại cây trồng như lúa, ngô, mía, dứa…

Lưu huỳnh ký hiệu là (S) thường được ghi tỷ lệ % S trên bao bì, S có trong nhiều loại phân bón như trong phân supe lân, phân đạm SA, trong các loại phân hỗn hợp.

Phân bón vi lượng (TE)

Gồm 6 chất dinh dưỡng chính là kẽm (Z), bo (B), sắt (Fe), đồng (Cu), mangan (Mn), molipden (Mo). Thường được ghi trên bao bì với hàm lượng là ppm hoặc tỷ lệ %. Nhiều loại phân bón ghi chung chung chỉ có TE không có tỷ lệ % hoặc ppm.

Phân hỗn hợp (phân NPK + trung vi lượng)

 Phân hỗn hợp là do hai hay nhiều loại phân đơn trộn chung bằng phương pháp cơ học hoặc phức hợp dạng 1 hạt, ngoài các yếu tố dinh dưỡng đa lượng N, P, K có loại thêm Ca, Mg, S hoặc vi lượng (TE).

-Phân PK: Trộn supe lân với KCl theo tỷ lệ 0:1:3 (55% supe lân và 45% KCl) hoặc 0:1:2 (65% supe lân và 32-35% KCl). Loại tỷ lệ 0:1:2 chứa 5,8% P2O5 và 11,75% K2O được ghi trên bao bì tỷ lệ % P2O5 và tỷ lệ % K2O.

-Phân Diamophos: Còn gọi là phân (DAP) công thức hóa học là (NH4HPO4) được trộn supe lân kép với sunfat amon. DAP ghi trên bao bì là 46% P2O5 và 18% N. DAP chỉ có 2 thành phần dinh dưỡng là N và P.

-Phân NPK + TE: hiện nay có rất nhiều loại phân hỗn hợp NPK với nhiều tỷ lệ khác nhau có loại trộn thêm một vài yếu tố trung lượng như canxi, magie hoặc S thường được ghi trên bao bì.

Ví dụ như: NPK 16.16.8+13S có nghĩa là loại phân này có 16% N, 16% P2O5, 8% K2O và 13% S, hoặc loại phân NPK 16.10.6+2,5 (CaO + MgO) có nghĩa là loại phân này có 16% N, 10% P2O5, 6% K2O và 2,5% canxi và magie, hoặc loại phân NPK 12.12.5+TE có nghĩa là loại phân này có 12% N, 12% P2O5, 5% K2O và (TE).

Phân ĐYT NPK Văn Điển có 13 chất dinh dưỡng gồm đa lượng, NPK, trung lượng Canxi, Magie, silic, lưu huỳnh và vi lượng là sắt, kẽm, đồng, mangan, bo, coban là loại phân đầy đủ các yếu tố dinh dưỡng nhất hiện nay.

*TE là chữ viết tắt của 2 từ tiếng Anh “Trail Elementary”, có nghĩa là nguyên tố vi lượng, chỉ có vết trong phân tích hóa học, không cân đo được bằng lượng.

TE chỉ có ý nghĩa và tác dụng khi được ghi là chất vi lượng gì và hàm lượng dinh dưỡng có bao nhiêu ppm hoặc tỷ lệ % là bao nhiêu của từng nguyên tố vi lượng.

Như vậy, tỷ lệ % của các yếu tố dinh dưỡng càng cao thì hàm lượng nguyên chất của chất ấy cũng cao và ngược lại tỷ lệ % thấp thì hàm lượng nguyên chất của chất dinh dưỡng ấy cũng thấp.

Bà con nông dân khi lựa chọn phân bón sau khi đã chọn thương hiệu nổi tiếng thì căn cứ vào những chú dẫn về tỷ lệ % của các chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng được ghi trên vỏ bao của mỗi chất để xác định đúng chủng loại mà mình có nhu cầu.

Không mua các loại phân ghi hàm lượng dinh dưỡng không rõ ràng, nhập nhèm, tỷ lệ % yếu tố dinh dưỡng quá thấp nhằm tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Nguồn: Internet

17/9/15

2 năm trở lại đây, giá bán hạt tiêu trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) tăng cao, hiệu quả kinh tế từ cây hồ tiêu khá lớn, nên diện tích trồng hồ tiêu tăng nhanh.

Diện tích tăng nhanh

Tại xã Sơn Bình, hộ ông Phạm Hồng Tuyến (thôn Liên Hòa) trồng rất nhiều hồ tiêu. Đưa chúng tôi tham quan vườn hồ tiêu đã vươn lên xanh tốt, phủ trụ, ông Tuyến cho hay: “Gia đình tôi trồng hồ tiêu đã mấy năm nay. Hiện nay, trong vườn trồng 300 trụ hồ tiêu, có 40 trụ đã cho thu hoạch. Dự kiến, năm nay, gia đình sẽ thu hoạch được khoảng 500kg hạt tiêu khô. Giá bán hạt tiêu khô hiện rất cao, đại lý thu mua tận nhà với giá 220.000 đồng/kg. Hiệu quả cây hồ tiêu mang lại rất lớn nên gia đình tôi tiếp tục đầu tư trồng 300 trụ nữa”. Với giá hạt tiêu hiện nay, nếu so với các loại cây trồng khác như: cà phê, chôm chôm... thì trồng hồ tiêu lợi nhuận cao hơn hẳn. Vì vậy, ở địa phương này, nhiều hộ đang đầu tư trồng hồ tiêu.
Diện tích hồ tiêu ở Khánh Sơn đang tăng nhanh
Đến vườn hồ tiêu của gia đình ông Trần Văn Quốc (thôn Liên Hòa), nhìn khu vườn với hệ thống tưới, thoát nước, trụ hồ tiêu được đầu tư bài bản mới thấy được tâm huyết của người nông dân này với cây hồ tiêu. Ông Quốc cho biết: “Năm trước, gia đình tôi chỉ có khoảng 200 trụ hồ tiêu, cho thu hoạch được hơn 800kg hạt tiêu khô. Ngoài số trụ hồ tiêu đi vào khai thác, tôi còn có 1.800 trụ khác mới trồng 2 - 3 năm. Năm nay, gia đình sẽ có hơn 50% số trụ hồ tiêu cho thu hoạch. Hiện nay, tôi đang tiếp tục cải tạo vườn để trồng thêm...”. Theo tính toán của ông Quốc, 1ha có thể trồng được 2.500 trụ hồ tiêu, mỗi trụ thu ít nhất 3kg hạt tiêu khô. Với giá bán khoảng 220.000 đồng/kg như hiện nay, thu nhập từ 1ha hồ tiêu có thể lên đến tiền tỷ, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Anh Quang - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Sơn Bình nói: “Trước đây, khi giá hạt tiêu còn thấp, diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn xã rất ít, chủ yếu được trồng xen trong các vườn sầu riêng, cà phê. Giá hạt tiêu khô mấy năm nay tăng cao, năm 2013 chỉ 140.000 đồng/kg nay đã lên đến 220.000 đồng/kg. Chính giá trị kinh tế cây hồ tiêu mang lại rất lớn nên diện tích trồng hồ tiêu tăng nhanh. Năm 2013 chỉ có 6ha nhưng hiện nay đã có 19ha”.

Ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cũng cho biết: “Trước đây, ở Sơn Hiệp chỉ có một vài hộ đầu tư trồng hồ tiêu, diện tích chỉ khoảng 1ha. Hiện nay, diện tích hồ tiêu đã tăng thêm hơn 7ha...”.

