Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

17/9/15

2 năm trở lại đây, giá bán hạt tiêu trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) tăng cao, hiệu quả kinh tế từ cây hồ tiêu khá lớn, nên diện tích trồng hồ tiêu tăng nhanh.

Diện tích tăng nhanh

Tại xã Sơn Bình, hộ ông Phạm Hồng Tuyến (thôn Liên Hòa) trồng rất nhiều hồ tiêu. Đưa chúng tôi tham quan vườn hồ tiêu đã vươn lên xanh tốt, phủ trụ, ông Tuyến cho hay: “Gia đình tôi trồng hồ tiêu đã mấy năm nay. Hiện nay, trong vườn trồng 300 trụ hồ tiêu, có 40 trụ đã cho thu hoạch. Dự kiến, năm nay, gia đình sẽ thu hoạch được khoảng 500kg hạt tiêu khô. Giá bán hạt tiêu khô hiện rất cao, đại lý thu mua tận nhà với giá 220.000 đồng/kg. Hiệu quả cây hồ tiêu mang lại rất lớn nên gia đình tôi tiếp tục đầu tư trồng 300 trụ nữa”. Với giá hạt tiêu hiện nay, nếu so với các loại cây trồng khác như: cà phê, chôm chôm... thì trồng hồ tiêu lợi nhuận cao hơn hẳn. Vì vậy, ở địa phương này, nhiều hộ đang đầu tư trồng hồ tiêu.
Diện tích hồ tiêu ở Khánh Sơn đang tăng nhanh
Đến vườn hồ tiêu của gia đình ông Trần Văn Quốc (thôn Liên Hòa), nhìn khu vườn với hệ thống tưới, thoát nước, trụ hồ tiêu được đầu tư bài bản mới thấy được tâm huyết của người nông dân này với cây hồ tiêu. Ông Quốc cho biết: “Năm trước, gia đình tôi chỉ có khoảng 200 trụ hồ tiêu, cho thu hoạch được hơn 800kg hạt tiêu khô. Ngoài số trụ hồ tiêu đi vào khai thác, tôi còn có 1.800 trụ khác mới trồng 2 - 3 năm. Năm nay, gia đình sẽ có hơn 50% số trụ hồ tiêu cho thu hoạch. Hiện nay, tôi đang tiếp tục cải tạo vườn để trồng thêm...”. Theo tính toán của ông Quốc, 1ha có thể trồng được 2.500 trụ hồ tiêu, mỗi trụ thu ít nhất 3kg hạt tiêu khô. Với giá bán khoảng 220.000 đồng/kg như hiện nay, thu nhập từ 1ha hồ tiêu có thể lên đến tiền tỷ, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Anh Quang - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Sơn Bình nói: “Trước đây, khi giá hạt tiêu còn thấp, diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn xã rất ít, chủ yếu được trồng xen trong các vườn sầu riêng, cà phê. Giá hạt tiêu khô mấy năm nay tăng cao, năm 2013 chỉ 140.000 đồng/kg nay đã lên đến 220.000 đồng/kg. Chính giá trị kinh tế cây hồ tiêu mang lại rất lớn nên diện tích trồng hồ tiêu tăng nhanh. Năm 2013 chỉ có 6ha nhưng hiện nay đã có 19ha”.

Ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cũng cho biết: “Trước đây, ở Sơn Hiệp chỉ có một vài hộ đầu tư trồng hồ tiêu, diện tích chỉ khoảng 1ha. Hiện nay, diện tích hồ tiêu đã tăng thêm hơn 7ha...”.

Không phải dễ trồng
 

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khánh Sơn: Diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Khánh Sơn tăng nhanh trong 2 năm trở lại đây, hiện đã hơn 52ha. Khi trồng hồ tiêu, nông dân phải đối diện với không ít rủi ro; do đó, địa phương rất thận trọng trong việc phát triển loại cây này. Để phát triển cây hồ tiêu một cách bền vững, hiệu quả, cùng với việc tăng diện tích, địa phương chú trọng việc hướng dẫn kỹ thuật, quản lý dịch bệnh, đầu tư thâm canh, xây dựng các vùng chuyên canh... góp phần tăng năng suất, hiệu quả cây trồng, từng bước đưa cây hồ tiêu vào sản xuất hàng hóa.

Những người trồng hồ tiêu cho biết, hồ tiêu là cây dài ngày và đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, không dễ trồng, nhiều sâu bệnh. Để trồng 1ha hồ tiêu, nông dân phải đầu tư khoảng 600 triệu đồng (gồm: chi phí xây trụ, giống, phân bón...), thời gian chăm sóc hơn 3 năm mới cho thu hoạch. Nếu các hộ gom hết vốn liếng, phá bỏ những cây trồng khác để trồng hồ tiêu, khi cây bị bệnh, không kịp xử lý sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Một thực tế hiện nay ở Khánh Sơn, người dân thấy cây gì cho hiệu quả đều gom vốn đầu tư. Việc phát triển hồ tiêu ồ ạt mà chưa nắm vững kỹ thuật có thể sẽ khiến nông dân bị thiệt hại nặng. Năm 2014, ở xã Sơn Bình, đã có nhiều diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm do thối rễ, bị nấm... Ông Lê Anh Quang khẳng định: “Trường hợp cây hồ tiêu bị chết ở Sơn Bình trước đây là do người dân bón phân quá nhiều, không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc sau thu hoạch. Ngoài ra, việc tái canh tác trên diện tích hồ tiêu đã bị sâu bệnh mà không xử lý mầm bệnh cũng gây thiệt hại nặng”.

Hiện nay, lãnh đạo nhiều địa phương ở huyện Khánh Sơn đã khuyến cáo người dân cần tính toán kỹ, không nên ồ ạt đầu tư. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, ngành chức năng của huyện cũng cần hỗ trợ nông dân, quản lý ngay từ khâu chọn giống, xây dựng các mô hình tiên tiến, hướng dẫn kỹ thuật để chăm sóc hồ tiêu đạt hiệu quả.

HẢI LĂNG - GIANG ĐÌNH
Theo Báo Khánh Hòa Online
Categories:

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com