Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

28/1/16

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2015, bệnh chết nhanh chết chậm trên hồ tiêu đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh Tây Nguyên và Đắk Nông. Theo thống kê sơ bộ, bệnh đã gây hại trên tổng diện tích hơn 10.300 ha hồ tiêu, chiếm 13% tổng diện tích hồ tiêu vùng Tây Nguyên, trong đó khoảng 73 ha đã chết hoàn toàn. Tuy nhiên, diện tích nhiễm bệnh thực tế có thể cao hơn nhiều do các tỉnh Tây Nguyên chưa có tổng hợp chính thức.

Khuyến nông viên Điểu Thương ở xã Lộc An (Lộc Ninh) tư vấn cho nông dân phòng chống bệnh trên hồ tiêu
Qua kiểm tra tình hình thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu gây hại ở mức nghiêm trọng, con số nhiễm bệnh và thiệt hại có thể lớn hơn rất nhiều, nhất là tại 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông. Đa số hồ tiêu bị thiệt hại thuộc các vùng sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ canh tác và phòng trừ bệnh hạn chế. Đáng lo ngại, do giá hồ tiêu thời gian qua rất cao nên nông dân ồ ạt mở rộng diện tích bằng mọi giá mà không để ý tới kỹ thuật canh tác và phòng trừ bệnh, đặc biệt là chất lượng nguồn giống đã vượt khỏi sự kiểm soát. Trước diễn biến phức tạp của bệnh chết nhanh chết chậm trên hồ tiêu, Cục BVTV chỉ đạo phải dứt khoát rà soát, đánh giá lại chi tiết tình hình dịch bệnh tại các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời phân loại rõ mức độ bệnh của từng địa bàn. Trước ngày 25-1-2016, phải hoàn thiện quy trình phòng chống bệnh, thống nhất áp dụng cho tất cả địa phương, triển khai tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu cho nông dân.

Tại Bình Phước, thạc sĩ Lê Thúc Long, Phó trưởng phòng Chi cục Trồng trọt - BVTV cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động chiến dịch phòng chống bệnh hại trên cây tiêu, qua đó tuyên truyền, tập huấn cho nông dân biện pháp vệ sinh vườn, biện pháp phòng là chính và sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp... nên đã hạn chế rất lớn diện tích bị bệnh chết nhanh chết chậm. Cụ thể, năm 2015 diện tích nhiễm bệnh chết chậm 515 ha, giảm 31%, diện tích bệnh chết nhanh 127 ha, giảm 62% so với năm 2014.

Ngoài ra, ở Bình Phước nhờ dự án liên kết sản xuất chuỗi giá trị tiêu bền vững giữa Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam và người trồng tiêu ở 3 huyện trọng điểm Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản và sự vào cuộc của truyền thông, chính quyền trong quảng bá thương hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh nên nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất, không lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV chăm sóc hồ tiêu, góp phần giảm thiểu bệnh cho cây tiêu.
P.T
Theo Binh Phuoc Online
Ảnh minh họa
Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu (XK) 135.000 tấn hồ tiêu, thu về 1,26 tỷ USD, giảm 13% về lượng nhưng tăng 5% giá trị so với năm 2014. Đây cũng là năm XK hồ tiêu đạt kim ngạch cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam 15 năm giữ vững vị trí số 1 thế giới về XK hồ tiêu. Giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 9.335 USD/tấn, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Hiện hồ tiêu Việt Nam có mặt ở 100 quốc gia, lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Singapore, với gần 36% thị phần. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (gần 36%), Hàn Quốc (gần 33%), Tây Ban Nha (hơn 31%) và Anh (hơn 30%). Dù thống lĩnh thị trường trong nhiều năm liên tục nhưng ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn tồn tại những yếu tố bất ổn, nguy cơ phát triển thiếu bền vững. Thời gian qua, nhiều địa phương bùng nổ về diện tích hồ tiêu, người dân chặt bỏ một số loại cây trồng khác để trồng hồ tiêu, dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch ngành hồ tiêu.

