Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

30/12/14

Dinh dưỡng cây trồng lấy đi từ đất để tạo sản phẩm không những chỉ có các chất đa lượng là đạm, lân, kali mà còn có cả các chất trung lượng như silic (Si), calcium (Ca), magnesium (Mg), lưu huỳnh (S) và các chất vi lượng thiết yếu như bo (B), kẽm (Zn), đồng (Cu) v.v.. Việc sử dụng nhiều phân đạm hóa học, bón phân không cân đối hoặc bón phân không đủ làm cho cây bị suy yếu, dễ bị sâu bệnh xâm nhiễm, đồng thời đất đai ngày càng thoái hóa, cằn cỗi.

Do đó, đồng thời với việc áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, bón kết hợp phân hữu cơ và vô cơ một cách hợp lý, bổ sung dưỡng chất trung, vi lượng và chất kích kháng nguồn gốc sinh học nhằm cung cấp đầy đủ, cân đối dưỡng chất giúp tăng sức đề kháng cho cây đối với sâu bệnh hại, điều kiện khó khăn về đất đai, thời tiết là những giải pháp hữu hiệu để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong việc canh tác cây trồng.




1. Ảnh hưởng của axit humic đối với dinh dưỡng cây trồng - giới thiệu sản phẩm phân bón hữu cơ giàu acid humic

1.1. Ảnh hưởng của axit humic đối với dinh dưỡng cây trồng
Thành phần và đặc điểm của chất hữu cơ đóng vai trò quyết định các tính chất lý, hóa, khả năng điều kiện dinh dưỡng và hấp phụ trao đổi của đất. Trong đất, chất hữu cơ tồn tại chủ yếu dưới dạng kết hợp với phần khoáng của đất. Chất mùn (humus) là sản phẩm cuối cùng của quá trình phân hủy chất hữu cơ. Chất mùn là nguồn dự trữ không những của các chất dinh dưỡng đa lượng như đạm, lân và kali mà còn là nguồn dự trữ của các dưỡng chất vi lượng. Chất mùn chứa các chất đường tan trong nước, amino acid, protein, lignin (thành phần cơ bản của vách tế bào), chất béo, carbon hydrate và acid humic. Trong đó, acid humic - một chất keo có cấu trúc km, tan trong kiềm, không tan trong nước - là nhóm quan trọng nhất và có hoạt tính hóa học cao nhất trong số các sản phẩm phân hủy của chất hữu cơ trong đất.

Các ảnh hưởng chính của axit humic đối với dinh dưỡng cây trồng gồm:
- Làm tăng khả năng trao đổi cation (CEC) của đất, giữ chất dinh dưỡng giúp ngăn ngừa sự rửa trôi chất dinh dưỡng ra khỏi vùng rễ, đồng thời có thể phóng thích chất dinh dưỡng ở dạng hữu dụng cho cây khi cần thiết, do đó làm tăng sự chuyển hóa phân bón, tăng sự hấp thu dưỡng chất vào cây.
- Giảm mức độ xói mịn đất do làm tăng lực kết dính của các phần tử nhỏ trong đất.
- Cải thiện đáng kể lý tính và thành phần cơ giới đất như: Cấu trúc, màu sắc, độ bền và khả năng giữ ẩm nhờ tăng hàm lượng chất hữu cơ. Cải thiện môi trường đất giúp cho sự phát triển của các nhóm vi sinh vật có ích trong đất, sự phát triển của bộ rễ cây.
- Tăng tính đệm cho đất, giúp cây có thể chịu đựng được sự thay đổi pH đột ngột.
- Giảm sốc (stress) cho cây trong các điều kiện bất lợi.
- Làm tăng sức nảy mầm của hạt giống.
- Hỗ trợ các quá trình trao đổi chất và các biến đổi hóa học trong tế bào sống của cây.
- Cung cấp nhiều loại auxin (chất kích thích sinh trưởng) cho cây.
- Đẩy nhanh tốc độ các phản ứng hóa học trong cây.
- Tạo môi trường làm ngăn chặn sự phát triển của một số loại cỏ dại.
- Làm giảm các độc chất hóa học trong đất do acid humic có khả năng phản ứng với một số loại thuốc bảo vệ thực vật làm cố định chúng hoặc có thể kết hợp với các hợp chất bền trong thuốc bảo vệ thực vật với cây trồng có thể hấp thụ được những phức hợp này.

2. Ảnh hưởng của một số dưỡng chất trung lượng và vi lượng đối với dinh dưỡng cây trồng
2.1. Vai trò của các dưỡng chất trung lượng silic, calcium và magnesium đối với dinh dưỡng cây trồng
2.1.1. Vai trò của silic

- Silic rất cần thiết đối với sự phát triển khỏe mạnh của nhiều loại cây trồng.
- Lớp silica và cutin có ý nghĩa rất lớn trong việc hạn chế sự thoát hơi nước không cần thiết qua lớp biểu bì (trong điều kiện khô hạn, mặn) cũng như tác dụng bảo vệ cây đối với sự xâm nhập của nấm bệnh, sâu rầy.
- Silic giúp cho lá mọc vươn thẳng, tạo điều kiện cho cây hấp thu ánh sáng tốt hơn, tăng khả năng quang hợp, tăng hiệu lực phân đạm.
- Tác dụng tương hỗ giữa silic với lượng (P) giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, cây tăng trưởng nhanh làm pha loãng nồng độ sắt, nhôm trong cây do đó làm tăng khả năng chống chịu phèn cho cây.
- Trong đất, silic có khả năng tạo phức với sắt, nhôm và mangan thành những hợp chất khó tan làm hạn chế sự thu hút các chất này vào trong cây, nhờ vậy cây tránh được tình trạng bị ngộ độc do hàm lượng sắt, nhôm và mangan quá cao (trong đất chua phèn), bộ rễ phát triển mạnh, giảm hiện tượng vàng lá, cháy lá do xì phèn.
- Bón Si vào đất làm tăng hàm lượng P dễ tiêu cho cây nhờ tác dụng làm giảm sự giữ chặt P trong đất, vì vậy giúp tăng sự thu hút P của cây.

