Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

24/3/14

Nhiều vườn tiêu ở xã Đác N’drót, huyện Đác Mil bị chết hàng loạt trơ trụ.
Tỉnh Đắc Nông hiện có hơn 8.300 ha tiêu, là tỉnh có diện tích cây tiêu lớn nhất Tây Nguyên hiện nay. Trong những năm qua, cây tiêu trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh, nhờ giá tiêu luôn ở mức cao nên đã giúp cho nhiều người trồng tiêu trở thành triệu phú, tỷ phú. Thế nhưng, từ cuối mùa mưa năm 2013, đặc biệt là sau Tết Giáp Ngọ đến nay, tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều vườn tiêu đang xanh tốt bỗng nhiên bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.


Gia đình ông Nguyễn Bá Lục, thôn 2, xã Đác N’drót, huyện Đác Mil trồng được 1.600 trụ tiêu, tương đương với diện tích 1,6 ha. Là người trồng tiêu lâu năm và nhờ trồng tiêu nên gia đình ông trở nên khá giả nên ngoài tích lũy được kinh nghiệm ông còn mua nhiều loại tài liệu về nghiên cứu kỹ thuật từ cách chăm sóc, bón phân đến thu hoạch… để vườn tiêu luôn xanh tốt và đạt năng suất cao. Nhờ đó, đến nay vườn tiêu của gia đình ông đã cho thu hoạch năm thứ năm với năng suất đạt từ ba đến 3,5 tấn ha, thậm chí có năm đạt đến bốn tấn/ha. Với giá tiêu như hiện nay là 121.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm ông thu về từ 400 đến 500 triệu đồng từ vườn tiêu của gia đình. Thế nhưng, khác với những năm trước đây, từ khi kết thúc mùa mưa năm 2013, đặc biệt là sau Tết Giáp Ngọ đến nay vườn tiêu của gia đình ông đang xanh tốt, trĩu quả bỗng nhiên vàng lá, lá rụng dần và chết hàng loạt, khiến ông đứng ngồi không yên.

Ông Lục lo lắng cho biết: Lúc đầu cả vườn tiêu chỉ xảy ra bốn trụ, sau mùa mưa, hàng loạt trụ tiêu bị bệnh vàng lá và chết đồng loạt. Mặc dù gia đình đã mua nhiều loại thuốc về xử lý nhưng không đạt kết quả do không rõ nguyên nhân. Hiện tại, vườn tiêu đã chết đến 500 trụ nhưng vẫn chưa dừng lại mà dịch bệnh lây lan nhanh khiến số lượng trụ tiêu bị chết vẫn tăng lên từng ngày, gây thiệt hại nặng nề.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng cũng ở xã Đác N’drót cho biết: Gia đình tôi trồng được hai ha tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh, những năm trước đây năng suất vườn tiêu đạt hơn ba tấn/ha. Thế nhưng sau Tết Giáp Ngọ đến nay, vườn tiêu đang xanh tốt bỗng nhiên đổ bệnh rũ lá chết hàng loạt. Đến nay, đã có 300 trụ tiêu bị chết khô, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Không riêng gì gia đình ông Lục, ông Thắng mà nhiều người trồng tiêu ở xã Đác N’drót đang ngày đêm chạy vạy mua các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, phân bón… về phun lên cây, bón ở gốc cho vườn tiêu của gia đình mình để phòng, chống dịch bệnh nhưng do chưa xác định được nguyên nhân nên không mang lại hiệu quả, nhiều vườn tiêu vẫn bị chết hàng loạt.

Theo thống kê của UBND xã Đác N’drót, toàn xã hiện có hơn 520 ha tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Những năm trước đây, hiện tượng tiêu chết vẫn có xảy ra nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, từ cuối mùa mưa năm 2013 đến nay, đặc biệt là sau Tết Giáp Ngọ đến nay đã có hơn bảy ha tiêu bị chết. Hiện tại, diện tích tiêu bị chết vẫn đang tăng lên từng ngày do bệnh lây lan nhanh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của nhiều hộ nông dân trong thời gian tới mà còn gây khó khăn khi phải đầu tư công sức, tiền của để mua giống, xử lý vườn để trồng lại.

