Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

25/3/15

Tin từ các hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Châu Đức cho biết, hiện giá hạt hồ tiêu loại 1 lên tới 200.000 đồng/kg, cao hơn giá cách đây một tuần 15.000 đồng/kg; hạt tiêu sọ giá 310.000 đồng/kg. Giá tiêu cao nhưng nhiều nhà vườn không còn tiêu để bán. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn chưa vội bán, chờ giá có thể tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Mặc dù hạt tiêu đang ở mức giá cao nhưng năng suất, sản lượng thu hoạch vụ tiêu năm nay giảm mạnh khoảng 30% so với vụ trước. Tại một số vùng đã xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần chú trọng xây dựng mô hình vườn tiêu liên kết theo quy trình an toàn, thay thế dần việc canh tác theo tập quán cũ, chất lượng thấp, dịch bệnh; không nên lạm dụng phân bón, thuốc hóa học để chăm sóc mà nên phát triển theo hướng sinh học VietGap để hạt tiêu có chất lượng cao hơn.

LAM GIANG
Theo Báo BRVT

22/3/15

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tại địa bàn BR-VT cho thấy, mặc dù sản lượng hồ tiêu tăng nhưng năng suất tiêu năm nay giảm so với năm 2014.

Tại BR-VT, VPA đã chọn những vườn tiêu đã khảo sát từ năm trước để đối chiếu so sánh, ghi nhận ý kiến đánh giá về kết quả sản xuất của người dân và một số cán bộ chuyên ngành địa phương. Theo đó, VPA đã khảo sát 3 hộ dân tại ấp Phú Thọ, xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc). Năm 2014, 3 hộ dân này thu hoạch 5 tấn, năm 2015 ước đạt 7,5 tấn, nhưng sản lượng tăng là do diện tích tiêu đã cho thu hoạch tăng thêm. Theo đánh giá của VPA, năng suất tiêu tại BR-VT giảm 20-25% so với năm 2014.

Mục tiêu của VPA trong đợt khảo sát lần này là nhằm dự báo sản lượng thu hoạch vụ tiêu 2015 so với năm 2014, qua đó góp phần giúp bà con nông dân và DN có kế hoạch định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, điều tiết tiến độ xuất khẩu cho phù hợp với thị trường năm 2015 đạt kết quả cao.

QUANG ĐẠT
Theo Báo BRVT

Lũy tiến từ 1 tháng 1 đến hết tháng 2 năm 2015, Việt Nam xuất khẩu được 22.497 tấn Hồ tiêu, bao gồm 20.716 tấn tiêu đen và 1.781 tấn tiêu trắng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 207,4 triệu USD, tiêu đen đạt 184,58 triệu USD, tiêu trắng đạt 22,82 triệu USD. So với cùng kỳ 2014, khối lượng xuất khẩu giảm -5,08% tương đương 1.203 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng 28% tương đương 45,46 triệu USD.

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 2 tháng đầu năm 2015 đạt 8.910 USD/tấn, tiêu trắng đạt 12.826 USD/tấn. Mức tăng tương ứng lần lượt là 2.285 USD đối với tiêu đen và 3.155 USD đối với tiêu trắng.
Theo VPA
Bất chấp nguồn cung tăng lên do đã vào thu hoạch rộ, giá tiêu giao ngay tại các thị trường chính trong nước vẫn ổn định, theo Buisiness Line.

Mặc dù áp lực bán từ Karnataka đang gia tăng nhưng nguồn cung từ bang này chủ yếu là hạt tiêu có dung trọng thấp và độ ẩm vẫn còn cao. Các thương nhân địa phương vẫn chào ở mức 510 – 535 Rupi/kg, mức giá ổn định kể từ đầu tuần.

Hôm 18/3, có khoảng 82 tấn tiêu được chuyển đến trong đó có 64 tấn từ huyện Kodagu trong Karnataka và đã được giao dịch ở mức giá 535 – 555 Rupi/kg.

Theo các thương buôn, hạt tiêu đến từ huyện Wayanad và Idukki của bang Kerala khá ít ỏi do có mưa nhỏ và trời âm u kéo dài nhiều ngày qua. Trong khi đó, tiêu ở Dãy núi cao trong Kerala sẽ không sẵn sàng bán với giá dưới 560 Rupi/kg.