Không phải dễ trồng
 

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khánh Sơn: Diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Khánh Sơn tăng nhanh trong 2 năm trở lại đây, hiện đã hơn 52ha. Khi trồng hồ tiêu, nông dân phải đối diện với không ít rủi ro; do đó, địa phương rất thận trọng trong việc phát triển loại cây này. Để phát triển cây hồ tiêu một cách bền vững, hiệu quả, cùng với việc tăng diện tích, địa phương chú trọng việc hướng dẫn kỹ thuật, quản lý dịch bệnh, đầu tư thâm canh, xây dựng các vùng chuyên canh... góp phần tăng năng suất, hiệu quả cây trồng, từng bước đưa cây hồ tiêu vào sản xuất hàng hóa.

Những người trồng hồ tiêu cho biết, hồ tiêu là cây dài ngày và đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, không dễ trồng, nhiều sâu bệnh. Để trồng 1ha hồ tiêu, nông dân phải đầu tư khoảng 600 triệu đồng (gồm: chi phí xây trụ, giống, phân bón...), thời gian chăm sóc hơn 3 năm mới cho thu hoạch. Nếu các hộ gom hết vốn liếng, phá bỏ những cây trồng khác để trồng hồ tiêu, khi cây bị bệnh, không kịp xử lý sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Một thực tế hiện nay ở Khánh Sơn, người dân thấy cây gì cho hiệu quả đều gom vốn đầu tư. Việc phát triển hồ tiêu ồ ạt mà chưa nắm vững kỹ thuật có thể sẽ khiến nông dân bị thiệt hại nặng. Năm 2014, ở xã Sơn Bình, đã có nhiều diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm do thối rễ, bị nấm... Ông Lê Anh Quang khẳng định: “Trường hợp cây hồ tiêu bị chết ở Sơn Bình trước đây là do người dân bón phân quá nhiều, không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc sau thu hoạch. Ngoài ra, việc tái canh tác trên diện tích hồ tiêu đã bị sâu bệnh mà không xử lý mầm bệnh cũng gây thiệt hại nặng”.

Hiện nay, lãnh đạo nhiều địa phương ở huyện Khánh Sơn đã khuyến cáo người dân cần tính toán kỹ, không nên ồ ạt đầu tư. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, ngành chức năng của huyện cũng cần hỗ trợ nông dân, quản lý ngay từ khâu chọn giống, xây dựng các mô hình tiên tiến, hướng dẫn kỹ thuật để chăm sóc hồ tiêu đạt hiệu quả.

HẢI LĂNG - GIANG ĐÌNH
Theo Báo Khánh Hòa Online
Ảnh minh họa (internet)
Giá tiêu tăng cao, hàng trăm hộ nông dân Bảo Lâm đã đổ xô đi trồng loại cây này. Trong khi đó, nguồn gốc cây giống lại được người dân mua trôi nổi và kỹ thuật trồng, chăm sóc chủ yếu được truyền miệng cho nhau. Ngành chức năng huyện Bảo Lâm đang ra sức tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên trồng tiêu ồ ạt.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2015, theo thống kê chưa đầy đủ, nông dân xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm) đã trồng mới 15ha tiêu. Đối với một xã xác định cây trồng chủ lực là chè và cà phê thì việc phát triển diện tích tiêu nhanh chỉ trong một thời gian ngắn là điều khá bất thường. Bất thường ở chỗ, theo chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của xã Lộc Phú trong năm 2015, diện tích tiêu trồng mới chỉ là 2ha. So với chỉ tiêu này, diện tích tiêu mà người dân tự trồng đã gấp 7,5 lần. Trên thực tế, diện tích tiêu do người dân trồng mới từ đầu năm đến nay còn lớn hơn nhiều. Theo bà Lê Thị Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Phú, diện tích tiêu hiện tại có thể đã tăng gấp đôi so với con số thống kê trước đây và chủ yếu được người dân trồng xen trong vườn cà phê. Mặc dù xã đã có khuyến cáo người dân không ồ ạt trồng tiêu, nhưng vì giá tiêu tăng cao nên người dân vẫn tự phát trồng. Điều đáng lo ngại nhất là người dân chưa biết kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây tiêu, nhất là tiêu giống được mua trôi nổi nên rất dễ xảy ra rủi ro.

Cách đây 4 – 5 năm, gia đình ông Trương Việt Quang (thôn 2, xã Lộc Phú) đã bắt đầu trồng vài trăm gốc tiêu xen trong vườn cà phê. Trong giai đoạn thu trái bói, mỗi năm gia đình ông cũng thu được 60 – 70kg tiêu khô. Thấy hiệu quả cao, bước sang năm 2015, ông đã mua hơn 3.000 gốc tiêu giống để về trồng xen trong 4ha cà phê. Tuy nhiên, hiện tại ông đang rất lo lắng vì số tiêu mới xuống giống này bị chết rất nhiều. Ngay cả một số nọc tiêu cũ cũng bị nhiễm bệnh và chết dần. Ông Quang cho biết: “Được người quen giới thiệu, tôi đã xuống Bà Rịa – Vũng Tàu để mua tiêu giống. Giá cây giống là hơn 10 ngàn đồng/bịch. Khi mới đem về thì cây giống phát triển rất “sung”, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì cây giống “lụi” dần. Hiện, 3.000 bịch cây giống đã chết gần hết; trong đó, có nhiều cây chưa kịp trồng đã chết luôn trong bịch”.

Tại xã Lộc Phú, hiện tại, không có điểm cung ứng tiêu giống cũng như cây gòn để làm trụ tiêu. Người dân chủ yếu truyền miệng nhau về những địa điểm bán giống có “uy tín” tại trung tâm huyện Bảo Lâm hoặc các tỉnh lân cận như Đăk Nông, Đăk Lăk, Đồng Nai… Anh Phan Văn Lâm (thôn 3, xã Lộc Phú) cho biết, trước đây, bố anh đã trồng vài trăm nọc tiêu trong vườn cà phê. Hiện, số nọc tiêu này đã cho thu bói, nhưng chủ yếu để làm quà biếu chứ chưa bán. Dù chưa biết hiệu quả trồng tiêu tới đâu, nhưng anh vẫn “mạnh dạn” phá bỏ 3 sào cà phê đã ghép cải tạo trước đây để trồng tiêu. “Giống tiêu trước được mua từ Đắc Lắc. Đến nay, để có giống trồng mới thì tôi chiết nhánh “lươn” trong vườn để trồng. Sở dĩ tôi phá cà phê để trồng tiêu vì muốn thử nghiệm xem tiêu có phù hợp với đất ở đây không. Phải 2 – 3 năm nữa mới biết được kết quả như thế nào” – anh Lâm chia sẻ.

Theo thống kê, những xã trên địa bàn huyện Bảo Lâm phát triển diện tích tiêu nhiều nhất trong thời gian gần đây là Lộc An, Lộc Ngãi, Lộc Đức, Lộc Phú… Ông Nguyễn Đình Gắn, Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi, cho biết: “Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay, nông dân trong xã đã trồng 105ha tiêu xen trong vườn cà phê. Đây là con số tăng “chóng mặt” và xã đã có khuyến cáo người dân không nên thâm canh cây tiêu. Bởi lẽ, đây là cây trồng khá mới đối với huyện Bảo Lâm, nên chưa biết được nguy cơ dịch bệnh như thế nào, giá cả ra sao khi diện tích tăng đột biến trong thời gian ngắn. Trong khi đó, để đầu tư 1 trụ tiêu thì mất chi phí khá cao”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Bảo Lâm, từ trước đến nay, diện tích tiêu trên địa bàn toàn huyện chỉ giữ ổn định ở mức 50ha. Tuy nhiên, thời gian gần đây người dân trồng rất nhiều và Phòng đang tiến hành thống kê lại. Cây tiêu không được huyện Bảo Lâm quy hoạch phát triển mà chủ yếu do người dân trồng tự phát xen trong vườn cà phê. Phòng NN&PTNT đã phối hợp với các xã khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt. Còn theo ông Hồ Đình Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, kết quả điều tra vào quý I/2015 cho thấy diện tích tiêu trồng mới là 154ha. Đến nay, diện tích này có thể tăng trên dưới 200ha. Điều đáng lo ngại là người dân hiện đang trồng ồ ạt, không có định hướng.

