Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

6/8/15

Theo thống kê mới nhất  của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 200.000 người phát hiện bị ung thư. Chất độc từ khắp nơi trên thế giới đang đổ về VN vì chúng ta chưa có biện pháp ngăn chặn hợp lý mà quan trọng hơn là vì những khoản lợi nhuận kếch sù của các doanh nghiệp.

Có những chất độc được ghi cụ thể để người dân còn biết đường phòng tránh, nhưng còn nhiều chất độc khác được ngụy trang thành chất bảo quản, chất gia vị. Riêng chất độc trong phân bón đang thực sự trở thành mối họa tiềm ẩn với nông dân.

Chất độc thành phân bón lá cao cấp

Vì có người nhà mắc bệnh mỡ máu nên vừa qua trên đường từ huyện Tháp Mười, tỉnh Đông Tháp chúng tôi ghé mấy ao sen ở xã Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười) tính xin mấy lá sen về làm thuốc. Vừa bước vào căn chòi bên bờ ao chợt xộc lên mùi cay nồng chảy cả nước mắt – chủ ao sen đang pha thuốc chuẩn bị xịt cho sen, tôi nhìn chai thuốc hóa ra đấy là PHÂN BÓN LÁ CAO CẤP BOOM FLOWER-n của Công ty BVTV An Giang, thành phần hóa chất được ghi rất cụ thể: Nitro Benzen: 20%; Chất trải bề mặt: 40%; Phụ gia: 40%.

Thật bất ngờ chất độc Nitro Benzen lại được đăng ký và quảng cáo rất rầm rộ với tên thương mại Boom Flower-n. Trên trang web của Công ty BVTV An Giang có tới 28 bài viết mô tả Nitrobenzen như một loại…thần dược, nào là tăng năng suất trên lúa, chống ngộ độc hữu cơ, hồi phục sức khỏe cho lúa khi bị xịt thuốc rầy quá nhiều, rồi hạn chế rụng quả, tăng năng suất cho cà phê…Bạo hơn, Cty còn khuyến cáo dùng “PHÂN BÓN LÁ CAO CẤP” này cho cả cây rau màu ngắn ngày từ hành lá tới đậu đỗ, dưa leo, khổ qua, dưa hấu, cà chua…

Đặc biệt nguy hiểm và tệ hại hơn khi bà Nguyễn Thị Tân, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cây ăn quả & cây công nghiệp tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Boom Flower rất phù hợp cho giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng cây chè tại tỉnh Lâm Đồng”.

Không chỉ quan chức cấp tỉnh phía Nam “ủng hộ hoành tráng” như bà Tân mà Nitrobenzen cũng được một số quan chức ở vùng vải thiều Hải Dương và một số tỉnh phía Bắc “nhiệt liệt hoan nghênh”. Xa hơn, Cty BVTV An Giang còn đưa “PHÂN BÓN LÁ CAO CẤP” này vào chương trình quảng bá rầm rộ nhất ngành NN&PTNT “Cùng nông dân ra đồng”, thậm chí còn thông qua Trường Đại học Cần Thơ để rao cùng sinh viên.
Nông dân đang sử dụng phân bón lá mà không biết trong đó có chất độc
Không phải một “bom” mà rất nhiều “bom”

Khi đi tìm hiểu để viết bài này chúng tôi mới biết không chỉ một Cty BVTV An Giang giàu có đã dám đưa Nitrobenzen làm phân bón mà rất nhiều công ty khác nhỏ hơn, nghèo hơn cùng ăn theo, cùng đăng ký là PHÂN BÓN LÁ và cùng “nổ” như…bom. Trên thị trường hiện có trên 10 loại sản phẩm “ăn theo”, nào là Bom vàng (BOM Gold) của Cty TNHH Hóa Nông, nào là Bom Mỹ (BOM USA) của Cty TNHH Á Châu, nào là Bom bi (BOM bi Muti Super) của Cty Nông Việt Đức, nào là BOM mới (BOOM newer) của Cty TNHH Tấn Hưng, nào là siêu BOM (Super BOM) của Cty TNHH Anh Em…Trong hàng loạt “Bom” trên đều được trình bày nhãn đẹp, kiểu chai, công dụng, cách dùng na ná như Boom Flower-n của Cty BVTV An Giang.

