Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

24/3/14

Trồng tiêu không chỉ làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn, mà còn mở ra một hướng sản xuất bền vững.

Vụ thu hoạch tiêu năm nay, bà con nông dân huyện Chư Quynh, tỉnh Đăk Lăk rất phấn khởi vì tiêu được mùa, giá vẫn ở mức cao và khá ổn định. Với giá 124.000/kg như hiện nay, nhiều hộ trồng tiêu đã có nguồn thu hàng tỷ đồng.
Trồng tiêu đã giúp cuộc sống của bà con huyện Chư Quynh sung túc hơn. (Ảnh: KT)
Đây là năm thứ 3 liên tiếp, người trồng tiêu ở huyện Chư Quynh có được niềm vui được mùa, được giá. Ông Văn Ngọc Dũng, ở thôn 14, xã Ea Ning không dấu được niềm vui này, khi 1 ha tiêu của gia đình, với 1.100 gốc, đã cho sản lượng gần 5 tấn. Trừ chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng, thuê nhân công hái hết khoảng 20 triệu đồng, gia đình ông thu lãi gần 450 triệu đồng.  Nhờ cây tiêu được mùa, giá cao, gia đình ông Dũng đã xây được nhà, mua được ô tô.

Dọc trục đường nối các thôn của xã Ea Ning, rất nhiều căn nhà xây mới ẩn hiện trong vườn tiêu trĩu quả. Trên sân phơi trước nhà, phơi đầy tiêu chín, những hạt tiêu đen óng ánh trong nắng trưa.

Bà Lê Thị Hằng ở thôn 24 cho biết, gia đình hái gần xong vườn tiêu hơn 8 sào, đã thu chừng 3 tấn tiêu khô, năng suất 1 sào ước đạt 4 tạ rưỡi: “Năm nay được mùa hơn mấy năm trước, trái nhiều, giá thì 120.000-130.000/kg. Mỗi năm được 3-4 tấn thì tái đầu tư tiêu, rồi phát triển chăn nuôi.”

Năm 2007 diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Chư Quynh có khoảng 910 ha. Đến đầu năm nay, diện tích này đã tăng lên gần 1.800 ha, trong đó có hơn 1600 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt xấp xỉ 5.500 tấn tiêu khô.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chư Quynh, sự ổn định về diện tích, năng suất và chất lượng hồ tiêu vùng đất này đang là tiền đề vững chắc cho sự ra đời của thương hiêu “Tiêu Chư Quynh” mà chính quyền, ngành chức năng và người dân nơi đây mong đợi.

“Chúng tôi sẽ xây dựng thương hiệu hồ tiêu này nhằm quảng bá về hồ tiêu Chư Quynh, để khẳng định được sản lượng, chất lượng hồ tiêu Chư Quynh, giúp người nông dân tiêu thụ trên diện rộng, đồng thời là nguồn động viên khích lệ người trồng tiêu vừa sản xuất, vừa bảo tồn, bảo vệ diện tích, sản lượng ổn định trong phát triển kinh tế. Ý tưởng này chúng tôi đã được chấp nhận và chứng nhận trong năm 2014.”, ông Khôi chia sẻ.

Nhờ cây tiêu, thu nhập bình quân ở nhiều xã trong huyện Chư Quynh tăng nhanh; thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn và đang góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu nông thôn mới. Thương hiệu hồ tiêu riêng của huyện cũng đang được xây dựng từ gốc, bằng chính sự chăm chút của mỗi nông dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Hội nông dân xã Ea Ning, cho biết, hội nông dân thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh của cây tiêu trên địa bàn, đồng thời kịp thời hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, nhất là các vườn cây đang kinh doanh. Qua đó để nông dân vừa kết hợp kinh nghiệm của họ, vừa kết hợp khoa học kỹ thuật, có thể kéo dài tuổi thọ vườn cây, giảm bệnh, tránh tình trạng tiêu chết hàng loạt như ở các vùng../

Theo Thế Thắng/VOV - Tây Nguyên
Nhiều vườn tiêu ở xã Đác N’drót, huyện Đác Mil bị chết hàng loạt trơ trụ.
Tỉnh Đắc Nông hiện có hơn 8.300 ha tiêu, là tỉnh có diện tích cây tiêu lớn nhất Tây Nguyên hiện nay. Trong những năm qua, cây tiêu trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh, nhờ giá tiêu luôn ở mức cao nên đã giúp cho nhiều người trồng tiêu trở thành triệu phú, tỷ phú. Thế nhưng, từ cuối mùa mưa năm 2013, đặc biệt là sau Tết Giáp Ngọ đến nay, tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều vườn tiêu đang xanh tốt bỗng nhiên bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.

