Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

28/1/16

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2015, bệnh chết nhanh chết chậm trên hồ tiêu đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh Tây Nguyên và Đắk Nông. Theo thống kê sơ bộ, bệnh đã gây hại trên tổng diện tích hơn 10.300 ha hồ tiêu, chiếm 13% tổng diện tích hồ tiêu vùng Tây Nguyên, trong đó khoảng 73 ha đã chết hoàn toàn. Tuy nhiên, diện tích nhiễm bệnh thực tế có thể cao hơn nhiều do các tỉnh Tây Nguyên chưa có tổng hợp chính thức.

Khuyến nông viên Điểu Thương ở xã Lộc An (Lộc Ninh) tư vấn cho nông dân phòng chống bệnh trên hồ tiêu
Qua kiểm tra tình hình thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu gây hại ở mức nghiêm trọng, con số nhiễm bệnh và thiệt hại có thể lớn hơn rất nhiều, nhất là tại 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông. Đa số hồ tiêu bị thiệt hại thuộc các vùng sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ canh tác và phòng trừ bệnh hạn chế. Đáng lo ngại, do giá hồ tiêu thời gian qua rất cao nên nông dân ồ ạt mở rộng diện tích bằng mọi giá mà không để ý tới kỹ thuật canh tác và phòng trừ bệnh, đặc biệt là chất lượng nguồn giống đã vượt khỏi sự kiểm soát. Trước diễn biến phức tạp của bệnh chết nhanh chết chậm trên hồ tiêu, Cục BVTV chỉ đạo phải dứt khoát rà soát, đánh giá lại chi tiết tình hình dịch bệnh tại các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời phân loại rõ mức độ bệnh của từng địa bàn. Trước ngày 25-1-2016, phải hoàn thiện quy trình phòng chống bệnh, thống nhất áp dụng cho tất cả địa phương, triển khai tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu cho nông dân.

Tại Bình Phước, thạc sĩ Lê Thúc Long, Phó trưởng phòng Chi cục Trồng trọt - BVTV cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động chiến dịch phòng chống bệnh hại trên cây tiêu, qua đó tuyên truyền, tập huấn cho nông dân biện pháp vệ sinh vườn, biện pháp phòng là chính và sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp... nên đã hạn chế rất lớn diện tích bị bệnh chết nhanh chết chậm. Cụ thể, năm 2015 diện tích nhiễm bệnh chết chậm 515 ha, giảm 31%, diện tích bệnh chết nhanh 127 ha, giảm 62% so với năm 2014.

Ngoài ra, ở Bình Phước nhờ dự án liên kết sản xuất chuỗi giá trị tiêu bền vững giữa Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam và người trồng tiêu ở 3 huyện trọng điểm Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản và sự vào cuộc của truyền thông, chính quyền trong quảng bá thương hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh nên nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất, không lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV chăm sóc hồ tiêu, góp phần giảm thiểu bệnh cho cây tiêu.
P.T
Theo Binh Phuoc Online

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com