Trong quy hoạch phát triển hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha, sản lượng đạt 140.000 tấn/năm. Nhưng hiện nay, diện tích hồ tiêu hiện đã đạt khoảng 86.000 ha. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng dự báo diện tích hồ tiêu cả nước có khả năng sẽ vượt con số 100.000 ha. Theo các chuyên gia, điều này dẫn đến nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc sản xuất ồ ạt sẽ khiến nguồn cung trên thế giới dư thừa, hồ tiêu Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro trong tiêu thụ.

Nhiều ý kiến cho rằng ngành hồ tiêu muốn duy trì “ngôi vương”, về lâu dài, phải khống chế được diện tích, không để phát triển nóng, bùng nổ như thời gian qua. Bên cạnh đó, cần tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến, chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Muốn làm được điều này, Cục Bảo vệ thực vật phải dứt khoát loại bỏ một số thuốc bảo vệ thực vật có thành phần hóa học mà các nước nhập khẩu hồ tiêu không cho phép, trong đó đặc biệt có những hoạt chất như carbendazim, cypermethrin, metalaxyl. Cần sớm hoàn thiện quy trình GAP cho hồ tiêu, tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân sản xuất sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

P. Thảo
Theo Bình Phước Online
Năm 2015 khép lại với kết quả tốt đẹp với ngành Hồ tiêu Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục cao hơn năm trước, đạt 1 tỷ 276,2 triệu dollar Mỹ, cao hơn năm 2014 khoảng 66 triệu dollar. Ngành Hồ tiêu tiếp tục nằm trong CLB 1 tỷ dollar và ngày 22 tháng 1 năm 2016 vừa qua, tại Hội nghị tổng kết công tác xúc tiến thương mại (XTTM) 2015 của Cục XTTM, ngành Hồ tiêu đã vinh dự được Bộ Công Thương khen tặng thành tích xuất khẩu xuất sắc 2015.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã nhiều năm thực hiện Chương trình XTTM quốc gia. Năm 2015, tuy nguồn kinh phí khá hạn hẹp nhưng Chương trình cũng đã tạo được động lực mồi giúp ngành Hồ tiêu khôi phục lại một số thị trường đang có nguy cơ giảm sút, đó là thị trường Châu Âu.
Phó Cục trưởng Cục XTTM Tạ Hoàng Linh báo cáo tại Hội nghị
Với việc tham gia Hội chợ Thực phẩm và Đồ uống Anuga và khảo sát thị trường gia vị 3 nước Đức - Hà Lan – Pháp, ngành Hồ tiêu đã có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với nhiều khách hàng truyền thống cũ và có được những khách hàng mới Châu Âu, vốn là thị trường nhiều tiềm năng, cho giá trị cao với mặt hàng Hồ tiêu gia vị nhưng năm 2014/2015 lại có xu hướng suy giảm.

Với Chương trình XTTM 2015, các DN xuất khẩu Hồ tiêu đã có cơ hội tiếp xúc trao đổi với Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA) và Hiệp hội Gia vị Hà Lan (DSA). Từ đây hai phía đã có những thông tin, trao đổi thẳng thắn để từng bước giải quyết trở ngại về vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm của Hồ tiêu VN. Cũng chính từ buổi gặp gỡ này mà ngày 9/12/2015 vừa qua ESA đã cùng Hiệp hội Gia vị Mỹ (ASTA) và Canada (CSA) tới TP HCM để làm việc trực tiếp với Bộ NN-PTNT, Dự án SECO- Cục XTTM/ Bộ Công Thương và VPA để tiếp tục có những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy XK Hồ tiêu và gia vị sang EU, không để sản lượng nhập vào các thị trường EU, Mỹ, Canada bị suy giảm.
Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam
Thông qua hoạt động tham gia Hội chợ, các DN XK Hồ tiêu VN có điều kiện giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ mới cho ngành công nghiệp thực phẩm, đồng thời có cơ hội quảng bá thương hiệu, hình ảnh của gia vị VN với bạn bè Quốc tế. Chương trình XTTM cũng giúp các DN hiểu rõ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng Hồ tiêu bởi chỉ các sản phẩm sạch, đạt chất lượng vệ sinh ATTP, có nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu mới có thể thâm nhập thị trường EU.

Nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu toàn thế giới đang tăng trong khi sản lượng Hồ tiêu toàn thế giới sản xuất ra chỉ tăng nhẹ, khoảng 2%/năm, chủ yếu từ Việt Nam. Các nước SX được Hồ tiêu sản lượng lớn không nhiều và luôn bấp bênh do nhiều yếu tố tự nhiên và xã hội.VN đang mở cửa mạnh, nhiều Hiệp định thương mại đã và đang chuẩn bị thực thi, Hồ tiêu là cây chủ lực dành cho xuất khẩu và là cây có lợi thế cạnh tranh khá tốt.

Chương trình XTTM, hỗ trợ DN XK, xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá qua nhiều kênh như triển lãm, hội chợ, gặp gỡ giao thương, qua kênh trao đổi văn hoá, ngoại giao, truyền thông v.v luôn là kênh tiếp thị vô cùng quan trọng giúp ngành Hồ tiêu phát triển mạnh hơn, đem lại kim ngạnh XK lớn hơn cho quốc gia và từ đó giúp nâng cao thu nhập cho những người tham gia trong chuỗi giá trị SX-TM Hồ tiêu.

Theo VPA

20/1/16

Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nhìn lại cả năm 2015, giá hồ tiêu Việt Nam đã có một thời gian dài luôn đứng ở mức cao, trên dưới 200.000 đồng/kg vào tháng 6, tháng 7 (xấp xỉ 10 USD/kg).

Sau đó, giá đã giảm mạnh vào thời điểm gần cuối năm trước những dấu hiệu khó khăn của thị trường. Nguyên nhân chính là do giá dầu giảm mạnh, nhiều nhà đầu cơ ở khu vực Trung Đông đã gần như ngừng mua hạt tiêu, trong khi đó, nhiều nông dân lại đang trữ hạt tiêu với kỳ vọng kiếm hời từ nguồn thông tin Ấn Độ bị mất mùa niên vụ 2015/2016. Dự báo, năm 2016 giá tiêu nhiều khả năng còn giảm xuống nữa.

Theo Dân Việt
Một góc nhà máy chế biến tiêu xuất khẩu
Trong khi nhiều ngành nông, lâm thủy sản lo ngại sẽ gặp không ít khó khăn khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì riêng ngành hồ tiêu tỏ ra rất tự tin bởi những nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững vị thế xuất khẩu.

Giá tăng cao

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA): Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam liên tục chiếm lĩnh thị trường khi là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% sản lượng xuất khẩu hạt tiêu trên toàn cầu. Thị phần còn lại phần lớn thuộc về Ấn Độ, Indonesia và Brazil.

Hồ tiêu Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Singapore và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ngoài ra, hồ tiêu Việt Nam cũng đã ‘đặt chân’ vào được các nước có hàng rào kỹ thuật rất ngặt nghèo như Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Pháp.…

Năm 2015, ước tính cả nước xuất khẩu khoảng 130.000 tấn hồ tiêu với kim ngạch 1,24 tỷ USD. Năm 2015 là năm hồ tiêu Việt Nam được giá cao với giá xuất khẩu bình quân là 9.528 USD/tấn, tăng hơn 20% so với năm trước. Với mức giá xuất khẩu này, giá tiêu của Việt Nam và Ấn Độ đang ở mức cao nhất thế giới.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA khẳng định, khác với các mặt hàng nông sản khác, hồ tiêu sau thu hoạch có thể để tồn kho 2-3 năm mà không giảm chất lượng của tiêu. Do đó, người trồng tiêu có thể tự điều tiết giá và sản lượng bán. Nhìn chung, thời gian qua, giá tiêu luôn trong xu hướng tăng và đang ở mức cao ngất ngưởng.

