Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

22/4/15

1. Phân Hóa Học làm cho cây trồng bộc phát mạnh mẽ nhưng không duy trì hiệu quả được lâu. Ngoài ra chúng còn để lại những tồn dư dưới các dạng muối trong đất gây nên những hậu quả có thể kể như sau : Ngăn cản cây trồng hấp thụ những dưỡng chất cần thiết, tiêu diệt các loại vi sinh vật hữu ích cần thiết cho cây trồng . Phân bón hóa học có thể gây nguy hiểm và độc hại cho bạn và môi trường sống của bạn.

Phân Hữu Cơ giúp tạo nên sự phì nhiêu của đất canh tác từ đó tạo sự mạnh khỏe và vững bền cho cây trồng để chúng nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh. Phân hữu cơ bảo đảm cho bạn và cây trồng của bạn sống trong một môi trường an toàn và không bị nhiễm độc. Dùng phân hữu cơ sẽ tạo sự cân bằng về môi trường và một điều quan trọng là thúc đẩy việc xử lý các phế phẩm hữu cơ đang tồn đọng gây ô nhiễm môi trường trở thành phân bón.

 2. Phân Hóa Học làm gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh: Phân Hoá học có thể làm cây trồng dễ mẫn cảm với các loại bệnh hơn qua việc giết chết các Vi Sinh Vật (VSV) trong đất mà các VSV này nhằm bảo vệ cho cây trồng khỏi bị một chứng bệnh nào đó. Nhiều loại bệnh của cây trồng được khống chế bởi các VSV phát triển quanh vùng rễ cây. Hiện tượng thiếu các VSV này và một số vi lượng cần thiết là khá phổ biến ở các vùng đất thường xuyên được bón phân hóa học và sự thiếu các vi lượng thiết yếu này lại là lý do để sử dụng thêm phân hóa học. Kết quả là hệ thống rễ cây bị bao vây bởi quá nhiều một loại nguyên tố nào đó mà không thể hấp thụ các nguyên tố cần thiết khác do đó làm cho cây bị yếu đi vì mất cân đối dinh dưỡng và rất dễ bị các loại bệnh tấn công.

 3. Phân Hóa Học ngăn cản sự hấp thụ các dưỡng chất cần thiết: Quanh vùng lông hút của rễ cây, keo đất từ mùn hữu cơ chuyển hầu hết các chất khoáng từ dung dịch đất sang hệ thống rễ cây và đi vào cây trồng. Những hạt mùn sẽ có hấp lực đối với các nguyên tố dinh dưỡng như đạm, lân, kali, và các nguyên tố kim loại khác. Phân hóa học được bón vào đất năm này qua năm khác sẽ gây nên sự thay đổi cơ bản cấu trúc của các hạt mùn hữu cơ và khi sử dụng liên tiếp, quá nhiều các phần tử phân hóa học đưa vào đất để mong đạt được sự phát triển mạnh và nhanh của cây trồng. Khi có quá nhiều phần tử bám quanh các hạt mùn làm cho hệ thống lông hút của bộ rễ bị bội thực một loại nguyên tố và không còn khả năng hấp thu các chất khoáng khác mà cây thực sự cần nữa.

 4. Phân Hóa Học diệt các tập đoàn vi sinh vật : Đất cần phải được coi như một vật thể sống. Khi phân hóa học được sử dụng năm này qua năm khác, các Acid được tạo thành sẽ phá hủy các chất mùn hữu cơ phì nhiêu được tạo ra từ sự phân rã của các cơ thể sinh vật đất đã chết. Các chất mùn này có tính năng liên kết các hạt đá li ti với nhau tạo nên sự phì nhiêu của đất canh tác. Trên bề mặt của các vùng đất canh tác thường bón phân hóa học, các hạt đá không có keo mùn hữu cơ liên kết lại thường tạo thành một lớp rắn, ít hay nhiều không thấm nước, lớp rắn trên bề mặt này làm cho nước mưa hoặc nước tưới không thấm xuống đất được mà chảy ra các ao hồ hoặc sông suối. Như vậy lớp chất rắn bề mặt này đã ngăn cản không cho nước thấm xuống, đồng thời cũng không cho nước ở dưới ngấm lên trên để thoát hơi. Lớp đất phía dưới trở thành bị ngộp và có tính Acid. Trong lớp đất thiếu khí và có tính Acid này, mật độ VSV bị thay đổi và có thể bị chết.

 5. Phân Hóa Học nguy hiểm và độc hại: Một số phân hóa học chứa hợp chất Nitrat. Khi được bón xuống đồng ruộng, nước mưa làm trôi các chất Nitrat này xuống ao hồ sông suối làm phát triển các loại rong tảo, khi rong tảo chết đi, quá trình phân hủy sẽ sử dụng rất nhiều Oxygen trong nước, hậu quả là nước bị thiếu dưỡng khí và làm các sinh vật không thể sống được. Ngoài ra dư lượng Nitrat trong rau hoặc các thực phẩm có thể gây ra việc chuyển hóa Hemoglobin trong máu thành Methemoglobin, sự chuyển hóa này xảy ra mạnh và nhiều hơn ở người trẻ, gây nên bệnh và chết người.

