Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

21/2/15

Hơn 20 năm trước, thôn Tân Bắc (xã Ea Tóh, huyện Krông Năng) là vùng đồi núi heo hút, dân cư thưa thớt, nhưng với nghị lực và ý chí thoát nghèo, người dân nơi đây đã biến đất hoang thành vàng.
 Hiện nay, hơn nửa số hộ gia đình trong thôn có tổng thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm, đặc biệt có nhiều hộ thu cả tiền tỷ.

Nhà nhà làm giàu

Đến thôn Tân Bắc vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ sự ấm no, sung túc nơi đây. Hàng loạt căn nhà cao tầng nằm đan xen nhau, những vườn tiêu đang cho quả xanh bạt ngàn, nối nhau chạy tít khắp các con đồi. Trong căn nhà mới khang trang, vợ chồng ông Phan Văn Quý (40 tuổi) đang tất bật dọn dẹp, người lau chùi nhà cửa, người hốt từng bao tiêu đang phơi trên sân để cất vào kho cho gọn gàng. Ông Quý dẫn chúng tôi đi một vòng thăm vườn nhà. Đồ đạc trong nhà từ ti vi, tủ lạnh, xe máy… không thiếu thứ gì. “Nhà tôi giờ thiếu mỗi chiếc ô tô thôi. Nếu làm ăn thuận lợi như mấy năm nay chắc chúng tôi phải mua một chiếc để đi lại cho thuận tiện”, ông Quý phấn khởi. Bí quyết giúp nhà ông Quý “lên đời” chính là nhờ vào trồng tiêu và cà phê. “Nhà tôi có tổng cộng 2 ha đất, trước kia chỉ trồng lúa nhưng thu nhập thấp, cuộc sống thiếu ăn từng bữa. Về sau, thấy cây cà phê, tiêu cho hiệu quả kinh tế, gia đình tôi tiến hành chuyển đổi cây trồng. Trung bình mỗi năm, vườn tiêu, cà phê cho tổng thu nhập khoảng 500 triệu đồng”, ông Quý khoe. Cách nhà ông Quý không xa, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nguyện (46 tuổi) vẫn đang tranh thủ tưới nốt những hàng cà phê còn lại để chuẩn bị dọn nhà đón Tết. Gia đình ông Nguyện có hơn 2 ha cà phê và 1.000 trụ tiêu, mỗi năm cho thu nhập trên 600 triệu đồng. “Nhà khá lên cũng từ cây tiêu, cà phê cả đấy, nhờ có nó mà kinh tế gia đình ổn định, 2 đứa con có điều kiện học đại học. So với thôn này, kinh tế gia đình tôi chỉ xếp hạng trung bình thôi, nhiều hộ có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm”, ông Nguyện chia sẻ. Ở thôn Tân Bắc, Trưởng thôn Hoàng Trọng và Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Văn Chương nằm trong “tốp” làm kinh tế “khiêm tốn” nhất mà trung bình mỗi năm cũng thu từ 200 - 300 triệu đồng/hộ.

Ông Phan Văn Quý thu hoạch tiêu trong vườn.
Theo ông Hoàng Trọng, thôn Tân Bắc được thành lập từ năm 1996, hiện có tổng cộng 96 hộ với 470 nhân khẩu. Toàn thôn chỉ có 3 hộ nghèo, số còn lại có thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên. Trong số đó, một nửa số hộ có thu nhập từ  500 triệu đồng/năm, đặc biệt có 4 hộ thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. “Ở đây, cây cà phê, tiêu là cây chủ đạo. Ngoài ra người dân còn trồng thêm cây ăn trái, nuôi bò, lợn, gà, vịt…”, ông Trọng cho biết.

Làng triệu phú từ...đồi hoang


Bàn tay lao động chăm chỉ của người dân thôn Tân Bắc đã biến mảnh đồi hoang sơ trước kia thành nơi được mệnh danh là “miền đất vàng” như bây giờ. Vẫn in đậm trong tâm trí về thôn Tân Bắc thuở sơ khai, ông Phan Văn Quý ngậm ngùi nhớ lại: “Tôi vào đây từ 20 năm trước. Hồi ấy, vùng đất này là đồi hoang, cây cối um tùm, rậm rạp, nhà cửa chỉ đếm trên đầu ngón tay, không điện, không đường, việc đi lại vô cùng khó khăn. Đến Tân Bắc, chúng tôi mua đất của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, số khác thì tự đi phát rẫy để trồng lúa. Những năm đầu lập nghiệp trên vùng đất mới, do chưa nắm vững thời tiết nên thường xuyên mất mùa, đói kém, phải vào rừng kiếm rau, măng về ăn qua ngày. Về sau, chúng tôi chuyển sang trồng cà phê, sau nữa trồng tiêu, dần dần đời sống khấm khá”. Còn với ông Nguyễn Văn Nguyện, ấn tượng về thời xa xưa luôn in đậm trong tâm trí là muỗi và giá rét. “Hồi mới vào, ở đây toàn rừng rậm nên muỗi nhiều vô kể. Đi ngủ, đi làm đều bị chúng bu khắp người. Rất nhiều người bị sốt xuất huyết, sốt rét phải nhập viện. Cũng vì mới vào không có điều kiện nên nhà cửa chỉ dựng đơn sơ, chủ yếu bằng tranh, nứa. Tối ngủ, gió lùa vào nhà lạnh thấu xương. Những lúc như vậy, vợ chồng, con cái chỉ biết ngồi ôm nhau co ro bên đống lửa”, ông Nguyện cho hay. Hiện ông Nguyện vẫn hay kể cho con cái biết về lịch sử vùng đất để con trẻ  biết quý trọng thành quả mình đang hưởng, đồng thời biết ơn người đi trước đã có công gầy dựng, phát triển thôn Tân Bắc giàu mạnh như bây giờ.

Ông Hoàng Trọng hồ hởi: “Cũng nhờ chăm lo phát triển kinh tế, cuộc sống dần ổn định, khấm khá mà các hộ gia đình trong thôn có điều kiện lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn. Với truyền thống hiếu học, hầu như con em các hộ gia đình nơi đây sau khi tốt nghiệp THPT đều quyết tâm thi vào đại học, cao đẳng hay theo học các trường trung cấp chuyên nghiệp. Nhớ trước kia, người dân ở các nơi đến đây định cư chỉ dùng tay, cuốc xẻng để bắt đất hoang sinh ra vàng. Bây giờ lớp trẻ được đào tạo bài bản ở các trường về, hy vọng các cháu sẽ dùng chính kiến thức đã học để áp dụng thực tiễn, làm giàu trên chính quê hương mình thì thôn Tân Bắc sẽ sung túc và phát triển bền vững hơn”.


 Vân Anh
Nguồn: baodaklak.vn
Categories:

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com