Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

11/10/15

I. CÁC NGUYÊN TỐ ĐA LƯỢNG.

+ Chất Đạm (N= Nitrogen)

Cây trồng hấp thụ chất đạm ở dạng ion NH4+ và NO3- .

Đạm là nguyên tố đa lượng cực kỳ quan trọng với cây trồng vì đây là nguyên tố cấu tạo nên tế bào. Đạm là thành phần chính của protein và diệp lục tố (Nguyễn Ngọc Đệ, năm 2008.)  Chất đạm được cung cấp bởi các loại phân bón phổ biến hiện nay như URE có chứa 45-46% N, phân SA có chứa 20-21% N hoặc từ các loại phân hổn hợp NPK như 20-20-15, 16-16-8-13S…..

Trong điều kiện đất ngập nước ( trồng lúa), hệ số sử dụng chất đạm khoảng 40%.  Như vậy, khoảng 60% lượng đạm được bón vào đất đã bị mất đi do bốc hơi ( NH4+  -> NO3 - > N 2 +,  bị trực di xuống lòng đất và bị rữa trôi trong quá trình canh tác. ( Võ Tòng Xuân, Hà Triều Hiệp, năm 1998. )

Trường hợp bón phân đạm trong điều kiện không ngập nước như khi trồng Cao Su, Cà Phê, Hồ Tiêu, Cây Ăn Trái, Rau Màu…., hệ số sử dụng chất đạm còn thấp hơn nghĩa là sự thất thoát N còn cao hơn.

Để tăng hệ số sử dụng chất đạm, trong canh tác, cần chôn vùi đạm vào tầng khử thay vì chỉ rãi trên bề mặt.  Một số nước như Mỹ, Đức, Nhật…. người ta đã sản xuất ra các loại phân URE được bọc trong parafin,lưu huỳnh… nhằm hạn chế việc mất đạm và cung cấp đạm cho cây trồng hấp thụ từ từ.

+ Chất Lân (P = Phospho)

Cây trồng hấp thu chất Lân dưới dạng H2PO4- và HPO4 --.

Lân là nguyên tố đa lượng quan trọng thứ hai sau chất đạm. Trong một số trường hợp, vai trò của chất lân quan trọng hơn chất đạm vì lân trở thành yếu tố giới hạn năng suất như trường hợp canh tác trên đất phèn.

Lân là nguyên tố cấu tạo nên tế bào. Tác dụng của chất lân đến sự hình thành sinh khối thể hiện ở nhiều mặt :

+  Làm tăng sự phát triển của rễ nhất là cây trồng ở giai đoạn đầu, cây còn nhỏ.

+  Cần cho sự hình thành tế bào mới, tạo lá, tạo chồi, sự phân hóa hoa và tạo trái, tạo hạt vì lân là thành phần cấu tạo nên acid nucleic.

+  Là thành phần của chất sinh năng cực kỳ quan trọng là ATP ( Adenosin Triphosphate)

Hiện nay, trên thị trường, chất lân được cung cấp từ các loại phân bón phổ biến như Super Lân  Ca (H2PO4)2 có chứa trung bình 12-15% P2O5(Oxid Lân), Phân Lân nung chảy ( Thermo Phosphate) có 10-12% P2O5, DAP ( Diamonium Phosphate) (NH4)2HPO4 có 45-46% P2O5,  MAP (Mono Amonium Phosphate) NH4H2PO4 có chứa 60-61% P2O5, MKP (Mono Potasium Phosphate) KH2PO4 có 52% P2O5,  các loại phân NPK như 23-23-0, 20-20-15,  16-16-8-13S…..

Trong canh tác, nhất là trên đất phèn có nhiều ion Fe, Al di động, chỉ số pH thấp hoặc trên đất kiềm có chứa nhiều cation Ca, Mg  việc bón phân lân vấp phải một trở ngại cực lớn là hệ số sử dụng chất lân rất thấp, chỉ khoảng từ 23-30% ( Võ Minh Kha,1996.). Trong những trường hợp nầy, khi bón phân lân vào đất, ion phospho dể tiêu hòa tan trong dung dịch đất để rễ cây trồng hấp thụ đã bị Fe, Al hoặc Ca, Mg biến thành hợp chất trơ phosphate Fe, Phosphate Al hoặc Phosphate Ca, Phosphate Mg . Từ chất lân dể tiêu hữu dụng cho cây trồng, khi bị cố định bởi Fe,Al hoặc Ca, Mg, chất lân hữu dụng nầy đã bị biến thành hợp chất lân bất dụng nằm tích lũy trong đất từ năm nầy qua năm khác trong suốt quá trình canh tác.

