Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

20/3/16

Mr Hiển - trình bày giải pháp
Hôm nay lúc 8:00 ngày 20/3/2016 tại Huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hội những người trồng tiêu Châu Đức - Xuyên Mộc - Cẩm Mỹ (facebook) đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề "Chăm sóc cây tiêu sau thu hoạch", thời điểm này tuy đã vào thời kỳ cao điểm vụ mùa thu hoạch nhưng không ít các bà con nông dân đã bỏ thời gian đến dự.

Tham dự buổi hội thảo ngoài lực lượng nòng cốt là các nông dân  trồng tiêu ở Quảng Thành, Bình Giả, Kim Long, Xuyên Mộc, Láng Lớn, Xuân Sơn, Đá Bạc, Ngãi Giao,... còn có sự hiện diện của Công ty TOBA - nhà cung cấp về phân bón và cũng là nhà tài trợ cho buổi tiệc hôm nay , đại diện công ty cung cấp giải pháp tưới tự động Netafim.


Chương trình hội thảo hôm nay đựợc Ban tổ chức chia làm 3 phần chính:
 - Phần 1: Tham  quan một số vườn tiêu tiêu biểu
 - Phần 2: Trình bày phương pháp chăm sóc cây tiêu sau thu hoạch + Giải đáp kỹ thuật
 - Phần 3: Tiệc liên hoan và giao  lưu

Buổi hội thảo đã kết thúc lúc 14h15 cùng ngày, mọi người ra về rất phấn khởi và hứa hẹn cho một mùa bội thu vào năm sau

Sau đây là một số hình ảnh của buổi hội thảo:
Vừa café vừa đợi chiến hữu


Điểm đến đầu tiên là vườn anh Khoa ở Quảng Thành

Chia sẻ ,.....

Vườn tiêu của Mr Dũng - Kim Long
Hệ thống tưới tự động - công nghệ Israel


Mr Dũng - ông chủ vườn tiêu


Mr Hiển - trình bày giải pháp

Ms Thu - Giám đốc Công ty TOBA



Thái LÊ


Đến đầu tháng 3, huyện Lộc Ninh có gần 1 ngàn hécta hồ tiêu bị thiếu nước tưới do các con suối, giếng và hồ thủy lợi đã cạn nước. Diện tích tiêu thiếu nước tưới tập trung chủ yếu ở các ấp, sóc trên biên giới, trong đó có hồ tiêu của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Vườn tiêu ở Lộc Thiện đang bị chết do thiếu nước tưới
Theo kinh nghiệm của nông dân, nếu 1 tháng không có nước tưới thì vườn tiêu sẽ bị chết và với cây tiêu tái canh trên nền đất cũ là rất khó. Tiêu chết, nhà vườn trắng tay, dễ lâm vào cảnh nợ nần. Vì vậy, bà con phải tính toán chọn đất phù hợp và đủ nước tưới trong mùa khô, không nên liều chơi “canh bạc” hồ tiêu khi thấy giá cao.


P.T
Theo Bình Phước Online
Do nguồn nước ngày càng khan hiếm, nhất là vào mùa khô nên đầu năm 2016 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tiến hành thử nghiệm 16 mô hình tưới nước tiết kiệm, với tổng diện tích 8 ha trong sản xuất hồ tiêu ở các huyện, thị xã.
Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư Đắk Mil hỗ trợ mô hình tưới nước nhỏ giọt cho các hộ đồng bào M’nông ở bon Đắk R’la, xã Đắk N’drót. Ảnh: Hồ Mai
Tại huyện Cư Jút, Trung tâm triển khai 2 mô hình tưới nước tiết kiệm, với tổng kinh phí đầu tư trên 32 triệu đồng/1 ha. Qua 2 tháng lắp ráp và đưa vào sử dụng, mô hình tưới nước tiết kiệm này đã phát huy tác dụng. Mô hình gồm một đường ống chính và các bộ phận: Máy bơm, bộ điều khiển trung tâm và ống dẫn đến từng luống hồ tiêu. Trên đường ống, tại những gốc hồ tiêu đều được gắn một béc tưới nước.

Chị Nguyễn Thị Út ở thôn 1, xã Chư K’nia được chọn thí điểm mô hình tưới nước tiết kiệm trong sản xuất hồ tiêu cho biết: Cách tưới nhỏ giọt cho cây tiêu không những giảm thiểu được lượng nước thất thoát mà còn tiết kiệm lượng điện tiêu thụ, giúp đất tơi xốp và giảm đáng kể chi phí sản xuất. Đặc biệt là tiết kiệm đáng kể công lao động, vì cách tưới cũ phải có người trực tiếp tưới, khi gốc này đầy thì chuyển đường ống nước sang gốc khác. Tưới theo mô hình tưới nước mới tiết kiệm thì chỉ cần bật cầu giao máy bơm nước, mở từng van theo từng luống hồ tiêu để tưới theo hàng. Tuy lượng nước không nhiều nhưng nhờ được thẩm thấu nên giữ được độ ẩm lâu.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Lợi ở thôn 1, xã Trúc Sơn thì với 1.200 gốc hồ tiêu của gia đình, nếu tưới theo cách truyền thống sẽ tốn khoảng 100 khối nước, trong khi tưới nhỏ giọt chỉ cần 30 khối. Ngoài ra, phương pháp tưới tiết kiệm còn giúp cây hồ tiêu tròn hạt và cho sản lượng cao hơn bình thường do lượng nước được cung cấp đầy đủ và đồng đều.