6. Hạn chế sử dụng các thuốc BVTV hóa học: Hầu hết thuốc BVTV tác động theo cơ chế là làm cho côn trùng bị ngộ độc mà chết. Một số có độc tính rất cao có thể gây chết hoặc bị thương cho con người, súc vật nuôi và các sinh vật khác trong thiên nhiên. Rất khó để kiểm soát các nông sản xem có còn tồn dư các thứ thuốc độc hại này khi chuẩn bị thành các món ăn. Nông sản được sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ hạn chế tình trạng này và đem lại sự an toàn cho người tiêu thụ.

Nguồn: Internet
Theo TS Lê Ngọc Báu việc diện tích hồ tiêu phát triển quá nhanh, vườn cây thâm canh cao độ sẽ là những yếu tố khiến mặt hàng này đứng trước nhiều thách thức nếu không có quy hoạch và liên kết bài bản.

Theo TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên, trong 3 năm trở lại đây, ngành hồ tiêu của Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục, tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng.

Hiện nay, diện tích hồ tiêu của cả nước đã đạt trên 79.000 ha, trong đó, các tỉnh Tây Nguyên chiếm 51,6%, các tỉnh Đông Nam Bộ chiếm 39,6% diện tích hồ tiêu của cả nước.

Đặc biệt, năng suất hồ tiêu bình quân của cả nước đã đạt 2,16 tấn tiêu khô một ha, được xếp vào loại cao nhất thế giới và đạt sản lượng 146.000 tấn, tăng 36.000 tấn so với năm 2011 và tăng 133.000 tấn so với năm 1997.

Hồ tiêu Việt Nam chiếm 30% sản lượng và hơn 50% thị phần xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới.

Tuy nhiên, ngành hồ tiêu ở Tây Nguyên cũng như cả nước đang đối mặt với nhiều thách thức và phát triển thiếu bền vững, nhất là diện tích hồ tiêu phát triển quá nhanh, vườn cây được đầu tư thâm canh cao độ, nhiều vườn tiêu bị hủy diệt do sự phá hại của sâu bệnh… gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.

TS Lê Ngọc Báu kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Bộ, ngành chức năng, các địa phương cần sớm tổ chức lại sản xuất, nhất là đưa các hộ nông dân sản xuất nhỏ, lẻ như hiện nay thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, hoặc hợp tác xã kiểu mới… với hướng liên kết lại để dễ dàng tiếp nhận với các tiến bộ kỹ thuật, thuận tiện trong việc tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng và các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào để không những hạn chế qua khâu trung gian mà còn đảm bảo chất lượng vật tư.

Mặc dù là một trong những nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam vẫn chưa có quy trình hướng dẫn sản xuất hồ tiêu.
Hồ tiêu Việt Nam có năng suất xếp vào loại cao nhất thế giới.
Thực tế, trong sản xuất hồ tiêu hiện nay đã có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao và nhiều kinh nghiệm quý cùng với các tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao thành công cần sớm được tổng kết, nhân rộng cũng như hoàn thiện, ban hành quy trình canh tác hồ tiêu bền vững.

Trong sản xuất, sinh trưởng cây tiêu trồng trên cây trụ sống (phổ biến các cây lồng mứt, keo dậu, mít, vông gai, anh đào giả, muồng cườm, gòn) trong những năm đầu có chậm hơn so với trồng trên các cây trụ gỗ chết, trụ bêtông nhưng vào thời kỳ kinh doanh ổn định, các vườn tiêu trụ sống có lợi thế hơn về chiều cao trụ nên thu được năng suất cao không thua kém các loại trụ khác.

Đặc biệt, qua nghiên cứu cho thấy, nhờ có độ che bóng nhất định của tán lá cây trụ mà vườn trụ sống không những có năng suất tiêu ổn định hơn, ít khi có hiện tượng kiệt sức do quá sai quả như ở các vườn tiêu trồng trên trụ chết mà còn tỷ lệ vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm ở vườn tiêu trồng trên trụ chết cao hơn gấp 5 lần so với vườn trồng bằng trụ sống.

TS Lê Ngọc Báu cũng đưa ra các giải pháp kỹ thuật như biện pháp tạo bồn, đào mương thoát nước, bón phân hữu cơ góp phần hạn chế sự lây lan, phát triển của bệnh chết nhanh, quản lý sâu bệnh hại trên cây tiêu bằng biện pháp tổng hợp, tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến công, đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về cây hồ tiêu từ việc chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác đến phòng trừ sâu bệnh để tạo điều kiện phát triển bền vững ngành hồ tiêu Việt Nam.

Theo Vietnamplus

10/4/15

Ảnh minh họa
Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), năng suất hồ tiêu tại nhiều tỉnh giảm đến 40% so với vụ trước do thời tiết không thuận lợi và các vườn tiêu già cỗi đã bị suy kiệt.

Trong quý 1-2015, VPA đã có hai đợt khảo sát tại các tỉnh trồng hồ tiêu trong cả nước nhằm dự báo sản lượng vụ tiêu 2015 để trên cơ sở đó đưa ra chính sách hỗ trợ nông dân, giúp doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh phù hợp.

Kết quả khảo sát cho thấy, do ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất trồng tiêu giảm đáng kể, có địa phương năng suất giảm đến 40% so với vụ trước.