Khi tham gia TPP, nhiều ngành nông sản lo ngại, nhưng hồ tiêu Việt Nam có lợi thế nhất định, bởi vị thế hạt tiêu Việt Nam đã được khẳng định bằng việc giữ vững kỷ lục sản xuất và xuất khẩu trong 14 năm liền. Ước tính, khi TPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu vào khối này sẽ tăng thêm khoảng 294 triệu USD/năm bởi 11 nước sẽ xóa bỏ thuế quan, riêng Mexico xóa bỏ thuế quan có lộ trình 16 năm đối với tiêu xanh.

Đầu tư chiều sâu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để có được tiêu sạch đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp, bộ đã hướng dẫn nông dân trồng tiêu theo VietGap, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các hộ trồng tiêu vùng sâu, vùng xa, bà con dân tộc ở Tây Nguyên. Áp dụng biện pháp bảo quản sau thu hoạch từ các nhà thu gom, các đại lý đến doanh nghiệp. Xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển cây tiêu ở Tây Nguyên, giúp phổ biến kiến thức khoa học đến các hộ trồng tiêu. Quá trình chế biến xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo ra sản phẩm sạch.

Theo VPA, chính vì có thu nhập tốt nên phong trào đầu tư vào các khâu sau thu hoạch, bảo quản, chế biến… của nông dân và các đối tượng tham gia vào chuỗi tiêu thụ hồ tiêu tăng mạnh, khiến một số chỉ tiêu chất lượng hồ tiêu sau thu hoạch như độ ẩm mốc, tạp chất… được cải thiện đáng kể trong 5 năm trở lại đây. Những năm trước, các hộ dân phơi hồ tiêu để khô tự nhiên, nhưng  nay nhiều hộ đã đầu tư mạnh vào khâu bảo quản sau thu hoạch để giữ chất lượng hạt tiêu, nhất là trong điều kiện thời tiết bất thường.

Ông Nam nhấn mạnh, kinh phí đầu tư một lò sấy công suất 400-500 kg cho 1 lần sấy hiện chỉ khoảng 15 triệu đồng nên khá phù hợp với điều kiện nông hộ, do đó tỷ lệ hộ đầu tư lò sấy tiêu đã tăng khoảng 70%. Nhiều nông dân còn đầu tư máy làm sạch tiêu, máy phân loại hạt tiêu giúp hạt tiêu có đủ chất lượng đóng bao cất trữ và làm kho chứa riêng để bảo quản hồ tiêu tốt nhất.

Cùng với sự đầu tư mạnh của nông dân trong bảo quản, chế biến, số doanh nghiệp đầu tư vào việc xử lý, bảo quản, chế biến hạt tiêu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu của nhà nhập khẩu cũng tăng mạnh trong 5 năm qua. Đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu số lượng hồ tiêu lớn của Việt Nam đều có nhà máy xử lý, chế biến hiện đại, công nghệ cao với các hệ thống làm sạch, xử lý vi sinh… theo chuẩn quốc tế. Hiện nay, ngành hồ tiêu có 18 nhà máy chế biến hiện đại (trong khoảng 100 nhà máy).

Thời gian tới, ngành tiêu chủ trương tập trung nhiều hơn vào nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để vươn xa, mạnh hơn vào thị trường thế giới.
Quỳnh Nga - Lan Anh
Theo Kinh Tế việt Nam

13/1/16

Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học (Dona - Techno) tại thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai chương trình liên kết với nông dân làm tiêu sạch. Hiện chương trình đã thu hút được 53 hộ nông dân tại các tỉnh, như Đồng Nai, Đắk Nông, Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu... với diện tích khoảng 60 ha.