Đồng thời, dự báo sự không chắc chắn về 7.000 tấn tiêu bị nhiễm dầu khoáng sẽ được Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Ấn Độ (FSSAI) cho phát hành đã dấy lên mối lo về sự sẵn có của sản phẩm, nguồn tin thị trường đã cho biết trên Business Line.

Giá tiêu giao ngay vẫn ổn định ở mức 53.500 Rupi/tạ (tương đương 8.531 USD/tấn) cho loại tiêu xô và 56.500 Rupi/tạ (tương đương 9.010 USD/tấn) loại tiêu đã sơ chế.

Hôm qua 19/3, trên Sàn Hiệp hội Gia vị IPSTA, hợp đồng tháng Tư, tháng Năm và tháng Sáu tăng lên lần lượt ở mức 58.508 Rupi/tạ, 57.515 Rupi/tạ và 57.505 Rupi/tạ (tương đương 9.329 USD/tấn, 9.711 USD/tấn và 9.169 USD/tấn).

Giá tiêu Ấn Độ xuất khẩu vẫn ổn định ở mức 9.300 USD/tấn (c&f) hàng giao châu Âu và 9.550 (c&f) cho hàng đi Mỹ.

Giá tiêu Việt Nam xuất khẩu vẫn không thay đổi nhưng giá tiêu xô tại thị trường nội địa được báo cáo ở mức cao do nhu cầu theo đường biên mậu.

* Theo báo cáo của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu trong tháng 2/2015 đạt 12.058 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 108,52 triệu USD, tăng 14,9 % về lượng và tăng 9,2 % về giá trị so với tháng trước và giảm 4,5 % về lượng nhưng lại tăng 29,0 % về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 8.999 USD/tấn, giảm 4,98 % so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 1/2015.

* (Tỷ giá: 1 USD = 62,7135 Rupi)
Nguồn Anh Văn (Giacaphe.vn)

11/3/15

Ảnh minh họa
Ngày 6/3/2015, Cục Bảo Vệ Thực Vật (viết tắt BVTV) có Công văn số 371/BVTV-QLSVGHR ban hành Qui trình kỹ thuật phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm hại cây tiêu. CÂY TIÊU VIỆT NAM xin giới thiệu để bà con nông dân và các cán bộ kỹ thuật tham khảo và áp dụng.

QUY TRÌNH KỸ THUẬT
PHÒNG CHỐNG BỆNH CHẾT NHANH, BỆNH CHẾT CHẬM HẠI HỒ TIÊU
(Quy trình tạm thời)

I. MỤC TIÊU
Nhằm đưa ra các biện pháp kỹ thuật phòng chống bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm hại hồ tiêu, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất hồ tiêu theo hướng sản xuất an toàn và bền vững.

II. PHẠM VI ÁP DỤNG
Quy trình kỹ này được phổ biến áp dụng trong các cơ quan chuyên ngành Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; các tổ chức, cá nhân trồng hồ tiêu trên lãnh thổ Việt Nam.

III. TRIỆU CHỨNG, NGUYÊN NHÂN VÀ ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI

A. BỆNH CHẾT NHANH
1. Nguyên nhân gây bệnh
Do nấm Phytophthora spp. gây ra, trong đó 2 loài Phytophthora tropicalis và Phytophthora capsici gây hại nặng hơn cả.

2. Triệu chứng
Bệnh hại vùng rễ, ban đầu các đầu chóp rễ bị biến màu, có mầu nâu nhạt hay nâu ướt, sau chuyển sang nâu đen, rễ bị thối nên không cung cấp đủ nước, dinh dưỡng cho cây làm cho cây bị héo nhanh, mép lá hơi co lại, chuyển màu vàng trước khi rụng. Bổ đôi thân thấy mạch dẫn bị thâm đen. Từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo, sau 1-2 tuần thì cây chết nhưng các thân dây chính vẫn bám trên trụ. Có trường hợp cây chết, lá bị héo khô nhưng không rụng.

3. Đặc điểm phát sinh, gây hại của bệnh chết nhanh
Nấm bệnh phát sinh, xâm nhiễm và gây hại rễ hồ tiêu vào đầu hoặc giữa mùa mưa nhưng cuối mùa mưa cây mới biểu hiện chết hàng loạt, nặng nhất vào khoảng tháng 9-10. Bệnh phát triển và lây lan mạnh trong điều kiện vệ sinh đồng ruộng kém, vườn không được thoát nước tốt, bón phân không cân đối, …

B. BỆNH CHẾT CHẬM

1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh chết chậm (vàng lá chết chậm, bệnh tàn vườn) do sự kết hợp gây hại của tuyến trùng và một số nấm trong đất gây ra.