21/3/14

Hình minh hoạ
Giá tiêu thương phẩm đầu vụ đang tăng cao kỷ lục, đạt mức 170.000 đ/kg, tăng 60.000 đ/kg so với cùng kỳ năm trước.

CôngThương - Ông Nguyễn Minh Trực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay nông dân trong huyện thắng lớn nhờ giá tiêu thương phẩm đầu vụ tăng cao kỷ lục, đạt mức 170.000 đ/kg (tiêu thu hoạch nguyên chùm, nông dân gọi là tiêu cội), tăng 60.000 đ/kg so với cùng kỳ năm trước.

Hiện giá tiêu đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, 132.000 – 140.000 đ/kg. Riêng tiêu chín thu hoạch lựa giá 205.000 đ/kg, tiêu chín thu hoạch nguyên chùm 160.000 đ/kg. Hiện nay, toàn huyện Phú Quốc có 427 ha hồ tiêu đang cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở xã Cửa Dương và Cửa Cạn, trong đó có 4 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Năng suất hồ tiêu Phú Quốc bình quân đạt 3-4 tấn/ha, cá biệt có những hộ chăm sóc tốt đạt 6-7 tấn/ha. Với giá như hiện nay, nông dân trồng tiêu ở Phú Quốc có thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí đầu tư.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

20/3/14

(GLO)- Đến thời điểm này, người dân trồng tiêu trên địa bàn huyện Chư Pưh đã tiến hành thu hoạch được hơn 70% tổng diện tích tiêu trên toàn huyện. Tuy nhiên, niên vụ hồ tiêu năm nay, tiếp tục là một năm buồn đối với người dân trồng tiêu trên địa bàn huyện, bởi sản lượng tiêu năm nay đều giảm mạnh so với năm trước.

Chư Pưh là một trong 2 huyện có diện tích trồng tiêu và sản lượng tiêu lớn nhất tỉnh. Tổng diện tích cây tiêu trên địa bàn 2.567 ha, trong đó, diện tích tiêu kinh doanh khoảng 2.200 ha, với tổng sản lượng hàng năm dao động từ 7.000 tấn đến 9.000 tấn.
Ảnh Quang Tấn
Tưởng chừng tình trạng mất mùa của niên vụ trước sẽ không lặp lại đối với vườn tiêu của mình trong niên vụ này, nhưng thực tế năng suất, sản lượng tiêu trong năm nay của gia đình chị Trần Thị Hoài (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) lại tiếp tục giảm mạnh hơn. Chị Hoài buồn bã cho biết: “Năm trước mặc dù mất mùa nhưng 3.000 trụ tiêu của gia đình tôi cũng thu hoạch được hơn 6 tấn, nhưng năm nay chắc chỉ thu được khoảng 3 tấn mà thôi, giảm tới gần một nửa”. Nguyên nhân chính dẫn đến việc sản lượng tiêu của gia đình chị Hoài giảm mạnh là do gần 1.000 trụ tiêu bị chết bởi bệnh chết nhanh chết chậm, cùng với đó là diện tích tiêu đã cho thu hoạch trên 10 năm nên cây tiêu bị suy kiệt.
Trồng tiêu trên trụ sống là mô hình kinh tế được một số bà con nông dân trong xã đang áp dụng. Qua thực tế sản xuất, mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Đây cũng là một trong những giải pháp canh tác hồ tiêu theo hướng an toàn sinh học, hạn chế sâu bệnh hại, bảo vệ môi trường và an toàn cho người trồng tiêu.

Mô hình trồng hồ tiêu xen canh trong vườn cà phê của hộ anh Phạm Đức Quân xã Đức Mạnh huyện ĐăkMil tỉnh ĐăkNông
Trong những năm gần đây, hồ tiêu là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, được thị trường trong nước và quốc tế tiêu thụ khá mạnh nên người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Đăk Nông nói chung và xã Nam Dong, huyện Cư Jút nói riêng đã giàu lên nhanh chóng nhờ trồng tiêu. Tổng diện tích trồng hồ tiêu của xã là 419 ha, chiếm 32% tổng diện tích trồng cây lâu năm của toàn xã. Có thể nói, tiêu là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như khí hậu, thổ nhưỡng. Việc phát triển các mô hình trồng tiêu bền vững đang được chính quyền các xã Nam Dong và người dân trên địa bàn chú trọng, với mục tiêu hướng đến phát triển loại cây trồng này một cách ổn định, bền vững.

