Hình minh họa |
Tóm tắt:
Giống Trichoderma
1. Không phải tất cả giống Trichoderma đều có khả năng kháng vi sinh vật gây bệnh.2. Không phải tất cả các giống Trichoderma kháng vi sinh vật gây bệnh đều có thể kháng tất cả các loại vi sinh vật gây bệnh.
3. Không phải tất cả nấm gây bệnh đều bị tiêu diệt bởi Trichoderma.
4. Không phải tất cả các giống Trichoderma kháng được vi sinh vật gây bệnh ở điều kiện phòng thí nghiệm đều có thể kháng vi sinh vật gây bệnh ngoài đồng ruộng.
5. Những giống Trichoderma có thể xin – cho được thì nên suy nghĩ kỹ trước khi nhận.
Quy trình nhân giống
1. Quy trình nhân giống Trichoderma nếu không đúng cách hoạt lực sẽ giảm.
2. Quy trình nhân giống Trichoderma nếu bị nhiễm (có thể do hoạt lực yếu, có thể do loại vi sinh vật nhiễm đó Trichoderma không kháng được) có thể gây hại gấp mười thậm chí gấp trăm lần cái lợi nó mang lại.
Sử dụng nấm Trichoderma ngoài đồng ruộng
1. Để mở khóa thành công không chỉ sử dụng 1 chìa khóa Trichoderma.
2. Ngoài tự nhiên có hàng trăm nghìn loại gây bệnh, nhưng cũng có hàng trăm nghìn loại có ích và tự nhiên thì luôn luôn cân bằng động. Hãy sử dụng chìa khóa Trichoderma đúng cách (đúng phẩm chất, liều lượng và mục đích) để điều khiển sự cân bằng chứ không phải để áp đặt.
Bài viết
Trong bối cảnh nhà nhà dùng Tricho, người người dùng Tricho, các diễn đàn hướng dẫn nhau nhân Tricho rồi cho tặng Tricho gốc miễn phí (100g tricho 50k, vị chi 1kg cũng 500k – không biết có phải là sự thật) và Tricho trở thành thuốc trị bá bệnh thì dưới góc độ chuyên môn cũng xin có vài lời với bà con nông dân.Bài viết này cũng chỉ dựa trên cách nhìn của cá nhân người viết là tôi, một người vác tù và hàng tổng và thỉnh thoảng thích ôm rơm cho nặng bụng. Nó không phải là cái gì đó ghê gớm như một chân lý bất di bất dịch. Mục đích của bài này không phải để chỉ trích hay phản bác cách làm của người dân. Mục đích của bài viết này là để góp thêm cái nhìn nhiều chiều về cách sử dụng Trichoderma nói chung và chế phẩm sinh học nói riêng cho hiệu quả đồng thời cũng để cảnh báo vấn đề mất cân bằng sinh thái mà nguyên nhân được nêu ở bài viết dưới đây.
Ở Việt Nam, Trichoderma đang đóng một vai trò tích cực quan trọng trong quá trình canh tác của bà con nông dân nhất là trên cây hồ tiêu. Tuy nhiên, bên cạnh mặt có lợi của giống nấm này còn những “góc khuất” mà tôi sẽ phân tích để mọi người có thể hiểu rõ hơn nhằm phát huy ưu điểm của loài nấm này và hạn chế khả năng gây hại của việc sử dụng không đúng cách.
Về mặt tích cực, Trichoderma mang lại nhiều mặt tích cực như: kháng bệnh, phân hủy nhanh các hợp chất hữu cơ, thúc đẩy sự giải độc của đất. Tác dụng tốt của Trichoderma tôi đã tóm tắt trong bài sau: https://sites.google.com/…/…/1-bai-viet-ky-thuat/Trichoderma
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực như bài viết trên đã mô tả, tôi xin có một số thông tin thêm để làm rõ vấn đề “Trichoderma không phải là thuốc trị bá bệnh”.