Tuyến trùng chủ yếu là giống Meloidogyne spp. gây ra các nốt u sưng trên rễ; một số loài tuyến trùng nội ký sinh, ngoại ký sinh khác như Meloidogyne incognita, Rotylenchulus reniformis, Tylenchus sp.; Nấm trong đất như Fusarium solani, Lasiodiplodia theobromae, Rhizoctonia solani, Pythium sp., …).

2. Triệu chứng
Bệnh gây hại vùng rễ, khi gặp điều kiện thuận lợi, các loài tuyến trùng, nấm bệnh phát sinh, gây hại làm cho rễ kém phát triển. Những vết thương do tuyến trùng gây ra là môi trường thuận lợi cho nấm bệnh xâm nhập hại rễ, làm tăng mức độ trầm trọng của bệnh.

Rễ bị tổn thương mất khả năng hấp thu dinh dưỡng và vận chuyển nước, gây hiện tượng vàng lá, cây còi cọc vì thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng. Ngoài tuyến trùng gây hại trực tiếp thì các loài nấm bệnh cũng xâm nhập và gây hại làm cho hệ rễ tơ và rễ chùm bị thối hết, chỉ còn rễ cọc. Lá rụng gần hết chỉ còn lại các dây thân chính.

3. Đặc điểm phát sinh, gây hại của bệnh chết chậm

Các tác nhân gây bệnh chết chậm thường xâm nhập và gây hại nặng vào các tháng mùa khô, nặng nhất là vào các tháng 1-2 và giảm dần vào các tháng mùa mưa. Quá trình này lặp lại trong 2-3 vụ mới làm cho cây hồ tiêu tàn lụi, không còn khả năng phục hồi.

IV. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH CHẾT NHANH, BỆNH CHẾT CHẬM HẠI HỒ TIÊU

1. Sử dụng giống chống chịu, giống sạch bệnh

- Trồng các giống tiêu có năng suất cao ít bị nhiễm bệnh như giống tiêu trâu làm gốc ghép, tiêu trung lá lớn, tiêu trung lá vừa, tiêu sẻ lá lớn.

- Sản xuất và sử dụng hom giống:
Chỉ sử dụng hom giống khỏe từ những cây không bị bệnh; lựa chọn nguồn đất từ vườn không bị bệnh, phơi nỏ hoặc sấy khô, trộn với phân chuồng hoai mục làm bầu giống theo tỷ lệ 4 đất : 1 phân chuồng.
Bổ sung chế phẩm sinh học (có chứa các hỗn hợp của nấm đối kháng như Trichoderma + xạ khuẩn Steptomices + vi khuẩn Bacillus, các vi sinh vật có ích khác và thảo mộc trừ tuyến trùng chứa các hoạt chất Saponin, Ankanoid ) để xử lý đất làm bầu.

- Xử lý hom giống trước khi đưa vào bầu trồng bằng các thuốc trừ tuyến trùng và thuốc trừ nấm có hoạt chất Fosetyl-aluminium 95%, liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì sản phẩm.
- Trong trường hợp kiểm tra vẫn còn nhiều tuyến trùng và nấm bệnh trong bầu giống cần tiến hành tưới bổ sung các chế phẩm sinh học nêu trên, hoặc có thể sử dụng thuốc có hoạt chất Chitosan thời gian cách nhau khoảng 15 - 20 ngày/lần.

2. Biện pháp canh tác

a/ Đất trồng
- Chọn đất trồng có khả năng thoát nước tốt trong mùa mưa, giữ nước trong mùa khô (hoặc tưới chủ động).
- Đào hệ thống thoát nước theo ô bàn cờ, độ sâu 40 - 50 cm (3 hàng ngang một rãnh, 3 hàng dọc 1 rãnh), nếu đất quá dốc thì đào theo hình xương cá. Đào rãnh thoát nước chính sâu > 50 cm xung quanh vườn.
- Xử lý đất trồng: Phơi ải đất trước khi trồng. Trong trường hợp có điều kiện với những vườn tiêu trồng lại trên đất đã bị bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm cần được xử lý đất bằng vôi bột và phân gà tươi với lượng 7-10 kg/hố, ủ tại hố trước khi trồng ít nhất 6-8 tháng và phải lấp đất dày trước khi trồng.
- Tuyệt đối không tạo bồn giữ nước tại gốc tiêu trong mùa mưa.