Nguồn baolamdong.vn

16/9/15

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Quốc, có khoảng 700 hộ ở các xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Dương Tơ và Bãi Thơm trồng trên 460 ha diện tích vườn tiêu với sản lượng hàng năm đạt 1.200 tấn/năm, tùy vào thời điểm, giá thị trường dao động từ 140.000 – 180.000 đồng/kg. Hồ tiêu Phú Quốc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là sản phẩm hàng Việt Nam tiêu biểu năm 2014.

Theo đó, đến cuối năm 2015, huyện Phú Quốc có kế hoạch chuyên canh hồ tiêu lên 500 ha và năm 2020 là 1.000 ha, phấn đấu năng suất đạt từ 3 tấn/ha trở lên, với sản phẩm hàng hóa sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ tiêu dùng trong nước, xuất khẩu. Đồng thời, phát triển cây tiêu theo hướng đạt chuẩn GlobalGap, theo quy trình trồng tiêu hiệu quả, bền vững, chất lượng và thân thiện với môi trường, chuyển giao cho nông dân ứng dụng vào vườn tiêu. Huyện tập trung đầu tư công tác khuyến nông, nhất là hướng dẫn kỹ thuật trồng tiêu cho nông dân theo quy trình giảm thiểu các mối nguy hại liên quan đến việc sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe người sản xuất và cộng đồng…

Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Phú Quốc, không những khẳng định giá trị truyền thống, chất lượng hồ tiêu nơi đảo ngọc này mà còn là điều kiện thuận lợi đưa thương hiệu đặc sản hồ tiêu ra thị trường thế giới với sức cạnh tranh cao về giá cả, chất lượng của sản phẩm./.
Theo Báo Kiên Giang

14/9/15

Phân SA
Chất lưu huỳnh (S) cùng với chất đạm (N), lân (P2O5), và kali (K2O) là một trong những chất dinh dưỡng chính cần thiết cho cây trồng. Hiện tượng thiếu lưu huỳnh trong cây trồng rất phổ biến thường xảy ra hơn trước khi triệu chứng biểu hiện bên ngoài. Việc xác định hiện tượng thiếu lưu huỳnh trong cây thường không dễ dàng và hay bị nhầm lẫn với triệu chứng thiếu đạm. Hiện tượng thiếu lưu huỳnh được phát hiện tại hầu hết các vùng sản xuất nông nghiệp trên thế giới và như thế gây chú ý một cách rộng rãi.

Bón phân SA để khắc phục hiện tượng thiếu lưu huỳnh:


Phân SA là loại phân có chứa cả hai dưỡng chất quan trọng. Do đó giá thành cao hơn các loại phân chứa đạm đơn thuần tính theo đơn vị chất đạm. Nếu xem xét hiệu quả chung của S và N đem lại khi bón SA thì giá thành có ý nghĩa kinh tế hơn.

Hóa tính và lý tính của phân SA rất ổn định nhờ dạng tinh thể cứng nên chất lượng bền. Phân SA sẵn sàng phục vụ mọi lúc, mọi nơi.

Phân SA cung cấp trực tiếp cho cây trồng chất đạm và lưu huỳnh và cũng là loại phân có thể dùng chung với các loại phân khác. Dù được dùng riêng rẻ hay phối hợp với loại phân khác thì vẫn có thể tính được dễ dàng lượng phân bón cần thiết bón cho cây trồng.

Hiệu quả có ích của chất đạm trong phân SA

Cây lúa nước hấp thu chất đạm dưới dạng Amôn chiếm đa phần trong lượng đạm cây đòi hỏi. Trong khi cây lúa cạn lại sử dụng dạng đạm nitrat. Đạm Amôn bón cho ruộng rẫy được chuyển hóa thành nitrat dưới tác động của những vi khuẩn sống trong đất, nhờ đó trở nên dạng dễ tiêu cho cây trồng cạn. Điều này chứng tỏ rằng phân SA có thể được dùng cả trên ruộng nước lẫn ruộng cạn mà vẫn đảm bảo cho kết quả đáng kể. Những nghiên cứu gần đây tại Mỹ cho biết cây trồng cạn có thể sử dụng cả hai dạng đạm amôn và đạm nitrat. Kết quả nghiên cứu cho thấy đạm amôn làm phát triển nhánh cây ngũ cốc còn trái bắp sẽ đóng hạt đầy đặn hơn.

Ngay cả trong quá trình trực di dưỡng chất trong đất, phân SA vẫn có thể tồn tại trong đất thuận lợi cho cây trồng. Đó là nhờ dạng đạm amôn của phân SA có khả năng tránh bị thất thoát trong quá trình trực di. Phân SA cũng ít bị mất đạm trong quá trình bay hơi so với phân urê.

Hiệu quả của chất lưu huỳnh trong phân SA

Kết quả thí nghiệm chứng minh rằng phân SA chứa dạng đạm cao cấp. Mới đây các nhà nghiên cứu nhận biết rằng một số trường hợp tưởng lầm cây bị thiếu đạm thay vì cây đang bị thiếu lưu huỳnh. Triệu chứng của 2 trường hợp thiếu đạm và thiếu lưu huỳnh biểu hiện rất giống nhau. Điểm khác biệt chính là các lá non bị vàng do thiếu S vì sự vận chuyển lưu huỳnh trong cây bị tắc nghẽn. Nếu chỉ có bón thêm phân đạm trong khi cây đang bị thiếu lưu huỳnh thì chỉ làm trầm trọng thêm vì tiếp tục gây ra thêm sự mất cân bằng về tỷ lệ giữa đạm và lưu huỳnh N:S.

Ích lợi của việc bón phân SA


• SA ít hút ẩm, dễ bảo quản, dễ trộn và dễ bón

Phân SA ít hút ẩm là nhờ cấu trúc phân tử kém hút ẩm giúp cho việc bảo quản lâu dài và dễ pha trộn với các loại nguyên liệu phân bón khác. Tuy nhiên, các nguyên tắc cẩn thận trong công tác bảo quản phân bón cũng phải chú trọng.

• Hiệu lực tức thời

Phân SA hoàn toàn tan trong nước 100%. Nhanh chóng phân ly thành ion amôn và sulphate.

• Hiệu lực kéo dài

Ion amôn dương tính liên kết với cấu tử đất tồn tại lâu bền xung quanh vùng rễ cây cho đến khi cây sử dụng mà không bị thấm rút vào nước chứa trong đất.

PTS. Công Doãn Sắt - MSc. Phan Thị Công
Theo http://longdinh.com
Các nhà khoa học Nhật Bản đã khám phá ra bí quyết giúp sâu bướm thu phục những con kiến và biến chúng trở thành vệ sĩ cho nó.
Chất ngọt do sâu bướm tiết ra biến kiến thành những vệ sĩ trung thành của nó. Ảnh: Masaru Hojo.
Sâu bướm tiết ra một hợp chất có vị ngọt khiến những con kiến mắc nghiện và tình nguyện trở thành nô lệ cho nó. Phát hiện mới của các nhà khoa học Nhật Bản đã thay đổi quan niệm truyền thống về "sự trao đổi công bằng" giữa các loài côn trùng.

Một nhóm nghiên cứu ở Đại học Kobe, Nhật Bản, nhận thấy những con kiến phục vụ sâu bướm xanh rất đều đặn, chúng quên cả các hoạt động thường nhật và nhiệm vụ tìm kiếm thức ăn. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng kiến tự nguyện gặp sâu bướm trong quan hệ cộng sinh nhằm tận dụng hợp chất có vị ngọt giống si rô do sâu bướm tiết ra.