Nấm Trichoderma là một loại vi nấm không có hệ thần kinh. Chính vì vậy, có thể coi chúng là loại vô tri vô giác. Mượn lời của một bạn trên facebook nói rằng “Nó là chìa khóa của thành công đấy”. Vâng tôi không phản đối gì phát biểu của bạn và đối với tôi nó đúng thực sự là chìa khóa của thành công. Nhưng tôi chắc rằng đối với bạn nó không phải như thế. Vì nếu như thế thật thì tôi chẳng phải lập ra cái nhóm Trị bệnh hồ tiêu và viết bài này làm gì.
Phần 1: Tôi xin kể câu chuyện về Trichoderma bằng ngôn ngữ sách vở cho những ai muốn sách vở.
1. Tùy loại Trichoderma khác nhau mà chúng có công dụng khác nhau. Không phải tất cả các giống, các loài, các chủng của Trichoderma đều có khả năng như những gì bài viết ở trên nói. Tôi đã cho nhiều em sinh viên làm đề tài với hàng trăm và thậm chí hàng ngàn chủng Trichoderma khác nhau nhưng chỉ có vài chủng trong số chúng có khả năng với 1 vài loại nấm bệnh mà tôi quan tâm. Trong hàng ngàn chủng đó thì một nửa trong số chúng có khả năng đối kháng với nấm bệnh xin nhấn mạnh ở đây là chỉ một vài loại nấm bệnh thử nghiệm chứ không phải tất cả các nấm bệnh. Các cơ chế đối kháng giữa Trichoderma với nấm bệnh rất khác nhau giữa các chủng. Nhưng khả năng đối kháng đó chỉ tính trong điều kiện phòng thí nghiệm. Và thực chất khả năng đối kháng này ở 2 kiểu: 1. Nếu nuôi cấy đồng thời nấm Trichoderma và nấm bệnh thì loài nào mọc ở phần của loài ấy, khả năng này tôi gọi là khả năng ức chế. 2. Nếu nuôi cấy nấm bệnh trước, sau đó mới cấy Trichoderma lên, khi Trichoderma phát triển thì chúng phân hủy nấm bệnh, khả năng này tôi gọi là khả năng tiêu diệt nấm bệnh. Hiện nay, việc nghiên cứu các sản phẩm chủ yếu theo tư duy ức chế nấm bệnh là chính và thậm chí việc tìm ra các dòng có khả năng tiêu diệt nấm bệnh cũng không phải là dễ.Nói về kiểu ức chế nấm bệnh. Các cơ chế ức chế nấm bệnh của Trichoderma ở trên muốn có hiệu quả cần phải thỏa hai điều kiện: a. Có khả năng ức chế nấm bệnh và b. Có khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh với một số lượng đủ (trên thực tế đồng ruộng). Thực tế, trong tự nhiên, việc sinh trưởng và phát triển nhanh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố đặc biệt là dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm và pH. Trong điều kiện trồng hồ tiêu, những yếu tố này khó mà đạt được điều kiện tối ưu cho Trichoderma phát triển. Và nếu chúng ta có thể tạo điều kiện tối ưu này cho Trichoderma phát triển thì nó cũng là điều kiện tối ưu cho các nấm bệnh khác phát triển. LỢI BẤT CẬP HẠI.
Thực tế một điều không phải cứ Trichoderma thì có khả năng kháng nấm bệnh. Trong hàng ngàn chủng mà chúng tôi đã chọn lọc có khoảng 1 nửa có khả năng kháng nấm bệnh trong điều kiện phòng thí nghiệm, có khoảng chục chủng có khả năng ức chế nấm bệnh và chỉ có 1-2 chủng có khả năng kháng nấm bệnh trên điều kiện thực tế ở đồng ruộng.
2. Tùy loại bệnh khác nhau mà Trichoderma có phát huy tác dụng hay không. Trichoderma không phải là chìa khóa đa năng, ổ khóa nào cũng mở được. Chính vì bà con nông dân chưa hiểu hết về điều này nên cứ hễ thấy bệnh là thấy Trichoderma. Nhiều khi chính cái khóa vàng của bà con lại làm hư toàn bộ ổ khóa.
