Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

22/4/15

Theo TS Lê Ngọc Báu việc diện tích hồ tiêu phát triển quá nhanh, vườn cây thâm canh cao độ sẽ là những yếu tố khiến mặt hàng này đứng trước nhiều thách thức nếu không có quy hoạch và liên kết bài bản.

Theo TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên, trong 3 năm trở lại đây, ngành hồ tiêu của Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục, tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng.

Hiện nay, diện tích hồ tiêu của cả nước đã đạt trên 79.000 ha, trong đó, các tỉnh Tây Nguyên chiếm 51,6%, các tỉnh Đông Nam Bộ chiếm 39,6% diện tích hồ tiêu của cả nước.

Đặc biệt, năng suất hồ tiêu bình quân của cả nước đã đạt 2,16 tấn tiêu khô một ha, được xếp vào loại cao nhất thế giới và đạt sản lượng 146.000 tấn, tăng 36.000 tấn so với năm 2011 và tăng 133.000 tấn so với năm 1997.

Hồ tiêu Việt Nam chiếm 30% sản lượng và hơn 50% thị phần xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới.

Tuy nhiên, ngành hồ tiêu ở Tây Nguyên cũng như cả nước đang đối mặt với nhiều thách thức và phát triển thiếu bền vững, nhất là diện tích hồ tiêu phát triển quá nhanh, vườn cây được đầu tư thâm canh cao độ, nhiều vườn tiêu bị hủy diệt do sự phá hại của sâu bệnh… gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.

TS Lê Ngọc Báu kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Bộ, ngành chức năng, các địa phương cần sớm tổ chức lại sản xuất, nhất là đưa các hộ nông dân sản xuất nhỏ, lẻ như hiện nay thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, hoặc hợp tác xã kiểu mới… với hướng liên kết lại để dễ dàng tiếp nhận với các tiến bộ kỹ thuật, thuận tiện trong việc tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng và các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào để không những hạn chế qua khâu trung gian mà còn đảm bảo chất lượng vật tư.

Mặc dù là một trong những nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam vẫn chưa có quy trình hướng dẫn sản xuất hồ tiêu.
Hồ tiêu Việt Nam có năng suất xếp vào loại cao nhất thế giới.
Thực tế, trong sản xuất hồ tiêu hiện nay đã có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao và nhiều kinh nghiệm quý cùng với các tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao thành công cần sớm được tổng kết, nhân rộng cũng như hoàn thiện, ban hành quy trình canh tác hồ tiêu bền vững.

Trong sản xuất, sinh trưởng cây tiêu trồng trên cây trụ sống (phổ biến các cây lồng mứt, keo dậu, mít, vông gai, anh đào giả, muồng cườm, gòn) trong những năm đầu có chậm hơn so với trồng trên các cây trụ gỗ chết, trụ bêtông nhưng vào thời kỳ kinh doanh ổn định, các vườn tiêu trụ sống có lợi thế hơn về chiều cao trụ nên thu được năng suất cao không thua kém các loại trụ khác.

Đặc biệt, qua nghiên cứu cho thấy, nhờ có độ che bóng nhất định của tán lá cây trụ mà vườn trụ sống không những có năng suất tiêu ổn định hơn, ít khi có hiện tượng kiệt sức do quá sai quả như ở các vườn tiêu trồng trên trụ chết mà còn tỷ lệ vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm ở vườn tiêu trồng trên trụ chết cao hơn gấp 5 lần so với vườn trồng bằng trụ sống.

TS Lê Ngọc Báu cũng đưa ra các giải pháp kỹ thuật như biện pháp tạo bồn, đào mương thoát nước, bón phân hữu cơ góp phần hạn chế sự lây lan, phát triển của bệnh chết nhanh, quản lý sâu bệnh hại trên cây tiêu bằng biện pháp tổng hợp, tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến công, đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về cây hồ tiêu từ việc chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác đến phòng trừ sâu bệnh để tạo điều kiện phát triển bền vững ngành hồ tiêu Việt Nam.

Theo Vietnamplus
Categories:

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com