Những con kiến xếp hàng phục vụ sâu bướm trong hai tiếng đồng hồ, lấy chất ngọt và rời đi. Tuy nhiên, chính những con kiến này cũng là những vệ sĩ trung thành thường xuyên đứng canh gác cho sâu bướm.

Các nhà khoa học phát hiện sâu bướm kiểm soát vệ sĩ của nó thông qua tín hiệu hóa học và tín hiệu thị giác. Những con kiến nếm chất ngọt bắt đầu tiếp nhận tín hiệu từ chuyển động của xúc tu trên mình sâu bướm và tuân theo sự chỉ đạo của nó.

Do sâu bướm phải biến đổi thành bướm an toàn, nó cuộn mình trong một cái kén. Ở thời kỳ này, nó cần được bảo vệ khỏi các loài săn mồi như ong bắp cày và nhện. Tín hiệu hóa học mạnh tiết ra từ sinh vật dễ bị tấn công này giúp nó tập hợp một đội vệ sĩ hung dữ và trung thành.

"Những tế bào tuyến nằm gần xúc tu có thể tiết ra tín hiệu hóa học. Cả tín hiệu thị giác và tín hiệu hóa học đều kích thích tính hung dữ ở kiến," New Scientist hôm 31/7 dẫn lời nhà nghiên cứu Masaru Hojo.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy những con kiến nô lệ có nồng độ dopamine, một chất hóa học chịu trách nhiệm về việc di chuyển và tính hung dữ của côn trùng, thấp hơn những con không nếm thử chất ngọt. Sau khi hấp thụ loại thuốc mang tên reserpine giúp ngăn cản sự phát tán của dopamine, những con kiến trở nên bớt phụ thuộc vào sâu bướm hơn.

"Chất ngọt tiết ra từ cơ quan trên lưng sâu bướm họ lycaenid có thể điều khiển hành vi của kiến phục vụ bằng cách thay đổi điều tiết chất dopamine và gia tăng lòng trung thành với đối tác," Hojo và đồng nghiệp kết luận.
Phương Hoa
Nguồn: Vnexpress.net

Phân supe lân phù hợp cho tất cả các loại đất (chua, trung tính, kiềm, nhiễm mặn), nhưng hiệu quả nhất là trên đất không chua hoặc ít chua...

1/ Các loại đất và môi trường hấp thu lân của cây trồng


Đất Việt Nam phân thành 11 nhóm chính, tỷ lệ diện tích các nhóm đất như sau: Đất cát 1,70%, đất phù sa 10,81%, đất mặn 4,05%, đất phèn 5,92%, đất xám 7,47%, đất thung lũng 1,20%, đất than bùn 0,80%, đất feralit trên đá macma bazơ và trung tính 8,53%, đất feralit khác 47,09%, đất mùn feralit trên núi 11,14%, đất xói mòn trơ sỏi đá 1,29%. Giá trị pHKCl của một số nhóm đất chính: Đất cát 5,5 - 6,5; đất mặn 5,5 - 6,5; đất phèn 2,5 - 4,5; đất phù sa 4,5 - 6,0; đất glay 4,0 - 5,0; đất xám bạc màu 4,0 - 5,0; đất feralit 4,0 - 4,5. Phần lớn cây trồng chỉ phát triển tốt trong một giới hạn pHKCl nhất định; pHKCl < 3 và > 8 sẽ rất hạn chế đối với nhiều loại cây trồng; pHKCl = 3 - 4 hạn chế vừa và pHKCl = 4 - 5,5 hạn chế ít. Nhóm cây rất mẫn cảm với pH cao gồm cải bắp, bông, củ cải đường, mía... phát triển tốt trên đất có pH = 7 - 8. Nhóm cây mẫn cảm với pH cao gồm có lúa mì, ngô, đậu tương, lạc, hướng dương, dưa chuột, hành... phát triển tốt nhất trên đất có pH = 6 - 7. Nhóm cây ít mẫn cảm với pH cao là cà chua, cà rốt, lúa, cao lương, sắn, khoai tây, khoai lang, lanh, cà phê, tiêu, cam, quýt, nhãn, dưa hấu... có thể phát triển trong phạm vi pH = 4,5 - 7,5 và thích hợp nhất pH = 5,5 - 6,0. Nhóm cây mẫn cảm với pH thấp là cây chè, dứa, và nhiều cây phân xanh... phát triển tốt nhất trên đất chua pH = 4,5 - 5,5 và bị ảnh hưởng xấu trên đất trung tính và kiềm. Rõ ràng đất nào cây nấy, theo sau đó là bón vôi, bón phân để phù hợp với cây, với đất và với thời tiết. Ngoại trừ nhóm đất feralit (trên đá vôi hoặc đá bazan), đất phù sa sông Hồng và sông Cửu Long có hàm lượng lân tổng số tương đối khá, còn hầu hết các nhóm đất còn lại của Việt Nam đều nghèo lân. Khoảng pH của đất thuận lợi nhất cho lân được hòa tan và cây dễ hấp thu ở mức 5,2 - 6,5. Khi pHKCl đất dưới 4,5 thì trong đất tạo thành phốt phát sắt, phốt phát nhôm khó hòa tan nên ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng phân lân nên cần thiết phải bón vôi. Lượng vôi được bón để cải tạo đất tùy theo loại cây trồng và thành phần cơ giới đất nhẹ hay nặng: đất rất chua pHKCl < 3,5 bón 1,0 - 5,0 tấn CaO/ha, đất chua nhiều pHKCl = 3,5 - 4,5 bón 0,7 - 2,0 tấn, đất chua pHKCl = 4,5 - 5,5 bón 0,5 - 1,0 tấn. Lượng vôi có trong thành phần của supe lân hoặc phân lân nung chảy chỉ có ý nghĩa cung cấp dinh dưỡng canxi cho cây chứ ít có ý nghĩa cải tạo đất chua. Các kết quả nghiên cứu cho thấy lân trong đất Việt Nam chủ yếu ở dạng phốt phát sắt 3; dạng này cây lúa nước có thể sử dụng được (do quá trình khử sắt, giải phóng lân), nhưng sẽ khó khăn đối với các cây trồng cạn. Cây hút lân dễ dàng nhất là dạng hòa tan trong nước; cây hút lân dạng H2PO4- ở pHKCl thấp và HPO42- ở pHKCl cao. Cây trồng hút lân rất yếu ở giai đoạn cây con nên cần bón lót bằng các loại phân lân dễ hòa tan như supe lân, DAP... để cung cấp cho cây kịp thời.