2.1.2. Vai trò của calcium (Ca)- Calcium là thành phần quan trọng trong vách tế bào, giữ cho thành tế bào được vững chắc vì vậy calcium giúp cây tăng trưởng khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh.
- Calcium duy trì cân bằng anion-cation trong tế bo, trung hòa các acid hữu cơ trong cây vì vậy rau quả trở nên ngon ngọt hơn.
- Trong đất, calcium có khả năng trung hòa các acid hữu cơ giúp giải độc hữu cơ, giải độc phèn cho cây. Calcium làm tăng pH đất giúp giảm độc tố sắt, nhôm; làm đất tơi xốp, cải thiện tính thấm nước và thông thoáng nhờ đó cải thiện điều kiện phát triển của rễ, kích thích hoạt động của vi khuẩn, làm tăng khả năng hữu dụng của molipdent (Mo) và sự hấp thu các yếu tố dinh dưỡng khác.

2.1.3. Vai trò của magnesium (Mg)
- Trong cây, Mg kích thích hoạt động của nhiều enzyme. Là thành phần của diệp lục tố nên Mg đóng vai trị quan trọng trong việc đồng hóa carbonic (CO2) v tổng hợp protein.
- Mg giúp cây tăng trưởng nhanh, đẻ nhánh mạnh, hạn chế bệnh do nấm.
- Mg giúp cây thu hút được nhiều lân và các dưỡng chất khác.

2.2. Ảnh hưởng của các dưỡng chất vi lượng đối với dinh dưỡng cây trồng
2.2.1. Vai trò của kẽm
- Liên quan đến sự tổng hợp sinh học của acid indol acetic.
- Đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp acid nucleic và protein.
- Tăng cường khả năng sử dụng lân và đạm trong cây.
2.2.2. Vai trò của manganese (Mn)
- Xúc tác trong một số phản ứng men và sinh lý trong cây.
- Liên quan đến quá trình hô hấp của cây.
- Hoạt hóa các men liên quan đến sự chuyển hóa đạm và tổng hợp diệp lục tố.
- Kiểm soát oxy trong tế bào ở cây pha sáng và tối.
2.2.3. Vai trò của đồng (Cu)
- Là thành phần của men cytochrome oxydase và thành phần của nhiều men (oxidase, phenolase, lactase).
- Xc tiến quá trình hình thành vitamin A trong cây.
- Cần thiết cho quá trình quang hợp, còn liên quan đến sự sản xuất hạt.
2.2.4. Vai trò của boron (B)
- Tăng khả năng thấm ở màng tế bào, giúp vận chuyển hydrate carbon dễ dàng.
- Liên quan đến quá trình tổng hợp lignin.
- Thiết yếu đối với sự phân chia tế bào.
- Anh hưởng tới việc sử dụng Ca của cây trồng, gíup điều chỉnh tỷ lệ K/Ca trong cây.
2.2.5. Vai trò của Molypden (Mo)
- Xúc tiến quá trình cố định đạm, sử dụng đạm của cây và tổng hợp diệp lục tố.
- Là thành phần của men khử nitrate và men nitrogenase.
- Cần thiết cho vi khuẩn (Rhizobium) cố định đạm.

                                                                                                                     TS Trần Thị Tường Linh

25/12/14

 IPC dự báo sản lượng Hồ tiêu thế giới vụ 2015 khoảng 374.500 tấn, tăng 38.300 tấn (tăng chủ yếu tăng từ Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka) cộng tồn kho cuối năm 2014 chuyển sang 2015 khoảng 59.000 tấn. Như vậy tổng nguồn cung Hồ tiêu thế giới năm 2015 là 433.536 tấn, tăng 12.630 tấn so với năm 2014. Nhu cầu tiêu thụ khoảng 416.000 tấn. Do đó cân đối cung cầu Hồ tiêu năm 2015 có thể hài hòa hơn so với năm 2014;  Tuy nhiên giá  vẫn có thể duy trì ở mức cao.

Tình hình thị trường, giá cả tiêu Ấn Độ khá nhạy cảm với tiêu Việt Nam. Ấn Độ thu hoạch từ tháng 12/2014 đến tháng 2 /2015, sản lượng Ấn Độ dự báo  khoảng 70.000 tấn, tăng 33.000 tấnso với vụ 2014 (?) Ngày 22/12/2014, sàn giao dịch Kochin ra giá như sau: Tiêu xô 66.700Rs/tạ, với tỷ giá 63,23 RS/1USD sẽ tương ứng với 10.590 USD/tấn. Tiêu chọn: 69.700 Rs/tạ.Tháng 1/2015: 62.964 Rs/tạ. Tháng 2: 59.337 Rs/tạ. Tháng 3: 59.237 Rs/tạ. Tháng 4: 59.136 Rs/ tạ. Tháng 5 và 6:58.934 Rs/tạ.  Mức giá trên đây đã giảm nhiều so với những ngày trước.