Tham gia chương trình, nông dân được Dona - Techno cho mua gối đầu thuốc phòng trừ dịch bệnh; hỗ trợ về thuốc và quy trình kỹ thuật trị bệnh chết chậm trên cây tiêu. Dona - Techno cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tiêu sạch với nông dân với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Hiện doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng mô hình liên kết với nông dân để nhân rộng diện tích trồng tiêu sạch trên nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Ông Trần Văn Tánh, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) cho hay, từ thực tế sản xuất, một số nông dân nhận thấy tác hại của việc lạm dụng phân bón hóa học, các loại thuốc trừ sâu, bệnh độc hại nên dần chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ, ưu tiên sử dụng phân chuồng, thuốc sinh học. Thời gian đầu, sản phẩm sạch vẫn bán cho thương lái với giá hàng thường nên đa số nông dân vẫn giữ tập quán sản xuất cũ. Chỉ khi có doanh nghiệp về lấy mẫu thử nghiệm, vườn tiêu nào đạt chuẩn an toàn sẽ được ký hợp đồng bao tiêu với giá cao. Từ đó đã thuyết phục đông đảo nông dân đầu tư theo hướng sản xuất an toàn.

Huyện Cẩm Mỹ đang triển khai các dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hạt tiêu an toàn, thu hút nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia đầu tư. Trong đó, có cả các doanh nghiệp chế biến hoặc xuất khẩu nông sản của Ấn Độ, Đức, Nhật Bản... đã tìm đến hợp tác xã đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm cho thị trường xuất khẩu.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, Đồng Nai có diện tích trồng hồ tiêu khá lớn (12.120 ha); trong đó diện tích thu hoạch 8.383 ha, với sản lượng khoảng 18.000 tấn.

 Sản xuất hồ tiêu tại tỉnh Đồng Nai khá thuận lợi cả về điều kiện tự nhiên và giá bán khá cao. Giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân là gần 9.700 USD/tấn (khoảng trên 200 triệu đồng/tấn). Giá hạt tiêu đen tại Đồng Nai đang dao động từ 190 đến 194 nghìn đồng/kg. Theo các thương lái, chất lượng tiêu ở Đồng Nai tốt hơn nhiều tỉnh khác vì hạt lớn, đồng đều nên nhiều doanh nghiệp chọn mua tiêu của Đồng Nai về để làm tiêu sọ xuất khẩu. Hiện nay, thị trường Nhật Bản đang nhắm đến hồ tiêu Đồng Nai. Đó là thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không tồn dư hóa chất và vi sinh vật hại.

Bà Võ Thị Hồng Thúy, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, sản xuất hồ tiêu hữu cơ đem lại nhiều lợ ích cho nông dân, đây cũng là một hệ thống kỹ thuật khai thác hợp lý nhất tài nguyên thiên nhiên, kết hợp kinh nghiệm truyền thống với các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng hồ tiêu, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái nhằm phát triển hiệu quả và bền vững ngành hàng hồ tiêu. Vì vậy, với một tỉnh có diện tích hồ tiêu đứng thứ 2 của Việt Nam, cần có các giải pháp kịp thời để phát triển hồ tiêu theo hướng nông nghiệp hữu cơ bền vững về quy mô, sản lượng và chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Theo bà Thúy, trước thực trạng khả năng xuất khẩu hồ tiêu còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu, để tạo thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hồ tiêu của địa phương, nông dân nên tham gia tích cực vào các mô hình kinh tế tập thể sẽ tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn và có chất lượng đồng đều, đủ điều kiện để thực hiện ký kết các hợp đồng lớn với doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, việc áp dụng sản xuất hồ tiêu hữu cơ bền vững đang là đòi hỏi thực sự và cấp bách của người trồng ở Đồng Nai./.

Theo TTXVN
Với mục tiêu tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, tăng năng suất, chất lượng nông sản; mới đây, Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện MangYang đã triển khai Mô hình quản lý tổng hợp dinh dưỡng và sâu bệnh hại trên hồ cây tiêu (gọi tắt là mô hình ICM).