(VietQ.vn) - Chỉ mới phát triển khoảng 10 năm nay nhưng đến nay, Đăk Song đã trở thành vùng sản xuất hồ tiêu lớn nhất nhì của tỉnh Đăk Nông cả về diện tích và sản lượng.

Huyện Đăk Song (tỉnh Đăk Nông), vùng trồng hồ tiêu mới nổi ở Tây Nguyên, đã bắt tay vào xúc tiến xây dựng thương hiệu hồ tiêu Đăk Song với mong muốn làm tăng thêm chuỗi giá trị cho cây tiêu tại đây.

2014 sẽ hoàn thành các thủ tục cơ bản để đăng ký logo cho thương hiệu hồ tiêu Đăk Song.
Với mức giá hồ tiêu từ 120.000- 140.000 đồng/kg nên nhiều hộ dân ở Đăk Song đã giàu lên nhờ cây tiêu. Vùng đất Đăk Song được đánh giá là phù hợp với cây hồ tiêu nên năng suất cao, hạt lớn và có mùi thơm đặc trưng.
Từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 3/2014, Hiệp hội đã tổ chức đoàn Doanh nghiệp đi tham quan khảo vụ tiêu 2014 tại các tỉnh Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai (trước tết đã khảo sát ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) nhằm nắm kết quả sản xuất, thu hoạch, dự báo năng suất, sản lượng, góp phần các doanh nghiệp có kế hoạch định hướng mua bán, xuất khẩu sao cho đạt hiệu quả..

Thành viên đoàn doanh nghiệp khảo sát của VPA
Tham gia đoàn khảo sát có 13 thành viên đến từ các đơn vị Hội viên: VPĐD Catz International, Cty  KSS Việt Nam, Cty Unispice, Cty CP Tập đoàn Intimex, Cty Intimex BD, Cty TNHH B&F, Cty CP Cà phê Petec, Cty CP Visimex, Cty TNHH Hồ tiêu Việt, Cty TNHH CBTP BB Thanh Thủy và Văn phòng VPA. Tham gia doàn khảo sát còn có cán bộ chuyên môn của huyện, xã, thôn (ấp) ở các địa phương, đã cung cấp thông tin và hướng dẫn đoàn tới từng hộ trồng tiêu.

Tiêu đang xanh tốt, tự nhiên vàng lá rũ xuống rồi chết hàng loạt, khiến hàng trăm hộ trồng tiêu ở xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) đứng ngồi không yên. Bao nhiêu tiền của, công sức đầu tư nay đứng nhìn cây tiêu chết dần vì bệnh lạ.

BỆNH LẠ TRÀN LAN

Gần đây, ở xã Đắk Ơ những vườn tiêu xanh tốt đã ngả màu vàng, nhiều cây chết trụi trơ lại nọc. Ông Nguyễn Văn Minh ở thôn ĐắK Min cho biết, vườn tiêu của ông mới trồng được hơn một năm, thời gian đầu cây phát triển rất nhanh. Cách đây hơn nửa tháng, gần 200 trong tổng số 500 nọc tiêu của gia đình ông lá chuyển từ màu xanh qua màu vàng và lan rất nhanh sang những cây bên cạnh. Ông Minh đã sử dụng nhiều loại thuốc để trị bệnh cho tiêu vẫn không hiệu quả. “Cả gia đình đang ngồi trên đống lửa, lục tìm hết tài liệu, hỏi khắp nơi nhưng không ai biết cây bệnh gì và cây tiêu cứ chết lan ra cả vườn. Hiện tôi đang mua thuốc xử lý những cây vàng lá với hy vọng mong manh. Nếu không cứu được, phải cắt bỏ hết những dây tiêu bị bệnh để tránh lây sang cây khác.
Ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Đắk Min thẫn thờ vì vườn tiêu gần 2 năm tuổi đang chết dần

18/3/14

Từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm là thời gian thu hoạch chính vụ hồ tiêu tại Việt Nam nên lúc này các nhà nhập khẩu thường tìm mọi cách ép giá, đưa ra nhiều quy định rào cản về chất lượng nhằm đạt được mục đích mua số lượng lớn với giá rẻ. Vì thế, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) khuyến cáo trong thời gian này người trồng tiêu nên tránh bán lượng lớn hồ tiêu ra thị trường để khỏi bị thua thiệt sau này.

Theo VFA, do tác động của các nhà xuất nhập khẩu trong và ngoài nước nên giá tiêu đã giảm từ 160.000-170.000 đồng/kg vào thời điểm cuối năm 2013 xuống còn trên 120.000 đồng/kg như hiện nay.