Vụ tiêu 2015 của VN năng suất giảm mạnh trên tất cả các tỉnh. Thu hoạch rộ từ đầu tháng 2 đến tháng cuối tháng 4/2015. Vào thời giàn này, nhiều bà con nông dân trồng  tiêu cần bán hàng để thanh toán công nợ. Ngay từ bây giờ các nhà nhập khẩu đang và sẽ đưa ra nhiều chiêu gây nhiễu thông tin thị trường nhằm mua được giá rẻ và gom được nhiều tiêu từ VN ở thời điểm thu hoạch để sau đó chờ thời cơ thế giới khan hiếm hàng, bung ra kiếm lời ( giống như năm 2013, 2014). Mấy ngày qua giá tiêu trong nước đột ngột giảm 10-15.000 đ/kg nhưng thực tế tiêu trong dân hầu như đã hết, việc mua bán rất ít.


Trước diễn biến phức tạp của thị trường, giá cả,  mọi thông tin xuôi chiều, hay trái chiều, bà con nông dân và doanh nghiệp VN cần bình tĩnh, phân tích, tính toán trong việc bán, mua, lưu trữ  hàng, chủ động điều tiết lượng mua bán, xuất khẩu sao cho giá tốt nhất, hiệu quả nhất, nông dân và DN đồng lòng điều tiết lượng mua bán, XK, không bán ồ ạt với giá thấp, đẩy giá xuống, rơi vào bẫy các nhà nhập khẩu. Hạn chế hoặc không bán tiêu giấy, dễ dẫn đến thua lỗ . VN đã chiếm trên 50 % thị phần XK tiêu toàn thế giới, thì VN có đủ sức làm được việc này.

Theo VPA
Gs. Nguyễn Lân Hùng
Tôi vào Tây Nguyên mới thấy, bà con ta đua nhau trồng hồ tiêu. Nhiều nhà còn phá cả vườn cao su, vườn cà phê, vườn ca cao để trồng hồ tiêu. Nguyên nhân chính cũng vì vụ vừa qua, giá hồ tiêu có lúc lên tới trên 200.000 đồng/kg. Có lẽ, đó là vì hồ tiêu được giá nhất. Dân mình thường chạy theo giá. Đã có nhiều bài học đau xót khi gia đương cao lại sụt xuống thê thảm. Đây là việc mà bà con mình phải nghiêm túc nhìn nhận và thận trọng khi sản xuất không theo kế hoạch…

Mặt khác, rất nhiều gia đình bắt tay vào trồng hồ tiêu mà không chú ý tới các vấn đề kỹ thuật. Điều này còn nguy hại hơn vì rất có thể đến lúc sắp được thu hoạch thì chúng ta lại bị mất trắng. Đây cũng là sự thật mà ở rất nhiều nơi đã gặp phải.

Chúng ta biết rằng, khâu chuẩn bị trước khi trồng hồ tiêu rất quan trọng. Nếu làm không tốt khâu này, đôi khi chúng ta sẽ bị trả giá. Trên báo chí, trên truyền hình đã nhiều lần nêu những trang trại do không làm tốt khâu chuẩn bị từ đầu nên đã bị hủy hoại gần như toàn bộ vườn hồ tiêu…

Để trồng hồ tiêu, trước hết, chúng ta phải xác định vùng đất của mình có trồng được nó hay không. Đất trồng tiêu tốt nhất là đất đỏ bazan, đất phù sa mới bồi và đất đồi nhưng tơi xốp và phải thoát nước mới tốt. Tránh trồng nó trên đất cát khô, sét nặng, đất phèn hoặc đất bị úng ngập.

Có đất rồi thì khâu xử lý đất cũng phải làm rất nghiêm túc. Chúng ta biết rằng, kẻ thù nguy hại nhất ở hồ tiêu chính ta tuyến trùng. Tuyến trùng là loài giun tròn có kích thước rất nhỏ mà mắt ta không nhìn thấy được. Trong hàng nghìn loài tuyến trùng thì có tới hơn 20 loài phá hoại cây tiêu. Chúng thường xâm nhập vào cây rồi làm thành những u, bướu, ngăn các mạch dẫn ở rễ và làm chúng thối dần từ dưới lên, thâm đen từng đoạn rồi làm cây chết. Chúng có ngay trong đất. Gặp điều kiện thuận lợi là chúng tấn công ngay cây tiêu.

Vì vậy, ta phải xử lý đất thật tốt trước khi trồng. Ta dọn sạch cỏ, rác, đào hố, phơi đất. Sau đó, rắc mỗi hố nửa cân vôi hoặc phun dung dịch booc-đô để diện mầm bệnh. Ta dùng phân chuồng hoài mục bón cho mỗi hốc 10kg. Trộn đều đất mặt với phân rồi hãy đưa cây vào trồng. Tiêu cần ẩm nhưng rất sợ úng. Vì vậy, phải có rãnh thoát nước tốt để khi mưa rào, nước không bị ứ trên vườn.

Truyến trùng còn có thể lây lan qua đường cây giống. Ta không lấy cành ở các khu vực có bệnh để nhân giống. Khi cắt cành, ta cũng phải sát trùng dao, kéo vì tuyến trùng có thể qua đó xâm nhập mà cành giâm. Nó cũng có thể theo nước mưa mà xâm nhập vào các vườn tiêu chung bị hại.

Khi xới xáo đất, ta tránh làm đứt rễ tiêu. Vì vết đứt hay vết xây sát là chỗ để tuyến trùng xâm nhập vào cây…

Người ta có giới thiệu một số thuốc diệt tuyến trùng nhưng không đạt được như mong muốn. Nếu đã có cây bị bệnh thì ta phải diệt tận gốc: Đào bỏ toàn bộ cây (kể cả rễ) và đem đi xa tiêu hủy.