b/ Tưới nước

- Đảm bảo đủ ẩm cho đất để cây và vi sinh vật trong đất phát triển.
- Nên sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun mưa, thời gian tưới trong mùa khô 15-25 ngày/lần tùy thời điểm.

c/ Bón phân
Bón cân đối giữa phân hữu cơ và phân vô cơ. Bón 10-15 kg phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ sinh học và đạm, lân, kali (lượng bón và cách bón theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

d/ Vệ sinh đồng ruộng
- Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm, thu gom và tiêu hủy triệt để các tàn dư cây bị bệnh, xử lý các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột.
- Cắt cành, dây lươn sát mặt đất để gốc tiêu được thông thoáng.
Hàng năm, khử trùng bề mặt đất bằng vôi bột (không rắc trực tiếp vào gốc và rễ cây) với lượng 1 tấn/ha (chia làm 2 lần, mỗi lần 500kg), hoặc rắc vào rãnh thoát nước để khử trùng nguồn bệnh và nâng cao độ pH của đất (5-7 tạ/ha).

3. Biện pháp sinh học
- Sử dụng chế phẩm sinh học có chứa các hỗn hợp của nấm đối kháng như Trichoderma, xạ khuẩn Steptomices, vi khuẩn Bacillus, các vi sinh vật có ích khác và thảo mộc trừ tuyến trùng chứa các hoạt chất Saponin, ankanoid), nấm ký sinh côn trùng Metarhizium với phân vi sinh, phân hữu cơ hoai mục để phòng trừ nấm và tuyến trùng gây bệnh trong đất.

Sử dụng các chế phẩm sinh học trên để bón kết hợp với các đợt bón phân cho cây, rắc chế phẩm (trong vùng rễ) rồi phủ lớp đất lên. Trong mùa khô có thể hòa chế phẩm sinh học trong nước để tưới kết hợp.

4. Biện pháp hoá học
Thuốc hoá học phải được sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng, chỉ sử dụng các thuốc đã được đăng ký sử dụng trên cây hồ tiêu trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam.

- Đối với bệnh chết nhanh:

+ Những vườn đã có ổ bệnh chết nhanh từ vụ trước, tiến hành xử lý phòng bệnh bằng thuốc hóa học 1 lần vào đầu mùa mưa.

+ Xử lý ổ bệnh: Tiến hành vào đầu hoặc giữa mùa mưa, xử lý thuốc 2 lần cách nhau 7-10 ngày.
Xử lý các cây tiêu chớm bị bệnh và các cây xung quanh vùng bệnh bằng các loại thuốc có hoạt chất axít Phosphoric, hoạt chất Fosetyl-aluminium (95%), hoạt chất Metalaxyl. Nồng độ, liều lượng thuốc sử dụng theo khuyến cáo trên bao bì.

Cần bổ sung các chế phẩm có hoạt chất Chitosan sau những lần dùng thuốc hóa học để tăng cường hệ vi sinh vật có ích cho cây tiêu.

- Đối với bệnh chết chậm:
Khi bệnh chết chậm xuất hiện sử dụng các loại thuốc trừ tuyến trùng, thuốc trừ nấm bệnh, thuốc trừ rệp sáp để phòng trừ, nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì. Xử lý thuốc 1-2 lần, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày, xử lý các cây bị bệnh và các cây xung quanh vùng cây bị bệnh.

Trừ tuyến trùng: Dùng các thuốc trừ tuyến trùng vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, nếu đã sử dụng chế phẩm sinh học thì chỉ sử dụng thuốc hóa học 1 lần (vào tháng 4 hoặc tháng 10).

Trừ nấm đất: Sử dụng thuốc có hoạt chất Carbendazim, Metalaxyl, Mancozeb, … xử lý 1 hoặc 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa bằng phương pháp tưới hoặc sục gốc. Khi sử dụng thuốc BVTV phải đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo trên bao bì.