Việc tưới nước theo phương pháp tiết kiệm giúp cây hồ tiêu có được nguồn nước và các chất dinh dưỡng khác ngay từ khi mới ra bông và kết hạt, phát triển tốt đồng đều, tăng năng suất và nâng cao chất lượng hạt tiêu. Đây là mô hình hay có thể nhân ra diện rộng, đồng thời, giúp các ngành chức năng, nhất là ngành Nông nghiệp đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

 
Theo  Báo Đắk Nông

9/3/16

Mới đây, Bộ Y tế Tây Ban Nha đã cảnh báo hạt tiêu đen nhập khẩu từ Việt Nam bị phát hiện có hàm lượng chất diệt nấm Carbendazim vượt quá giới hạn. Trước mắt, Tây Ban Nha sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với việc nhập khẩu hạt tiêu đen tại các cửa khẩu của Việt Nam. Biện pháp này sẽ được duy trì cho đến khi đảm bảo kiểm tra chất lượng chính thức từ nơi xuất xứ, kết quả kiểm tra các lần tới đạt yêu cầu, hoặc cho đến khi Ủy ban châu Âu ban hành các biện pháp kiểm tra chung cho các nước thành viên.

Đây không phải là lần đầu tiên DN xuất khẩu hồ tiêu của VN bị đối tác trả hàng và có những cảnh báo về chất lượng. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nhiều năm qua, hồ tiêu xuất khẩu luôn đạt mức giá cao nhưng chưa bền vững bởi chất lượng chưa bảo đảm. Hiện nay, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Tây Ban Nha, Đức, Anh… là các thị trường chính nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam. Riêng thị trường Tây Ban Nha, nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là những thị trường luôn đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng.

Trong vài năm trở lại đây, diện tích hồ tiêu tăng nhanh, không đúng quy hoạch, thiếu giống tốt, sản xuất quy mô nông hộ và tình trạng người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng hồ tiêu xuất khẩu của nước ta. Hiện 90% sản phẩm hồ tiêu được sản xuất từ nông hộ nhỏ, được sản xuất rời rạc, canh tác theo kinh nghiệm. Trong khi đó, yêu cầu kiểm soát được vệ sinh, an toàn với hồ tiêu không dễ, đòi hỏi nỗ lực của nhiều đối tượng cùng tham gia trong chuỗi, từ nhà cung cấp vật tư đầu vào tới nông dân, thương lái, DN xuất khẩu…

Thời gian gần đây, do diện tích hồ tiêu tăng nóng, vượt quá quy hoạch khiến cho dịch bệnh khó kiểm soát. Trước thực trạng nêu trên, vấn đề đặt ra hiện nay cho ngành hồ tiêu BR-VT nói riêng, cả nước nói chung là phải xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng cũng như sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cụ thể là tăng cường công tác tập huấn cho nông dân trồng tiêu, đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn thâm canh cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sinh học bền vững, tạo ra sản phẩm hồ tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng hồ tiêu theo chuỗi, từ sản xuất, cơ sở thu mua đến các DN xuất khẩu.

NGÔ GIA
Theo Báo BRVT
Cùng với Ấn Độ, thời gian đầu năm luôn là thời điểm thu hoạch rộ của hồ tiêu Việt Nam. Tính đến đầu tháng 3, thông tin từ nông dân các vùng trọng điểm hồ tiêu như Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, BR-VT, Đồng Nai … cho biết hiện đã thu hoạch được khoảng 50% sản lượng.

Những vùng trồng nhiều giống tiêu Vĩnh Linh đã gần thu hoạch xong. Giống tiêu Sẻ chín muộn hơn nên sẽ thu rộ cuối tháng 3 tới giữa tháng 4. Thời tiết vụ 2016 rất khô nên hạt tiêu sau thu hoạch nhanh đạt độ ẩm cần thiết để bảo quản.

Các nhà vườn đều có chung nhận định năng suất các vườn tiêu vụ 2016 đều kém chút ít so với vụ trước nhưng do vùng nào cũng có vườn tiêu trồng mới bắt đầu cho thu hoạch nên sản lượng chung vẫn ổn định như năm trước.

Giá hồ tiêu trong Tháng 2 - đầu tháng 3 là thời điểm đang thu hoạch rộ, lượng cung tăng nên có xu hướng giảm theo qui luật thông thường. Giá tiêu đen xô trong tháng 2 trung bình đạt khoảng 150.000-152.000 đồng/kg, thấp hơn đáng kể so với giá TB T12/ 2015 (170.000đ/kg). Trong tuần đầu tháng 3, giá tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt những ngày từ 3/3/2016-6/3/2016 giá chỉ khoảng 130.000 -134.000 đ/kg. Từ ngày 7/3/2016, giá bắt đầu nhích trở lại chút ít, giao động trong khoảng 140.000 đ/kg. 

Giá vùng Đông Nam Bộ cũng vẫn thường cao hơn 2-3 giá so với Khu vực Tây Nguyên. Giá giảm được nông dân trồng hồ tiêu cho rằng có một số nguyên nhân:
(i)    Qui luật năm nào vào vụ thu hoạch rộ giá cũng có xu hướng giảm;
(ii)    Thời điểm này đang chịu sự nghi ngại, ngập ngừng của một số thị trường nhập khẩu về dư lượng thuốc BVTV trên hồ tiêu nhập từ Việt Nam;
(iii)    Một số nhà thu mua trong nước và quốc tế có kinh nghiệm đã kéo được giá xuống.