Cụ thể, Gia Lai là tỉnh chịu thiệt hại lớn nhất khi năng suất tại nhiều hộ trồng hồ tiêu giảm đến 40%, Đắk Lắk giảm 30%, Bình Phước, Đăk Nông giảm khoảng 10-15%. Tại tỉnh Đồng Nai khảo sát của VPA cho thấy, năng suất tại huyện Cẩm Mỹ giảm gần 10%, còn ở huyện Xuân Lộc là hơn 55% so với năm trước.

Ở một số địa bàn, năng suất có tăng lên, chẳng hạn tại huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu nhiều hộ trồng hồ tiêu cho biết năng suất tăng đến 50%.

Tuy nhiên, do diện tích trồng hồ tiêu đã tăng khá cao thời gian gần đây, nên VPA vẫn nhận định tổng sản lượng hồ tiêu của năm 2015 không có biến động mạnh so với năm trước. Năm 2014, sản lượng hồ tiêu cả nước theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là 125.000 tấn.

Trong những năm qua, giá hồ tiêu luôn ở mức cao nên người dân tăng diện tích trồng mới. Theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT đến năm 2020, cả nước sẽ có  50.000 héc ta nhưng thực tế, diện tích trồng tiêu cả nước đã tăng lên đáng kể và vượt con số 60.000 héc ta. Đơn cử, trên số liệu thống kê, tỉnh Bình Phước có 9.000 héc ta hồ tiêu nhưng số liệu điều tra của VPA cho thấy, con số này đã vượt trên 12.000 héc ta.

Hiện giá hồ tiêu ngày 9-4 tại các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên dao động từ 187.000 - 182.000 đồng/kg. Theo Bộ NN &PTNT, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 15.000 tấn hồ tiêu, thu về 134 triệu đô la Mỹ, giảm hơn 23% về lượng nhưng lại tăng 3% về giá trị so với năm 2014.

Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân trong 2 tháng đầu năm là 9.219 đô la Mỹ/tấn, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm trước. Hiện xuất khẩu tiêu của Việt Nam chiếm khoảng 50% lượng hồ tiêu thương mại toàn cầu.
Ngọc Hùng
Theo TBKTSG Online

7/4/15

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát
Ngày 30 tháng 3 năm 2015 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát đã có buổi làm việc với các hiệp hội trong đó có Hiệp hội Hồ tiêu VN. Sau khi nghe một số kiến nghị từ Hiệp hội, Bộ trưởng đã có ý kiến kết luận chính thức bằng Công văn Số 2675/TB-BNN-VP, ngày 2/4/2015 chỉ đạo các đơn vị trong Bộ tiến hành triển khai ngay một số biện pháp hỗ trợ cho ngành hồ tiêu, cụ thể như sau:

- Cục Trồng trọt:  Hướng dẫn các địa phương về Qui trình canh tác hồ tiêu an toàn, hạn chế sử dụng thuốc BVTV nhằm giảm thiệt hại do sâu bệnh và nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu.

- Cục Quản lý Chất lượng NLS và TS: Tăng cường tần suất giám sát chất lượng sản phẩm hồ tiêu nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường, đăc biệt là thị trường EU; Nghiên cứu đề xuất phương án nâng cấp phòng thí nghiệm nhằm mở rộng phân tích đánh giá chất lượng một số mặt hàng nông sản trong đó có Hồ tiêu

- Cục Bảo vệ Thực vật: Triển khai các biện pháp tháo gỡ rào cản, mở rộng thị trường xuất khẩu cho Hồ tiêu.
Theo VPA
Ảnh minh họa
Ngày 4-4, tại TP.Vũng Tàu, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phòng chống bệnh hại hồ tiêu, với sự tham gia của đại diện 7 tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu thuộc vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, BR-VT, Bình Thuận). Theo Cục Bảo vệ thực vật, tổng diện tích trồng hồ tiêu ở 7 tỉnh thuộc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là khoảng 68.000ha, chiếm 85% tổng diện tích trồng hồ tiêu toàn quốc. Bệnh chết nhanh, chết chậm cũng phát sinh, gây hại trên cây hồ tiêu tập trung ở các tỉnh này. Tính đến cuối tháng 3-2015 có 3.824ha nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm chiếm 5,7% diện tích trồng hồ tiêu, trong đó có 84ha nhiễm bệnh nặng tập trung ở Gia Lai, Đắk Lắk và Bình Phước. Riêng tại BR-VT, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu đã được khống chế từ 3 năm nay. Cụ thể, trong vụ tiêu vừa qua bệnh chết chậm chỉ xảy ra trên 32ha ở huyện Xuyên Mộc và Châu Đức. Còn bệnh chết nhanh xảy ra ở 18ha tiêu ở huyện Châu Đức.

Thông tin từ hội nghị cho thấy, do thói quen phần lớn bà con nông dân chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác cây hồ tiêu theo hướng bền vững, còn lạm dụng, trông chờ vào thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Bên cạnh đó, những vườn tạp, trồng tiêu xen cây trồng khác không đúng quy trình xen canh dẫn đến tăng chi phí sản xuất, khó phòng trừ dịch bệnh. Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu, thiếu nước tưới cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây tiêu nhiễm bệnh.

QUANG ĐẠT
Theo Báo BRVT

1/4/15

Nông dân thu hoạch hồ tiêu
Do các phòng kiểm định chất lượng trong nước chỉ kiểm tra được gần 200 chỉ tiêu nên các doanh nghiệp hồ tiêu phải tốn thời gian và chi phí gửi mẫu ra nước ngoài kiểm định. Hiệp hội Hồ tiêu đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) nên xây dựng một phòng kiểm định chất lượng phù hợp với quốc tế.