Điều nguy hiểm hơn là trong thành phần công bố chỉ có sản phẩm MDV BOMY (của MDV Agrochem) ghi có Nitrobenzen như Boom Flower-n còn các sản phẩm khác đều giấu nhẹm chất độc trên mà chỉ ghi chung chung là khoáng, vi lượng và vitamin. Ví dụ nhãn của Bom Gold ghi: Khoáng đa trung vi lượng, vitamin, kích thích sinh trưởng; Bom USA ghi: Khoáng đa trung vi lượng; Bom newer ghi: Các khoáng đa trung vi lượng, Super Bom ghi: Các khoáng đa trung vi lượng, Nitro phenol; Bom bi ghi: Các khoáng đa, trung, vi lượng, hữu cơ…

Mặc dù giấu nhẹm chất độc Nitrobezen nhưng khi đọc qua công dụng và thành phần cũng như ngửi mùi cay nồng xốc đến ói mửa thì có thể khẳng định – Nitrobenzen là thành phần chính của những “PHÂN BÓN LÁ CAO CẤP” trên.

Ý kiến của TS Nguyễn Trung Bình, Trưởng bộ môn Đất- Phân (Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam)

Với cây trồng, Nitrobenzen là chất ức chế sinh trưởng. Năm 2006, chính tôi đã làm khảo nghiệm chất này nhưng lúc đó ý kiến các nhà khoa học chưa thống nhất với nhau. Nitrobenzen rõ ràng là một chất độc, nhưng vẫn có thể dùng cho nông nghiệp, nhưng để quản lý được, có chỉ định cụ thể, có cảnh báo an toàn thì theo tôi không nên để đăng ký bên phân bón mà phải được quản lý bên thuốc BVTV.

Hơn nữa trong quyết định 100/2008/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT về quản lý phân bón có ghi rằng “Tổng hàm lượng các chất điều hoà sinh trưởng so với khối lượng sản phẩm đối với phân có bổ sung chất điều hoà sinh trưởng thì định lượng bắt buộc phải nhỏ hơn hoặc bằng 5%”, nên việc đưa chúng khỏi danh mục phân bón là cần thiết.

Nitro Benzen độc hại như thế nào?

Theo những tài liệu về hóa học mà chúng tôi có được Nitrobenzen có công thức C6H5NO2, công thức cấu tạo có nhân thơm benzen điển hình, được dùng trong công nghiệp sản xuất anilline, xà phòng, xi đánh giày, thuốc nhuộm, thuốc nổ và thuốc bảo vệ thực vật, chất điều hòa sinh trưởng cây trồng…

Độc tính của Nitrobenzen được ký hiệu R23: Độc qua đường hô hấp, R24: Độc qua tiếp xúc với da, R25: Độc qua đường tiêu hóa, R40: Cơ sở của tác nhân gây ung thư, R48: Độc nếu tiếp xúc lâu dài, R51: Độc với động vật thủy sinh, R62: nguy cơ giảm khả năng sinh sản.

Trên người: khi tiếp xúc qua da làm da bỏng rát; khi thở phải gây thiếu ôxy trong máu; khi nuốt phải bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, hôn mê và ngừng thở. Liều gây chết qua đường miệng từ 1- 5 gam. Những người thường tiếp xúc sẽ mắc chứng thiếu huyết cầu tố, ngộ độc gan (gan to, vàng da, biến đổi hóa tính huyết thanh, lách to), ngộ độc thần kinh (nhức đầu, nôn ói, choáng, mất thăng bằng, mất cảm giác tay chân…), tiềm ẩn gây ung thư…

Thời gian phân hủy của Nitrobenzen tùy thuộc nhiều yếu tố nhưng từ 64 ngày – 125 ngày.

Còn nhớ “một Chernobyl hóa chất” xảy ra ngày 13/11/2005 tại NM Hóa chất Cát Lâm, tỉnh Hắc Long Giang – Trung Quốc làm 100 tấn Benzen và Nitrobenzen tràn ra môi trường khiến cho 10.000 người phải sơ tán và cá trên sông Tùng Hoa chết trắng kéo dài cả 100km.






Theo báo Nông Nghiệp

5 nhận xét:

  1. Có ai biết hợp chất kích thích nào nữa ko nhỉ

    Trả lờiXóa
  2. Vu nay lau roi tu 2008-2009, nhung roi cung em xuoi va ho van ban cho den gio.

    Trả lờiXóa
  3. Người nông dân không thể biết những thuốc này có chất độc. Chỉ những cty sx ra nó mới biết rõ nó độc ntn nhưng vẫn sx, quảng cáo và bán tràn lang trên thị trường. Cơ quan chức năng đang ở đâu?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Các công ty muốn sản xuất phân bón là phải đăng ký với cơ quan chức năng, trong hồ sơ đăng ký đều có thông tin các thành phần của sản phẩm để cơ quan chức năng họ kiểm tra thế vậy mà ..... tội nghiệp cho nông dân chúng ta

      Xóa

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com