Tuy nhiên, với những nông dân trồng tiêu lớn, có vài hecta trở lên, đã trồng hồ tiêu lâu năm, đặc biệt nông dân những vùng trồng theo hướng canh tác hữu cơ, bền vững, tiêu có chất lượng tốt ở Đồng Nai, BR-VT v.v thì thái độ mua bán lại khá bình tĩnh. Họ cho rằng với thời tiết toàn cầu đang có xu hướng không thuận lợi cho sự phát triển của cây hồ tiêu trong năm 2016 như El Nino sẽ ảnh hưởng mạnh tới các vùng trồng hồ tiêu của Indonesia, Brazil …và kể cả Việt Nam trong thời gia tới thì nguồn cung toàn cầu khó có sự bứt phá để đáp ứng nhu cầu đang có xu hướng tăng. Họ tin rằng nếu có hạt tiêu sạch họ sẽ vẫn luôn bán được giá.

Theo VPA
Trồng tiêu ôm cây tràm đang được xem là mô hình sáng tạo, hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất phèn mặn ở tỉnh Hậu Giang. Việc sử dụng thân của cây tràm sống làm trụ để dây hồ tiêu leo bám, ngoài việc giúp bà con nông dân cải tạo vườn tạp, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, còn góp phần phát triển diện tích rừng tràm ở địa phương.
Ông Dương Thanh Bình, ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ chăm sóc vườn tiêu trồng dưới gốc tràm vùng đất phèn mặn.
Mô hình chuyển đổi hiệu quả

Trở lại vùng đất phèn huyện Long Mỹ (Hậu Giang) sau những ngày vui Xuân, đón Tết, đâu đâu cũng nghe bà con nông dân râm ran bàn tính chuyện làm ăn, đặc biệt là cây hồ tiêu trồng ôm cây tràm. Mô hình cây hồ tiêu ôm cây tràm cho hiệu quả kinh tế cao. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà ông Dương Thanh Bình ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn, là người đầu tiên đưa cây hồ tiêu bén rễ ở vùng đất phèn này. Ông Bình kể rằng, trước đây vùng này đất bị nhiễm phèn nặng lắm, chỉ trồng được cây tràm, mía, khóm (dứa), còn lúa thì làm được một vụ vào mùa mưa, nhưng hiệu quả thấp. Ông từng trồng sầu riêng, rồi nhãn, vú sữa, cam, nhưng không hiệu quả… phải đốn bỏ. Trong lúc chưa biết chọn cây gì để chuyển đổi, ông nghe đứa con đi chơi ở Ba Hồ (Kiên Giang) về, kể mô hình trồng tiêu bên gốc tràm tốt dữ lắm, hiệu quả kinh tế cũng cao. Thế là ông đi tham quan học hỏi cách trồng.

Năm 2010, tận dụng số cây tràm hơn một năm tuổi sẵn có và một nọc tiêu của gia đình trồng để ăn sau nhà, ông Bình bắt đầu chiết ra trồng thử nghiệm 80 nọc tiêu. Do chưa có kinh nghiệm, nên chỉ có phân nửa số nọc tiêu phát triển tốt. Nhưng cũng từ số nọc tiêu này, ông lấy giống nhân rộng từ từ lên một nghìn nọc tiêu. Hiện, số nọc tiêu của ông được 2 đến 3 năm tuổi và cho thu hoạch. Năm 2015, ông thu được 800 kg tiêu khô (1 kg tiêu khô bằng 3 kg tiêu tươi), bán với giá 220 nghìn đồng/kg. Theo ông Bình, một nọc tiêu từ 5 đến 6 năm tuổi có thể thu hoạch từ 4 đến 5 kg tiêu khô và trên nữa thì thu hoạch từ 6 đến 7 kg tiêu khô. Thông thường một nọc tiêu có thể thu hoạch trên 20 năm, khi đó ta còn có thêm nguồn thu từ cây tràm.

Nói về kỹ thuật, ông Bình chia sẻ: Trước tiên là trồng cây tràm hơn một năm tuổi phải đào sâu từ 5 đến 7 tấc, tiếp giáp với mặt nước, sau đó dùng vôi bột rải lên gốc tràm để hạ độ phèn trước khi đặt dây tiêu, với mật độ từ 1,5 đến 2 m một nọc tiêu và chỉ sử dụng phân chuồng. Với kỹ thuật này, tràm và tiêu không cạnh tranh dinh dưỡng với nhau, quá trình sinh trưởng của tràm và tiêu đều bảo đảm.