Lưu ý: không được xử lý thuốc hóa học vào vị trí đã bón chế phẩm sinh học; nếu diện tích đã nhiễm bệnh cần xử lý thuốc hóa học thì phải xử lý thuốc hóa học trước khi bón chế phẩm 15-20 ngày.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trồng hồ tiêu và các tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng chống bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm hại hồ tiêu.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh cần báo cáo kịp thời về Cục Bảo vệ thực vật để cùng phối hợp, giải quyết.
CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT

6/3/15

Đến thời điểm này, người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bước vào chính vụ thu hoạch tiêu mùa 2014-2015 với niềm vui được giá. Theo Sở NN-PTNT, đây là năm thứ 4 liên tiếp giá tiêu đứng ở mức cao; hiện giá bán giao động trong khoảng 160-175.000 đồng/kg, tùy theo loại. Theo người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh, năng suất tiêu thấp hơn so với mọi năm do thời tiết không thuận lợi, nhưng giá bán lại cao hơn so với đầu vụ năm 2013-2014 là 40.000 đồng/kg.
Nông dân xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) chăm sóc tiêu.
Theo Sở NN-PTNT, trên 97% diện tích tiêu của tỉnh được trồng trên đất bazan và tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, diện tích còn lại phân bố ở huyện Đất Đỏ, Tân Thành và TP. Bà Rịa. Xác định là cây trồng chủ lực, tỉnh đã quy hoạch vùng phát triển hồ tiêu tập trung đến năm 2020 là 8.150ha trên địa bàn 5 huyện và thành phố; năng suất bình quân đạt 2,3 tấn/ha. Tuy nhiên, hiện tại diện tích trồng tiêu của tỉnh lên đến hơn 9.000ha, trong đó gần 7.500ha tiêu đã cho thu hoạch.

Tin, ảnh: QUANG ĐẠT
Theo Báo BRVT

1/3/15

Ảnh minh họa
Giá hạt tiêu tuy đã trải qua một đợt tăng giá ngoạn mục trong sáu năm liên tiếp nhưng rất có khả năng sẽ tăng thêm do nhu cầu toàn cầu tiếp tục vượt quá nguồn cung.

“Chúng tôi nghĩ rằng giá hạt tiêu sẽ vẫn mạnh ít nhất là cho đến năm 2016 do tình hình cung ứng ngắn hạn toàn cầu,” ông Datuk Grunsin Ayom Tổng giám đốc Ủy Ban Hồ tiêu Malaysia (MPB), nói.

Tuy nhiên, ông từ chối dự đoán tiềm năng giá sẽ đảo ngược sau khi đã gia tăng một cách mạnh mẽ trên các thị trường năm ngoái.

Năm 2014, giá tiêu trắng Kuching loại 1 đóng cửa năm ở 38.000 RM/tấn so với 29.000 RM/tấn vào năm 2013, tức tăng 31%, trong khi tiêu đen tăng vọt lên 28.000 RM/tấn từ 19.600 RM/tấn đóng cửa năm 2013, tăng tới 42%, một con số khổng lồ.

Tuy nhiên, giá tiêu trắng lẫn tiêu đen đã giảm trở lại ở 36.500 RM/tấn và 26.000 RM/tấn vào hôm thứ Ba tuần trước (ngày 17/2) và duy trì giá ở mức cao cho cả hai loại khi bắt đầu bước vào năm mới.

Còn nhớ, lần cuối cùng giá tiêu trắng chọc thủng mốc 30.000 RM/tấn là năm 1990 trước khi thị trường phải trải qua một giai đoạn củng cố dài. Giá đột ngột tăng mạnh trở lại bắt đầu từ năm 2009.

Trong báo cáo thị trường năm 2014, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho biết giá tiêu đen bắt đầu từ 7.633 USD/tấn trong tháng Giêng và đạt 9.726 USD/tấn – mức cao hơn bao giờ hết – lúc gần cuối năm, đạt mức tăng 27% trong vòng một năm.

Lý do chủ yếu được các thị trường đưa ra là nguồn cung “rất hạn chế” từ các nước sản xuất vì sản lượng của họ thấp hơn. Theo IPC, sản lượng toàn cầu của năm 2014 đã giảm 336.000 tấn so với 379.000 tấn của năm 2013 do mùa màng đã bị ảnh hưởng từ thời tiết bất lợi.