4. Quy trình nhân giống Trichoderma nếu không đúng cách hoạt lực sẽ giảm. Trichoderma tốt là loại Trichoderma phân lập được từ tự nhiên qua quá trình thuần hóa, nuôi dưỡng, nhân sinh khối, hoạt hóa giống, phục hồi giống một cách đúng đắn. Nếu có bước nào đó sai thì hoạt lực sẽ giảm, khi ra tự nhiên nó chẳng còn có tác dụng gì.
5. Quy trình nhân giống Trichoderma nếu bị nhiễm (có thể do hoạt lực yếu, có thể do loại vi sinh vật nhiễm đó Trichoderma không kháng được) có thể gây hại gấp mười thậm chí gấp trăm lần cái lợi nó mang lại. Đơn giản bởi vì khi bị nhiễm các chủng nhiễm thường nhiễm từ tự nhiên, chúng có hoạt tính mạnh và thích nghi nhanh với tự nhiên. Đồng thời số lượng chúng lớn sẽ át chết các loại nấm hữu ích. Điều này đã và đang diễn ra trên thực tế đồng ruộng của Việt Nam. Đặc biệt bà con dùng thuốc diệt nấm làm suy yếu Trichoderma rất nhiều.
6. Để mở khóa thành công không chỉ sử dụng 1 chìa khóa Trichoderma. Hệ vi sinh vật trong tự nhiên là một hệ vi sinh vật cân bằng động. Sự cân bằng này là sự cân bằng giữ vi sinh vật có lợi và vi sinh vật có hại. (Thực ra, đối với tự nhiên chẳng loại vi sinh vật nào có lợi và cũng chẳng loại vi sinh vật nào có hại. Tất cả là vi sinh vật của tự nhiên. Việc có lợi hay có hại chỉ do con người quy định và trong một hoàn cảnh cụ thể). Ngoài tự nhiên có hàng trăm nghìn loại gây bệnh, nhưng cũng có hàng trăm nghìn loại có ích và tự nhiên thì luôn luôn cân bằng động. Hãy sử dụng chìa khóa Trichoderma đúng cách (đúng phẩm chất, liều lượng và mục đích) để điều khiển sự cân bằng chứ không phải để áp đặt. Do đó, Số lượng Trichoderma phải cân bằng với nguồn dinh dưỡng. Nếu nguồn dinh dưỡng mất cân bằng với số lượng của Trichoderma sẽ dẫn đến sự phát triển quá mức có thể lợi trở thành hại. Do đó, bà con hãy tạo điều kiện thuận lợi cho Trichoderma phát triển tốt ở trong tự nhiên bằng cách sử dụng nền hữu cơ cho vườn nhà mình.
Phần 2: Tôi xin kể về việc Trichoderma không phải là thuốc trị bá bệnh bằng câu chuyện Ông Võ Tòng đả hổ cho bà con nông dân nghe.