Để triển khai mô hình, Trạm BVTV huyện đã chọn 02 hộ nông dân tại tổ 2 thị trấn Kon Dơng với diện tích 1ha hồ tiêu để thực hiện. Sau đó tổ chức tập huấn cho 30 hộ nông dân trồng tiêu, hướng dẫn kỹ thuật áp dụng mô hình quản lý dinh dưỡng và phòng trừ tổng hợp sâu bệnh trên cây hồ tiêu. 

Ông Trương Thắng , Trưởng Trạm BVTV huyện MangYang nói: “ “Mô hình này, chúng tôi hạn chế sử dụng thuốc BVTV, hướng tới bền vững tức dùng thuốc sinh học, chủ yếu phòng là chính. Khi có sâu bệnh hại gây hại quá ngưỡng, chúng tôi mới khuyến cáo bà con sử dụng thuốc BVTV, còn lại hầu hết chúng tôi chỉ dừng thuốc sinh học”.

Hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời Trạm BVTV huyện cũng thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật cùng với bà con nông dân kiển tra vườn từ 1 đến 2 lần/tuần để nắm bắt kịp thời diễn biến của sâu bệnh hại, qua đó phân tích hệ sinh thái để đưa ra các biện pháp xử lý và khắc phục kịp thời. Nhờ đó hầu hết các hộ dân tham gia đã nắm bắt được các quy trình kỹ thuật của mô hình, nhận biết được các loại sâu bệnh hại chính và áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp.

Anh Neng, làng Đê Hrel, thị trấn Kon Dơng, huyện MangYang cho biết:“Nhà mình trồng 500 trụ tiêu, cũng đẹp lên dây trụ rồi nhưng do bón phân không hợp lý sau thu hoạch lá nó cứ rụng hết, tưới nước bón phân không đủ chất lượng nên không hiệu quả. Mình tập huấn ngày hôm nay thì sau mình học hỏi người ta mình cố gắng làm, phun thuốc như thế nào, bón phân thế nào cho đúng, bổ sung bộ rể của nó. Hôm nay nhìn tiêu người ta tôi thấy rất đẹp, mừng quá mai mốt học hỏi theo người ta”.

Hiệu quả mang lại từ mô hình ICM trên cây tiêu ở huyện MangYang bước đầu cho thấy: So với vườn tiêu đối chứng thì vườn tiêu áp dụng mô hình ICM  với việc được áp dụng quy trình kỹ thuật, cắt tỉa cành chồi hợp lý đã giúp tỷ lệ sâu bệnh hại thấp hơn, tỷ lệ rụng quả cũng thấp hơn. Ngoài ra với việc áp dụng quy trình phân bón hợp lý, cân đối, phân bổ đều trong cả giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây tiêu nên cho năng suất cao hơn so với vườn đối chứng; hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với vườn không áp dụng mô hình gần 100 triệu đồng/ha.

Anh Đỗ Khắc Quyền, Tổ 2 thị trấn Kon Dơng, huyện MangYang chia sẻ:

 “Muốn phát triển cây tiêu bền vững mình nên kiểm tra vườn thường xuyên, định kỳ, phải giảm thiểu phân hóa học, thuốc hóa học. Nhìn vào thực tế vườn của mình, bón phân theo chu kỳ lúc ra hoa, lúc vào trái non, cây chuẩn bị hái thì nên bổ sung thêm phân để lượng cành không bị xốp, giữ lại được cành để phân bổ hoa cho vụ tới”.

Mô hình ICM trên cây tiêu không những mang lại hiệu quả về kinh tế, mà còn góp phần cải thiện môi trường như giảm thiểu ô nhiễm không khí, nguồn nước, giảm thiểu tồn dư dư lượng thuốc BVTV. Và điều quan trọng hơn là ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đồng thời tạo nên một nền nông nghiệp xanh và bền vững ./.