Trồng tiêu còn nhiều việc phải làm nhưng phòng chống tuyến trùng là việc đầu tiên mà bà con phải quan tâm.
Gs. Nguyễn Lân Hùng
Theo Báo Dân Việt
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT-BVTV), BR-VT được coi là "thủ phủ" của cây tiêu với tổng diện tích trồng hơn 8.000ha, đứng thứ 4 cả nước. Việc canh tác cây tiêu theo hướng an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường cũng đã phát triển và trở thành xu hướng mới của người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh.
Người trồng tiêu đang chuyển hướng canh tác theo hướng bón phân hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Trong ảnh: Ông Nguyễn Hồng Quang (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) kiểm tra vườn tiêu mới trồng được hơn 6 tháng, canh tác theo hướng tiêu sạch.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, cây tiêu rất thích nghi với vùng đất BR-VT, hơn nữa, với giá liên tục tăng cao trong những năm qua, cây tiêu đã trở thành cây trồng hiệu quả của ngành nông nghiệp và làm giàu cho nhiều hộ trồng tiêu. Mô hình trồng tiêu sạch cũng đã hình thành nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch và bền vững. Người trồng tiêu đã ý thức rằng, yêu cầu của thị trường, của người tiêu dùng ngày càng khắt khe với vấn đề an toàn thực phẩm.

Bà Trần Thị Yến, Phó Chi cục TT-BVTV cho biết, trong những năm gần đây, ngành hồ tiêu của tỉnh đã chủ động sản xuất theo hướng hữu cơ. Theo đó, trong 4 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai cùng lúc 4 chương trình về sản xuất cây tiêu bền vững, chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ, xây dựng thương hiệu và Hội Hồ tiêu của tỉnh được thành lập. Cụ thể, Hội Nông dân huyện Châu Đức (địa phương có diện tích tiêu lớn nhất tỉnh với hơn 5.357ha, trong đó diện tích tiêu cho thu hoạch hơn 5.000ha) đang phối hợp với Hội Hồ tiêu tỉnh xây dựng mô hình trình diễn sản xuất tiêu sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại 4 xã: Bàu Chinh, Sơn Bình, Láng Lớn và Quảng Thành. Theo Hội Hồ tiêu tỉnh, đây là một trong những bước chuẩn bị tiếp đón Hiệp hội Hồ tiêu thế giới đến khảo sát, đánh giá về tình hình sản xuất và chất lượng sản phẩm hồ tiêu. Tại các điểm trình diễn, cán bộ kỹ thuật của mô hình đã hướng dẫn người trồng tiêu sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật từ dược liệu…. hiệu quả, an toàn cho người sản xuất và người sử dụng theo tiêu chuẩn VietGap. Cùng với xây dựng mô hình trình diễn, Hội Nông dân huyện và Hội Hồ tiêu tuyên truyền, vận động thành lập các tổ kiểm soát để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, bảo quản.

Dẫn chúng tôi thăm vườn tiêu đang chuẩn bị vào vụ mới, anh Trần Văn Thắng, một nhà vườn tại huyện Châu Đức cho biết: Vườn tiêu này có diện tích hơn 1ha trồng từ năm 1996 bằng giống tiêu Vĩnh Linh, năng suất vụ trước đạt gần 2 tấn, giá bán 130.000 đồng/kg. Vụ tiêu 2013-2014 đạt gần 4 tấn và giá lên đến 190.000 đồng/kg, lợi nhuận cao gấp 3 lần so với năm trước. Ước tính vụ tiêu 2014-2015 đạt 4,5 tấn, nếu mức giá như hiện nay gia đình anh sẽ lãi ròng 300 triệu đồng. Lý giải về cây tiêu cho thu nhập cao, anh Thắng cho biết, ngoài giá hạt tiêu cao, cây tiêu không bị chết bệnh và nhờ được chăm sóc đúng quy trình nên cây tiêu sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao, sản phẩm an toàn cho người sử dụng.

Để hướng đến việc canh tác cây tiêu theo hướng bền vững, đáp ứng được yêu cầu của thị trường về an toàn thực phẩm, thời gian qua, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp và cơ quan liên quan khuyến cáo bà con nông dân canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Theo đó, Chi cục TT-BVTV đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người trồng tiêu với chuyên đề "Canh tác cây tiêu bền vững theo hướng hữu cơ sinh học" nhằm thay đổi việc canh tác thường bón phân hóa học sang sử dụng phân hữu cơ kết hợp với các chế phẩm sinh học. Với những động thái này, ngành nông nghiệp BR-VT đang hướng đến mục tiêu: Sản phẩm hạt tiêu phải an toàn cho người sử dụng, được canh tác hữu cơ, có chứng chỉ chất lượng để vươn ra các thị trường tiềm năng.

Bài, ảnh: QUANG ĐẠT 
Theo Báo BRVT

16/12/14


Liên tiếp trong mấy ngày vừa qua, giá tiêu Ấn Độ sụt giảm do các hoạt động đều hạn chế, trong khi khách mua muốn chờ hàng vụ mới được chuyển đến nhiều hơn nữa, theo các nguồn tin thị trường cho biết trên Business Line.


Hôm qua, thứ Hai ngày 8/12, các báo cáo cho biết giá tiêu tiếp tục xu hướng giảm trước áp lực bán, mặc dù trên thị trường giao ngay đã không có bất kỳ lượng hàng nào được chuyển đến và các đường dây cung cấp cũng không có hàng.

