Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

14/6/14

Hình minh hoạ
 Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, diện tích điều ở các tỉnh Tây Nguyên giảm chỉ còn 76.516 ha, với sản lượng mỗi năm đạt từ 60.000 đến gần 62.000 tấn điều nhân, giảm trên 30.000 ha so với năm 2010. Trước đây, tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích điều nhiều nhất Tây Nguyên, với trên 45.000 ha nhưng nay giảm xuống chỉ còn 25.154 ha. Kế đến là tỉnh Gia Lai, Đắk Nông diện tích điều cũng giảm xuống khá nhanh, hiện nay, mỗi tỉnh chỉ còn trên 17.000 ha.

Việc giảm diện tích điều cũng đồng nghĩa làm cho hàng chục nhà máy chế biến điều nhân xuất khẩu của các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt đóng cửa do thiếu nguyên liệu. Ngay tại Đắk Lắk có 9 cơ sở chế biến điều nhân xuất khẩu với tổng công suất thiết kế 36.000 tấn nguyên liệu/năm nhưng nay do thiếu nguyên liệu nên nhiều nhà máy đã đóng cửa hoạt động.

Những năm trước đây, các tỉnh Tây Nguyên phát triển cây điều một cách ồ ạt, không theo quy hoạch. Thậm chí, có một số huyện vùng sâu vùng xa như Ea Súp (Đắk Lắk), Đắk R’Lấp (Đắk Nông), Krông Pa, Krông Chro, Ia Grai (Gia Lai) còn cho đây là một trong những cây xoá đói giảm nghèo nhanh cho đồng bào dân tộc thiểu số nên càng tạo điều kiện cho đồng bào đầu tư phát triển, phá rừng tự nhiên chuyển sang trồng điều. Ngay tại huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk), đồng bào các dân tộc cũng như đơn vị bộ đội làm kinh tế đứng chân trên địa bàn phá hàng chục nghìn héc ta ha rừng tự nhiên chuyển sang phát triển 15.862 ha điều. Huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) từ năm 2001 đã đầu tư trên 29 tỷ đồng vào dự án quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu điều với diện tích 10.000 ha, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến điều trên địa bàn… Tuy nhiên, do chạy theo phong trào nên nhiều địa phương bố trí cây điều không thích hợp với từng vùng đất, trồng bằng các giống thực sinh đã bị thoái hoá, lại chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh không đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất thấp, chỉ 3 đến 9 tạ/ha, trong khi đó giá cả xuống thấp, bấp bênh nên đồng bào chặt đồng loạt chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.

Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, phần lớn diện tích điều sau khi chặt phá, đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đều chuyển sang trồng lại cao su, tiêu và các loại cây trồng khác có gía trị kinh tế cao hơn. Chỉ riêng tại huyện Ea Súp, sau khi chặt phá điều chuyển sang trồng lại rừng kinh tế, chủ yếu là cây keo làm nguyên liệu giấy cho các nhà máy sản xuất giấy.

Do vậy, các tỉnh Tây Nguyên cần sớm quy hoạch cụ thể lại diện tích cây điều trên từng địa bàn, khảo sát, đánh giá lại diện tích cây điều hiện có, đồng thời, có cơ chế, chính sách giúp đồng bào các dân tộc tạo thay bằng các giống điều mới, điều ghép, chú trọng hướng dẫn đồng bào áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất như chăm sóc, bón phân, tỉa cành, tạo hình… để đạt năng suất, sản lượng điều cao. Bên cạnh đó, cần có chính sách cho các đơn vị, hộ gia đình đồng bào các dân tộc trồng điều vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư cải tạo vườn cây nhằm tạo điều kiện cho người trồng điều thu được lợi nhuận cao hơn, góp phần hạn chế việc “trồng - chặt, chặt - trồng” như lâu nay gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân./.

Theo TTXVN
Categories:

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com