Đức Phương (Đài TT-TH MangYang)
Theo gialaitv.vn


Những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, nông dân trồng tiêu ở Xuân Lộc rất vui vì hồ tiêu năm nay đậu trái cao và ít sâu bệnh gây hại. Tuy qua Tết nông dân mới chính thức bước vào vụ thu hoạch, nhưng theo đánh gía của nông dân trồng tiêu, năng suất năm nay ước đạt từ 7-8 tấn/ha, vượt gấp đôi so với vụ tiêu năm trước. Nguyên nhân chính là thời tiết năm nay thuận lợi cho hồ tiêu giai đoạn ra bông đậu trái, ngoài ra giá hồ tiêu tăng cao nhiều năm qua cũng phần nào giúp nông dân đầu tư mạnh và chăm sóc hồ tiêu tốt hơn.
Nông dân đang giàu lên nhờ cây tiêu
Tại xã Suối Cao, một số nông dân còn trữ hạt tiêu hiện vẫn bán được giá 180.000 đồng/kg và dự báo giá tiêu đang có chiều hướng tăng lên. Được biết, hiện Xuân Lộc có trên 3.000ha hồ tiêu, trong đó có 1.755ha đang cho thu hoạch.

Lê Tùng (Báo Đồng Nai)
Chiều 12-1, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị triển khai các hoạt động thực địa tại tỉnh Quảng Trị thuộc dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”.

Trong thời gian tới, hồ tiêu Quảng Trị sẽ có chỉ dẫn địa lý
Việc hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây hồ tiêu tại tỉnh Quảng Trị thuộc dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” do Cơ quan phát triển Pháp tài trợ trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2018. Mục tiêu của dự án là cải thiện hệ thống đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Tại Quảng Trị, dự án tập trung vào việc chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý, tăng cường năng lực quản lý; tổ chức hiệp hội đại diện cho người trồng tiêu tại Quảng Trị; nghiên cứu thị trường nhằm đẩy mạnh việc thương mại hóa sản phẩm, trong đó tập trung hướng đến thị trường châu Âu.

Đối với tỉnh Quảng Trị, hồ tiêu là cây công nghiệp chủ lực có chất lượng cao, hương vị đặc trưng và mang lại thu nhập khá ổn định. Sản phẩm tiêu Quảng Trị đã được đăng ký bảo hộ sản phẩm, tuy nhiên, việc bảo hộ mới chỉ dừng lại ở các sản phẩm tiêu sản xuất thô, chưa mở rộng ra các loại sản phẩm chế biến khác như: tiêu xay vỡ, tiêu bột... Giá trị sản phẩm hồ tiêu vẫn chưa bền vững do thiếu sự liên kết giữa những người trồng tiêu và giữa nông dân với doanh nghiệp và xuất hiện hàng giả, hàng nhái.

Với việc hỗ trợ xây dựng địa lý cho cây hồ tiêu, trong thời gian tới, sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định được giá trị và thương hiệu ở trong và ngoài nước.

NGUYỄN VĂN HAI - HIẾU MINH
Theo Báo Nhân Dân

6/1/16

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, do 3 năm trở lại đây giá càphê liên tục giảm mạnh nên nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã dần chặt bỏ để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.
(Ảnh minh họa: Hưng Thịnh/TTXVN)
Cụ thể, nếu như năm 2014, diện tích trồng càphê của toàn tỉnh gần 7.000ha, thì đến nay chỉ còn hơn 6.000ha. Năng suất trung bình 2 tấn/ha, sản lượng bình quân đạt hơn 10.766 tấn.

Đặc biệt, giá càphê giảm từ 6.000-7.000 đồng/kg so với năm 2014 và đang ở mức 33.000-34.000 đồng/kg. Do đó, nhiều chủ vườn đã chặt bỏ chuyển sang trồng một số loại cây khác như hồ tiêu.