Hôm cuối tuần, có khoảng 10 tấn tiêu từ huyện Wayanad của bang Kerala được chuyển đến và đã giao dịch với giá 685 Rupi/kg. Đồng thời, thương nhân trong nước có trụ sở tại Coorg (tên gọi khác của huyện Kodagu, bang Karnataka) đã chào bán hạt tiêu vụ mới giao tháng Ba với giá 535 – 550 Rupi/kg.

Các nguồn tin thị trường cho biết khách mua của thị trường tiêu dùng đã chậm mua lại do có dự đoán một lượng tiêu đáng kể bị cầm giữ trong kho từ năm ngoái sẽ được phát hành. Thông tin này cùng với báo cáo sản lượng của Kodagu sẽ tăng gấp đôi trong năm nay và việc bán hàng giao sau với giá 525 Rupi/kg đã kéo thị trường đi xuống.

Tuy vậy, trên Sàn Hiệp hội Gia vị IPSTA cả ba hợp đồng hoạt động vẫn không thay đổi. Cụ thể, hợp đồng tháng Giêng, tháng Hai và tháng Ba lần lượt ở 65.964 Rupi/tạ, 62.337 Rupi/tạ và 62.237 Rupi/tạ (tương đương 10.644 USD/tấn, 10.058 USD/tấn và 10.042 USD/tấn).

Trong khi giá tiêu giao ngay giảm 300 Rupi xuống ở mức 67.700 Rupi/tạ (tương đương 10.924 USD/tấn) cho loại tiêu xô và mức 70.700 Rupi/tạ (tương đương 11.408 USD/tấn) cho loại đã sơ chế.

Giá tiêu Ấn Độ xuất khẩu ở mức 11.825 USD/tấn (c&f) giao châu Âu và mức 12.125 USD/tấn (c&f) giao tại Mỹ.

* Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp&PTNT Việt Nam, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 11/2014 ước đạt 6 nghìn tấn, với giá trị đạt 54 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 11 tháng đầu năm lên 151 nghìn tấn với giá trị 1,162 tỷ USD, tăng 18,1 % về khối lượng và tăng 35,7 % về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2014 đạt 7.625 USD/tấn, tăng 14,26 % so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ, Singapore, Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Ấn Độ và Hà Lan là 5 thị trường lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2014, chiếm 50 % tổng xuất khẩu hồ tiêu.

*(Tỷ giá 1 USD = 61,9750 Rupi)


                                                                                                            Nguồn Anh Văn (Giacaphe.vn)

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Thực vật Gia Lai, tính đến nay, trên địa bàn Tỉnh đã có trên 227 ha hồ tiêu bị bệnh héo chết nhanh.
Một vườn hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt
Nguyên nhân do hồ tiêu được trồng ở những vùng trũng, thoát nước kém. Bên cạnh đó là kỹ thuật trồng và chăm sóc không đảm bảo và lạm dụng các loại phân vô cơ, phân phức hợp…

Các huyện có diện tích hồ tiêu chết nhiều như: Chư Prông 78 ha, Ia Grai 30 ha, Đức Cơ 50 ha, Chư Pưh 21 ha và Chư Sê 26 ha…

Hiện tại, Chi cục Bảo vệ Thực vật Gia Lai đã chỉ đạo các Trạm BVTV các huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT dự báo tình hình phát sinh bệnh héo chết nhanh và đề xuất các biện pháp phòng trừ.


                                                                                             Theo Nguyễn Diệp (Báo Gia Lai điện tử)
Những năm gần đây, nhất là từ mùa mưa năm ngoái đến nay, nhiều hộ dân ở thị trấn Đăk R’Ve, huyện Kon Rẫy, rơi vào cảnh thấp thỏm lo lâu vì tình trạng tiêu chết hàng loạt. Dù đã tìm mọi phương cách trị bệnh cho tiêu nhưng vẫn không có kết quả, bà con đành phó mặc cho rủi may.
Dọc trên con đường chính dẫn vào thôn 8 – nơi có nhiều hộ trồng tiêu nhất ở thị trấn Đăk R’Ve với tổng diện tích lên đến hàng chục héc ta – đập vào mắt những người có dịp qua đây là những vườn tiêu chuyển lá vàng, héo úa, có vườn chỉ còn trơ lại những trụ gỗ hoặc bê tông xi măng bám chằng chịt thân tiêu chết khô.

Anh Võ Duy Hoàng – một trong những người trồng tiêu lâu năm ở thôn 8 cho biết: Hiện tượng tiêu chết hàng loạt diễn ra từ vài năm nay nhưng nặng nhất là từ mùa mưa năm ngoái đến nay. Gia đình tôi cũng chịu khó học hỏi kỹ thuật, rồi sang tận những nơi mà người dân có truyền thống trồng tiêu lâu năm ở các tỉnh Gia Lai, Đăk Nông để nhờ họ tư vấn kinh nghiệm trị bệnh cho tiêu. Bao nhiêu phân, thuốc đổ vào nhưng cây chết thì vẫn chết.
Vườn tiêu của gia đình anh Võ Duy Hoàng nhiễm bện đang chết hàng loạt.
Gia đình anh Hoàng trồng 8 sào tiêu với tổng cộng 2.000 gốc tiêu. Trung thành với giống tiêu sẻ từ gần 20 năm nay nhưng sau tìm hiểu giống tiêu Vĩnh Linh cho năng suất cao (gấp 1,5 lần giống tiêu sẻ) nên anh quyết định sang Đăk Nông mua về thử nghiệm với 200 gốc trồng xen với vườn tiêu của gia đình.