Trong khi đó giá tiêu tại thị trường Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… và các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu đầu năm 2014 vẫn ở đứng ở mức cao là 8.000 đô la Mỹ/tấn (tiêu đen) và trên 10.000 đô la Mỹ/tấn (tiêu trắng).

Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về sản lượng lẫn xuất khẩu hồ tiêu. Năm 2013, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm 30% tổng sản lượng thế giới còn thị phần xuất khẩu chiếm 50%. Vì thế, theo VPA,Việt Nam có thế mạnh về điều tiết giá tiêu trên thị trường để bán được với giá cao.

14/3/14

Thu hoạch tiêu tại huyện Long Khánh, Đồng Nai. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Theo tính toán của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2014, sản lượng hồ tiêu của cả nước sẽ đạt khoảng 120.000-125.000 tấn, tương đương vụ năm 2013.

Tỉnh Đồng Nai ước đạt khoảng 2.500 tấn, tăng 20%; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt khoảng 3.500 tấn, ước tăng 30%; Bình Phước đạt 5.000 tấn, giảm 20%; Đắk Nông đạt 3.500 tấn, tăng 25%; Đắk Lắk đạt 800 tấn, tăng 5%; Gia Lai đạt 8.000 tấn, giảm 30% với so vụ 2013.

Đến nay, tỉnh Bình Phước đã thu hoạch được 3/4 diện tích, các tỉnh Tây Nguyên cũng thu hoạch 1/3 diện tích, phần lớn các hộ trồng tiêu có sản lượng ít thì thu tới đâu bán tới đó để thanh toán tiền thuê công và nợ vay ngân hàng.

Số hộ có khả năng tài chính thì bán cầm chừng theo yêu cầu tái sản xuất và sinh hoạt gia đình. Giá bán trung bình từ đầu vụ thu hoạch đến nay khá ổn định ở mức 120.000 đồng/kg tiêu đen (dung trọng 500 g/lít, độ ẩm 15, tạp chất 1%).

Theo VPA, tiến độ thu hoạch, tiêu thụ và giá mua bán trong nước diễn biến từ đầu vụ tới nay tương đương cùng kỳ năm 2013 và giá đang có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, qua khảo sát tại các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, hầu hết các vườn tiêu đã khai thác 7-10 năm, đến nay đã già cỗi, năng suất giảm mạnh, dự báo năm tới sẽ giảm mạnh hơn.

Riêng tại tỉnh Gia Lai xuất hiện trên diện rộng bệnh tiêu chết nhanh, chết chậm, tiêu bị nhiễm tuyến trùng không phát triển kể cả tiêu mới trồng và dự đoán 2-3 năm tới có nguy cơ hàng trăm hécta tiêu có thể bị xóa sổ.

Trong khi đó, ở những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, người trồng tiêu có kinh nghiệm, có tiềm năng đầu tư ở những nơi đó diện tích tiêu trồng mới tăng và cây tiêu khá tốt như Đắk Lắk, Đắk Nông.

Để thực hiện sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu an toàn theo hướng hữu cơ bền vững, nông dân trồng tiêu và chính quyền địa phương một số nơi đã liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu về địa phương mua tiêu trực tiếp của nông hộ, như Nedspeci gắn kết với Lộc Ninh-Bình Phước, Unispice gắn kết với Xuân Lộc-Đồng Nai./.

Theo LIÊN PHƯƠNG/TTXVN
Đồng Nai hiện có diện tích trồng tiêu đứng thứ ba trong cả nước với gần 8.000ha. Trong đó có khoảng 7.300ha đang trong thời kỳ thu hoạch, với tổng sản lượng trên 15.000 tấn/năm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện nay mặc dù chưa bước vào mùa thu hoạch chính của vụ hồ tiêu nhưng một số hộ có vườn tiêu thu hoạch sớm tỏ ra rất phấn khởi vì giá hồ tiêu ở thời điểm này tăng khá cao.
Hiện giá tiêu bán ra vào khoảng 160.000 đồng/kg, tăng hơn cùng thời điểm này năm ngoái là 30.000 đồng/kg.

Đồng Nai hiện có diện tích trồng tiêu đứng thứ ba trong cả nước với gần 8.000ha. Trong đó có khoảng 7.300ha đang trong thời kỳ thu hoạch, với tổng sản lượng trên 15.000 tấn/năm.