Ông Grunsin cho biết dựa trên các số liệu IPC, nhu cầu thế giới đối với hạt tiêu đã tăng khoảng 4% mỗi năm so với tốc độ tăng trưởng sản xuất là 0,7% mỗi năm. Năm 2015 dự báo sản lượng toàn cầu khoảng 340.000 tấn so với nhu cầu khoảng 380.000 tấn, và do đó nguồn cung sẽ thiếu hụt 40.000 tấn.

“Nhu cầu hạt tiêu tiếp tục tăng trưởng bất chấp mức giá kỷ lục. Nhưng chúng ta cần phải thận trọng vì hạt tiêu cũng giống như bất kỳ loại hàng hóa khác, có thể bị biến động giá do vụ mùa mới sắp vào thị trường”, ông nói thêm.

Đưa ra một dẫn chứng, ông nói Campuchia, một quốc gia sản xuất mới, đã nâng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của mình lên con số 8.000 tấn trong năm ngoái.

Ông cho rằng sự gia tăng nhu cầu tiêu để tăng ăn xu hướng của người tiêu dùng đối với thực phẩm nhiều gia vị, fusion nấu ăn, công dụng của gia vị như hương liệu tự nhiên, ví dụ, trong mì ăn liền.

Việt Nam, nhà sản xuất và cung cấp hạt tiêu hàng đầu thế giới, đã xuất khẩu 146.400 tấn hạt tiêu các loại trị giá 1,2 tỷ USD năm ngoái, cao hơn nhiều so với 134.442 tấn, trị giá 890 triệu USD trong năm 2013.

Việt Nam chiếm khoảng 30% sản lượng hạt tiêu thế giới và 50% khối lượng xuất khẩu toàn cầu. Indonesia, Ấn Độ, Brazil và Malaysia – tất cả các thành viên IPC – đều là nhà sản xuất ở top đầu thế giới.

Theo ông Grunsin, sản lượng hạt tiêu năm ngoái của Malaysia khoảng 26.500 tấn, trong đó đã xuất khẩu 12.400 tấn, đem về cho đất nước hơn 300 triệu RM ngoại hối. Bên cạnh hạt tiêu, Malaysia còn xuất khẩu tiêu bột, tiêu ngâm nước muối và tiêu tiệt trùng với số lượng lớn.

Malaysia còn là quốc gia nổi tiếng, cung cấp hạt tiêu chất lượng và các sản phẩm tiêu, rất đáng tin cậy trong việc thực hiện các hợp đồng với khách hàng kinh doanh gia vị nước ngoài.

Diện tích của các trang trại trồng tiêu ở Malaysia hiện có vào khoảng 15.500 ha, chủ yếu là của nông dân sản xuất nhỏ. Bang Sarawak chiếm hơn 95% sản lượng hạt tiêu của Malaysia trong khi Johore và Sabah là các bang trồng tiêu khác.

Một số bang khác ở bán đảo cũng đã đầu tư vào trồng tiêu, với một vài quy mô thương mại, trong những năm vừa qua.

“Do việc trồng mới, chúng ta có thể kỳ vọng sản lượng hạt tiêu sẽ tăng trong khoảng hai năm tới.

“Sự thúc đẩy trong năm nay là mở rộng các vùng trồng và thực hiện các hoạt động tái canh,” ông Grunsin nói thêm rằng cây tiêu sẽ mất khoảng ​​30 – 36 tháng mới bắt đầu ra bông.

Tỷ giá: 1 USD = 3,6043 RM
Theo giatieu/ thestars.com.my
Ảnh minh họa
  Cục Thống kê Đồng Nai cho biết, trong gần 2 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu hạt tiêu đạt gần 900 tấn với kim ngạch hơn 11 triệu USD, tăng 54% về lượng và 150% về giá trị. Như vậy, giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân trên 12.200 USD/tấn (tương đương 245 ngàn đồng/kg), trong đó bao gồm cả tiêu đen và tiêu sọ. Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Thị trường xuất khẩu tiêu lớn của Đồng Nai là Ấn Độ, Hoa Kỳ và một số nước ở châu Mỹ Latinh.

Tại Đồng Nai, giá hạt tiêu đen người dân bán cho các đại lý là 162-166 ngàn đồng/kg. Hiện đang vào cuối vụ thu hoạch tiêu của nông dân trong tỉnh và khu vực phía Nam. Hạt tiêu là nông sản giữ được mức giá cao trong vòng gần 4 năm liền.


Hương Giang
Theo Báo Đồng Nai
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com