Năm ngoái, hàng loạt gốc tiêu giống mới của vườn nhà anh cho quả rất to và sai quằn cây thì bỗng dưng lá dần ngả vàng, rụng từ từ rồi chết khô; có cây chết khô lá vẫn bám chặt trên trụ; nhổ gốc cây lên thì thấy rễ đều bị thối.

Mang cây tiêu bị chết đến các nơi chuyên tư vấn trồng tiêu ở Gia Lai, Đăk Nông thì được phán đoán là cây trồng có hiện tượng bị úng thủy. Anh Hoàng cho rằng chẩn đoán bệnh chưa đúng, vì vườn tiêu của gia đình anh nằm trên một khu đất cao, có độ triền dốc và không khi nào xảy ra ngập úng.

Ở thôn 8 hiện nay gần như hộ gia đình nào trồng tiêu cũng đều trồng xen giống tiêu Vĩnh Linh và cây trồng đều bị chết với những biểu hiện rất giống nhau. Nhiều nhà vườn trồng tiêu ở thôn 8 bây giờ “dở khóc, dở cười” vì công đầu tư thì nhiều nhưng chỉ mới thu được một vụ đầu cây đã chết.

Điều đáng lo lắng hơn là, sau một thời gian giống tiêu Vĩnh Linh chết hàng loạt thì hiện nay đến lượt giống tiêu sẻ cũng đang bị chết dần. Điển hình như hộ gia đình ông Hồ Văn Lãnh cũng ở thôn 8, trồng 70 gốc giống tiêu sẻ từ 5 năm nay nhưng sau mùa mưa vừa rồi cũng đã chết sạch.

Bà con trồng tiêu tại thôn 8 cho rằng: Nguyên nhân tiêu chết là do giống tiêu có khả năng không đảm bảo về chất lượng, hoặc do môi trường đất có chứa nguồn gây bệnh. Bởi thực chất, việc trồng tiêu của bà con hiện nay là tự phát, bà con tự đi tìm nhà cung cấp để mua và chọn mua giống tiêu ở khá nhiều nơi – không được kiểm tra chất lượng giống cây trồng và tự học hỏi kỹ thuật chăm sóc. Và, cũng giống như vật nuôi, rất có khả năng nguồn cây giống bị nhiễm bệnh.

Anh Hoàng buồn rầu cho biết, nếu như những năm trước 8 sào tiêu của gia đình anh mỗi mùa vụ thu về khoảng 4 tấn tiêu khô thì mùa vụ năm 2013 đã giảm xuống còn 1,5 tấn tiêu khô và tình hình như hiện nay – nếu vườn tiêu “cầm cự” được thì mùa vụ 2014 may lắm cũng còn 1 tấn, còn nếu không giữ được thì coi như mất trắng.

Theo ông Phạm Ngọc Chi – thôn trưởng thôn 8, hiện nay, 100% người dân trong thôn đều làm nông nghiệp; bà con chủ yếu tự mày mò để thử nghiệm các loại cây trồng nên khả năng may rủi là rất cao.

Hiện tượng tiêu chết hàng loạt ở thôn 8, thị trấn Đăk R’Ve vẫn chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân. Hiện nay, nỗi lo lớn nhất của bà con là dịch bệnh trên cây tiêu sẽ lây lan và ảnh hưởng đến các loại cây trồng khác. Bà con đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của ngành chức năng trong việc tìm ra nguyên nhân gây nên hiện tượng để từ đó có thuốc đặc trị, ngăn chặn bệnh lây lan trên cây trồng.

                                                                                                 Nguồn Tú Quyên (Kon Tum Online)

9/12/14

Đang vào thời điểm ươm tiêu giống để chuẩn bị xuống giống cho năm tới, tôi xin chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm ươm tiêu lươn mà tôi đã thực hiện và thành công.

Trước tiên tôi sẽ mô tả một chút về tiêu lươn nếu các bạn nào chưa rõ:

- Nhánh lươn là loại nhánh mọc bò ra từ gốc và ngọn, bò lan trên mặt đất và thỏng xuống trụ có độ dài từ 1 - 3 m. Ngoài ra, cũng có một loại nhánh mọc ra từ thân, loại này nếu được cột vào nọc thì sau sẽ trở thành thân chính, nhưng nếu không được cột vào cọc kịp thời thì nó sẽ trở thành dây lươn, vươn dài treo lơ lửng trên thân. Loại này có tuổi già hơn nhánh lươn bò trên đất nên dùng làm giống cây con rất tốt.

 
1. Chuẩn bị vườn ươm

- Vườn ươm cần có lưới che phía trên và xung quanh để ánh sáng chiếu khoảng 60 - 70%.
- Vườn ươm phải có vị trí bằng phẳng không bị úng nước.

- Vườn ươm phải đặt ở nơi tránh được các yếu tố thời tiết bất thuận như: Giá rét sương muối hoặc nhiệt độ quá cao.


- Thiết kế vườn ươm: Luống rộng 1-1,2m. Chiều dài phụ thuộc vào kích thuocs vườn ươm nhưng tốt nhất dưới 10m để tiện chăm sóc. Thiết kế lối đi khoảng 0,5m. Xung quanh luống có rảnh thoát nước.
- Làm giàn che tạm thời và rào bảo vệ.

