Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

4/11/16

 Trước việc diện tích hồ tiêu trên địa bàn cả nước tăng mạnh, diễn đàn về “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững Khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên” diễn ra ngày 31/10 tại tỉnh Bình Phước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đã đưa ra thông tin về hoạch định cho nông dân vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên là vùng chủ lực trồng hồ tiêu cả nước nhận diện các vấn đề, phòng tránh những rủi ro cho người trồng hồ tiêu khi hội nhập.

Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đang tiến hành rà soát, đánh giá các điều kiện sinh thái thích nghi với cây hồ tiêu; loại bỏ diện tích ít thích hợp và không thích hợp để phát triển ổn định và bền vững. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ diện tích hồ tiêu sản xuất theo hướng an toàn; trong đó, ưu tiên các mô hình sản xuất sạch có chứng nhận.

Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tuyển chọn giống tốt, áp dụng các biện pháp canh tác tiến bộ như tưới tiết kiệm, bón phân qua lá, kiểm soát dịch hại. Thời gian tới, sẽ ưu tiên tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, đưa kỹ thuật canh tác theo hướng GAP; đảm bảo sản phẩm an toàn, để nâng cao vị thế trong việc tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam.

Diện tích hồ tiêu cả nước hiện đang tăng nhanh, vượt trên 51.000 ha so với quy hoạch. Tính đến năm 2016, diện tích hồ tiêu cả nước đạt trên 110 nghìn ha; trong đó vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ chiếm trên 93% của cả nước. S ản lượng ước đạt trên 176.000 tấn; trong đó, Tây nguyên và Đông Nam bộ chiếm 95%. Các tỉnh đạt sản lượng lớn là Gia Lai, Đắk Lắk và gần đây là Bình Phước…

Các nhà hoạch định cho rằng, việc “ồ ạt” trồng hồ tiêu trên cả nước đang vượt xa kế hoạch quy hoạch phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy và việc trồng hồ tiêu của nhà nông dễ phát sinh rủi ro.

Theo Chủ tịch Hội Hồ tiêu Việt Nam Nguyễn Mai Oanh, dự báo năm 2016 sản lượng hồ tiêu xuất khẩu vượt 150.000 tấn; trong đó, 9 tháng năm 2016 đã xuất khẩu đạt 132 nghìn tấn, với giá trị kim ngạch trên 1,2 tỷ USD, tăng trên 32% so với năm 2015.

Bà Oanh cho rằng, sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đạt chất lượng khá tốt, đáp ứng được thị trường khó tính. Nhưng để duy trì phát triển bền vững, các doanh nghiệp và nhà nông phải xây dựng vùng nguyên liệu bằng liên kết; tổ chức sản xuất hồ tiêu theo chuỗi giá trị, xây dựng được nguồn gốc xuất xứ hồ tiêu để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm có uy tín.

Bà Oanh cho biết thêm, nhà nông là người quyết định tất cả cho sản phẩm, bởi trong quá trình sản xuất người nông dân có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, cần nâng cao nhận thức về canh tác hồ tiêu theo đúng quy trình; mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hồ tiêu sạch mới đảm bảo tính bền vững cho thương hiệu.

Theo Cục Trồng trọt đánh giá, đến nay diện tích hồ tiêu vượt trên 50.000 ha và đang phá vỡ quy hoạch là do giá một số loại cây trồng xuống thấp, không ổn định, trong khi giá hồ tiêu tăng cao liên tục nhiều năm qua, sản phẩm hồ tiêu dễ tiêu thụ nên nông dân chuyển dịch sang trồng hồ tiêu.

Trước việc gia tăng diện tích cây hồ tiêu, nhưng hiện nay nhiều địa phương, nhất là bà con nông dân vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên là "thủ phủ" hồ tiêu cả nước vẫn chưa làm chủ được nguồn giống tốt cho năng suất cao, đặc biệt sản phẩm chưa mang tính đồng đều. Mặt khác, giống tiêu chưa được nghiên cứu chọn lọc có hệ thống; dễ nhiễm sâu bệnh; kỹ thuật canh tác còn nhiều tồn tại về thiết kế vườn, bón phân, chăm sóc, chống úng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chưa có giải pháp đồng bộ phòng trừ dịch bệnh…/.

 Mard theo TTXVN








Categories:

1 nhận xét:

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com