Theo ông Hà Huy Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP XNK Petrolimex (Pitco), để xuất khẩu được hồ tiêu sang các thị trường khó tính, Pitco phải thuê chuyên gia nước ngoài về kiểm tra 80 chỉ tiêu thuốc BVTV mà các đơn vị kiểm định hàng đầu trong nước không thể kiểm định được. Tuy nhiên, việc này tốn nhiều chi phí của công ty.

Không chỉ riêng Pitco gặp phải vấn đề này, theo bà Nguyễn Mai Oanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện nay các phòng kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế có thể kiểm định được 543 chỉ tiêu nhưng các phòng kiểm định trong nước chỉ có chưa đến 200 chỉ tiêu. Vì vậy, các doanh nghiệp trong Hiệp hội muốn xuất khẩu sang các thị trường khó tính thường phải gửi mẫu xuất khẩu ra nước ngoài trước 2 tuần với chi phí không hề nhỏ. Bà Oanh đề nghị, nên chăng nhà nước bỏ tiền đầu tư một phòng kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế và thu lại phí kiểm định hoặc đầu tư dưới hình thức góp vốn với doanh nghiệp tư nhân để giảm chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, Bộ sẽ đề nghị Cục quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản tìm hiểu xem để đầu tư một phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế thì cần bao nhiêu tiền, máy gì, mua ở đâu và trong tháng 4 này phải báo cáo lại bộ trưởng.

Bà Oanh cho hay, theo tìm hiểu, để đầu tư một nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế cần khoảng 2 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, không phải chỉ đầu tư là xong mà cần phải xây dựng được uy tín cho phòng kiểm định này. Các doanh nghiệp nhập khẩu thường không tin tưởng vào các đơn vị kiểm định trong nước và luôn chỉ định các phòng kiểm định nước ngoài.

“Nếu xây dựng phòng kiểm định thì trước mắt phòng kiểm định này phải tạo dựng được uy tín với các doanh nghiệp nước ngoài, tức hàng hóa sau khi phân tích tại phòng thí nghiệm này thì xuất khẩu được. Nếu không thì phòng kiểm định có đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng sẽ bị bỏ không, gây lãng phí” – bà Oanh nói.

Tỉ lệ hàng bị trả về nhiều

Bên cạnh việc gặp khó khăn trong việc kiểm định chất lượng, theo bà Oanh, thời gian gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu còn phàn nàn về việc tỉ lệ các đơn hàng bị trả về trong những tháng đầu năm nay nhiều hơn những năm trước nhưng Hiệp hội không có con số cụ thể.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu, hiện nay có thông tin phản ánh là do quá trình thu hoạch và trữ tiêu, nông dân đã sử dụng chất carbedazim để trữ tiêu và trừ nầm.

Hơn nữa, tiêu hiện được thu mua qua hệ thống thương lái từ các hộ nhỏ, nên tiêu sạch và tiêu bẩn trộn lẫn nhau để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, khối lượng xuất khẩu tiêu 3 tháng đầu năm đạt 38.000 tấn, trị giá 342 triệu đô la Mỹ, tăng 3% về giá trị nhưng giảm tới 23,1% về lượng. Điều này, theo nhiều danh nghiệp trong ngành là do tỉ lệ đơn hàng bị trả về nhiều.

Hiệp hội Hồ tiêu đề nghị Bộ NNPTNT khảo sát đánh giá về hiện trạng canh tác hồ tiêu hiện nay xem liệu có dư lượng thuốc BVTV hay không? Nếu có thì ở khâu nào trong quá trình canh tác, do nông dân không hiểu biết hay lạm dụng để đảm bảo sản lượng? hay do quá trình thu mua?

“Nếu cứ để tình trạng như hiện nay thì hàng sẽ không xuất khẩu được” – bà Oanh nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho hay, hiện nay tại một số nơi có dịch bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu. Nguyên nhân là do biến trùng lan truyền trong đất nhưng nông dân không biết nên phun thuốc trên cây. Bộ đã tìm ra biện pháp chữa bệnh và sẽ hướng dẫn phổ biến trong thời gian tới.
Thùy Dung
TBKTSG Online
 LAMPUNG – INDONESIA (23-25 THÁNG BA 2015)
 

Mục đích hội thảo

Thảo luận và chốt lại hai nội dung quan trọng cho ngành hồ tiêu: (1) Hướng dẫn sản xuất hom giống hồ tiêu chất lượng cao; (2) Xem xét lại hướng dẫn sản xuất hồ tiêu của IPC trước đây.

Lịch trình

Ngày 22-3-2015: TP Hồ Chí Minh – Jakarta – Lampung

Ngày 26-3-2015: Lampung – Jakarta – TP Hồ Chí Minh

Tất cả thành viên ăn, nghỉ và hội thảo tại Khách sạn Grand Anugerah, JI. Raden Intan no. 132, Bandar Lampung 35117.