2. Chuẩn bị đất ươm tiêu

Đất ươm tiêu phải chọn đất tốt, không lấy đất ở những vùng trồng cây đã bị tuyến trùng, nấm bệnh gây hại. Đất phải được phơi nắng trước khi ươm tối thiểu 1 tháng. Trộn kỹ với phân chuồng ủ hoai mục, phân lân và tro trấu hoặc dừa để tạo độ tơi xốp cần thiết. Bổ sung thêm chế phầm Trichoderma hoặc Pseudomonas theo hướng dẫn trên bao bì.

Tỉ lệ đất ươm hom:

- Đất tốt lớp mặt: 80%

- Phân chuồng hoai mục: 17%

- Phân lân vi sinh, Văn Điển hoặc tro: 3%


3. Ươm trên luống đất

- Phương pháp này chỉ nên áp dụng đối với dây thân.

- Luống ươm cần được che nắng. Với cách làm này có thể loại bỏ bớt một số hom yếu xấu, bộ rễ không đạt yêu cầu. Cắm hom tiêu xiên 45 độ, khoảng cách giữa các hom là 5 - 7cm và giữa các hàng là 10cm.

- Không cắm hom quá gần nhau, môi trường đất ẩm ướt dễ làm hom tiêu bị bệnh, rụng lá và chết.

- Sau khi ươm 25 - 30 ngày hom tiêu bắt đầu ra rễ có thể đem trồng. Không ươm tiêu quá lâu trên luống vì hom tiêu mọc mầm, rễ ra dài khi nhổ đem đi trồng động rễ, ảnh hưởng xấu tới tỷ lệ sống và sinh trưởng của cây tiêu con.


4. Ươm trong bầu

- Phương pháp ươm trên bầu áp dụng cả đối với dây thân và dây lươn. Hàng lỗ thoát nước dưới cùng cách đáy bầu 2cm để thoát nước tốt.

- Bầu ươm dây lươn: Kích thước bầu đất: 12 x 22cm. Hom lươn do có tỷ lệ sống thấp nên ươm 2-3 hom/ bầu. Dây lươn được cắt 2-3 mắt. Khi ươm hom lươn cắm 2 đốt vào bầu đất, 1 đốt trên mặt đất. Cây được ươm từ 4 - 5 tháng trong vườn ươm, có ít nhất 1 chồi mang 5 - 6 lá trở lên mới đem trồng.

- Đối với nhánh lươn, nếu hom được xử lý với NAA ở nồng độ từ 500 - 1000 mg/lít hay IBA ở nồng độ từ 50 - 55 mg/lít theo phương pháp nhúng nhanh trong 5 giây thì hom cho ra rễ rất tốt. Sau 4 tuần hom ra rễ đạt tỉ lệ cao từ 90 - 100 %. Sau khi hom ra rễ và bung cựa thì ta tiến hành dưỡng cây con, khoảng 3 tháng nữa trước khi đem trồng.




- Điểm cần lưu ý khi lấy nhánh lươn bò trên mặt đất để làm hom, không nên lấy các dây còn quá non, thân còn mềm, lá và đốt có màu tím nhạt vì các dây này khi làm hom rất dễ bị thối, tỉ lệ ra rễ thấp, sẽ cho trái muộn.

- Để già hoá dây lươn gốc trước khi cắt làm hom: trong vườn tiêu nên cắm các nọc tạm giữa các nọc chính, xong hướng cho tất cả các dây lươn bò trên các nọc tạm bằng cách buộc vào nọc, không để cho nhánh lươn bò lan trên mặt đất. Sau 4 - 6 tháng dây lươn hoá già, mập mạnh, ở mặt đốt rễ bắt đầu lún phún ra, nên khi cắt làm hom thì hom ra rễ nhanh, tỉ lệ hom ra rễ cao, sau lại cho trái sớm không thua cây lấy từ nhánh thân là mấy.

                                                                                                                           Hung Vo - Sen Đơn

7/12/14

Xen canh không những là biện pháp tốt nhất để đồng thời sử dụng tối ­ưu hoá các điêu kiện đất, ánh sáng, nước, chất dinh d­ưỡng. Không những làm tăng năng suất mà còn có thể làm giảm thiệt hại do các loài dịch hại gây ra cho cây trồng.

Đối với cây hồ tiêu việc xen canh các cây trồng phù hợp sẽ đem lại một ý nghĩa to lớn là hạn chế các loài sâu hại và bệnh hại. Tuy nhiên nếu xen canh không đúng hoặc để trong vườn tồn tại các cây trồng không phù hợp sẽ làm cho dịch hại gia tăng.
Không nên xen cây họ bầu bí, cà, ớt trong vườn tiêu
Nhiều loại sinh vật gây hại có tính chuyên hóa thức ăn, nghĩa là chúng chỉ có thể dùng những loại cây nhất định để làm thức ăn.

Vì vậy, khi trồng tiêu với diện tích lớn liền nhau sẽ tạo nên nguồn thức ăn dồi dào thuận lợi cho sự phát sinh, lây lan của những sinh vật gây hại chuyên tính. Đó là một trong những nguyên nhân thời gian vừa qua bệnh chết nhanh, chết chậm, tiêu điên phát sinh gây hại mạnh.

Hiện nay rất nhiều chủ vườn đang trồng xen một số cây như chanh dây, bầu bí, ớt, cà chua,… ngay trong vườn tiêu nhà mình. Các đối tượng này sẽ làm gia tăng một số bệnh hại do cùng là phổ ký chủ của một số bệnh hại quan trọng như chết nhanh, chết chậm, thán thư . Cần khắc phục sai lầm nguy hiểm này để hạn chế tối dịch bệnh cho hồ tiêu.