Diện tích tiêu được trồng tập trung nhiều ở các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc và Trảng Bom. Diện tích cây tiêu thời gian qua tăng nhanh là do 2 năm trở lại đây giá hạt tiêu luôn ở mức cao, nhiều nhà vườn chuyển đổi diện tích sang trồng tiêu. Cây tiêu hiện là một trong sáu loại cây trồng chủ lực của Đồng Nai

Theo chủ trương của tỉnh, những diện tích trồng mới, thâm canh sẽ được hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Đồng Nai cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng Global GAP trên cây tiêu. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đang phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Nam triển khai đề tài “Sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn Global GAP.” Đây cũng là “giấy thông hành” để các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap dễ dàng thâm nhập những thị trường khó tính như EU, Nhật, Mỹ… với giá cao.

Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm này, xuất khẩu hạt tiêu đen trên địa bàn tỉnh đạt trên 5.500 tấn, tăng trên 500 tấn so với cùng kỳ năm 2012. Ngoài sản lượng xuất khẩu tăng, giá tiêu cũng tương đối ổn định, ở mức trên 6.500 USD/tấn và là mặt hàng nông sản xuất khẩu hiếm hoi giữ được giá cao và tăng sản lượng xuất khẩu.

Theo Vietnam+

8/3/14

Kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu tháng đầu năm 2014 tăng mạnh trở lại, sau 3 tháng sụt giảm liên tiếp; tháng 1 xuất khẩu 10.233 tấn hạt tiêu, đạt 68,81 triệu USD, tăng mạnh 113,8% về lượng và 105,82% về kim ngạch so với tháng cuối năm 2013. (so với cùng kỳ năm 2013, lượng xuất khẩu giảm 14,1%, trị giá giảm 12,6%). Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 1 đạt 6.551 USD/tấn, tiêu trắng đạt 9.386 USD/tấn.

Trong số 25 thị trường chủ yếu tiêu thụ hạt tiêu của Việt Nam thì Singapore là thị trường đứng đầu về kim ngạch, với 17,71 triệu USD trong tháng đầu năm, chiếm 25,74% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này; đứng thứ 2 về kim ngạch là thị trường Hoa Kỳ với 9,67 triệu USD, chiếm 14,06%; tiếp sau đó là thị trường Ấn Độ 4,86 triệu USD, chiếm 7,06%; Hà Lan 3,29 triệu USD; Hàn Quốc 2,42 triệu USD.

Xét về mức độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, tháng đầu năm nay xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương về kim ngạch so với tháng cuối năm 2013; trong đó có rất nhiều thị trường đạt mức tăng trên 100% về kim ngạch. Đáng chú ý nhất là xuất khẩu sang Ai Cập, mặc dù kim ngạch chỉ đạt 1,15 triệu USD, nhưng so với T12/2013 thì tăng tới 987%; bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường Ucraina cũng tăng tới 849%, đạt 0,72 triệu USD; Italia tăng 599%, đạt 0,82 triệu USD; Nga tăng 474,4%, đạt 1,43 triệu USD; Malaysia tăng 347,5%, đạt 0,74 triệu USD.

Thị trường xuất khẩu hạt tiêu tháng 1/2014. ĐVT: USD

Thị trường
T1/2014
T12/2013
T1/2014 so với T12/2013(%)
Tổng kim ngạch
68.813.184
33.433.671
+105,82
Singapore
17.712.961
7.895.153
+124,35
Hoa Kỳ
9.672.164
5.907.569
+63,72
Ấn Độ
4.858.698
1.717.842
+182,84
Hà Lan
3.290.853
1.297.422
+153,65
Hàn Quốc
2.420.214
1.851.459
+30,72
Nhật Bản
2.279.303
1.316.453
+73,14
Anh
2.128.033
1.664.478
+27,85
Pakistan
1.452.797
778.081
+86,72
Nga
1.433.994
249.650
+474,40
Pháp
1.402.729
429.877
+226,31
Tây Ban Nha
1.221.226
303.173
+302,81
Ai Cập
1.151.820
105.975
+986,88
Đức
1.141.782
802.079
+42,35
Philippines
1.058.851
358.834
+195,08
Thái Lan
1.037.840
693.086
+49,74
Australia
852.550
528.562
+61,30
Canada
846.686
616.749
+37,28
Thổ Nhĩ Kỳ
830.321
0
*
Italia
818.188
117.000
+599,31
Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất
808.223
1.586.550
-49,06
Ba Lan
745.095
337.680
+120,65
Malaysia
739.882
165.337
+347,50
Ucraina
723.064
76.200
+848,90
Nam Phi
606.582
849.419
-28,59
Bỉ
285.000
185.138
+53,94
Giá hạt tiêu trong nước liên tục giảm: Nếu những ngày cuối năm 2013, giá tiêu trong nước còn ở mức 170.000 – 180.000 đồng/kg tùy nơi, thì từ những ngày cận Tết đến nay, khi nông dân bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, giá tiêu đã giảm mạnh 50.000 – 60.000 đồng/kg.