Mọi chí phí do IPC tài trợ

Thành phần tham dự:

IPC

Mr WDL Gunaratze, Executive Director, IPC

Mr BN Jha, Economist PC (chuyên viên mới tuyển dụng của IPC, người Ấn Độ)

Mr Noh Haryanto (thư ký)

Indonesia:

Mr Angga H. Putera, Sect. Head, Ministry of Trade

Mrs. Dr Dyah Manohara, Sr. Researcher, BALITTRO

Dr Angus Wahydi, Head, BALLITRO

Mr Deny Kurnia, Alt. LO of RI to IPC-MOT (liaison officer, Bandar Lampung)

Mr Edianto, Head, Estate Crop Officer

India

Dr M. Anandaraj, Director, IISR (Viện nghiên cứu cây gia vị của Ấn Độ)

Malaysia

Mr. Yap Chin Ann, Viện nghiên cứu cây gia vị của Mã Lai

Sri Lanka

Dr A. Subashinge, Dept. of Exp Agriculture

Vietnam

Prof. Dr. Bùi Chí Bửu, Viện KHKTNN Miền Nam

Nội dung

Hồ tiêu có thể được nhân giống bằng hạt và hom vô tính. Công nghệ nhân giống trong ống nghiệm cũng đã được phát triển, nhưng không thể áp dụng thương mại hóa trên diện rộng vì chi phí lớn. Thông thường, hồ tiêu được nhân giống vô tính bằng hom giống, hom được lấy từ các nhánh tiêu. Trong trường hợp hồ tiêu (Piper nigrum L.), tiến trình sản xuất hồ tiêu theo chuẩn “Quality Planting Material” là nội dung còn nhiều tranh cãi, và là mục tiêu cần chốt lại trong hội thảo này. Sản xuất tiêu tại những vườn được thương mại hóa có tuổi thọ trung bình 20 năm, và các vườn tiêu cổ truyền là 40 năm; người ta cần phải tái canh cây mới. Hom giống thường là nguồn chủ yếu để lan truyền mầm bệnh. Mọi sai lầm cho quản lý dịch bệnh sau này với chi phí tốn kém khá lớn, đều bắt nguồn từ đây.

Tập trung mọi nỗ lực cho hom giống tiêu (plant material) chất lượng cao là nội dung đầu tiên trong sản xuất hồ tiêu bền vững (Ravindran 2000).

Chọn dây tiêu mẹ

Dây tiêu mẹ (pepper mother vine) là khâu quyết định quan trọng với các tiêu chí như sau:

    Dây mẹ khỏe, tăng trưởng mạnh, lóng thân ngắn, có bông dài >10 cm
    Bông trổ đều, hạt chắc, tỷ trọng tiêu khô đạt 550 g / lít
    Không có triệu chứng sâu bệnh hại
    Có khả năng tạo rễ khi cắt làm hom giống
    Có khả năng cho trái nhiều và liên tục
    Chọn dây mẹ cao 3,5-4,5 m cho năng suất > 2kg tiêu khô / năm

Các tiêu chí này phải ổn định trong hai năm liên tục.

Sản xuất cây giống bằng những hom tiêu cắt từ dây mẹ (vegetative cuttings)

Có hai loại dây nhánh phát triển từ dây mẹ: dây mọc thẳng đứng được gọi là nhánh thân (orthotropic branches) và mọc ngang để cho trái gọi là nhánh ác (plagiotropic branches). Một vài nhánh có mầm chồi phụ từ nhánh thân không cho rễ khỏe, chỉ bó sát thân (clinging root) ở mắt lóng và mọc nghiêng. Người ta gọi đó là “hanging shoots” (nông dân Việt gọi là dây lươn, mọc buông thỏng lơ lững trên mình dây mẹ để phân biệt với dây lươn bò dưới đất gần vùng rễ: running shoots). IPC không chấp nhận dây lươn thuộc dạng “hanging shoots” (hangers), họ cho rằng nó sẽ có ít trái khi trồng trên ruộng; trong khi quan điểm của một số nông dân Việt Nam thì ngược lại, vì sức mạnh của nó. Dây lươn thuộc dạng “runner branches” mọc dài dưới đất, cho rễ phụ khỏe, cho rễ thằn lằn (rễ mọc trên không trung: aerial roots) rõ ràng trong mùa mưa, hoặc khi ẩm độ đất phù hợp. Đây là dây lươn được khuyến cáo dùng làm hom giống.

Dây tiêu ngọn (terminal shoot) là nhánh có ưu thế tăng trưởng mạnh nhất (most vigorous shoot), nhiều búp chồi và ít chồi nhánh ngang. Dây tiêu ngọn được sử dụng làm hom giống rất phổ biến tại Malaysia, một số vùng ở Indonesia và Brazil. Tại Indonesia, hom cắt xong thường được mang thẳng ra ruộng để trồng. Ở Brazil, người ta xây vườn ươm gọi là “mother garden” với những dòng tiêu vô tính triển vọng được ươm tại đây. Vườn ươm này phải được di chuyển chổ khác sau thời gian khai thác 2-3 năm. Hệ thống nhân giống của Malaysia khá bài bản, được xây dựng một cách hệ thống.

Chọn lựa hom cắt (cuttings): hom có 4-5 lóng thân được trồng thẳng trên ruộng trong mùa mưa. Tuy nhiên, thời tiết rất thay đổi, việc trồng thẳng “hom cắt” như vậy gặp nhiều rủi ro khi lượng mưa thất thường. Cắt dây mẹ thành những hom giống có 4-5 lóng thân, với 2 chồi thân mọc ngang, khỏe, trên dây mẹ đạt những tiểu chuẩn nói trên, và tuổi dây mẹ không quá 2 năm.