Ngày xửa ngày xưa có một ông tên là Võ Tòng. Ông này võ nghệ đầy mình. Ông này đúng là một chàng trai có triển vọng để đối chọi lại những cái xấu xa trong xã hội đương thời. Một hôm Võ Tòng đi lạc vào rừng và phát hiện ra khả năng đả hổ của mình. Từ đó mọi người xưng tụng ông là Anh hùng đả hổ. Đó là câu chuyện mà ai cũng từng nghe. Tuy nhiên, ai biết được rằng khi đi vào rừng, Võ Tòng chỉ gặp có mỗi một con hổ. Nếu giả sử 1 mình Võ Tòng mà gặp cả một bầy hổ hay một rừng hổ thì sao. Chắc là ông ấy đã nổi tiếng với cái danh hy sinh mình để nuôi hổ. Đấy là chưa kể, trong rừng không những có hổ mà còn có rắn rít, bọ cạp, báo, trăn, . . .và rất nhiều thứ đối chọi đáng sợ khác đối với Võ Tòng và đối với con người. Như vậy, Võ Tòng muốn được coi là toàn diện thì phải có khả năng đả được hết những mối nguy hiểm như thế. Nhưng trên đời này làm gì có cái gì là hoàn hảo, là tuyệt đối. Ngoài ra, chưa kể là ông ấy đi một mình, chứ giả sử ông ấy còn phải bảo vệ người khác đi theo thì sao. Thêm nữa, đấy là Ông Võ Tòng của Thi Nại Am mới đả được hổ của Thi Nại Am và chỉ do Thi Nại Am cho rằng ông Võ Tòng ấy có khả năng đả hổ. Trên đời này có rất rất nhiều, rất nhiều người tên Võ Tòng nhưng chỉ có Võ Tòng của Thi Nại Am mới có khả năng đả hổ.Cũng may Thi Nại Am chỉ cho 1 Tây Môn Khánh võ công yếu xìu và một Phan Kim Liên không có võ công đối chọi với Võ Tòng. Nếu ông Thi Nại Am này mà thả 1 đàn Tây Môn Khánh ra thì có mà Võ Tòng chỉ có nước ngáp ngáp mà thôi.
Một người giống với Võ Tòng nhất là Võ Đại Lang (Anh ruột của Võ Tòng). Cùng là anh em mà sao khác thế nhỉ. Có thể nói nhà họ võ thì rất nhiều người giỏi võ. Nhưng không phải tất cả người nhà họ Võ đều giỏi võ như Võ Tòng. Giả sử không phải là Võ Tòng mà là Võ Đại Lang vào rừng gặp hổ thì sao nhỉ. Mười Võ Đại Lang hay 100, 1000 Võ Đại Lang thì cũng thế thôi. Nếu vào rừng mà gặp hổ thì chỉ tốn cơm mà chạy trốn cho nhanh chứ làm sao đả hổ được.
Với thế giới hiện đại, chúng ta có thể nhân bản Võ Tòng lên nhiều lần. Nhưng việc nhân bản này đòi hỏi những kỹ thuật và hiểu biết nhất định. Không phải là cứ lấy Võ Tòng thảy vào cơm hay cá hay thức ăn gì đấy mà bạn chẳng biết Võ Tòng có thích ăn hay không thì việc đó rất tù mù. Đó là không kể dù bạn cho thức ăn gì thì sự thoái hóa, sự biết đổi và lẫn tạp đều có thể xảy ra. Nhân Võ Tòng mà ra Võ Đại Lang hay Tây Môn Khánh hay Phan Kim Liên thì mọi việc còn tệ hại hơn là không nhân. Quá trình nhân, Võ Tòng càng ngày càng suy yếu vì cho ông ấy vào môi trường không phù hợp. Văn ôn võ luyện quả không sai. Nếu cứ để Võ Tòng sống trong cảnh nhung lụa không rèn luyện thì chỉ cần một thời gian ngắn mọi thứ kỹ năng chiến đấu của ông sẽ tiêu tan. Trong khi đó, Tây Môn Khánh càng ngày càng khỏe mạnh vì trên đời, cái ác thường tồn tại dai dẳng và chờ điều kiện thuận lợi phát triển mạnh.
Mặc dù được xưng tụng là anh hùng nhưng sau này khi gia nhập Lương Sơn Bạc thì ông cũng chỉ là cướp mang danh quân tử. Liệu ông đã giúp ích gì cho đời. Thậm chí cả Lương Sơn đủ 108 vị anh hùng cũng làm được gì. Vấn đề là sự thiếu phương pháp sử dụng dẫn đến loạn, mất cân bằng. Nếu nắm trong tay những công cụ tốt mà không biết dùng cũng hỏng. Thậm chí những công cụ tốt đó biết đâu đấy một ngày nó trở thành ngược lại thì sao.
