Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

13/2/15

 Ngày 11/2, tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã diễn ra hội thảo Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững và đón nhận chứng nhận chuỗi cung ứng tiêu bền vững (Rainforest Alliance) do Công ty Olam (Ấn Độ), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Quốc, Trưởng phòng Phát triển nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, diện tích cây hồ tiêu của Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay là 9.047 ha, năng suất đạt gần 2 tấn/ha (theo quy hoạch đến năm 2020 là 8.300 ha, với năng suất 2,3 tấn/ha). Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nên ổn định diện tích hồ tiêu, không nên mở rộng diện tích trồng tiêu ngoài vùng quy hoạch.

Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây hồ tiêu phát triển như: thoát nước tốt, tầng canh tác dày, mực nước ngầm sâu, đặc biệt là độ phì nhiêu tự nhiên, xốp. Hơn nữa, 97,2% diện tích cây hồ tiêu được trồng trên đất bazan, khí hậu, thời tiết rất thích hợp với sự phát triển của cây hồ tiêu.

Để phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững, ông Quốc đưa ra các giải pháp, đó là: tiếp tục triển khai xây dựng và quảng bá thương hiệu hồ tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu; tăng cường công tác hoạt động khuyến nông, tập huấn cho nông dân trồng tiêu, đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn thâm canh cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sinh học bền vững, tạo ra sản phẩm hồ tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, thường xuyên mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước thay đổi tập quán canh tác cho phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn. Song song đó, tiếp tục kêu gọi và triển khai các chương trình, dự án để hỗ trợ hướng dẫn nông dân trồng tiêu theo tiêu chuẩn chứng nhận đáp ứng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, phát huy tốt vai trò, chức năng Hội Hồ tiêu của tỉnh nhằm làm cầu nối tin cậy của người nông dân trồng tiêu, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho các hội viên thông qua việc phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo và vận động chính sách.

Ông Ritutapan Neog, Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty Olam cho biết, Olam bắt đầu dự án Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 104 hộ, trong đó có 98 hộ được chứng nhận tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức. Olam cam kết hỗ trợ nông dân sản xuất sản phẩm hồ tiêu theo tiêu chuẩn bền vững an toàn. Theo các hộ trồng tiêu theo dự án Xây dựng chuỗi cung ứng tiêu bền vững tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau gần 2 năm tham gia dự án nông dân đang chuyển dần qua công tác theo định hướng hữu cơ vi sinh, hạn chế việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, ý thức bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng và vận động mọi người cùng tham gia. Quan trọng hơn nữa là sản phẩm hồ tiêu đã và đang được nâng cao về chất lượng và năng suất.

Chứng nhận Rainforest Alliance
Cũng trong dịp này, đại diện Công ty Olam đã trao chứng nhận Rainforest Alliance (một trong những chứng nhận về cung ứng tiêu bền vững với các tiêu chí đảm bảo được các nguyên tắc về quản lý môi trường và xã hội, bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn nguồn nước, đối xử công bằng và có điều kiện làm việc tốt cho người lao động, quản lý về đất đai, rác thải, mùa vụ…) cho 98 hộ trồng hồ tiêu trên diện tích 100 ha tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án Xây dựng chuỗi cung ứng tiêu bền vững tại Bà Rịa - Vũng Tàu được thực hiện từ tháng 6/2013 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Olam, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) xây dựng dự án trong hai năm 2013-2014. Dự án nhằm hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất tiêu bền vững thông qua việc hình thành các tổ nhóm nông hộ sản xuất tiêu, tập huấn về sản xuất tiêu bền vững cho các hộ nông dân tham gia dựa án và gắn với kênh tiêu thụ chứng nhận. Dự án này đã liên kết với kênh tiêu thụ chứng nhận là Công ty Olam thu mua sản phẩm hồ tiêu đạt chứng nhận để chế biến xuất khẩu./.

Theo TTXVN

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com