Bước một: xác định lóng thân ở vị trí thấp nhất, loại bỏ các nhánh ác (plagiotrophic) ở 3 đốt thân cuối bên dưới. Chồi non hơn ở trên cùng của dây thân (orthotropic) cũng được cắt bỏ (trên lóng thân thứ 6 trở lên). Lóng thân có bông là lóng thứ nhất tính từ dưới lên thuộc hom cắt với 5 lóng.

Bước hai: Sau 10-14 ngày, chồi nách (axillary bud) xuất hiện ở lóng thứ 5 tính từ trên xuống và lóng thứ 4. Hom cắt được chọn và được cắt bằng công cụ thật bén, sạch (khử trùng bằng cồn) tại vị trí 1-2 cm dưới lóng thân thứ nhất. Tách rời các rễ phụ bám vào trụ một cách thận trọng. Lấy hom giống ra đặt trong bọc plastic sạch, hoặc để trên khay sạch. Hom giống có thể trồng ngay ra ruộng trong mùa mưa; hoặc ươm hom giống trong cát, chờ hom ra rễ.

Kỹ thuật giúp hom cắt ra rễ

Làm luống để giúp hom cắt ra rễ (rooting bed) bằng vật liệu cát sông, trước khi trồng trên ruộng. Luống ươm hom giống dài tùy theo kích thước vườn ươm, rộng 1,0 m, sâu 30 cm chừa 0,3 m làm lối đi chăm sóc. Hom giống được xử lý với thuốc trừ nấm tương ứng. Đặt hom giống trên luống, khoảng cách 20-30 cm, cắm nghiêng 450- 600. Ba lóng thân nằm sâu trong luống, lóng thứ 4 trên mặt luống. Luống chứa giá thể giúp hom ra rễ (rooting medium) được phủ lớp cát sông trên mặt. Không bón phân hữu cơ. Tưới ẩm hàng ngày. Trong vòng 4-5 tuần hom giống ra rễ và sẵn sàng mang trồng trên ruộng.
     
Di chuyển hom giống: hom giống được mang ra ruộng phải được gói lại với vật liệu sạch, giữ ẩm bằng cách tưới nước bổ sung. Điều này còn tùy thuộc khoảng cách di chuyển gần hoặc xa mà chúng ta còn vật liệu gói hom giống cho cẩn thận.

Duy trì vườn ươm cây mẹ (mother plant stock)   

Tập họp các nhánh dây tiêu mọc thẳng (upright branches) từ vườn tiêu sẽ rất hạn chế và chỉ có 2-3 lần cắt trong cùng một lúc từ một dây nào đó. Tập họp các nhánh cắt kiểu như vậy có thể gián tiếp truyền nhiều bệnh cho cây tiêu. Do đó, duy trì nguồn cho hom giống cần phải duy trì cường lực và sức khỏe cây mẹ. Người ta khuyến cáo phải xây nhà lưới, hay vườn ươm với kỹ thuật đặc biệt để ươm các nhánh cắt mọc thẳng (upright cuttings)

Xây dựng vườn ươm cây mẹ

Đào rảnh có kích thước sâu 45 x rộng 45 cm x dài 5 m; chừa 1 mét làm lối đi chăm sóc. Đổ đầy vào rảnh mụn xơ dừa (coir dust), phân bò và đất mặt (nông dân VN còn gọi là đất miểng). Trụ đỡ dài 2 m được cắm xuống với khoảng cách 60 cm. Trụ sống Gliricidia sepium (cây họ đậu, hình) hoặc trụ chết bằng gỗ đều có thể được sử dụng. Che mát vườn ươm bằng lưới, hoặc dùng tàu lá dừa, che trực tiếp lên từng gốc cây trụ trong giai đoạn đầu tiên. Khi cây mọc khỏe, không che mát nữa. Cây sẽ bò lên đỉnh trụ đỡ trong vòng 4-5 tháng. Bây giờ, chúng ta sẽ cắt lấy hom giống. Quan sát khi hệ thống rễ phụ bám chặt vào trụ đỡ, chồi nhánh ngang xuất hiện theo hướng dẫn trên, chúng ta tiến hành cắt hom. Dây mẹ rất cần dinh dưỡng vì vậy phải bón phân cho dây. Hỗn hợp bao gồm 90 g urê, 70 g triple super phosphate, 50 g KCl và 30 g Kieserite cho vào 50 lít nước khuấy đều. Tưới 250 ml dung dịch dinh dưỡng này trên mỗi hốc cây, cách khoảng 2 tuần một lần. Phủ đất bằng phân xanh để giữa ẩm dưới gốc và quản lý cỏ dại. Chú ý quan sát sâu bệnh hại nếu có để quản lý kịp thời.