Trước tình hình cây tiêu chết hàng loạt gây thiệt hại nặng nề và hoang mang cho người dân, những ngày gần đây, đại diện một số ngành liên quan của huyện Đác Mil và tỉnh Đác Nông đã về khảo sát tình hình dịch bệnh trên cây tiêu tại xã Đác N’drót. Theo kết luận bước đầu nguyên nhân được xác định là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu do nấm và tuyến trùng gây ra. Chết nhanh, chết chậm là bệnh thường xuyên xảy ra trên cây tiêu, dễ lây lan và hiện chưa có thuốc đặc trị nên bà con nông dân hết sức lo lắng. Bởi khi một vườn tiêu bị bệnh chết, người nông dân phải bỏ ra một nguồn vốn lớn để xử lý đất, mua trụ, cây giống để trồng và ít nhất ba năm sau mới cho thu hoạch trở lại.
Vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Công ở xã Đác Sin, huyện Đác R’lấp đang xanh tốt phủ trụ bỗng nhiên bị chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân, gây thiệt hại nặng nề.
Không chỉ riêng xã Đác N’drót mà tại nhiều địa phương của tỉnh Đác Nông, nhiều vườn tiêu cũng bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm do nấm và tuyến trùng gây ra làm cho nhiều vườn tiêu chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân.

Gia đình bà Võ Thị Nga ở xã Nâm N’Jang, huyện Đác Song trồng được năm ha tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh, những năm trước đây năng suất vườn tiêu đạt hơn 3,5 tấn/ha. Thế nhưng từ đầu mùa mưa năm 2013 đến nay, vườn tiêu của gia đình bà đang xanh tốt bỗng nhiên đổ bệnh rũ lá chết hàng loạt. Đến nay, đã có 1,3 ha (tương đương 1.300 trụ tiêu) bị chết khô, gây thiệt hại hơn 800 triệu đồng.

Theo thống kê của UBND xã Nâm N’Jang, hiện nay trên địa bàn xã đã có mười ha tiêu bị bệnh chết và đang có xu hướng lây lan diện rộng, khiến cho người trồng tiêu trong xã hết sức lo lắng. Để cứu vườn tiêu, nhiều gia đình đã bỏ ra từ 50 đến 80 triệu đồng để mua các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón về bón cho cây tiêu, nhưng vẫn không hiệu quả.

Tại xã vùng sâu Đác Sin, huyện Đác R’lấp một thời nổi tiếng có nhiều nông dân trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ trồng tiêu, nay vấn đề “thời sự” nhất, được người dân quan tâm là làm thế nào để phòng, chống được dịch bệnh không để cây tiêu chết hàng loạt. Bởi hiện nay đang bước vào vụ thu hoạch tiêu và giá tiêu đang ở mức cao, nhưng nhiều vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết hàng loạt làm cho người dân bị thiệt hại nặng nề.

Ông Nguyễn Văn Công, một người dân ở xã Đác Sin, cho biết: “Năm 2009, do giá tiêu tăng cao cho nên mọi người dân trong xã đều đổ xô vào trồng tiêu. Vì vậy, gia đình tôi cũng chuyển đổi hai ha cà-phê và vay mượn đầu tư hơn 500 triệu đồng để mua trụ, cây giống, phân bón và công chăm sóc cho vườn tiêu. Hai năm qua, vườn tiêu mới cho thu hoạch bói, năm nay bước vào thu hoạch chính thức thì bất ngờ vườn tiêu bị dịch bệnh làm cho hơn 100 trụ tiêu bị chết”. Theo ông Công thì không riêng gì vườn tiêu của gia đình ông mà nhiều vườn tiêu trong xã cũng xảy ra tình trạng tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt, khiến cho người dân hết sức lo lắng.

Tình trạng cây tiêu bị nhiễm bệnh chết hàng loạt đã xảy ra nhiều năm nay ở Đác Nông và hiện nay do thời tiết diễn biến phức tạp nên có dấu hiệu lay lan ra diện rộng, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân tại nhiều địa phương của tỉnh.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đác Nông, đến thời điểm hiện nay mới xác định được nguyên nhân làm cho cây tiêu chết hàng loạt là bị nhiễm bệnh thối rễ do nấm Phytophthora, bệnh tuyến trùng, bệnh tán thư... gây ra, nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, khi người trồng tiêu thấy vườn tiêu của mình bị nhiễm bệnh chết hàng loạt thì báo cáo ngay cho cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng, chống dịch, chứ không nên tự ý đi mua thuốc và tổ chức phun các loại thuốc, chế phẩm chưa được kiểm định, vừa mất tiền mà bệnh càng nặng hơn.

Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ
Theo Nhandan Newspaper
Categories: ,

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com