2. Tính ưu việt và hạn chế của mỗi loại phân lân


Supe lân cung cấp lân, canxi và lưu huỳnh cho cây trồng. Công thức hoá học: Ca(H2PO4)2.H2O + 2 CaSO4 + 2H2O + axít photphoric tự do 2%. Hàm lượng lân 15,0 - 16,5% P2O5 dễ tiêu, 11 -12% lưu huỳnh (S) và 22-23% CaO. Phân supe lân phù hợp cho tất cả các loại đất (chua, trung tính, kiềm, nhiễm mặn), nhưng hiệu quả nhất là trên đất không chua hoặc ít chua (pH = 5,6 - 6,5) với tất cả các loại cây trồng; có thể dùng để bón lót, bón thúc; có thể bón vào đất hoặc hoà nước để tưới. Do tính chất hòa tan trong nước và được cây hấp thụ nhanh nên Supe lân rất phù hợp với các loại cây ngắn ngày như đậu đỗ, rau cải, cây thuốc, ngô, thuốc lá... và các loại cây cần nhiều lưu huỳnh như cải dầu, su hào, bắp cải, súp lơ, đậu đỗ... Lân nung chảy ít tan trong nước, tan trong axít yếu (axít xitric 2%). Công thức lí thuyết: 4(Ca,Mg)O.P2O5+5(Ca, Mg)O.P2O5.SiO2. Phân lân nung chảy có 15 - 16% P2O5 dễ tiêu, 15 - 18% MgO, 28 - 34% CaO và 24 - 30% SiO2. Phân lân nung chảy thích hợp với đất chua, bị rửa trôi, đất đồi núi, bạc màu, đất phù sa cũ; với cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, cây họ đậu, cây phân xanh... Không bón phân lân nung chảy trên những vùng đất hơi kiềm, kiềm mặn hoặc đất phù sa mới trung tính. Phân lân nung chảy có thể được bón trên đất phèn hoặc bị nhiễm phèn, nhưng trên loại đất này bón phốt phát thiên nhiên có lợi hơn về giá cả và đất phèn cũng không thiếu ma giê. Lân trong phân lân nung chảy chỉ có thể chuyển hoá thành dạng dễ tan trong điều kiện đất chua và đất giàu hữu cơ. Trong nhiều trường hợp supe lân tỏ ra vượt trội các loại phân lân khác do yếu tố lưu huỳnh (S) có trong phân. Ngay cả ở đất phèn, đất mặn phân này cũng thể hiện tính ưu việt so với các loại phân lân khác nhờ có thành phần thạch cao (CaSO4). Ưu điểm của phân lân nung chảy có thể bị che lấp do thiếu lưu huỳnh (S) ngay cả khi bón phân này trên đất suy thoái silic (Si) và magiê (Mg). Trong quá trình SX, ngành trồng trọt đã hình thành các vùng cây hàng hóa chính và khó có thể thay thế được như các cây lúa, ngô, lạc, chè, cà phê, tiêu, cây ăn quả, rau... vì tính thích nghi và ưu thế so sánh về hiệu quả kinh tế. Do vậy những loại phân bón đặc thù thích hợp với đất, với cây khó có thể thay thế được. Cùng với một số loại phân chua sinh lý khác như clorua kali, sunphat kali, sunphat amon... phân supe lân đã được dùng hàng chục năm qua và vẫn phát huy hiệu quả tốt. Việc sử dụng lâu dài supe lân sẽ làm chua đất hoặc lân nung chảy sẽ tăng pH đất đều chưa có các thí nghiệm dài hạn để minh chứng trên đất vùng nhiệt đới ẩm ở Việt Nam. Trên thế giới đã có những bài học kinh nghiệm khi sử dụng lâu dài các loại phân lân không chứa lưu huỳnh đã đưa lại sự thiếu lưu huỳnh trầm trọng đối với cây trồng, để sau đó lại bổ sung lưu huỳnh vào phân bón; đây là một việc làm hết sức vô lý và tốn kém.

3. Biện pháp sử dụng các loại phân lân đạt hiệu quả cao

Phân lân loại nào cũng quý và cần có cách sử dụng để đạt hiệu quả cao. Vấn đề là bón đúng đất, đúng cây và thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây, đúng liều lượng, đúng theo thời tiết. Khi bón phân lân cho cây trồng cần xem xét tình trạng lân trong đất, loại cây trồng, loại phân; bón tập trung, ủ với phân hữu cơ để bón; bón cân đối với N và K2O. Căn cứ vào mùa vụ để bón, đối với lúa vụ xuân liều lượng cao hơn vụ mùa; căn cứ vào cơ cấu cây trồng để bón, nếu vụ trước là cây họ đậu, khoai lang... đã bón nhiều lân, thì trong vụ lúa xuân giảm đi một ít lượng cần bón. Để phát huy ưu điểm của hai loại lân, ta nên trộn hai loại phân bón này với nhau theo một tỷ lệ thích hợp hoặc SX NPK có chứa cả hai loại lân này. Trên đây là một số ý kiến tư vấn cho nông dân sử dụng phân lân có hiệu quả cao nhất dựa trên các kết quả khoa học đã đạt được ở nước ta thuộc các chuyên ngành đất và dinh dưỡng cây trồng, khoa học cây trồng…

TS Bùi Huy Hiền- PGS.TS Nguyễn Như Hà- TS Cao Kỳ Sơn
Theo Viện Khoa Học Nông Nghiệp Việt Nam

6/9/15

 Policy Horizons Canada phối hợp với nhà phân tích Michell Zappa của tổ chức Envisioning đã xuất bản một báo cáo có tựa đề: “Các công nghệ mới và biểu đồ thông tin đi kèm”, trong đó liệt kê các công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, vật liệu và nano, sức khỏe, truyền thông và số hóa.

VnReview xin trích một phần báo cáo này thuộc phạm vi các công nghệ nông nghiệp của tương lai:
Các công nghệ nông nghiệp được chia làm 4 nhóm chính: cảm biến, thực phẩm, tự động và kỹ thuật. Trong đó, công nghệ cảm biến cho phép nhà nông chuẩn đoán và theo dõi mùa màng theo thời gian thực, hỗ trợ chăn nuôi và máy móc nông nghiệp. Công nghệ thực phẩm sẽ mang lại những thành tựu về gene cũng như khả năng tạo ra thịt từ phòng thí nghiệm. Công nghệ tự động trong nông nghiệp sẽ được thực hiện bởi các robot kích thước lớn hoặc robot siêu nhỏ để giám sát quá trình gieo trồng. Còn công nghệ kỹ thuật giúp nông nghiệp mở rộng quy mô sang những phương tiện mới, địa điểm mới và lĩnh vực mới của nền kinh tế.

I – Cảm biến
1. Cảm biến đất và không khí
Các cảm biến là công cụ hỗ trợ cơ bản cho tự động hóa nông nghiệp. Các cảm biến này giúp cho người nông dân có thể theo dõi mùa màng theo thời gian thực, theo dõi nước/độ ẩm, không khí và các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Dự đoán đến năm 2015 sẽ trở nên phổ biến.

2. Viễn thông nông nghiệp

Công nghệ này giúp cho các máy móc nông nghiệp có thể thông báo cho người sử dụng về những trục trặc sắp xảy ra. Việc liên lạc giữa các máy móc có thể tạo ra một nền tảng cho kiểu canh tác “tập đoàn máy nông nghiệp”.

Dự đoán sẽ trở nên phổ biến vào năm 2016.

3. Sinh trắc học chăn nuôi
Người nông dân sử dụng GPS (hệ thống định vị toàn cầu), RFID (nhận dạng tần số sóng vô tuyến) và công nghệ sinh trắc học để có thể nhận dạng một cách tự động và truyền các thông tin quan trọng về chăn nuôi theo thời gian thực.

Dự đoán sẽ phổ biến vào năm 2020.

4. Cảm biến mùa màng
Các cảm biến mùa màng độ phân giải cao sẽ cung cấp thông tin cho các thiết bị nông nghiệp để điều chỉnh lượng nước, phân bón cho thích hợp với đất đai và cây trồng. Các cảm biến quang học hoặc thiết bị bay không người lái sẽ có khả năng nhận diện tình trạng khỏe mạnh của cây trồng. Chẳng hạn chúng sẽ sử dụng cảm biến hồng ngoại để đo độ xanh tốt trên toàn cánh đồng.

Dự đoán sẽ phổ biến vào năm 2019.

5. Cảm biến tình trạng cơ sở hạ tầng nông nghiệp

Các cảm biến này có khả năng đo những chấn động hoặc tình trạng vật lý của những ngôi nhà, cây cầu, xưởng sản xuất, nông trại và các hạ tầng khác. Làm việc trong một mạng thông minh, các cảm biến này sẽ truyền thông tin về cho người chuyên trách hoặc robot.

Dự đoán sẽ phổ biến vào năm 2027.