Nếu chúng ta trồng xen kẽ hồ tiêu với một số cây trồng không cùng là phổ ký chủ sẽ làm tăng tính đa dạng thực vật trong hệ sinh thái nông nghiệp. Do đó đã tạo nên một nguồn thức ăn không thuận lợi cho những loài sinh vật gây hại chuyên tính, cản trở sự phát sinh, lây lan của chúng, nhất là đối với những loài dịch hại chuyên tính không có khả năng tự phát tán đi xa (ví dụ như rệp sáp).
Trồng lạc dại

Trồng lạc trong vườn tiêu che phủ đất sẽ giử ẫm vào mùa nắng, cung cấp thêm dinh dưỡng và hạn chế được bệnh chết nhanh chết chậm do khắc phục việc nước chảy tràn trong vườn tiêu. Ngoài ra lạc dại sẽ làm giảm việc các nấm bệnh xâm nhập tấn công lên cành lá sát mặt đất. Cây cúc vạn thọ trồng chung trong vườn tiêu để hạn chế tuyến trùng cũng là phương pháp đúng đắn nên áp dụng.

Trồng cúc vạn thọ hạn chế tuyến trùng            
Đặc biệt mô hình tiêu xen cà phê được bà con nông dân ở Đắc Lak,  Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai áp dụng và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Theo lý thuyết thì 2 cây này cùng là phổ ký chủ của một số dịch hại như rệp sáp, tuyến trùng, thán thư, tảo đỏ, nấm hồng. Điều này có nghĩa là việc trồng xen 2 cây này với nhau sẽ làm tăng nguồn thức ăn của chúng từ đó là chúng phát triển nhiều hơn và dễ thành dịch. Một vướng mắc nữa là thời điểm tưới là hãm nước của hai cây này hơi lệch nhau nên khó trong khâu chăm sóc. Đó là điều xấu, bất lợi.
Mô hình tiêu xen cà phê
Tuy nhiên, thực tế là xen canh hai cây này thì cã hai đều phát triển rất tốt. Có rất nhiều vấn đề hay mà mọi người có thể nhận thấy. Đầu tiên là việc thoát nước: Khi trồng xen thì cây cà phê có thể giúp tiêu hạn chế ngập úng do rễ cà phê tạo điều kiện cho nước đi qua tầng đất dí chặt vào mùa mưa, thứ hai là tự bản thân cây cà phê sẽ rút nước (khả năng hút nước của bộ rễ có thể thấy khi tưới cà phê, 200-400l vẫn không làm bồn bị úng). Thứ 2 là về mặt bệnh hại: Ngoài các dịch hại mà hai cây cùng là phổ ký chủ như nêu ở trên thì bệnh chết nhanh là điều đặc biệt cần nói đến. Khi xen canh thì việc phytopthora gây chết nhanh lây lan từ cây này sang cây khác sẽ được hạn chế vì phải vươt qua hệ rễ cà phê.

Để biết nhiều thông tin về mô hình này quý bà con có thể thao khảm một số bài viết chọn lọc sau:

Đăk Lăk: mô hình cà phê xen hồ tiêu có hiệu quả cao

Sức thuyết phục của mô hình trồng xen cây hồ tiêu trong lô cà phê ở Công ty Cà phê Thắng Lợi

Ưu, nhược điểm của mô hình trồng xen cà phê với tiêu

Nguyên tắc chung khi trồng xen là phải chọn những cây trồng xen thích hợp sao cho chúng đem lại lợi ích cho nhau hoặc ít nhất cũng không gây ảnh hưởng xấu cho nhau. Cây trồng xen phải hỗ trợ công tác phòng trừ dịch hại, tức là phải tạo ra điều kiện bất lợi cho sự phát sinh, tích lũy số lượng và lây lan của dịch hại chính trên các cây trồng xen.
                                                                                                                               Nguồn:hotieuvietnam.vn

2/12/14

1. Triệu chứng bệnh: Triệu chứng chung là bệnh làm cho lá bị vàng, thối và rụng đi. Sau đó bệnh lan dần vào lóng, làm lóng rụng dần từ trên xuống nằm rải rác dưới gốc tiêu (do đó gọi là bệnh rụng lóng). Trường hợp bệnh do nấm gây ra, ta thấy hai đầu mắt lóng bị thâm đen, trong khi phần giữa lóng vẫn còn xanh.
(Rụng lóng hồ tiêu)

Trường hợp bệnh do vi khuẩn, quan sát ta thấy rễ bị thối nhũng, có mùi hôi, nếu cắt ngang thì thấy mạch bị thâm đen. Cây bị bệnh sẽ sinh trưởng chậm lại, tược non ra chậm, năng suất giảm nhiều, có trường hợp bệnh lan thành dịch rất khó phòng trị.

2. Tác nhân gây bệnh
Bệnh này cũng thường thấy trong mùa mưa, nguyên nhân có thể do nấm Rhizoctonia solani hay do vi khuẩn Pseudomonas sp. gây ra.

3. Phòng trị bệnh
Để hạn chế bệnh xuất hiện và gây hại nặng , nhất thiết vẫn là việc phòng bệnh là chính, kế tiếp là xử lý bệnh bằng thuốc hoá học khi bệnh vừa chớm phát (tùy nguyên nhân mà sử dụng thuốc phù hợp).
Lưu ý: Hiện nay còn một nguyên nhân gây rụng lóng nữa là do mất cân bằng trung vi lượng nhưng chưa có nghiên cứu cụ thể.

                                                                                                                                  hotieuvietnam
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com