Sử dụng dây tiêu ngọn để sản xuất hom giống

Chồi ngọn có từ 2 đến 3 lóng thân non (immature nodes) được cắt bỏ từ mỗi nhánh tiêu, để kích thích đâm chồi nách (axillary buds). Trong vòng 2-3 tuần, các chồi nách xuất hiện. Hom giống có 5 lóng thân và hai nhánh ngang ở các lóng phía trên sẽ được chọn để cắt làm hom giống. Trồng hom giống này trong bịch đất có kích thước 20 x 12,5 cm, chứa hỗn hợp dinh dưỡng (giá thể). Chỉ khai thác 4-6 hom cắt (cuttings) từ mỗi dây tiêu mẹ. Đặt hai lóng nằm trong hỗn hợp dinh dưỡng (media), 3 lóng ở trên mặt / mỗi bịch đất. Giữ chúng trong phòng có ẩm độ (humid chamber) từ 3 đến 4 tuần. Mang ra nhà lưới có che sáng 8-10 tuần nữa. Khi cây được 3 tháng tuổi, đó là lúc có thể được trồng ngoài ruộng. Người ta khuyến cáo phải tập dần điều kiện khó khăn để huấn luyện cây (hardening) 3-4 tuần trước khi trồng ngoài ruộng là an toàn nhất.

Ưu điểm của sử dụng dây tiêu ngọn để sản xuất hom giống

     Hom cắt từ dây tiêu mẹ cho chồi nách và rễ thằn lằn nhiều hơn dây lươn bò trên đất
     Hom cắt có kích cỡ to hơn, hàm lượng dinh dưỡng trong thân nhiều hơn, hỗ trợ cây trong điều kiện khắc nghiệt sau này.
     Hom cắt có khả năng phân chồi nhánh ở gốc thân nhọn dần lên trên, tạo tán cây hình nón (conical canopy), cơ sở để tiêu cho năng suất cao
     Thời gian tạo tán ngắn, dây tiêu thường cho trái sớm vào năm thứ hai sau khi trồng (bông trái xuất hiện năm thứ nhất nên ngắt bỏ, vì nó làm cây tiêu mất sức)
     Tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các loại hom giống khác, tạo tán lớn hơn trong thời gian ngắn.

Nhược điểm chính của phương pháp này là người ta khó chọn được dây tiêu ngọn có số lượng lớn, đáp ứng được yêu cầu số hom giống cho đồng ruộng nếu so sánh với dây lươn bò trên mặt đất (runners)

Sản xuất hom giống bằng dây lươn bò trên mặt đất (runners)

Đây là phương pháp thông dụng nhất trong các nước thành viên của IPC. Hai đến ba lóng thân được chọn để cắt đối với dây lươn, trong mùa mưa. Chọn dây mẹ theo tiêu chuẩn nêu trên. Chú ý trong phương pháp này, dây tiêu dễ nhiễm bệnh, nên việc vệ sinh vườn cây giống đặc biệt cần được quan tâm.

Thu thập hom giống để nhân


Thu thập hom giống vào buổi sáng và phải giâm vào chậu trong cùng một ngày, tránh tổn thương về cơ giới. Thời gian sau thu hoạch là lúc tốt nhất để cắt hom giống. Hom được giâm cành trong bịch đất có chứa giá thể. IPC đề nghị nên thương mại hóa dịch vụ sản xuất hom giống để chính phủ có thể kiểm soát đầu mối, tránh lây lan dịch bệnh. Tại Sri Lanka, Ấn Độ, qui trình này được thực hiện khá nghiêm túc.

Phương pháp nhân giống nhanh của Sri Lanka




Nhân giống bằng thân tre (bamboo system): thân tre được chẻ làm đôi, dài 1,5 m, xếp theo hình chữ V ngược trên luống. Ruột thân trên rổng được lấp đầy giá thể, rồi đặt hom giống vào. Phương pháp này rất khó áp dụng ở Việt Nam vì vật liệu đắt và không tiện dụng.

Nhân giống theo phương pháp giá thể xốp (heap method): chất đống giá thể thành hình thang hoặc tam giác như hình ảnh trên, tạo góc xiên 450. Phương pháp này được áp dụng để huấn luyện dây tiêu, tập cho hom giống quen dần với điều kiện đồng ruộng.

Nhân giống theo hệ thống ống túi nhựa chứa giá thể bên trong (polythene tube sustem): khung đở bằng thép có kích thước 3,75 cm x 3 m. Ống túi nhựa chứa giá thể bên trong có kích thước 350 gages x 8 cm rộng x 2,7-3,0 m cao. Giá thể chủ yếu là mụn xơ dừa. Túi treo trên khung thép thẳng đứng, đáy chạm đất, khoảng cách giữa hai túi là 30 cm. Gắn hai dây hom giống theo chiều đối xứng của túi giá thể. Bổ sung dinh dưỡng 250 ml hỗn hợp bao gồm 1 kg urê, 0,75 kg superphosphate, 0,5 kg KCl và 0,25 kg kieserite pha trong 250 lít nước. Bón cho mỗi túi, cách khoảng 4 tháng một lần.

Phương pháp nhân giống của Ấn Độ: tập trung chủ yếu vào xét nghiệm hom sạch bệnh, đặc biệt là sạch virus bằng chẩn đoán PCR

Phương pháp của Mã Lai: tập trung vào kỹ thuật “prunning” dây mẹ để có hom cắt đạt chuẩn. Chú ý kỹ thuật ghép trên gốc tiêu hoang dại để ngừa bệnh hại ở giai đoạn phát triển đầu tiên.

Phương pháp của Indonesia: tập trung vào mạng lưới khuyến nông để xác nhận hom tốt. Tiêu trắng Muntok (White Muntok pepper) có nguồn gốc từ Lampung, Sumatra, Indonesia là sản phẩm nổi tiếng.