Trên đất phèn trồng lúa của vùng đồng bằng Sông Cửu Long, việc rất nhiều nông dân dùng phân lân cao cấp DAP để “trị” phèn là giải pháp canh tác rất thiếu sáng suốt vì đấy là một sự lãng phí cực lớn về mặt khoa học và cả về tiền của  trong đầu tư. Áp dụng các biện pháp tổng hợp trong canh tác lúa trên đất phèn như  sử dụng nước, giống lúa, cày xới, mương phèn, bón vôi, bón phân lân nung chảy….sẽ hiệu quả hơn.

Đất phèn là đất thiếu lân, nhưng đất thiếu lân chưa hẳn là đất phèn bởi vì ở nhiều vùng đất không có phèn, nhưng khi bón lân vào đất, lân dể tiêu đã bị nhiều chất có trong đất nhanh chóng cố định lại, biến chúng thành những hợp chất trơ, những hợp chất lân hữu cơ khó tiêu….cây không hấp thu được.

+ Chất Kali (K= Kali =Potassium )

Cây trồng hấp thụ kali dưới dạng cation K+.

Kali không phải là nguyên tố cấu tạo vì người ta không tìm thấy kali ở bất cứ thành phần hợp chất nào tạo nên thực vật (Võ Minh Kha, năm 1996.). Tuy nhiên, vai trò của Kali ngày càng được khẳng định vì các tính chất quan trọng rất đặc thù của nguyên tố này :

·       Kali tăng cường và điều hòa hiệu suất quang hợp để tạo ra carbohydrate và sản sinh ra ATP, một nguồn năng lượng cực trọng cho mọi phản ứng sinh hóa học bên trong của cây.

·       Kali giúp vận chuyển carbohydrate vào các cơ quan cần chuyển vận tới , giúp sự vận chuyển nước, vận chuyển các chất dinh dưỡng.

·       Kali kích hoạt trên 60 loại enzyme liên quan đến sự sinh trưởng,phát triển của cây trồng. Lượng kali vào được trong dịch bào sẽ quyết định rất nhiều đến tốc độ phản ứng xảy ra trong cây.

·       Kali kích hoạt sự đóng mở khí khổng để cây trao đổi CO2, O2, hơi nước…Khi thiếu kali,việc đóng khí khổng bị chậm, đình trệ,đưa đến việc hơi nước thoát nhiều, cây bị héo.

·       Dù không phải là nguyên tố cấu tạo tế bào, nhưng kali làm tăng sức bền của biểu bì, giúp cây chống đổ ngã.  Ngoài ra, Kali cùng với Calci, Silic…là những nguyên tố giúp chống lại bệnh gây hại cho cây trồng.

Hiện nay, kali được cung cấp từ các loại phân chuyên dùng cho bón rễ phổ biến như KCl, K2SO4, 20-20-15….hoặc các loại phân bón lá cung cấp chất kali như KNO3, KH2PO4…..

Trên thị trường, ít năm trở lại đây, một số nơi đã dùng loại phân chuyên cho bón rễ là K2SO4 để làm phân bón lá với các tên gọi khác nhau như Kali Tan, Siêu Kali….Cần hết sức thận trọng trong trường hợp sử dụng K2SO4 để phun xịt vì rất dể gây cháy lá, rụng bông, rụng trái.

Việc bón phân kali có rất nhiều ý kiến khác nhau giửa các “trường phái”, nhưng thực tiển sản xuất đã minh chứng, vai trò của Kali quyết định rất lớn đến năng suất và chất lượng nông sản nhất là sử dụng phân Kali ở giai đoạn ra hoa đậu trái.

Ruộng lúa ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ,tùy loại đất có được ngập trong mùa lũ hay không, lượng kali ( K2O) có thể sử dụng để bón ở mức 30-45 kg/ha/vụ. Trong một số trường hợp ruông lúa quá tốt,thừa đạm, có thể sử dụng 50-60 kg K2O/ha.

