Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

5/9/16

19 năm gắn bó với cây tiêu, ông Nguyễn Thế Tài (ở khu vực đèo Nhông, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ) khẳng định, cây tiêu thích hợp với vùng đất núi khô cằn, sỏi đá trên đỉnh đèo Nhông, giá trị mang lại cao hơn so với các loại cây trồng khác tại đây.
Ông Tài chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: XUÂN LỘC
Ông Tài cho biết, từ 300 trụ tiêu, nhiều năm qua, ông đã thu hoạch trên dưới 1 tấn tiêu/năm, thu về 200 - 300 triệu đồng. Riêng năm 2016, từ 100 gốc tiêu 20 tuổi đạt sản lượng 5 tạ hạt, bán với giá bình quân 230 ngàn đồng/kg, ông Tài thu hơn 115 triệu đồng; 300 gốc tiêu chưa tròn 2 tuổi cũng đã bắt đầu cho trái bói đầu mùa.

“Tui ở thị trấn Phù Mỹ, đến đèo Nhông lập nghiệp từ năm 1993; năm 1996 bắt đầu trồng tiêu trên chân đất sỏi đá này. Mới đầu, nhiều người hàng xóm cũng bàn ra, vì họ cho rằng, tiêu không thể sống và cho hạt được trên đỉnh đèo đầy nắng gió và khô khốc quanh năm này. Nhưng qua những gì tìm hiểu trong sách vở và học hỏi ở những người thân trồng tiêu ở Tây Nguyên, tui tin tưởng và quyết tâm làm”- ông Tài chia sẻ.

Gặp nhiều khó khăn nhưng ông Tài vẫn cố gắng đầu tư chăm sóc vườn tiêu ổn định ở mức 300 gốc. Ông đào giếng khai nguồn nước tưới; thường xuyên theo dõi, xử lý khi dây tiêu xảy ra sâu bệnh.

Ông Tài đúc kết: Trồng tiêu khó, nhất là trồng trên loại đất cằn cỗi, bạc màu như ở đây, nhưng điều đó không có nghĩa là không trồng được. Điều kiện đầu tiên là phải có nước giữ ẩm trong từng gốc tiêu; thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây để kịp thời phát hiện sâu bệnh và xử lý ngay. Đồng thời, phải tích cực bón phân cân đối ở từng thời điểm phù hợp, nhất là khi tiêu chuẩn bị tượng hạt, để tiêu rụng ít, hạt lớn, chắc, cho năng suất cao.

Ông Tài khẳng định, trồng tiêu đầu tư nhiều ở thời điểm lập vườn, mua giống, làm trụ; còn mấy năm sau, cứ đến chu kỳ đầu tư chăm sóc, không tốn kém bao nhiêu, thu nhập năm sau thường nhiều hơn năm trước.

XUÂN LỘC
Theo Báo Bình Định
Categories:

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com