Phương pháp của Việt Nam: hiện nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nông dân sản xuất giỏi. Nội dung được các nước bạn quan tâm là sử dụng khá phổ biến chế phẩm Trichoderma để xử lý giá thể, phân ủ sao cho việc quản lý Phytophthora, Fusarium, … có hiệu quả.

Nhìn chung chưa có phương pháp nào hoàn chỉnh, phương pháp của Ấn Độ tiếp cận với công nghệ sinh học nhiều nhất, nhưng nặng về lý thuyết; pp của Mã Lai có vẻ thực tế nhất. Hội thảo còn bàn luận nhiều đến biện pháp đáp ứng cho nông trại hữu cơ.

Chuẩn bị bao đựng giá thể

Bao polythene trong suốt hoặc đen đều được sử dụng có kích thước 250 gauges với 20 x 12,5 cm. Đảm bảo luống đặt và giá thể trong bao có khả năng thoát nước tốt. Đục lổ (4 lổ) ở vị trí 2-4 cm từ đáy bao lên. Giá thể đựng trong từng bịch giống là: đất mặt, phân bò, cát sông và mụn xơ dừa (mỗi thứ có tỷ lệ như nhau). Có thể thay thế phân bò bằng phân ủ mục (compost). Có thể thay thế mụn xơ dừa bằng mạt cưa, tro trấu. Cho giá thể vào túi nhựa 3-4 ngày trước khi trồng hom giống, đảm bảo sự ổn định.

Giữ hom giống trong buồng tạo ẩm kích thích tẳng trường rễ cũng như sự tạo chồi.

KIỂM NGHIỆM VÀ CHỨNG NHẬN HOM GIỐNG


Đây là phần yếu nhất của Việt Nam so với các nước thành viên trong thời điểm hiện nay. Có 4 đến 6 tiêu chuẩn phẩm chất hom giống cần được kiểm nghiệm và xác nhận:

    Số lá trưởng thành khỏe mạnh trên mỗi hom giống: 5-6 lá
    Hom giống tăng trưởng mạnh mẽ, lá dầy, bóng láng
    Không có sâu bệnh hại
    Có hệ thống rễ phát triển tích cực

XÂY DỰNG VƯỜN ƯƠM GIỐNG CÓ QUI MÔ THƯƠNG MẠI HÓA LỚN


Đây là ý tưởng mới được đề xuất bởi IPC, nhằm gom đầu mối quản lý cho Chính Phủ trong quản lý giống và phục vụ tốt cho nông dân

Hội thảo cũng đề cập nhiều đến sâu bệnh hại thường có trong vườn ươm để quản lý tốt nhất dịch vụ sản xuất hom giống phục vụ sản xuất.

Hội thảo thẩm định lại trên 20 nội dung có liên quan đến qui trình sản xuất hồ tiêu của IPC, và sẽ in lại sách hướng dẫn cho nông dân sử dụng, ưu tiên cho nông dân 6 quốc gia thành viên.

Giới thiệu tóm lược về LAMPUNG - Indonesia


Lampung là một tỉnh của Indonesia. Lampung nằm ở đỉnh cuối phía Nam của đảo Sumatra, giáp ranh với các tỉnh Benkulu và Nam Sumatra. Lampung là quê hương của tộc người Lampung, có ngôn ngữ riêng và chữ viết riêng. Thủ phủ của Lampung là thành phố Bandar Lampung. Dân số của Lampung có 7.972.246 người theo thống kê năm 2014. Diện tích tự nhiên là 34.624 km2. Riêng thành phố Bandar Lampung là 118,5 km2. Lampung là kết quả của sự di dân từ Java, Madura và Bali đến định cư tại đây, để khai phá đất mới, làm cho mật số dân cư tăng cao đến nổi Chính phủ phải đề ra chính sách riêng về “chương trình di dân” cho Lampung. Lampung còn nổi tiếng là nơi có những trận động đất và phun trào núi lửa ở Indonesia. Ngày 10 tháng Năm 2005, một trận động đất 6,4 độ Richter đã xảy ra tại đây. Trước đó, núi lửa Krakatau đã phun trào vào năm 1883 để lại nhiều thiệt hại lớn trong lịch sử thiên tai khủng khiếp của đảo quốc này.

Nông nghiệp của Lampung khá phát triển. Sản phẩm nổi tiếng là cà phê robusta, ca cao, dừa, đinh hương và đặc biệt là hồ tiêu với phẩm chất riêng biệt của Lampung (giống như tiêu Phú Quốc của Việt Nam trước đây). Tập đoàn Nestlé đã chọn nhân cà phê của Lampung làm nguồn vật liệu chính cho sản phẩm chế biến của mình. Nông nghiệp còn vi phạm vào khu công viên quốc gia nổi tiếng Bukit Barisan Selatan. Ở đây còn có công ty quốc gia rất nổi tiếng trong chế biến dừa Wong Coco. Lampung rất nổi tiếng về nghề dệt và sản xuất quần áo theo truyền thống với chất liệu bông vải.

Ngày 25-3-2015, IPC tổ chức cho đoàn thăm quan các vườn hồ tiêu Lampung. Những vườn tiêu này đã có từ cuối thế kỷ 19; nhưng bị tàn phá bởi đợt phun trào của núi lửa Krakatau (1883) cùng với các làng nghề dệt vải sợi bị chôn vùi trong tro bụi núi lửa.

Bùi Chí Bửu
isavn.org










    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com