Để hạn chế bớt sự lãng phí kali do bị các phiến sét kềm giử, phun kali dưới dạng phân bón lá sẽ mang lại hiệu quả rất cao nhất là ở giai đoạn lúa làm đòng, và sau trổ. Trên cà phê, hồ tiêu, các loại cây ăn trái, rau màu lấy quả,…. phun phân bón lá có chứa kali ở dạng dể hấp thụ, sẽ mang lại kết quả rất tốt.

II.CÁC NGUYÊN TỐ TRUNG LƯỢNG .

+ Chất Lưu Huỳnh (S= Sulphur)
Cây trồng hút S dưới dạng Sulphate SO4--.

Trên đất phèn,trên đất có chứa nhiều hữu cơ hoặc trên đất chứa nhiều sét ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, lưu huỳnh có hàm lượng rất cao trong đất, nhưng anion SO4--  kết hợp với Fe, Al thành Fe2(SO4)3 hoặc thành Al2(SO4)3  hoặc bị keo đất giử chặt, nên cây không sử dụng được. Đây rỏ ràng là một điều nghịch lý, hàm lượng S trong đất cao nhưng cây bị thiếu, thậm chí trong điều kiện đất bị yếm khí, S ở dạng thể khí H2S  sẽ rất độc cho bộ rễ cây trồng như trong trường hợp lúa bị ngộ độc hữu cơ.

Ngược lại, trên vùng đất có thành phần cơ giới nhẹ, vùng đất nhiều cát, vùng đất xám bạc màu ở Miền Đông và cả trên vùng đất đỏ basalt đã canh tác nhiều năm ở Miền Đông và Tây Nguyên, tình trạng thiếu S trong đất ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Vai trò chính của S trong sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng được biết đến :

·       S là thành phần cấu tạo tế bào : S tham gia vào thành phần của một số hợp chất hữu cơ, các Amino Acids, Vitamins, các Enzym nội sinh.

·       S có mặt trong các protein có chứa sắt, hình thành Chlorophyll nên ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình quang hợp của cây.

·       Gốc –SH ở trong cấu trúc tế bào chất giúp cây trồng chống lại tình trạng mất nước khi trời nắng nóng,khô hạn.

Cây trồng khi thiếu S sẽ biểu hiện và đưa đến một số hậu quả xấu :

·       Lá vàng bị do mất diệp lục, đầu tiên xãy ra trên lá non ,dần lan toàn cây giống như trường hợp thiếu N.

·       Trên cây lúa, khi thiếu S, bộ rễ phát triển kém, đẻ nhánh yếu ớt, đốt thân ngắn và vách đốt mỏng, lúa thấp, bông ngắn ít hạt và tỉ lệ lép cao.

·       Trên cây cà phê, các loại cây ăn trái, tình trạng thiếu S cũng làm cho bộ rễ khó phát triển, khả năng ra tượt phát cành kém, đốt ngắn, lá vàng, tỉ lệ rụng hoa cao, trái phát triển rất kém.

Các loại cây họ đậu, họ cà, rau cải,trà, cà phê, cao su….là những cây rất cần S.

Sử dụng các loại phân bón có gốc Sulphate như  SA, Super Lân, K2SO4, NPK 16-16-8-13S….trên các loại cây trồng như Cao Su, Cà Phê, Hồ Tiêu…là giải pháp rất tốt để vừa cung cấp N,P,K vừa cung cấp nguyên tố S hết sức cần thiết cho các loại cây trồng nầy.

+ Chất Magie (Mg = Magnesium)

Cây trồng hấp thu magie dưới dạng ion Mg++.

Ma-nhê là nguyên tố rất dể bị rửa trôi nhất là ở những loại đất có nhiều cát, đồi dốc.

Trên đất phèn, ngoài lân, Canxi  thì ma nhê cũng là một chất bị thiếu nghiêm trọng. Trong trường hợp nầy, ion H+ đẩy Mg++ ra khỏi phức hệ keo đất làm cho đất càng thiếu Mg trầm trọng hơn.

Khi bón nhiều phân Đạm và phân Kali, các ion hóa trị 1 như NH4+, K+ sẽ thay thế Mg trong hệ hấp thụ của keo đất, đẩy Mg ra dung dịch đất và do đó, Mg càng dể bị rữa trôi. Do vậy,một vấn đề cần được chú ý hơn là khi bón nhiều kali, hãy chú ý tới việc cung cấp Mg cho đất và cho cây trồng.