Sau khi trồng, cần bón nhiều phân chuồng và phân hữu cơ. Liều lượng bón sẽ tăng theo sự phát triển của cây nhằm tạo độ tơi xốp, có nhiều dinh dưỡng cho tiêu phát triển. Phân hữu cơ có tác dụng tạo môi trường sống cho nhiều sinh vật đối kháng làm giảm nấm bệnh cho tiêu… “Nói chung, trồng tiêu rất dễ, nhẹ công chăm sóc. Nếu dây tiêu phát triển tốt, đúng sức từ 7 năm tuổi trở lên thì hiệu quả một công tiêu bằng 40 công lúa !” - ông Bình so sánh và cho biết chi phí cho một nọc tiêu từ khi trồng đến cho thu hoạch (3 năm), bao gồm bầu tiêu giống (6 nghìn đồng), cây tràm (20 nghìn đồng), tiền công lên liếp, phân bón… khoảng 100 nghìn đồng. Sau ba năm, một nọc tiêu cho thu hoạch khoảng 1 đến 2 kg tiêu khô, đủ lấy lại vốn. Có thể nói, mô hình này phù hợp với hộ nghèo, ít đất sản xuất, chỉ cần một đến hai công đất trồng tiêu, thì chẳng những có cơ hội thoát nghèo mà còn có thể làm giàu!

Khuyến khích nhân rộng

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Long Mỹ Lê Hồng Việt nhìn nhận: Qua theo dõi, mô hình trồng tiêu trên gốc tràm ở vùng đất phèn được đánh giá thật sự có hiệu quả. Có thể dùng nhiều loại cây để làm nọc tiêu, nhưng chỉ sau vài năm thì nọc sẽ bị gãy đổ hoặc chết, còn đầu tư trụ xi-măng thì rất tốn kém. Trong khi đó, tràm là loại cây lâu năm, có nhiều lớp vỏ, giữ nước tốt, vì thế làm nọc tiêu sẽ không lo bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tán tràm còn giúp dây tiêu hạn chế được ảnh hưởng của thời tiết bất lợi. Điều khá thú vị là các vườn tiêu đều phát triển tốt, năng suất khá cao, ít bị sâu bệnh. Qua tìm hiểu thấy rằng, từ bộ rễ của cây tràm tiết ra một số chất diệt được các nấm bệnh trên cây tiêu. Đây thật sự là mô hình giảm nghèo hiệu quả, cần nhân rộng. Thực tế đã có nhiều bà con mạnh dạn chuyển đổi, đến nay qua thống kê sơ bộ toàn huyện Long Mỹ đã có hơn 10 ha trồng tiêu bên gốc tràm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang Nguyễn Vĩnh Phúc, năm 2009, diện tích tràm của huyện Long Mỹ là 431 ha, hiện nay chỉ còn 226 ha. Nguyên nhân diện tích rừng giảm là do trồng tràm cho thu nhập thấp nên người dân đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Việc trồng tiêu ôm cây tràm được xem là mô hình hay, vừa giúp địa phương phát triển diện tích, tăng độ che phủ của rừng tràm, vừa giúp bà con tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Ở tỉnh Hậu Giang có hơn 50 nghìn ha đất nhiễm phèn, tập trung ở các huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy và TP Vị Thanh. Đất phèn rất khó sản xuất cây trồng, nhưng việc nông dân dùng cây tràm sống làm trụ để trồng hồ tiêu mang hiệu quả kinh tế cao là cách làm sáng tạo. Mặc dù hiện nay diện tích còn ít so với các loại cây trồng khác, nhưng hồ tiêu hứa hẹn sẽ mang đến thu nhập khá cho người dân ở vùng đất phèn này. Đây thật sự là một mô hình làm ăn mới cần được các ngành có liên quan nghiên cứu và nhân rộng ở từng địa phương có điều kiện thích hợp, trên cơ sở có quy hoạch phát triển phù hợp, theo hướng sản xuất hồ tiêu hữu cơ và bền vững.

Giám đốc Sở NN và PTNT Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho biết: Để nhân rộng mô hình này, trước tiên các huyện có đất bị nhiễm phèn cần tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi, trên cơ sở tổ chức cho bà con tham quan thực tế mô hình trồng tràm - tiêu. Song song đó, để hỗ trợ bà con cải tạo vườn tạp chuyển sang mô hình này thì có thể lồng ghép vào Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh. Trong đề án này, người dân sẽ được hỗ trợ vay 70% tổng nhu cầu vốn cho mô hình sản xuất và được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất trong hai năm đầu. Mặt khác, trong chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020 của tỉnh cũng đã có chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm xây dựng các mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp, trong đó chú trọng mô hình tràm - tiêu để nhân rộng ở các địa phương có đất phèn.

Phùng Văn Dũng
Theo Báo Nhân Dân

1/3/16

Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam liên tục chiếm lĩnh thị trường sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% sản lượng xuất khẩu hồ tiêu trên toàn cầu. Hiện Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đến hơn 100 thị trường khác nhau.

Sản lượng giảm,  giá trị tăng


Hiện diện tích hồ tiêu cả nước trên 60.000ha, chiếm gần 10% diện tích hồ tiêu toàn cầu. Trong đó, diện tích trồng hồ tiêu tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên. Năm 2015, mặc dù do ảnh hưởng tiêu cực từ tác động biến đổi khí hậu khiến sản lượng hồ tiêu Việt Nam giảm đáng kể.

Tuy nhiên, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của cả nước khoảng gần 130.000 tấn hồ tiêu, đạt giá trị gần 1,24 tỷ USD, sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; và chiếm đến trên 50% sản lượng xuất khẩu toàn cầu.
Nhiều hộ nông dân ở Chư Pưh đổi đời nhờ hồ tiêu
Trong những năm gần đây, hồ tiêu Việt Nam liên tục được giá, giá trị xuất khẩu bình quân tính khoảng 9.528 USD/tấn. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2015, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam giảm so với năm 2014, song kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể nhờ giá mặt hàng này trên thị trường thế giới tăng.

Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam liên tục chiếm lĩnh thị trường sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% sản lượng xuất khẩu hồ tiêu trên toàn cầu. Hiện Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đến hơn 100 thị trường khác nhau.

Vì vậy, hồ tiêu Việt Nam đang giữ vai trò chi phối ngành hàng này trên thế giới. Điều này lý giải tại sao mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm trong năm 2015, song trong những thời điểm khác nhau đối với cung cầu thị trường thế giới nên giá hồ tiêu Việt Nam vẫn luôn được giữ ổn định ở mức trung bình 180.000-200.000 đồng/kg từ năm 2007.

Đầu tư vốn hiệu quả cao


Điều này đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho người nông dân trồng tiêu tại khu vực Tây Nguyên. Giám đốc Agribank Chư Pưh Lưu Minh Hùng cho biết, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân như được “chắp thêm cánh”. Nay đâu đâu cũng gặp triệu phú, tỷ phú “chân đất”. Giàu lên từ nông nghiệp, đặt biệt là các hộ nông dân trồng hồ tiêu giàu lên rất nhanh.

Giám đốc Hùng cho hay, đến thời điểm hiện nay, chỉ tính riêng tại huyện Chư Pưh – thủ phủ hồ tiêu của Tây Nguyên - có tổng diện tích trên 2.300ha. Đây là loại cây trồng chủ lực của địa phương. Dưới góc nhìn ngân hàng, Giám đốc Lưu Minh Hùng đánh giá, hiện tổng dư nợ cho vay của chi nhánh trên 481 tỷ đồng, nhưng dư nợ cho vay đầu tư trồng và chăm sóc cây tiêu chiếm đến trên 70% tổng dư nợ.

Nhưng xét về chất lượng tín dụng của Agribank Chư Pưh hiện đang rất tốt, nợ xấu chỉ dưới 0,3% trên tổng dư nợ. Nhưng số nợ xấu của chi nhánh không phải xuất phát từ việc cho hộ dân vay trồng tiêu mà đây là số nợ xấu tồn đọng từ việc cho vay trồng cao su tiểu điền theo chủ trương chung của địa phương, do giá cao su xuống thấp người dân không cạo mủ nên dẫn đến việc chưa trả nợ.

Với những lý giải của ông Lưu Minh Hùng cho thấy, việc đầu tư vốn cho cây hồ tiêu mang lại hiệu quả rất cao. Điều này đồng nghĩa, các hộ dân trồng tiêu vẫn đang “ăn nên, làm ra” với cây hồ tiêu.

Giám đốc Hùng khẳng định, có thể nói đến thời điểm hiện tại chưa có hộ dân nào trồng tiêu trên địa bàn thất bại vì tiêu chết cả, làm mất vốn vay... Bởi giá tiêu liên tục ở mức cao trong 7 năm qua, những vườn tiêu bị chết là bà con nông dân đã thu hồi vốn đầu tư và có lãi từ lâu, đến thời kỳ già cỗi thì cây tiêu chết là chuyện bình thường đối với vòng đời của một loại cây trồng nên không tác động nhiều điều đời sống kinh tế của người dân nơi đây.

Thực tế cho thấy, cây hồ tiêu thực sự mang lại sự đổi đời cho bà con nông dân khu vực Tây Nguyên. Để có được điều đó cũng chính nhờ sự mạnh dạn đầu tư vốn của hệ thống ngân hàng trên địa bàn, giúp người nông dân nắm bắt kịp thời cơ hội làm ăn.

Đứng trước vườn tiêu hơn 5.000 trụ đang phát triển xanh mượt (cả một gia sản hơn chục tỷ đồng), hứa hẹn một vụ mùa bội thu cho niên vụ tới, ông Ngô Kim Anh, xã Ia Phang, Chư Pưh phấn khởi cho biết, trước đây gia đình nghèo lắm vì không có vốn làm ăn nên đầu tư nhỏ lẻ, năm được năm mất.

Nhưng từ khi được vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất, rồi dần dà khá lên. Có của ăn của để và thoát khỏi cuộc sống tạm bợ... Niên vụ 2015 - 2016 này, giá ổn định trên 180.000 đồng/kg, với 5.000 trụ tiêu ăn chắc hơn 2 tỷ đồng. Gần đây, nhờ giá tiêu liên tục tăng nên bà con ở địa phương giàu lên rất nhiều.

Công Thái
Theo thoibaonganhang.vn
Theo thống kê mới đây của Sở Nông nghiệp- PTNT thì đến tháng 2/2016, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đã lên tới con số 17.188 ha, vượt xa kế hoạch đến năm 2025 chỉ dừng lại ở mức 12.951 ha.
Một hộ dân ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song) xót xa trước vườn hồ tiêu bị chết rụi
Quyết định số 230/QĐ-SNN ngày 17/6/2015 của Sở Nông nghiệp–PTNT về việc ban hành kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thì cây hồ tiêu được xem là cây trồng tạo hàng hóa xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh.

Tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển hồ tiêu ở quy mô vườn gia đình, trang trại nông lâm kết hợp và chú trọng hướng dẫn nông dân trồng bằng cây trụ sống hoặc xây trụ bê tông, gạch. Đến năm 2020, tỉnh ổn định diện tích hồ tiêu ở mức 14.907 ha, sản lượng đạt 40.873 tấn. Đến năm 2025, diện tích hồ tiêu trên toàn tỉnh còn 12.951 ha, sản lượng 44.045 tấn. Hồ tiêu được bố trí trồng nhiều ở các huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Chư Jút.