II – Thực phẩm

6. Thực phẩm tổng hợp gene


Trong tương lai, người ta sẽ tạo ra các loại thực phẩm biến đổi gene mới từ vật nuôi và cây trồng. Các loại thực phẩm này là sự kết hợp của công nghệ sinh học và sinh lý học. Nó là kết quả của sự phát triển của công nghệ biến đổi gene lên một mức cao hơn, trở thành thực phẩm tổng hợp gene.

Dự đoán sẽ phổ biến vào năm 2022.

7. Thực phẩm trong ống nghiệm
Đây là loại thịt có nguồn gốc động vật nhưng được tạo ra từ ống nghiệm. Khác với thịt thông thường vốn được lấy ra từ một quá trình sinh trưởng hoàn thiện của động vật, thịt ống nghiệm chỉ phát triển từ một phần trong giai đoạn sinh trưởng đó. Hiện đã có một vài dự án chế tạo thịt ống nghiệm đang được tiến hành và đã thu được những thành công nhất định. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa được sản xuất ở cấp độ tiêu dùng.

Dự đoán sẽ trở nên phổ biến năm 2024.

III – Tự động hóa

8. Điều khiển làm đất và gieo trồng
Dựa trên những công nghệ định vị địa lý hiện có, việc làm đất và gieo trồng trong tương lai có thể tiết kiệm được hạt giống, khoáng chất, phân bón và thuốc diệt cỏ nhờ vào sự điều chỉnh tự động định mức đầu vào. Người nông dân sử dụng máy tính để tính toán hình dạng cánh đồng nơi họ sẽ gieo trồng. Nhờ vào sự hiểu biết về năng suất các loại cây trồng trên các khu vực khác nhau của cánh đồng, máy nông nghiệp có thể áp dụng định lượng về hạt giống, phân bón, thuốc diệt cỏ phù hợp với từng khu vực trên cánh đồng.

Dự kiến sẽ trở nên phổ biến vào năm 2016.   

9. Gây giống nhanh và có chọn lựa

Công nghệ gây giống thế hệ kế tiếp sẽ dựa trên các thuật toán để xác định định lượng và những sự cải tiến cần thiết áp dụng cho gây giống vật nuôi và cây trồng.

Dự báo sẽ trở nên phổ biến vào năm 2017.

10. Các robot nông nghiệp
Robot nông nghiệp, còn có một thuật ngữ khác là “agbot”, sẽ tham gia vào các quá trình tự động hóa nông nghiệp, chẳng hạn như thu hoạch, chuyên chở trái cây, làm đất, nhổ cỏ, gieo trồng, tưới tiêu…

Dự đoán sẽ trở nên phổ biến vào năm 2021.

11. Nông nghiệp chính xác

Việc quản lý gieo trồng sẽ dựa vào sự quan sát những thay đổi trên cánh đồng. Với sự trợ giúp của các hình ảnh vệ tinh và các cảm biến tiên tiến, người nông dân có thể tối ưu hóa nguyên liệu đầu vào. Những kiến thức về mùa màng, các dữ liệu thời tiết định vị địa lý và các cảm biến chính xác sẽ giúp người nông dân ra quyết định chính xác và cải tiến kỹ thuật gieo trồng.

Dự kiến sẽ trở nên phổ biến vào năm 2024.

12. Tập đoàn máy nông nghiệp
Giả định rằng trong tương lai việc làm nông sẽ có sự kết hợp của hàng chục, thậm chí hàng trăm robot cùng với hàng nghìn cảm biến siêu nhỏ. Tập hợp máy nông nghiệp này sẽ theo dõi, giám sát, dự báo, cày cấy trồng trọt và thu hoạch mà không cần sự can thiệp của con người. Hiện tại, người ta đã thực nghiệm trong quy mô nhỏ.

Dự đoán đến năm 2026 nó sẽ trở nên phổ biến.

IV – Kỹ thuật


13. Hệ sinh thái đóng

Đây là một hệ sinh thái “tự thân vận động”, không chịu ảnh hưởng của những tác nhân bên ngoài hệ thống. Về mặt lý thuyết, một hệ thống đóng như thế này có thể chuyển đổi các sản phẩm phế thải thành oxy, thực phẩm và nước nhằm cung cấp cho quá trình sinh trưởng cây trồng bên trong hệ thống. Người ta đã thí nghiệm những hệ thống đóng trên phạm vi nhỏ, bởi vì công nghệ hiện tại chưa cho phép triển khai ở phạm vi lớn hơn.

Dự đoán đến năm 2021 sẽ được triển khai rộng rãi.

14. Sinh học tổng hợp

Sinh học tổng hợp mới chỉ ở giai đoạn phôi thai nhưng hứa hẹn đem lại một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực sinh học, bởi tiềm năng ứng dụng lớn lao trong xã hội. Sinh học tổng hợp là một dạng mở rộng của công nghệ kỹ thuật gene. Mục đích của sinh học tổng hợp là làm thay đổi và hoàn chỉnh các gene bằng phương pháp tổng hợp để tạo ra các sinh vật mới có đặc tính sinh học như mong muốn.

Trong nông nghiệp, nó sẽ giúp tạo ra các loại vật nuôi và cây trồng có đặc tính sinh học theo ý muốn. Sinh học tổng hợp còn ứng dụng được trong lĩnh vực chế tạo dược phẩm, sản sinh năng lượng, cung cấp thực phẩm, duy trì và nâng cao sức khỏe con người, xử lý rác thải bảo vệ môi trường.

Dự báo sẽ trở nên phổ biến vào năm 2024.

15. Trồng trọt thẳng đứng
Đây là một hình thức trồng trọt tiết kiệm không gian, ứng dụng trong các thành thị. Loại hình này có thể tạo ra các cây trồng từ những cột tháp chọc trời trong thành thị. Sử dụng các kỹ thuật trồng trọt tưới tiêu tương tự như trong nhà kính. Các cây trồng được tăng cường ánh sáng tự nhiên thông qua các biện pháp duy trì và tiết kiệm năng lượng.
Phương pháp trồng trọt thẳng đứng mang lại rất nhiều ích lợi, chẳng hạn như có thể sản xuất quanh năm, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho thành thị, giảm chi phí vận chuyển.

Dự đoán sẽ trở nên phổ biến vào năm 2027.

Tác giả bài viết: Đăng Khoa
(dịch từ Business Insider)
Nguồn tin: VnReview.vn
Thế giới đang tiến đến giai đoạn yêu cầu phải sản xuất nông sản nhiều hơn với nguồn tài nguyên ít hơn. Điều đó đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mang lại vô vàn cơ hội khởi nghiệp trong nông nghiệp.
Ông Nguyễn Khắc Minh Trí - người cầm micro - say sưa kể về những ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp - Ảnh: Đức Tâm
Đó là ý kiến chung của nhiều diễn giả trong phiên thảo luận chủ đề “Sức sáng tạo và cơ hội khởi nghiệp của các bạn trẻ Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)” tại Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp ĐBSCL (Mekong Connect CEO Forum) do Câu lạc bộ Doanh nhân dẫn đầu phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức chiều 4-9 tại Thành phố Cần Thơ.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Huỳnh Quang Vinh – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang chia sẻ, ĐBSCL luôn là một vùng trũng của cả nước xét trên mọi khía cạnh từ thu hút vốn đầu tư, phát triển hạ thành cơ sở cũng như phát triển nông nghiệp. Câu chuyện nông nghiệp hiện tồn tại vô số vấn đề, đó là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp, ông Vinh nói.

Dẫn chứng cho phát biểu của mình, ông Vinh lấy ngay chính câu chuyện công ty ông thường xuyên phải trả lại một lượng xoài nhất định khi mua xoài của nông dân do sản phẩm bị dập, không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Vậy, làm sao sử dụng vật liệu phù hợp để chế tạo các sọt đựng xoài để giải bài toán va đập chính là một cơ hội cho các bạn trẻ, ông Vinh phân tích.