Tỉ lệ Mg trao đổi / Mg tổng số là khoảng 6,3% nhưng trên đất nhiều cát, MgO tổng số chỉ khoảng 80ppm, trên đất nhiều thịt MgO tổng số khoảng 110ppm và trên đất có nhiều sét là khoảng 190ppm.

Cung cấp Mg cho cây trồng nên căn cứ vào nhu cầu cây và loại đất ( chua,phèn,mặn…) hơn là căn cứ vào tính chất vật lý của đất.

Về vai trò sinh lý của ma nhê trong đời sống thực vật, có những điểm rất quan trọng sau :

·       Mg là yếu tố cấu tạo tế bào thực vật : là thành phần tạo nên Chlorophyll, nên khi cung cấp đủ Mg, lá có màu xanh, cây quang hợp tốt.

·       Mg ảnh hưởng đến việc hình thành Protein, Glucid  và Lipid.

·       Mg ảnh hưởng đến quá trình hút và vận chuyển chất lân, khi cung cấp đầy đủ Mg, hiệu quả sử dụng chất Lân của cây trồng sẽ được tốt hơn.

·       Trên đất phèn, hiệu quả khi sử dụng Mg cho cây trồng rất cao. Trên các loại cây đa niên như Cao Su, Cà Phê, Hồ Tiêu, Cây Ăn Trái….Mg không chỉ giúp tăng năng suất mà còn làm tăng chất lượng nông sản. Mg cũng giúp cây chống hạn được tốt hơn nhờ tăng tính giữ nước trong dịch bào của cây.

·       Các cation như NH4+, K+, Ca++….có tính đối kháng với Mg, do vậy khi sử dụng URE, KCl, K2SO4, bón Vôi, nên chú ý bổ sung Mg cho đất và cho cây. Bón MgSO4.7H2O với liều lượng trung bình 50-60kg/ha /năm góp phần hạn chế tình trạng thiếu Mg.

+ Chất Canxi. (Ca = Calcium)

Cây trồng hấp thụ Ca dưới dạng Ca++.

Canxi là nguyên tố rất khó di động trong cây. Do vậy, ngoài việc bón vào đất , Canxi rất cần được cung cấp bằng cách phun xịt trực tiếp lên thân,lá và cả lên trái.

Canxi là thành phần của một số Enzym liên quan chặt đến quá trình trao đổi chất trong cây. Một tính chất rất quan trọng khác của canxi chính là sự điều chỉnh độ pH của dịch bào, tạo sự cân đối giữa các yếu tố dinh dưởng khác như  K+, Na+, Mg++….

Canxi ảnh hưởng chặc chẻ đến sự hình thành rễ non, đến đỉnh sinh trưởng của cây để tạo ra sinh khối mới.

Canxi làm dầy và vững vách tế bào, giúp cây chống đổ ngã, nứt trái đặc biệt góp phần chống lại sự xâm nhiểm của nấm và vi khuẩn gây hại.

Trong điều kiện trồng cây trên đất phèn, vai trò Canxi đặc biệt quan trọng để giảm ngộ độc Fe,Al và giải độc hữu cơ cho đất lúa. Trên đất nhiểm mặn, canxi cũng đóng vai trò tích cực để giải độc mặn do natri.

Bón vôi (canxi) vào đất sẽ giúp cho nấm hữu ích Trichoderma sp phát triển và ngược lại,sẽ khống chế nấm  Fusarium sp gây hại trên cây trồng. Ngoài ra, bón canxi cũng làm tăng khả năng hấp thu Kali và Molybden của cây .

Ngoài cây lúa trên đất phèn,cây đậu phọng trên đất nhẹ rất cần canxi, nhu cầu canxi cho cây cao su cũng rất cao để có nhiều mũ và độ cao. Các loại cây trồng khác như cà phê, cây ăn trái hoặc rau màu các loại như dưa hấu,ớt, cà chua….đều rất cần canxi.