Tại Đồng Nai, ngày 13/2 giá tiêu đen khô, tiêu xô đạt quy chuẩn xuất khẩu chỉ còn 120.000 đồng/kg, giảm 60.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, giá tiêu từ khoảng một tháng nay liên tục giảm, hiện chỉ còn 120.000 đồng/kg.

Các chuyên gia cho rằng: Giá trong nước giảm, trong khi giá thế giới không giảm, giá tiêu Ấn Độ còn tăng 5%. Điều này chắc chắn do thương nhân nước ngoài thấy Việt Nam đang vào vụ thu hoạch nên ép giá. Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết năm nay hồ tiêu của vùng Tây Nguyên không những mất mùa do thời tiết, dịch bệnh mà còn bị ép giá còn có 116.000 – 118.000 đồng/kg. Chính vì thế, Hiệp hội cũng đang vận động bà con bán ra ít, cần tiền đến đâu thì bán đến đó chứ không bán đổ bán tháo, trữ lại để vực giá lên.

Thủy Chung
Nguồn: Vinanet/Hải quan
Đến thăm vườn tiêu của anh Thanh, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy tất cả các cây trong vườn đều kết trái từ gần sát gốc lên đến tận ngọn...

Nhờ trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đúng cách và sử dụng hợp lý các loại phân bón, vườn tiêu 8.000m2 của anh Trần Thái Thanh (SN 1972), ở ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) trong niên vụ 2014 này, ước thu khoảng 4 tấn hạt tiêu khô, đem về lợi nhuận 400 triệu đồng.
Vườn tiêu của anh Thanh.
Không giấu nghề, ông Thanh cho biết: “7 năm trước, gia đình tôi mua giống tiêu về xuống hết trên diện tích đất vườn 8.000m2. Còn chăm sóc thì theo hiểu biết và thói quen, thấy cây tiêu lá chớm vàng thì ra chợ mua phân hóa học về bón. Kết quả, khi đến vụ thu hoạch, sản lượng không như mong muốn.

Trong khi đó, tiêu ngày càng cằn cỗi, phát triển kém… Đầu mùa mưa năm 2011, trong một lần đi thăm người quen ở huyện Cẩm Mỹ, tôi thấy vườn tiêu của anh bạn trái kết đều, cây xanh tốt. Đưa tay xuống vốc thử một nắm đất ở gốc tiêu, thấy tơi xốp lạ… Hỏi ra, sản lượng thu hoạch hàng năm của vườn tiêu nhà anh gấp đến mấy lần tiêu nhà mình. Nghe anh hướng dẫn, tôi ghi chép tỉ mỉ ra giấy rồi về áp dụng theo”- anh Thanh kể.

Theo anh Thanh, không cần phải mất nhiều tiền mua phân nhập ngoại mà chỉ cần bón đúng thời điểm trời bắt đầu vào mùa mưa bằng các loại phân hữu cơ sản xuất trong nước.

Anh Thanh cho biết, vụ tiêu năm 2012, vườn tiêu của anh thu được 2 tấn, vụ năm 2013 thu 3 tấn. Vụ năm 2014 này, hiện đang thời điểm tiêu chín rộ, gia đình anh đang thu hái. Anh Thanh ước tính, sản lượng tiêu năm nay trên 4 tấn. Với thời giá như hiện nay, trừ hết chi phí, gia đình anh lãi ròng hơn 400 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Luyến-Chủ tịch Hội nông dân xã Thanh Bình cho biết: Vườn tiêu của gia đình anh Thanh 3 năm nay không hề bị sâu bệnh và đạt năng suất cao nhất so với các hộ khác cùng trồng tiêu tại xã Thanh Bình. Mới đây, Phòng Kinh tế, Hội nông dân huyện Trảng Bom đã tổ chức tham quan, hội thảo mô hình trồng tiêu, bón phân, chăm sóc đúng phương pháp tại vườn tiêu của anh Thanh để người trồng tiêu đến học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.

Theo Cao Thuyên
Dân Việt

7/3/14

Nhiều hộ nông dân trồng hồ tiêu ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, chưa có vụ tiêu nào mà người nông dân lại được mùa, trúng giá như năm nay.
Ông Nguyễn Đình Long, ấp Xuân Hòa, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức
 phấn khởi với mùa tiêu trúng lớn. Ảnh: báo bà Rịa-Vũng Tàu
Gia đình anh Vũ Văn Vinh ở ấp Nhân Đức, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, có 1 ha trồng tiêu đã thu hoạch về hơn 3 tấn tiêu. Với giá bán hiện nay là 135.000 đồng/kg, anh Vinh thu về khoảng hơn 400 triệu đồng và sau khi trừ chi phí anh còn lãi được khoảng hơn 300 triệu đồng.