Phần 3: Một và suy tư
Tôi nắm trong tay Trichoderma mà nhiều người mơ ước: Có khả năng phát triển mạnh trong tự nhiên, đa kháng vi sinh vật gây bệnh, đa kháng các loại thuốc diệt nấm (Cái này chỉ tôi mới có vì chúng tôi đã nghĩ đến chuyện này và làm rồi). [Cũng xin nhấn mạnh và nhắc mọi người là đừng mất công phân lập làm gì. Khi bạn phân lập được Trichoderma trong sản phẩm của tôi trên môi trường nhân tạo thì nó không còn là nó nữa rồi]. Việc có được Trichoderma không phải chỉ là việc đi mua, đi xin hay đi nhặt từ đâu đó như người nào đó vẫn làm và phát miễn phí cho người dân. Trichoderma mà chúng tôi có được phải qua nhiều bước sàng lọc, phải đổ mồ hôi và công sức ra mới có được. Từ những lần âm thầm làm và thất bại chúng tôi mới có kết quả như ngày hôm nay. Trong quá trình chúng tôi nhân Trichoderma lên không có loại nào khác có thể phát triển được. Đây là điều đảm bảo về phẩm chất và số lượng của Trichoderma khi ra ngoài tự nhiên. Chúng tôi có thể chuyển những thành tựu này cho người nông dân. Nhưng ai đảm bảo được rằng khi nhận được những gì chúng tôi chuyển giao thì bạn mang lại lợi ích cho người dân và ngay cả cho chúng tôi nữa.Trong xã hội nông nghiệp hiện nay của Việt Nam, một người đạp ga ba người đạp thắng thì làm sao mà chúng ta tiến lên được. Thực ra, tôi cũng đã bán phân hai ba năm nay. Một điều mà tôi khó hiểu là khi dùng phân của tôi mang lại lợi ích tại sao phải xé nhãn không cho nhà bên cạnh biết. Tại sao từ Hóc Môn phải chạy xuống Bà Rịa mua và xé nhãn đi. Nếu ai thấy ruộng nhà bác đẹp và muốn xin một ít về thử thì còn đổ thêm cả thuốc trừ cỏ vào cho ruộng nhà bên chết chơi. Ngay trên diễn đàn này tôi nhờ các bác nông dân chia sẻ kinh nghiệm, nhưng có ai tự giác làm. Tôi không trách các bác. Các bác ngại, các bác sợ sai, nói ra họ chê cười. Kiến thức chúng tôi không thiếu, cái chúng tôi thiếu là quan sát thực tế. (Nhân đây xin cảm ơn một số bác nông dân đã chỉ bảo cho “Thầy Quân” về những điều mình quan sát được). Điều này chẳng có gì là xấu cả. Chúng tôi còn bận với học trò, bận với công việc của mình. Chúng tôi đâu thể sáng sáng ra vườn ngắm gốc tiêu đến chán không về như các bác nông dân. Nếu chúng tôi cũng có những quan sát thực tế như thế từ ngày này qua ngày khác thì chúng tôi lại chẳng thể có kiến thức chuyên môn. Nếu chúng ta không biết kết hợp thì làm sao mà tiến được.
Chúng ta cứ kêu gào khi nào nông nghiệp Việt Nam như Israel. Thực ra chúng ta cứ nghe, nhìn bề nổi của nông nghiệp israel. Chúng ta đâu biết được bản chất thật sự trong đó là gì. Các thế hệ học trò của tôi đã đi làm thực tập sinh ở israel. Họ chia sẻ lại cho tôi nghe những câu chuyện mà tôi mới hiểu bản chất của vấn đề. Chúng ta cứ kêu gào trên lý thuyết là liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh. Ở đâu việc này được thực hiện thực tế thì ở đó có thành công. Theo lời kể của học trò tôi thì ở israel người nông dân chỉ biết quản lý trang trại của mình. Phân bón có 1 công ty chở đến theo định kỳ. Khi cây bị bệnh họ gọi lên cái gì đó giống như hợp tác xã, lập tức có các nhà khoa học xuống trị dứt điểm. Nhưng không phải các nhà khoa học đi làm miễn phí. Người dân khi bán hàng xong phải trích một khoản cho nhà khoa học. Đấy, như vậy nó mới bền các bác ạ.