Nguồn cung cấp canxi cho đất và cho cây, có thể sử dụng các loại như : đá vôi nghiền CaCO3 có tỉ lệ CaO khoảng 45-55%,  Vôi nung chứa khoảng 85-90% CaO,  Thạch cao CaSO4 có khoảng 30-35% CaO, Thermo Phosphate  có chứa khoảng 28-34% CaO. Loại vôi được sử dụng phổ biến và hiệu quả nhất  là vôi tôi hydrocid Ca(OH)2 có tỉ lệ CaO khoảng 50-70%. Vôi tôi là sự kết hợp giửa vôi nung và nước với tỉ lệ 1:1. Chú ý, khi tưới nước vào đá vôi nung, nhiệt độ tăng lên cao khoảng 150 độ C, để cho vôi nguội hoàn toàn mới được sử dụng. Về lượng vôi tôi để rãi, tùy loại đất mà dùng số lượng khác nhau , trung bình khoảng 500 kg-750 kg/ha/năm. Nên rãi vào đầu vụ và cày xới để trộn vôi vào đất. Chú ý, không trộn vôi với phân đạm và phân lân khi rãi. Cần bón vôi trước khi bón các loại phân khác vào đất ít nhất 10 ngày và có tưới nước cho vôi hòa tan vào đất. Trong việc ủ phân chuồng, cũng không nên đưa vôi vào vì khả năng mất đạm sẽ tăng lên cao.

Trường hợp cung cấp canxi qua dạng phun qua lá, có thể sử dụng Calcium Nitrate Ca(NO3)2 có hàm lượng CaO khoảng 26% hoặc Calcium Chloride  CaCl2 có hàm lượng CaO khoảng 51%. Với cả 2 loại nầy, nồng độ pha vào nước để phun xịt là khoảng 3- 3,5 phần ngàn.( 3-3,5 gram/1 lít nước)

Bón vôi  là chìa khóa để thành công khi trồng cây ở đồng bằng Sông Cửu Long ( Nguyễn Bảo Vệ, năm 2009.). Tuy nhiên, khi bón vôi liên tục qua từng vụ, từng năm,cần chú ý cung cấp thêm chất Đồng và Bo vào đất.

+ Chất Silic.


Si là nguyên tố cấu tạo tế bào.

Vai trò Silic thể hiện rỏ nhất ở 3 điểm chính :

·       Tạo dựng vách tế bào dầy, cứng chắc.

·       Góp phần chống lại sự xâm nhiểm của nấm và vi khuẩn. Ngoài Kali, Canxi thì Silic là nguyên tố góp phần giúp cho cây lúa chống lại bệnh cháy lá lúa hay còn gọi là bệnh đạo ôn (Blast)

·       Si làm giảm sự bốc thoát hơi nước thông qua khí khổng nên giúp cây chống nóng và chống hạn tốt hơn.

Trong tất cả các loại cây trồng đều có mặt của Silic nhưng họ hòa thảo là là loại mà hàm lượng Silic chiếm rất cao. Nếu căn cứ vào nhu cầu, vào sự hấp thu của Cây Lúa, có thể xếp Silic vào nhóm dinh dưỡng đa lượng. Người ta thấy rằng, nếu năng suất lúa đạt 8,6 tấn/ha, lượng silic mà cây lúa đã hút từ đất là 890 kg SiO2/ha ( Võ Minh Kha, năm1996.). Trong điều kiện trồng cây ở đất ngập nước, hàm lượng SiO2 dể tiêu để cây hấp thụ cao hơn so với cây trồng cạn.

Ngoài nguồn cung cấp SiO2 có sẳn trong đất, nguồn từ xác bả thực vật nhất là rơm rạ được cày vùi sau thu hoạch, nguồn Si có thể kể đến từ : Phân Lân Nung Chảy có chứa khoảng 28-32% SiO2,  Phân TV Super Vi Lượng của Cty TRÍ VIỆT có chứa trên 35% SiO2.

III.CÁC NGUYÊN TỐ VI LƯỢNG.

Vi lượng là những chất mà cây trồng sử dụng rất ít, đơn vị tính thường là phần triệu (ppm). Mặc dù cây trồng cần rất ít,nhưng nó lại cực kỳ quan trọng cho sự sinh trưởng phát triển của cây trồng, các phản ứng sinh hóa xảy ra trong cây đều cần đến các enzyme xúc tác và chính các chất vi lượng liên quan chặt chẽ đến việc nầy. Việc hình thành diệp lục, sự tổng hợp protein, carbohydrate,lipid, viatamin….đều có sự tham gia của các nguyên tố vi lượng. Tuy nhiên, hầu hết các chất vi lượng đều khó di động trong cây, do vậy, muốn cây hấp thụ được các nguyên tố vi lượng thông qua bộ rễ hoặc qua lá, các cation có hóa trị 2 đều phải được chuyển qua dạng chelate (Phức chất vòng càng). Nếu sử dụng ở dạng thô như dùng MnSO4, CuSO4, ZnSO4…..hiệu quả sử dụng sẽ cực thấp. Sau đây là vài nguyên tố vi lượng quan trọng gắn liền với việc canh tác của nông dân.

