Đầu tháng 3-2014, chúng tôi gặp các đối tượng trộm tiêu đang bị tạm giữ tại Công an huyện Chư Sê. Tất cả đều ở tuổi thanh-thiếu niên nhưng bỏ học, tụ tập lêu lổng, có tiền án, tiền sự về tội trộm cắp và cướp tài sản. Lợi dụng sơ hở của người dân trong việc trông coi tài sản, nhất là lúc phơi tiêu ở vườn hoặc trước sân nhà để đột nhập trộm cắp vào các buổi trưa hoặc ban đêm.
Các đối tượng trộm cắp bị bắt giữ tại Công an huyện Chư Sê. Ảnh: Thúy Trinh |
Điều đáng lưu ý là hầu hết các nhóm trộm cắp đều mang theo hung khí và sẵn sàng chống trả nếu bị phát hiện. Qua tuần tra địa bàn, ngày 22-2, Công an xã Ia Hla, huyện Chư Pưh đã bắt giữ 3 thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số là Rmah Klêu (SN 1993), Rah Lan Ngút (SN 1988), Rmah Khút (SN 2000, cùng trú ở làng Hra, xã Ia Hla) khi chúng đang đem 2 bao tiêu hạt khoảng 90 kg trộm cắp ở xã Ia Ga, huyện Chư Prông đi tiêu thụ. Trong số tang vật có một dao tự chế dài khoảng 80 cm, lưỡi dao dài 34 cm, độ sát thương khá cao.
Ở làng Khô Roa (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh), chúng tôi gặp chị Kpuih H’Soan-một trong các nạn nhân của những vụ trộm tiêu liều lĩnh, táo tợn, có hung khí. Chị H’Soan phơi khoảng 40 kg tiêu hạt (trị giá gần 5 triệu đồng) ở trước nhà. Khi đi gọi con cách đó chừng 100 mét trở về thì kẻ trộm đã vào sân gom luôn cả bạt tiêu của chị bỏ lên xe máy. Trước khi chạy trốn, chúng còn dùng dao hăm dọa những đứa trẻ đang chơi gần đó vì đã trông thấy hành vi trộm cắp. Chị nghẹn ngào tâm sự: “Nhà mình nghèo, chồng mình bỏ theo người khác rồi, một mình mình nuôi 6 đứa con nhỏ. Công chăm sóc cả năm mới được chừng ấy tiêu thì bị trộm lấy hết, mình buồn và tức lắm. Mong Công an sớm tìm ra kẻ trộm, tìm lại tài sản cho mình”.
Một trong những nguyên nhân khiến nạn trộm tiêu diễn ra phức tạp là do không ít thương lái, chủ cửa hàng, đại lý vì ham rẻ nên vẫn thu mua hồ tiêu của các đối tượng trộm cắp để kiếm lời. Mới đây, Công an huyện Chư Pưh đã điều tra, khởi tố đối tượng Nguyễn Quang Huy (SN 1988), chủ một tiệm tạp hóa ở thôn Tong Yong, xã Ia Hrú, Chư Pưh về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Huy khai nhận: “Khoảng 1 giờ đêm hôm đó, tôi đang ngủ thì một nhóm thanh niên người dân tộc thiểu số đến gõ cửa. Mỗi người cầm một túi tiêu nhỏ hỏi bán. Tôi thấy rẻ nên mua tất cả chỗ tiêu đó với giá 1,5 triệu đồng. Tôi khuyên mọi người trước khi mua gì cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, đừng mắc sai lầm, phạm tội như tôi”.
Một nguyên nhân khác là mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhiều lần nhưng một số người dân còn chủ quan, sơ hở trong việc giữ gìn tài sản. Một số người phơi tiêu trong vườn hoặc để nông sản trước sân nhà không làm hàng rào, không có người trông coi nên kẻ gian dễ dàng đột nhập trộm cắp. Ngoài các vụ trộm đột nhập, có hung khí thì tình trạng mất trộm tiêu chủ yếu vẫn do các đối tượng trộm cắp vặt gây ra. Thủ phạm đa số là thanh-thiếu niên hư hỏng, nghiện game online, trộm cắp tiêu của gia đình, người thân, hàng xóm bán lấy tiền đến quán internet. Vì chỉ ở mức nhỏ lẻ nên hầu hết người dân khi bị mất trộm đều không báo cho lực lượng Công an. Do đó, việc điều tra loại tội phạm này gặp không ít khó khăn. Thiết nghĩ, bên cạnh việc cung cấp thông tin kịp thời để lực lượng Công an nhanh chóng điều tra, xử lý thì người dân nên tham gia vào các tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự. Đây được xem là cách làm hiệu quả để các hộ gia đình cùng thôn xóm hỗ trợ, giúp đỡ nhau phòng-chống loại tội phạm này.
Theo Thuý Trinh
Báo Gia Lai
0 comments:
Đăng nhận xét