Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

9/11/14



Trong khi nông dân ở các tỉnh khác đang vất vả đối mặt với bệnh cây tiêu chết nhanh, chết chậm (CN-CC), thậm chí nhiều hộ gia đình phải bỏ cả vườn tiêu thì tại Bà Rịa – Vũng Tàu, từ 3 năm trở lại đây người trồng tiêu đã tìm ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục bệnh này khá hiệu quả.
Vườn tiêu của gia đình ông Phạm Văn Ánh, ấp Tân Bang, xã Xà Bang (Châu Đức) đã hạn chế được
 bệnh chết nhanh chết chậm nhờ canh tác theo hướng hữu cơ sinh học, đạt  năng suất 4 tấn/ ha.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV), BR-VT được coi là thủ phủ của cây tiêu với tổng diện tích trên 8.000ha, xếp thứ 4 trên cả nước. Từ đầu năm đến nay, trên toàn tỉnh mới có gần 90ha tiêu nhiễm bệnh CN-CC xấp xỉ 1% so với tổng diện tích. Cụ thể, bệnh chết chậm xảy ra trên khoảng 68ha, bệnh chết nhanh khoảng 20,5ha (với tỷ lệ nhiễm từ 1-3%) chủ yếu tại huyện Châu Đức và Xuyên Mộc. Bệnh CN-CC trên cây tiêu dù chỉ xảy ra rất ít, nhưng việc phòng bệnh CN-CC là rất cần thiết bởi nếu để cây nhiễm bệnh là khó có thể cứu chữa. Bà Trần Thị Yến, Phó trưởng Chi cục TT-BVTV cho biết, hiện nay bệnh CN-CC đã không còn là nỗi ám ảnh của người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh khi mà biện pháp phòng bệnh tổng hợp đã được triển khai và áp dụng.

Thời gian qua, Chi cục TT-BVTV đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người trồng tiêu, như tổ chức hội thảo chuyên đề “Canh tác cây tiêu bền vững theo hướng hữu cơ sinh học” tại các vùng trồng tiêu trọng điểm của tỉnh. Theo đó, người trồng tiêu trên địa bàn đã chuyển từ việc bón phân hóa học sang hóa phân hữu cơ (phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh) kết hợp với các chế phẩm sinh học. Biện pháp thoát nước trong mùa mưa và tưới nước trong mùa khô cũng được bà con quan tâm.

Ông Vũ Văn Nghĩa, xã Quảng Thành (Châu Đức) cho biết, sau khi tham gia lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây tiêu, ông đã áp dụng giải pháp bón phân cân đối, đồng thời cải tạo hệ thống thoát nước phù hợp với điều kiện vườn tiêu khá dốc. Ông còn tạo tỉa vườn tiêu thông thoáng, cắt bỏ các cành tiêu mọc sát đất và các dây thân vô hiệu mọc ra từ tán. Cây trụ sống cũng được tỉa thật thoáng trong mùa mưa. Các bộ phận cây tiêu bị bệnh được dọn sạch khỏi vườn để tiêu hủy. Nhờ đó, trong nhiều năm liền, vườn tiêu của gia đình ông không bị dịch bệnh làm chết cây.
Vườn tiêu của ông Vũ Văn Nghĩa.


“Trước đây, khi chưa được học các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu, tui thường làm bồn sâu, nước bị ứ đọng, tiêu thường bị chết, năng suất cũng chỉ đạt 1,5 tấn/ha. Nay làm bồn cạn, nước được điều tiết tốt nên vườn tiêu không bị ứ đọng nước, tránh được trường hợp tổn thương cho rễ tiêu và nấm bệnh xâm nhiễm, vườn tiêu luôn xanh tốt và đạt năng suất tăng gấp đôi” – ông Nghĩa cho biết thêm.

Còn theo kinh nghiệm của ông Trần Minh Phước, một hộ trồng tiêu tại xã Kim Long (Châu Đức) thì bệnh CN-CC trên cây tiêu xảy ra là do không tuân thủ đúng theo quy trình canh tác theo hướng hữu cơ sinh học. Theo ông Phước, sau khi học hỏi kinh nghiệm và tiếp thu những thông tin do TT-BVTV cung cấp, người trồng tiêu đã thận trọng với việc sử dụng phân hóa học và bắt đầu mở rộng việc sử dụng phân hữu cơ. Ngoài ra, để tăng tuổi thọ cho cây tiêu, ông chú ý đến vấn đề thoát nước nhằm phòng bệnh chết nhanh. Vườn tiêu của ông được chia thành những lô trồng riêng biệt, cứ 100-150 trụ lại có một hệ thống thoát nước riêng.

Ông Trần Văn Thắng, một hộ mới trồng cây tiêu được 2 năm tại xã Bàu Lâm (Xuyên Mộc) cho biết, người trồng tiêu hiện nay ai cũng phải thuộc lòng cách sử dụng phân bón, tưới tiêu nước, đặc biệt là tuyệt đối tránh tình trạng bón thừa phân. Những hộ có khả năng tài chính còn đầu tư hệ thống tưới ngầm, cung cấp nước kịp thời cho cây khi cần thiết. Đây là những biện pháp phòng bệnh CN-CC khá hiệu quả.

                                                                                          Theo Quang Đạt (baobariavungtau.com.vn)

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com