+ Chất Kẽm (Zn = Zinc )

Cây trồng hút kẽm dưới dạng ion có hóa trị 2 : Zn++.

·       Kẽm là nguyên tố cấu tạo tế bào, tạo ra các mô mới, do vậy, kẽm liên quan chặc chẻ và trực tiếp đến sự phát triển của bộ rễ, sự đâm chồi, tạo cành lá, sự phân hóa hoa, ra bông đậu trái.

·       Kẽm ảnh hưởng đến việc hình thành Chlorophyll của cây nên liên quan trực tiếp đến quá trình quang hợp để tạo ra carbohydrate .

·       Kẽm là thành phần của một số amino acids, là tiền chất của một số auxin nội sinh, nên liên quan chặt chẽ đến sự sinh trưởng và năng suất của cây trồng.

·       Kẽm ảnh hưởng đến sự tổng hợp các hợp chất quan trọng của cây như carbohydrate, protein, phospholipid….

·       Kẽm là thành phần của một số enzyme xúc tác các phản ứng sinh hóa quan trọng trong đời sống của cây.

·       Kẽm là nguyên tố khó di động trong cây.

Nguyên nhân thiếu kẽm có thể do một trong những nguyên nhân sau :

+  Do canh tác liên tục lâu năm mà không bón kẽm để hoàn trả.

+ Sự xoáy mòn,rữa trôi do mưa, nhất là ở vùng đồi dốc làm cho đất bị suy thoái,thiếu kẻm.

+ Đất mặn hoặc đất kềm có chứa nhiều CaCO3, MgCO3.

+ Đất nhiều hữu cơ hoặc bón quá nhiều phân chuồng.

+ Bón nhiều phân lân.

Những biểu hiện & hậu quả khi thiếu kẽm của cây trồng tiêu biểu :

+ Thể hiện trên lá non : lá nhỏ, hẹp so với lá bình thường , lá màu vàng nhạt ( cây tiêu) và đôi khi gân lá vẫn còn xanh( cây có múi).

+ Rễ ra kém, đầu chóp rễ đôi khi bị đen, cây đẻ nhánh kém (lúa), cây đâm tượt kém, yếu ớt, cành dể khô, chết cành (cây ăn trái).

+ Bông lúa nhiều hạt lép. Trên cây có múi, bông ra hoa thành chùm,hoa rất nhiều,nhưng bông bị rụng, trái nhỏ và chua. Trên cà phê,tình trạng bị khô đầu cành, hạt lép và trái bị hư khô xảy ra. Trên cây ăn trái nói chung, hoa và trái bị rụng nhiều.

+ Năng suất và chất lượng nông sản đều giảm thấp rỏ rệt.

Nguồn cung cấp chất kẽm :

Có thể nói, kẽm cần thiết cho mọi cây trồng : cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn trái nhất là cây có múi.  Riêng lúa là loại cây trồng cần kẽm nhiều nhất so với tất cả các nguyên tố vi lượng khác.

Hiện nay, rất nhiều nông dân đã ý thức được tầm quan trọng của nguyên tố kẽm, do vậy, họ đã bón kẽm cho vườn cây rất nhiều. Tuy nhiên, tất cả chỉ bón kẽm ở dạng thô là sulphate kẽm ZnSO4.7H2O có chứa 23% Zn. Nhưng việc bón sulphate kẽm ở dạng thô như vậy chỉ tốn nhiều tiền mà hiệu quả cực thấp vì không có sự tương thích với rễ cây, đồng thời kẻm có thể bị oxid hóa thành ZnO , hoặc bị biến thành ZnCO3…rất khó hòa tan.

Bón hoặc phun kẻm ở dạng Chelate mới có hiệu quả trong sử dụng cho cây trồng .

+ Chất đồng (Cu)

Cây hút đồng ở dạng ion có hóa trị 2 : Cu++.

·       Đồng là nguyên tố cấu tạo tế bào, tạo ra các mô mới : hình thành rễ, thân cành lá và liên quan chặt chẽ đến sự phân hóa hoa.

·       Đồng liên quan đến việc hình thành diệp lục, các sắc tố và tổng hợp carbohydrate.

·       Đồng ảnh hưởng đến việc tổng hợp auxin nội sinh,vitamin,enzyme.

