Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

14/12/13

Ở Bình Định, diện tích trồng hồ tiêu chủ yếu tập trung tại huyện Hoài Ân với diện tích khoảng 250 ha. Tuy nhiên, hầu hết SX theo hình thức quảng canh, do đó chưa phát huy hết tiềm năng. “CLB người thích trồng tiêu” ra đời đã tạo điều kiện để các hộ SX chuyên nghiệp, đưa tiêu trở thành cây trồng chủ lực.

Theo ông Phạm Văn Chức, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Ân, trong những năm qua giá tiêu luôn ổn định ở mức cao từ 120.000 - 140.000 đ/kg nên cây hồ tiêu trở thành lựa chọn số một trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân huyện này.

Qua quá trình SX hồ tiêu cho thấy hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đất đai, khí hậu ở Hoài Ân. Do đó, trong mấy năm qua, loại cây trồng này phát triển mạnh, đã có mặt tại các xã Ân Thạnh, Ân Hữu, Ân Đức, Ân Nghĩa, Ân Tường Đông.

“Đặc biệt, hạt tiêu được trồng ở Hoài Ân to, cay và hương vị đặc biệt. Nhiều thương lái ở Gia Lai về tận đây thu mua. Tiêu Hoài Ân luôn có giá cao hơn các loại tiêu trồng ở nơi khác từ 15.000 - 20.000 đ/kg”, ông Chức nói.
Đầu tư trụ bê tông trồng tiêu

Tuy nhiên, với hình thức trồng theo kiểu tự phát, người trồng chưa nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên cây tiêu chưa phát huy hết hiệu quả. Với định hướng phát triển một cách bền vững, đưa tiêu trở thành loại cây trồng mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế cho nông dân địa phương; Hội Nông dân huyện Hoài Ân sáng kiến thành lập “CLB những người thích trồng tiêu”. Qua sinh hoạt của CLB, những người trồng tiêu có cơ hội học hỏi lẫn nhau; đồng thời hỗ trợ nhau đầu tư, phát triển loại cây trồng này.

Địa phương đi đầu trong phong trào trồng tiêu và hiện có diện tích tiêu nhiều nhất huyện Hoài Ân là xã Ân Thạnh. Xã đã khởi động thành lập “CLB những người thích trồng tiêu” từ đầu năm 2013 với 28 hộ tham gia.

Nông dân Lê Văn Phước cho biết: “Từ khi tham gia sinh hoạt CLB, anh em trồng tiêu ở địa phương đã không còn mạnh ai nấy làm. Trong SX, mọi người sẵn sàng hỗ trợ nhau về thông tin, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu tiên tiến nhất; trao đổi những kinh nghiệm hay, cách khắc phục khó khăn thường vấp phải trong quá trình canh tác. Nhờ đó, những diện tích trồng tiêu trên địa bàn đều cho hiệu quả cao, đồng bộ”.

Hiệu quả thiết thực mà những hội viên trong CLB những người thích trồng tiêu ở xã Ân Thạnh nhận được là phát triển hệ thống trụ tiêu kiên cố và xây dựng hệ thống tưới phun cho cây tiêu. Qua thực tiễn, cách dùng gạch, đá làm trụ tiêu có tính lâu dài, tiết kiệm được diện tích mà cây tiêu ít bị sâu bệnh và cho năng suất cao.

Còn trụ tiêu được làm bằng gỗ chi phí đầu tư lớn hơn nhiều, điểm yếu nhất là không thể chịu nắng mưa. Trụ gỗ lại phát sinh nhiều loại nấm bệnh, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây tiêu, thậm chí còn làm cho tiêu bị nhiễm bệnh mà chết. Còn việc đầu tư làm hệ thống nước tưới tiêu bằng đầu phun, tuy vốn đầu tư ban đầu nhiều, nhưng tiện lợi và hiệu quả rõ rệt.

Về cây giống, những thành viên trong CLB đều đồng nhất thay thế những giống cũ đã thoái hóa bằng những giống tiêu có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương, cho năng suất cao. Giống tiêu hiện được nông dân ở đây ưa nhất là giống tiêu Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Để giúp thành viên trong CLB có vốn đầu tư phát triển vườn tiêu, Hội Nông dân huyện Hoài Ân đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện lập dự án hỗ trợ vốn cho 10/28 hộ  trong CLB với số tiền 200 triệu đồng. Đồng thời, từ kinh phí hỗ trợ của huyện, Trạm Khuyến nông huyện này đã xây dựng mô hình sử dụng phân sinh học và hướng dẫn rộng rãi trên địa bàn cách phòng bệnh cho cây tiêu.

Với giá từ 120.000 - 140.000 đ/kg, những người trồng tiêu ở Hoài Ân đang ăn nên làm ra. Hộ trồng ít cũng có mức thu nhập từ 50 - 100 triệu đ/năm. Hộ trồng nhiều như Lê Văn Chức, Lê Văn Phước ở xã Ân Thạnh; hoặc như anh Huỳnh Văn Vân ở xã Ân Đức (600 gốc/hộ), năm nào mưa thuận gió hòa thu hoạch khoảng 2 tấn, kiếm đến 260 triệu đ/hộ/năm. Năm nào khô hạn, tiêu mất năng suất cũng kiếm được 150 triệu đồng/hộ/năm.

“Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoài Ân chưa có loại cây trồng nào cho hiệu quả cao như cây tiêu. Do đó, trong mấy năm qua, nhiều hộ trồng điều không hiệu quả đã phá bỏ cây điều để chuyển sang trồng tiêu đã có thu nhập khá”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Ân, ông Phạm Văn Chức cho hay.
“Cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện chưa ai có chuyên môn sâu về chăm sóc và phòng trừ bệnh cho cây tiêu, do đó, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức cho cán bộ cùng một số nông dân đến các tỉnh phát triển trồng tiêu ở Tây Nguyên để học hỏi kinh nghiệm nhằm giúp nghề trồng tiêu ở Hoài Ân được bền vững hơn”, ông Nguyễn Văn Hòa, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hoài Ân.
Vũ Đình Thung
Theo nongnghiep.vn

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com