Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

13/1/16

Với mục tiêu tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, tăng năng suất, chất lượng nông sản; mới đây, Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện MangYang đã triển khai Mô hình quản lý tổng hợp dinh dưỡng và sâu bệnh hại trên hồ cây tiêu (gọi tắt là mô hình ICM).


Để triển khai mô hình, Trạm BVTV huyện đã chọn 02 hộ nông dân tại tổ 2 thị trấn Kon Dơng với diện tích 1ha hồ tiêu để thực hiện. Sau đó tổ chức tập huấn cho 30 hộ nông dân trồng tiêu, hướng dẫn kỹ thuật áp dụng mô hình quản lý dinh dưỡng và phòng trừ tổng hợp sâu bệnh trên cây hồ tiêu. 

Ông Trương Thắng , Trưởng Trạm BVTV huyện MangYang nói: “ “Mô hình này, chúng tôi hạn chế sử dụng thuốc BVTV, hướng tới bền vững tức dùng thuốc sinh học, chủ yếu phòng là chính. Khi có sâu bệnh hại gây hại quá ngưỡng, chúng tôi mới khuyến cáo bà con sử dụng thuốc BVTV, còn lại hầu hết chúng tôi chỉ dừng thuốc sinh học”.

Hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời Trạm BVTV huyện cũng thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật cùng với bà con nông dân kiển tra vườn từ 1 đến 2 lần/tuần để nắm bắt kịp thời diễn biến của sâu bệnh hại, qua đó phân tích hệ sinh thái để đưa ra các biện pháp xử lý và khắc phục kịp thời. Nhờ đó hầu hết các hộ dân tham gia đã nắm bắt được các quy trình kỹ thuật của mô hình, nhận biết được các loại sâu bệnh hại chính và áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp.

Anh Neng, làng Đê Hrel, thị trấn Kon Dơng, huyện MangYang cho biết:“Nhà mình trồng 500 trụ tiêu, cũng đẹp lên dây trụ rồi nhưng do bón phân không hợp lý sau thu hoạch lá nó cứ rụng hết, tưới nước bón phân không đủ chất lượng nên không hiệu quả. Mình tập huấn ngày hôm nay thì sau mình học hỏi người ta mình cố gắng làm, phun thuốc như thế nào, bón phân thế nào cho đúng, bổ sung bộ rể của nó. Hôm nay nhìn tiêu người ta tôi thấy rất đẹp, mừng quá mai mốt học hỏi theo người ta”.

Hiệu quả mang lại từ mô hình ICM trên cây tiêu ở huyện MangYang bước đầu cho thấy: So với vườn tiêu đối chứng thì vườn tiêu áp dụng mô hình ICM  với việc được áp dụng quy trình kỹ thuật, cắt tỉa cành chồi hợp lý đã giúp tỷ lệ sâu bệnh hại thấp hơn, tỷ lệ rụng quả cũng thấp hơn. Ngoài ra với việc áp dụng quy trình phân bón hợp lý, cân đối, phân bổ đều trong cả giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây tiêu nên cho năng suất cao hơn so với vườn đối chứng; hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với vườn không áp dụng mô hình gần 100 triệu đồng/ha.

Anh Đỗ Khắc Quyền, Tổ 2 thị trấn Kon Dơng, huyện MangYang chia sẻ:

 “Muốn phát triển cây tiêu bền vững mình nên kiểm tra vườn thường xuyên, định kỳ, phải giảm thiểu phân hóa học, thuốc hóa học. Nhìn vào thực tế vườn của mình, bón phân theo chu kỳ lúc ra hoa, lúc vào trái non, cây chuẩn bị hái thì nên bổ sung thêm phân để lượng cành không bị xốp, giữ lại được cành để phân bổ hoa cho vụ tới”.

Mô hình ICM trên cây tiêu không những mang lại hiệu quả về kinh tế, mà còn góp phần cải thiện môi trường như giảm thiểu ô nhiễm không khí, nguồn nước, giảm thiểu tồn dư dư lượng thuốc BVTV. Và điều quan trọng hơn là ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đồng thời tạo nên một nền nông nghiệp xanh và bền vững ./.

Đức Phương (Đài TT-TH MangYang)
Theo gialaitv.vn


0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com