·       Đồng liên quan đến việc đóng mở khí khổng, tính chịu hạn và nắng nóng.

·       Đồng giúp cây chống chịu nấm và vi khuẩn gây hại.

·       Đồng là nguyên tố khó di động trong cây.

Các nguyên nhân gây ra thiếu đồng :

+ Do đất thoái hóa vì nông dân chỉ bón phân N,P,K mà không bón vi lượng trong đó có đồng.

+ Đất nhiều phèn, tình trạng thiếu đồng càng nặng. Phân tích mẫu đất phèn trồng lúa ở Tân Thạnh-Long An, hàm lượng đồng cực thấp ( Cty Trí Việt, năm 2010)

+ Đất bón nhiều vôi, nhiều đạm càng đưa đến tình trạng thiếu đồng nặng hơn.

Các biểu hiện khi thiếu đồng :

+ Thể hiện trên lá non,lá nhỏ lại, màu xanh nhạt và trắng màu khi thiếu đồng nặng.

+ Rễ phát triển kém, bông lúa nhiều hạt lép, bạc đầu. Cây có múi thường bị xì mủ đầu cành.

+ Khả năng ra hoa kém vì đồng ảnh hưởng trực tiếp đến việc phân hóa mầm hoa. Năng suất,chất lượng nông sản đều thấp.

Việc cung cấp đồng :

Dùng đồng ở dạng thô CuSO4.5H2O có chứa 25% Cu nhưng khi bón vào đất hoặc phun xịt hiệu quả sử dụng cực thấp. Chỉ sử dụng đồng ở dạng chelate thì mới có hiệu quả.  Vài thuốc trừ bệnh gốc đồng ở dạng hydrocide (Copper hydrocide) như Kocide,Champion, ngoài việc phòng trị bệnh do nấm và vi khuẩn, đồng trong sản phẩm nầy cây hấp thu dể dàng nên góp phần bổ xung nguyên tố đồng cho cây.

+ Chất Bo ( B=Boron)

Cây hút Bo dưới dạng anion B4O7--, HBO3--.

Vai trò của Bo có nhiều, ở đây xin nêu vài điểm chính :

·       Bo liên quan đến việc thành lập tượng tầng của cây, liên quan chặt đến sự phát triển đỉnh sinh trưởng và việc ra rễ của cây.

·       Bo ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hạt phấn, làm tăng tỉ lệ thụ phấn thụ tinh.

·       Bo ảnh hưởng đến việc thành lập tầng rời, thiếu Bo, dể dẫn đến rụng hoa,rụng trái.

·       Bo tổng hợp chlorophyll, hoạt hóa diệp lục trong quá trình quang hợp, ảnh hưởng đến sự thành lập auxin nội sinh trong cây.

·       Bo ảnh hưởng đến sự đóng mở khí khổng, điều hòa sự bốc thoát hơi nước, chống khô hạn và nắng nóng.

Nguyên nhân gây thiếu Bo.

Kết quả phân tích đất phèn trồng lúa ở Long An của CTY TRÍ VIỆT năm 2010 cho thấy, hàm lượng Bo trong đất chỉ dạng vệt, gần như không có.

Đất trồng trọt lâu ngày không cung cấp Bo cũng như sự rữa trôi làm cho tình trạng thiếu bo nặng hơn.

Việc bón nhiều vôi, đạm và kali mỗi vụ,mỗi năm càng làm cho sự thiết hụt Bo ngày càng nghiêm trọng.

Nguồn cung cấp Bo :

Ngoài lượng Bo có trong nước mưa hàng năm cung cấp khoảng 20g/ha, lượng Bo được cung cấp cho đất chủ yếu qua phân chuồng. Tuy nhiên sự rữa trôi và lượng Bo mà cây trồng đã lấy đi hàng năm từ đất khoảng 0,2-0,3kg/ha càng làm đất bị suy kiệt chất Bo.

Có thể sử dụng Borax Na2B4O7.5H2O có chứa 14,9% Bo hoặc Acid Boric H3BO3 có chứa 17.5% Bo. Liều lượng bón vào đất khoảng 10-12,5 kg/ha/năm.

Biện pháp nhanh và hiệu quả nhất là phun phân bón lá có chứa Bo vào các thời điểm trước khi cây ra hoa, vào giai đoạn cây đang mang trái.