Diện tích hồ tiêu tăng nhanh có nhiều lý do. Trước hết do hồ tiêu đang là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân phát triển một cách nhanh chóng. Việc chặt phá cà phê, cao su, điều mà không bảo đảm thời gian luân canh với cây trồng khác là nguyên nhân chính gây bệnh cho những vườn tiêu trong những năm trồng mới.

Trong khi đó, tỉnh chưa có một chế tài đủ mạnh có thể ngăn cấm không cho phát triển hồ tiêu mà chỉ dừng ở mức độ vận động, tuyên truyền. Nông dân thì thiếu vốn nên có tâm lý tranh thủ giá tiêu đang cao, chỉ cần trồng và thu hoạch 2-3 vụ là được nên tận dụng trụ tạm, giống không chất lượng dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến khuyến cáo về áp dụng kỹ thuật trồng hồ tiêu bền vững của cơ quan chuyên môn…

Ngoài ra, hiện tại, vấn đề nghiên cứu và sản xuất giống hồ tiêu ở địa phương đang bỏ ngỏ, chủ yếu do người dân tự sản xuất để gia đình trồng nhưng do trồng ồ ạt nên nhiều người đã mua giống từ các tỉnh khác không rõ nguồn gốc.
Người dân thiếu vốn và thiết hiểu biết về kỹ thuật nên lấy cây tre, nứa làm trụ để trồng hồ tiêu
Theo số liệu của Trạm bảo vệ thực vật các huyện, thị xã thì trong năm 2015, diện tích hồ tiêu bị chết chủ yếu do nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm khoảng 110 ha, ngoài ra còn có bệnh vàng lá chết chậm và bệnh xoăn đọt do vi rút. Một số vùng trồng mới ở các huyện Chư Jút, Đắk Mil, Tuy Đức hồ tiêu bị  bệnh chủ yếu là do người trồng sử dụng lại trụ của những vườn đã bị bệnh trước đó để trồng lại hoặc do giống đã ủ bệnh. Đối với những vùng đất trồng hồ tiêu tập trung lâu năm như Đắk Song, Đắk R’lấp, Đắk Mil, hồ tiêu bị chết do trong đất tích lũy nhiều nguồn nấm và tuyến trùng, rệp sáp hại rễ.

Từ những mối đe dọa của việc diện tích hồ tiêu tăng cao, vượt tầm kiểm soát của các ngành, chính quyền địa phương, rõ ràng đang cần những giải pháp hữu hiệu và đủ mạnh để phát triển hồ tiêu trên địa bàn tỉnh bền vững.

Bài, ảnh: Thanh Nga
Theo www.baodaknong.org.vn
Sau khi chạm ngưỡng gần 200.000 đồng/kg, giá hồ tiêu bắt đầu giảm và giảm mạnh trong vài tuần trở lại đây, hiện ở mức 150.000 đồng/kg. Câu hỏi đặt ra là có phải giá hồ tiêu đang ở giai đoạn thoái trào, hay mức giá hiện tại mới là giá thực và phản ánh đúng yếu tố cung cầu của thị trường?
Khi không kiểm soát được diện tích tăng ngoài quy hoạch, hồ tiêu Việt Nam đặt cược vào bài toán nông dân giữ lại hồ tiêu như một công cụ để kiểm soát giá trên thị trường. Ảnh: NH
Diện tích tăng nên giá phải giảm

Khoảng vài tuần trở lại đây, giá tiêu trên thị trường bắt đầu có những ngày "rơi tự do", từ mức gần 200.000 đồng/kg vào tháng 9-2015 xuống quanh mức 150.000 đồng/kg trong ngày cuối cùng của tháng 2-2016.

Theo ông P.S, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hồ tiêu, có hai nguyên nhân khiến giá hồ tiêu giảm. Đầu tiên, mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng của Việt Nam chính thức công bố con số diện tích trồng hồ tiêu của Việt Nam chạm ngưỡng 100.000 héc ta, cao gấp hai lần quy hoạch và cũng vượt xa con số mà Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo trước đây.

“Trong các loại hàng hóa, đặc biệt là nông sản, yếu tố cung cầu luôn là một nhân tố quyết định giá một mặt hàng nào đó và hồ tiêu không phải là một ngoại lệ”, ông nói. Theo ông P.S, khi Việt Nam mới có 50.000 héc ta, lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm 30% sản lượng quốc tế và chiếm 50% lượng hồ tiêu thương mại toàn cầu, tức là cứ 2 kg hồ tiêu buôn bán trên thế giới thì có 1 kg sản xuất ở Việt Nam.

Vì thế, nếu sản lượng hồ tiêu của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi một yếu tố nào đó như hạn hán, sâu bệnh… thì giá sẽ bị đẩy lên. Ngược lại, khi Việt Nam chính thức công bố con số 100.000 héc ta hồ tiêu, các công ty thương mại sẽ căn cứ vào đó để tính lượng hồ tiêu mà Việt Nam sản xuất và xuất khẩu.

