Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

6/2/14


Sau khi được phơi khô, hồ tiêu sẽ được phân loại đóng gói rồi cung cấp ra thị trường.
Từ trước những năm 1990, Cam Lộ đã nổi tiếng với sản vật hồ tiêu vùng Cùa. Cũng không hiểu vì lý do gì mà hồ tiêu ở đây lại đặc biệt hơn so với những vùng khác. Hồ tiêu vùng Cùa trái không chỉ đều đẹp, mà hàm lượng tinh dầu cao, hạt chắc, hương vị nồng cay, thơm ngon không nơi nào trên đất nước Việt Nam sánh được.

Huyện Cam Lộ có trên 3.000 ha đất đỏ ba dan ở ba xã Cam Chính, Cam Nghĩa (vùng Cùa) và Cam Thành. Đây là loại đất thích hợp để phát triển cây công nghiệp dài ngày. Vì thế sau ngày quê hương giải phóng, vùng đất đỏ ba dan này đã được quy hoạch, xây dựng thành vùng trọng điểm trồng cây hồ tiêu của huyện Cam Lộ. Diện tích có lúc trên 900 ha cây hồ tiêu, trong đó chủ yếu thuộc sở hữu của nông trường Tân Lâm.

Cây hồ tiêu đã góp phần quan trọng đem lại cuộc sống ổn định cho hàng ngàn người dân trên địa bàn. Thế nhưng, giai đoạn từ 2005 – 2010, nhiều diện tích hồ tiêu đã già cỗi, hết chu kỳ khai thác, giá tiêu sút giảm nên người dân không quan tâm đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp canh tác không đồng bộ làm sâu bệnh gây hại nặng. Nhiều diện tích hồ tiêu bị bệnh dẫn đến chết hàng loạt. Từ hơn 900 ha những năm 90 chỉ còn lại chưa đầy 300ha vào năm 2010.

Nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương và ban ngành chức năng về cơ chế đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, bao tiêu sản phẩm... thì diện tích hồ tiêu chắc chắn sẽ tiếp tục giảm, danh tiếng hồ tiêu vùng Cùa sẽ không còn được nhắc tới trong tương lai gần. Vì vậy, nhiều chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trồng cây hồ tiêu đã được huyện Cam Lộ đứng ra tổ chức. Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ra Nghị quyết chuyên đề với nội dung khôi phục và trồng mới 500 ha hồ tiêu trong giai đoạn 2011 – 2015. Thông qua việc triển khai đề án này người trồng hồ tiêu sẽ áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, hạn chế dịch bệnh, có điều kiện đầu tư thâm canh cây tiêu theo hướng bền vững, hiệu quả.

Từ đó ban chỉ đạo cây công nghiệp huyện đã thực hiện lồng ghép nhiều chương trình dự án để đẩy mạnh phát triển, khôi phục lại các vườn tiêu. Nông dân được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật ươm giống, xử lý hố trồng, cải tạo vườn. Cách sử dụng các vật tư, phân bón, chất kích thích sinh trưởng trên vườn tiêu trồng mới cũng như vườn cho quả thu hút rất nhiều nông dân tham gia. Đặc biêt, các chế phẩm sinh học an toàn cũng được cung cấp và giới thiệu đến người dân. Nhiều vườn tiêu đã được hỗ trợ kinh phí đầu tư trồng mới với cây giống sạch, do có tham gia tập huấn và áp dụng khoa học kỹ thuật cả trong khâu trồng nên tỉ lệ sống ở các vườn tiêu trồng mới đạt 95%, đối với các vườn tiêu đang cho quả năng suất đạt 1,5 tấn/ha.

Hương vị tiêu Cùa vốn may mắn khi chính quyền mong muốn phục hồi lại, thì nay lại càng thuận lợi hơn bởi sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ của một doanh nghiệp vốn tâm huyết với nông nghiệp tỉnh nhà là Cty TNHHMTV thương mại Quảng Trị. Công ty này đã lắp đặt dây chuyền chế biến hạt tiêu theo công nghệ hiện đại tại khu công nghiệp nam Đông Hà, sẵn sàng mở hướng chế biến, tiêu thụ ổn định cho hồ tiêu vùng Cùa.

Từ đó, giá cả mặt hàng hồ tiêu dần ổn định, việc chăm sóc, trồng cây hồ tiêu phát triển theo hướng hiện đại đã tạo thêm niềm tin và động lực để những người trồng tiêu trên địa bàn Cam Lộ chuyên tâm đầu tư vào cây trồng truyền thống của mình. Từ hiệu quả mà cây hồ tiêu đem lại, nhận thức của người dân đã chuyển hướng và tự chủ hơn trong việc đầu tư phát triển mô hình trồng cây hồ tiêu.

Sau nhiều năm gắn bó với cây hồ tiêu, từ thời kỳ “thịnh vượng” của những năm 90 – khi diện tích lên đến gần 1000 ha thì hồ tiêu vùng Cùa đã có một thương hiệu “bằng miệng” nhất định. Nhưng phải cho đến nay, khi các cấp chính quyền thực sự quan tâm đến việc phát triển lại vườn hồ tiêu, nông dân tha thiết với cây trồng số 1 ở vùng đất ba dan này - thì thương hiệu hồ tiêu vùng Cùa mới được “đóng gói” để hương vị cay nồng này vào siêu thị, đến được tay người tiêu dùng khắp cả nước.

“Tiêu Cùa - sản phẩm được chế biến bằng công nghệ hiện đại từ giống hồ tiêu sạch, tự nhiên, trồng trên vùng đất đỏ ba zan (vùng Cùa, Cam Lộ, Quảng Trị) chứa những vi lượng đặc biệt không nơi nào có được. Phương thức canh tác độc đáo trên nền khí hậu khắc nghiệt đã tạo nên hương vị cay thơm độc nhất vô nhị” – đó là lời giới thiệu giản dị về hồ tiêu vùng Cùa. Nơi có loại sản vật cay nồng đặc biệt và được người dùng ưa thích.


Cam Lộ là huyện thuộc vùng trung du của tỉnh Quảng Trị, trung tâm huyện cách thành phố Đông Hà 15km về phía Tây. Cam Lộ có vị trí địa lý thuận lợi, các trục đường quan trọng như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh làm cầu nối giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn. Huyện có tiềm năng về phát triển nông- lâm nghiệp, thương mại, du lịch và tiểu thủ công nghiệp chế biến, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng,… Thời gian qua, kinh tế của huyện đã có nhiều khởi sắc, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ ngày một tăng, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội phát triển.

Theo Báo Lao Động Online
Categories: ,

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com