Gia đình ông Vũ Văn Tạc cũng ngụ xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc chỉ có 3 sào trồng tiêu và cũng thu về được khoảng 1 tấn tiêu với giá bán 135.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí ông cũng còn lãi được khoảng 100 triệu đồng. Ông Tạc cho biết: những năm trước vườn tiêu của gia đình ông chỉ cho thu nhiều nhất từ 2-3 tạ nhưng năm nay do được Hội Nông dân xã tập huấn hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc cây tiêu nên năm nay vườn tiêu nhà ông được mùa. Nhưng vui nhất là năm nay giá tiêu lại lên cao khiến bà con trồng tiêu rất phấn khởi.

Ngoài các hộ nông dân ở huyện Xuyên Mộc, nông dân ở huyện Châu Đức cũng là một địa phương trồng tiêu nhiều của tỉnh đang có chung niềm vui khi tiêu được mùa, trúng giá như năm nay. Có những vườn tiêu ở đây do được chăm sóc tốt, áp dụng đúng kỹ thuật đã cho năng suất lên đến 5 tấn/ha.

Trước thông tin tiêu trúng mùa, được giá hiện nay đã có một số hộ nông dân trong tỉnh rục rịch chặt điều, cao su chuyển qua trồng tiêu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khuyến cáo nông dân không nên vì lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt chuyển qua trồng cây tiêu mà nên chú trọng vào kỹ thuật chăm sóc cây tiêu để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm hạt tiêu trong thời gian tới./.

Theo Hoàng Nhị/TTXVN
Hiện nay, huyện Chư Sê và Chư Pưh đang là cao điểm thu hoạch hồ tiêu. Do giá loại nông sản này khá cao nên từ đầu mùa vụ đến nay đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp khiến người dân ở đây luôn canh cánh nỗi lo bị mất trộm. Từ ngày 17-2 đến nay, Công an hai huyện Chư Sê, Chư Pưh đã bắt 4 nhóm đối tượng trộm cắp hồ tiêu, thu hồi tài sản trị giá hàng chục triệu đồng trả lại cho người bị hại.

Đầu tháng 3-2014, chúng tôi gặp các đối tượng trộm tiêu đang bị tạm giữ tại Công an huyện Chư Sê. Tất cả đều ở tuổi thanh-thiếu niên nhưng bỏ học, tụ tập lêu lổng, có tiền án, tiền sự về tội trộm cắp và cướp tài sản. Lợi dụng sơ hở của người dân trong việc trông coi tài sản, nhất là lúc phơi tiêu ở  vườn hoặc trước sân nhà để đột nhập trộm cắp vào các buổi trưa hoặc ban đêm.
Các đối tượng trộm cắp bị bắt giữ tại Công an huyện Chư Sê. Ảnh: Thúy Trinh
Đối tượng Nguyễn Khắc Bính (SN 1997, trú tại thôn An Lộc, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) khai nhận: Để có tiền ăn chơi, Bính đã 6 lần trộm cắp hồ tiêu, trong đó có 3 lần trộm ở chính nhà mình. Đêm 20-2, Bính cùng Lưu Xuân Hạnh (SN 1996, trú tại thôn Đoàn Kết, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) đột nhập vào nhà ông Lã Ngọc Lưu (SN 1952, trú tại tổ 12, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) trộm cắp 2 bao tiêu khô tổng trọng lượng khoảng 31 kg, trị giá gần 3 triệu đồng. Chỉ vài ngày sau đó, các đối tượng đã bị Công an huyện điều tra, bắt giữ, thu tang vật gồm 1 xe máy, 2 điện thoại di động, 1.850.000 đồng (đối tượng khai là số tiền bán tiêu trộm cắp của nhà ông Lưu). Còn Đinh Duy Hiếu (SN 1995, trú tại tổ 3, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê)-một đối tượng trong nhóm trộm hồ tiêu khác vừa bị Công an huyện Chư Sê bắt giữ khai: Vào các buổi trưa, Hiếu cùng đồng bọn đi xe máy lượn lờ quanh các xã, thấy nhà nào phơi tiêu không có người trông thì vào hốt tiêu bỏ trốn. Vào 12 giờ ngày 17-2, Hiếu cùng Phạm Ngọc Thuận, Võ Nhật Mỹ (cùng SN 1995, trú tại tổ 1, thị trấn Chư Sê) định trộm tiêu ở nhà một người dân ở xã Al Bá, huyện Chư Sê thì bị tổ tuần tra của Công an huyện và Công an xã phát hiện, bắt giữ. Hiếu có một tiền án cướp giật tài sản với mức án phạt 4 năm tù. Còn Thuận vừa ra tù tháng 11-2013 sau khi chấp hành án phạt tù 2 năm về tội cướp tài sản.