“Nếu căn cứ trên năng suất trung bình của hồ tiêu Việt Nam là 2,6 tấn/héc ta, sau khi trừ đi diện tích hồ tiêu mới trồng chưa cho thu hoạch thì sản lượng hồ tiêu mà Việt Nam có thể sản xuất năm nay tối thiểu là 200.000 tấn. Như vậy, áp lực thiếu hụt nguồn cung hồ tiêu của thế giới không còn, và căn cứ trên yếu tố này, giá hồ tiêu sẽ giảm”, ông S. nói.

Nguyên nhân thứ hai, theo ông P.S là mới đây, Tây Ban Nha đã cảnh báo hạt tiêu đen của từ Việt Nam có hàm lượng chất diệt nấm Carbendazim vượt quá giới hạn. Tuy quốc gia này mới áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt chứ chưa có tạm ngưng nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam, nhưng thông tin này lại là cái cớ cho các công ty thương mại thế giới viện dẫn để “ép giá” hồ tiêu Việt Nam.

Nông dân sẽ tạm trữ nếu giá giảm

Giá hồ tiêu của Việt Nam bắt đầu tăng mạnh từ nửa cuối năm 2010 khi đạt mức 80.000 đồng/kg (tháng 7-2010) và liên tiếp tăng giá, đạt đỉnh gần 200.000 đồng/kg vào tháng 9-2015. Giá trị xuất khẩu hồ tiêu cũng tăng tương ứng từ 419 triệu đô la Mỹ trong năm 2010 lên 1,26 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015, tăng gần ba lần sau năm năm.

Vậy giá hồ tiêu Việt Nam sẽ như thế nào sắp tới ?

Trả lời câu hỏi này của TBKTSG Online, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết giá hồ tiêu trên thị trường sẽ không thể tăng mãi mà đến một mức nào đó sẽ phải giảm. Vấn đề còn lại là với vị thế là một cường quốc trồng và xuất khẩu hồ tiều số 1 thế giới, Việt Nam sẽ làm gì để kiểm soát giá hồ tiêu trên thị trường mới là điều quan trọng.

Cách làm lâu nay của nông dân là khi giá hồ tiêu giảm, họ sẽ trữ lại, chưa bán ra vội. Lúc đó, thị trường sẽ không có thêm nguồn cung, giá hồ tiêu sẽ phải ổn định, không thể giảm thêm. Sau đó, khi thấy giá ở mức có lợi, nông dân, doanh nghiệp mới bán ra. Đó là lý do vì sao những năm qua, có những tháng thời điểm giá hồ tiêu trên thị trường giảm nhưng nhìn vào số liệu của cả một năm thì giá hồ tiêu của Việt Nam đều có xu hướng tăng lên.

Theo ông Nam, khác với cây cà phê, trong những năm qua, giá hồ tiêu cao, người nông dân đã trở nên khá giả, vì thế, khi giá hồ tiêu xuống thấp, nông dân trồng hồ tiêu không bị áp lực về nguồn tài chính để trang trải cho các chi phí sinh hoạt của gia đình nên có thể giữ lại để điều tiết thị trường.

“Những năm qua giá hồ tiêu tăng một phần nhờ nông dân dùng chiến lược bán khi giá tăng, ngưng bán ra khi giá giảm nên điều tiết được giá cả thị trường hồ tiêu thế giới”, ông Nam nói.

Ngọc Hùng
Theo TBKTSG Online
Nhiều năm qua, tiêu xuất khẩu luôn đạt mức giá cao, song không ít DN xuất khẩu lại thường xuyên rơi vào trạng thái thấp thỏm vì sợ hàng bị trả về do không đảm bảo chất lượng.

Thực tế, nếu không giải quyết tốt vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong hồ tiêu XK, ngành hồ tiêu sớm muộn sẽ phải đối mặt với tình trạng “xuống dốc không phanh”.

“Nút thắt” vắt qua nhiều năm

Theo Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, mới đây Bộ Y tế Tây Ban Nha đã cảnh báo hạt tiêu đen NK từ Việt Nam bị phát hiện có hàm lượng chất diệt nấm Carbendazim vượt quá giới hạn. Trước mắt, Tây Ban Nha sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với việc NK hạt tiêu đen tại các cửa khẩu của Việt Nam. Biện pháp này sẽ được duy trì cho đến khi có đảm bảo kiểm tra chất lượng chính thức từ nơi xuất xứ, kết quả kiểm tra các lần tới đạt yêu cầu, hoặc cho đến khi Ủy ban châu Âu ban hành các biện pháp kiểm tra chung cho các nước thành viên.

Theo Bộ NN&PTNT: Khối lượng tiêu XK tháng 1 ước đạt 7 nghìn tấn, với giá trị đạt 67 triệu USD, giảm 30,2% về khối lượng và giảm 31,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

XK tiêu năm 2015 đạt 133 nghìn tấn với 1,26 tỷ USD, giảm 14,4% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị so với năm 2014. Giá tiêu XK bình quân năm 2015 đạt 9.507 USD/tấn, tăng 22,7% so với năm 2014.

Các thị trường XK tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015 là Hoa Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Singapore với 35,2% thị phần. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (36,7%), Tây Ban Nha (33,9%), Hàn Quốc (28,3%) và Anh (26,7%).
Đầu năm, giá XK hồ tiêu được ghi nhận vẫn khá cao. Tuy nhiên, thông tin bị cảnh báo làm cho niềm vui giá cao nhạt bớt. “Kịch bản” này lặp lại gần như giống y nguyên năm trước. Đầu năm 2015, giá XK tiêu cũng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2014 và ở trên đà ngày một “nóng”. Trong lúc đó, đáng buồn là một số DN XK tiêu lại thông tin, hàng của DN bị trả về nhiều hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2014.