Huyện Châu Đức là địa phương có diện tích càphê lớn nhất của tỉnh, với 4.600ha, tiếp theo đó là các địa phương Tân Thành, Xuyên Mộc.

Tuy nhiên, diện tích trồng càphê của Châu Đức cũng đang giảm nhanh. Xã Xà Bang là một trong những địa phương có diện tích trồng càphê lớn ở huyện Châu Đức, trong vòng 3 năm trở lại đây, diện tích trồng càphê đã giảm 75%, hiện tại chỉ còn 100ha do người dân chặt bỏ để trồng tiêu.

Do giá càphê không ổn định, những hộ trồng với diện tích lớn thì đua nhau chặt bỏ, còn những hộ mới trồng cũng khá e dè trong quá trình đầu tư.

Ông Phạm Văn Bình, ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, huyện Châu Đức có 1,6 ha đất nhưng chỉ trồng 4 sào càphê, còn lại trồng tiêu và một số cây công nghiệp khác.

Vụ càphê năm ngoái, ông Bình thu về 3 tạ hạt, với giá 40.000 đồng/kg, ông lời khoảng 8 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Năm nay, do thời tiết thuận lợi, lượng nước tưới tiêu đầy đủ, ông Bình ước tính sẽ thu về 4-5 tạ càphê, trị giá khoảng 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Bình, giá càphê ngày càng giảm nên ông không có ý định đầu tư nhiều phân bón, thuốc trừ sâu… vào loại cây trồng này.

Hiện tại, ông cũng có ý định chặt bỏ một phần vườn càphê để chuyển qua trồng hồ tiêu, cây trồng mà ông cho là đang mang lại siêu lợi nhuận cho người nông dân.

Trong khi đó, gia đình ông Vương Khả Phú ở ấp Tân Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức, từ năm 1997 bắt đầu trồng 400 gốc càphê xen canh hồ tiêu, điều trên diện tích 6.000m2. Đến năm 2014, ông Phú tăng diện tích trồng càphê lên 2,2ha với 1.600 gốc.

Trung bình, mỗi năm vườn càphê của ông cho thu hoạch gần 2 tấn/ha. Với giá 40.000 đồng/kg càphê khô, ông Phú lời khoảng 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, điện, nước…

Tuy nhiên, sang năm 2015, giá càphê ngày càng giảm, ông Phú quyết định chặt bỏ 400 gốc càphê chuyển sang trồng tiêu.

Ông Phú so sánh, nếu được mùa, một ha càphê cho thu hoạch từ 3-4 tấn hạt, với mức giá hiện nay 33.000-34.000 đồng/kg cho thu nhập từ 100-135 triệu đồng.

Trong khi đó, mỗi năm một ha tiêu thu được 3-4 tấn, giá 170.000-200.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người trồng tiêu có lãi khoảng 600-700 triệu đồng.

Bà Trần Thị Hiến, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện tại diện tích trồng càphê trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm.

Trong khi đó, diện tích trồng hồ tiêu tăng chóng mặt. Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích trồng tiêu sẽ ở mức 8.300ha.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, diện tích trồng tiêu đã lên đến hơn 11.000 ha. Do đó, người dân cần thận trọng và cân nhắc trong việc đua nhau chặt bỏ càphê để trồng tiêu, bởi cây tiêu là cây trồng rất khó chăm sóc và dễ nhiễm bệnh, trong khi càphê lại dễ trồng hơn và ít nhiễm bệnh hơn.

Bà Hiến cũng nhấn mạnh, để trồng càphê hiệu quả, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nên tuyển chọn những giống càphê có chất lượng cao như càphê ghép để trồng, do giống cây này cho sản lượng cao gấp 1,5 lần so với giống càphê thường.

Ngoài ra, để phát triển hiệu quả sản xuất càphê trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng đến vấn đề hỗ trợ về cây giống, công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường... cho người trồng càphê./.

Theo Hoàng Nhị (TTXVN/Vietnam+)
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com