Điều đáng lưu ý là hầu hết các nhóm trộm cắp đều mang theo hung khí và sẵn sàng chống trả nếu bị phát hiện. Qua tuần tra địa bàn, ngày 22-2, Công an xã Ia Hla, huyện Chư Pưh đã bắt giữ 3 thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số là Rmah Klêu (SN 1993), Rah Lan Ngút (SN 1988), Rmah Khút (SN 2000, cùng trú ở làng Hra, xã Ia Hla) khi chúng đang đem 2 bao tiêu hạt khoảng 90 kg trộm cắp ở xã Ia Ga, huyện Chư Prông đi tiêu thụ. Trong số tang vật có một dao tự chế dài khoảng 80 cm, lưỡi dao dài 34 cm, độ sát thương khá cao.

Ở làng Khô Roa (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh), chúng tôi gặp chị Kpuih H’Soan-một trong các nạn nhân của những vụ trộm tiêu liều lĩnh, táo tợn, có hung khí. Chị H’Soan phơi khoảng 40 kg tiêu hạt (trị giá gần 5 triệu đồng) ở trước nhà. Khi đi gọi con cách đó chừng 100 mét trở về thì kẻ trộm đã vào sân gom luôn cả bạt tiêu của chị bỏ lên xe máy. Trước khi chạy trốn, chúng còn dùng dao hăm dọa những đứa trẻ đang chơi gần đó vì đã trông thấy hành vi trộm cắp. Chị nghẹn ngào tâm sự: “Nhà mình nghèo, chồng mình bỏ theo người khác rồi, một mình mình nuôi 6 đứa con nhỏ. Công chăm sóc cả năm mới được chừng ấy tiêu thì bị trộm lấy hết, mình buồn và tức lắm. Mong Công an sớm tìm ra kẻ trộm, tìm lại tài sản cho mình”.  

Một trong những nguyên nhân khiến nạn trộm tiêu diễn ra phức tạp là do không ít thương lái, chủ cửa hàng, đại lý vì ham rẻ nên vẫn thu mua hồ tiêu của các đối tượng trộm cắp để kiếm lời. Mới đây, Công an huyện Chư Pưh đã điều tra, khởi tố đối tượng Nguyễn Quang Huy (SN 1988), chủ một tiệm tạp hóa ở thôn Tong Yong, xã Ia Hrú, Chư Pưh về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Huy khai nhận: “Khoảng 1 giờ đêm hôm đó, tôi đang ngủ thì một nhóm thanh niên người dân tộc thiểu số đến gõ cửa. Mỗi người cầm một túi tiêu nhỏ hỏi bán. Tôi thấy rẻ nên mua tất cả chỗ tiêu đó với giá 1,5 triệu đồng. Tôi khuyên mọi người trước khi mua gì cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, đừng mắc sai lầm, phạm tội như tôi”.

Một nguyên nhân khác là mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhiều lần nhưng một số người dân còn chủ quan, sơ hở trong việc giữ gìn tài sản. Một số người phơi tiêu trong vườn hoặc để nông sản trước sân nhà không làm hàng rào, không có người trông coi nên kẻ gian dễ dàng đột nhập trộm cắp. Ngoài các vụ trộm đột nhập, có hung khí thì tình trạng mất trộm tiêu chủ yếu vẫn do các đối tượng trộm cắp vặt gây ra. Thủ phạm đa số là thanh-thiếu niên hư hỏng, nghiện game online, trộm cắp tiêu của gia đình, người thân, hàng xóm bán lấy tiền đến quán internet. Vì chỉ ở mức nhỏ lẻ nên hầu hết người dân khi bị mất trộm đều không báo cho lực lượng Công an. Do đó, việc điều tra loại tội phạm này gặp không ít khó khăn. Thiết nghĩ, bên cạnh việc cung cấp thông tin kịp thời để lực lượng Công an nhanh chóng điều tra, xử lý thì người dân nên tham gia vào các tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự. Đây được xem là cách làm hiệu quả để các hộ gia đình cùng thôn xóm hỗ trợ, giúp đỡ nhau phòng-chống loại tội phạm này.
Theo  Thuý Trinh
Báo Gia Lai
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com