“Đó chỉ là một ví dụ nhỏ. Nông nghiệp ĐBSCL đối mặt vô sô vấn đề, và mỗi một vấn đề là một cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp.” một lần nữa ông Vinh nhấn mạnh.

Ở góc nhìn của một người nước ngoài về câu chuyện khởi nghiệp Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar – Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Israel tại Việt Nam, trong một clip phỏng vấn do BSA đưa vào ngay phiên thảo luận, nhận xét: “Qua theo dõi các hoạt động khởi nghiệp tại VN, tôi thấy chủ yếu thuộc lĩnh vực điện thoại và web, đó là điều bình thường.

Nhưng tôi phải nói rằng ở một đất nước mà 70% dân số tham gia hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành liên quan, các bạn không thể cầm cự nếu thiếu đi những hoạt động khởi nghiệp và đổi mới trong nông nghiệp.”

Theo bà Shahar, thế giới đang tiến đến giai đoạn cần phải sản xuất nhiều hơn trong điều kiện tài nguyên ít hơn do sự gia tăng dân số toàn cầu, điều đó đòi hỏi sự chính xác cao trong nông nghiệp, hay nói cách khác chính là cần công nghệ và sự đổi mới trong công nghệ.

Vậy thế nào là sự chính xác cao trong nông nghiệp?

Nói nôm na, theo ông Nguyễn Khắc Minh Trí, Giám đốc Công ty MimosaTek, một công ty khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thì nông nghiệp chính xác cao là cung cấp nguyên liệu đầu vào cho cây trồng/vật nuôi đúng liều lượng, đúng thời điểm tương ứng với từng giai đoạn phát triển của cây trồng/vật nuôi.

Để dễ hiểu hơn, ông Trí đưa ra một ví dụ minh họa từ câu chuyện nghe qua khá nghịch lý trong việc nuôi tôm. “Người dân thường, vì thương con tôm mình nuôi, nên cho ăn nhiều hơn lượng cần thiết. Cho ăn nhiều hơn với mong muốn tôm phát triển tốt hơn nhưng ngược lại tôm lại chậm phát triển. Nghịch lý chăng? Điều này không hề nghịch lý vì khi lượng thức ăn thừa sẽ phân hủy và ảnh hưởng đến môi trường sống của tôm. Điều này làm tôm chậm phát triển, chưa kể một lượng thức ăn dư thừa bị dùng phí đi không cần thiết.” ông Trí chia sẻ.

Không dừng lại ở vấn đề nêu ra, ông Trí còn kể thêm giải pháp mà các bạn Úc đã thực hiện thành công là họ lắp các cảm biến để giám sát việc tôm ăn thức ăn. Cụ thể, khi tôm ngừng ăn, các cảm biến sẽ truyền tín hiệu đến máy cho tôm ăn ngừng hoạt động.

Câu chuyện thứ hai được ông Trí kể không kém phần thú vị đó là bệnh phấn trắng ở cây nho Ấn Độ. Khi nho sắp thu hoạch, lại bị bệnh phấn trắng, nông dân lo lắng xịt thuốc trừ sâu với khối lượng lớn để xử lý và vô tình để lại hàm lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép. Đơn hàng không thể xuất khẩu. Mùa vụ thất bại. Và sau đó Ấn Độ giải quyết bài toàn này nhờ nông nghiệp chính xác bằng cách lắp cảm biến để kiểm soát quá trình phát triển của bệnh và đưa ra phương án xử lý từ sớm để tiết kiệm lượng thuốc mà lại tăng tính hiệu quả.

Cơ hội khởi nghiệp trong nông nghiệp là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên số lượng các bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực này còn khá khiêm tốn. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này?

Từ góc nhìn của một doanh nhân trong nước, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn cho rằng có 2 nguyên nhân chính khiến ít bạn trẻ dám khởi nghiệp trong nông nghiệp; một là lĩnh vực này đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn lâu; hai là điều kiện vay vốn, nhận hỗ trợ vốn khó khăn.

Xin hãy nghe ý kiến của bà Shahar, một người con của đất nước Israel nổi tiếng với tinh thần khởi nghiệp, chia sẻ: “Đôi khi thế hệ trẻ Việt Nam nghĩ rằng nông nghiệp không dành cho họ. Họ muốn trở thành doanh nhân. Hay mọi người đều muốn làm trong ngành ngân hàng. Điều đó cũng tốt thôi. Nhưng tôi cho rằng ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, bằng những đột phá công nghệ, có thể làm mới (re-brand) chính mình. Các bạn cần đột phá công nghệ khi trước khi làm ra sản phẩm. Nhưng các bạn cũng phải làm mới nông nghiệp, chỉ cho thế hệ trẻ thấy rằng nông nghiệp không nhất thiết phải làm theo cách cũ. Rằng nông nghiệp chính là tương lai. Đây không chỉ là nhu cầu riêng của Việt Nam mà còn là nhu cầu của toàn thế giới.”

Vậy các bạn trẻ nên làm nông nghiệp như thế nào? Từ kinh nghiệm bản thân, ông Vinh khuyên các bạn trẻ hãy nên bằng đầu bằng những dự án thật nhỏ, để tồn tại, tích lũy rồi mới tính đến chuyện phát triển mở rộng thị trường. Còn những bạn thích làm lớn, hãy tự dự phòng ngân sách chi tiêu của mình ít nhất trong một năm trong điều kiện chưa có doanh thu.

Trước câu hỏi, chính xác hơn là một lời than của một bạn trẻ cho rằng khởi nghiệp trong nông nghiệp quá khó khăn, ông Vinh thẳng thắn: “tôi không đồng ý cách suy nghĩ như vậy. Khởi nghiệp chẳng có gì dễ cả, nếu dễ người ta đã làm hết rồi. Khởi nghiệp là để biến khó khăn thành cơ hội. Còn nếu ngại khó khăn thì đừng nên khởi nghiệp.”
Đức Tâm
Theo Kinhtesaigon Online

5/9/15

7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tiêu tăng 1,9% (dù lượng giảm hơn 20%) so với cùng kỳ năm trước nhưng tính tới hết 8 tháng, xuất khẩu tiêu lại có sự đổi thay khi giảm cả lượng lẫn giá trị, với mức giảm lần lượt là giảm 21,7% về khối lượng và giảm 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu chỉ đạt 104 nghìn tấn với giá trị 978 triệu USD.

Mặc dù tính chung xuất khẩu tiêu giảm cả lượng và giá trị, tuy nhiên suốt từ đầu năm đến nay, giá tiêu xuất khẩu vẫn luôn ở mức cao. Tính bình quân 7 tháng đầu năm giá xuất khẩu đạt 9.373 USD/tấn, tăng 28,11% so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hòa Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Singapore với 38,86% thị phần.

Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA): Năm nay, giá xuất khẩu tiêu luôn ở mức cao nhưng hàng xuất khẩu đi bị trả về nhiều hơn hẳn những năm trước, đặc biệt là ở những thị trường “khó tính” như EU, Nhật Bản.

Nguyên nhân là bởi hàng xuất đi không đảm bảo các yêu cầu về chất lượng. Trong quá trình thu hoạch và trữ tiêu, nông dân đã sử dụng chất Carbendazim để trữ tiêu và trừ nấm.

Bên cạnh đó, tiêu được thu mua qua hệ thống thương lái từ các hộ nhỏ dẫn tới tình trạng tiêu sạch và tiêu bẩn trộn lẫn nhau rồi đem bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu khiến chất lượng tiêu không đảm bảo.

Ngoài ra, khó khăn doanh nghiệp gặp phải vẫn là vấn đề thiếu phòng kiểm định chất lượng tiêu có thể đáp  ứng yêu cầu. Hiện nay các phòng kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế có thể phân tích được 543 chỉ tiêu để kiểm soát hàng hoá nông sản liên quan đến xuất khẩu, trong đó có hồ tiêu nhưng các phòng kiểm định trong nước chỉ phân tích được chưa đến 200 chỉ tiêu.

