Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

5/9/15

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh hồ tiêu xuất khẩu bị đối tác trả lại hàng, chủ yếu là tiêu thô chiếm 85%, nguyên nhân là chất lượng hạt tiêu không đảm bảo. Đặc biệt, từ đầu năm nay, thị trường châu Âu bắt đầu siết chặt các quy định về chất lượng hồ tiêu nhập khẩu. Vì vậy, việc tăng cường đầu tư chất lượng hạt tiêu được cả Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và nông dân trồng tiêu đề ra để đường đi của hạt tiêu dễ dàng hơn.

Thiếu kiểm định chặt chẽ

Hiện nay, không phải lô hàng hạt tiêu nào cũng được kiểm định chặt chẽ về chất lượng trước khi xuất khẩu. Sở dĩ có hiện tượng này là vì Việt Nam đang thiếu phòng kiểm định và trung tâm kiểm định tiêu sau thu hoạch của nông dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu Lâm Sang, tỉnh Đồng Nai, mặc dù hợp tác xã hướng dẫn nông dân phương pháp sản xuất tiêu sạch, an toàn, nhưng vẫn còn nhiều nông dân canh tác theo thói quen cũ. Vì vậy, khi thương lái thu mua hạt tiêu từ các nông hộ, họ không phân chia rạch ròi tiêu nguyên liệu của từng nông hộ. Đến khi sản phẩm đưa vào kiểm định thì cả khối lượng lớn hạt tiêu bị ảnh hưởng về chất lượng, trong khi chỉ có vài hộ thậm chí 1 hộ trồng không đạt chất lượng. Vì vậy, khi thiếu sự kiểm định riêng lẻ và chặt chẽ đã gây ảnh hưởng lớn đến hạt tiêu của nhiều người.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu bị trả hàng do không đạt được chất lượng theo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, mà chủ yếu là từ các thị trường “khó tính” như châu Âu và Nhật Bản. Nguyên nhân chính là do trong quá trình thu hoạch, nông dân đã sử dụng chất capendazim để bảo quản. Thậm chí nhiều nông dân còn trộn tiêu bẩn với tiêu sạch để bán cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Không những vậy, Việt Nam có phòng kiểm định chất lượng tiêu nguyên liệu, nhưng không thể kiểm định toàn bộ những chỉ tiêu mà nhà nhập khẩu yêu cầu. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), các thiết bị kiểm tra dư lượng hóa chất trong tiêu ở Việt Nam còn rất đơn giản, chỉ có thể kiểm tra 200 chỉ tiêu hóa chất. Trong khi đó, thiết bị kiểm tra của thế giới có thể kiểm tra 543 chỉ tiêu hóa chất trong tiêu nguyên liệu. Do đó, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường khó tính phải gửi mẫu xuất khẩu ra nước ngoài trước 2 tuần và chi phí kiểm định này rất cao.

Theo ông Hà Huy Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP XNK Petrolimex (Pitco), để xuất khẩu được hồ tiêu sang các thị trường khó tính, Công ty Pitco phải thuê chuyên gia nước ngoài về kiểm tra 80 chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật mà các đơn vị kiểm định hàng đầu trong nước không thể kiểm định được. Tuy nhiên, việc này tốn nhiều chi phí của công ty.

Cần kiểm định riêng lẻ từng sản phẩm

Trước vấn đề này, để hạt tiêu Việt Nam đạt chất lượng cao và xuất khẩu dễ dàng hơn, đặc biệt là tạo niềm tin vững chắc ở những thị trường “khó tính”, thì phải giải quyết từ gốc mới đến ngọn, chất lượng phải đảm bảo từ số lượng nhỏ, đơn lẻ mới đến số lượng lớn, từ nhiều nguồn.

Chính vì vậy, ông Đỗ Hà Nam đề xuất, nhà nước và doanh nghiệp cần phải đầu tư những trung tâm kiểm định chất lượng đúng với tiêu chí mà nhà nhập khẩu đề ra. So với chi phí gửi mẫu ra nước ngoài, thì việc đầu tư một trung tâm kiểm định chất lượng theo yêu cầu của thị trường “khó tính” tuy cao, nhưng có thể phục vụ tốt cho cùng lúc nhiều doanh nghiệp, đồng thời có thể rút ngắn thời gian kiểm định để chốt hàng xuất khẩu.

Không những vậy, ở mỗi vùng nguyên liệu đều cần trung tâm kiểm định này. Có như vậy mới giải quyết rạch ròi nguyên liệu của từng cá thể sản xuất tiêu trước khi trộn lẫn với nhau, tránh mất thời gian và tiền bạc sau này. Hơn nữa, tuy đầu tư hệ thống kiểm định chất lượng cao tốn kém, nhưng khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân tham gia, hàng hóa tốt có giá cao thì thời gian hoàn vốn sẽ ngắn lại - ông Nguyễn Ngọc Luân chia sẻ thêm.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, Bộ sẵn sàng trang bị cho các đơn vị kiểm định chất lượng và giao cho Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản thực hiện. Các doanh nghiệp có thể gửi mẫu đến các đơn vị kiểm định này để kiểm định hàng hóa trước khi xuất khẩu.

Theo tìm hiểu của phóng viên , để đầu tư một trung tâm kiểm định tiêu chuẩn quốc tế cần khoảng 2 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, không phải chỉ đầu tư là xong mà cần phải xây dựng được uy tín cho phòng kiểm định này. Các doanh nghiệp nhập khẩu thường không tin tưởng vào các đơn vị kiểm định trong nước và luôn chỉ định các phòng kiểm định nước ngoài. Vì vậy, nếu xây dựng phòng kiểm định thì trước mắt phòng kiểm định này phải tạo dựng được uy tín với các doanh nghiệp nước ngoài, tức hàng hóa sau khi phân tích tại phòng thí nghiệm này thì xuất khẩu được suôn sẻ . Nếu không thì phòng kiểm định có đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng sẽ bị bỏ không, gây lãng phí. Đây chính là vướng mắc lớn cần được doanh nghiệp và nông dân ngành tiêu ủng hộ để ngành tiêu phát triển bền vững hơn nữa - bà Nguyễn T hị Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhấn mạnh.

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho rằng, giá xuất khẩu hồ tiêu được đánh giá là mặt hàng có mức giá tăng tốt nhất trong 7 tháng qua, đạt mức tăng 28,6% mặc dù số lượng hạt tiêu xuất khẩu giảm 17,5%, vì vậy kim ngạch vẫn tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2014./.
Theo TTXVN
Categories:

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com