+ Molybden (Mo)

Molybden không chỉ liên quan đến sự cố định đạm mà Mo ảnh hưởng trực tiếp đến sự phân hóa hoa nhất là trên các cây thuộc họ đậu , cây họ bầu bí như dưa hấu, dưa leo, khổ qua và trên họ cà như cà chua,ớt….Nhu cầu Mo của cây trồng rất nhỏ nhưng Mo lại có những vai trò rất đặc biệt trong các phản ứng sinh lý sinh hóa trong cây. Phản ứng oxid hóa-khử trong quá trình hô hấp, sự khử CO2 và hoạt hóa diệp lục trong quá trình quang hợp đều có vai trò của Molybden.

Trong đất, hàm lượng Mo thường rất thấp chỉ khoảng vài phần triệu ( 2ppm). Mo trong đất thường là anion có hóa trị 4,5 và 6. Trong điều kiện đất chua, ion Mo ngoài việc bị keo đất hấp thụ, Mo còn bị kết hợp bởi Fe, do vậy, tình trạng thiếu Molybden luôn xãy ra. Cách khắc phục tốt nhất là phun sản phẩm phân bón lá có chứa Mo cho lúa, cho các loại cây trồng kể cả cà phê.

Ngoài ra, trong canh tác, có thể cung cấp Molybden cho cây bằng cách sử dụng Na2MoO4.2H2O có chứa 40-45% Mo hoặc sử dụng (NH4)2MoO4 có 49-52% Mo.

+ Sắt (Fe)

Thông thường khi nói đến nguyên tố sắt (Fe) trong trồng trọt, nhiều người chỉ nhìn ở khía cạnh độc hại của nó. Điều nầy đúng một phần vì khi hàm lượng Fe trong đất cao,nhất là trong điều kiện yếm khí, ion sắt nhị hòa tan trong dung dịch đất đã phá hủy, gây hư hại rất nặng cho bộ rễ cây trồng.

Hàm lượng sắt trong đất thường cao và có biến động rất lớn. Kết quả phân tích Fe trong đất phèn của CTY TRÍ VIỆT tại Kiên Giang và Long An năm 2011 cho thấy có sự biến động lớn từ 0,86% đến 2,56%. Trong đất thoáng khí, sắt có hóa trị 3 và thường ở dạng oxid,hydrocid hoặc Silicat .

Về vai trò tích cực của sắt, trước hết cần đề cập đến là sự tham gia trực tiếp vào sự sinh trưởng và phát triển cây trồng thông qua việc tham gia vào thành phần của diệp lục tố và xúc tiến hình thành các enzyme trong cây.

Các sản phẩm phân bón xuất xứ từ Mỹ thường có hàm lượng sắt chelate rất cao trong dung dịch : 4-5%. Nhiều sản phẩm dùng Chelate Fe  để biến lá từ vàng do thiếu sắt trở thành xanh khi cung cấp đủ Fe.

Cũng gần giống như trường hợp sulphur trên đất phèn, việc nồng độ cao  Fe++ và Fe+++ hòa tan trong dung dịch đất làm hư rễ cây không đồng nghĩa với việc cây đủ Fe.

+ Mangan (Mn).

Cây trồng hấp thụ mangan dưới dạng ion có hóa trị 2 : Mn++.

Mn là nguyên tố khó di động trên cây và việc bón mangan vào đất hiệu quả không cao nhất là khi sử dụng mangan ở dạng thô như MnSO4.4H2O.

Cũng như nhiều nguyên tố vi lượng khác, vai trò chính của mangan liên quan chặt chẽ đến việc hình thành diệp lục,việc phân hóa hoa và ảnh hưởng đến các quá trình sinh lý,sinh hóa khác trong cây như sự hút chất dinh dưỡng, sự khử CO2 trong quá trình quang hợp, sự tổng hợp carbohydrate,protein, vitamin, auxin và đặc biệt là các enzyme.

Trên đất phèn trồng lúa việc gây độc của Mn không đáng kể so với Al và Fe.

Do Mn là nguyên tố khó di động trên cây, nên biểu hiện thiếu Mn xãy ra trên lá non, lá bị loang lổ vàng dù gân lá vẫn còn xanh và kích thước lá không bị biến dạng hay hep lại. Trong trường hợp nầy,phun phân bón lá có chứa chelate Mn là biện pháp hữu hiệu để cung cấp Mn khi cây bị thiếu hụt.

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com