Vì vậy, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu tiêu sang các thị trường “khó tính” thường phải gửi mẫu xuất khẩu ra nước ngoài trước 2 tuần để kiểm định với chi phí không hề nhỏ.

Để giải quyết vấn đề này, VPA đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét đầu tư xây dựng đơn vị kiểm định chất lượng của Nhà nước có năng lực phân tích mẫu theo tiêu chuẩn quốc tế (phân tích được 543 chỉ tiêu) để kiểm soát hàng hoá nông sản liên quan đến xuất khẩu, cấp giấy chứng nhận, giúp DN giảm chi phí và thời gian, đồng thời giúp kịp thời xử lý các vấn đề liên quan tới chất lượng hồ tiêu xuất khẩu. Hình thức đầu tư có thể từ nguồn ngân sách hoặc bằng hình thức góp vốn, xã hội hoá đầu tư.
Thanh Nguyễn
Theo Haiquan Online

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh hồ tiêu xuất khẩu bị đối tác trả lại hàng, chủ yếu là tiêu thô chiếm 85%, nguyên nhân là chất lượng hạt tiêu không đảm bảo. Đặc biệt, từ đầu năm nay, thị trường châu Âu bắt đầu siết chặt các quy định về chất lượng hồ tiêu nhập khẩu. Vì vậy, việc tăng cường đầu tư chất lượng hạt tiêu được cả Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và nông dân trồng tiêu đề ra để đường đi của hạt tiêu dễ dàng hơn.

Thiếu kiểm định chặt chẽ

Hiện nay, không phải lô hàng hạt tiêu nào cũng được kiểm định chặt chẽ về chất lượng trước khi xuất khẩu. Sở dĩ có hiện tượng này là vì Việt Nam đang thiếu phòng kiểm định và trung tâm kiểm định tiêu sau thu hoạch của nông dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu Lâm Sang, tỉnh Đồng Nai, mặc dù hợp tác xã hướng dẫn nông dân phương pháp sản xuất tiêu sạch, an toàn, nhưng vẫn còn nhiều nông dân canh tác theo thói quen cũ. Vì vậy, khi thương lái thu mua hạt tiêu từ các nông hộ, họ không phân chia rạch ròi tiêu nguyên liệu của từng nông hộ. Đến khi sản phẩm đưa vào kiểm định thì cả khối lượng lớn hạt tiêu bị ảnh hưởng về chất lượng, trong khi chỉ có vài hộ thậm chí 1 hộ trồng không đạt chất lượng. Vì vậy, khi thiếu sự kiểm định riêng lẻ và chặt chẽ đã gây ảnh hưởng lớn đến hạt tiêu của nhiều người.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu bị trả hàng do không đạt được chất lượng theo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, mà chủ yếu là từ các thị trường “khó tính” như châu Âu và Nhật Bản. Nguyên nhân chính là do trong quá trình thu hoạch, nông dân đã sử dụng chất capendazim để bảo quản. Thậm chí nhiều nông dân còn trộn tiêu bẩn với tiêu sạch để bán cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Không những vậy, Việt Nam có phòng kiểm định chất lượng tiêu nguyên liệu, nhưng không thể kiểm định toàn bộ những chỉ tiêu mà nhà nhập khẩu yêu cầu. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), các thiết bị kiểm tra dư lượng hóa chất trong tiêu ở Việt Nam còn rất đơn giản, chỉ có thể kiểm tra 200 chỉ tiêu hóa chất. Trong khi đó, thiết bị kiểm tra của thế giới có thể kiểm tra 543 chỉ tiêu hóa chất trong tiêu nguyên liệu. Do đó, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường khó tính phải gửi mẫu xuất khẩu ra nước ngoài trước 2 tuần và chi phí kiểm định này rất cao.

Theo ông Hà Huy Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP XNK Petrolimex (Pitco), để xuất khẩu được hồ tiêu sang các thị trường khó tính, Công ty Pitco phải thuê chuyên gia nước ngoài về kiểm tra 80 chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật mà các đơn vị kiểm định hàng đầu trong nước không thể kiểm định được. Tuy nhiên, việc này tốn nhiều chi phí của công ty.

Cần kiểm định riêng lẻ từng sản phẩm

Trước vấn đề này, để hạt tiêu Việt Nam đạt chất lượng cao và xuất khẩu dễ dàng hơn, đặc biệt là tạo niềm tin vững chắc ở những thị trường “khó tính”, thì phải giải quyết từ gốc mới đến ngọn, chất lượng phải đảm bảo từ số lượng nhỏ, đơn lẻ mới đến số lượng lớn, từ nhiều nguồn.

Chính vì vậy, ông Đỗ Hà Nam đề xuất, nhà nước và doanh nghiệp cần phải đầu tư những trung tâm kiểm định chất lượng đúng với tiêu chí mà nhà nhập khẩu đề ra. So với chi phí gửi mẫu ra nước ngoài, thì việc đầu tư một trung tâm kiểm định chất lượng theo yêu cầu của thị trường “khó tính” tuy cao, nhưng có thể phục vụ tốt cho cùng lúc nhiều doanh nghiệp, đồng thời có thể rút ngắn thời gian kiểm định để chốt hàng xuất khẩu.

Không những vậy, ở mỗi vùng nguyên liệu đều cần trung tâm kiểm định này. Có như vậy mới giải quyết rạch ròi nguyên liệu của từng cá thể sản xuất tiêu trước khi trộn lẫn với nhau, tránh mất thời gian và tiền bạc sau này. Hơn nữa, tuy đầu tư hệ thống kiểm định chất lượng cao tốn kém, nhưng khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân tham gia, hàng hóa tốt có giá cao thì thời gian hoàn vốn sẽ ngắn lại - ông Nguyễn Ngọc Luân chia sẻ thêm.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, Bộ sẵn sàng trang bị cho các đơn vị kiểm định chất lượng và giao cho Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản thực hiện. Các doanh nghiệp có thể gửi mẫu đến các đơn vị kiểm định này để kiểm định hàng hóa trước khi xuất khẩu.

Theo tìm hiểu của phóng viên , để đầu tư một trung tâm kiểm định tiêu chuẩn quốc tế cần khoảng 2 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, không phải chỉ đầu tư là xong mà cần phải xây dựng được uy tín cho phòng kiểm định này. Các doanh nghiệp nhập khẩu thường không tin tưởng vào các đơn vị kiểm định trong nước và luôn chỉ định các phòng kiểm định nước ngoài. Vì vậy, nếu xây dựng phòng kiểm định thì trước mắt phòng kiểm định này phải tạo dựng được uy tín với các doanh nghiệp nước ngoài, tức hàng hóa sau khi phân tích tại phòng thí nghiệm này thì xuất khẩu được suôn sẻ . Nếu không thì phòng kiểm định có đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng sẽ bị bỏ không, gây lãng phí. Đây chính là vướng mắc lớn cần được doanh nghiệp và nông dân ngành tiêu ủng hộ để ngành tiêu phát triển bền vững hơn nữa - bà Nguyễn T hị Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhấn mạnh.

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho rằng, giá xuất khẩu hồ tiêu được đánh giá là mặt hàng có mức giá tăng tốt nhất trong 7 tháng qua, đạt mức tăng 28,6% mặc dù số lượng hạt tiêu xuất khẩu giảm 17,5%, vì vậy kim ngạch vẫn tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2014./.
Theo TTXVN
Clip nói về ông Masanobu Fukuoka tác giả cuốn sách "cách mạng một cọng rơm" - có phụ đề tiếng Việt. Caytieuvn xin giới thiệu để bạn đọc tìm hiểu
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com