Thời điểm đó, bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết: Nguyên nhân dự đoán cũng là bởi trong quá trình thu hoạch và trữ tiêu, nông dân đã sử dụng chất Carbendazim để trữ tiêu và trừ nấm. Ngoài ra, tiêu được thu mua qua hệ thống thương lái từ các hộ nhỏ dẫn tới tình trạng tiêu sạch và tiêu bẩn trộn lẫn nhau rồi đem bán cho các DN XK khiến chất lượng tiêu không đảm bảo.

Một năm trôi qua, vẫn “nút thắt” cũ, vẫn câu chuyện tiêu XK không đảm bảo chất lượng, song dường như mối lo ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, lo lắng nhất là các đối thủ khác của Việt Nam lợi dụng tình hình để làm ảnh hưởng uy tín ngành hồ tiêu. Xuất phát từ việc bị Tây Ban Nha cảnh báo, có thể xảy ra tình trạng tiêu XK bị các thị trường tẩy chay. Nếu tình hình không được cải thiện, ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam có thể sẽ đi xuống trong thời gian không xa.

Cần “bàn tay” Nhà nước

VPA phân tích: DN XK hạt tiêu không hề muốn xuất tiêu bẩn bởi rủi ro quá lớn như hàng có thể bị trả về, giá bán sẽ bị ép… nhưng rất khó tìm được tiêu sạch bởi 90% sản phẩm là từ nông hộ nhỏ, được sản xuất rời rạc, canh tác theo chủ quan. Hiện nay, phần lớn DN XK hồ tiêu chỉ đơn thuần làm thương mại. Nhiều DN thậm chí còn phải đầu tư hàng triệu USD vào khâu xử lý, chế biến để có sản phẩm theo yêu cầu luôn đa dạng và khắt khe của khách hàng, nhất là những thị trường cao cấp, song công nghệ xử lý, chế biến cũng chỉ có giới hạn.

Theo VPA, kiểm soát được vệ sinh, an toàn với hồ tiêu không dễ, đòi hỏi nỗ lực của nhiều đối tượng cùng tham gia trong chuỗi, từ nhà cung cấp vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV…), tới nông dân, thương lái, người thu gom, DN cung ứng, DN XK… Tuy nhiên, có thể nói vai trò của cơ quan quản lý ngành nông nghiệp ở cấp Trung ương và địa phương là yếu tố tiên quyết mang tính quyết định.

Do đó để giải quyết vấn đề tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép với hồ tiêu XK, VPA kiến nghị Bộ NN&PTNT rà soát ngay quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản hồ tiêu đang dùng phổ biến ở các vùng trồng tiêu để có kết luận rõ ràng, chính xác khâu nào trong quy trình đã gây tồn dư hoá chất trên hạt tiêu. Chỉ khi xác định rõ mới cơ sở để khuyến cáo và có giải pháp kiểm soát hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT nhanh chóng cho rà soát lại Danh mục thuốc BVTV dùng cho hồ tiêu, gấp rút loại bỏ khỏi danh mục một số thuốc chứa hoạt chất mà nhiều nước NK đã ngăn cấm. Ngoài ra, Bộ NN&TNT có thể giúp giảm bớt dư lượng những chất này trên hồ tiêu XK bằng cách đưa hồ tiêu vào loại thực phẩm ăn liền, tươi sống như chè, rau quả để có thể áp dụng qui trình kiểm soát tương tự. Thực tế việc kiểm soát Carbendazim trên thanh long XK rất hiệu quả và hoàn toàn có thể áp dụng cho hồ tiêu.

Theo ông Đỗ Hà Nam, song song với việc loại bỏ một số chất cấm, Bộ NN&PTNT cũng cần đồng thời cho khảo nghiệm để đưa ngay vào danh mục những thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học có thể thay thế vì tình hình dịch bệnh trên hồ tiêu vẫn đang có chiều hướng ngày một gia tăng. Bên cạnh đó, cần khẩn trương ban hành qui trình GAP cho hồ tiêu trong quý I-2016 trên tinh thần nội dung bộ qui trình không quá phức tạp, chỉ tập trung vào vấn đề chất lượng như qui định về canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV khoa học để làm căn cứ cho các địa phương quản lý sản xuất theo hướng vệ sinh, an toàn.

Một số chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hồ tiêu là hệ thống nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hồ tiêu cần gấp rút đẩy mạnh nghiên cứu sâu về giống hồ tiêu kháng sâu bệnh, nghiên cứu các tác nhân sinh học diệt trừ sâu bệnh để thay thế thuốc hoá học, đảm bảo cho nông dân có thể yên tâm canh tác. Đặc biệt, về lâu dài, Bộ NN&PTNT cần sớm xây dựng các qui trình quản lý sản xuất từ hộ nông dân, qui hoạch vùng nguyên liệu để có thể tiến tới cấp chứng nhận vùng sản xuất, trên cơ sở đó xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất theo qui trình sạch, có chỉ dẫn xuất xứ, truy xuất nguồn gốc và xây dựng được thương hiệu.

Thanh Nguyễn
Theo Báo Hải Quan

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com