Em định tặng các bác nông dân quy trình nhân mốc Trichoderma. Bởi vì em biết rằng một ai có học có hành ở trường lớp mà chẳng biết gì nhưng đang thể hiện “sự ngu dốt cộng nhiệt tình trở thành kẻ phá hoại” hoặc là “lợi dụng những cái sai của người khác để đúc kết ra cái đúng cho mình”. Tôi ghi nhận sự nhiệt tình vì cộng đồng của ai đó. Nhưng ai đó hãy hiểu cho rằng đây không phải là chuyện giỡn chơi. Cái gì mình chưa thật sự chắc chắn mình đưa ra kêu gọi mọi người thử. Một người thử bị hư, hai người thử bị hư, hàng trăm hàng ngàn người thử bị hư hết và toàn dân làm hư hết. Đó là cái hại chia đều nên chúng ta cứ nghĩ nó nhỏ. Hãy gộp lại xem nó có nhỏ hay không? Thà đừng làm gì có khi cây không bị bệnh. Cứ làm theo kiểu mò mẫm như vậy lợi bất cập hại. Nhất là việc làm đúng có lợi một thì việc làm sai hại trăm lần mà chúng ta không thể nào sửa lại trong một sớm một chiều. Tôi biết ai đó có ý muốn giúp cộng đồng, nhưng tôi cũng đọc được trong đó sự vụ lợi. Tôi đọc được những điều bất thường từ những việc của ai đó. Xin hãy dừng lại và học hỏi rồi đưa ra những cái gì hợp lý nhất nếu ai đó còn có lòng tự trọng. Biết rằng xã hội còn tồn tại những điều chướng tai gai mắt và định phá bỏ nó bằng cách tặng cho nông dân quy trình nhân Trichoderma đã nghiên cứu từ lâu. Nhưng khi nói ý định này ra cho mọi người xung quanh thì ai cũng gàn đi. Đơn giản không phải họ có lợi ích gì trong đó mà họ sợ cho em. Sợ cũng phải. Bởi một mình Trichoderma thì chưa làm được gì nhiều. Nếu cho vào tay người nông dân một công cụ sắc bén mà họ không biết cách dùng cho đúng có khi lại làm hại họ. Từ đó họ quay qua đổ thừa tại mình. Thực ra đễ giải quyết vấn đề hiện nay thì điều quan trọng nhất mà bà con nên làm là CÂN BẰNG SINH THÁI. Sự cân bằng sinh thái trong quá trình trồng tiêu mới là chìa khóa để thành công. Còn những cái như Trichoderma, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cỏ trồng xen thực chất chỉ là các công cụ để điều khiển sự cân bằng vốn có của tự nhiên. Đừng sử dụng những công cụ một cách tùy tiện làm mất cân bằng sinh thái.
Tóm lại, nếu các bác nông dân thực sự muốn nhân giống Trichoderma hãy cử ra ba người đại diện mà các bác thấy có tâm nhất liên hệ em. Em sẽ hướng dẫn cho mà làm. Và xin các bác đừng lên facebook mà nói xấu em. Ai nhận định em không có chuyên môn, hoạt động của em tầm phào trên facebook hay những vấn đề đại loại như em đang làm marketing hay PR cái gì đó thì ai cũng biết nó là cái gì. Những người xung quanh em chê em xấu, chê em dốt, chê em dở hơi, chê em tự cao tự đại, sinh viên chê thầy ác hay chê nọ chê kia có mà đầy ra đấy. Em cũng chẳng sống vì cái đó. Em sống vì những người yêu quý em, thấy em có ích thế thôi.
BÙI HỒNG QUÂN
P/s: Tình cờ thấy bài viết hay hay trên Internet nên post lên để bà con trồng tiêu tham khảo, mong tác giả hoan hỷ
0 comments:
Đăng nhận xét